Hiển thị các bài đăng có nhãn BVN. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn BVN. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2022

Hà Sĩ Phu: Ngồi buồn tự phỏng vấn chơi!

 Tôi đứng về phe “nước mắt”, nhưng phải lau khô nước mắt mới nhìn rõ được con đường! (HSP)

***********

HỎI: Anh nghĩ gì về cái khẩu hiệu “TRÍ-PHÚ-ĐỊA-HÀO-đào tận gốc trốc tận rễ” của Tổng Bí thư Trần Phú?

ĐÁP: Nhiều người cứ tưởng Trí Phú Địa Hào là bốn kẻ thù căn bản nhất của Cộng sản, thực ra đó là bốn giá trị mà người Cộng sản khao khát nhất, nhưng bốn quyền lợi ấy đang nằm trong tay kẻ khác nên Cộng sản phải diệt họ đi để chiếm đoạt lấy!

HỎI: Nhưng trong bốn điều mà Cộng sản khao khát ấy thì TRÍ là thứ khó chiếm đoạt nhất phải không?

ĐÁP: Đúng vậy, lá cờ Cộng sản nhân danh búa liềm Công Nông, nên thoạt đầu Công Nông tưởng mình sẽ thu hoạch được cả thế giới, nên đem hết công sức giúp Cộng sản nổi dậy, nhưng nổi dậy xong thì Đảng đứng ra đại diện và thâu tóm hết. QUYỀN thì sinh ra TIỀN! Giành được quyền rồi thì đảng Vô sản tự biến thành PHÚ-ĐỊA-HÀO hữu sản một cách dễ dàng, đảng viên có quyền bây giờ biến thành Phú Địa Hào thật sự. Nhưng biến thành TRÍ là điều không dễ, dù cố mua bán để làm những “lò ấp Tiến sĩ” thì vẫn lòi đuôi là những Tiến sĩ giả, chẳng ai tin. Còn Công và Nông thì vẫn là hai tầng lớp chịu khó khăn nhất hiện nay.

HỎI: Anh có viết những suy nghĩ ấy ra giấy chưa?

ĐÁP: Viết hết ra rồi. Nhưng dễ nhớ nhất là bài thơ Trí Phú Địa Hào mà nhiều người đã thuộc.

HỎI: Anh đọc lại cho nghe bài thơ ấy đi!

ĐÁP: Xin đọc (Bài ca Trí Phú Đị Hào):           

       

Bốn anh Trí Phú Địa Hào

Chỉ riêng anh Trí lao đao đến giờ

Đảng ta thương Trí ngu ngơ

Cho Công Nông Trí chung cờ liên minh

Trông lên Liềm Búa hai hình

Trí ta vẫn chẳng thấy mình ở đâu

Quay sang tìm Phú Địa Hào

Thấy ba bụng phệ… đã vào Đảng ta! (HSP)


Thứ Tư, 8 tháng 9, 2021

Lê Phú Khải: Nên chăng thay đổi tư duy chống dịch

(Tặng Trần Bang)

Khi nghe những khẩu hiệu như: “chống dịch như chống giặc”, “mỗi khu phố là một pháo đài…”, “mỗi người dân là một chiến sĩ”… tôi đã thấy lo, vì, chúng ta đã lấy tư duy thời đánh giặc xâm lược làm tư duy chống dịch. Cảm hứng của tư duy chiến tranh, đánh giặc… là căm thù, càng giết được nhiều giặc càng tốt. Vì thế, quốc ca của chúng ta ban đầu có câu: “thề phanh thây uống máu quân thù” (sau có sửa đoạn này). Bài quốc ca của Pháp La Marseillaire cũng có câu: Hãy để máu quân thù tưới đẫm luống cày của chúng ta! Con covid không phải là địch, cứu chữa bệnh nhân Covid phải là tư duy trị bệnh cứu người, yêu thương người bệnh, thầy thuốc phải như mẹ hiền! Vẻ mặt hung dữ của các vị dân phòng mà tôi quan sát được tại các chốt gác ở Sài Gòn, Cần Thơ… là tư duy đánh giặc, là tư duy của chuyên chính vô sản, đánh kẻ thù. Người bị F0, F1 có thể là bệnh nhân, phải thiết lập một nền chuyên chính lương tâm với bệnh nhân, với đồng bào của mình. Phải thay đổi tư duy chống dịch thì mới thắng được dịch.

Cũng may, các vị lãnh đạo cao của chính quyền như Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã kịp có những uyển chuyển về tư duy chống dịch trong những phát biểu gần đây. Tôi thấy rất mừng. Nhưng vô cùng sửng sốt khi thấy ông Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh lại mới ra lệnh giãn cách một cách cứng rắn nhất để chống dịch Covid cho dân thủ đô. Vì thế, một tờ báo ở Bỉ (nước Bỉ dùng tiếng Pháp) đã rút cái tít lớn như sau: Hanoi transformée en prison à ciel ouvert pour lutter contre le coronavirus! (Tạm dịch: Hà Nội đã biến thành một nhà tù lộ thiên để chống coronavirus!). Bài báo này ăn khách đến mức nhiều tờ báo ở Châu Âu đã đăng lại nó. Ông Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh chẳng học gì được từ những kinh nghiệm của TP.HCM nên đã làm trò cười cho cả Châu Âu, cả thế giới!

Dịch giã rồi sẽ qua đi. Nhưng chúng ta sẽ phải rút ra những bài học sâu sắc sau đại dịch này. Chẳng hạn, trong tình hình nguy cấp, nếu Hiến pháp của ta không có những tu chính án về tình hình khẩn cấp của đất nước thì Quốc hội phải họp để ra những luật khẩn cấp trong một thời gian ngắn để dễ dàng cho ngành hành pháp ra những chỉ thị không vi hiến.

Để kết thúc bài này, tôi xin chép lại hai câu thơ rất hay mà ít người biết của thi sĩ Xuân Diệu:

Phải can đảm mới bền gan yếu đuối
Phải khôn ngoan mới đủ trí dại khờ!...


Vì thế, trong vụ án Đồng Nọc Nạn ở Nam bộ năm 1928, một luật sư người Pháp đã khuyên Chính phủ Pháp nên vứt bỏ nền chuyên chế bằng sức mạnh của khẩu súng, thay bằng nền chuyên chế của trái tim (dictature du cœur) thì mới mong cai trị được lâu dài ở xứ Việt Nam.

Cần Thơ, 7.9.2021

L.P.K.

