Hiển thị các bài đăng có nhãn BBC Tiếng Việt. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn BBC Tiếng Việt. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2022

Võ Ngọc Ánh: Di dân Việt - Chính trị ổn, kinh tế tốt mà sao vẫn phải ra đi?

(BBC Tiếng Việt, Gửi bài từ Tacoma, bang Washington, Hoa Kỳ)

Người nghèo ra đi với lý do của mình, người có tiền ra đi theo cách của họ. Tất cả tìm cách ra đi để mong có được công việc, cuộc sống, học hành… tốt hơn bên ngoài đất nước. Xin kể ra một số câu chuyện tôi biết.

Bạn tôi ra đi

Bỏ qua bằng đại học, bạn tôi để lại vợ con đi làm công nhân xây dựng tại Nhật Bản sau nhiều năm chật vật mưu sinh.

Từ Nhật, bạn gọi cho tôi hỏi việc làm, lương hưởng, cuộc sống ở Mỹ thế nào. Vì những người môi giới vừa kết nối với bạn và hứa đưa qua Mỹ làm việc.

Theo lời bạn, từ Nhật qua Mỹ dễ hơn Việt Nam. Nhưng chi phí cho chuyến đi hơn 50 nghìn đô la Mỹ.

Số tiền lớn không đảm bảo vào Mỹ hợp pháp mà với kịch bản: Môi giới đưa đến biên giới Mêxicô - Mỹ. Tiếp đến, phải tự nộp mình cho lực lượng biên phòng Mỹ để bị giam ở các trại biên giới. Sau đó tìm người ở Mỹ để bảo lãnh ra ngoài. Cuối cùng ở lại làm việc bất hợp pháp trên đất Mỹ.

Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… các quốc gia người Việt hy vọng được bán sức lao động để đổi đời ở quê nhà.

Trên đất Nhật bạn nói, thu nhập ở đây không cao. Hợp đồng ba năm sau khi trừ các chi phí cũng chẳng còn được bao nhiêu. Trong khi đó, môi giới vẽ ra một tương lai thu nhập hấp dẫn ở Mỹ. Một năm làm việc đủ trả chi phí chuyến đi, các năm còn lại tích góp.

Kiếm tiền dễ dàng ở một nơi xa lạ, cách môi giới vẽ ra cho con mồi.

Việc nhẹ lương cao là cái bẫy được giăng để chiêu dụ. Không chỉ đi Mỹ, châu Âu… mà không ít người Việt bị sập bẫy đến Campuchia để rồi làm việc như nô lệ.

Đánh vào hy vọng, người Việt lừa lẫn nhau và xảy ra không biết bao chuyện đau lòng trên những vùng đất hứa.

Người Việt chỉ ra đi để được sống


Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2022

Elizaveta Podshivalova (BBC World Service): “Nam tính độc hại” của Tổng thống Putin là lý do bùng phát chiến tranh Ukraine?

 Khi Thủ tướng Anh Boris Johnson bình luận rằng nếu Tổng thống Nga Validimir Putin là phụ nữ thì ông ta có lẽ đã không phát động cuộc chiến tranh Ukraine, điều này đã gây nên một cơn bão giận dữ tại Nga.

Điều này không gây ngạc nhiên, có lẽ trong bối cảnh Tổng thống Nga đã từ lâu cẩn trọng chau chuốt hình ảnh là người “đàn ông đích thực”. Một số nhà phân tích nói với BBC Tiếng Nga rằng tính gia trưởng và phô diễn sức mạnh đàn ông vẫn rất có sức ảnh hưởng trong thiết chế cai trị tại Nga và góp phần trong sự ủng hộ rộng rãi đối với cuộc xâm lược Ukraine.

"Nếu Putin là phụ nữ, rõ ràng ông ta không phải, nhưng nếu ông ta là thế, tôi thật sự không nghĩ rằng ông ta sẽ tham gia vào một cuộc chiến tranh điên cuồng, vũ phu theo cách của mình," ông Boris Johnson nói vào tháng Sáu.

"Nếu bạn muốn một ví dụ, một ví dụ hoàn hảo về nam tính độc hại, thì đó là cách ông ta đang thực hiện tại Ukraine."

