Hiển thị các bài đăng có nhãn Chính Trị. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Chính Trị. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2022

Nguyễn Xuân Thọ:Tiền không phải là tất cả – Nhưng đủ sức tạo dựng và tàn phá bóng đá.

Facebook: Tho Nguyen

2022 FIFA World Cup

Giải WC 2022 đã chỉ rõ sức mạnh của đồng tiền ở 2 trường hợp: Bóng đá Đông Á và Đông Âu.


Qatar hy vọng dùng tiền để nâng đội bóng của mình lên tầm thế giới, như họ đã làm trong hàng không, vũ trụ, truyền hình, giáo dục đại học, dầu khí v.v. Nhưng bóng đá khó hơn nhiều. Một nước với gần một triệu công dân và chỉ có 6.000 người biết đá bóng thì khó thể hy vọng vào một nền bóng đá mạnh. Có chăng chỉ là một nền bóng đá gà nòi. Các nước nhỏ như Croatia vẫn có thể có nền bóng đá mà ai cũng nể, vì đằng sau đó là cả một dân tộc hâm mộ. Người Qatar kéo đến sân xem đội nhà vì lòng tự hào, vì nghĩ rằng đội nhà sẽ oai lắm, chứ không mấy ai hâm mộ bóng đá. Khi đội nhà thua Ecuador đến quả thứ hai thì họ bỏ về hết, để cho các cầu thủ tội nghiệp cô đơn trên sân nhà. Đó không phải fan của một nền bóng đá. Tiền không mua được lòng hâm mộ là vậy.


Nhưng trường hợp của Nhật và Hàn quốc thì khác hẳn. Tại CHDC Đức năm 1968 tôi đã được xem trực tiếp đội tuyển Olympic Nhật ở Mexico. Khi họ thắng Nigeria và hòa Tây-Ban-Nha, hòa Brazil ở vòng bảng, chúng tôi đã gào khản cố vì mừng vui cho dân da vàng. Cuối cùng, đội Nhật giành huy chương đồng. Khi đó không phải vô cớ mà cả thế giới nói về “Nguy cơ da vàng“.


Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2022

Phạm Đình Trọng: Người nghèo bị bỏ rơi, người giầu được chăm bẵm, nuông chiều

Facebook Phạm Đình Trọng

1. Gần nửa thế kỉ hoà bình gây dựng cuộc sống, qua mười đại hội đảng cộng sản cầm quyền, đại hội nào cũng chói lọi chữ vàng, rộn ràng lời ca mục tiêu cao cả của đảng: Dân giầu, nước mạnh, xã hội dân chủ, văn minh.

Nhưng chỉ có hầu hết quan chức đảng, quan chức nhà nước cộng sản nhanh chóng giầu lên bất thường, giầu lên vùn vụt. Nhà quan biệt phủ nguy nga ở trong nước, ở ngoài nước. Coi ảnh bà cục trưởng cục Lãnh sự bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Hương Lan vẻ mặt hà hê mãn nguyện trước cơ ngơi toà ngang dãy dọc bên nước Mỹ, ô tô sang đậu nối tiếp trên sân rộng thênh thang, bên thảm cỏ miên man thì biết sự giầu có của quan cộng sản.

Ở nước nghèo, quan vẫn có cuộc sống giầu sang hơn cả những ông hoàng xăng dầu Ả Rập. Con quan ra nước ngoài rải tiền mua cuộc sống vương giả, rải tiền mua học phí đắt đỏ ở trường danh tiếng rồi mang mảnh bằng đại học danh giá về tót lên ghế quan. Lại hối hả vơ vét làm giầu, vinh thân phì gia.


Thứ Ba, 29 tháng 11, 2022

Nguyễn Xuân Thọ: Tiền không phải là tất cả–nhưng mua được chính trị

2022 FIFA World Cup

Tiền không phải là tất cả

Trận mở màn World Cup 2022 đã khẳng định một điều. Nhiều tiền không giúp được gì mấy cho bóng đá. Ecuador, đội bóng trung bình của Nam Mỹ đã giúp đội Qatar, đương kim vô địch châu Á mở mắt. Biển cả khác xa ao nhà, dù là cái ao to.

Qatar sống trên núi tiền từ dầu mỏ đã đạt được khá nhiều. Có tiền thì một triệu người Qatar có thể sai khiến 2 triệu nô lệ để làm cho xứ sở của họ trở thành tâm điểm thế giới. Không chỉ giải World Cup 2022 đầy tranh cãi, mà rất nhiều sự kiện thể thao và chính trị khác đã được tổ chức ở Doha. Qatar đã trở thành một siêu cường mini, thao túng các xung đột ở Trung Đông. Qatar đang là một đế quốc hồi giáo khiến cả thế giới phải bàn với họ mỗi khi muốn đạt được điều gì ở Afghanistan.

Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2022

Từ Thức: Thay Đổi Tư Duy, Dễ Hay Khó ?

Trong một bài trước (Tại sao, 47 năm sau, vẫn chưa có thay đổi ở VN?) (1), người viết đã đặt câu hỏi: tại sao, sau gần nửa thế kỷ, một chế độ kỳ quái là chế độ Cộng Sản (CS) vẫn ngự trị trên đầu gần 100 triệu người, ở thế kỷ 21 ?

Trả lời: bởi vì CS đã thành công trong công cuộc ‘’thụ nhân’’ (trồng người) ở miền Nam, sau khi đã thành công ở miền Bắc. 

Sau gần nửa thế kỷ, CS đã tạo được một thế hệ những người dân hài lòng với thân phận nô lệ của mình, không tìm cách ra khỏi nhà tù nữa. Những người nhai đi nhai lại những câu thần chú: ngày nay, VN không thua ai, có tiền là có tất cả; xứ nào cũng có tham nhũng; thời nào cũng có bất công.

Muốn thay đổi xã hội, phải thay đổi tư duy. 

Người dân chỉ đòi thay đổi chế độ, nếu ý thức được mình đang nằm trong một nhà tù lớn, ý thức được xã hội sẽ bế tắc, tương lai con cháu họ sẽ đen tối, nếu coi chuyện mất nước là chuyện của thiên hạ, không phải chuyện của một cá nhân nhỏ bé như mình. 

Hai câu hỏi đặt ra:

1.Thay đổi tư duy: dễ hay khó ?

2.Thay đổi tư duy: chuyện có thể làm được, hay chỉ là mơ mộng viển vông ? (2)


Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2022

Trần Đông A: Giải mã sự yêu gét đối với Gorbachev ở Việt Nam

Đó là bài học đắt giá từ những diễn biến tiêu cực trong mấy thập kỷ qua, làm triệt tiêu thành quả Đổi Mới từ thập kỷ thời Gorbachev – Trần Xuân Bách. Và giờ đây, Việt Nam vẫn đang sa lầy giữa ngã ba đường ý thức hệ.