Nguồn : BVN

Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2021

Lưu Trọng Văn: Cán cân lệch sẽ... ngã

Sau phản ứng của dư luận trong nước và có thể cả từ phía Mỹ, chắc lãnh đạo Việt Nam đã có chỉ đạo cho truyền thông phải đưa tin đầy đủ cùng nội dung chính các cuộc hội đàm cấp cao Việt-Mỹ.

Sáng nay Tuổi trẻ - tờ báo chính trị xã hội hàng đầu VN đã tường thuật:

"Phát biểu tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính, bà Harris cho biết Mỹ cân nhắc "làm những điều chúng tôi có thể" nhằm nâng tầm mối quan hệ đối tác toàn diện hiện nay giữa hai nước lên đối tác chiến lược. "Điều này sẽ gửi đi một tín hiệu tích cực tới chính phủ, nhân dân hai nước cũng như khu vực khi chúng ta làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai bên".

Khi truyền thông VN công khai đề nghị này của đại diện hàng đầu Chính phủ Mỹ thì lãnh đạo Việt Nam, cụ thể người có toàn quyền cao nhất là TBT Nguyễn Phú Trọng không thể im lặng mà phải chỉ đạo trả lời đề nghị chính thức của Mỹ.

Đu dây là nghệ thuật của các nhà lãnh đạo các quốc gia có vị trí địa chính trị quan trọng. Trong mối tương quan của thế giới, việc không chọn phe là sự khôn ngoan để quốc gia của mình có sự ổn định cần thiết, không bị lệ thuộc vào bất cứ cường quốc nào. Thuật ngữ "đu dây" là biểu hiện của việc không chọn phe ấy.

Việc đu dây chỉ an toàn nếu không bị lệch cán cân.

Hiện Việt Nam đang phải vào tình thế đu dây giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc.

Nhưng VN lại đang chính danh có hiệp định mức cao nhất của sự gắn bó là "Đối tác Toàn diện Chiến lược” với Trung Quốc, trong khi đó lại chỉ chính danh ký kết hiệp định "Đối tác Toàn diện", mức thứ ba của sự gắn bó, với Mỹ.

Điều này thể hiện ở khía cạnh chính danh, cán cân quá lệch về phía Trung Quốc bấy lâu nay.

Thứ Tư, 28 tháng 7, 2021

Nguyễn Đình Cống: Phải chăng tôi đã bị nhầm

Nhân ngày 27 tháng 7 (ngày TBLS) tôi nhận được khoản tiền trên hai triệu là quà của các cấp chính quyền tặng gia đình liệt sĩ. Đó là khoản trích ra từ ngân sách, nghĩa là từ tiền đóng thuế của dân. Tôi biết ơn về sự quan tâm đó.

Gia đình tôi có 5 liệt sĩ là cha tôi và các con cháu của ông, được cấp giấy chứng nhận gia đình có công với cách mạng, mẹ tôi đạt tiêu chuẩn bà mẹ anh hùng.

Tôi đã từng tự hào vì gia đình có đóng góp xương máu cho công cuộc đấu tranh do ĐCS lãnh đạo. Tôi biết các thương binh liệt sĩ hy sinh xương máu là để phục vụ ĐCS làm cách mạng, làm chiến tranh. Họ nghe theo lời tuyên truyền của Đảng nói rằng để giành độc lập và thống nhất đất nước. Đúng là có việc đó thật, nhưng mục đích chính của ĐCS không phải vì việc đó. Độc lập thống nhất chỉ là mục đích ngắn hạn của họ. ĐCS phải lãnh đạo toàn dân giành cho được để thực hiện một mục đích khác cơ bản, quan trọng, đó là áp đặt chính quyền do họ lập ra và sự thống trị toàn diện lên cả đất nước. Mục đích chính của ĐCS là thực thi lý thuyết của Chủ nghĩa Mác Lê về đấu tranh giai cấp, về thiết lập nhà nước chuyên chính vô sản để đem lại đặc quyền đặc lợi cho phe nhóm của họ.

Đảng, như một cành tầm gửi bám vào cây chủ là dân tộc, hút nhựa từ cây chủ để phát triển, khai thác lòng yêu nước và sức mạnh của nhân dân để phục vụ cho lợi ích riêng là chủ yếu.

Độc lập, thống nhất chỉ là bước đầu, là điều kiện cần để ĐCS thực hiện sự thống trị chứ đó không phải mong ước chính của họ. Hy sinh xương máu của chiến sĩ, của đồng bào chính là để phục vụ cho mục đích cơ bản và lâu dài của ĐCS. Không có sự hy sinh đó ĐCS không thể có vai trò và quyền lực như ngày nay.

Thứ Ba, 27 tháng 7, 2021

Phạm Đình Trọng: Ôi quan trí!

Từ thế kỷ trước, bữa ăn sáng hàng ngày của nhiều gia đình người Việt đã là bánh mì. Gia đình phong lưu thì mỗi suất ăn sáng là vài lát bánh mì sandwich và đĩa trứng ốp la. Nhà cơ hàn có khi chỉ là cái bánh mì không. Bữa ăn trưa của nhiều người lao động ở ngổn ngang công trường, ở thời gian gấp gáp trong nhà máy là ổ bánh mì kẹp thịt. Cũng có khi chỉ là ổ bánh mì không người lái, ăn cho qua bữa. Thời Hà Nội bao cấp đói khổ, thiếu thốn, phở không có thịt được dân gian gọi là phở - không - người - lái thì cái bánh mì trần trụi cũng có thể gọi là bánh mì không người lái.

Đến nay bánh mì đã có mặt trong bữa ăn hàng ngày ở nhiều nơi trên đất nước ta. Người dân ở các đô thị càng không thể thiếu bánh mì trong đời sống. Ở bến xe, bến tàu, mẹt hàng bánh mì còn nhiều hơn quán cơm bụi. Một đứa con nít dưới mười tuổi cũng biết rõ bánh mì ăn no bụng thay bữa cơm thì đương nhiên là thực phẩm thiết yếu.

Trong cơn lốc dịch bệnh virus corona, nhiều thành phố phải phong toả, dân phải giãn cách xã hội, ngăn dịch bệnh lây lan, bánh mì càng là thực phẩm thiết yếu, thực phẩm duy nhất trong bữa ăn giữa ca làm việc ở nhiều công trường, nhà máy.