Lời ông Johnson sau đó đã được Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace hưởng ứng, nói rằng "hội chứng người thấp nhỏ" (small man syndrome) và quan điểm "vũ phu" về thế giới của Putin đã gây nên chiến tranh.

Theo sau đó, Đại sứ Anh tại Nga đã được Bộ Ngoại giao Nga triệu tập và bị chỉ trích vì "những phát biểu thô lỗ không kiêng nể của giới lãnh đạo Anh".

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng ông Johnson nên gặp nhà thần kinh học người Áo Sigmund Freud (1856-1939), người đã khai sinh bộ môn phân tâm học.

Chính Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã rao giảng về "sự tàn bạo" của bà Margaret Thatcher - Thủ tướng Anh từ năm 1979 đến 1990.

Có phải ông Boris Johson gây tức giận, khiến giới chức Nga phải đáp trả gay gắt như vậy?


Một người “đàn ông đích thực” và kẻ thù “ẻo lả”

Trong suốt nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin luôn cho thế giới thấy về sức mạnh thể chất và sự dũng cảm của mình.


Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2022

Joaquin Nguyễn Hòa (BBC): Trước chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Hoa Kỳ nghĩ gì về quan hệ Việt-Nga?

Cuộc xâm lăng của nước Nga vào Ukraine làm dấy lên một liên minh phương Tây chưa từng thấy từ Chiến tranh Lạnh cho đến nay, thì tin "tập trận với Nga" của Việt Nam quả là một cơn chấn động đối với nhiều người quan sát Việt Nam, trong cũng như ngoài nước.

Tin này lại được tung ra ngay sau ba lần bỏ phiếu tại hội đồng Liên hiệp quốc để đưa ra những nghị quyết chống đối cuộc xâm lược của nước Nga, trong đó Việt Nam hai lần bỏ phiếu trắng, một lần bỏ phiếu chống, đi ngược lại với đa số các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc.

Thế nhưng truyền thông Việt Nam lại hầu như im lặng.

Nếu những người Việt trong nước chỉ đọc báo chí Việt Nam thì chỉ biết đến tin tập trận này vào ngày 21/4/2022, khi bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên bộ ngoại giao Việt Nam trả lời báo chí. Bà Hằng phải trả lời câu hỏi về tin tập trận nhưng chỉ nêu những quan điểm chung chung về chính sách quốc phòng của Việt Nam, bà không hề đề cập đến hai tên Việt Nam và Nga, cũng như không hề nói đến cuộc tập trận cụ thể này.

Những người Việt đọc báo Việt Nam cũng có thể sẽ bỏ qua tin này vì nó chìm ngập trong hàng hà sa số những tin tức khác, được đưa ra với tần suất cao hơn rất nhiều.

Trong giới quan sát Việt Nam, đa số nói đến những ràng buộc lịch sử, kinh tế, quốc phòng của Việt Nam đối với nước Nga, đã dẫn đến thái độ của Việt Nam trong những lần bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc. Bên cạnh đó, những người này nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Việt Nam về địa chính trị trên bàn cờ toàn cầu của Hoa Kỳ, vì thế đã có những ưu ái trong chính sách với Việt Nam, chẳng hạn như không cấm vận Việt Nam vì Việt Nam mua vũ khí Nga, rằng Việt Nam phải có thời gian để đa dạng hóa nguồn vũ khí của mình, hay là vũ khí Nga rẻ hơn,…

Nhưng cũng có những ý kiến rằng Việt Nam sắp tới đây sẽ gặp rắc rối với Mỹ vì cứ theo phe Nga, mà nghiêm trọng nhất là cuộc tập trận (?) với nước Nga trong năm 2022 này. Trong số này có nhà báo chuyên về Đông Nam Á là David Hutt. Ông Hutt viết trên tờ Asia Times rằng Việt Nam có thể bị "dính" lệnh trừng phạt của Mỹ nếu cứ tiếp tục quan hệ quân sự với Nga. Bài này được viết hai ngày sau khi tin về kế hoạch tập trận được truyền thông Nga đưa ra.