TBT Nguyễn Phú Trọng muốn giải quyết vấn đề kiểm soát quyền lực và tham nhũng mà không phải thay thể chế, tức là không phải thay đổi mô hình đảng trị (party rule) bằng pháp quyền (rule of law).

Nhớ “cơn sốt Gorby” ngày ấy và bây giờ… Được biết nước Nga của Putin không tổ chức quốc tang Gorbachev và ĐCSVN của Nguyễn Phú Trọng cũng không chia buồn với gia đình ông, tôi thấy chính trị thật là bạc bẽo. May mà còn có mấy lời ai điếu cảm động từ các nguyên thủ châu Âu và Hoa Kỳ. Đó mới đúng là những chính khách lịch lãm và có văn hóa…

Trần Đông A

Đón vị Giáo sư – Trưởng khoa tại sân bay quốc tế Nội Bài vào một trưa mùa hè oi ả năm 1987. Giáo sư đến thăm Viện tôi theo thỏa thuận giữa hai Đại học. Vừa vứt áo com-lê vào chiếc Volga nóng như một lò thiêu, ông phàn nàn ngay: “Sao chú mày không mang về Hà Nội một ít ‘gió’ của ‘tư duy mới’ và ‘peresroika’? Bức bối như thế này thì tao chỉ sang Hà Nội lần này là lần cuối”. Suốt từ Nội Bài về Nhà Khách Chính phủ ở 12 Ngô Quyền, câu chuyện giữa chúng tôi xoay quanh cơn sốt “Gorbymania” (cuồng Gorbachev) ở nước ông và ông muốn tôi cho biết phản ứng của Hà Nội thế nào. Giáo sư tỏ phấn khích khi tôi nói về “tư duy mới” và ghi nhận chính sách vừa ban bố của Liên Xô đối với châu Á có nhiều điều khá hấp dẫn.

“Gorbymania” ngày ấy và bây giờ…

Tâm lý “mê Gorbachev” (Gorbymania) là hoàn toàn có cơ sở khách quan ở Việt Nam thời bấy giờ. Đại hội ĐCSVN lần thứ VI (15 – 18/12/1986) là một Đại hội lịch sử, xét cả về mặt nội trị lẫn xây dựng Đảng. Rất nhiều tài liệu nước ngoài ghi nhận rằng, chính sách perestroika (cải tổ), glasnot (công khai), cùng với 2,88 tỷ USD (được quy đổi từ đồng Rúp) tiền viện trợ của Matxcơva đã khiến Hà Nội vững tin hơn để chấn chỉnh có hạn chế cách điều hành kinh tế kiểu cũ, thực chất là bỏ dần các sai lầm tự mình gây ra, về sau được gọi là “Đổi Mới”. Việt Nam vừa thoát khỏi hàng chục năm chiến tranh ác liệt, lại phải đương đầu chống Khmer Đỏ do Trung Quốc chống lưng, tiếp theo là đối phó với cuộc xâm lược của chính Trung Quốc tại 6 tỉnh biên giới. Trong bối cảnh ấy, ĐCSVN chỉ còn mỗi hy vọng, dựa vào Liên Xô để triển khai kế hoạch kinh tế 5 năm tiếp theo.


Trần Thái Tĩnh: Đổi mới chưa trọn- Nhớ về Trần Xuân Bách ‘hạt mầm Gorbachev' ở Việt Nam (Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ TP.HCM)

Truyền thông Việt Nam và trên thế giới tuần này đang đăng nhiều bài, cả khen cả chê về cựu TBT, Tổng thống đầu tiên của Liên Xô vừa qua đời, ông Mikhail Gorbachev (1931-2022).

Đã có các ý kiến nhắc rằng nhờ công cuộc Cải tổ - Perestroika mà Việt Nam có Đổi mới.

Nhưng ít ai ở Việt Nam hiện nay nói về sự xuất hiện của một 'hạt giống Gorbachev' ở Hà Nội khi đó, ông Trần Xuân Bách.

Sự lóe sáng rồi lụi tàn của Trần Xuân Bách trên chính trường Việt Nam để lại một thứ Cải tổ tật nguyền, mà hệ quả đang khiến Việt Nam rơi vào ngõ cụt của cải cách chính trị.

Xin nhắc lại bối cảnh năm 1986. Từ sau Đại hội Đảng CSVN lần thứ VI, TBT Nguyễn Văn Linh đã có các trao đổi cao nhất với TBT Gorbachev về đường hướng thay đổi ở VN. Liên Xô cho công bố các điều này trên báo Pravda ngày 20/5/1987. Ông Gorbachev cho biết:

“Tôi và đồng chí Nguyễn Văn Linh đã thảo luận chi tiết về các vấn đề phức tạp của hợp tác Việt-Xô... và cùng nhau nhận định rằng các mặt yếu kém của quan hệ này đã hiện ra rõ ràng và không còn phù hợp với tình hình hiện tại. Chúng tôi đồng ý rằng cơ chế kinh tế và hình thức hợp tác phải tương ứng với nhu cầu và của thời cuộc và tăng tính hiệu quả”.

Theo các nguồn Phương Tây, viện trợ của Liên Xô cho Việt Nam đến đầu 1982 vẫn không giảm, thậm chí còn tăng lên trên 1 tỷ USD năm đó, theo nghiên cứu của Sally Stoecker. Tính ra 1 tỷ USD thời đó – mà Liên Xô viện trợ cho VN bằng ruble – tương đương 2,88 tỷ bây giờ.

Bất đồng về việc chi tiêu đồng tiền của Liên Xô sao cho hiệu quả là lý do đầu tiên khiến Gorbachev nhấn mạnh đến nhu cầu buộc lãnh đạo Việt Nam phải đổi mô hình quản lý kinh tế.

Tuy nhiên, phải đọc thật kỹ tác phẩm nổi tiếng “Bên thắng cuộc” của nhà báo Huy Đức, đặc biệt là toàn bộ Chương 13, mới thấu cảm hết sự cọ xát quyết liệt giữa xu hướng trì trệ và bảo thủ với làn gió mới khai phóng và cấp tiến trên thượng tầng chính trị VN giai đoạn từ năm 1987 đến khi ông Bách buộc phải rời chính trường.

Riêng phần hồi ức về giai đoạn đầy “máu lửa” này, thiết tưởng đường link sau đây sẽ cho bạn đọc một bức tranh toàn cảnh và chân thực về tầm nhìn và tư tưởng của một vị “Bí thư Trung ương Đảng” vô tiền khoáng hậu trong lịch sử ĐCSVN.


Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2022

Hạo Nhiên: Nội bộ ĐCSVN có thật sự đoàn kết?

