Hiển thị các bài đăng có nhãn Bùi Vĩnh Phúc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Bùi Vĩnh Phúc. Hiển thị tất cả bài đăng
Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2022
Mikhail Viktorovich Zygar: Cuộc tháo chạy khỏi nước Nga của giới trí thức (Bùi Vĩnh Phúc dịch)
Mấy lời dẫn của người dịch:Mikhail Viktorovich Zygar là một nhà báo, nhà văn người Nga. Từ năm 2010 đến năm 2015, ông giữ chức vụ tổng biên tập của mạng truyền hình Nga độc lập Dozhd. Bài tiểu luận mang tính xã hội, chính trị và văn học này của ông được dịch giả chuyển từ bản Anh ngữ The Intellectual Exodus from Russia / Escaping Putin, được đang trên tuần báo Der Spiegel ngày 15.3.2022.Tiểu luận này đã được viết từ cuộc chiến đang xảy ra tại Ukraine, nhưng chắc hẳn nó đã được suy ngẫm từ nhiều năm trước. Nó mở rộng vấn đề thời sự hiện nay và trình bày được những khía cạnh quan yếu về các mặt xã hội, chính trị và văn học Nga trong khung cảnh cuộc sống đời thường cũng như cuộc sống chính trị và văn học của nước Nga và người Nga, đặc biệt là của giới trí thức đất nước này.Exodus (viết hoa) là tên một quyển sách, gọi là sách Xuất Hành, trong Kinh Thánh, mô tả sự ra đi của dân Do Thái khỏi Ai Cập; vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi từ này được dùng để chỉ bất kỳ một cuộc ra đi hàng loạt nào. Nguyên ngữ của từ này, được đưa vào sử dụng trong tiếng Anh (từ tiếng Latinh), bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp Exodos, với nghĩa đen là "con đường đi ra ngoài". Từ này trong tiếng Hy Lạp được hình thành bằng cách kết hợp tiền tố ex- (nghĩa là "ra khỏi") và hodos, "đường" hoặc "cách". Có rất nhiều từ phái sinh của hodos trong tiếng Anh, trong đó bao gồm cả các từ episode, method, odometer, and period. Ngoài ra, cũng còn có nhiều từ ngữ khoa học dẫn thẳng đến nguồn của từ hodos. Anode và cathode được dùng để chỉ các điện cực âm và dương của một diode, và hodoscope dùng để chỉ một dụng cụ để theo dõi đường đi của các hạt ion-hóa.Trong tiếng Anh, những từ cùng nghĩa (dĩ nhiên với những nghĩa tố mang những độ phản chiếu đậm nhạt khác nhau) với exodus bao gồm mass departure, withdrawal, evacuation, leaving, exit. migration, emigration, hegira, diaspora. flight, escape, retreat, fleeing (sự ra đi hàng loạt, rút lui, di tản, rời đi/bỏ đi, lối ra/đường thoát, di trú, di cư, sự chuyển đổi chỗ ở (của Muhammad từ Mecca sang Medina vào năm 622 trước công nguyên; đưa đến nghĩa tổng quát cũng gần như exodus hay migration), lưu vong, chuyến bay/cuộc trốn chạy, trốn thoát, rút lui, chạy trốn).Tựa đề bài dịch, cũng như những cách chuyển ngữ các khái niệm ra đi, di cư, chuyển đổi chỗ ở, rời đi/bỏ đi, ra đi hàng loạt, trốn chạy, lưu vong… được diễn trong bài, đều từ gốc exodus và những từ/ngữ phái sinh của nó được tác giả sử dụng trong các ngữ cảnh khác nhau của bài.Tất cả những từ, ngữ, khái niệm này, đổ ập vào bài viết, khiến nó mang lại một hiệu ứng bục mở, đứt xé, rách toang, vỡ nát, và đau đớn. Tuy nhiên, tất cả đều được viết ra với một ngôn ngữ và thái độ mang tính phân tích bình tĩnh. Dù không thiếu những nét xót xa, trầm thống.Bùi Vĩnh Phúc
Nước Nga hiện đang trải qua một cuộc tháo chạy mang tính vô hình nhất trong lịch sử—cuộc di cư hàng loạt của các nhà báo, các nghệ sĩ và các thảo chương viên. Họ là một phần của truyền thống lâu đời của những người trí thức đã buộc phải chạy trốn khỏi sự cai trị thô bạo của Moscow.
Không biết có bao nhiêu người đã rời khỏi nước Nga trong hai tuần qua, nhưng chắc chắn chúng ta đang nói về hàng trăm nghìn người. Đây có lẽ là cuộc di cư ít được nhìn thấy một cách rõ ràng nhất trong lịch sử. Khi cả thế giới tập trung vào cuộc chiến kinh hoàng ở Ukraine, một cuộc di cư hàng loạt của các nhà báo, nghệ sĩ, diễn viên và thảo chương viên Nga đã bắt đầu.
Theo ước tính sơ khởi của chính quyền Georgia, khoảng 20.000 đến 25.000 người Nga đã đến Tbilisi kể từ khi chiến tranh bắt đầu.
Tbilisi luôn là thành phố nổi tiếng của người Nga với những món ăn tuyệt vời, với rượu ngon, và những con người hiếu khách. Nhưng bây giờ có quá nhiều người Nga ở đây. Dòng người nhập cư đang khiến nhiều người trong nước lo ngại. Một số cư dân của Tbilisi đã bắt đầu thu thập chữ ký để thực hiện một bản kiến nghị đưa ra các yêu cầu về thị thực đối với công dân Nga.
Thứ Bảy, 17 tháng 7, 2021
bùi vĩnh phúc: Bùi Bích Hà, Một Mình Trong Nỗi Nhớ
\
Bùi Bích Hà chỉ mới tự giới thiệu mình với độc giả hải ngoại bằng tập truyện ngắn Buổi Sáng Một Mình, do nhà Người Việt in năm 1989, cùng với một vài bài tùy bút về quê hương đăng rải rác trên một số báo chí và tập san văn nghệ trong mấy năm qua. Thế nhưng, chỉ với tập truyện ngắn và một vài bài tùy bút ấy, bà đã để lại những ấn tượng rõ nét trong lòng người đọc về một văn phong trầm lặng nhưng lại ẩn chứa đầy những sôi sục bên dưới, và một trái tim thiết tha nhưng luôn quằn quại với những câu hỏi của đời sống.
Thật ra, Bùi Bích Hà còn có một tác phẩm khác, cũng do nhà Người Việt in (năm 1991), là tập Bạn Gái Nhỏ To. Tập sách chọn lọc một số những câu hỏi của độc giả về những vấn đề của cuộc sống lứa đôi, đăng hằng tuần trên trang Phụ Nữ của nhật báo Người Việt mà bà phụ trách. Tác giả ký tên là Thái Hà trong mục này. Những ý kiến và những lý giải của Bùi Bích Hà trên trang báo này cho thấy bà có một sự đồng cảm sâu đậm với những người đến với bà. Bà gần gũi với những vấn đề con người và bà có một năng khiếu đặc biệt, bắt nguồn từ chính sự thông minh nơi con người bà, để trợ giúp người khác trong những khó khăn về mặt tình cảm. Cái nhìn của bà phóng khoáng nhưng không thiếu sự nghiêm túc. Tự do cho con người và trách nhiệm của nó để xứng đáng có được sự tự do đó là những gì tôi nhận thấy, một cách tổng quát, trong những đóng góp thiết tha và giàu lòng nhân ái của Bùi Bích Hà qua tập sách vừa nói.
Dù sao, trong bài viết này, tôi sẽ tập trung sự phân tích của mình vào tập truyện ngắn Buổi Sáng Một Mình.
Đó là một tập sách gồm có mười lăm bài văn pha trộn những thể loại khác nhau: truyện ngắn, tùy bút, thư. Thật ra, có thể nói đây là một tập truyện ngắn được mở đầu bằng một lá thư cho một người bạn, một người mà tác giả quý mến, và chấm dứt với một tùy bút viết về Huế, quê hương một đời của bà.
Chủ Nhật, 6 tháng 6, 2021
Bùi Vĩnh Phúc: Vài ấn tượng về Đi, Đọc và Viết của Phạm Xuân Đài
Tác giả, trong phần Lời Nói Đầu của quyển Đi, Đọc và Viết, có cho biết mình là một nhà báo, chứ không phải là một nhà văn. Điều này, tôi nghĩ, có chỗ đúng và có chỗ không đúng. Đúng, Phạm Xuân Đài là một nhà báo. Trong những bài viết của mình, ông luôn có một cái nhìn tinh tế, sắc nét, nắm bắt được sự vật, sự việc một cách tinh sắc, bằng cái cảm quan nhạy bén và phương pháp làm việc, quan sát, tiếp cận vấn đề của mình. Như một nhà báo. Một nhà báo có bản lĩnh và giàu kinh nghiệm.
Nhưng tác giả đã sai, ít nhất trong cảm nhận của tôi, ở chỗ ông đã nghĩ, đã tự cho mình không phải là một nhà văn. Phạm Xuân Đài, trong cung cách biểu lộ, bày tỏ tâm tư, suy nghĩ của mình, qua chữ viết và cách diễn ý, đã cho thấy ông là một nhà văn. Cách ông tiếp cận, sắp xếp và khai triển vấn đề của mình, cách ông trình hiện cuộc đời, những suy nghĩ phức tạp về đời sống, về những hoàn cảnh sống, về tâm hồn chúng ta, về con người, về lịch sử, về quê hương, về kỷ niệm, v.v., có thể cho người đọc thấy được điều này. Qua những đường rẽ, khúc ngoặt, và lối “nhồi bóng”, “đưa bóng” thần tình, ông làm hiển lộ các vấn đề mà ông muốn nhắm tới, nhiều lúc, ở những “điểm chặn” bất ngờ. Làm vấn đề được phát sáng, hốt nhiên, bằng một vài câu viết, một vài nhận xét thần tình và tinh tế. Điều này cho thấy con người, những quan hệ của nó trong cuộc sống, sự hoà ái, trái tim cùng hơi nóng và chất lửa trong nó, làm cho con người sống xứng đáng cái thân phận đáng hãnh diện là con người của mình, luôn là quan tâm của ông. Của một nhà văn.