Thứ Tư, 15 tháng 9, 2021

Chuyên gia kinh tế Dorsati Madani trả lời phỏng vấn của BBC: Covid-19 - World Bank nói về ‘cú sốc kinh tế’ với Việt Nam

Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, World Bank, nói ''không thể phủ nhận'' Việt Nam gặp nhiều rủi ro về kinh tế nhưng hy vọng sẽ có phục hồi sau khi dỡ phong tỏa.

Trong phỏng vấn với phóng viên Nguyễn Hoàng của BBC Tiếng Việt, bà Dorsati Madani, kinh tế gia cao cấp từ văn phòng World Bank tại Hà Nội, cũng bình luận về niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài và nhu cầu cần cải thiện các gói hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp.

'Sốc nhưng không bất ngờ'


BBC: Ngân hàng Thế giới ngày 24/8 nhận định “Nền kinh tế Việt Nam liệu có phục hồi vào nửa sau năm 2021 hay không còn tùy thuộc vào kết quả kiểm soát đợt dịch COVID-19 bùng phát hiện nay” và rằng “Tuy rủi ro theo hướng suy giảm đã gia tăng, nhưng các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc và nền kinh tế có thể quay lại với tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức từ 6,5 đến 7% từ năm 2022 trở đi”.

Cuối tháng 8 vừa qua (sau khi World Bank ra đánh giá), Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO) công bố một số chỉ số mang tính trụ cột của nền kinh tế như sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ,…đã bị giảm mạnh và truyền thông tại Việt Nam thậm chí nhắc tới “kịch bản kinh tế tăng trưởng âm trong quý III, thậm chí là đà giảm kéo dài tới quý cuối năm”. Vậy theo bà Ngân hàng Thế giới có cần phải điều chỉnh lại các dự báo của mình hay không?

Tôi nghĩ còn hơi sớm để chúng tôi thay đổi dự báo của mình. Tôi nghĩ rằng tất nhiên chúng tôi đã chú ý đến các con số này, số liệu của tháng 8 là khá sốc nhưng không bất ngờ. Và tất nhiên, khi có phong tỏa các khu vực lớn của nền kinh tế thì sẽ gặp phải những sự sụt giảm như vậy. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có kỳ vọng nền kinh tế sẽ phục hồi và có một sự phục hồi lớn trong quý tới hay không.

Thứ Tư, 8 tháng 9, 2021

Gordon Corera & Steve Swann (BBC News): Khalid Sheikh Mohammed - 'Kiến trúc sư trưởng' vụ khủng bố 11/9 lọt lưới FBI như thế nào?

Kẻ bị cáo buộc là kiến sư trưởng âm mưu khủng bố ngày 11/9/2001 đang chờ bị xử án. Thế nhưng liệu hắn ta có thể bị ngăn chặn vài năm trước đó không?

"Hắn là đối tượng theo dõi của tôi."

Frank Pellegrino chứng kiến cảnh 2 chiếc máy bay bị không tặc tấn công lao vào tòa Tháp Đôi trên truyền hình khi đang ở một khách sạn tại Malaysia. Điều đầu tiên ông ta nghĩ: "Chúa ơi, chắc chắn phải là Khalid Sheikh Mohammed."

Mục tiêu và tham vọng là trùng khớp và Pellegrino ở một vị trí độc nhất để biết điều đó.

Cựu nhân viên của FBI đã theo dõi Mohammed trong gần 3 thập kỷ. Thế nhưng kẻ lên kế hoạch cho vụ tấn công ngày 11/9 vẫn chưa bị công lý xét xử.

Luật sư của Mohammed nói với BBC rằng phải mất thêm 20 năm nữa trước khi đi đến kết luận chọ vụ án.

Osama Bin Laden, vào thời điểm đó là thủ lĩnh của al-Qaeda được biết đến là kẻ liên quan nhiều nhất đến vụ tấn công khủng bố. Thế nhưng có một thực tế là Mohammed - với tên gọi tắt là "KSM" được biết đến là "kiến trúc sư trưởng", Ủy ban điều tra 11/9 cho biết. Hắn là người đã nảy ra ý tưởng tấn công và giới thiệu đến cho al-Qaeda.

Sinh ra tại Kuwait, KSM đã học tại Mỹ trước khi tham gia chiến đấu tại Afghanistan vào những năm 1980. Nhiều năm trước vụ tấn công ngày 11/9, đặc vụ FBI, Frank Pellegrino đã theo dõi hành tung của tên "thánh chiến" này.