(VNTB) – Lúc này ĐCSVN đang trong tình trạng chia rẽ, phân tán lớn nhất từ trước đến nay

 Đoàn kết là vấn đề sống chết của một tổ chức. Nhưng ĐCSVN từ ngày là một tổ chức bí mật có sự đoàn kết nội bộ đảng không? Câu trả lời là không. Không những là không mà lúc này ĐCSVN còn đang trong tình trạng chia rẽ, phân tán lớn nhất từ trước đến nay.

Sự tranh chấp, kèn cựa mất đoàn kết và dẫn đến thanh toán lẫn nhau trong ĐCSVN hoàn toàn diễn ra trong bí mật, hoặc che đậy bằng nhiều hình thức khác. Nhiều vụ chưa được phanh phui, nhiều vụ người ngoài chỉ suy đoán, tuy vậy có những vụ bị phơi bày công khai. 

Năm 1987 Một đảng viên kỳ cựu làm việc trong Thành Ủy Tp Hồ Chí Minh, tên Bảy Thành, bị nhốt trong Chí Hòa vì có những tư tưởng chống ‘bọn Bắc Kỳ”. Ông được cho nằm bệnh xá, cùng với Quốc Vụ Khanh của chính phủ VNCH Nguyễn Tiến Hỷ. Ông ở đó, nhất định không tiếp vài đồng chí thân trong đảng, như bà Nguyễn Thị Định, đến tận nơi muốn nói chuyện với ông, nhưng ông niềm nở giúp đỡ vài tù nhân chính trị bị buộc tội ‘cưa ghế’ nằm bệnh xá. Có nhiều chuyện tranh giành, đấu đá nội bộ từ ngày đảng còn trốn chui trong bưng cho đến khi chiếm được miền Nam được ông kể ra.

Từ ngày “đoàn kết, thống nhất” thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng đã nảy ra mầm chia rẽ. Những năm 1925 – 1929 các đảng cộng sản bắt đầu nhen nhúm ở Việt Nam. Tháng 3-1929, Chi bộ Cộng sản đầu tiên được thành lập với 7 thành viên. Từ chi bộ “hạt nhân” này, Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập ngày 17-6-1929 tại Hà Nội. Trong khi đó Tổng bộ Thanh niên và Kỳ bộ Nam Kỳ cải tổ thành An Nam Cộng sản Đảng trong tháng 8-1929 đã có hàng trăm đảng viên. 


Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2022

Y Chan: Đọc “xã hội hài hòa” của Trung Quốc - Biết để soi mình, hiểu để rùng mình

 Một xã hội hài hòa trong lý tưởng, hay thế giới rừng xanh thời hiện đại?

Bạn hỏi cưới người mình mong muốn. Đám cưới chuẩn bị diễn ra. Nhưng bố mẹ vợ chưa yên tâm, tìm đến chính quyền hỏi về “điểm số xã hội” của con rể tương lai. Hạnh phúc trăm năm của bạn vì vậy vẫn treo lơ lửng.

Bạn tìm được một ngôi trường lý tưởng để gửi gắm con. Đứa trẻ cũng thích thú với môi trường mới. Bạn có mọi điều kiện như những phụ huynh khác. Nhưng khi nộp đơn, trường từ chối nhận con bạn với lý do “điểm số xã hội” của cha mẹ thấp hơn tiêu chuẩn.

Với cùng lý do “điểm số xã hội” không đạt chuẩn, bạn có thể bị cấm đi máy bay ra nước ngoài, bị cấm đi xe lửa qua tỉnh khác, thậm chí bị cấm không được bước vào quán ăn ở đầu ngõ.

Những ai trong tình cảnh trên giống như đang bị cầm tù dù không ở đằng sau song sắt – đó là thứ ai cũng dễ nhìn thấy.

Điều mà nhiều người không nhìn ra, hay không muốn nhìn ra, là bất kỳ ai ở trong một môi trường như vậy đều là những tù nhân, hay nói khó nghe hơn, là những nô lệ thời hiện đại.

Quyển sách “We Have Been Harmonized: Life in China’s Surveillance State” của Kai Strittmatter, nhà báo Đức đã dành hơn một thập niên tìm hiểu về Trung Quốc, giúp người đọc hình dung chi tiết về một xã hội như vậy.

Đó là nơi được gắn nhãn “xã hội hài hòa” nhưng lại mang đầy đặc điểm của một thế giới rừng xanh thời hiện đại.

 

Đầy tớ và các ông chủ

Những trường hợp kể ra lúc đầu, được lấy trong sách, là những gì đã và đang diễn ra ở nhiều nơi tại Trung Quốc.

Các điểm số ở đây nằm trong một thứ được gọi là “hệ thống tín dụng xã hội” (social credit system).


Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2022

Hà Sĩ Phu: Búa liềm phải chắp vá thế nào trước kỷ nguyên trí tuệ?

Bài tham gia cuộc Hội thảo năm 2008 “TRÍ THỨC LÀ AI?”, do GS Phan Đình Diệu chủ trì, đã công bố trên báo, đã in mẫu “Phiếu đăng ký tham gia”, nhưng không hiểu vì sao cuối cùng cuộc Hội thảo lại không được phép diễn ra.

Ở Việt Nam ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, năm 1930 Trí thức từng được xếp số 1 trong chuỗi bốn kẻ thù TRÍ PHÚ ĐỊA HÀO cần “đào tận gốc, trốc tận rễ”. Nhưng rồi thế cục xoay vần, năm 2008 này, sau một khoá họp trung ương của Đảng Cộng sản, Trí thức đã được kéo lên, xếp hàng cuối trong chuỗi ưu tú “CÔNG NÔNG TRÍ”. Chừng ấy năm trời, từ “kẻ thù” số 1 được chuyển lên thành “đồng chí” số 3 cũng quý lắm rồi!

Lịch sử đã trôi 78 năm, tức đã quá tuổi một người thọ “xưa nay hiếm”, hôm nay chúng ta lại phải thảo luận để tìm một định nghĩa cho loại công dân “quái dị” này: TRÍ THỨC LÀ AI? Không “quái dị” sao được, khi loại công dân này luôn làm cho Đảng đau đầu, trước đây đã bị “xuống chó” nay lại được “lên voi”, dẫu loại “voi” nhỏ con này vẫn rất cần có quản tượng cầm búa cầm liềm đứng bên chế ngự!

TRÍ THỨC có ba đặc điểm, hay ba tính chất:

1/ Tính chất tự do và không ranh giới: Người Trí thức có thể đi sâu vào một lĩnh vực nhất định, nhưng không bị khoanh vùng trong lĩnh vực đó, trong quốc gia đó. Sự phân chia thành các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, văn hoá, văn nghệ, chính trị, đạo đức, kinh tế, quốc gia, quốc tế, con người, nhân loại… vân vân… đều chỉ là những sự phân chia tương đối, quy ước, tạm thời. Sự phát triển và liên tưởng của lô-gích tư duy sẽ vượt qua những ranh giới ấy.

