Hiển thị các bài đăng có nhãn Bùi Văn Phú. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Bùi Văn Phú. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 15 tháng 9, 2023

Bùi Văn Phú: Tưởng nhớ bà Jean Libby (1940-2023)

Khoảng đầu thập niên 2000, trong một lần gặp thi sĩ Nguyễn Chí Thiện [1939-2012] tôi có hỏi về bản thảo tập thơ “Tiếng vọng từ đáy vực” của thi sĩ và những tài liệu liên quan, ông nói đã đưa hết cho bà Jean giữ.

Tập sách về thi sĩ Nguyễn Chí Thiện,Nxb Allies For Freedom, 2008
(Ảnh: Bùi Văn Phú)

Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2023

Bùi Văn Phú: Từ lắp ráp ôtô VinFast đến lên sàn Nasdaq

Những xe VF-8 đầu tiên đến Mỹ tháng 12-2022 (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Ngày 15-8-2023 VinFast, với mã tự VFS, đã ra IPO, tức là chính thức giao dịch trên sàn chứng khoán Nasdaq ở New York.

Sự kiện ghi dấu lần đầu tiên một công ty từ Việt Nam có mặt tại Phố Wall, trung tâm tài chính của Hoa Kỳ. VinFast là công ty lắp ráp ôtô ra đời năm 2017, một nhánh của VinGroup là tập đoàn tài chánh lớn nhất Việt Nam do ông Phạm Nhật Vượng làm chủ tịch, nổi lên nhờ đầu tư nhà đất trong hai thập niên qua.

Thứ Ba, 27 tháng 6, 2023

Bùi Văn Phú: Lễ tốt nghiệp nhanh như kết hôn ở Las Vegas

Cuối tuần qua chúng tôi đi dự lễ tốt nghiệp của cháu Kevin Khang Bùi, con của vợ chồng người em trai, tại Đại học UC Santa Cruz, ngôi trường chỉ cách thành phố San Jose hơn 30 phút lái xe xuôi nam, theo xa lộ 17 quanh co leo núi về hướng biển, đẹp và xanh với những hàng thông cao vút.

Đến nơi. Vào địa điểm là một sân bóng đá trên đỉnh đồi, nhìn ra biển. Nhưng bố mẹ của cháu và mọi người thân quen đều rất thất vọng với cách tổ chức lễ ra trường năm nay tại đại học này.

Đi dự cùng gia đình, chúng tôi nghĩ là dịch Covid-19 đã qua, các sinh hoạt trong trường đã trở lại bình thường thì lễ tốt nghiệp sẽ theo truyền thống như trước. Vào nơi làm lễ thì nhận ra cách tổ chức vẫn mang hình thức của những năm 2020 và 2021 khi Covid-19 đang lây lan. Một người quen làm việc trong trường cho biết từ ba năm nay các lễ ra trường của UC Santa Cruz đều tổ chức như thế này. Hôm nay đông hơn nhưng khác các buổi lễ trong hai năm qua là không còn ai đeo khẩu trang hay giữ giãn cách xã hội.

Thứ Ba, 6 tháng 6, 2023

Bùi Văn Phú: Đi nghe nhạc Trần Hải Sâm ở San Jose

Nhạc sĩ Trần Hải Sâm trong chiều nhạc “Tôi vẽ đời em” (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Chiều Chủ Nhật 21/5 vừa qua chương trình nhạc “Tôi vẽ đời em: dòng nhạc Trần Hải Sâm” đã diễn ra trên sân khấu Elizabeth A. Hangs tại Santa Clara Convention Center với sự tham dự của gần 700 khán giả yêu thích văn nghệ vùng San Jose, trung tâm sinh hoạt văn hoá của người Việt ở miền bắc California


Chương trình hết vé trước đó cả tuần nên một số khách chọn cách mua vé tại chỗ trước giờ khai mạc đã phải thất vọng ra về vì không còn vé. Nhiều người đến nghe là vì sự quí mến dành cho một nhạc sĩ vùng Thung lũng Hoa vàng, có người vì tò mò muốn biết về một dòng nhạc mới.


Thứ Ba, 16 tháng 5, 2023

Bùi Văn Phú: VinFast chỉ bán xe cho người Việt?

Tuần qua tôi lại thấy tàu VinFast chạy vào và thả neo trong Vịnh San Francisco sau chuyến hải hành ba tuần từ cảng Hải Phòng, Việt Nam.

Tàu VinFast thả neo trong Vịnh San Francisco tuần qua (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Đây là chuyến tàu VinFast thứ hai chở xe vào Mỹ. Sau khi qua thủ tục hải quan, tàu rời San Francisco và chiều ngày 10/5 cập bến cảng Benicia để xuống hàng. Sáng 12/5 khi những chiếc xe VF8 đang được đưa vào bãi đậu của bến tàu thì nhiều tạp chí chuyên về ô tô ở Mỹ đã có những bài viết chê VF8 nhiều khuyết điểm.

Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2023

Bùi Văn Phú: Hình ảnh cờ vàng của VNCH 48 năm sau ngày chấm dứt chiến tranh

Đối với người Việt, cuộc chiến Nam Bắc trên quê hương được coi như chấm dứt vào ngày 30/4/1975 khi chính quyền Việt Nam Cộng hoà đầu hàng bộ đội cộng sản miền Bắc.

Nhưng với nước Mỹ, rộng ra là cả các nước đã đưa quân qua tham chiến tại Việt Nam như Úc, Tân Tây Lan hay Nam Hàn thì cuộc chiến đó chấm dứt vào năm 1973, khi nước ngoài rút hết quân và Hiệp định Ba Lê chấm dứt chiến tranh, tái lập hoà bình được Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Việt Nam Cộng hoà và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam ký tại Paris ngày 27/1/1973.

Với dấu mốc ngày ký Hiệp định Ba Lê 1973, đánh dấu 50 năm chấm dứt Chiến tranh Việt Nam ở Úc và Mỹ đã có những sự kiện để ghi nhớ thời điểm này.

Thứ Sáu, 14 tháng 4, 2023

Bùi Văn Phú: Nhìn lại phim “Đất Khổ”, về một gia đình trung lưu thời chiến tranh

Một cảnh trong phim với Trịnh Công Sơn trong vai nhạc sĩ Trịnh Quân; Bích Hợp vai người mẹ của Quân; Xuân Hà vai Thuý, em gái của Quân; và Vân Quỳnh vai Hạnh, em gái út của Quân (Screenshot từ Youtube)

Vào những năm đầu thập niên 1970 nền điện ảnh Việt Nam Cộng Hoà đã có những phim mầu gây tiếng vang và đạt những giải thưởng như “Chân Trời Tím” của đạo diễn Lê Hoàng Hoa, “Người Tình Không Chân Dung” của Hoàng Vĩnh Lộc, “Hoa Mới Nở” của Lê Dân, “Hè Muộn” của Đặng Trần Thức v.v… 


Trong những năm điện ảnh miền nam khởi sắc, một phim mầu là “Đất Khổ” của đạo diễn Hà Thúc Cần cũng đã được quay từ năm 1971, đến 1973 hoàn thành, được chiếu ra mắt nhưng rồi lại bị cấm chiếu, dù truyện phim dựa trên hai tác phẩm của nhà văn Nhã Ca là “Giải khăn sô cho Huế” và “Đêm nghe tiếng đại bác” và các vai chính và phụ trong phim là những nhân vật nổi tiếng trong giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thời bấy giờ.


Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2023

Bùi Văn Phú: Trò chuyện cùng nhạc sĩ Trần Hải Sâm, “Một Ngày Trên Quê Hương Tôi”

Nhạc sĩ Trần Hải Sâm (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Hơn 20 năm trước tôi gặp Trần Hải Sâm, khi cô còn là sinh viên ban thạc sĩ của Đại học Oregon, là một cô gái đã tốt nghiệp ngành cổ sử Đại học Quốc gia Hà Nội với dáng nét trẻ trung, tính tình vui vẻ, cởi mở. Sau này Sâm trở thành bà xã của Luật sư Đinh Ngọc Tấn, một bạn trẻ đã cùng tôi tổ chức nhiều hội thảo từ sân trường đại học và trong sinh hoạt cộng đồng vùng Vịnh San Francisco.