Pellegrino đã được FBI phân công điều tra vụ đánh bom Trung tâm Thương mại Thế giới năm 1993. Và đó là lúc cái tên Mohammed lần đầu tiên khiến giới chức Mỹ để mắt tới bởi vì hắn ta đã chuyển tiền cho một trong những tên tham gia đến vụ đánh bom. Đặc vụ FBI đã nhận ra mức độ tham vọng của Mohammed vào năm 1995 khi hắn có liên quan đến một âm mưu cho nổ tung nhiều máy bay quốc tế trên Thái Bình Dương. Vào giữa những năm 1990, Pellegrino đã tiếp cận gần tên này, phát hiện hắn tại Qatar.

Thứ Sáu, 3 tháng 9, 2021

Vũ Quý Hạo Nhiên trả lời phỏng vấn của BBC Tiếng Việt: Bàn về “bài học cho Hoa Kỳ” từ biến cố Sài Gòn và Kabul

Đã hơn hai tuần kể từ khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thừa nhận rằng sự sụp đổ của chính phủ Afghanistan và việc Taliban giành lại quyền kiểm soát diễn ra nhanh hơn chính phủ Mỹ dự đoán.

Trong bối cảnh chính phủ Afghanistan sụp đổ chóng vánh, các nhà quan sát và truyền thông đã nhắc lại những ngày cuối Chiến tranh Việt Nam năm 1975 và điểm tương đồng trong cuộc chiến của Hoa Kỳ tại Afghanistan và Việt Nam.

Tác giả Vũ Quý Hạo Nhiên từ California mới đây có bài có tựa ‘A lesson for America from the fall of Saigon in 1975’ đăng tại phần ý kiến bạn đọc trên trang web của CNN ngày 31/08. BBC Tiếng Việt phỏng vấn ông quanh nội dung bài viết này.

BBC: Trong bài đăng trên trang CNN, ông nêu ra điều ông gọi là “bài học cho Hoa Kỳ” từ biến cố bỏ Sài Gòn và VNCH ngày 30/04/1975 cho vấn đề Afghanistan vừa qua, nhưng có vẻ như việc rút quân Mỹ và đồng minh khỏi Kabul cũng bị phê phán khá rộng rãi là vội vã, bỏ lại hàng vạn cộng sự cũ, vậy tức là không có bài học nào được rút ra?

Việc Hoa Kỳ rút ra khỏi Afghanistan là chuyện không thể bàn ngược lại nữa. Giới chính khách cả hai đảng ở Mỹ đều không muốn ở lại đó, kể cả cựu Tổng thống Donald Trump, ngay trong tuần qua còn gọi thoả ước rút quân của ông với Taliban là "beautiful" (đẹp đẽ). Bài học tôi muốn nước Mỹ rút ra là ở tương lai, sẽ làm gì khi người Afghanistan trốn chạy chế độ Taliban như người Việt Nam từng trốn chạy cộng sản. Chính quyền Mỹ nhận người tỵ nạn Việt Nam không vì họ "phải" làm, mà vì họ "muốn" làm. Và tôi hy vọng họ cũng sẽ "muốn" nhận người tỵ nạn Afghanistan như vậy.

BBC: Một phần câu chuyện ông viết để dư luận nói tiếng Anh ở Hoa Kỳ biết về cảnh hậu chiến ở Nam Việt Nam là về gia đình ông, ông có thể nhắc lại ở đây hay không?

Thứ Sáu, 20 tháng 8, 2021

Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng trả lời phỏng vấn của BBC: Việt Nam - Afghanistan có ảnh hưởng chuyến thăm của PTT Mỹ Kamala Harris?

Liệu ngoại giao cấp cao của chính quyền Mỹ, mà cụ thể là chuyến thăm chính thức vào hạ tuần tháng Tám 2021 của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris tới Việt Nam được lên kế hoạch từ trước, có bị ảnh hưởng hay phủ bóng bởi biến cố chính trị đang xảy ra ở Afghanistan hay không là vấn đề được một cựu quan chức và chuyên viên cấp cao Bộ Ngoại giao Việt Nam phân tích với BBC hôm thứ Năm.