2/ Tính chất tiên phong và phát hiện, dự báo: Bởi được trang bị bằng hai công cụ đặc biệt là kho tri thức ngàn đời của nhân loại đã đúc kết thành các khoa học và sức nhạy cảm chủ quan của bộ óc cá nhân, những người Trí thức như những “bộ máy dò” tiên phong vô cùng nhạy cảm, nó bay về muôn phương, nó cảm ứng lập tức với những cái mới, cái bất thường, nó xâu chuỗi lập tức những quan hệ tuyến tính, những quan hệ thuận quy luật và trái quy luật. Học vấn tuy là điều kiện cần thiết tất yếu cho đặc điểm này, nhưng cũng chỉ là những điều kiện làm nền, điều kiện ban đầu thôi, chưa hề đầy đủ để tạo nên Trí thức.


Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2022

Nguyễn Quang Dy: Nên hiểu thế nào về hiện tượng Kissinger

 “Nếu muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh” (Si vis pacem, para bellum).

Henry Kissinger là một cây đại thụ trong lịch sử ngoại giao Mỹ suốt năm thập kỷ qua, đã sống gần 100 tuổi nhưng không chịu ngồi yên. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (Davos, 23/5/2022), ông đã một lần nữa làm dư luận dậy sóng khi khuyên Ukraine nhượng đất cho Nga để đổi lấy thỏa thuận hòa bình. Nên hiểu thế nào về hiện tượng Kissinger? Liệu cây đại thụ Kissinger còn minh mẫn hay đã lỗi thời? Phải chăngKissinger định bắt chước Neville Chamberlain (thủ tướng Anh, 1937-1940) khi “nhân nhượng” Adolf Hitler (9/1938)?     

Chamberlain đã ngây thơ tin rằng nếu đối xử với Hitler “một cách thực tế và nghiêm túc” thì có thể thuyết phục được Hitler về hiệu nghiệm của hòa bình. Chamberlain cấm BBC và các báo đưa tin về chủ trương “nhân nhượng” (appeasement). Đó là biện pháp mà Nixon và Kissinger cũng áp dụng. Chamberlain vẫn ảo tưởng khi Đức chiếm Austria (3/1938). Tại Munich (9/1938), Anh và Pháp đã ép Czechs đầu hàng Đức. Ông không thông báo hay đề nghị nội các chấp thuận và không tham vấn Quốc hội trước khi đàm phán với Hitler. 

BBC đã cấm Winston Churchill và những người phản đối nhân nhượng không được lên sóng. Với đa số của Đảng Bảo thủ tại Hạ viện, Chamberlain cố dập tắt sự chống đối tại Quốc hội với lập luận ai chống đối là phản quốc. Khi Hitler xâm lược Ba Lan (9/1939), Chamberlain không còn lựa chọn nào khác nên phải tuyên bố chiến tranh với Đức, nhưng chỉ chiến tranh giả vờ (phony war) cho đến khi từ chức để Winston Churchill lên thay (10/5/1940). Cùng ngày, Hitler đã tấn công Tây Âu bằng đòn chớp nhoáng (blitzkrieg). 

Bài học xưa và nay

Cũng như nhiều người khác, tôi đã từng ngưỡng mộ Henry Kissinger với các tác phẩm kinh điển như “Ý nghĩa của Lịch sử” (the Meaning of History, 1950) và “Một Thế giới được Phục hồi” (A World Restored, 1957). Nhưng sau khi thấy rõ những gì ông ấy đã làm trong chiến tranh Việt Nam và nội chiến Bangalis, tôi đã phải nhìn nhận lại. Kissinger đúng là một cây đại thụ trong lịch sử ngoại giao Mỹ đã từng làm đảo lộn thế giới, nhưng bàn tay ông ấy đã nhúng chàm diệt chủng (genocide). Sẽ nguy hiểm và ảo tưởng nếu người ta nghe theo ông ấy với trò chơi realpolitik để một lần nữa làm đảo lộn thế giới (in reserse).


Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2022

Thu Hà: Hội nghị Trung ương 5 và nội tình của đảng

Hội nghị Trung ương 5 khoá 13 của đảng cộng sản Việt Nam sẽ nhóm họp vào ngày 4-5-2022 và dự kiến sẽ bế mạc sáng 10-5-2022. Thông tin cho hay, hội nghị lần này ngoài việc “lập trình” và định hướng các nội dung cho kỳ họp thứ 3 quốc hội khoá 15 diễn ra từ ngày 23-5 đến 17-6-2022, thì nội dung còn lại chỉ tập trung vào xây dựng tổ chức đảng, chỉnh đốn đảng và kỷ luật đảng. Ngoài ra, Bộ Chính trị trình đề nghị trung ương bàn và thông qua việc thành lập Ban phòng chống tham nhũng và tiêu cực cấp tỉnh.

Đúng như nhiều đồn đoán, ông Nguyễn Phú Trọng không có ý định chuyển giao quyền lực để rút lui khỏi chính trường lúc này. Ba lý do mà phe ông Trọng loan ra: Một là thời điểm chưa “chín muồi”, hai là chưa có được sự đồng thuận cao trong đảng cho nhân sự kế vị, ba là dân chúng mong ông Trọng ngồi hết nhiệm kỳ để “đốt lò”.

Sau cú đột quỵ ở Kiên Giang hồi tháng 4-2019, ngày 6-4-2022, ông Nguyễn Phú Trọng “vi hành” đoạn đường dài hơn…150km để thăm tỉnh Quảng Ninh. Có lẽ ông Trọng muốn minh chứng cho đồng đảng thấy được sức khoẻ của ông vẫn ổn, không vấn đề gì.

Thật ra, nguyên nhân lớn nhất buộc ông Trọng ở tuổi 78 phải ngồi lại là, do nội bộ đảng ở thượng tầng đang lục đục, các phe nhóm chính trị tranh quyền không nhượng. Trước thềm hội nghị 5, trong hai ngày 28 và 29-4-2022 khi Vương Đình Huệ thăm Trà Vinh, Vĩnh Long, thì Phạm Minh Chính cũng làm việc ở Sóc Trăng. Hình như cả hai nhân vật ứng viên sáng giá kế vị chiếc ghế Tổng Bí thư đang tranh thủ lấy lòng các đồng chí Nam Bộ.

Những cuộc “so găng” để hạ bệ lẫn nhau đã thành truyền thống trong đảng CSVN. Chỉ cần tung bằng chứng một trong ba yếu tố: Có vấn đề về lý lịch và lập trường, sai phạm trong đạo đức và lối sống, tham nhũng và bảo kê; thì lập tức một chính trị gia sẽ nhanh chóng trở thành tội đồ của đảng.

