Hiển thị các bài đăng có nhãn Cao Huy Huân. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Cao Huy Huân. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

Cao Huy Huân: Làm chính sách phải biết ‘ngó trước ngó sau’

Mới đây dư luận xôn xao khi Bộ Y tế đưa ra dự thảo quy định cho máu nhân đạo, trong đó có phương án “cho máu bắt buộc mỗi năm một lần”. Trước làn sóng dư luận phản đối mạnh mẽ, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, vào chiều ngày 9/1 đã gặp gỡ giới báo chí Việt Nam. Theo ông Quang, dự thảo lần này có hai phương án cụ thể, bao gồm cho máu bắt buộc và cho máu tự nguyện.
Ông Quang giải thích rằng Bộ Y tế đưa ra hai phương án: phương án 1 quy định việc cho máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện một năm/lần nhưng có miễn trừ một số trường hợp không thể cho máu. Phương án còn lại quy định việc cho máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho vận động hiến máu. Ông Quang nói rằng Bộ Y tế đưa ra hai phương án để lấy ý kiến trong xã hội, để mọi người cùng bàn luận và rộng đường dư luận. Nói cách khác, theo ông Quang, phương án 1 (phương án bắt buộc cho máu) chỉ là phương án giả định qua đó đánh giá tác động của luật này.
Ông Quang khẳng định: “Luật nào cũng vậy, ban soạn thảo sẽ đưa ra nhiều phương án để mọi người bàn bạc và lấy ý kiến của nhân dân, xã hội. Khi thống nhất thì sẽ trình phương án tối ưu nhất tới Quốc hội để các đại biểu ấn nút thông qua”. Tuy nhiên, lời giải thích của ông Quang không thuyết phục, cho thấy những yếu kém trong việc xây dựng luật của ngành y tế với vấn đề hiến máu nói riêng, mà hậu quả có thể kéo theo tư duy xây dựng luật thiếu hiệu quả với các vấn đề khác.

Thứ Năm, 22 tháng 12, 2016

Cao Huy Huân: Tại sao nông sản Việt phải ‘mặc áo nhà người’?

Nông dân thu hoạch lúa ở làng Vĩnh Ngọc. (Ảnh tư liệu)
Tôi đi nhiều nước trên thế giới, cũng đọc và theo dõi nhiều thông tin về nông sản Việt Nam trong suốt nhiều năm qua, và thấy rằng quả thật nông dân Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi hơn cả. Còn nhớ giai đoạn những năm 40 của thế kỷ trước, quân Nhật chiếm Việt Nam từ tay Pháp, bắt dân ta nhổ lúa trồng đay, không có đất trồng cây lương thực nên đói khát đã đành. Nay đất đai bao la bát ngát, thậm chí được xem là cái vựa nông sản của khu vực nếu không muốn nói là của thế giới về nhiều mặt hàng như gạo, cà phê, vải.... Vậy mà nông dân vẫn cứ nghèo, cứ phải nhổ cây này trồng cây kia, cứ được mùa thì mất giá, được giá thì không có hàng mà bán, hàng sản xuất ra nhiều, dân ăn không hết cũng không xuất khẩu ra nước ngoài được vì không đủ chất lượng. Chuyện này bao nhiêu chuyên gia, báo chí đã mổ xẻ hoài, tôi chẳng cần bàn thêm nữa.

Thứ Tư, 14 tháng 12, 2016

Cao Huy Huân: Câu chuyện hàng không và đường sắt ở Việt Nam

Ảnh minh họa.
Báo chí Việt Nam đưa tin tại cuộc họp của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia tuần trước, đã có ý kiến của lãnh đạo ngành giao thông vận tải cho rằng, các hãng hàng không đang “vét hết khách của đường sắt”. Và một yêu cầu được đưa ra: “Cục Hàng không phải siết lại việc tăng chuyến bay trong dịp Tết”. Điều này đang làm dấy lên cuộc tranh luận: Nên đầu tư phát triển ngành hàng không hay đầu tư cho ngành đường sắt? Cuộc tranh luận này cho thấy hạn chế trong việc cạnh tranh theo kiểu phân khúc thị trường trong nội bộ ngành giao thông ở Việt Nam do có sự can dự mạnh từ bàn tay của nhà nước.