"Việt Nam đang 'khát' vaccine do đại dịch bết bát, ngư dân bị Trung Quốc cấm ra Biển Đông đánh bắt cá, cuộc mưu sinh đang gõ cửa từng nhà. Bối cảnh này khiến chuyến thăm của Phó TT Mỹ có ý nghĩa đặc biệt" bên cạnh biến cố với Taliban hiện nay ở Afghanistan, Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Hà Lan, hiện là Giám đốc Truyền thông của Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (PLD) nêu quan điểm riêng với BBC News Tiếng Việt hôm 19/8 từ Hà Nội.

Tên gọi hay thực chất?


BBC: Theo Tiến sĩ, diễn biến thời sự ở Afghanistan liệu có ảnh hưởng gì đến kế hoạch chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sang Đông Nam Á và thăm chính thức Việt Nam tới đây không?

TS. Đinh Hoàng Thắng: Cho đến giờ này, theo những gì tôi quan sát được, chưa thấy có dấu hiệu gì về việc hoãn kế hoạch chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sang Đông Nam Á và Việt Nam vào cuối tháng này. Cho dù hàng loạt bối cảnh bất ngờ - hỗn loạn do đại dịch Covid 19 gây ra trong khu vực lẫn hỗn loạn do quân Taliban tiến vào thủ đô Kabul - tôi nghĩ cả hai nước vẫn tích cực chuẩn bị cho chuyến thăm đầu tiên của nhân vật số hai trong chính quyền Hoa Kỳ.

Thứ Năm, 12 tháng 8, 2021

Lê Mạnh Hùng (Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ Berlin): Tiền người Việt ở Đức góp vào 'Quỹ Covid' luôn phải qua Đại sứ quán?

"Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong thời gian ngắn các hội đoàn đã tích cực chung tay, góp sức ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Tính đến ngày 23/7/2021, Đại sứ quán đã nhận được số tiền là 37.260,00 EURO".

Thông báo của Ban công tác cộng đồng, Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam ở Đức có đoạn như vậy.

Cuộc gặp trao tiền diễn ra tại ĐSQ có mặt ông Đại sứ Nguyễn Minh Vũ. Theo quan sát của tôi, hầu hết đó là đại diện của một số hội nhóm bên Đông Đức cũ có quan hệ mật thiết với ĐSQ. Họ cầm tấm biển in số tiền quyên góp và chụp ảnh kỷ niệm.

Một người trong số đó chia sẻ: "Mình đã xong việc, tiếp theo là gì? chẳng thể biết được". "Có giấy tờ chứng thực gì không?". "Không, để làm gì cơ chứ?"

Vậy là từ khâu kêu gọi quyên góp, thu tiền và xử lý tiền đều do một nơi - đó là chính phủ Việt Nam với các ban ngành dưới quyền thực hiện. Có sự kiểm tra, giám sát độc lập mọi khâu xem có minh bạch không?

Theo tôi chắc là không, nếu có thì cũng lại do chính người của chính quyền đảm nhiệm mà thôi.

Thái độ của bà con về việc đóng góp rất khác nhau.

Hai doanh nhân vừa từ Việt Nam qua bức xúc: "Về nhà thấy người giàu sống xa hoa lãng phí nhiều lắm, họ đã tiêm chủng cả rồi, chi tiền để tiêm mà. Hãy thu tiền cật lực họ để mua vaccinne cứu người nghèo. Dân Việt bên này chỉ có số ít kinh doanh thành công, đa phần làm ăn vất vả, nhiều người sống bằng trợ cấp thất nghiệp, tiền xã hội mà cũng bị hô hào đóng góp."

Thứ Năm, 24 tháng 6, 2021

Soutik Biswas (Phóng viên BBC tại Ấn Độ): Covid-19 - Thế giới có nên lo lắng về biến thể mới Delta Plus không?

Ấn Độ xếp một biến thể mới lần đầu tiên được xác định ở châu Âu là "biến thể đáng lo ngại".

Một biến thể virus được nâng từ "biến thể cần quan tâm" thành "biến thể đáng lo ngại" (VOC) khi nó cho thấy có những dấu hiệu như dễ lây truyền, bệnh nặng hơn, giảm khả năng trung hòa bởi kháng thể hoặc giảm hiệu quả của điều trị và vaccine.