Làm nhiệm vụ ngăn chặn người dân vi phạm lệnh phong toả, không có việc chính đáng không đi ra đường, ông quan phó chủ tịch phường Vĩnh Hoà, Nha Trang khăng khăng bảo anh công nhân đi mua bánh mì cho bữa ăn giữa ca làm việc rằng bánh mì không phải là thực phẩm thiết yếu, đi mua bánh mì không phải lý do chính đáng đi lại trên đường phố. Ông quan phường cố giả ngu, cố nhắm mắt trước thực tế ông thừa biết để ông có cớ ra oai với dân, quát mắng dân và hành dân mà thôi.

Chỉ cần trừng trị đích đáng thói hống hách hành dân và loại kẻ không đủ phẩm chất, năng lực công chức ra khỏi bộ máy nhà nước là đã chỉ ra đạo đức thấp kém, chỉ ra nhận thức sai trái, ngu xuẩn của ông quan phường, là đã khẳng định rằng bánh mì là một trong những thực phẩm thiết yếu của cuộc sống hàng ngày. Vậy là đủ.

Thứ Năm, 22 tháng 7, 2021

Lê Phú Khải: Thực dân Pháp xưa kia đã chia tỉnh ở nước ta như thế nào?

Trên toàn cõi Việt Nam, khi người Pháp chiếm đóng, họ đã chia các tỉnh mà thủ phủ của mỗi tỉnh cách nhau khoảng 60 km. Như thế, để khi dân chúng đi xin giấy tờ gì, cho dù đang ở vùng giáp ranh giữa hai tỉnh, người dân chỉ phải đi 30 km là đến cơ quan đầu não của tỉnh. Sáng đi, chiều có thể về đến nhà bằng xe thổ mộ, tức xe ngựa.

Nhìn trên toàn bản đồ Việt Nam, chỉ có hai tỉnh Mỹ Tho và Bến Tre, hai thủ phủ của tỉnh chỉ cách nhau chừng hơn 10 km, vì, cách nhau con sông Tiền rộng lớn.

Đùng một cái, sau ngày thống nhất đất nước, có vị lãnh đạo tối cao hứng chí ra lệnh sát nhập 2-3 tỉnh với nhau! Tỉnh Lạng Sơn nhập với Cao Bằng được gọi là tỉnh Cao Lạng. Nhưng Uỷ ban tỉnh Cao Lạng lại đóng ở Cao Bằng. Đồng bào phía Lạng Sơn muốn xin giấy tờ cấp tỉnh phải đi đường số 4 men theo biên giới Việt - Trung, một bên là vách đá cheo leo, một bên là vực sâu thăm thẳm! Đường xa, phải ngủ lại, vô cùng vất vả!

Người viết bài này lúc đó là phóng viên Đài Truyền hình Trung ương (nay là Đài Truyền hình Việt Nam), đi quay một bộ phim về cây hồi Lạng Sơn, khi muốn quay cảnh phỏng vấn ông chủ tịch tỉnh Cao Lạng phải cất công sang tận Cao Bằng. Chuyện thật nực cười!

Buổi sớm, tôi bảo anh lái xe của Đoàn 12 mà chúng tôi thuê xe đi dài ngày, rằng: Đường xa, đi sớm cho được việc! Anh ta chỉ nói nhát gừng: Để chiều tối sẽ đi. Tôi bực mình quá, than: Đường núi cheo leo, ban ngày ban mặt không đi, lại chờ đến chiều tối mới đi là thế nào?! Năn nỉ mãi, anh ta lại nói: Các anh nhà báo thì biết gì (!). Đến sẩm tối, đoàn làm phim ba người chúng tôi mới được cậu lái xe Đoàn 12 phất tay ra hiệu lên đường. Đi được chừng ba cây số thì một chiếc xe tải chở đầy gỗ phóng phăm phăm ngược chiều lao thẳng vào chiếc com-măng-ca của chúng tôi. Cậu lái xe phải nép sát vào vách đá để tránh. Chiếc xe tải đi rồi, cậu ta mới giải thích: Ở trên miền núi này, lái xe miền xuôi không ai chịu lên làm việc, nên lâm trường quốc doanh phải thuê cánh tài xế người dân tộc. Họ uống rượu say rồi nhảy lên cabin phóng ào ào! Xe lâm trường hất xe người khác xuống vực là chuyện “thường ngày ở huyện”! Vì thế, chúng tôi phải đợi đến tối, hết xe lâm trường mới đi cho chắc ăn. Thỉnh thoảng, đi qua một vách đá có hang ở bên trong, cậu lái xe lại đập tay bóp còi, tiếng động vang vào vách đá, dội lại như tiếng bom nổ! Cậu ta cười bảo: Làm thế để các nhà báo khỏi buồn ngủ.

Thứ Sáu, 16 tháng 7, 2021

Nguyễn Đình Cống: Chủ nghĩa cá nhân ở Việt Nam

Chủ nghĩa cá nhân (CNCN) có nhiều nội dung tích cực, tốt đẹp. Nhưng gần một thế kỷ qua ở Việt Nam các nhà lãnh đạo và tuyên truyền cộng sản đã hiểu sai về nó và ra sức chống đối. Việc này lợi ít hại nhiều. Đã đến lúc cần làm cho người dân Việt và đặc biệt là tầng lớp trẻ hiểu rõ và phát huy sức mạnh của CNCN, đồng thời hướng sự chống đối vào những mặt xấu xa, tiêu cực của con người và thể chế.

Dưới nền quân chủ vai trò cá nhân quy tụ vào vua chúa. Dân thường chỉ được làm theo lệnh cấp trên, không có quyền tự do tư tưởng, không thể sáng tạo. Xã hội ở vào trạng thái trì trệ.

CNCN bắt đầu manh nha ở châu Âu từ thời Phục Hưng (thế kỷ 16) với sự phát triển mọi mặt của con người và đạt đỉnh cao trong Thời kỳ Khai sáng (thế kỷ 18) với tự do cùng lòng khoan dung cá nhân và chống lại độc quyền của vua chúa.

CNCN có nội dung triết học và nhân văn, nó đề cao vai trò và lợi ích cá nhân trên cơ sở mỗi người có lòng tự trọng, tự tin, tự lập, tự quyết, tự do, là cơ sở của mọi sáng tao và thành công, là động lực mạnh mẽ của tiến bộ xã hội, là vũ khí và lực lượng chống lại sự độc tôn toàn trị. Vì vậy bọn chuyên chính độc tài thù ghét nó. Nội dung cơ bản của CNCN không bao gồm những thói hư tật xấu như ích kỷ, cửa quyền, độc đoán, tham nhũng, chia rẽ, thù oán v.v…, thế nhưng trong quá trình lan tỏa người ta gán thêm cho nó tính vị kỷ, gắn nó với Chủ nghĩa Vị kỷ và đặc biệt khi tuyên truyền cho đạo đức cách mạng của giai cấp vô sản thì người ta gán cho CNCN những thói hư tật xấu và không kể gì đến những tích cực của nó.