Thứ Tư, 30 tháng 11, 2016

Cao Huy Huân: Hộ khẩu khiến dân ‘á khẩu’

Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa)
Báo chí Việt Nam một lần nữa đưa tin hàng triệu người dân thành phố Hồ Chí Minh gặp khó khăn trong việc nhập hộ khẩu do những thủ tục liên quan đến quy định diện tích nhà ở bình quân. Bài toán này rõ ràng là rất cũ, nhưng cho đến nay cơ quan chức năng vẫn loay hoay ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Mở luật ra đọc để biết điều kiện có thể thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ thấy rối bời bởi quy định này kéo theo quy định kia, có nhiều điểm mãi vẫn chưa hoàn thiện. Ví dụ, luật quy định muốn có hộ khẩu ở Sài Gòn phải tạm trú ít nhất 2 năm trở lên. Sau đó còn phải đảm bảo ít nhất 3 điều kiện, trong đó có yêu cầu phải có chỗ ở hợp pháp bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố. Dù vậy đến nay các quy định về diện tích nhà ở nội thành, ngoại thành vẫn còn là một ẩn số.
Ở góc độ luật pháp, nhìn nhận một cách khách quan, quản lý theo hộ khẩu là phân biệt đối xử theo nhóm người, vi phạm quyền bình đẳng và tự do cư trú của công dân. Những quyền lợi này được quy định rõ ràng trong Hiến pháp của Việt Nam. Điều này khiến người nhập cư chịu thiệt thòi rất lớn. Một chuyện cười ra nước mắt là đủ tiền mua nhà ở Sài Gòn, nhưng phải chờ đến ít nhất là 2 năm để có thể được xem là “người Sài Gòn” theo quy định (vì phải chờ có hộ khẩu). Trong khi đó, tờ giấy hộ khẩu lại liên quan đến hàng tá thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân trong vấn đề xin việc làm, chuyện ăn học của con cái, phúc lợi xã hội, y tế công cộng, hay ngay cả chuyện đăng ký điện nước, Internet hay mua xe máy.

Thứ Năm, 10 tháng 11, 2016

Cao Huy Huân: Khi thượng đế ‘ăn chửi’!

Cách đây vài tuần, đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain giới thiệu một “đặc sản” của Hà Nội trên kênh truyền hình nổi tiếng CNN. Bourdain từng là người chọn món bún chả cho Tổng thống Barack Obama khi nhà lãnh đạo Mỹ đến thăm thủ đô Hà Nội. Trong chương trình của mình, ông Bourdain đã kể lại một trải nghiệm dị hợm về một số hàng quán đáng kể ở Hà Nội hiện nay so với thế giới. Ai từng ghé qua Hà Nội, dù chỉ vài ngày, cũng có thể nếm trải các món “bún chửi”, “cháo quát, “ốc lắm mồm”, hay “phở xếp hàng Bát Đàn”…
“Bún mắng cháo chửi” là một lối kinh doanh mà trong đó người bán - từ chủ hàng đến nhân viên – có thái độ cau có, lạnh nhạt, và đôi khi quát tháo, xúc phạm khách hàng. Nếu phải tóm lược lề lối buôn bán này trong một câu, ta có thể nói: “Ăn thì ăn, không ăn thì biến”.
Còn nhớ một câu chuyện được loan truyền rộng rãi vài năm trước đây - khi “mắng”, “chửi” chưa được đưa lên thành “đặc sản” - về một bà bán “cháo chửi” khét tiếng khu phố cổ từng bị một vận động viên wushu chuyên nghiệp úp cả bát cháo vào đầu vì chửi anh ta. Một thanh niên nhảy vào can thiệp cũng suýt nhận một cước. Cú đá trượt đó làm bẹp rúm bình xăng chiếc xe máy bên cạnh làm cả quán xanh mặt.

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016

Cao Huy Huân: Tàn nhẫn trong cơn lũ


Miền Trung Việt Nam lại chìm trong nước lũ. Cách đây hai năm báo đài cũng đưa tin miền Trung bị lũ lịch sử, và năm nay không chỉ báo đài Việt Nam mà báo chí quốc tế cũng đưa tin tương tự. Những mái nhà, trường học... chìm trong dòng nước đục ngầu. Không khí tang thương làm người ta ngán ngẫm chẳng còn muốn bật tivi lên để rồi xót xa.
Những mạnh thường quân, kiều bào mỗi người một tiếng nói giúp gây quỹ góp nhằm xoa dịu nỗi đau của miền Trung ruột thịt. Hằng năm, mỗi khi lũ về thì miền Trung lại bị thiệt hại ghê gớm. Thế nhưng trong khi người ta đu trên mái nhà chờ nước rút trong vô vọng, trong khi gia súc chết trương nổi lềnh bềnh, trong khi lòng người vừa thương vừa tức thì trên mạng xã hội lại xuất hiện không ít những luận điểm khiến ai nghe cũng đỏ mặt tía tai.