Tôi yêu cái hơi ấm, cái ngọn lửa mềm mại, luôn cháy đỏ trong chữ nghĩa của Phạm Xuân Đài. Nó làm những câu văn của tác giả, dù gần như luôn mang cái chủ âm trầm, chậm, thanh và giản, lúc nào cũng cháy ngầm trong sự từ tốn ấy cái thiết tha của một bếp lửa đầy hơi ấm nhân quần. Những đoá hoa lửa ngọt, đằm và mềm dịu ấy không thôi phát sáng qua những trang văn của ông. Con người nhà văn của Phạm Xuân Đài, một phần lớn, cũng nằm chính ở điểm ấy.
bùi vĩnh phúc
Chủ Nhật, 10 tháng 2, 2019
Bùi Vĩnh Phúc: Tô Thùy Yên – thơ, như một vinh dự lầm than của kiếp người (Tiếp theo và hết)
.3. Thời gian trong thơ Tô Thùy Yên
Thời gian trong thơ của Tô Thùy Yên không phải là thời gian của Salvador Dali, thời gian với đặc trưng nổi bật là lững lờ trôi chảy, lỏng ra, nhão ra, và chùng lại với thiên thu. Thời gian ấy cũng không phải là thời gian của Giorgio de Chirico, kỳ dị một cách âm u, khiến cho người đối diện với nó có một cảm giác hoảng hốt và mất lối. Nếu có thể làm một so sánh nào đó về tính thời gian trong thơ Tô Thùy Yên với thời gian được biểu hiện trong hội họa hiện đại, thì thời gian trong thơ Tô Thùy Yên đã chia sẻ nhiều nét với thời gian của René Magritte. Cũng là siêu thực, nhưng Magritte đã đi theo một con đường khác với Dali và Chirico. Thời gian của Dali là một thời gian ám ảnh, tàn rữa, và chứa đầy chất ảo. Thời gian của Chirico đóng vào những khung cảnh vật lý thê lương và kỳ bí, giam nhốt người ta trong cái siêu hình của những giấc mơ nghiêng về những chiều kích của vực thẳm. Thời gian của René Magritte là một thời gian bám sát vào thiên nhiên. Nhưng thiên nhiên trong tranh ông là một thứ thiên nhiên thật mà ảo, với những yếu tố cấu thành đổi chỗ lẫn cho nhau, dan díu vào nhau, khiến cho người thưởng ngoạn dễ mất định hướng khi nhìn vào tác phẩm của Magritte.
Thời gian của Tô Thùy Yên có những lúc đã chia sẻ những nét siêu thực của Magritte như thế. Ngoài ra, nó còn mang chứa trong nó những ấn tượng kỳ dị khác, mới, lạ, và đặc biệt Tô Thùy Yên. Cái thời gian ấy gần như luôn luôn tìm cách gắn bó, dan díu với thế giới vật chất của thiên nhiên bên ngoài (Vậy thì thời gian là một cái gì trôi chảy bên trong chăng? Bên trong cái gì? Đây là những câu hỏi rất siêu hình mà may ra chỉ có thơ và hội họa là thỉnh thoảng mới có thể đến gần để trả lời một cách huyền bí và thơ mộng.)
Thời gian trong thơ Tô Thùy Yên gắn bó, dan díu với thiên nhiên. Nhưng đó là một thiên nhiên đứt rễ. Một thiên nhiên nhiều lúc hình như không còn gắn bó, ràng buộc vào nhau theo một trật tự vật lý thông thường. Những cấu tố của nó như bị tách ra để bám vào những mảnh thời gian khác biệt trong tâm thức nhà thơ.
Thời gian đứt quãng dài vô định
Như sợi dây diều băng mất tăm
Lòng anh thảng thốt, sông chao sóng
Kỷ niệm buông tay rú ngất chìm (...)
Mùa hè đi khuất kêu không lại
Bãi mía điêu tàn gốc cháy thui (...)
Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2019
Bùi Vĩnh Phúc: Tô Thùy Yên – thơ, như một vinh dự lầm than của kiếp người
Biểu dương—hãy biểu dương cùng tận
Vinh dự lầm than của kiếp người
Hy hữu một lần trên trái đất
Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai.
TTY
![]() |
Hình Internet |
.1.
Tô Thùy Yên là một giọng thơ đặc thù, có một, và vô cùng u hiển của nền thi ca Việt Nam trong dòng văn học miền Nam kể từ Sáng Tạo.
Từ cuối thập niên năm mươi cho đến thời điểm bị cắt đứt 1975, dòng thi ca miền Nam Việt Nam không phải là không thấy nổi bật lên những khuôn mặt khôi ngô của thơ, những tiếng nói mới lạ của tình cảm, của cảm xúc, của trí tuệ; không phải là nó không thấy rạo rực lên trong chính thân xác và tâm hồn mình cái thiết tha và mạch sống của thời đại. Mà không phải chỉ ở Việt Nam, nơi các luồng ý thức hệ trái chiều đã dùng làm địa bàn để thử nghiệm những con toán suy tư của mình, nơi những con sóng của các triều nước lý trí, dâng lên từ phương Tây và từ châu Mỹ, thỉnh thoảng hắt lên trên mặt đất này những lượng nước cuối mùa từ cái dòng trào của nó, con người nói chung, ở Việt Nam cũng như ở khắp nơi trên thế giới, nơi ánh sáng của văn minh nhân loại vẫn còn có cơ hội soi rọi đến, trong những thập niên ‘50, ‘60 và ‘70, đều đã tìm thấy cho mình một hơi thở mới, một tiếng
Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2018
Bùi Vĩnh Phúc: Đọc Kiều của Trương Vĩnh Ký, nghĩ về ngôn ngữ Việt & một vài khía cạnh biến đổi ngữ âm, ngữ nghĩa trong tiếng Việt (*)
(Bài thuyết trình tại cuộc “Triển lãm và Hội thảo Tưởng niệm Trương Vĩnh Ký” tại nhật báo Người Việt, Westminster, Calif., USA, ngày 8 tháng 12, 2018)
![]() |
Giáo sư Bùi Vĩnh Phúc đang thuyết trình trong buổi hội thảo |
.1.
Mục đích của bài này là trình bày một số tìm tòi, suy nghĩ của người viết về một vài nét đặc thù và thú vị trong ngôn ngữ Việt, cùng với việc tìm hiểu về một số biến đổi cả trên mặt ngữ âm và ngữ nghĩa của một số từ ngữ trong tiếng Việt, kể từ giai đoạn phôi thai của nó đến bây giờ.
Sự tìm hiểu và suy nghĩ ấy được thực hiện, khởi đầu, qua việc đọc quyển Kim, Vân, Kiều Truyện, bản phiên âm đầu tiên Truyện Kiều của Nguyễn Du, từ chữ Nôm qua chữ Quốc ngữ, của Trương Vĩnh Ký. Truyện Kiều của Nguyễn Du là một nguồn sáng, về mặt ngôn ngữ văn học, của người Việt. Chúng ta hãnh diện vì Truyện Kiều, không hẳn vì những khía cạnh triết lý, đạo đức hay xã hội, v.v., trong truyện mà người đời sau đã tìm ra hoặc gán cho nó. Chúng ta hãnh diện vì đã có một nhà thơ Việt, dùng chữ nghĩa của dân tộc, một cách hết sức tuyệt vời và điêu luyện, với những chiều sâu trong ý nghĩa và sự lóng lánh của chữ, để diễn tả câu chuyện.
Chủ Nhật, 10 tháng 9, 2017
Bùi Vĩnh Phúc: Nói Chuyện Thơ Người Việt Ngoài Nước
Nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc
(Nhân dịp Ra Mắt Sách 40 Năm Thơ Việt Hải Ngoại của Nguyễn Đức Tùng)
Trước hết, tôi xin cám ơn
Ban Tổ Chức đã mời tôi lên
phát biểu một vài suy nghĩ
về thơ Việt ngoài nước trong khoảng
40 năm qua, về người làm thơ Việt, cũng như về hoàn cảnh và tâm hồn của người Việt lưu xứ nói chung, được phản ánh trong thơ.
Lúc nãy, nhà thơ Đỗ Quý Toàn và nhà thơ Cung Trầm Tưởng, trong phần phát biểu và đọc thơ của mình, đã cho chúng ta một số hình ảnh thơ thật đáng yêu. Rất thơ, và rất đặc thù trong chữ nghĩa họ.
Mấy câu thơ cũ của Đỗ Quý Toàn, một bài thì tập trung nói về cổ và bài kia thì nói về đôi chân
của người nữ “riêng quý” của nhà thơ, làm tôi rất nhớ đến thơ của Pablo Neruda, đặc biệt trong bài đầu tiên của tập “Hai mươi bài thơ tình và một khúc ca tuyệt vọng”: “Thân
xác đàn bà kia ơi, những ngọn đồi trắng, những dải đùi trắng / thái độ khuất phục, hiến dâng làm ngươi
giống như thế giới / Thân xác kẻ nông phu thô bạo
ta cày xới, xoi cắt mi / và đã làm vọt sinh đứa con từ cõi
miền thẳm sâu của đất…” (Cuerpo
de mujer, blancas colinas, muslos blancos / te pareces al mundo en tu actitud
de entrega. / Mi cuerpo de labriego salvaje te socava / y hace saltar el hijo
del fondo de la tierra.)