Một số người lãnh đạo của ĐCSVN, không biết vì thiếu trí tuệ rồi bị nhầm lẫn hay vì cố tình đánh tráo khái niệm mà đã mô tả CNCN như là tàn dư của phong kiến và tư bản với mọi thói xấu xa đê tiện rồi ra sức tuyên truyền chống phá. Rất có thể họ thấy được những mặt tích cực của CNCN, nhưng họ không muốn công nhận vì chúng đụng chạm tới uy quyền toàn trị của họ, họ không chịu được rằng trong đất nước này lại có người giỏi hơn họ, dám đề xuất những điều khác với họ.

Thứ Sáu, 9 tháng 7, 2021

Minh Đức : TQ có thể mãi mãi không thực hiện được lời tiên tri "soán ngôi" Mỹ, nhưng điều tệ nhất là gì?

Bloomberg Economics gần đây có bài phân tích về khả năng và cơ hội Trung Quốc vượt lên Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trung Quốc tin rằng sự "đổi vai" giữa nước này với Mỹ trong vị thế nền kinh tế lớn nhất thế giới là điều tất yếu.

"Đất nước Trung Quốc," Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu tại lễ kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 1/7, "đang tiến tới công cuộc trẻ hóa vĩ đại với tốc độ không gì cản nổi."

Trong giai đoạn đầu cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra, Trung Quốc đã thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh và duy trì tăng trưởng. Trong khi đó, Mỹ ghi nhận hàng trăm nghìn ca tử vong và hứng chịu suy thoái kinh tế nghiêm trọng.

Rào cản của chính Trung Quốc trước mục tiêu nền kinh tế lớn nhất thế giới


Gần đây, sự phục hồi nhanh chóng đầy bất ngờ của Mỹ đã cho thấy không gì là chắc chắn trong giai đoạn chuyển giao.

Giả sử, ông Tập Cận Bình có thể tiến hành các cải cách thúc đẩy tăng trưởng trong khi người đồng cấp Mỹ là Tổng thống Joe Biden không thể hiện thực hóa các đề xuất về đổi mới cơ sở hạ tầng và mở rộng lực lượng lao động của mình. Theo đó, Bloomberg Economics dự báo chỉ 10 năm nữa, tức vào năm 2031, Trung Quốc có thể chiếm vị trí dẫn đầu mà Mỹ đã nắm giữ cả thế kỷ nay.

Tuy nhiên, không có gì đảm bảo sự "soán ngôi" chắc chắn sẽ xảy ra.

Nguyễn Ngọc Chu: 100 năm quái vật thành tinh

I. Mượn bóng nhân dân


Theo tin được xác minh về sau, thì Đại hội lần thứ nhất Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc (TQ) diễn ra từ 23 - 31/ 7/ 1921. Nhưng không biết từ đâu, lại lấy ngày 1/7/1921 làm ngày thành lập?

Như vua chúa TQ thời xưa bịa ra thần thoại xuất hiện rồng rắn báo hiệu sự lên ngôi, ở mặt khác như thừa nhận của Tổng Bí thư ĐCS Liên Xô Gorbachev lúc đương nhiệm - “Cả đời các bạn chỉ được nghe những điều giả dối” - thì có quyền hoài nghi cả 2 cột mốc về sự ra đời của ĐCSTQ.

Nhưng cần gì thời điểm chính xác. Sau 100 năm, hay xấp xỉ 100 năm thì các loài vật đều “thành tinh”. Đứng xếp hàng rồng rắn cách nhau 1 m, thì ĐCSTQ với 95 triệu đảng viên sẽ là “con rắn khổng lồ dài 95 000 km”, 15 lần dài hơn Vạn lý trường thành (6259 km).

Đứng đầu “con rắn khổng lồ dài 95 000 km” là ông Tập Cận Bình. Ngày 1/7/2021 ông Tập đã có bài phát biểu tại Thiên An Môn về sự “thượng thọ” 100 năm của ĐCS TQ. Trong đó có 4 điểm cần để ý.

1. Xây đựng Quân đội Trung Quốc hùng mạnh

Minh chứng là cuộc trình diễn khai mạc với các phi cơ bay theo hình con số 100. Ông Tập khẳng định quyết tâm đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa quốc phòng và các lực lượng vũ trang.

Ngân sách quốc phòng TQ năm 2020 đạt 252 tỷ USD, đứng thứ 2 thế giới sau Hoa Kỳ (772 tỷ USD) vượt xa ngân sách quốc phòng Nga (61,2 tỷ USD), và sẽ tăng đến 6,8% trong năm 2021. Trung Quốc đang xây hàng trăm hầm ngầm chứa tên lửa đạn đạo ở Tân Cương. Số lượng đầu đạn hạt nhân của TQ (350) đã vượt qua Pháp (290) lên vị trí thứ 3 thế giới. TQ đặt mục tiêu rút ngắn khoảng cách với Nga (6500) và Mỹ (6185). Riêng về số lượng tàu chiến (777) và tàu ngầm (79) thì Trung Quốc đã vượt qua Mỹ (490, 69) và Nga (605,64). Quân đội TQ về thực lực đang xếp vị trí thứ 3 thế giới. Về số lượng quân số và binh khí thông thường - đang chiếm ngôi số 1 thế giới.

Thứ Sáu, 2 tháng 7, 2021

Trần Minh Thảo: Ở Việt Nam ý thức dân tộc còn mang tính làng xã

Tôi trình bày một số suy nghĩ cá nhân nông cạn với mong muốn cùng các bạn làm sáng tỏ vấn đề, tự thấy có trách nhiệm góp phần đổi mới đất nước một cách bền vững. Bài viết phân tích các biến chuyển về ý thức dân tộc, quá trình phát triển lịch sử của Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 cho tới nay.

1/ Cuộc vận động đổi mới nửa đầu thế kỷ 20


Non 100 năm trước, đầu thế kỷ 20, Việt nam có một cuộc vận động đổi mới theo hướng kinh tế thị trường. Đó là phong trào Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa Thục (1907) của các nho sĩ có Tây học yêu nước (với nghĩa tương tự như có Hán học) Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Phan Chu Trinh… Đó là lần đổi mới thứ nhất mà lạ lùng thay cũng là đổi mới theo sau phong trào duy tân của các trí thức nho sĩ Trung Hoa nhưng không làm theo Trung Hoa. Phong trào tồn tại một thời gian thì bị người Pháp đàn áp, tan rã. Tuy thế, nhìn tổng quát phong trào Duy Tân ở Việt Nam có tác dụng rất sâu rộng mà những cuộc vận động về sau, kể cả cuộc cách mạng do đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo theo tôi cũng là con đẻ của phong trào ấy.