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2016

Cao Huy Huân: Thể thao ở Trung Quốc và cái giá của ‘tự hào dân tộc’

Li Na, cây vợt nữ xếp hạng 6 thế giới theo thống kê của Hiệp Hội Quần Vợt Nữ.
Thế vận hội Olympics Rio 2016 vừa kết thúc. Đoàn Trung Quốc đứng hàng thứ ba về số huy chương mang về - một thành tích đáng học tập cho các quốc gia khác khi người Trung Quốc gốc Á Đông vốn thấp bé nhẹ cân hơn so với các chủng tộc khác. Thành tích này chẳng phải là thành tích tốt nhất của Trung Quốc, thậm chí còn bị xem là một sự ‘rớt đài’ ngoạn mục của đoàn thể thao Olympics của nước này. Còn nhớ năm 2008, Trung Quốc đứng hạng nhất toàn đoàn. Năm 2012, Trung Quốc đứng hạng nhì. Và năm nay họ chiếm vị trí thứ ba. Sa sút về số huy chương và thành tích đạt được, nhưng ai cũng biết, Trung Quốc luôn khao khát điên cuồng giành thành tích cao ở các kì Olympics. Và chính quyền Trung Quốc sẵn sàng làm mọi thứ để đạt được mục đích.

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2016

Cao Huy Huân: Công bằng trong giáo dục Việt Nam: chắc khó!

Chia sẻ
Tôi nhớ cách đây khoảng 15 năm, ngành giáo dục Việt Nam bắt đầu đi vào giai đoạn cải cách mạnh mẽ - từ sách giáo khoa đến những chương trình hành động chống tiêu cực trong thi cử. Đám bạn tôi thường kể về thời chúng tôi còn ngồi ghế nhà trường khoảng hai thập niên trước, với những bộ sách trắng đen và những kỳ thi phao rải trắng sân trường. Có hôm, một ông chủ tịch xã đi thi bổ túc văn hóa phải nhờ đám học sinh đáng tuổi con cháu vào giúp mới mong được qua. Thế nên khi nghe cải cách thì người dân, nhất là phụ huynh và học sinh, ai nấy đều mừng, đều tin vào một nền giáo dục mới công bằng hơn, hiệu quả hơn.

Thứ Hai, 15 tháng 8, 2016

Cao Huy Huân: Bàn về hai chữ ‘sống hèn’

Các em học sinh trung học phổ thông tại Trung tâm 
Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội. (Ảnh tư liệu)

Năm nay đề thi Văn kỳ thi trung học phổ thông rất thú vị, rất sát với thực tế xã hội Việt Nam. Đề thi yêu cầu bình luận ý kiến cho rằng “sự hèn nhát khiến con người đánh mất chính mình, còn dũng khí lại giúp được họ là chính mình”. Hãy khoan bàn về năng lực của các bạn học sinh, vì tôi nghĩ mỗi cấp độ, mỗi góc nhìn đều có một chuẩn mực đánh giá riêng. Thế nên tôi không đồng tình với nhiều ý kiến trên mạng xã hội cho rằng đây là một vấn đề quá sức với các bạn học sinh phổ thông.

Điều quan trọng, theo tôi, là cần phải xem xét các bạn lớn lên trong môi trường giáo dục Việt Nam suốt 12 năm qua, trên cương vị là người trưởng thành (theo quy định của luật pháp Việt Nam là 18 tuổi), thì các bạn nhìn nhận và phân biệt “sống hèn” và “dũng khí” như thế nào? Các bạn có thật sự quan sát và cảm nhận được những khái niệm này từ những sự việc, sự kiện vẫn diễn ra hằng ngày, xung quanh các bạn hay ảnh hưởng đến các bạn hay không.

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2016

Cao Huy Huân - Tại sao cứ dây dưa giấc mơ ‘bùn đỏ’?