Hội nghị Trung ương 5 lần này, dự kiến là hai Uỷ viên BCH Trung ương Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long sẽ lên “thớt”, do dính vào đại án Việt Á. Nhẹ thì bị cách chức, nặng thì có thể bị đuổi ra khỏi Trung ương đảng khoá 13  như trường hợp Trần Văn Nam, bí thư tỉnh Bình Dương.


Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2022

Nguyễn Quang Dy: Thách thức và cơ hội sau Ukraine

Thế giới vẫn chưa thoát khỏi đại dịch Covid-19 thì cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine đã ập tới như một thảm họa kép, với những hệ quả khó lường. Sau hơn một tháng chiến tranh đẫm máu, nhiều thành phố Ukraine đã bị hủy diệt, làm hàng vạn người chết và vài triệu người phải chạy ra nước ngoài tị nạn. Nhưng chính phủ Zelensky vẫn dũng cảm chiến đấu và đứng vững trước một đổi thủ mạnh hơn nhiều lần, làm thế giới phải khâm phục. Mỹ và các đồng minh NATO gắn kết hơn bao giờ hết, đang cấm vận Nga và viện trợ cho Ukraine.

 

Nga và Trung Quốc

Theo Richard Haass (Foreign Affairs) trên thực tế có hai cuộc chiến tranh: một cuộc chiến tranh của Nga chủ yếu nhằm hủy diệt các thành phố Ukraine, và một cuộc chiến tranh của quân đội Ukraine chống lại quân đội Nga. Nếu Nga thắng cuộc chiến thứ nhất, thì Ukraine đang thắng cuộc chiến thứ hai. Tất cả phụ thuộc vào liệu Putin có thắng được canh bạc này hay không, và liệu cái giá mà Putin phải trả có vượt quá cái mà ông thu được hay không (The early winners and losers in Putin’s war, Richard Haass, ASPI, April 1, 2022).

Sau hơn một tháng, lực lượng hùng mạnh của Nga với 150 ngàn quân vẫn không chiếm được Kiev, bị tổn thất nặng nề, đang bị sa lầy, nay phải điều chỉnh chiến lược. Nga đã mất khoảng 15 ngàn quân với 6 sỹ quan cấp tướng, bộc lộ nhiều điểm yếu phải mất nhiều năm để xây dựng lại. Phương Tây cấm vận chưa từng có, đang làm cho kinh tế Nga bị kiệt quệ. Đến nay, hàng vạn người đã phải “bỏ phiếu bằng chân” rời bỏ nước Nga. Làn sóng phản chiến ngày càng lan rộng, làm cho Putin ngày càng bị cô lập về đối nội và đối ngoại.


Thứ Ba, 10 tháng 8, 2021

Lý Quang Diệu viết về Hoa Kỳ (Biên dịch: Nguyễn Việt Vân Anh | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp)

Nguồn: Lee Kuan Yew (2013). “America: Troubled But Still on Top”, in L.K. Yew, One Man’s View of the World (Singapore: Straits Times Press), pp. 68-93.

HOA KỲ: Nhiều trở ngại nhưng vẫn giữ vị trí số 1


Cân bằng quyền lực đang chuyển đổi. Về phía châu Á của Thái Bình Dương, theo thời gian Hoa Kỳ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc gây ảnh hưởng. Mọi chuyện sẽ không còn như trước. Địa lí là điểm mấu chốt trong trường hợp này. Trung Quốc có lợi thế hơn vì nằm trong khu vực và có khả năng phô trương sức mạnh dễ dàng hơn ở châu Á. Đối với Hoa Kỳ, gây ảnh hưởng từ cách xa 8.000 dặm là một điều hoàn toàn khác.

Sự bất bình đẳng về ý chí, hậu cần và chi phí là rất đáng kể. Chỉ riêng dân số của Trung Quốc, 1,3 tỉ người, so với 314 triệu người Mỹ, cũng góp phần vào khó khăn của Hoa Kỳ. Nhưng sự chuyển giao quyền lực sẽ không xảy ra một sớm một chiều do ưu thế vượt bậc của Hoa Kỳ về công nghệ. Người Trung Quốc dù có thể chế tạo tàu sân bay nhưng vẫn không thể đuổi kịp người Mỹ một cách nhanh chóng về công nghệ tàu sân bay với sức chứa 5.000 quân và đầu máy hạt nhân. Nhưng cuối cùng, những bất lợi của Hoa Kỳ do khoảng cách địa lý dần sẽ mang tính quyết định. Hoa Kỳ sẽ phải điều chỉnh thế đứng của mình và chính sách của họ trong khu vực này.

Chính quyền Obama tuyên bố vào năm 2011 rằng Hoa Kỳ dự định tiếp cận khu vực châu Á-Thái Bình Dương với một trọng tâm mới. Họ gọi đây là Sự Xoay Trục về Châu Á. Trên tờ Foreign Policy, ngoại trưởng Hillary Clinton giải thích tư duy đằng sau chính sách mới này như sau: “Các thị trường mở ở châu Á là những cơ hội chưa từng thấy đối với Hoa Kỳ về đầu tư, thương mại và tiếp cận với các công nghệ tiên tiến… Về mặt chiến lược, việc gìn giữ hoà bình và an ninh ở khắp khu vực Châu Á – Thái Bình Dương ngày càng trở nên thiết yếu đối với sự tiến bộ trên toàn cầu, dù là thông qua bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông, chống lại việc phổ biến vũ khí hạt nhân ở Bắc Triều Tiên hay đảm bảo sự minh bạch trong các hoạt động quân sự của các nước lớn trong khu vực.” Vào tháng 4 năm 2012, 200 lính thuỷ đánh bộ Mỹ đầu tiên đã được triển khai tới Darwin, Úc trong một phần nỗ lực nhằm tăng cường hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực.

Thứ Sáu, 23 tháng 7, 2021

Jude Blanchette & Richard McGregor (Biên dịch: Phan Nguyên): Cuộc khủng hoảng kế nhiệm sắp tới của Trung Quốc

Sau gần chín năm cầm quyền, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thống trị hệ thống chính trị của đất nước mình. Ông kiểm soát quá trình hoạch định chính sách trong nước, quân đội và chính sách đối ngoại. Quyền lực vô song của ông trong Đảng Cộng sản Trung Quốc khiến ông Tập trở thành một người không thể chạm tới, như Joseph Stalin hay Mao Trạch Đông sau những cuộc thanh trừng tàn bạo từng được thực hiện trong thời kỳ Đại Khủng bố hay Cách mạng Văn hóa. Khi không có những đối thủ chính trị đáng kể, bất kỳ quyết định nghỉ hưu nào đều sẽ do ông Tập tự quyết định và theo lịch trình mà ông chọn.

