Hiển thị các bài đăng có nhãn BBC News Tiếng Việt. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn BBC News Tiếng Việt. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2022

Hải Di Nguyễn (BBC News Tiếng Việt) : 'My South Vietnam’: phim tài liệu dựng lại bức tranh về VNCH trước 1975

Đường phố Sài Gòn 1968, Wikipedia

Vietnam Film Club, một nhóm làm phim tài liệu độc lập tại Mỹ về lịch sử và văn hóa Việt Nam, đang trong thời gian thực hiện ‘My South Vietnam’, một phim tài liệu nhiều tập về nhiều khía cạnh của Việt Nam Cộng Hòa.

Với chủ trương “Trình bày sự thật lịch sử và bảo tồn văn hoá Việt Nam”, Vietnam Film Club được thành lập năm 2010 bởi Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích và ông Chu Lynh.

‘My South Vietnam’ là một nỗ lực “vẽ lại bức tranh tổng quát của Miền Nam Việt Nam, tức VNCH, dưới nhiều hình thức, từ kinh tế, văn hóa, giáo dục, âm nhạc, thể thao, phụ nữ cho tới quân đội.”

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2022

Tiffany Wertheimer: Nữ hoàng Elizabeth II- Các lãnh đạo thế giới tưởng nhớ một 'Nữ hoàng nhân hậu'

Các nhà lãnh đạo và chính khách trên khắp thế giới bày tỏ lòng kính trọng đối với Nữ hoàng Elizabeth II, người vừa qua đời ở tuổi 96.

Các lãnh đạo đã tôn vinh tinh thần phụng sự và sự kiên cường, khiếu hài hước và lòng tốt của Nữ hoàng.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dẫn dắt lễ tưởng niệm, tưởng nhớ "một nữ hoàng tốt bụng", "một người bạn của Pháp".

Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói rằng Nữ hoàng đã "khiến cả thế giới yêu mến" với một "triều đại được định hình bởi sự duyên dáng, thanh lịch và một tinh thần làm việc không mệt mỏi".

"Hết lần này đến lần khác, chúng tôi ấn tượng bởi sự ấm áp của bà, cách bà khiến mọi người cảm thấy thoải mái và cách bà mang lại sự hài hước và quyến rũ vô cùng cho những khoảnh khắc trong các nghi lễ tuyệt vời," ông Obama, người đã gặp Nữ hoàng nhiều lần, cho biết trong một tuyên bố.

Tổng thống Mỹ Joe Biden mô tả Nữ hoàng "còn hơn cả một vị quân vương - bà đã định nghĩa một thời đại".

Mô tả chuyến thăm của mình đến Vương quốc Anh vào năm 2021 trên cương vị tổng thống, ông Biden nói "bà đã quyến rũ chúng tôi bằng sự thông minh, khiến chúng tôi cảm động bằng lòng tốt, và hào phóng chia sẻ với chúng tôi sự thông sáng của bà."

Nữ hoàng Elizabeth II đã gặp 14 đời tổng thống Mỹ trong thời gian trị vì.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ "không bao giờ quên tình bạn hào hiệp, trí tuệ mẫn tiệp và khiếu hài hước tuyệt vời của Nữ hoàng.

"Nữ hoàng là một phụ nữ xuất chúng và xinh đẹp - không có ai như bà!" ông Trump viết trên nền tảng trực tuyến của mình, Truth Social.

Thoi Nguyễn: Ý kiến - Anh cần giữ chế độ quân chủ vì tương lai đất nước (Gửi tới BBC từ London)

Vào ngày thứ Năm 08/09/2022, tôi rất buồn khi nghe tin Nữ hoàng Anh Queen Elizabeth II đã qua đời.

Tôi được thấy Nữ hoàng lần đầu 13 năm trước khi người cha nuôi người Anh của tôi, bác sĩ Peter Fison, dẫn tôi đi xem sự kiện diễu binh của Hoàng gia Anh vào mùa hè năm đó gần Cung điện Buckingham.

Lúc đọc tin Nữ hoàng qua đời trên báo, tôi vẫn còn làm việc ở Dublin, thủ đô Cộng hòa Ireland. Một ngày sau đó, trên chiến bay Aer Lingus từ Dublin về sân bay Heathrow, tôi có trò chuyện với một công dân Ireland, tên là Mike Hannigan, ngồi chung cùng hàng ghế. Tôi có hỏi góc nhìn của anh về Hoàng gia Anh và được biết Mike là người có vợ ở Belfast, Bắc Ireland, vùng thuộc Vương quốc Anh. Anh nói từ kinh nghiệm của họ là nền quân chủ và Hoàng gia Anh đã giúp sự ổn định chính trị của hai miền Nam-Bắc trên hòn đảo Ireland.