Bộ Y tế Ấn Độ cho biết các nghiên cứu cho thấy cái gọi là biến thể Delta Plus - còn được gọi là AY.1 - lây lan dễ dàng hơn, liên kết dễ dàng hơn với các tế bào phổi và có khả năng chống lại liệu pháp kháng thể đơn dòng, một liệu pháp truyền kháng thể mạnh qua đường tĩnh mạch để vô hiệu hóa virus.

Biến thể này có liên quan đến Delta, một biến thể hiện 'đáng lo ngại' đang lưu hành, được xác định lần đầu tiên ở Ấn Độ vào năm ngoái và được cho là đã làm bùng lên làn sóng lây nhiễm chết người thứ hai vào mùa hè.

Biến thể Delta Plus, lần đầu tiên được tìm thấy ở Ấn Độ vào tháng 4, được phát hiện trong 22 mẫu từ sáu quận ở ba bang - Maharashtra, Kerala và Madhya Pradesh. 16 trong số các mẫu này được tìm thấy ở Maharashtra, một trong những bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết.

Delta Plus cũng đã được tìm thấy ở 9 quốc gia khác - Mỹ, Anh, Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Ba Lan, Nepal, Nga và Trung Quốc - so với chủng Delta rất dễ lây lan ban đầu, hiện đã lây sang 80 quốc gia.





Virus luôn biến chủng và hầu hết các thay đổi không quan trọng. Một số biến chủng thậm chí còn gây hại cho virus. Nhưng những biến chủng khác có thể làm cho bệnh dễ lây lan hơn hoặc nguy hiểm hơn - và những biến chủng như vậy có xu hướng chiếm ưu thế.

Thứ Năm, 17 tháng 6, 2021

Yuwen Wu (Cựu phóng viên BBC): Phụ nữ Trung Quốc nhận định gì về chính sách 3 con?

Chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc thông báo rằng tất cả các cặp vợ chồng sẽ được phép sinh ba con, kèm theo các biện pháp hỗ trợ, trang web Tencent của Trung Quốc đã đưa ra một báo cáo gây sốc.

"Phụ nữ từ lâu đã được thừa nhận là khó kiếm việc làm; tình hình xấu đi sau khi bắt đầu chính sách hai con. Nó sẽ trở nên tồi tệ hơn khi có chính sách ba con," báo cáo đưa ra cảnh báo.

"Đây là một ví dụ: có nguồn tin tiết lộ rằng Popmart yêu cầu các ứng viên nữ điền thông tin chi tiết về kế hoạch sinh đẻ của họ trong một cuộc phỏng vấn xin việc. Việc này rõ ràng vi phạm các nguyên tắc của chính phủ về bảo vệ quyền làm việc của phụ nữ. Hơn nữa, công ty này chủ yếu nhắm đến người tiêu dùng nữ ".

PopMart là một doanh nghiệp tư nhân chuyên về đồ chơi thời thượng, được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong vào tháng 12/2020, với lợi nhuận 451 triệu nhân dân tệ (hơn 70 triệu đôla) vào năm 2019.

Sự việc này làm dấy lên làn sóng phản đối kịch liệt, khi người dùng lên mạng xã hội để phàn nàn về việc phân biệt đối xử với các nhân viên nữ.

"Thật đáng xấu hổ!" "Không ngạc nhiên chút nào!" nhiều cư dân mạng giận giữ.

Một số người chia sẻ trải nghiệm của riêng họ, chẳng hạn như bài đăng này trên Sina Weibo, trang blog lớn nhất Trung Quốc:

"Rất khó để tìm được công việc phù hợp. Thị trường việc làm thực sự không công bằng với phụ nữ. Lần nào đi phỏng vấn xin việc cũng phải nhắc đến chuyện đã có gia đình, đã có 1 con, và sẽ không có đứa thứ hai ☹ ".

Thứ Năm, 29 tháng 4, 2021

Bùi Thư (BBC News Tiếng Việt): Vì sao chính quyền Việt Nam e ngại các biểu tượng VNCH?