Phong trào Duy Tân - Đông Kinh Nghĩa Thục chủ trương 3 việc:

- Chấn dân khí: Thức tỉnh tinh thần tự lực tự cường của người dân (làm chủ xã hội, đất nước, ý thức tự làm chủ, không chịu nô lệ ai, tức là không sợ ai), chống chế độ chuyên chế, áp bức (quân chủ, thực dân). Phong trào dịch các sách gọi là tân thư của các nhà tư tưởng phương Tây như Montesquieu, J. J. Rousseau, Kant ,Darwin… từ chữ Hán sang quốc ngữ (các sách này do các trí thức duy tân Trung Hoa Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu… dịch từ chữ Pháp sang Hán văn). Đề cao dân quyền thực chất là xoá bỏ quân quyền (cuối cùng là đuổi người Pháp ra khỏi nước), thiết lập chế độ dân chủ kiểu phương Tây. Phong trào này coi Người Việt trên ba miền là công dân một nước Việt Nam thống nhất. Đấy là lần đầu tiên tư tưởng dân tộc Việt Nam là một, đất nước Việt Nam là một được trình bày công khai.

Trần Minh Thảo: Ở Việt Nam ý thức dân tộc còn mang tính làng xã (kỳ 2)

(Tiếp theo và hết)

Trong lịch sử ngàn năm có lẽ thái bình thịnh vượng chỉ thật sự có trong mấy năm thời Lê Thánh Tôn. Đói thì cướp bóc, nổi loạn (các nhà sử học Mác-xít gọi là khởi nghĩa nông dân). Cướp hay khởi nghĩa có cùng một phương thức: Cướp của nhà giàu (chia cho người nghèo), nhà nghèo cướp của nhà giàu, vùng nghèo hơn đi cướp của vùng giàu hơn. Trong một ngàn năm chỉ có 3 cuộc nổi dậy (khởi nghĩa nông dân) Lê Lợi, Tây Sơn và cuộc đấu tranh do đảng Cộng sản lãnh đạo là thành công, còn lại là “được làm vua thua làm giặc”. Sử nhà Nguyễn ghi từ đầu Gia Long đến cuối Tự Đức, hơn 50 năm có gần 800 cuộc nổi dậy, 16 cuộc khởi nghĩa trong 1 năm, giống châu Phi hiện nay (khởi nghĩa do đói kết hợp với tham vọng quyền lực của các hào trưởng địa phương, điển hình là Giặc Châu chấu (1854) vì năm đó châu chấu phá hoại mùa màng ở đồng bằng sông Hồng, cuộc khởi nghĩa có thi hào Cao Bá Quát tham gia). Đói nghèo, giặc giã là cơ hội cho quan lại và nhà giàu càng giàu lên, vì bọn họ chiếm lấy ruộng đất của dân nghèo bỏ xứ, của người chết, hoặc đơn giản là bọn có quyền làm văn khế giả để chiếm ruộng của dân nghèo (cướp đêm là giặc cướp ngày là quan). Chúa Trịnh Cương nhận xét: ”Ruộng đất rơi hết vào nhà hào phú, còn dân nghèo thì không có một miếng đất cắm dùi”. Theo cố học giả Vương Hồng Sển, ở Nam kỳ trước 1945, quyền thế và tiền bạc cấu kết với nhau cướp không ruộng đất của nông dân đổ công khai phá rồi biến nông dân thành tá điền trên chính ruộng đất của mình, xảy ra phổ biến. Con em bọn nhà giàu ấy sẵn tiền rừng bạc biển truỵ lạc trác táng làm phong hóa suy đồi, làm tan nát bao nhiêu gia đình lương thiện... Sau 1975, ông Vương Hồng Sển rút kinh nghiệm theo thuyết nhân quả, đại ý: Các người ăn chơi đú đởn để đến nay bọn tôi trả nợ khổ nhục quá chừng (có lẽ ông muốn nói đến chủ trương cải tạo nói chung của đảng sau 1975, cường bạo này trả thù cường bạo nọ, ruồi muỗi chết oan). Tình trạng ruộng đất trong nông thôn ở cả ba miền ngày nay có gì khác với thời vua Lê chúa Trịnh và thời Pháp thuộc?

Tình trạng làng xã tự trị (dân chủ cơ sở) do cơ chế quyền lực và nhiều nguyên nhân khác về thực chất là trung ương không kiểm soát được địa phương. Học giả Nguyễn Hiến Lê thấy rằng bọn hào lý ở làng (năm 1928) thực chất là một thứ triều đình thu nhỏ hành hạ dân nghèo không nương tay. Nông dân nghèo khổ tụ tập nhau làm “giặc” đi cướp của nhà giàu để sống cũng là lẽ thường. Đói nghèo, áp bức (vật chất, tinh thần), phiêu giạt phương xa kiếm ăn, trộm cướp, bạo loạn là mặt trái của văn minh làng (xã). Lịch sử Việt Nam cũng chứng tỏ khi quyền lực cai trị mất lòng dân thì phải dựa vào bạo lực vũ trang để tồn tại. Công cụ bạo lực biến thành kiêu binh tàn hại lương dân, chủ yếu vẫn là nông dân, không sao kể xiết. Sử cũ ghi Kiêu binh thời cuối Lê-Trịnh từ Thăng Long ra các vùng quê lấy của cải, bắt phụ nữ, con gái nhà lương dân giữa ban ngày, có khi chúng làm như vậy ngay trong kinh thành Thăng Long. Vua Lê, chúa Trịnh có kết cục bi thảm là hậu quả của chính sách cai trị độc tài mất lòng dân (Hoàng Lê nhất thống chí - Ngô gia văn phái).

Thứ Tư, 30 tháng 6, 2021

Nguyễn Ngọc Chu: Xin đừng nhân danh quá khứ. Tượng đài không che khuất mọi thứ

Về tượng đài, đã nhiều người lên tiếng, nhưng không thuyên giảm mà còn gia tăng. Gần đây nổi cộm là tượng đài lưu niệm hành trình cứu nước của ông Hun Sen trị giá 300 tỷ ở Bình Phước đã khánh thành, tượng đài Cụ Hồ ở Phú Quốc 353 tỷ đồng dự kiến khởi công ngày 02-9-2021, và tượng đài tập kết ở Thanh Hoá trị giá 255 tỷ đồng vừa được lựa chọn mẫu xây dựng.