Vào ngày 13/09/2022, sau khi vua Charles III lên ngôi, ông và phu nhân Camilla đã ghé thăm Belfast, Bắc Ireland với cương vị là vị nguyên thủ quốc gia và vị vua đứng đầu Hoàng gia Anh. Người dân Bắc Ireland hoan nghênh chào đoán vua Charles và vương hậu Camilla, gửi những lời chia buồn tới ông vì sự ra đi của người mẹ yêu dấu, tặng những vòng hoa bên ngoài lâu đài Hillsborough, trụ sở chính thức duy nhất của Hoàng gia tại Bắc Ireland, để tỏ lòng tôn kính.

Tin Nữ hoàng băng hà để lại nhiều nỗi buồn cho những người dân Bắc Ireland trong có nhiều người ủng hộ chế độ quân chủ theo Anh kể từ ngày Ireland thành một nước Cộng hòa.

Trải qua vài năm có văn phòng tư vấn làm việc tại thủ đô Dublin, tôi có dịp gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều người Ireland. Phải nói rằng với một số người ở Cộng hòa Ireland, tin Nữ hoàng qua đời và di sản của Hoàng gia mà bà để lại làm dấy lên những cảm xúc lẫn lộn khác nhau. Một số phản ứng cho rằng bà đại diện cho chế độ thực dân Anh, để lại thời xung đột bạo lực (The Troubles làm chết hàng nghìn dân) Ireland đã giành lại độc lập từ Vương quốc Anh kể từ năm 1922, kết thúc thời cai trị của Anh. Nay Ireland là một nước cộng hòa có nền dân chủ đại nghị do Tổng thống Micheal Higgins, thủ tướng Micheal Martin hiện nay đang lãnh đạo. Từ đó nhìn sang Anh thì câu hỏi là đất nước Ireland đã thành cộng hòa vậy Anh có nên bãi bỏ chế độ quân chủ không?

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2022

Trần Thái Tĩnh: Đổi mới chưa trọn- Nhớ về Trần Xuân Bách ‘hạt mầm Gorbachev' ở Việt Nam (Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ TP.HCM)

Truyền thông Việt Nam và trên thế giới tuần này đang đăng nhiều bài, cả khen cả chê về cựu TBT, Tổng thống đầu tiên của Liên Xô vừa qua đời, ông Mikhail Gorbachev (1931-2022).

Đã có các ý kiến nhắc rằng nhờ công cuộc Cải tổ - Perestroika mà Việt Nam có Đổi mới.

Nhưng ít ai ở Việt Nam hiện nay nói về sự xuất hiện của một 'hạt giống Gorbachev' ở Hà Nội khi đó, ông Trần Xuân Bách.

Sự lóe sáng rồi lụi tàn của Trần Xuân Bách trên chính trường Việt Nam để lại một thứ Cải tổ tật nguyền, mà hệ quả đang khiến Việt Nam rơi vào ngõ cụt của cải cách chính trị.

Xin nhắc lại bối cảnh năm 1986. Từ sau Đại hội Đảng CSVN lần thứ VI, TBT Nguyễn Văn Linh đã có các trao đổi cao nhất với TBT Gorbachev về đường hướng thay đổi ở VN. Liên Xô cho công bố các điều này trên báo Pravda ngày 20/5/1987. Ông Gorbachev cho biết:

“Tôi và đồng chí Nguyễn Văn Linh đã thảo luận chi tiết về các vấn đề phức tạp của hợp tác Việt-Xô... và cùng nhau nhận định rằng các mặt yếu kém của quan hệ này đã hiện ra rõ ràng và không còn phù hợp với tình hình hiện tại. Chúng tôi đồng ý rằng cơ chế kinh tế và hình thức hợp tác phải tương ứng với nhu cầu và của thời cuộc và tăng tính hiệu quả”.

Theo các nguồn Phương Tây, viện trợ của Liên Xô cho Việt Nam đến đầu 1982 vẫn không giảm, thậm chí còn tăng lên trên 1 tỷ USD năm đó, theo nghiên cứu của Sally Stoecker. Tính ra 1 tỷ USD thời đó – mà Liên Xô viện trợ cho VN bằng ruble – tương đương 2,88 tỷ bây giờ.

Bất đồng về việc chi tiêu đồng tiền của Liên Xô sao cho hiệu quả là lý do đầu tiên khiến Gorbachev nhấn mạnh đến nhu cầu buộc lãnh đạo Việt Nam phải đổi mô hình quản lý kinh tế.

Tuy nhiên, phải đọc thật kỹ tác phẩm nổi tiếng “Bên thắng cuộc” của nhà báo Huy Đức, đặc biệt là toàn bộ Chương 13, mới thấu cảm hết sự cọ xát quyết liệt giữa xu hướng trì trệ và bảo thủ với làn gió mới khai phóng và cấp tiến trên thượng tầng chính trị VN giai đoạn từ năm 1987 đến khi ông Bách buộc phải rời chính trường.