Cờ vàng ba sọc và các biểu tượng của chính thể Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn là điều cấm kỵ tại một số nơi ở Việt Nam, dù đã gần nửa thế kỷ sau chiến tranh.

Một quán cà phê ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai vừa bị cơ quan chức năng đóng cửa do có nhiều hình ảnh "quân ngụy".

Sự kiện này gợi nhắc những xung đột âm ỉ trong lòng một đất nước được coi là đã thống nhất 46 năm.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh trong cuộc trao đổi ngày 28/4 với BBC News Tiếng Việt chia sẻ: "Những biểu trưng về một thời đại, của một cộng đồng, một đất nước, một thế hệ luôn có sức sống vượt thời gian. Càng bị chà đạp, những người giữ gìn nó càng bảo vệ mãnh liệt hơn."

Quán cà phê 'Mỹ ngụy'


Đầu tháng 4, quán Army's Coffee and Tea khai trương trên đường Võ Thị Sáu, thành phố Biên Hòa. Quán có quy mô khá lớn, nhưng điều gây chú ý ở nơi đây không phải là không gian rộng rãi hay thức uống đặc sắc.

Đúng như tên gọi (army trong tiếng Anh nghĩa là quân đội), quán được bài trí đậm chất quân sự.

Ở bên ngoài, người ta thấy nhiều bao cát có in chữ "Army" được chồng lên nhau. Nhiều vật dụng thời chiến, hàng thật hoặc giả, được trang trí khắp nơi: chiếc kệ mô phỏng thùng đạn, hình ảnh xe tăng và cả tiểu cảnh có xe bọc thép cùng binh lính như đang sắp sửa bước vào cuộc chiến.

Nhân viên của quán phục trang theo phong cách nhà binh.

Thứ Ba, 6 tháng 4, 2021

Tina Hà Giang (BBC News Tiếng Việt): Người Mỹ gốc Việt nói gì về nạn kỳ thị thù hằn chống người châu Á?

Sau vụ xả súng giết 6 phụ nữ gốc Hàn ở Atlanta, dữ liệu của Google Trends cho thấy mức truy tìm cụm từ 'Tội căm thù người châu Á' (Anti Asian hate crime) tăng gần 1700% so với mức trung bình 12 tháng qua.

Nhiều cuộc biểu tình phản đối hành động hành hung, bắn giết người gốc Á trong hơn hai tuần gần đây đã nổ ra, không chỉ tại nhiều thành phố trên nước Mỹ, mà còn ở Canada, Đức, Pháp, Hà Lan và New Zealand.

Trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ, nhiều người cũng bắt đầu lên tiếng.

Năm người Mỹ gốc Việt thuộc nhiều lứa tuổi và nhiều thành phần chia sẻ cảm nhận và suy nghĩ của họ với BBC News Tiếng Việt về vấn đề hiện đang làm họ rất quan tâm này.

Ann Phong là một họa sĩ, hiện đang là giáo sư dạy môn mỹ thuật tại Đại học Cal Poly Pomona.

Bà nghĩ gì về tình hình tội ác căm thù người châu Á ngày càng gia tăng ở Mỹ?

Từ đầu năm 2021 đến nay, những tin tức về việc người Mỹ gốc Á bị hành hung càng ngày càng nhiều. Vâng, chúng tôi lo lắng. Không những cho bản thân, cho con cái, mà lo cho tất cả mọi người Á Châu sống tại Mỹ.

Ngay từ giữa năm 2020 khi người lãnh đạo nước Mỹ xử dụng từ China Virus, bạn thân tôi, cô Hòa Bình Lê, đang dừng xe đèn đỏ trên đường về nhà tại Quận Cam cũng bị một bà Mỹ trắng xe kế bên kéo kiếng xe xuống chửi đổng “Tụi mày cút về China đi.”

Điều này ảnh hưởng cuộc sống của bà ra sao?

Những tin tức về người Á châu bị hành hung làm chúng tôi phải suy nghĩ và chùn chân trước khi ra đường, nhất là đi bộ một mình. Hôm nay có dịp nói chuyện với con gái tôi, con nói là con và bạn con đi đâu tụi con cũng để ý xung quanh. Nhất là khi gặp một người Á Châu lớn tuổi, con và bạn con đi chậm lại để xem cụ ấy có cần sự giúp đỡ không.

Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2021

Rajini Vaidyanathan (BBC News, Mizoram): Cảnh sát Myanmar đào tẩu - 'Chúng tôi được lệnh phải bắn người biểu tình'

Trong một số cuộc phỏng vấn của BBC với những cảnh sát Myanmar vượt biên giới trốn sang Ấn Độ, hơn một chục người nói với chúng tôi rằng họ đã bỏ trốn, vì lo sợ bị bắt buộc phải giết hoặc làm hại người dân thường.

Những cảnh sát viên này nói họ phải trốn đi sau khi từ chối thi hành mệnh lệnh của quân đội Myanmar giành quyền sau cuộc đảo chính hồi tháng trước.

"Tôi được lệnh phải bắn người biểu tình. Tôi bảo rằng tôi không làm được".

Trong chín năm, Naing - người BBC đã đổi tên để bảo vệ sự an toàn - từng là một cảnh sát ở Myanmar, còn được gọi là Miến Điện.

Giờ đây, chàng trai 27 tuổi này đang lẩn trốn ở bang Mizoram, đông bắc Ấn Độ.

Tôi đã gặp anh, cùng một nhóm cảnh sát và những người phụ nữ ở độ tuổi hai mươi, họ nói đã từ bỏ công việc nơi quê nhà sau khi từ chối thi hành mệnh lệnh. "Tôi sợ rằng mình sẽ bị buộc phải giết hoặc làm hại những người vô tội đang biểu tình phản đối quân đội", một cảnh sát nói.

"Chúng tôi cảm thấy việc quân đội lật đổ một chính phủ dân cử là sai."

Kể từ khi quân đội Myanmar, được gọi là Tatmadaw, lên nắm quyền vào ngày 1/2, hàng nghìn người biểu tình ủng hộ dân chủ đã xuống đường.

Lực lượng an ninh bị cáo buộc đã sát hại hơn 50 người. Naing, một cảnh sát cấp thấp của một thị trấn ở phía tây Myanmar, cho biết các cuộc biểu tình trong vùng của anh bắt đầu leo ​​thang vào cuối tháng Hai.

Thứ Năm, 4 tháng 3, 2021

BBC Tiếng Việt: Chính phủ TT Nguyễn Xuân Phúc 'đã làm được nhiều việc đáng trân trọng'

Đại hội 13 của đảng Cộng sản Việt Nam vừa bế mạc mở đường cho nhà nước và đảng cầm quyền Việt Nam chuẩn bị kiện toàn bộ máy nhân sự của chính quyền, đặc biệt là nội các chính phủ trong nhiệm kỳ mới.

Nhân dịp này, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, hôm 01/3/2021, đưa ra nhận xét với BBC về hiệu quả quản lý kinh tế vĩ mô của chính phủ Việt Nam nhiệm kỳ hiện nay và nêu kỳ vọng cho nội các mới trên lĩnh vực này ở nhiệm kỳ sắp tới đây.

"Tôi nghĩ nhiệm kỳ của Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã làm được nhiều việc, đạt được những thành tựu rất xuất sắc và đáng trân trọng.

"Một là giữ được tăng trưởng kinh tế, thứ hai là đã có hội nhập và đã thực hiện được hội nhập với hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA), rồi thực hiện hiệp định hợp tác toàn diện, tiến bộ của Thái Bình Dương và xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), và mới đây ký kết hiệp định RCEP, là hiệp định hợp tác toàn diện khu vực.

"Như thế, tất cả những biện pháp về hội nhập kinh tế, chính phủ Việt Nam đã thực hiện đúng các lịch trình. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã có những biện pháp đẩy mạnh đầu tư công ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

"Đồng thời tiếp tục cải cách thể chế, cải cách bộ máy, áp dụng chính phủ điện tử và chủ động chuyển sang nền kinh tế số hóa, đó là những tín hiệu tích cực mà tôi nghĩ là sẽ cần được tiếp tục phát huy trong thời gian tới."

Kỳ vọng và lưu ý gì với chính phủ nhiệm kỳ tới?


Về kỳ vọng cụ thể với chính phủ và lãnh đạo nội các chính phủ Việt Nam trong nhiệm kỳ tới đây, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói: