Hiển thị các bài đăng có nhãn Bùi Huy Tín. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Bùi Huy Tín. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2023

Trần Mộng Tú: Từ Bùi Huy Tín tới Bùi Bích Hà

(Gửi Bùi Bích Hà với lòng thương nhớ)


Ngày 12 tháng 3 vừa qua, tác giả Trần Viết Ngạc vừa ra mắt cuốn sách:

"Bùi Huy Tín với Thực nghiệp Dân báo và Tràng An báo” tại Vườn Ý Thảo (số 3 Thạch Hãn, TP. Huế).


Cuốn sách dày trên 280 trang, gồm 6 chương và phần phụ lục, do NXB Hồng Đức ấn hành. Ngoài tiểu sử của nhân vật Bùi Huy Tín (1875-1963), cuốn sách dành nhiều trang viết về tờ báo “Thực nghiệp Dân báo” và tờ “Tràng An báo”.


Tác giả Trần Viết Ngạc giới thiệu về cuốn sách. Nguồn: Khám phá Huế


Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, cuốn sách thoả mãn những người quan tâm khi được tiếp cận với một trữ lượng phong phú những hiểu biết về nhân vật Bùi Huy Tín so với những gì đã có.


Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2022

Giáo sư Trần Viết Ngạc: Quyển sách về thân phụ của Bùi Bích Hà

  

Đó là cuốn “BÙI HUY TÍN với Thực Nghiệp Dân Báo và Tràng An Báo” do Giáo sư Sử học Trần Viết Ngạc biên soạn và sẽ do con cháu của gia đình ông Bùi Huy Tín xuất bản trong năm 2022 này. 

Nhà văn Bùi Bích Hà là con gái út của ông Bùi Huy Tín.

Giáo sư Trần Viết Ngạc đã gửi cho chúng tôi Chương Một của cuốn sách này để đóng góp cho số Tưởng Niệm Bùi Bích Hà hôm nay.

DĐTK

 

*

Chương I

Thân thế và sự nghiệp

Những năm đầu thập niên 80, thế kỷ XIX, trong một trận càn ở vùng Bãi Sậy (Hưng Yên) một đại úy quân đội viễn chinh bắt gặp một chú bé, thất lạc cha mẹ, trong ruộng mía.

“Thằng bé mất cha mẹ chạy giặc Pháp, loanh quanh qua những ruộng mía cao gấp mấy lần, nó được một ông đại úy đoàn quân xâm lược bắt về nuôi vì thấy nó khôi ngô, lĩnh ngọ. Mãn hạn, ông về nước, giao lại cho một đồng ngữ kế nhiệm. Thêm mấy năm nữa, thằng bé khoảng 12, 13 tuổi, thì ông này mãn hạn, khác với ông trước, ông này quyết định làm giấy tờ nhận nó làm con nuôi và mang nó theo về Pháp cho ăn học.

Sáng sớm tàu nhổ neo, thằng bé lẻn trốn lên bờ, ở lại”. [1]

Thằng bé ở lại quê hương, nơi mà bố mẹ cậu “nghe kể lại”, đã chiến đấu và hy sinh trong trận càn, dưới ngọn cờ kháng chiến của “quan Đề”. Quan Đề tên gì?

Vì cậu quá nhỏ, cậu chỉ biết có thế.

Cậu thiếu niên đó chính là danh nhân Bùi Huy Tín (1875-1963) sau này.

Ông sinh ở Hà Nội, nhưng quê quán là làng Thượng Tầm, tổng Thượng Tầm, phủ Thái Ninh, tỉnh Thái Bình.