Mấy năm trước tôi được Hải Sâm cho nghe bản nháp những bài hát đầu tiên và tôi đã nhận ra chị có thiên khiếu về âm nhạc, dù không học qua trường nhạc và đến nay chị đã có cả trăm sáng tác.


Trần Hải Sâm dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện hôm nay, về con đường đến với sáng tác âm nhạc của chị.


***


Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2023

Bùi Văn Phú: Buồn vui làm người gốc Việt

Tôi đã sống qua và đi du lịch nhiều quốc gia trên thế giới. Không biết khuôn mặt của mình mang dáng nét ra sao mà ít có người gặp lần đầu mà họ đoán đúng tôi là người Việt Nam.

Ngày mới tới Mỹ, đi học ESL nhiều bạn nghĩ tôi là người Hàn quốc. Vào Đại học U.C. Berkeley, trong giờ làm thí nghiệm lớp Hoá học có mấy bạn da trắng thấy tên ngắn gọn “Phu Bui” nên nghĩ tôi là người Hoa.

Ở chung ký túc xá có một bạn người Nga, nhìn tên tôi anh biết ngay là người Việt, vì anh quen mấy du sinh Việt ở Liên bang Sô Viết và cũng có người họ Bùi. Một hôm khi chúng tôi đứng cạnh nhau chờ ăn cơm chiều, anh nói vui là đừng bao giờ xếp hàng sau người Việt, tôi hỏi vì sao thế, anh kể đứng sau người Việt thì khi đến lượt sẽ có mấy người Việt khác chen vào trước mình, mà anh đã chứng kiến trong ký túc xá bên Nga.

Nguồn gốc Việt đã không thể hiện qua khuôn mặt của tôi, còn giới tính cũng là một câu chuyện vui.

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2023

Bùi Văn Phú: Những ngõ ngách và con người vùng đất Ngã ba Ông Tạ

Sách về khu vực Ngã ba Ông Tạ của Cù Mai Công (Ảnh: Bùi Văn Phú)

[Đọc sách: SÀI GÒN một thuở “Dân Ông Tạ đó” – Tập 2. Cù Mai Công. Nxb Trí Việt – First News, 287 trang]

Khi nhận được sách của tác giả Cù Mai Công gửi tặng, nhìn mấy hình trên bìa là một trời ký ức lại ùa về vì tôi đã được sinh ra và đã lớn lên ở vùng đất có tên Ngã ba Ông Tạ.


Hình ảnh những phụ nữ đội nón lá buôn thúng bán bưng trên đường Thoại Ngọc Hầu, nay là Phạm Văn Hai, cũng là hình ảnh của u tôi hơn 30 năm về trước. Khúc đường này tôi đã nhiều lần đi bộ qua lại từ khi lên mười và khi lên cấp 3 đi học bằng xe máy thì cũng thường chạy qua đây.


Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2023

Bùi Văn Phú: Nhớ về ngày 27-1 năm mươi năm trước

Năm 1972 là quãng thời gian với nhiều lo âu cho tôi và các bạn nam sinh cùng lớp vì hết niên học chúng tôi phải qua kỳ thi Tú tài I, đậu hay rớt tương lai sẽ là những khúc rẽ cuộc đời. Tôi học lớp 11 ban B toán lý hoá, ngoài những giờ trong lớp tại trường Nguyễn Bá Tòng Gia Định tôi còn đi học luyện thi ở trường Hàn Thuyên nằm trong một ngõ trên đường Chi Lăng để cố gắng thi đậu, mừng cho chính bản thân và là niềm vui cho gia đình.