Thứ Ba, 11 tháng 7, 2017
Bùi Vĩnh Phúc: Tựa cho tuyển tập Bốn Mươi Năm Thơ Việt Hải Ngoại (*): Như Chiếc Rìu Đập Vỡ Mặt Băng
Nhà bình luận văn học Bùi Vĩnh Phúc (Ảnh: Uyên Nguyên)
"Để mượn một ẩn dụ bạo liệt hơn của Franz Kafka về văn học nói chung, thơ là ‘chiếc rìu đập vỡ cái đại dương đóng băng bên trong chúng ta."("To borrow Franz Kafka’s more violent metaphor about literature in general, poetry is ‘the axe to break the frozen sea within us." – Dana Gioia, trong tiểu luận “Poetry as Enchantment”)
1.
Ðời sống là một cuộc chơi sinh động, bùng bốc. Đôi khi, trong một mắt nhìn nào đó, như cách nói của Shakespeare trong vở kịch Macbeth, cuộc chơi ấy lại chỉ đầy những âm thanh và cuồng nộ mà con người khó tìm ra được ý nghĩa của tất cả những điều náo loạn ấy. Trong một ẩn dụ hướng đến cái luôn sinh sôi nảy nở đó của cuộc đời, có kẻ còn cho rằng đời sống con người là một vũ hội. Thậm chí, một vũ hội hóa trang. Trong đó, cái thật và cái ảo luôn quấn quít bồng bế lẫn nhau. Và con người, đứng giữa cuộc hóa trang ấy, nó không tìm thấy được nội dung hoặc ý nghĩa của cuộc sống mình.
Ðời sống là một cuộc chơi sinh động, bùng bốc. Đôi khi, trong một mắt nhìn nào đó, như cách nói của Shakespeare trong vở kịch Macbeth, cuộc chơi ấy lại chỉ đầy những âm thanh và cuồng nộ mà con người khó tìm ra được ý nghĩa của tất cả những điều náo loạn ấy. Trong một ẩn dụ hướng đến cái luôn sinh sôi nảy nở đó của cuộc đời, có kẻ còn cho rằng đời sống con người là một vũ hội. Thậm chí, một vũ hội hóa trang. Trong đó, cái thật và cái ảo luôn quấn quít bồng bế lẫn nhau. Và con người, đứng giữa cuộc hóa trang ấy, nó không tìm thấy được nội dung hoặc ý nghĩa của cuộc sống mình.
Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2017
Bùi Vĩnh Phúc: Đọc, giữa những ảnh xạ của phê bình
1.
Tôi vừa có dịp đọc bài Những Nhà Phê
Bình Văn Học Hải Ngoại (1) của Bùi Công Thuấn, một người cầm bút ở
trong nước. Một cách chung, bài viết là một nỗ lực ghi nhận dòng văn học ngoài
nước, đặc biệt trong lĩnh vực phê bình. Trong cố gắng ghi nhận ấy, trước hết,
bài viết của nhà văn/nhà phê bình Bùi Công Thuấn có vẻ muốn chia sẻ nhận định
của ông về phê bình văn học hải ngoại, đồng thời cho thấy quan tâm và thiện chí
của ông về lĩnh vực này. Tuy nhiên, đọc kỹ bài của Bùi Công Thuấn, người quan
tâm có thể nhận thấy, ngoài một số phân tích có chiều sâu ở một mức độ nào đó,
cũng như ngoài một số nhận định có thể có một mức độ khả tín và giá trị nhất
định, bài viết có một số vấn đề của nó. Những vấn đề ấy khiến cho cái nhìn của
tác giả bị lệch lạc, méo mó, thậm chí tạo hiểu lầm, gây một ấn tượng không hay
về nỗ lực, mà tôi nghĩ có thể đã bắt đầu từ một thiện chí của tác giả, muốn nắm
bắt một phần dòng chảy của văn học hải ngoại.
Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2017
Trần Vũ thực hiện Phỏng vấn Tết Đinh Dậu 2017: Trịnh Y Thư, nét linh diệu của sự bất toàn
Sinh 1952 tại Hà Nội, theo gia đình di cư vào Nam rồi du học Hoa Kỳ 1970, Trịnh Y Thư từng giữ chức chủ biên tạp chí Văn Học thời kỳ sau Nguyễn Mộng Giác và Hoàng Khởi Phong tại California. Còn là một nhà thơ, một người viết truyện ngắn, Trịnh Y Thư được công chúng biết đến nhiều với các dịch phẩm Đời Nhẹ Khôn Kham của Milan Kundera, Căn Phòng Riêng của Virginia Woolf và gần đây nhất Jane Eyre của Charlotte Brontë. Thuộc thế hệ tiếp nối thế hệ dịch giả Phùng Thăng, Phùng Khánh, Vũ Kim Thư, Trần Thiện Đạo, Trần Phong Giao, Võ Lang… từng vun bồi tiểu thuyết dịch miền Nam, Trịnh Y Thư xem công việc dịch là một thao tác nhằm tái tạo “thần” của tác phẩm trong một tính thể khác. Sáng tác đã xuất bản: Người đàn bà khác, 2010; Chỉ là đồ chơi, 2012.
Trần Vũ: Là một dịch giả được xem cẩn trọng
trong dịch thuật, quan niệm cùng phương pháp dịch thuật của Trịnh Y Thư ra sao?
Anh dịch sát, dịch tương đương, dịch thoát hay Việt hóa tối đa ngữ pháp? Đối với
anh, dịch có còn là “phản”? Anh làm cách nào để tái tạo văn phong riêng biệt của từng tác giả? Khi
một nhà văn có bút pháp chuyên biệt dùng liên tiếp 5 động từ xếp cạnh nhau với
10 tĩnh từ trong cùng một câu văn, anh có tôn trọng bút pháp ấy? Người đọc sẽ
tìm thấy 5 động từ tiếng Việt với 10 tĩnh từ Việt ngữ trong câu văn dịch hay sẽ mất mát “rụng rơi” dọc đường?
Khi tác giả viết 3 chữ rồi phẩy, 5 chữ rồi chấm, bản dịch của Trịnh Y Thư có giữ
nguyên? Hay cấu trúc
câu sẽ hoàn toàn khác? Dịch thoát giúp văn bản gần với tiếng Việt nhưng cùng
lúc độc giả không còn hình dung ra cách tác giả hành văn thật sự. Ý kiến của
anh?
Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2017
Bùi Vĩnh Phúc: NHỮNG ĐÓA HOA PHẤT PHƠ DỊU DÀNG TRONG GIÓ
1.
Anh N. thân,
Đêm hôm qua, tôi mơ được một giấc mơ đẹp.
Tôi mơ thấy mình bé nhỏ lại, chỉ độ 5 hay 6 tuổi.
Trong giấc mơ tôi đi lang thang giữa cánh đồng toàn hoa dại đầy màu sắc. Mỗi một
cơn gió thổi đến lại làm cho cả cánh đồng
hoa chuyển động dập dờn như sóng. Hương phấn hoa bay bay trong gió, thơm một
mùi ngầy ngật làm tôi có cảm giác say say như vừa nhấp một chút rượu vang. Tôi
nằm lăn ra giữa đất trời và hoa cỏ như thế, thấy thân thể mình bềnh bồng như những
cụm mây trắng lơ lửng giữa trời không. Một vài con bướm cánh mỏng như tơ chấp
chới bay từ đám hoa dại này sang đám hoa
dại kia. Mùi khói rơm ở đâu bay đến trộn với mùi phấn hoa làm lâng lâng thần
trí. Và tôi ngủ vùi một giấc giữa trời đất và cỏ hoa thơm tho ấy.
Khi tôi tỉnh dậy, mặt trời đang xuống, để loang
trong khoảng không trước mắt tôi một dòng sông máu thê thiết. Soleil cou coupé.
Thằng bé quá nhỏ trong giấc mơ tôi bỗng nhớ tới một câu thơ của Apollinaire. Mặt trời bị cắt cổ.
Câu thơ rơi về từ một ký ức xưa cũ, nhưng trong giấc mơ, cái ký ức ấy thuộc về
phía tương lai trước mặt của thằng bé. Vậy mà câu thơ vẫn hiện ra. Nhớ đến câu
thơ, thằng bé buồn buồn ngồi dậy nhìn quanh. Những con bướm nhỏ đã bỏ đi thật
xa. Biệt tăm về đâu đó. Những đóa hoa dại đang héo dần. Thằng bé chợt nghĩ đến
mẹ. Nó đứng thẳng dậy, tìm một đám hoa tương đối còn khá tươi, ngắt thành một
chùm nhỏ. Thằng bé ôm bó hoa trước ngực, chạy về nhà.
Khi đến đầu ngõ, nhìn xa xa, nó thấy ngôi nhà mình
đã được sơn sửa lại mới hơn trước. Tường được quét vôi màu ngà. Các cửa sổ được
bọc một màu sơn mới. Nước sơn vẫn còn thoang thoảng một mùi thơm nhẹ. Chạy vào
nhà, thằng bé thấy mọi đồ đạc đều như sang hẳn ra. Bàn ghế, giường tủ đều đã được
lau chùi bóng loáng và như vẫn còn thơm
mùi gỗ. Lần xuống bếp, mẹ nó đang nấu bánh chưng. A, vậy ra là Tết rồi! Thảo
nào mà mọi thứ đều có vẻ được trình bày sạch sẽ và sáng sủa. Thằng bé vừa xấu hổ
vừa sung sướng đưa cho mẹ chùm hoa. Mẹ nó cười, ôm nó vào lòng và vuốt ve mái
tóc đen mượt của nó. Xong, mẹ bảo nó đi lấy cái bình sành xuống đưa cho mẹ. Mẹ
nó súc nước rửa vài lượt rồi cắm chùm hoa của nó trong bình. Thoắt chốc, những
đóa hoa trở nên tươi thắm và xinh đẹp lạ thường. Mẹ nó để bình hoa ở giữa bàn rồi
lại đi vào bếp, coi nồi bánh chưng. Thằng bé chạy vội đi lấy cái ghế gỗ nhỏ, ngồi
kề bên cạnh mẹ. Những tiếng sôi sùng sục trong cái nồi vĩ đại làm nó ngủ đi lúc
nào không biết.
Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2016
Bùi Vĩnh Phúc: Bùi Bảo Trúc / giữa ma-trận của Ngôn Ngữ & Cuộc Đời
1.
Lại một người bạn nữa của tôi ra đi. Bùi Bảo Trúc. Sự lên đường của anh làm tôi, cũng như rất nhiều người khác, buồn, tiếc. Riêng tôi, lại còn có một điều gì đó như nghèn nghẹn. Một nghèn nghẹn trong nỗi hồi tưởng. Và tôi bắt đầu cuộc nhớ miên man của mình về anh. Một nỗi nhớ có mình ở trong.
Khi từ bỏ bạn bè mình, anh chỉ mới 72 tuổi. Nói chung, với cái sống của người đời, ra đi vào độ tuổi này là đúng nhẽ. Người xưa còn bảo là “thất thập cổ lai hy”, 70 tuổi xưa nay hiếm thấy. Thế nhưng, với con người của Bùi Bảo Trúc (BBT), một người hết lòng thiết tha với việc viết lách, việc “làm báo”, một người năng động, thích chia sẻ đủ mọi thứ chuyện với bằng hữu cũng như với người đọc, người nghe, cùng với bao nhiêu việc mà anh đang dự định hoàn tất nhưng vẫn còn đang dang dở, sự ra đi của anh, trong cảm nhận riêng tôi, vẫn là khá sớm.
Từ những năm hai mươi mấy tuổi, khi còn là sinh viên, BBT đã bắt đầu chính thức bước vào nghiệp chữ nghĩa. Trước hết là trong những bài viết trên mục “Lá Thư Tân Tây Lan” (nơi tác giả du học) trên nhật báo Tự Do ở Sài Gòn, sau đó là trong vai trò phát ngôn nhân chính phủ của Việt Nam Cộng Hòa vào giai đoạn cuối cuộc chiến, rồi đến những ngày làm việc tại đài VOA (Tiếng Nói Hoa Kỳ), cùng lúc bắt đầu viết tạp ghi trên tờ Văn Nghệ Tiền Phong ngay từ những năm đầu thập niên ’80. Trong tất cả những vùng đất, những không gian đòi hỏi phải sử dụng chữ nghĩa ấy, BBT đã cho thấy anh là một người của ngôn ngữ. Anh gắn bó với chữ nghĩa. Và cũng thích đùa cợt với nó. Một cách sâu sắc. Nhiều khi đi kèm với một thái độ châm biếm. Nhưng hầu như lúc nào anh cũng giữ được sự duyên dáng trong cung cách tiếp cận với ngôn ngữ của mình.
Thứ Ba, 5 tháng 1, 2016
Bùi Vĩnh Phúc - Bên ngoài lưới trần gian
* để nhớ Phùng Nguyễn, 49 ngày
.1.
Đó là một buổi chiều thứ Sáu của tháng Mười năm 2015, trong khu phố của Little Saigon. Quán Gypsy. Một cái bàn nhỏ kê sát tường bên ngoài quán, nhìn ra một khu thị tứ sầm uất, với những chiếc xe hơi đủ loại đang chạy loanh quanh tìm chỗ đậu. Những mầu áo vui tươi của buổi chiều. Một buổi chiều sắp đưa người ta vào những ngày cuối tuần với những cuộc vui chóng mặt hoặc những nghỉ ngơi thanh thản, tuỳ theo lựa chọn của mỗi người.
Phùng Nguyễn ngồi ở đó. Với Nguyễn Lương Vỵ và tôi. Nắng vẫn chấp chới ngoài kia. Lá cây rung nhè nhẹ, loá choá ánh nắng. Một vài con chim bay rất nhanh qua những đầu cành. Đôi tiếng chim kêu rất mảnh và sắc. Những hình ảnh, âm thanh và mầu sắc ấy của trần gian bay múa chung quanh chúng tôi. Hôm đó, Phùng mặc áo thun tay ngắn, quần short trắng và đi giày thể thao. Nhìn thoáng, trông anh như một người vừa mới bước ra từ một sân tennis. Khoẻ khoắn, sinh động, và đầy sức sống. Cho dù khuôn mặt có hơi đượm một chút ưu tư. Chút ưu tư đó lại càng nổi rõ hơn khi chúng tôi có dịp nhắc đến Tạ Chí Đại Trường. Theo thông tin mà anh có được, Phùng nghĩ là anh TC Đại Trường, với cơn bệnh nặng của anh ấy, sẽ không thể qua khỏi sau một hay hai tháng nữa.
Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2015
Bùi Vĩnh Phúc - Nghĩ về Võ Phiến và cuốn Văn Học Miền Nam, Tổng Quan
Nhà văn Võ Phiến vừa qua đời vào ngày 28 tháng Chín,
2015, tại thành phố Santa Ana, tiểu bang California, Hoa Kỳ. Hưởng thọ 90 tuổi.
Là một khuôn mặt lớn của văn học miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975, và cũng
của văn học Việt ngoài nước sau 1975, những đóng góp của ông trong nhiều thể
loại văn học khác nhau, đặc biệt là ở thể tuỳ bút, được đánh giá cao. Kể từ Phạm Đình Hổ với Vũ Trung Tuỳ Bút mang mấy nét trữ tình kết hợp với nhiều nét lịch sử-địa
lý-phong tục-xã hội, trong một phong thái cao nhã và thư nhàn, cho đến những
tuỳ bút mang đậm tính văn chương cùng với những đặc thù trong sáng tạo ngôn ngữ
của Nguyễn Tuân, rồi tuỳ bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường pha nửa chất ký nửa chất
lãng mạn văn học, rồi những tuỳ bút thơ mộng và đầy tình tự quê hương của Băng
Sơn, tuỳ bút của Võ Phiến được đánh giá là đặc sắc và thu hút người đọc qua cái
nhìn chi li phân tích với một giọng văn sống động, hóm hỉnh, một mắt nhìn thông
minh, sắc bén, cùng với kiến thức rộng rãi của tác giả về các mặt xã hội, lịch
sử, ngôn ngữ, dân tộc học, và văn học.
Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015
Bùi Vĩnh Phúc - Ẩn Dụ, một thế giới mở
Z
Giới thiệu sách mới: ẨN DỤ Cuộc phiêu lưu của chữ
Giới thiệu sách mới: ẨN DỤ Cuộc phiêu lưu của chữ
Biên khảo của Trần Hữu Thục, Người Việt xuất bản tháng Năm, 2015, 358 trang, giá $17. Mua sách tại báo Người Việt hay Amazon, hoặc liên lạc với tác giả: trandoanho@yahoo.com Sau đây mời bạn đọc theo dõi bài giới thiệu cuốn sách nói trên, cũng là Lời Tựa của sách, do Giáo sư Bùi Vĩnh Phúc viết.
Khi bắt đầu viết những dòng tựa này, tôi nhớ đến quyển truyện El cartero de Neruda (Neruda's Postman) của Antonio Skármeta, sau được chuyển thành phim (và khung cảnh truyện
chuyển sang bên Ý) với tên Il Postino (The Postman), kể lại câu chuyện của một anh đưa thư, đặt
trong bối cảnh chính trị xáo trộn của nước Chí Lợi (Chile) vào thập niên
1970s. Khác bất cứ một người đàn ông nào
trong làng mình, anh chàng Mario không thích trở thành một người đánh cá. Hoàn cảnh đẩy đưa khiến anh lại trở nên một
người đưa thư trên hòn đảo Isla Negra, cách xa đất liền đủ để anh cảm thấy mình
không bị cuốn hút vào không gian buồn nản của cái nơi toàn những con người chài
lưới kia. Và, mặc dù trên đảo này có nhiều
người sống, chàng Mario chỉ có một khách hàng là người nhận thư duy nhất, một
người cư trú tại đây có học, biết đọc biết viết thực sự, đó là nhà thơ Pablo
Neruda. Nhà thơ được yêu mến nhất của
Chí Lợi. Và cũng là một nhà thơ rất được
yêu mến của thi ca nhân loại.
Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2015
Bùi Vĩnh Phúc - Cái Đẹp của Ngôn Ngữ & Nét Hậu Hiện Đại trong Khả Thể (*)
(Giới thiệu tập truyện Khả Thể của Đặng Thơ Thơ)
Có một vài điều tôi có thể nói về tập truyện này của Đặng
Thơ Thơ.
Trước hết, truyện của Đặng Thơ Thơ pha trộn giữa tưởng
tượng, những giấc mơ, những ẩn dụ, và thế giới của những khả thể—thế giới của
những sự việc, những câu truyện, những hiện thực có thể xảy ra. Những
hiện thực chờ được bật mở (như từ một công-tắc điện bật/tắt ánh sáng), hay là
những thế giới chờ được bùng nở (như những đóa hoa trên cành cây, những hạt mầm
trong lòng đất).
Một điểm nữa, tôi thấy tác giả kể chuyện với một hiệu ứng
gián cách/dãn cách, distancing
effect, V-Effekt (Verfremdungseffekt), như trong thế giới kịch
của Bertolt Brecht. Người đọc/người tham dự luôn được nhắc nhở, bằng một
cách nào đó, là họ không được nhập thân vào diễn viên, vào nhân vật. Tác
giả tạo cho người xem/người đọc một ý thức trong khi nhập cuộc, trong khi đi
vào tác phẩm của mình.
Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014
Bùi Vĩnh Phúc - Về nhận định của nhà phê bình Vương Trí Nhàn
![]() |
Nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc (hình: Uyên Nguyên) |
(qua bài “Nhân Một Hội Thảo về Văn Học Miền Nam”)
Tôi đã được đọc bài viết của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn (VTN) ở trong nước, với tựa đề là “Nhân Một Hội Thảo về Văn Học Miền Nam” (*). Bài viết tương đối ngắn nhưng cho thấy có những thiện chí trong việc thắp sáng niềm tin vào sự tất yếu của một sự kết hợp văn học hai miền trong thời gian hai mươi năm chiến tranh 1954 – 1975, và
của văn học trong và ngoài nước.
Thứ Bảy, 13 tháng 12, 2014
Bùi Vĩnh Phúc - Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam (1954 – 1975): Phẩm Tính và Ý Nghĩa (*)
![]() |
Nhà lý luận, phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc (Hình: Uyên Nguyên) |
I. Giới thiệu vấn đề
Văn học miền
Nam, từ 1954 đến 1975, là một đóng góp và một thành tựu của văn học Việt Nam,
trong một giai đoạn thuộc nửa sau thế kỷ XX.
Nó chỉ tồn tại trong vòng 20 năm, nhưng nó đã là một tồn tại quan trọng
và không thể thiếu của giai đoạn này. Nói
một cách thẳng thắn, nền văn học này nối kết Việt Nam với thế giới, với nhân
loại, trong những khía cạnh hiện-hữu-người một cách vừa bao quát vừa thâm sâu
nhất. Nó chia sẻ và phản ánh thân phận
và những tình cảm của con người ở những
độ rung, những bảng mầu gần gũi với các nền văn học hiện đại của thế giới, dĩ
nhiên với những âm vang và sắc độ riêng của đời sống xã hội và tinh thần của
người Việt.
Thứ Bảy, 1 tháng 2, 2014
Bùi Vĩnh Phúc - Dịch Thuật (Văn Học) trong Bối Cảnh Toàn Cầu Hóa / Một Số Chiến Lược Diễn Dịch & Những Hệ Hình Mới (*)
![]() |
Tác giả Bùi Vĩnh Phúc (Hình: Uyên Nguyên) |
Thân tặng NHQ
& HN-T, và các bạn
khác của tôi—những người yêu và sống với chữ.
Toàn cầu hóa đang là
một câu chuyện sôi nổi của toàn thế giới. Nó là một xu hướng tất yếu của phát
triển và hợp tác, ảnh hưởng đến tất cả mọi quốc gia và đời sống mọi con người
trên trái đất. Nền công nghệ truyền thông của thế giới càng tiến bộ thì nhịp độ
và tiến độ toàn cầu hóa càng được đẩy nhanh.
Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2012
Bùi Vĩnh Phúc - Nhớ Nguyễn Mộng Giác. Và tưởng nhớ một thời văn
Bùi Vĩnh Phúc
.1.
Vậy là anh Giác đã rời bạn bè mà ra đi sớm. Nhanh quá! Tôi nhớ mới ngày nào đây chúng tôi còn gặp anh, nói cười hạnh phúc và chia sẻ bao chuyện về đời sống, về văn học, văn chương và nghệ thuật. Anh Giác là một con người hòa nhã nhưng không thiếu sôi nổi. Con người ấy đã có tài và có một từ trường văn học đủ để quy tụ bao nhiêu văn hữu gần xa về quanh một chỗ ngồi. Tạp chí Văn Học (và trước đó là Văn Học Nghệ Thuật), trong nhận xét của nhiều người, là một điểm son đậm nét trong dòng sống và trong tiến trình phát triển của văn học Việt ngoài nước từ những năm 1985, 1986 đến khoảng ba năm trước đây, khi người chủ bút cuối cùng của nó, là nhà văn Cao Xuân Huy, vì bạo bệnh, đã không thể tiếp tục duy trì tờ báo.
Nguyễn Mộng Giác đã có mặt, cách này hay cách khác, cùng với tờ báo, qua suốt quãng thời gian dài ấy của dòng sống văn chương Việt bên ngoài Việt Nam. Văn Học đã là một dấu mốc, một cột cờ đẹp đẽ của dòng văn chương nghệ thuật ấy. Nó đã là tiếng reo ca và là ánh nắng của tự do - với những hạnh phúc, thiết tha, cùng với cả khổ đau và những hệ lụy của nó, của cuộc làm người Việt bên ngoài đất nước. Từ ngôn ngữ, chúng ta tìm được tâm thức và con người Việt trong những khung cảnh lưu đầy.Và trong những con đường sống mới.
Ở đây, nhớ Nguyễn Mộng Giác, tôi muốn ghi lại một ít kỷ niệm mà chúng tôi đã có với nhau, như một cách lần về, lần theo những đường chỉ cũ, vốn, qua chúng, tôi đã đến với văn học ngoài nước nói chung, và với Văn Học, như một diễn đàn văn chương và học thuật, nói riêng.
Nhớ bạn, tôi nhớ đến cả một thời.
.2.
Tôi vượt biển vào cuối năm 1977. Dạt vào bờ biển Mã Lai, tôi được đưa vào trại Pulau Besar và ở đó cùng thời gian với nhà văn Mai Thảo, nhà văn/nhà giáo Quyên Di, và nhạc sĩ Văn Phụng, chưa kể họa sĩ Hà Cẩm Tâm, tài tử Ngọc Phu, ca sĩ Châu Hà, và biết bao người bạn, người quen thân và sơ khác nữa. Có nhiều kỷ niệm đẹp và thật đáng nhớ trong giai đoạn này, nhưng những điều ấy có thể tôi sẽ ghi lại trong một dịp khác.
Tôi ở trên đảo khoảng hơn ba tháng. Khoảng thời gian còn quá ngắn để thật sự cảm nhận được đầy đủ hạnh phúc của giai đọan này, mặc dù, sang đây, nhìn lại, tôi hiểu ra rằng đó chính là một trong những thời gian hạnh phúc nhất mà mình có được. Sau đó, tôi được chuyển lên Kuala Lumpur, sống trong trại chuyển tiếp khoảng một, hai tuần. Rồi, sang Mỹ qua ngả Hồng Kông, ở lại đây khoảng hai ngày để làm các thứ giấy tờ. Cuối cùng, cũng đến Mỹ. Lúc đó là tháng Tư, năm 1978.
Sang Mỹ được ít tháng, thèm đọc đã đành, nhưng còn thèm viết nữa. Đã có một, hai lần, tôi cùng một vài bạn văn đã hì hục chung tay làm nên một, hai tờ báo với sự hăng say và lý tưởng của những người thèm khát tiếng Việt trên nước Mỹ. Bao nhiêu thiết tha và hào hứng được chúng tôi đổ vào đó. Nhưng vì nhiều yếu tố khác nhau, những tờ báo ấy ra được vài số thì lăn quay ra chết. Sau đó, tuy bị chuyện học hành và kiếm sống chi phối, tôi vẫn còn mê đọc sách báo. Thỉnh thoảng tôi cũng làm thơ cũng như viết tùy bút, tạp văn và gửi cho một vài tạp chí văn nghệ thời ấy, trong đó có Văn Học Nghệ Thuật (bộ cũ) của Võ Phiến. Giai đoạn này, tôi chưa mặn mà với lý luận, phê bình.
Theo tôi biết, anh Giác vượt biển năm 1981; sang đến Mỹ vào cuối năm 1982. Anh ở Texas một thời gian rồi sang California lập nghiệp. Tôi biết anh là vào khoảng năm 1984, khi anh đang phụ trách trang nghệ thuật của báo Đồng Nai tại Quận Cam. Trang báo được anh chăm chút một cách cẩn thận. Từ cách thiết kế các tiết mục văn nghệ, các bài vở cho đến chính nội dung của các bài vở ấy. Một lần, anh Giác cho đăng làm hai hay ba kỳ chuyện vừa Ngựa Nản Chân Bon mà anh đã viết trên đảo tỵ nạn Kuku, Galang, trong những ngày chờ được định cư tại một nước thứ ba. Câu chuyện vừa phản ánh được thực tế lịch sử, xã hội còn đầy tươi và roi rói chất sống của hoàn cảnh đất nước và con người Việt Nam, vừa đưa ra được những tư tưởng, những đánh giá và suy nghĩ mang tính triết lý của một trí thức miền Nam trong cuộc. Đặc biệt hơn nữa là cái cách mà Nguyễn Mộng Giác thể hiện câu chuyện, cái bối cảnh mà anh đặt những nhân vật của mình trong đó để làm bật sinh câu chuyện với những câu hỏi muôn đời của nó. Ngôn ngữ và cách dùng những thủ pháp gần gụi của điện ảnh để dẫn nhập câu chuyện cũng như để khai mở, phát triển nó cũng là những nét đặc biệt. Đọc được truyện ngắn (đúng hơn là truyện vừa ấy), tôi thật thích, vì, đối với tôi, nó đáp ứng được những khát khao về mặt thẩm mỹ trong văn học mà đã từ lâu, ít ra từ những ngày cuối tháng Tư, 1975 cho đến lúc ấy, tôi không có dịp được nếm trải, được tiếp cận. Nói một cách thô sơ, nó là một câu truyện có tư tưởng sâu sắc, được diễn đạt với kỹ thuật khéo léo và với một ngôn ngữ xứng tầm. Tôi lấy giấy bút ra và, trong hai ngày, viết xong một tiểu luận phê bình về chuyện ngắn này của Nguyễn Mộng Giác. Tôi gửi cho anh Giác qua địa chỉ của báo Đồng Nai. Ngay trong tuần sau đó, tiểu luận ấy của tôi được đăng trên trang văn nghệ của tờ báo(1). Cùng lúc, tôi nhận được một lá thư của anh Nguyễn Mộng Giác. Trong thư, anh cám ơn về bài tôi viết, và mời tôi ghé lại tòa soạn nói chuyện văn chương.