I. TƯỢNG ĐÀI THÚC ĐẨY THAM NHŨNG VÀ LÃNG PHÍ


Các dự án tiền tỷ của nhà nước không có dự án nào đúng giá.

Ít thì nâng giá 5% - 10%. Thông thường thì nâng giá từ 20% – 100%. Nhiều thì nâng giá từ 5 lần đến hàng chục hàng trăm lần giá trị thực.

Cụ thể như giá thiết bị y tế chống Covid -19 được năng 5-7 lần. Giá dự án AVG năng khoảng 18 lần. Giá đường sắt Cát Linh - Hà Đông tăng khoảng 3-5 lần so với giá các nước. Động cơ của việc nâng giá là để tham nhũng.

Cho nên, các dự án tượng đài nêu trên đã và sẽ góp phần thúc đẩy gia tăng tham nhũng. Đó là điều chắc chắn. Ngoài tham nhũng ra còn lãng phí. Lãng phí do trình độ quản lý kém. Lãng phí do không có trách nhiệm vì đó là sở hữu toàn dân.

II. BIẾT KHÓ NHƯNG VẪN PHẢI NÓI


1/ Về tượng đài Tập kết


Ngày 29/10/2019 tại Cao Lãnh Đồng Tháp khánh thành tượng đài Tập kết năm 1954, trên diện tích 12 000 m2 trị giá 49 tỷ đồng (https://nhandan.vn/.../khanh-thanh-tuong-dai-tap-ket-nam...).

Ngày 28/2/2021 tại TP.HCM Phó thủ tướng Trương Hoà Bình họp với lãnh đạo Thanh Hoá và các bộ nghành liên quan về khởi công xây dựng Tượng đài Tập kết vào quý III năm 2021. Khu tượng đài có giá trị xây dựng 255 tỷ đồng, trên khuôn viên đất 38 000 m2 (http://truonghoabinh.chinhphu.vn/.../quy-iii2021-khoi...).

Nguyễn Đình Cống: Trí thức lề dân băn khoăn điều gì?

Ở VN hiện nay, nhiều thông tin, nhận thức, quan điểm được chia thành Lề Đảng và Lề Dân. Điều này chủ yếu do tư tưởng và hoạt động của trí thức. Có trí thức lề đảng và trí thức lề dân. Phân biệt này chủ yếu dựa vào tư tưởng và mục tiêu của hoạt động mà không dựa vào nghề nghiệp hoặc vị trí công tác.

Trí thức lề đảng là những người luôn tâm niệm “Còn Đảng còn mình”, hết lòng phụng sự lý tưởng và tổ chức Đảng. Bài này chưa bàn đến họ.

Trí thức lề dân là những người có lòng yêu nước thương nòi, mong muốn đóng góp công sức và trí tuệ cho sự phát triển của đất nước nhằm đem lại tự do và hạnh phúc cho toàn dân. Họ là những cá nhân riêng lẻ, không tập hợp thành tổ chức, có thể ở trong nước hoặc nước ngoài, đang sống tự do hoặc làm việc trong một tổ chức. Họ có thể là hoặc không phải đảng viên cộng sản nhưng nhờ có đầu óc biết suy nghĩ nên không bị chi phối bởi ý thức hệ Mác Lê, không ủng hộ sự độc tài toàn trị, họ mong ước dân chủ hóa đất nước.

Ngoài hai loại trên còn có những trí thức tự cho rằng không thuộc lề nào, họ chủ yếu suy nghĩ và hoạt động vì cá nhân, không thích độc tài nhưng cũng không dám ủng hộ dân chủ.

Trí thức lề dân có ba loại.


Loại một gồm những người thấy rõ những sai lầm của Mác Lê và đường lối của ĐCS, họ làm phản biện bằng nhiều hình thức, họ thực hiện đấu tranh hòa bình để dân chủ hóa đất nước và bị một số lớn lãnh đạo Đảng và trí thức lề đảng xem là thế lực thù địch. Nhiều người trong số họ đã bị hãm hại, bị tù đày, bị cô lập nhưng nhờ có phẩm chất cao mà họ thà chịu bị đối xử bất công chứ không chịu khuất phục cường quyền. Băn khoăn lớn nhất của họ là nâng cao được dân trí theo đường lối của nhà chí sĩ Phan Chu Trinh, là tập hợp lại thành lực lượng để đấu tranh có hiệu quả.

Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2021

Nguyễn Đình Cống: Phản biện bài báo của GS Nguyễn Phú Trọng (Phần I)

I- Giới thiệu


Ngày 17/5/ 2021, các báo ở Việt Nam đồng loạt đăng bài “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” (gọi tắt là Bài báo). Bài báo ký tên Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bài báo dài 8180 chữ, trình bày liền một mạch, có thể phân thành 10 đoạn với tiêu đề do tôi đặt như sau:

Đoạn 1- Đặt vấn đề với 4 câu hỏi về CNXH và xây dựng CNXH ở VN: 610 chữ

Đoạn 2- Nhận xét chủ nghĩa tư bản: 1080 chữ.

Đoạn 3- Việt Nam cần xây dựng XHCN: 1149 chữ.

Đoạn 4- Điểm qua những việc cần làm: 437 chữ.

Đoạn 5- Kinh tế thị trường định hướng XHCN: 703 chữ.

Đoạn 6- Phát triển văn hóa: 304 chữ.

Đoạn 7- Nhà nước pháp quyền XHCN: 537 chữ.

Đoạn 8- Xây dựng Đảng: 400 chữ.

Đoạn 9- Thành tích và tồn tại của thời kỳ 35 năm đổi mới: 1929 chữ.

Đoạn 10- Thời kỳ quá độ: 984 chữ.

Bài báo đã được sự quan tâm của báo chí cả hai phía, lề Đảng và lề Dân; của người trong nước và ở nước ngoài.

Nhiều báo lề Đảng không những đăng toàn văn mà còn rất nhiều bài hưởng ứng, ca ngợi lên tận mây xanh, cho rằng bài báo có tính khoa học và tính thực tiễn rất cao. Rất nhiều bài, không thể kể hết.

Nguyễn Đình Cống: Phản biện bài báo của GS Nguyễn Phú Trọng (Phần II)

Câu 3- Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được CNXH ở VN?


Đây là vấn đề mấu chốt. Bài báo cho rằng, để xây dựng CNXH ở VN cần thực hành kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng nền văn hóa XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN, phải trải qua thời kỳ quá độ và dưới sự lãnh đạo của ĐCS.