Việc dỡ bỏ các giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước hồi năm 2018 cho phép ông cầm quyền vô thời hạn, nếu muốn. Nếu từ bỏ các chức vụ lãnh đạo chính thức của mình, ông Tập vẫn có khả năng giữ được quyền kiểm soát trên thực tế đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quân đội Giải phóng Nhân dân. Ông càng nắm quyền lâu thì cơ cấu chính trị càng phù hợp với tính cách, mục tiêu, ý muốn bất chợt và mạng lưới thân hữu của ông. Đến lượt mình, càng tại vị lâu thì ông Tập càng trở nên quan trọng hơn đối với sự ổn định chính trị của Trung Quốc.

Sự tập trung quyền lực cá nhân này khiến Trung Quốc phải trả giá. Ông Tập vẫn chưa chỉ định một người kế nhiệm, gây ra sự nghi ngờ về tương lai của một hệ thống vốn ngày càng phụ thuộc vào sự lãnh đạo của ông. Chỉ một số ít các quan chức cấp cao của đảng mới có một ít thông tin nào đó về kế hoạch dài hạn của ông Tập, và cho đến nay, họ vẫn im lặng về việc ông muốn tiếp tục giữ vị trí lãnh đạo trong bao lâu. Ông sẽ nghỉ hưu tại Đại hội Đảng lần thứ 20 vào năm 2022, hay sẽ bám lấy quyền lực vĩnh viễn? Nếu ông đột tử khi đang cầm quyền, như điều xảy ra với Stalin năm 1953, liệu có xuất hiện sự chia rẽ trong đảng khi các phe cánh tranh giành quyền lãnh đạo hay không? Liệu những người quan sát bên ngoài có thể phát hiện ra những dấu hiệu của sự bất hòa đó hay không?

Đặt ra những câu hỏi này không phải là một sự suy đoán vu vơ. Một ngày nào đó, theo một cách nào đó, ông Tập sẽ phải rời khỏi sân khấu chính trị. Nhưng chưa có bất kỳ dấu hiệu nào về việc ông ấy sẽ rời đi khi nào và theo cách như thế nào, hoặc ai sẽ là người thay thế ông. Do đó, Trung Quốc đối mặt với khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng kế vị. Trong vài năm qua, ông Tập đã né tránh các chuẩn mực mong manh của Đảng về việc chia sẻ và chuyển giao quyền lực. Khi đến thời điểm phải thay thế ông, một điều tất yếu phải xảy ra, tình trạng rối loạn ở Bắc Kinh có thể gây ra những tác động bất ổn vượt ra ngoài biên giới của Trung Quốc.

Thứ Năm, 20 tháng 5, 2021

Âu Dương Thệ: Độc tài quyền lực càng khiến Nguyễn Phú Trọng sa lầy trong giả dối, ngông cuồng không biết phục thiện!

  • Do định kiến chủ quan và kiến thức nông cạn nên Nguyễn Phú Trọng đã phủ nhận những thành quả to lớn của nhân loại
  • Tiếp tục muốn cho nhân dân ăn bánh vẽ!
  • Cứ nhắm mắt đi tìm thiên đàng XHCN, nhưng không biết nó ở đâu, như thế nào và bao giờ tới!
  • Biểu đồ tiến lên thiên đàng XHCN theo kiểu Nguyễn Phú Trọng!

Nhân dịp kỷ niệm 131 năm ngày sinh Hồ Chí Minh (19.5.1890 – 19.5.2021) và bầu đại biểu Quốc hội khoá 15 (23.5.21) Nguyễn Phú Trọng đã viết một bài dài với tựa đề „Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam“ ngày 16. 5. 2021 để tìm cách thuyết phục cho lí do, tại sao từ khi cướp được chính quyền (1945) HCM tới Nguyễn Phú Trọng hiện nay đã chọn và tiếp tục đi theo con đường Chủ nghĩa xã hội (CNXH) theo chủ nghĩa Marx-Lenin ở VN. Điều đáng để ý là, trong bài nói trên ông Trọng đã sử dụng danh xưng theo thứ tự „Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng“, rồi mới tới „Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam“. Đây có lẽ là lần đầu tiên ông Trọng đã để cả hai chức danh học vị khoa học và chức danh trong đảng trong một bài viết và để chức danh học vị khoa học trước chức danh hoạt động chính trị.

Nhưng có lẽ việc lựa chọn theo thứ tự này không phải là tự nhiên mà đã được tính toán cẩn thận, để tỏ rằng khi viết bài trên Nguyễn Phú Trọng đã đặt tinh thần khoa học trên tinh thần đảng phái chính trị, nghĩa là trọng sự thực hơn là tuyền truyền dối trá! Chính vì vậy ngay phần mở đầu của bài viết Nguyễn Phú Trọng đã rào trước đón sau, làm như một nhà khoa học giữ tinh thần thận trọng, khách quan và dân chủ: „ Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một đề tài lý luận và thực tiễn rất cơ bản, quan trọng, nội dung rất rộng lớn, phong phú và phức tạp, có nhiều cách tiếp cận khác nhau, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu rất công phu, nghiêm túc, tổng kết thực tiễn một cách sâu sắc, khoa học.“(*)

Do định kiến chủ quan và kiến thức nông cạn nên Nguyễn Phú Trọng đã phủ nhận những thành quả to lớn của nhân loại


Nhưng ai vội cả tin như vậy thì trở thành khờ khạo, ngây thơ! Vì khi viết bài trên Nguyễn Phú Trọng đã đặt mục tiêu trung tâm là, bằng mọi giá phải đập phá chủ nghĩa Tư bản, đặc biệt chụp mũ và kết án các chế độ Dân chủ Đa nguyên (DCĐN) của thời đại chúng ta, vì nó ngày càng trở thành đối thủ chính trị nguy hiểm của chế độ độc tài toàn trị, để từ đó đề cao chủ nghĩa CS hay Chủ nghĩa Xã hội! Nghĩa là Nguyễn Phú Trọng trước sau chỉ muốn lập lại khẳng định của những lãnh tụ CS từ Lenin, Stalin, Mao, HCM… rằng, chỉ có Dân chủ XHCN, pháp chế XHCN do ĐCS lãnh đạo toàn quyền mới là dân chủ thực sự!