Tôi ghé lại thăm anh tại tòa soạn báo Đồng Nai khoảng một tuần sau khi nhận được bức thư ấy. Đọc anh trước đó tại Việt Nam tuy không nhiều, nhưng tôi đã, ở một mức độ nào đó, có một cái nhìn về văn chương anh. Dù sao, khi gặp trực diện và trong những chia sẻ, trao đổi, tôi thấy cái làm tôi quý mến Nguyễn Mộng Giác nhất chính là sự thiết tha với văn học của anh. Ngoài ra, anh lại còn là một con người dễ gần. Tôi thấy anh có những hiểu biết khá rộng rãi về văn học Việt Nam và văn học thế giới, nhưng anh chia sẻ về chúng một cách điềm đạm, cho dù trong cái điềm đạm ấy không thiếu những nét sôi nổi. Là một người cũng mê say văn học nghệ thuật, tôi thấy mình như tìm được một người bạn thân thiết, cho dù anh hơn tôi những 13 tuổi.
Trở lại chuyện ngắn Ngựa Nản Chân Bon, tôi nghĩ rằng đó là một trong những chuyện ngắn độc đáo của văn học Việt Nam đương đại. Và, trong bài tiểu luận phê bình của mình về tập truyện ngắn mang cùng tên ấy của anh, tôi đã nghĩ rằng không biết trong tương lai anh còn có thể (hoặc có cơ hội) viết được một truyện ngắn khác ngang tầm với nó không. Sau này, khi đã thân, nói chuyện thêm với nhau, về câu hỏi ấy, anh cho biết là có lẽ không còn một dịp nào để anh viết được một truyện ngắn như thế nữa. Anh cho biết chính là do hoàn cảnh sinh sống tại đảo đưa anh đến một tâm trạng; cái tâm trạng ấy lại kết nối với cái tâm trạng sẵn có nơi anh khi rời bỏ Việt Nam để làm một cuộc phiêu lưu sinh tử đi tìm cõi sống. Từ đó, nó đưa đến cho người viết là anh một cái nhìn sâu xa hơn về cuộc sống và ý nghĩa cuộc tồn sinh của con người. Rồi những cảnh đời trên đảo, những xót xa, khổ đau và hệ lụy, những đám tang chôn vội chôn vàng từ những hoàn cảnh đặc thù và đáng buồn trong nước mắt của những người ở lại. Cộng với sự thức nhận về ý nghĩa và giá trị của một niềm tin tôn giáo, cho dù niềm tin ấy có bất kỳ cội rễ nơi đâu. Tất cả những cái ấy làm nên một “tâm cảnh” (tôi tạm gọi như vậy, còn anh Giác thì cho rằng tất cả những điều ấy làm nên một tâm trạng chung, có tính phức tạp, ảnh hưởng đến sự suy tư của con người); từ đó, nó dẫn dắt câu chuyện trong anh và giúp anh kể ra một cách thành công câu chuyện ấy. Anh bảo anh không nghĩ là anh còn có một cơ hội khác để viết được một câu chuyện, với chữ nghĩa và kỹ thuật và chiều sâu tâm lý trong việc dựng chuyện, ngang mức như vậy. Ít nhất là trong thể loại truyện ngắn.
Hãy đọc thử lại đoạn đầu của Ngựa Nản Chân Bon:
Gió vi vu làm nền cho lời ca thánh: ...”Nhờ công ơn lân tuất của Chúa ta, Đấng đã từ cao cho 'Mặt trời mọc' đến thăm viếng. Và soi sáng cho những ai còn ngồi trong u tối và trong bóng chết, để dắt chúng ta trên con đường an lạc. Lạy Chúa xin cho các linh hồn được yên nghỉ muôn đời và được hưởng ánh sáng nghìn thu. Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin ta thì dù có chết sẽ được sống lại, và ai sống mà tin ta thì không phải chết đời đời”.
Vị linh mục đọc kinh Lạy Cha... và rảy nước thánh lên chiếc quan tài đóng vội bằng gỗ ván thuyền. Vợ người quá cố khóc thảm thiết, và lúc bấy giờ lời cầu nguyện lại làm nền cho tiếng khóc. (…)
Quả phụ nín khóc. Dường như một lúc nào đó, tạm quên đau khổ nàng lắng nghe lời ca thánh, và bất chợt nhận thấy lời nguyện chung gần gũi với nỗi lo lắng và niềm mơ ước riêng tư. Hoặc niềm đau xót đã đến chót vót, khiến nàng bàng hoàng ngơ ngác, như người đã lên đến ngọn đỉnh trời, lo âu nhìn vực thẳm quanh mình, không biết làm gì nữa giữa chốn mây khói bàng bạc và gió thổi. Vị linh mục tiến thêm một bước để làm dấu thánh giá trên quan tài... (…)
Đã đến giờ hạ huyệt. Từng nắm cát rơi rào rào trên tấm ván thiên, lâu lâu có lẫn tiếng sỏi rơi khô. Góa phụ lại nức nở khóc. Chẳng mấy chốc bên bãi đáp phi cơ trực thăng lập chon von trên sườn núi có thêm một ngôi mộ. Những người đưa tang lần lượt xuống núi, lòng nặng trĩu đẩy bước chân mau…
Đoạn mở đầu này mang khí vị và khung cảnh gần gũi với đoạn mở đầu của tác phẩm Bác sĩ Zhivago của Boris Pasternak. (Phim chuyển thể từ tác phẩm này do đạo diễn David Lean thực hiện và cho ra mắt vào năm 1965 cũng tạo một ấn tượng rõ nét ở đoạn này.) Từ đó, Ngựa Nản Chân Bon mở ra những tầng sâu tư tưởng và triết lý như ta đã biết. Ý nghĩa của một đời người, hay ý nghĩa của cuộc hiện sinh nói chung của con người, được gợi nhắc qua một cái chết. Chết không phải là hết, nhưng nó chính là khúc dạo mở đầu cho việc đi tìm ý nghĩa của sự sống. Những ý nghĩa ấy bật lên từ sự suy tư của con người về một sự chấm dứt.
Nhưng sự chấm dứt, nhìn kỹ lại, chính lại là một sự khởi đầu. Một sự khởi đầu mới.
.3.
Tình thân của chúng tôi từ đó tiếp tục phát triển.
Năm 1985, chúng tôi có dịp ngồi chung với nhau cùng với một số bạn văn như Nguyễn Bá Trạc, Hoàng Khởi Phong, Phạm Quốc Bảo, Cao Xuân Huy… để làm nguyệt san Văn Học Nghệ Thuật (bộ mới), rồi sau đó là Văn Học. Những bước khởi đầu của tờ báo này, cùng với những khó khăn và những kỷ niệm mà chúng mang lại, đã luôn là những rung động không hề tắt - tôi nghĩ như thế - của tất cả anh em chúng tôi mỗi khi có cơ hội nhìn lại hay làm sống lại trong tâm hồn mình những ngày tháng đó. Tôi sẽ không kể lại những chuyện ấy ở đây. Nhưng tôi muốn nói là những kỷ niệm ấy đẹp. Đó là những kỷ niệm của một nhóm “đầu xanh tuổi trẻ” (2), lưu vong bên ngoài đất nước(3), yêu văn chương chữ nghĩa Việt, thiết tha với sự mơ mộng và những lý tưởng đáng yêu của mình, và đã dám đánh đổi nhiều thứ để có được tờ báo ấy và những kỷ niệm ấy. Có những người trong chúng tôi, trong đó ít nhất là Nguyễn Bá Trạc, Nguyễn Mộng Giác và Hoàng Khởi Phong, cách này hay cách khác, đã viết về những ấn tượng và rung động mà thời kỳ này còn để lại trong lòng họ. Cho dù mỗi người có một phong cách, một văn cách riêng, với những bảng mầu kỷ niệm riêng, với những âm sắc riêng và những độ rung khác nhau nơi những kỷ niệm chung, tôi nghĩ tất cả chúng tôi đều đã chia sẻ với nhau những nét chung nhất và đẹp tươi của những kỷ niệm ấy, cho dù cũng có những chỗ những nét mực kia đã bị thời gian làm cho phôi pha đi ít nhiều.
Nguyễn Mộng Giác đã là cái điểm son đẹp nối kết chúng tôi và nhiều bạn văn khác ngồi lại chung với nhau trên một tấm chiếu văn học. Một cách văn vẻ, tôi xin phép nói là “chiếu”, nhưng nó không phải là một tấm chiếu mà, ngày xưa, người ta thường trải ra cho những quan viên trong làng ngồi trong những dịp làng vào hội. Tấm chiếu tôi nói đây không mang một nội hàm chật hẹp và có thể mang đôi chút tính tiêu cực như thế. Đây là một tấm chiếu được trải ra trong lòng yêu văn chương chữ nghĩa của người Việt khắp nơi trên toàn thế giới. Bởi thế, mọi người đều có thể ghé chơi và ngồi xuống đó.