Còn ba tháng nữa đến ngày thi, cuối tháng 3-1972 bộ đội cộng sản Bắc Việt mở ra các cuộc tấn công vào miền Nam mà báo chí gọi là “Mùa Hè Đỏ Lửa”, từ Quảng Trị, Kontum vào Bình Long, An Lộc. Không như những cuộc tấn công du kích hồi Tết Mậu Thân 1968 vào nhiều tỉnh thành, lần này bộ đội cộng sản đem cả xe tăng, đại pháo tràn qua vĩ tuyến 17 đánh chiếm Quảng Trị.


Đại uý Không quân Trần Thế Vinh, một cựu học sinh trường Nguyễn Bá Tòng, đã trở thành anh hùng diệt tăng T-54 và đã bỏ mình trong một phi vụ khi chiến đấu cơ của anh trúng đạn phòng không nơi tuyến đầu tổ quốc.


Thứ Ba, 17 tháng 1, 2023

Bùi Văn Phú: Cuối năm ta và trải nghiệm với 3C

3C là cảm, cúm và Covid đang lây lan nhiều ở Mỹ vào mùa đông năm nay.

Cảm và cúm đã có trên thế giới này từ lâu thật lâu rồi. Cảm làm người bệnh ho, sổ mũi. Cúm thường làm nhức đầu, sốt, đau mình. Nhẹ uống Tylenol, nặng uống Theraflu vài hôm là khỏi vì tôi đã từng trải nghiệm. Bị cúm nhẹ, xức dầu cù là, ăn tô phở nóng với hành trần rồi xông là một hai hôm sẽ hết. Một lần bị nặng, đầu nhức như búa bổ, người quay cuồng, uống Theraflu làm ngủ lì bì, phải nghỉ làm việc và cả tuần sau mới hết.

Tôi có quan sát này không biết có đúng không. Nhiều người Việt khi mới qua Mỹ định cư, những năm đầu không cần chích ngừa cúm và cũng ít bị cúm hơn người ở Mỹ lâu năm. Trong cơ thể người Việt ít nhiều có tính miễn nhiễm cúm hay sao? Và ở Việt Nam có khoảng thời gian nào gọi là mùa cúm hay không, như ở Mỹ thường là vào cuối thu và những tháng lạnh mùa đông.

Thứ Ba, 3 tháng 1, 2023

Bùi Văn Phú: Sau 27 năm bang giao Mỹ-Việt, Hà Nội vẫn theo Nga và Trung Quốc

Hoa Kỳ và Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995, hai mươi năm sau khi cuộc chiến chấm dứt, khép lại một trang sử thù nghịch kéo dài nhiều thập niên trên chiến trường và chính trường ngoại giao.

Cơ hội để Việt Nam và Hoa Kỳ nối lại quan hệ đã có không lâu sau khi cuộc chiến kết thúc, nhưng Hà Nội để mất cơ hội bắt tay với Washington vào những năm cuối thập niên 1970.

Hội nghị ghi dấu 27 năm quan hệ Việt-Mỹ do Đại học Fulbright Vietnam tổ chức vào tháng 8/2022 (Screenshot – Fulbright University Vietnam)

Sau chiến tranh, Mỹ muốn thừa nhận một nước Việt Nam thống nhất dưới sự lãnh đạo của Hà Nội, vì thế khi hai quốc gia là Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (Miền Bắc) và Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (hậu thân của chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam hay còn gọi là Mặt trận Giải phóng Miền Nam, thay thế Việt Nam Cộng hòa sau ngày 30/4/1975) cùng xin gia nhập Liên Hiệp Quốc vào cuối năm 1975, Hoa Kỳ đã phủ quyết việc này, còn Trung Quốc, Liên Xô và Anh, Pháp đều ủng hộ. Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Hoàng Hoa [Huang Hua] lúc đó đã ca ngợi cuộc chiến đấu lâu dài của nhân dân Việt Nam là “biểu tượng sáng ngời của chính nghĩa cách mạng chống đế quốc” trên toàn thế giới và ông nhấn mạnh hai dân tộc Trung, Việt đã là “đồng chí chiến đấu bên nhau.” (The New York Times 12/8/1975).