Về kinh tế thị trường định hướng XHCN


Thực chất là kinh tế thị trường có sự chỉ huy, điều tiết của nhà nước. Xin trình bày qua về nền kinh tế này.

Các nhà lý luận của Cộng sản VN khẳng định rằng, kinh tế thị trường định hướng XHCN là một “sáng tạo đột phá” của họ mà không nêu ra được ai là người đầu tiên phát hiện ra nó. Thật ra đó là sự nhận nhầm.

Kinh tế thị trường có quản lý của nhà nước là học thuyết kinh tế của John Maynard Keynes, người Anh (1883-1946), nhằm khắc phục các nhược điểm của thị trường tự do (Adam Smith) và thị trường do nhà nước điều hành theo kế hoạch (Karl Marx). Người ta cho rằng Smith, Marx và Keynes là ba nhà kinh tế lớn nhất của thế giới. Hiện nay mọi nền kinh tế đều chịu sự chỉ đạo của nhà nước, không nơi nào còn có thị trường hoàn toàn tự do. Trung Quốc đã theo học thuyết của Keynes trước VN, mở nền kinh tế thị trường với sự điều tiết của nhà nước cộng sản. Một người VN nào đó không phát hiện ra bản chất nền kinh tế mà chỉ nghĩ ra mấy chữ định hướng XHCN để gọi. Thế mà dám cho rằng đó là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, có nói quá không nhỉ?

Thứ Ba, 1 tháng 6, 2021

Q.S. (soha.vn): Gọi Nga là bạn tốt, Trung Quốc vấp ngay những "hòn đá tảng" và nhận ra một điều cay đắng

Ông Heydarian cho rằng, Tổng thống Duterte đã sai khi có những nhượng bộ quan trọng trước Trung Quốc, từ việc "gác lại" phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế về Biển Đông năm 2016 cho đến hạ cấp hợp tác an ninh với đồng minh quân sự Mỹ, để đổi lấy một gói cam kết vẫn chưa được thực hiện của Trung Quốc. Kết quả là, ông Duterte đã phung phí những đòn bẩy, dù là nhỏ nhất, khi cần đối phó với Bắc Kinh. Ông Duterte đã chuẩn bị rời nhiệm sở, nhưng cho đến nay nhà lãnh đạo này vẫn chưa mang về cho Philippines một khoản đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn nào từ Trung Quốc.


Dù đăng bài báo ca ngợi tình hữu nghị ngày càng tăng giữa Nga-Trung, Thời báo Hoàn Cầu vẫn phải ngậm ngùi thừa nhận một điều

TRUNG QUỐC HẾT LỜI CA NGỢI MỐI QUAN HỆ, NGA THÌ SAO?


Tháng 6/2019, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình gọi ông Putin là "người bạn tốt nhất của tôi". Và rồi, khi mối quan hệ với Mỹ trở nên xấu đi, Trung Quốc và Nga đang trở nên thân thiết hơn.

Điều này làm dấy lên những lo ngại về một liên minh quân sự có thể hình thành giữa hai thế lực nặng ký.

Bất chấp những lo ngại từ Mỹ và đồng minh của Washington, Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã bác bỏ thông tin cho rằng mục đích của sự liên kết này là nhằm tổ chức một cuộc tấn công phối hợp nhằm vào Mỹ.

Khi được hỏi về liên minh quân sự tiềm năng nhằm chống lại Mỹ, ông Lavrov đã nói với ấn phẩm Argumenty I Fakty (AIF) của Nga rằng, Moscow và Bắc Kinh đang "hài lòng" với "hình thức hợp tác hiện tại" của họ.

Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2021

Nguyễn Ngọc Chu: Bất chấp lợi ích quốc gia?

1. Mục đích che giấu


Tổng thống Belarus Lukashenko hôm 23/5/202 đã điều chiến đấu cơ Mig 29 buộc máy bay hành khách Boeing 737-800 của Ryanair bay từ Hy Lạp đến Litva đang chuẩn bị hạ cánh xuống thủ đô Vilnius cách 70 km, phải đổi hướng hạ cánh khẩn cấp xuống Minsk cách đó 220 km, với cáo buộc máy bay bị đe doạ đánh bom. An ninh ngầm của Belarus đã phục sẵn là hành khách trên chuyến bay. Khi bắt đầu vào không phận Belarus thì lập tức tranh cãi với tổ bay là có bom khủng bố.

Sau khi hạ cánh, máy bay bị khám xét nhưng không có chất nổ. An ninh Belarus đã bắt nhà báo đối lập 26 tuổi Roman Protasevich cùng bạn gái Sofia Sapega. Roman Protasevich là nhà báo từng làm việc cho hãng tin Ba Lan Nexta, đã phát đi nhiều tin về cuộc biểu tình phản đối tổng thống Lukashenko gian lận bầu cử. Anh bị chính quyền Lukashenko truy nã với cáo buộc khủng bố và tổ chức bạo loạn.

Bịa đặt khủng bố, ép buộc máy bay hành khánh đổi hướng hạ cánh để bắt người đối lập Roman Protasevich - là mục đích và hành động của ông Lukashenko. “Nhiều quốc gia và tổ chức hàng không quốc tế đã chỉ trích Minsk về “hành động gây choáng naỳ”, đồng thời kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế toàn diện” (http://cand.com.vn/.../Quoc-te-phan-no-vu-Belarus-chan.../).

2. Bị trừng phạt


Ngày 24/5/2021 tất cả 27 thành viên EU đã nhất trí trừng phạt Belarus, lên án hành động ép buộc máy bay Ryanair hạ cánh, yêu cầu phải trả tự do cho nhà báo đối lập Roman Protasevich và bạn gái Sofia Sapega. EU cũng yêu cầu Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế làm sáng tỏ vụ việc “chưa từng có và không thể chấp nhận” này.

Trong các biện pháp EU trừng phạt, trước mắt bao gồm: Đóng cửa địa phận EU đối với các phi cơ Belarus; Yêu cầu tất cả các hãng hàng không châu Âu không bay qua không phận Belarus; Tạm đình chỉ gói đầu tư 3 tỷ Euro cho Belarus.