Ảnh minh hoạ.
Sau thời gian lo lắng, rốt cuộc cũng xảy ra việc hồ chứa bùn đỏ gặp sự cố. Theo đó, hồ chứa nước khai thác titan của Công ty Tân Quang Cường (xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) bất ngờ vỡ khiến một lượng lớn bùn đỏ tràn ra ngoài.
Theo mô tả của báo chí Việt Nam, cụ thể là báo Tuổi Trẻ, thì “do lượng bùn đỏ quá lớn, dòng nước vỡ ra mạnh nên đã xé thành một đường rãnh lớn trên đồi cát chạy dài xuống khu dân cư. Nước bùn đỏ theo các đường rãnh tràn vào nhà dân, băng qua tuyến đường nhựa ven biển Tân Thành - Thuận Quý chạy luôn ra biển. Tại các khu vực có dân cư sinh sống, bùn đỏ tràn vào trong nhà, vườn, ao cá nhà dân. Các quán ăn nằm ven biển cũng bị bùn đỏ tràn vào.” Đọc mà thấy nổi hết da gà vì kinh hãi. Lược xem lại lịch sử về vấn nạn bùn đỏ tràn hồ ở Việt Nam sẽ thấy từ năm 2013, hồ chứa khai thác titan ở huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận, cũng bị vỡ, gây thiệt hại không nhỏ về môi trường lẫn tài sản của người dân. Năm 2013 không xảy ra một vụ, mà nhiều vụ, khiến thiệt hại ước tính lên đến con số tỷ đồng.

Thứ Ba, 21 tháng 6, 2016

Cao Huy Huân - Con quan lại làm quan: phải minh bạch!

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng (trái)
phát biểu trước truyền thông sau một cuộc họp báo ở Hà Nội, ngày 4 tháng 8 năm 2015.

Ca dao Việt Nam có câu “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa”. Cá nhân tôi không hoàn toàn cho rằng việc cha truyền con nối là hoàn toàn tiêu cực, bản chất nằm ở chỗ tính minh bạch và sự đồng thuận chính trị, tức sự tín nhiệm thực sự cần phải được đảm bảo đến mức chấp nhận được. Vụ ông Vũ Quang Hải, 28 tuổi, con trai nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, được bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng ở Bộ Công Thương và Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cũng như vậy.

Thứ Năm, 19 tháng 5, 2016

Cao Huy Huân - Sẽ chẳng còn 'ngồi mát ăn bát vàng'


Siêu thị Fivimart ở Hà Nội, Việt Nam. 
Sau vụ đại gia Thái Lan mua lại BigC Việt Nam với giá 1,05 tỉ USD, nhiều người bắt đầu giật mình về làn sóng ồ ạt của các đại gia Thái Lan tràn vào, thâu tóm nhiều hệ thống siêu thị, hệ thống bán lẻ của Việt Nam. Trước đó, vụ thâu tóm đình đám khác của đại gia Thái tại Việt Nam là thương vụ chuỗi bán buôn Metro được mua lại bởi Berli Jucker (BJC), tập đoàn nằm dưới quyền sở hữu của tài phiệt nổi tiếng Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, đối thủ trực tiếp của Central và dòng họ Chirathivat.

Thứ Tư, 18 tháng 5, 2016

Cao Huy Huân - Quay lưng hay ở lại?

Các phương tiện giao thông đi ngang qua một tấm bảng 
có nội dung về Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12, 
ngày 19 tháng 1 năm 2016. 

Tháng trước, tôi có xem qua bài phát biểu rất ấn tượng và thực tế, gây “dậy sóng” dư luận của đại biểu Trương Trọng Nghĩa trước Quốc hội Việt Nam. Tôi hoàn toàn đồng ý với ông Nghĩa rằng “Hiện nay, không ít trí thức giỏi không về nước làm việc, doanh nhân thành đạt muốn ra đi, một bộ phận cán bộ, công chức về hưu hay đương chức cũng tìm cách cho mình hay con cháu mình định cư ở nước ngoài, không phải vì nghèo, vì tiền mà vì cảm thấy không vui, không an toàn về pháp lý, các quyền tự do dân chủ không bảo đảm đầy đủ và lo sợ ở đất nước bị lệ thuộc, điều này ai cũng thấy, cũng biết”.
Quả thật môi trường pháp lý tại Việt Nam chưa đủ hoàn thiện để khiến người ta có thể cảm giác an toàn. Đó là khi người ta bất ngờ bị gõ cửa nửa đêm rồi phải chịu án tù, án tử (dù chưa thi hành án) hàng chục năm vì cáo buộc giết người trong khi vụ án còn quá nhiều điều phải tranh cãi, để rồi cả thập niên sau đó mới được giải oan, thì mọi chuyện đã rồi, người ta cũng tàn lụi gần như cả cuộc đời trong vòng lao lý bởi việc xét xử và buộc tôi vô cùng khó hiểu và có quá nhiều sơ hở. Đó là khi người ta bất ngờ bị mời về đồn cảnh sát, rồi cũng bất ngờ tử vong khi trở về nhà mà không biết được lý do. Đó là khi người ta bất ngờ bị khởi tố và vào tù đến 1 năm chỉ vì lỡ hắt ly bia vào cán bộ khi hai người xảy ra va chạm, trong khi một thường dân chân yếu tay mềm bị cán bộ công an đánh bất tỉnh ngay giữa đường thì chẳng thấy ai xử lý thật mạnh tay.

Thứ Ba, 19 tháng 4, 2016

Cao Huy Huân - Phải diệt những ‘con sâu làm rầu nồi canh’

Trung úy Nguyễn Văn Bắc xin lỗi chị Trần Tú Anh 
tại trụ sở Công an phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội 
(ảnh chụp từ trang Vietnamnet) 

Mấy hôm nay dư luận vẫn chưa hết xôn xao về video clip với tiêu đề “Công an nhổ nước bọt vào người dân” được lan truyền trên mạng xã hội lẫn báo chí Việt Nam. Xem qua chỉ biết thở dài: lại thêm một “con sâu” làm rầu nồi canh, làm sầu luôn những người trong bàn tiệc.
Người quay video clip này là chị Tú Anh, một người dân thủ đô Hà Nội. Chị thuật lại trên báo: Rạng sáng hôm ấy, Trung úy Nguyễn Văn Bắc, cảnh sát khu vực phường Trung Liệt đã tìm đến căn hộ chị Tú Anh đang thuê, bấm chuông yêu cầu kiểm tra hành chính. Tuy nhiên chị Tú Anh không mở cửa vì cho rằng thời gian đang là ban đêm, cán bộ công an không trình ra giấy tờ đầy đủ để thuyết phục được người dân. Khi hai bên đang lời qua tiếng lại, chẳng biết thế nào mà ông Bắc gí sát mặt vào cửa nhà và chị Tú Anh nói lớn: “Anh nhổ nước bọt phải không… tôi sẽ gửi hình ảnh này lên công an để xem hành động anh nhổ nước bọt vào mặt tôi như thế nào…”. Người cán bộ công an này không nói gì và một lúc sau thì cùng với một người đàn ông lớn tuổi khác mặc sắc phục của lực lượng bảo vệ dân phố đi vào thang máy.

Thứ Năm, 24 tháng 3, 2016

Cao Huy Huân - Tôi sợ một Thủ đô ngàn năm văn vật

Hình minh họa.
Hôm rồi tôi ghé về thăm Hà Nội, đi dạo trên những con phố nửa quen thuộc, nửa xa lạ. Hà Nội vẫn cổ kính, vẫn thơ mộng, quyến rũ, nhưng cũng khiến người ta đôi lúc hụt hẫng đến đau lòng.
Tôi đặt chân đến Hà Nội, hình ảnh Hà Nội trong các bài hát đẹp như thơ, cảm xúc đến nao lòng cứ hiện về trong tâm trí. Từ hàng cây, quán cóc, con đường, ngỏ vắng, và cả những cụ già móm mém yêu thương. Từ những hàng quán mộc mạc, chân chất đến những con người bình dân, hiếu khách, hết mình. Đó là một Hà Nội mà ngày xưa tôi đọc vanh vách trong sách vở, và cảm nhận được qua tâm trí của một gã trai đất “Thủ đô ngàn năm văn vật”, ngàn năm vững chải trước không ít gió sương.
Thế nhưng bỗng chốc giật mình về những gì hiện ra trước mắt, một Hà Nội khiến tôi lắm khi thấy sợ hãi đến ám ảnh trong cả những cơn mơ. Một Hà Nội đã mất đi những hàng cây trăm tuổi, thay bằng những hàng cây xác xơ, èo uột và ốm yếu. Một Hà Nội đã mất đi màu xanh mát mắt, mát lòng, thay bằng khói bụi và những ngày nắng chói chang khiến người ta chỉ cảm thấy sự khó chịu và bực bội.

Thứ Năm, 10 tháng 3, 2016

Cao Huy Huân - Có nên xấu hổ khi mang quốc tịch Việt Nam?


Bạn tôi nói: “Bất công quá mày ạ. Chỗ tao làm, chỉ cần mang quốc tịch Mỹ hay châu Âu thì tự dưng lương tăng gấp 4-5 lần so với lương của dân Việt mình. Mà có phải bọn nó là dân Mỹ và Châu Âu gốc đâu, toàn sinh ra và lớn lên ở Việt Nam rồi sang đó du học, tìm đường lấy quốc tịch rồi về Việt Nam làm việc.” Tôi cũng đồng tình. Trước đây tôi có làm việc tại một công ty quốc doanh chuyên về bất động sản. Lúc đó có anh kiến trúc sư tên Hải, sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, du học ở Tây Ban Nha được vài năm rồi lấy vợ và nhập quốc tịch Tây Ban Nha. Sau đó về làm cho công ty quốc doanh, tự dưng lương được nâng lên chín ngàn đô Mỹ một tháng. Trong khi cùng vị trí như anh Hải, các kiến trúc sư Việt Nam chỉ hưởng mức lương 20 - 30 triệu đồng. Chắc hẳn nhiều người nghĩ là vì anh Hải kia tài năng và được đào tạo bài bản ở Tây Ban Nha nên mới có được mức lương cao như thế. Thật ra thì chỉ vì anh ta mang quốc tịch nước ngoài nên mới được tính mức lương như vậy mà thôi. Bởi vì trong số những anh kiến trúc sư 20 - 30 triệu đồng kia, có những ai rất tài năng, cũng được đào tạo ở Mỹ, Anh, Úc nhưng vì không có quốc tịch ngoại nên đành chấp nhận mức lương bèo bọt.
Hỏi ra mới biết, đa số các công ty ở Việt Nam, có truyền thống chuộng lao động nước ngoài. Tự “ban hành” chính sách ưu đãi cho những người mang quốc tịch nước ngoài và gọi họ là “chuyên gia”. Chính ở trong đất nước của mình mà công dân Việt Nam còn bị coi rẻ như vậy, thì khi ra nước ngoài, còn ai coi trọng họ? Bản thân tôi cũng từng rất xấu hổ khi cầm hộ chiếu Việt Nam ra nước ngoài. Cảm giác mình bị coi thường vì là công dân của một quốc gia cộng sản dốt nát và lạc hậu. Có một nghịch lý là nếu bạn mang quốc tịch nước ngoài (kể cả những nước đang phát triển như Thái Lan, Singapore…) và đến Việt Nam làm việc, bạn sẽ được coi trọng, được trả lương cao. Tại sao chính chúng ta còn không xem trọng chúng ta? Chính phủ đang làm cái gì để công dân nước mình bị xem thường như vậy ngay trên đất nước của họ? Chẳng lẽ chính phủ Việt Nam bất tài vô dụng đến mức ấy?

Thứ Năm, 18 tháng 2, 2016

Cao Huy Huân - Chúng ta đang tự giết ngành du lịch nước nhà

Du khách chụp ảnh tại Hội An, Việt Nam. 
Trong năm 2015, Thái Lan đón gần 30 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trong khi Việt Nam với rừng vàng biển bạc, phong cảnh hữu tình, đường bờ biển tuyệt đẹp chạy dài từ Bắc chí Nam, lại là điểm đến của không hơn 8 triệu lượt khách. Sự chênh lệch này đã trở thành đề tài bàn tán dai dẳng từ quán cà phê vỉa hè đến mạng xã hội Facebook. Nhiều ý kiến cho rằng đó là do cơ chế quản lý phát triển du lịch yếu kém, những người lãnh đạo không đủ tầm và không có tâm. Đồng ý. Nhưng phần lớn vẫn là do ý thức dân tộc kém. Theo tôi, đừng đổ lỗi cho bất kỳ ai, khi chính bản thân bạn chưa làm đúng. Và những điều sau đây sẽ chỉ ra vì sao chúng ta đang tự giết ngành du lịch nước nhà.