Thứ Ba, 27 tháng 12, 2022

Bùi Văn Phú: Một nghìn VF8 đã lăn bánh trên đường phố Mỹ

Tôi đã thấy hàng trăm xe Vinfast VF8 chạy trên đường ở California. Không phải nói đùa mà sự thật là như thế.

Chiều thứ Hai 19/12 ở bến cảng Benicia, cách San Francisco 30 dặm đường, những chiếc xe VF8 đủ các mầu đã được chạy từ tầu hàng ra bãi đậu xe của cảng.

Tầu hàng và những chiếc xe VinFast VF8 tại bến cảng Benicia, vùng Vịnh San Francisco ngày 19/12/2022 (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Đoạn đường trong khu vực có kiểm soát an ninh, dài chừng 2 kilômét, từ cầu tầu chạy dọc theo đường Bayshore trước bến cảng Benicia, thủ phủ cũ của tiểu bang California, vào bãi đậu xe của cảng.

Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2022

Bùi Văn Phú: Nước Mỹ và thế giới đã qua dịch Covid chưa?

Năm nay hình như mùa đông đến sớm trên đất Mỹ, vì còn một tháng nữa mới sang mùa mà tuyết đã đổ ngập đường ở tiểu bang New York, ở Texas và California trời đang trở lạnh.

Trước cái lạnh ngoài trời và những buổi tiệc gia đình cùng liên hoan cuối năm sắp có, giới chức y tế vùng Vịnh San Francisco lại khuyến cáo cư dân nên cẩn thận để tránh lây nhiễm Covid, cảm cúm hay các bệnh hô hấp bằng cách thường xuyên rửa tay, đeo khẩu trang và giữ giãn cách xã hội mỗi khi có thể.


Nhưng dường như chỉ ít người làm theo. Khó quan sát việc rửa tay vì đó là vệ sinh cá nhân, còn đeo khẩu trang và giãn cách xã hội thì hãy nhìn vào sân vận động với các trận đấu bóng bầu dục, môn thể thao được ưa chuộng ở Mỹ, đang diễn ra.


Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2022

Bùi Văn Phú: Kỷ niệm 40 năm Bức tường Đá đen

Tên của 60 nghìn lính Mỹ tử trận trong cuộc chiến Việt Nam được khắc trên những phiến đá đen (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Khi mới đến Mỹ định cư, cuối thập niên 1970 tôi gặp một cựu chiến binh Mỹ từng phục vụ tại Việt Nam. Anh Mark khi đó tuổi chưa đến 30, nhập ngũ đầu thập niên 1970 theo lệnh động viên, có hai năm đóng quân ở Cần Thơ, Biên Hoà. Hết hạn nghĩa vụ, anh về làm việc ở thư viện Đại học Berkeley và tôi gặp anh ở đó, khi còn là sinh viên.

Thỉnh thoảng chúng tôi đi ăn trưa, kể chuyện Việt Nam cho nhau nghe, phần tôi còn muốn học hỏi từ anh về nếp sống Mỹ. Qua anh, tôi mới hiểu rằng dư luận và xã hội Hoa Kỳ trong những năm của thập niên 1970 không trân trọng những người lính đã từng qua Việt Nam chiến đấu.

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2022

Bùi Văn Phú: Vài suy nghĩ nhân việc xe VinFast vào thị trường Mỹ

Xe điện VinFast VF8 trong phòng trưng bày ở thành phố Berkeley, miền bắc California (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Chính quyền California vừa ban hành chính sách giới hạn việc bán xe chạy xăng dầu cho cư dân tiểu bang, với số bán xe mới chạy bằng điện phải tăng dần để rồi sẽ không cho bán xe mới có khí thải trong tiểu bang vào năm 2035.

Theo chính sách này, đến năm 2035 cư dân California muốn mua xe mới thì chỉ có thể mua xe điện. Việc lưu hành các xe chạy xăng dầu đã đăng ký trước đó không bị ảnh hưởng trong việc mua đi bán lại.