Thứ Sáu, 21 tháng 5, 2021

Mạc Văn Trang: Chuyện về nông dân CẤN THỊ THÊU

Nhà cầm quyền hãy một lần tự nhìn lại mình đi: Tại sao lại biến những người nông dân lương thiện, tha thiết gắn bó với ruộng đồng thành những Đoàn Văn Vươn, Đặng Ngọc Viết, Đặng Văn Hiến, Lê Đình Kình, Cấn Thị Thêu…? Tại sao lại biến những ruộng đồng ngàn năm “lành như đất” của dân tộc này thành “đất dữ” tranh cướp đầy nước mắt và cả máu, gây nên bao hận thù, oan khuất? Nguyên nhân sâu xa từ đâu? Ai mới chính là những kẻ gây nên tội ác, gieo biết bao tai họa cho dân oan khắp trên đất nước này?

Còn Cấn Thị Thêu, đúng như bà tuyên bố trước Tòa: “TÊN TÔI LÀ NẠN NHÂN CỦA CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN”!

Hôm 11/5/2021 ngồi nói chuyện với ông Trịnh Bá Khiêm càng hiểu thêm về bà Cấn Thị Thêu, vợ ông, gia đình ông.

Tác giả và ông Trịnh Bá Khiêm
Bà Cấn Thị Thêu sinh năm 1962, quê ở xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình, lấy ông Trịnh Bá Khiêm ở xã Dương Nội, huyện Hòai Đức, Hà Đông (nay là phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội). Ông bà có ba con: Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư và Trịnh Thị Thảo. Bà Thêu chỉ học hết lớp 6 nhưng là một phụ nữ thông minh, đảm đang và cả gia đình bà đều là những nông dân chăm chỉ, giỏi giang.

Năm 2008 thì xảy ra chuyện nông dân Dương Nội bị cướp đất, liên quan đến cuộc sống của hơn một nghìn hộ dân…

Nói “cướp đất” là đúng theo nghĩa đen. Vì dân bao đời đang làm ăn sinh sống yên ổn, bỗng chính quyền phổ biến “thu hồi đất cho dự án phát triển đô thị”. Họ đền bù cho dân 70 triệu đồng 1 sào 360 m2 đất. Rồi họ hứa sẽ cấp đất cho dân “tái định cư”, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho dân mất đất… Nhưng tất cả đều là hứa hão suốt hơn 10 năm qua! Còn đất, ông Khiêm cho biết, hiện nay doanh nghiệp bán hơn 100 triệu đồng 1m2 đất phân nền.

Trong khi dân chưa thông, chính quyền còn đang vận động; còn gần 400 hộ chưa đồng ý nhận tiền đền bù, thì họ cho máy ủi, máy xúc, đem hàng nghìn công an, xã hội đen về “cưỡng chế”. Họ ủi cả hoa màu, mồ mả, nhà cửa nằm trong “Bản quy hoạch dự án” do họ tự vẽ ra trên giấy.

Thứ Sáu, 14 tháng 5, 2021

Đăng Trình: Chính phủ Úc có thể sử dụng quyền phủ quyết mới để đóng cửa các Học viện Khổng Tử

Các Học viện Khổng Tử do 13 trường đại học Úc hợp tác với các trường đại học Trung Quốc hiện đang bị Chính phủ liên bang xem xét do lo ngại về “quyền lực mềm” của Bắc Kinh.

Ngoại trưởng Marise Payne hồi tháng trước cảnh báo chính phủ sẽ đưa ra “các quyết định tiếp theo” sau khi bà sử dụng quyền phủ quyết mới để huỷ bỏ thoả thuận Vành đai và Con đường giữa Victoria với Trung Quốc, cũng như hai thoả thuận khác do tiểu bang ký kết với Iran và Syria.

Một phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao và Thương mại cho biết Thượng nghị sĩ Payne sẽ đưa ra quyết định của mình “dựa trên từng trường hợp cụ thể”, nhưng 13 trường đại học dự kiến sẽ đệ trình các thoả thuận của họ lên Bộ trước ngày 10/6.

“Các trường đại học được yêu cầu khai báo tất cả các thỏa thuận hiện có với các chính phủ nước ngoài nằm trong phạm vi của chương trình, bao gồm cả những nơi liên quan đến các Học viện Khổng Tử,” phát ngôn nhân cho biết.

Bà Elaine Pearson, Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tại Úc, nói với tờ Sydney Morning Herald rằng sự hiện diện của các Học viện Khổng Tử trong khuôn viên trường đại học Úc là “vô cùng có vấn đề” và ủng hộ việc chính phủ đóng cửa các trung tâm này.

Ít nhất bốn trường đại học, bao gồm Đại học Sydney, Đại học Victoria, Đại học Queensland và Đại học Western Australia, đã đệ trình các thoả thuận của họ cho Bộ xem xét.

Một trung tâm mang tên Viện Khổng Tử Y học Trung Quốc thuộc Đại học RMIT sẽ đóng cửa trong năm nay, do thiếu hụt ngân sách vì COVID-19.

Thứ Năm, 13 tháng 5, 2021

An An : TQ chưa kịp giàu đã già - "Quả bom hẹn giờ dài hạn" sẽ nổ tung Giấc mộng Trung Hoa của ông Tập?

Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức nhân khẩu học đặc thù cấp bách nhất và nghiêm trọng nhất thế giới.

Chưa kịp giàu đã già


Dân số Trung Quốc đang tăng với tốc độ chậm nhất kể từ những năm 1960. Tỷ lệ sinh giảm và lực lượng trong độ tuổi lao động già hóa đã mang đến một trong những thách thức kinh tế và xã hội nghiêm trọng nhất đối với chính quyền Bắc Kinh.

Vào ngày 11/5, Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã công bố số liệu chính của cuộc tổng điều tra dân số quốc gia lần thứ 7: Tổng dân số toàn quốc Trung Quốc là 1,41 tỷ người, tăng 72,06 triệu người hay 5,38% so với mức 1,33 tỷ người năm 2010, tốc độ tăng bình quân hàng năm là 0,53%.

Phát biểu trong cuộc họp báo vào ngày 11/5, ông Ninh Cát Triết, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết, dân số Trung Quốc đã tiếp tục tăng trong 10 năm qua, và nước này vẫn là quốc gia đông dân nhất thế giới.

Ông Ninh cho biết thêm, chỉ có 12 triệu trẻ sơ sinh được sinh ra ở Trung Quốc vào năm ngoái. Đây là năm thứ tư liên tiếp tỷ lệ sinh của nước này giảm và cũng là mức thấp nhất kể từ cuộc thống kê chính thức năm 1961.

Những dữ liệu này chỉ ra rằng, Trung Quốc đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, điều này có thể cản trở sự tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với những thách thức liên quan đến già hóa tương tự như ở các nước phát triển nhưng thu nhập trung bình của các hộ gia đình Trung Quốc lại thấp hơn nhiều.