Cho dù lúc ấy vẫn còn làm thơ và thỉnh thoảng viết tùy bút, tản văn (tôi vẫn coi thơ và những cái viết này như những niềm yêu thích đầu đời đã dẫn tôi đến văn chương và văn học Việt), tôi đã viết phê bình từ đó. Lúc đầu, như một sự phân công, phần nào theo khả năng (trong sự đánh giá chung của anh em trong nhóm) (4); rồi, từ đó về sau, do sự yêu thích và do sự đầu tư thời giờ của mình trong lĩnh vực này của văn học. Ngoài những bạn văn đã từng quen biết nhau và cùng nhau góp phần xây dựng tờ báo, rất nhiều bạn văn mà tôi yêu mến và có được trong cuộc sống sau này là từ diễn đàn Văn Học. Xin được cám ơn tất cả. Tất cả những khuôn mặt, những cái tên, những con người ấy đã góp phần, cùng với những người cầm bút khác nữa, làm nên những ngọn sóng, những dấu ấn, và làm nên cái diện mạo văn học chung của cả một thời. Rồi từ đó, từ những bạn văn trên Văn Học, hay từ những nối kết cách này hay cách khác dính líu đến Văn Học, tôi lại có được thêm bao người bạn đáng quý khác. Biết bao nhiêu ân tình đẹp đẽ và thiết tha đã được nẩy nở từ một tờ báo. Và một tờ báo sẽ biến thành chục tờ báo, thành trăm tờ báo khác. Tôi nói “nẩy nở” ở đây không phải trong ý nghĩa là “sinh ra”, tờ báo này “sinh ra” tờ báo kia. Mà là trong ý nghĩa tờ báo này tạo điều kiện, tạo hứng khởi, hoặc tạo sự kích thích (vì vấn đề cùng chia sẻ hay không chia sẻ một lập trường, một quan điểm, trong một lĩnh vực nào đấy) cho tờ báo kia (hoặc những tờ báo khác) ra đời. Chẳng phải là chữ nghĩa và văn chương của chúng ta, nói riêng, và của thế giới nói chung, đã không đi theo con đường đó hay sao?
Văn Học, trong sự ra đời tương đối sớm sủa của nó (5), và với sự quy tụ được một số đông những người viết có uy tín và có phong cách, đã trở nên một diễn đàn văn học được nhiều người và nhiều giới ủng hộ. Chúng tôi nhớ lại, qua những năm cùng ngồi làm Văn Học với nhau, đã có biết bao nhiêu hội ngộ văn chương đẹp đẽ, bao nhiêu tài năng đã xuất hiện và được độc giả yêu mến, quý phục, bao nhiêu tác phẩm đã được hình thành và ở lại trong lòng người đọc. Tất cả những điều đó là cái đẹp mà văn chương đã mang lại, mà chúng ta đã trao tặng cho nhau, giữa những người viết, cũng như giữa người viết và người đọc. Nguyễn Mộng Giác, trong khung cảnh của Văn Học, là người đã ở giữa những điều ấy. Dĩ nhiên, anh ở đó cùng với những người khác nữa. Nhưng nụ cười của anh, sự bình đạm của anh, cái nhìn của anh, cái chất keo kết dính nơi anh, đã là một điểm để cố kết mọi người lại, để giữ cho ngọn lửa cháy đỏ.
.4.
Nguyễn Mộng Giác yêu thích văn chương của những nhà văn lớn của thế giới. Nhưng có lẽ người anh yêu quý và nể phục nhất là Fyodor Dostoevsky. Trên kệ tủ sách của anh, trong nhiều năm, dù tủ sách ấy đặt trong căn nhà nào, tôi vẫn thấy một bức chân dung nhỏ, đen trắng, của nhà văn này, được cắt ra từ một tờ báo nào đó và lộng trong một khung kính nhỏ. Anh để hình của nhà văn Nga, một bức hình gọn và nhẹ, trên kệ sách của mình, như người ta có thể để một tấm hình người yêu ở đó. Anh chia sẻ với tôi là anh học được nhiều điều từ nhà văn này, có lẽ còn nhiều hơn từ Lev Toltoys, một nhà văn Nga khác mà anh cũng yêu thích và có chịu khá nhiều ảnh hưởng.
Ngoài một số lần chúng tôi đi chơi chung, hoặc cùng nhau tham dự, ở những thành phố hay tiểu bang xa nào đó, trên Washington, D.C. chẳng hạn, những buổi ra mắt sách hoặc cùng gặp bạn bè, thân hữu văn học, những buổi gặp gỡ của tôi với anh thường là tại nhà anh, cũng là tòa soạn của diễn đàn Văn Học trong nhiều năm trời. Về mặt địa lý, chúng tôi ở gần nhau, cho dù thường không sống chung trong một thành phố; tôi lại thường cùng anh, trong một thời gian khá dài, đọc và chia sẻ những niềm vui từ những sáng tác của các thân hữu và những người viết xa gần - tin tưởng tờ báo và gửi những bài viết, những tác phẩm của mình cho Văn Học - nên tôi thường có dịp ghé qua “tòa soạn” để, phần nào, giúp lo cho tờ báo, phần khác, chia sẻ những tin tức văn nghệ và thăm hỏi về cuộc sống của nhau (6) . Những dịp ấy, anh thường chia sẻ với tôi cái hạnh phúc thời anh còn trẻ: có được ít tiền là bỏ vào việc mua những cuốn sách tiếng Pháp trong dạng “Livre de Poche” để thu thập thêm kinh nghiệm viết lách của những nhà văn trên thế giới. Đây là những cuốn sách, đúng như tên gọi của nó, có thể bỏ gọn trong túi quần hay túi áo, để mang đi chỗ này hay chỗ kia, khi nào rảnh thì mang ra “trò chuyện”. Không được như dạng sách điện tử (e-book reader) thời nay ở khía cạnh lưu giữ dữ kiện—một thiết bị đọc như Kindle, Nook hay iPad bây giờ chẳng hạn có thể chứa được vài chục hay vài trăm quyển sách - những quyển sách trong dạng “Livre de Poche”, mà tôi cũng từng là một độc giả thân thiết và trung thành thuở còn đi học (và giờ đây, phần lớn vì lý do kỷ niệm, tôi vẫn còn thu thập được cho mình tại Mỹ này trên dưới 30 quyển sách theo dạng đó của những tác giả mà tôi yêu mến), đã là những món ăn tinh thần, cùng lúc, là phương tiện thật rẻ của nhiều người Việt chúng ta ngày xưa để học thêm Pháp văn. Đó là những quyển sách gọn, nhẹ, trình bày trang nhã, rất tiện để mang đi đây đó. Anh Giác, trong những lần nói chuyện riêng như thế, thường hay trở lại với những cuốn sách mà anh yêu thích. La Guerre et La Paix của Tolstoy, La Porte Étroite của Gide, La Peste của Camus, Les Frères Karamazov của Dostoevsky, v.v. Tôi nhận thấy, hình như anh nói về những cuốn sách thì ít, mà anh nói về tuổi trẻ của mình nhiều hơn (7). Một tuổi trẻ hạnh phúc với những cuốn sách và với những mơ mộng văn chương của mình. Chính vì thế, tôi không ngạc nhiên khi thấy anh dám “xả thân” vào chuyện làm báo nơi xứ người, trong khi chuyện “cơm áo” của anh, ít nhất trong giai đoạn đầu của cuộc sống anh trên nước Mỹ này, chưa có thể nói là vững chãi.
Anh Giác đã sống qua mấy căn nhà từ ngày anh đặt chân đến California, chưa kể một thời gian ngắn anh sống tại Texas. Trừ căn nhà cuối (khi anh đã có công ăn việc làm vững chãi, vợ anh đã sang đoàn tụ với anh, các con anh đã trưởng thành và thành đạt) là tương đối khang trang và có phòng khách tạm đủ rộng để anh đón khách văn từ nhiều nơi đổ về, những căn nhà trước đó - cũng là những địa chỉ của một bàn viết lữ thứ và tâm điểm của một quy tụ văn học - chỉ là những chốn “tạm cư” khá ọp ẹp của một người cầm bút. Nhưng một ngọn lửa văn chương, từ những nơi chốn đó, vẫn luôn được nuôi dưỡng và thiết tha ngun ngún cháy.
Nguyễn Mộng Giác yêu thích văn chương và những thể hiện của nó nơi những trang thơ, trang văn của các nhà văn Việt cũng như của các cây bút lớn trên thế giới. Nhưng có lẽ sự thể hiện cụ thể đó của văn học là điều anh yêu thích nhất. Anh không cảm thấy bị cuốn hút hay thích thú lắm với những gì trừu tượng mang tính lý thuyết. Anh có theo dõi, phần nào, những trào lưu và lý thuyết văn chương nở rộ trong khoảng 30 năm cuối của thế kỷ XX, và, đặc biệt, trong những năm cuối của thế kỷ trước bước sang những năm đầu của thế kỷ mới này, nhưng anh không mặn mà với chúng lắm. Ngoài ra, vì lý do sức khỏe, và có lẽ cũng vì cái “tạng” của mình, anh không theo dõi kỹ bước đi của những lý thuyết văn học sau này.
Biết tôi chịu khó đọc và có ý thích các lý thuyết văn học, anh hay hỏi tôi, trong nhiều lần gặp mặt giữa chúng tôi khoảng 15 năm cuối đời của anh, những câu hỏi liên quan đến các lý thuyết mới và tác dụng của nó trong sáng tác và trên đời sống văn học của người cầm bút nói chung. Anh chăm chú lắng nghe những điều tôi chia sẻ, có tinh thần cầu thị thực sự, và có vẻ vui vì thu lượm được một số điều từ sự thảo luận ấy. Dù sao, trong đôi mắt của anh, tôi thấy có lúc vẫn ánh lên cái nét “tinh quái” đáng yêu của một người cầm bút đã từng xông pha, lăn lộn quá lâu trong miền “thực địa” của chuyện viết lách! Hình như anh muốn nói với tôi là, “Tôi đã hiểu những gì anh chia sẻ với tôi về những lý thuyết văn học ấy. Tôi cám ơn anh vì điều đó, và tôi biết là các lý thuyết ấy có sự sâu xa của chúng. Nhưng cái làm nên văn học và cái neo giữ người ta với văn học, tôi vẫn tin là nó phát xuất từ ánh lửa tình cảm bên trong tâm hồn con người. Ánh lửa ấy cần phải rung động, chập chờn một tí, qua đó, nó vẽ nên những hình ảnh “hư hư thực thực” của cuộc đời; những hình ảnh “gần như thực”(8) ấy là cái kéo người ta về với những tác phẩm văn học, làm người ta hiểu rõ về đời sống hơn, học hỏi được nhiều điều từ cuộc sống hơn. Còn lý thuyết, những suy nghĩ có khi quá trừu tượng, có khi lại được phân tích quá rõ, như được chiếu sáng bởi mặt trời ấy, chưa hẳn đã làm cuộc sống con người thi vị, sâu lắng và cuốn hút chúng ta.” Dù đã gần nhau và đã chia sẻ với nhau nhiều điều về văn chương học thuật trong một thời gian quá dài, qua thái độ và ý kiến của anh về mặt này mặt nọ trong đời sống văn chương, tôi có cảm nhận là anh như muốn nói những điều như thế với tôi. Lúc ấy, tôi có thể đã nói với anh là, “Dù sao, chính cái ánh lửa lung linh chập chờn mà anh nói đó cũng mang trong nó hơi thở của lý thuyết.” Tuy nhiên, tôi đã giữ lại suy nghĩ này. Chúng tôi đã quá hiểu nhau để có những lúc không cần phải nói ra những suy nghĩ của mình. Và thật ra thì anh có nói rõ những điều ấy với tôi đâu! Nhưng nếu đúng là ánh mắt của anh đã nói những điều mà tôi cảm nhận, thì đó có thể là cái nhìn của anh về văn học. Và cái nhìn đó vẫn giúp anh tham dự tích cực vào đời sống văn học theo cách riêng của mình. Anh đã để lại cho cuộc sống những cống hiến thiết tha, tầm vóc và đáng quý qua cả một đời văn. Anh được yêu thương và quý mến với những đóng góp ấy.