Luật mới qui định số xe điện được bán ra trong tiểu bang phải đạt 35% vào năm 2026, 68% vào năm 2030 và 100% vào năm 2035.

Đây là đề xướng của Thống đốc California Gavin Newsom hai năm trước, nay chính thức trở thành chính sách cho tiểu bangsau khi Tổng thống Joe Biden ký luật về biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên luật này của California sẽ gặp thử thách vì không phù hợp với luật liên bang và có thể không được thi hành nếu điều khoản miễn trừ dành cho các tiểu bang trong việc đặt ra các tiêu chí về khí thải không được Cơ quan Bảo vệ Môi sinh (EPA, Environment Protection Agency) phê chuẩn. California đã đi tiên phong, nếu được EPA chấp thuận, các tiểu bang Massachusetts, New York, Oregon, Vermont và Washington cũng sẽ theo sau về số lượng xe khí thải và xe điện được bán trong tương lai.

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2022

Bùi Văn Phú: Nguyễn Ngọc Ngạn qua 40 năm sáng tác, 30 năm làm MC

Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn năm 1979

(Ảnh: Bùi Văn Phú)


Nguyễn Ngọc Ngạn là một hiện tượng trong sinh hoạt văn học nghệ thuật của cộng đồng người Việt hải ngoại.


Ông là một nhà văn có nhiều độc giả, từ khi có những sáng tác đầu tiên đăng trên báo tiếng Việt ở hải ngoại vào đầu thập niên 1980, chỉ một hai năm sau khi ông vượt biển đến trại tị nạn ở Mã Lai và định cư ở Canada từ mùa hè 1979.


Ông cũng là nhà văn Việt ở hải ngoại có sách bằng tiếng Anh được xuất bản đầu tiên tại Hoa Kỳ là tác phẩm “The Will of Heaven” [Nxb Dutton, 1982] viết về trại học tập cải tạo, về sinh hoạt đời sống tại Việt Nam sau ngày 30/4/1975 dưới chế độ chủ nghĩa xã hội.


Những tác phẩm của ông, dù là truyện ngắn hay tiểu thuyết đều lôi cuốn bạn đọc vì ông viết về hiện thực xã hội của người Việt, trong nước cũng như ở hải ngoại, trong trại tị nạn hay đã định cư.


Không ý tưởng cao siêu hay triết lý mơ hồ, các truyện ông viết chỉ hàm chứa những điều thường ngày, phảng phất nét văn hoá, phong tục hay truyền thống, kể cả hủ tục của người Việt. Truyện của ông ít có mặt trên các tạp chí văn học mà thường đăng trên các báo mang tính đại chúng như Văn Nghệ Tiền Phong, Nhân Chứng, Việt Nam Hải Ngoại, Làng Văn, Chiêu Dương, Tiểu Thuyết Nguyệt San, Phụ Nữ Diễn Đàn v.v… vì thế ông có đông độc giả ở khắp nơi, từ Hoa Kỳ, Canada, sang Úc châu, Âu châu.


Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2022

Bùi Văn Phú: Người Việt ở Mỹ thành công, chính phủ Việt Nam giúp được gì ?

“Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn…” là câu hát mở đầu nhạc phẩm “Nỗi buồn hoa phượng” của nhạc sĩ Thanh Sơn, sáng tác cách đây hơn nửa thế kỷ, ghi lại tâm cảm của lứa tuổi học trò ở Việt Nam khi niên học sắp kết thúc. 


Nửa thế kỷ trước, lúc còn ở quê nhà tôi cũng đã có nỗi buồn như thế khi thấy phượng nở đỏ sân trườngvà trên sóng phát thanh vang vang những lời ca báo hiệu mùa hè đang về.


Hôm nay, bên trời Mỹ, sắp vào hạ lòng tôi không buồn mà vui. Vui vì sắp hết niên học với các buổi lễ tốt nghiệp, khi khúc nhạc hoà tấu “Pomp and Circumstance” trổi vang chào đón tân khoa và mùa hè thư giãn đang chờ đón trước mặt.