Thứ Năm, 22 tháng 4, 2021

Nguyễn Thế Anh: Sức hút và lực đẩy - hai khía cạnh trái ngược trong quan hệ Việt-Trung[1]

Nhìn sâu vào lịch sử, đối với người Việt, những trải nghiệm với người Trung Quốc dường như nằm trong phức cảm yêu-ghét, hay đúng hơn là một sự pha trộn của thu hút và thù hận, mà tiêu đề bài hát của nhạc sĩ Serge Gainsbourg, “Je t'aime, moi non plus” [tôi yêu em, nhưng tôi không còn như thế nữa] gần như khắc hoạ đúng trường hợp này. Trạng thái này tác động đến tất cả các vấn đề đối ngoại của Việt Nam, và trong hàng ngàn năm qua, quan hệ với Trung Quốc đặc trưng bởi một sự phức tạp có thể nói là gai góc ở tầm chính thức, xuề xoà và thân thiện ở trong lề thói thông thường. Trên thực tế, mối quan hệ hiện nay là sự hoán chuyển giữa một bên là những xung đột nảy lửa với một bên là những tuyên ngôn chính thức về tình hữu nghị không thể lay chuyển. Chúng phần nào gợi nhớ lại những kiểu giao kết Việt-Trung cổ xưa, đặc trưng bởi những rối rắm trong chính sách ngoại giao của một quốc gia nhỏ hơn luôn luôn phải dè chừng ý đồ bành trướng của ông hàng xóm to lớn trong quan hệ khu vực.

Nằm ngay sát cạnh Trung Quốc, dân tộc Việt Nam, có lẽ khác người Miến Điện và Thái Lan, luôn phải dè chừng ông bạn to lớn này trong các mối quan hệ khu vực. Trong suốt nghìn năm kể từ khi Việt Nam giành được độc lập cho đến giai đoạn thực dân kiểu Pháp, ghi dấu bốn cuộc xâm lược lớn của Trung Quốc, cộng thêm giai đoạn nhà Minh chiếm đóng khá dài, người Việt đã tích luỹ được bề dày kinh nghiệm trong việc giải quyết những mối quan hệ này. Trong khi đó, suốt quá trình đô hộ của Trung Quốc, từ thế kỷ II trước CN đến thế kỷ X sau CN, Việt Nam đã hấp thu từ Trung Quốc các lý thuyết chính trị, cơ cấu xã hội, thực hành chế độ quan liêu, tín ngưỡng tôn giáo và các thuộc tính văn hoá khác. Sự tiếp xúc lâu dài với ngôn ngữ và văn hoá Trung Hoa có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hoá xã hội Việt Nam, tiếp tục cho tới cuối thế kỷ XIX. Thật vậy, các nhà cai trị của Việt Nam không ngừng lấy nguồn cảm hứng văn hoá từ Trung Quốc, ngay cả khi họ củng cố quốc gia độc lập và thống nhất. Chữ Hán được lấy làm ngôn ngữ chính thức và là phương tiện giảng dạy, phương tiện để biểu đạt tri thức. Người Việt được học các chủ đề văn chương Trung Quốc cũng như giáo lý đạo đức được trích dẫn từ Nho giáo cổ điển. Đóng góp của Trung Quốc cho Việt Nam bao gồm tất cả các khía cạnh của văn hoá và xã hội. Đặc biệt, ảnh hưởng của Trung Quốc được cảm nhận mạnh mẽ nhất ở cấp cao nhất của nhà nước và chính trị: khái niệm luật pháp và quản trị của Trung Quốc đã trở thành yếu tố quan trọng của chính thể Việt Nam trong thời kỳ độc lập, bởi vì nó giúp nhà cầm quyền củng cố quyền lực và chống lại các đe doạ từ bên ngoài, đặc biệt đe doạ từ Trung Quốc. Nền học thuật và văn học của Việt Nam không thể tránh khỏi việc thẩm thấu di sản cổ điển của Trung Quốc; chữ Hán là ngôn ngữ của hành chính và giáo dục, như tiếng la-tinh ở châu Âu tiền hiện đại. Khả năng thể hiện sự thông thạo về ngôn ngữ và văn hoá Trung Quốc của các sứ giả Việt Nam ngay tại triều đình Hoa Hạ là cách quan trọng để chứng minh Việt Nam là một đất nước “văn minh” và không cần đến chính quyền Trung Quốc quan tâm chỉ bảo “khai hóa văn minh”.

Thứ Tư, 21 tháng 4, 2021

Cấn Thị Thêu: Lần đầu nếm mùi công an trị

Ra tù lần thứ hai này, một số anh chị em đấu tranh khuyên tôi nên kể lại những chuyện xảy ra trong những ngày tháng tù tội của tôi. Thực tình tôi chỉ là một người nông dân, ít chữ nghĩa. Tôi thấy viết cho một người đọc đã khó, huống chi viết cho cả trăm người đọc thì quả thực đó là một việc quá khó đối với tôi.

Nhưng tôi vẫn bảo lòng cứ nhẩn nha viết lại từng sự việc vì biết đâu có anh chị em nào đó cần để chuẩn bị tinh thần trước bước dấn thân tranh đấu cho những bà con đang bị oan ức.

Chuyện kể đầu tiên của tôi là:

Sáng ngày 25 tháng 4 năm 2014 tôi bị công an bắt trong khi đang đứng quay phim, ghi hình cảnh công an đánh Dân Oan. Họ nhét giẻ vào mồm tôi, đánh tôi bị thương tích và chở tôi về trại tạm giam số 3 CATP Hà Nội.

Vào khoảng 11 giờ đêm hôm đó họ đưa tôi đến buồng giam số 18 thuộc khu C. Lúc đó tôi biết những ngày tháng tù tội oan khiên đang đợi tôi ở phía trước. Đây là lần đầu tiên tôi phải xa gia đình, xa người thân, xa Bà Con Dân Oan Dương Nội. Những cảm xúc trào dâng như xé nát tâm can tôi, lòng uất hận khi nghĩ đến thân phận dân đen thấp cổ bé họng nay phải sa vào hang hùm miệng sói của tà quyền cộng sản.

Khi cánh cửa buồng giam khép lại, trong ánh sáng nhạt nhòa lạnh lẽo của buồng giam, đập vào mắt tôi phía đối diện bệ xi măng chỗ tôi nằm là một chữ KHIÊM viết trên tường. KHIÊM là tên của chồng tôi. Rồi phía sát chỗ tôi nằm lại có một chữ MẸ. Tôi choáng váng, lòng rối bời và òa khóc nức nở. Hình ảnh chồng và các con tôi dội về dồn dập như cơn bão xé nát trái tim tôi. Không biết giờ này chồng tôi ra sao, bị chúng đánh có đau lắm không. Chúng đang giam giữ chồng tôi ở đâu? Hồi sáng tôi quay được cảnh bọn chúng đánh và bắt chồng tôi. Các con tôi chắc giờ này đang như gà lạc mẹ.

Thứ Ba, 13 tháng 4, 2021

Nguyễn Văn Tuấn: Những cuộc xâm lăng mềm (đọc sách "Hidden Hand" của Clive Hamilton và Mareike Ohlberg)

Hai tác giả Clive Hamilton và Mareike Ohlberg mới xuất bản một cuốn sách nhan đề “Hidden Hand” (Giấu tay), nối tiếp cuốn Silent Invasion. Nếu Silent Invasion viết về cuộc xâm lăng của Trung Cộng vào Úc, thì Hidden Hand là một công trình sưu khảo công phu về những cuộc xâm lăng và khuynh đảo của Trung Cộng vào hệ thống chánh trị, kinh tế, khoa học, văn hoá, và truyền thông ở các nước phương Tây. Có thể xem đó là cuộc xâm lăng mềm, với tiền là phương tiện chánh. Đây là một cuốn sách hết sức thú vị, cung cấp rất nhiều thông tin mang tính mở mắt cho những ai quan tâm đến thời cuộc và sự ảnh hưởng của Trung Cộng trên trường quốc tế, kể cả Việt Nam. Bài điểm sách này sẽ điểm qua những nội dung chánh, và chia sẻ vài thông điệp chánh trong cuốn sách.

Ở Úc, tuần vừa qua xảy ra một biến cố chánh trị làm cho cuốn sách này trở nên tâm điểm của thời cuộc. Một Thượng nghị sĩ Úc tên Shaoquett Moselmane (gốc Lebanon) bị cảnh sát xét nhà riêng sau một thời gian bị cơ quan tình báo Úc ASIO điều tra về những mối liên hệ giữa ông với Đảng Cộng sản Tàu. Ông dân biểu đã là đối tượng được báo chí theo dõi về mối liên hệ giữa ông và Đảng Cộng sản Tàu. Từ năm 2018, ông và người phụ tá là John Zhang (gốc Tàu [Trương Ước Hàn 张约翰] [4]) có những phát biểu ủng hộ nhà cầm quyền Trung Cộng và chỉ trích những chánh sách cứng rắn của Úc đối với Trung Cộng.

Báo chí Úc cho biết nếu chứng cớ từ cuộc điều tra đầy đủ, ông dân biểu này có thể bị truy tố ra toà về tội giúp cho thế lực nước ngoài can thiệp vào chánh trường Úc. Nếu bị truy tố thì đây là trường hợp đầu tiên trên thế giới về sự can thiệp của nước ngoài vào chánh trường địa phương. Những gì diễn ra trong trường hợp của vị dân biểu này có thể nói là rất phù hợp với những chiến lược gây ảnh hưởng của Trung Cộng trong các thể chế dân chủ ở phương Tây.

Chiến tranh Lạnh


Nguyễn Khoa: Cấu trúc quyền lực “lõi” Cộng sản

Quyền lực chính trị ở Việt Nam dựa trên căn bản một đảng cai trị, và sự chia chác quyền lực (và lợi) … trong phòng kín. Vì thế hay sinh ra những thuyết âm mưu phe này phe kia, ông này bà nọ, … Hơn nữa truyền thông của Đảng Cộng sản, xuyên suốt từ khi đảng này tồn tại đến giờ, bao phủ bởi những từ ngữ, ở nơi khác thì bình thường, nhưng ở các quốc gia Cộng sản thì trở nên bí hiểm: Đảng, Chính phủ, Nhà nước,… bên cạnh những từ bí hiểm thật sự: Ban Bí thư, Ban Tổ chức, Nội chính, Ban Kiểm tra,… càng làm cho sự hình dung của người bên ngoài, trong và ngoài nước càng trở nên mờ ảo.

Có một cách quan sát cấu trúc quyền lực tại Việt Nam khá chính xác, đó là căn cứ theo trật tự các nhân vật được công bố.

Với cách quan sát này tôi thấy có một cấu trúc tạm gọi là lõi quyền lực.

Trong cùng của lõi này là Bộ Chính trị, rồi đến Ban Bí thư, và bên ngoài là Ủy ban Trung ương Đảng. Trong ba lớp này, hai lớp trong cùng có trật tự dọc, lớp bên ngoài thì không có trật tự dọc mà là trật tự ngang bằng nhau. Ba lớp này nói chung là lồng vào nhau, hai lớp bên trong lồng vào nhau nhưng không khít, chỉ có một số ủy viên Bộ Chính trị nằm trong Ban Bí thư mà thôi, nhưng toàn bộ các ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Bí thư đều là ủy viên Trung ương, cái vỏ ngoài cùng.

Hãy quan sát cách báo chí Việt Nam công bố danh sách ba lớp vỏ đó. Trật tự sẽ là người có quyền nhất được hài tên trước ở Bộ Chính trị và Ban Bí thư, nhưng đến danh sách Trung ương Đảng thì xếp theo vần chữ cái.

Có lúc người ta quan sát danh sách đi đưa đám, hoặc trật tự vào lăng ông Hồ để định vị trí quyền lực, nhưng cách này dường như không chính xác nữa.

Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2020

Minh Tâm: Vì sao các chế độ độc tài cách mạng tồn tại lâu đến vậy?

Trong Làn sóng Dân chủ hóa Thứ ba, một loạt các chế độ độc tài trên thế giới sụp đổ, trong đó có các chế độ cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu. Tuy nhiên, có một số chế độ, như chế độ cộng sản tại Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, Cu Ba… tiếp tục tồn tại trong nhiều thập kỷ sau đó, bất chấp việc đối mặt với áp lực bên ngoài, thành tích kinh tế kém cỏi, cùng những thất bại lớn về chính sách.

Khi nghiên cứu về vấn đề này, hai học giả Steven Levitsky và Lucan Way thấy rằng các chế độ ở trên, thuộc một nhóm gọi là các chế độ cách mạng, và có những đặc tính riêng khiến cho chúng tiếp tục sống sót bất chấp việc đối mặt với các thách thức nghiêm trọng. Nghiên cứu có tên “The Durability of Revolutionary Regimes” được công bố trên Journal of Democracy tháng 7/2013.

Vậy chế độ cách mạng là gì?


Theo Steven Levitsky và Lucan Way, đây là các chế độ: (1) ra đời từ một cuộc đấu tranh mang tính bạo lực, ý thức hệ và lâu dài từ bên dưới; và (2) việc thiết lập nó gắn liền với những nỗ lực huy động đại chúng nhằm biến đổi cấu trúc nhà nước cũng như trật tự xã hội hiện hành.

Ví dụ bao gồm các chế độ ra đời từ các cuộc cách mạng xã hội như chế độ ở Trung Quốc, Cuba, Iran, và Nga, hay các chế độ ra đời từ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cấp tiến như chế độ ở Angola, Mozambique, Việt Nam, và Zimbabwe.

Trong khi đó, các chế độ xuất hiện từ cuộc đấu tranh giành độc lập bằng bạo lực, như chế độ ở Indonesia, hay huy động quy mô lớn, như chế độ ở Philippines năm 1986, song không thực thi các cải cách xã hội cấp tiến, không được xếp vào dạng chế độ cách mạng.

Tại sao các chế độ này lại dẻo dai như vậy?