Và đó chính là cái xứng đáng mà một nhà văn để lại cho người đọc: tác phẩm của anh ta. Dù cho nó được thể hiện trong bất cứ một thể loại nào, một đề tài nào. Hoặc trong bất cứ một hoàn cảnh sống nào.
.5.
Nhớ Nguyễn Mộng Giác là nhớ cả một thời. Là nhớ những buổi họp mặt ở những “quán văn”, những “lều văn” khác nhau trong suốt gần 25 năm văn chương viết lách. Là nhớ những câu chuyện văn chương, văn học được mang ra chia sẻ, những “kế hoạch” văn chương được xây dựng, được “lên khung”, và rồi được hay bị xóa đi làm lại (hay bị vất bỏ luôn vào những garage ký ức). Là nhớ bao hăng say trong những “việc văn” được giao phó, những mổ xẻ, thậm chí những tranh luận gay gắt, vì lý do này hay lý do khác. Là nhớ những trăn trở về đường hướng làm việc giữa một cộng đồng mỗi ngày mỗi phát triển lớn mạnh cùng với những phức tạp của nó, giữa những dòng chảy văn học, những trào lưu văn chương của thế giới mà cuộc sống ở ngoài nước, tuy nhiều khó khăn vất vả, nhưng cũng tạo cơ hội cho người viết nói chung, và cho chúng tôi nói riêng, được tiếp cận, học hỏi, suy nghĩ và thẩm thấu.
Nhớ bạn là nhớ cả một thời. Một thời có nhau. Một thời “bay nhảy”. Một thời lý tưởng và hăng say. Một thời thiết tha và học hỏi. Và một thời trên môi ta, dù tuổi tác thế nào, vẫn luôn có sẵn tuổi trẻ và một nụ cười.
Tuổi trẻ để lăn lộn. Và nụ cười để xóa bỏ đi tất cả những dị biệt, những hiểu lầm, những khó khăn trên con đường hay trên cái đích mà mình nhắm tới. Tuổi trẻ để ta không ngại, không sợ. Và nụ cười để ta thả đi tất cả như mây bay.
Nguyễn Mộng Giác đã chẳng còn ở với chúng ta nữa. Anh đã để tuổi trẻ anh ở lại. Nhưng, trong tôi, anh vẫn giữ mãi một nụ cười.
Và tất cả những điều khác thì đã thành mây trôi đi.
Bùi Vĩnh Phúc
Tustin Ranch
Ngày 12 tháng Tám, 2012
________________________________________________
Chú Thích:
(1) Tiểu luận này, sau đó được viết lại cũng vào năm 1984, với những
phần lược bỏ và khai triển, để đưa ra nhận định chung về cả tập truyện ngắn của Nguyễn Mộng Giác mang tên là “Ngựa Nản Chân Bon” (trong đó có truyện ngắn cùng tên như đã đề cập). Tiểu luận viết lại này, “Nỗi Băn Khoăn của Nguyễn Mộng Giác / Đọc tập truyện Ngựa Nản Chân Bon”, sau đó được đưa vào sách “Lý Luận và Phê Bình / Hai mươi năm văn học Việt ngoài nước -- 1975-1995” của Bùi Vĩnh Phúc (California: Văn Nghệ, 1996).
(2) “Đầu xanh tuổi trẻ”. Có lẽ, may ra, chỉ có tôi là còn... tương đối “trẻ”. Những người bạn kia đều hơn tôi khoảng từ 10 đến 13 hay 14 tuổi. Nhưng, thật sự, lúc bấy giờ, tất cả chúng tôi đều còn trẻ. Rất trẻ. “Trẻ”, trong cái nghĩa là “dám làm”, và nhìn tất cả mọi sự trong một mắt nhìn còn nhiều lý tưởng. Con mắt ấy chưa bị trái tim, với những đắn đo của nó, gửi đến những sợi khói của thực tế làm cho cay xé.
(3) Trong một số khía cạnh nào đó, cả trong địa-văn hóa lẫn địa-chính trị, tôi không nghĩ là không có những con người phải sống lưu vong ngay trên đất nước của mình.
(4) Tôi nhớ, trong tinh thần khát khao tự do và hoài vọng quê nhà, bài đầu tiên tôi viết cho sân chơi văn học chung này, vào khoảng tháng Năm 1985, là bài “Kinh Cầu Nguyện của Một Nhà Văn Lưu Vong / Đọc tác phẩm The Questionnaire” của Jirí Grusa”. Tác phẩm này, có nguyên tên là “The Questionnaire, or Prayer for a Town and a Friend”, được phát hành rộng rãi tại các nước Tây phương sau khi tác giả của nó định cư tại Tây Đức. Đây là một nhà văn Tiệp Khắc đã từng viết trong truyền thống samizdat của những Milan Kundera, Czelaw Milosz, Slavomir Mrozek, v.v., và các tác phẩm của ông, trước đó, đã từng được yêu thương và truyền tụng lén lút ngay trên chính quê hương mình.
(5) Gọi là sớm sủa, nhưng thật ra, khi Văn Học ra đời, khoảng mười năm đã qua đi kể từ tháng Tư 1975. Trước đó, không phải là đã không có những nỗ lực văn học và văn chương của người Việt ngoài nước, muốn vực dậy một giọng nói, một tiếng nói, như một hơi thở cần thiết để con người tiếp tục sống còn; nhưng, vì những yếu tố khác nhau của hoàn cảnh, những nỗ lực này, qua những tạp chí văn học hay những tờ báo mang tính văn chương, đã không có cơ may được tồn tại lâu dài, và ghi những dấu ấn sắc nét hơn trong lòng người đọc. Nhưng tất cả những nỗ lực đó đều là những nỗ lực đẹp đẽ và đáng trân trọng, không những đáng được, mà còn cần được, ghi nhận. Cái duyên và cái may cho Văn Học, có lẽ, là do cái thời đã tạo nên nó. Mười năm (1975-1985) có lẽ đã khá đủ cho một sự chiêm nghiệm bình tĩnh và sâu lắng. Và sự có mặt, ở ngoài nước, chỉ mới từ một vài năm trước đó của thêm nhiều nhà văn, trong đó có Nguyễn Mộng Giác, vốn là những người, trước đó, còn ở trong nước. Sự quy tụ của những nhà văn mới đến và những nhà văn có mặt trước đó, đặc biệt từ ngay sau thời điểm 1975, đã tạo tiền đề tốt cho một sự bùng nở (hay bừng nở) của văn học Việt ngoài nước. Tôi nghĩ, cái duyên đó hẳn nằm trong cái thời.
(6) Tôi nhớ, trong cùng một giai đoạn, có lẽ khoảng cuối những năm 1990, chúng tôi, đặc biệt tôi và anh Nguyễn Mộng Giác (vốn thường chia sẻ ý kiến về các bài vở nhận được trong giai đoạn này), đã rất vui và thích thú khi nhận được hai loạt bài viết đặc sắc, cùng về thơ, của hai tác giả khác hẳn nhau trong phong cách, một người đã có tiếng trước 1975, và một người, cho đến lúc đó chúng tôi chưa được đọc nhiều, là Đỗ Quý Toàn và Nguyễn Hưng Quốc. Loạt bài của hai vị này, sau đó, được in lại thành hai quyển Tìm Thơ Trong Tiếng Nói (Đỗ Quý Toàn) và Nghĩ Về Thơ (Nguyễn Hưng Quốc).
(7) Sách, truyện, âm nhạc, phim ảnh, v.v. , khi được đọc, xem, thưởng thức lại, rất nhiều khi, có tác dụng như là một ngọn lửa, là một chất men tạo nên ánh sáng và hơi ấm, soi tỏ và làm dậy lên, làm sống lại những hình ảnh tha thiết cũ trong trái tim người. Không phải nghệ thuật đã sống mãi, và ta đã yêu nghệ thuật, phần lớn, vì nó đã đem lại cái hiệu ứng đó hay sao?
(8) “Gần như thực”, tiếng Pháp là “vraisemblable”. Đây có thể coi là một thuật ngữ văn học, để nói đến cái tính chất không thực sự giống, hoặc, có khi, không trùng khít với hiện thực ngoài đời của truyện. Văn bản của truyện luôn mang tính mờ đục, bất thấu quang, để đẩy người xem vào thế phải lý giải. Và chính lý giải cũng là một phần của sự sống, có lẽ là phần chính yếu nhất. Đây từng là một đề tài lý thú của văn học và của vấn đề thẩm thức văn chương.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)