Lúc này còn vui hơn vì nguy hiểm chết người của bệnh dịch Covid đã qua, đời sống đã bình thường trở lại sau hai năm với nhiều điều bất bình thường như làm việc từ nhà, đeo khẩu trang, giữ giãn cách xã hội để đề phòng lây bệnh. Có lúc thiếu nhu yếu phẩm, dân phải xếp hàng trước siêu thị chờ mua. Hai năm không còn tự do đi chơi đó đây. Xa lộ, phố phường có nhiều ngày vắng xe như giờ giới nghiêm thời chiến tranh trên quê hương cũ. Đó là những hình ảnh lạ trong đời sống Mỹ.


Năm 2020 khi lệnh cấm túc được ban hành vào tháng 3, học sinh không còn đến trường mà ở nhà học online. Hết niên học không nơi nào có lễ tốt nghiệp vì mọi sinh hoạt đông người đã phải tạm ngưng.


Cuối niên học 2021 đã có thuốc chống Covid và nhiều người được chích ngừa, một số nơi có lễ tốt nghiệp nhưng tổ chức đơn giản. Sinh viên học sinh vào những bãi đậu xe, ngồi trên xe nhận bằng. Chỉ vài người thân có mặt. Không bạn bè bên cạnh để chứng kiến, tặng hoa, chụp hình kỷ niệm, chúc mừng tân khoa.


Năm nay, sắp hết niên học và đang là thời điểm của các lễ tốt nghiệp truyền thống cho sinh viên, học sinh.



Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2022

Bùi Văn Phú: Nobel Văn chương hay Nobel Hoà bình cho Việt Nam?

Đầu năm nay Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc đến tham dự buổi lễ phát động cuộc vận động sáng tác văn học và đã có phát biểu khuyến khích các nhà văn Việt Nam cố gắng sáng tác đạt đến tầm mức cao để được trao giải Nobel Văn chương trong tương lai gần, đem lại niềm hãnh diện cho đất nước.

Nghe lãnh đạo Việt Nam nói chuyện chiều cao, chiều sâu của văn chương, nghệ thuật nhiều người lại lên tiếng phê phán chính sách bóp nghẹt tự do tư tưởng, tự do sáng tạo mà Đảng Cộng sản đang áp đặt lên người dân thì mong muốn có nhà văn Việt Nam đạt giải Nobel Văn chương là mơ tưởng hão huyền, hay cũng chỉ là “nổ” cho vui như nhiều lần ông Phúc từng phát biểu.

Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện (ngồi giữa) cùng với Steve Denny (bên phải) của Indochina Archive, UC Berkeley và Bùi Văn Phú (bên trái) phụ trách thông dịch, trong buổi nói chuyện tại Đại học Berkeley năm 1995 khi ông vừa đến Hoa Kỳ (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Thực tế là ngày nay một số nhà văn Việt, hay có gốc Việt, có tác phẩm dù chưa được trao giải Nobel nhưng cũng đã đạt nhiều giải thưởng danh tiếng khác và họ là những người không sống trong sự kìm hãm tự do từ những chính sách của nhà nước. Họ sống ở bên ngoài nước Việt Nam, hay là những người tuy sống trong nước nhưng đã can đảm vượt qua nỗi sợ hãi để viết lên suy nghĩ của mình.

Nguyễn Thanh Việt với “The Sympathizer”đạt giải Pulitzer 2016 của Hoa Kỳ là người Mỹ gốc Việt. Nguyễn Phan Quế Mai với “The Mountains Sing” đạt giải Lannan Literary Fellowship 2020, hiện sống tại một quốc gia Trung Á. Thi sĩ Ocean Vương mang hai dòng máu Mỹ-Việt với “Night Sky With Exit Wounds” đạt các giải Whiting 2016, T.S. Eliot 2017 và MacArthur Fellow 2019.