Thứ Ba, 12 tháng 1, 2016

Cao Huy Huân - Trung Quốc không chỉ chiếm biển Việt Nam!

Hàng hóa Trung Quốc được chở tới chợ Tân Thanh
giáp biên giới Trung Quốc tại tỉnh Lạng Sơn,
phía bắc Việt Nam, ngày 30/7/2014.
Những ngày qua, chuyện tàu Trung Quốc tấn công tàu cá của ngư dân Việt Nam trên vùng biển Việt Nam một cách dã man khiến dư luận bức xúc. Nhưng nhìn đại cục, mọi chuyện không chỉ thế!

Sự nguy hiểm của gã hàng xóm “to xác”

Chuyện phần lớn Trường Sa và cả quần đảo Hoàng Sa vốn được công nhận thuộc chủ quyền của Việt Nam theo luật biển quốc tế vốn không phải lạ lẫm. Nhưng kể từ thập niên đầu thế kỷ 21, Bắc Kinh trở chứng mạnh tay và quyết liệt chiếm luôn những gì họ mặc nhiên cho là của cha ông họ để lại. Từ tuyên bố đường chín đoạn, đến việc cho tàu “đi tuần” trong vùng biển mà người Việt xem là ngư trường truyền thống, nuôi sống bao nhiêu thế hệ trong nhiều năm qua.

Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2016

Cao Huy Huân - Viết Từ Ba Lan…

Trụ sở đài truyền hình Ba Lan tại thủ đô Warsaw, ngày 17/5/2015.

Tôi đến Ba Lan vào một ngày mùa đông tháng mười hai. Sân bay Chopin lặng lẽ chào đón tôi đến thủ đô Warsaw. Đó là điểm khác biệt đầu tiên tôi nhận thấy giữa Warsaw và những thủ đô hoa lệ khác của châu Âu như Luân Đôn hay Amsterdam. Không ồn ào hay vội vã, Warsaw im lìm giữa làn sương mù dày đặc trong một mùa đông vĩnh cữu. Ba Lan trong trí tưởng tượng của tôi là một nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu đặc trưng của những năm 90 qua lời kể của những bác lớn tuổi từng được nhà nước cử đi học thời còn Liên Xô, là một xã hội bao cấp của những tem phiếu hay tàu điện cũ kĩ do Liên Xô tài trợ. Ngoài cái không khí lạnh buốt đặc trưng của Đông Âu đó, thủ đô Warsaw ngày nay đã hoàn toàn thay đổi.

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015

Cao Huy Huân - Những thanh niên Việt ‘ngủ mơ’


Cả tuần nay mạng xã hội xôn xao về một đoạn clip ghi lại một nhóm thanh niên Việt Nam tham gia câu lạc bộ (lớp học) dạy nhau làm giàu “tuyên bố ước mơ triệu đô” của mình. Nhìn nhóm thanh niên có phần trí thức, bày biện laptop như kiểu đang vạch ra các chiến lược lớn lao cho bản thân, cùng những câu nói máy móc, rập khuôn và giáo điều, thiết nghĩ thanh niên Việt Nam vẫn còn một bộ phận ngủ mơ giữa những ngày hội nhập.

Nhóm thanh niên đến từ các trường đại học lớn tại Sài Gòn, trong đó có cả người xưng là sinh viên khoa học tự nhiên TP HCM (một thành viên trường Đại học Quốc gia TP HCM của Việt Nam). Mỗi người lần lượt đứng lên, hô hào rất lớn những câu khẩu hiểu mà tôi chắc mẫm là theo khuôn mẫu, đại loại là “tôi là…tôi quyết tâm năm 2016 sẽ có một triệu đô la đầu tiên từ ba (hoặc bốn) nguồn thu nhập… Tôi xứng đáng được ủng hộ và tôn vinh vì bất chấp mọi trở ngại…”. Không ai đánh thuế ước mơ, nhưng xin thưa mấy “ông trẻ” rằng, sao mơ gì mà máy móc và giống nhau từng câu từng chữ đến thế. Các bạn được học những câu nói “nổi cả da gà” ấy từ đâu và từ ai: Trường học hay trường đời? Đến nỗi ngay cả những thành viên trong nhóm, có lúc không kiềm chế được cũng bật cười một cách vô thức, khó hiểu về một nhóm thanh niên chẻ tre nhưng… điên dại.