Riêng phần hồi ức về giai đoạn đầy “máu lửa” này, thiết tưởng đường link sau đây sẽ cho bạn đọc một bức tranh toàn cảnh và chân thực về tầm nhìn và tư tưởng của một vị “Bí thư Trung ương Đảng” vô tiền khoáng hậu trong lịch sử ĐCSVN.


Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2022

Mỹ Hằng (BBC News Tiếng Việt): Họa sĩ Bùi Chát - Vì sao 29 bức tranh bị buộc phải tiêu hủy?

Giới hội họa Việt Nam vừa nhận một tin được cho là 'chưa có tiền lệ' từ năm 1975 tới nay: 29 bức tranh trong triển lãm Improvisation tại Alpha Art Station của họa sỹ Bùi Chát vừa có lệnh phải tiêu hủy.

Cùng với đó, họa sỹ Bùi Chát bị cơ quan chức năng mời lên làm việc và lập biên bản xử phạt 25 triệu đồng.

Quyết định xử phạt này do ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM ký, với lý do triển lãm 'không xin phép', dựa trên quy định tại khoản 4 điều 19 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP về xử phạt phi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt ngày 16/8, họa sỹ Bùi Chát xác nhận sự việc nói trên và cho biết ông 'sốc', 'choáng váng vì không ngờ' khi được tin phải tiêu hủy tranh.

Theo họa sỹ Bùi Chát, khoảng 4-5 ngày sau khai mạc triển lãm, "có một nhóm gọi là đoàn kiểm tra chuyên ngành văn hóa giữa An ninh Văn hóa và Sở Văn hóa Thể thao, đến kiểm tra", sau đó hơn ba tuần sau họ ra biên bản xử phạt hành chính.

Đồng thời, biên bản này yêu cầu họa sỹ Bùi Chát phải 'khắc phục hậu quả' bằng cách tiêu hủy toàn bộ 29 tranh trong triển lãm.

'Đánh thức tự do' và 'Mở miệng'

Bùi Chát được biết đến từ lâu là nhà thơ, nhưng ông đã vẽ tranh được 10 năm nay, và đây là triển lãm đầu tiên trong sự nghiệp cầm cọ của ông.

Huỳnh Lê Nhật Tấn trong một bài viết mới đây trên BBC khen tranh Bùi Chát 'đánh thức sự tự do'.

Ngoài vẽ tranh, làm thơ, Bùi Chát là thủ lĩnh nhóm Mở Miệng, đã hoạt động khoảng 20 năm cùng với một số nhà thơ khác như Lý Đợi, "đưa ra một lối thơ khác, không giống thơ 'định hướng' theo quan điểm của Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương của Đảng Cộng sản hoặc Hội Nhà văn Việt Nam".


Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2022

Thương Lê (BBC News Tiếng Việt): Việt Nam thu hút nhân tài - Vì sao có những trí thức trẻ không mặn mà?

Từ chính sách trải thảm đỏ đón nhân tài được triển khai mạnh mẽ ở nhiều tỉnh thành ở Việt Nam cho tới thông điệp "chọn người tài chứ không chọn người nhà" của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dường như không mang lại nhiều hiệu quả.

Gần đây nhất, chính sách thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt của TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2019-2022 không thu hút được nhân tài mới đang là đề tài được bàn luận trong những ngày đầu tháng 6/2022.

Cụ thể, sau ba năm triển khai, thành phố chỉ tuyển được 5 chuyên gia, trong khi kế hoạch là tuyển 20 người tài cho các sở và khu công nghệ cao.

BBC News Tiếng Việt đã trao đổi với những trí thức trẻ xung quanh chính sách thu hút nhân tài ở Việt Nam.

 

Lí do nhân tài không về

Không muốn làm trong khối nhà nước, môi trường làm việc không phù hợp hoặc đãi ngộ chưa hấp dẫn... là những lí do khiến nhiều trí thức trẻ ngần ngại về Việt Nam cống hiến.

"Mình nghĩ yếu tố đầu tiên là tài chính, đặc biệt là bạn nào về Việt Nam làm trong khối nhà nước thì lương rất thấp," Xuân Quỳnh, vừa tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Công tác xã hội tại đại học Boston, Mỹ theo chương trình học bổng Fulbright, nói với BBC News Tiếng Việt.

Theo Xuân Quỳnh, nếu làm ở Mỹ, cô sẽ có thu nhập cao hơn ở Việt Nam. Một trong những lý do là ngành công tác xã hội còn mới ở Việt Nam do đó mức lương sẽ không được như bên Mỹ.

Mức trợ cấp theo quy định hiện nay của chính phủ UBND TP.HCM cho chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt chỉ 100 triệu đồng, và chỉ áp dụng một lần.