Hiển thị các bài đăng có nhãn Bùi Bích Hà. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Bùi Bích Hà. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 15 tháng 9, 2023

Bùi Bích Hà: Phim ảnh & đời sống

Nhà văn Bùi Bích Hà.
Ảnh: 
Báo Người Việt.

Lời giới thiệu:

Từ vài năm nay chúng tôi, chị Bùi Bích Hà và tôi, hẹn gặp nhau mỗi tháng Mười để cùng đi dự đại hội Viet Film Fest ở Quận Cam, Nam Cali. Trừ năm 2020 vì đại dịch Covid-19. Năm 2021, tình hình đại dịch đã phần nào ổn định. Dù vậy, ban tổ chức cho biết sẽ tổ chức trình chiếu phần lớn online, song có thể có một đôi buổi chiếu phim diễn ra tại một rạp hát ngoài trời drive-in. Tôi tưởng tuợng niềm thích thú của chị khi được tham dự một cuộc trình chiếu như vậy. Xem phim tại rạp hát drive-in đã trở thành quá khứ trong lịch sử giải trí của dân Mỹ khi chúng tôi tới định cư tại đây. Song sẽ là một kinh nghiệm mới mẻ nếu giờ được trải nghiệm. Tiếc là đi xem phim tại rạp drive-in đã không diễn ra với chúng tôi. 


Thứ Sáu, 14 tháng 7, 2023

Truyện ngắn Bùi Bích Hà: Lẻ bóng

Nhà văn Bùi Bích Hà
(11-1-1938 – 14-7-2021)

Nhà văn Bùi Bích Hà qua đời sáng Thứ Tư, 14 Tháng Bảy năm 2021, tại bệnh viện St. Joseph, Orange, hưởng thọ 83 tuổi.

Trước năm 1975, bà dạy học tại các trường Thoại Ngọc Hầu (Long Xuyên), Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho), Lê Ngọc Hân (Mỹ Tho), và Nguyễn Trãi (Sài Gòn).

Năm 1986, bà định cư tại Hoa Kỳ, viết sách và làm việc trong lĩnh vực truyền thông với nhiều cơ sở khác nhau.

Truyện ngắn Bùi Bích Hà: Anh em như tay chân

Hai anh em tôi sinh ra cùng một mẹ cha nhưng chúng tôi chỉ biết điều này khi anh tôi 17 tuổi và tôi 14. Hoàn cảnh éo le ấy là do bố tôi hiếm muộn, ngoài 50 vẫn chưa có mụn con nào.

Hai mẹ già tôi là vợ cả, vợ hai của bố tôi, giòng giõi trâm anh thế phiệt nhưng không biết tại sao không sinh được con cho nhà họ Bùi. Khi bà hai chính thức bước chân vào nhà bố tôi, bà nhất mà sau này chúng tôi gọi là Me già, cư xử rất phong cách và chững chạc, phù hợp với tư thế bề trên của mình. Bà dọn ra một cơ ngơi riêng và ngày càng ít can thiệp vào công việc của bố tôi. Tôi nghe nói rằng thời gian đầu, bố tôi dùng bữa trưa ở nhà me già và bữa tối ở ngôi nhà ông sống với me trẻ. Tuy vậy, khi sự nghiệp của bố tôi phát triển lớn với nhiều cơ sở từ Bắc vào Trung, bố tôi thường phải di chuyển, không còn giờ giấc cố định nên khi ông về nhà thì đây là ngôi nhà ông sống với bà hai.

Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2022

Trần Mộng Tú: Gửi Một Người Bỏ Đi

Tưởng Niệm Nhà Văn Bùi Bích Hà  

(1938 - 2021)

Nhân ngày giỗ đầu của nhà văn, 14 tháng 7 năm 2022


Bùi Bích Hà và Trần Mộng Tú
(Bùi Bích Hà - Mất một năm)


Một năm rồi đấy, thời gian đi nhanh lắm, 

nhất là với những người chịu cảnh mất nhau trong đời sống. 

Em không thể nghĩ ra cả năm nay chúng ta không gọi nhau, không nghe thấy tiếng nhau, không gửi tin nhắn cho nhau. Chuyện này quả thật quá khó khăn cho cả chị và em. 

Chị bây giờ chỉ là “hồn sương bóng quế” 

còn em vẫn đặt trong đầu những câu hỏi “Tại sao” rất ngu ngơ. Cuối cùng chỉ là những giọt lệ rơi xuống ly cà phê buổi sáng, 

giọt nước mắt trên lưng bàn tay mỗi lần đi bộ buổi chiều, 

là khoảng trống mênh mông mỗi lần đứng trên sân thượng nhìn xuống cái hồ trước nhà.

Em nhớ chị nhiều lắm và em hồn nhiên tin là dù ở nơi đâu chị cũng rất nhớ em.



Nhật Nguyệt


Người đi không hề quay đầu lại

Gió thổi lá vàng bay thật xa

Mình tôi trơ vơ quãng đường vắng

nhật, nguyệt nào đứng giữa hai ta.



Chênh Vênh


Một năm không gặp mặt

Một năm không gọi tên

Một năm thư không nhắn

Chênh vênh giữa nhớ quên.



Chiều Ơi!


Bước từng bước từng bước

Buổi chiều, buổi chiều ơi!

Tiếng ai cười khúc khích

Ngoảnh đầu chiếc lá rơi.


Nằm Mơ


Gặp nhau ở trong mơ

Hai ta cùng tay nắm

Bước ra khỏi giấc mơ

Em nắm lấy tay mình.



Vũng Nước Buồn


Hôm đó chị bỏ đi

Em ngỡ chị quay lại

Nào ngờ chị như mưa

Để lại vũng nước buồn.




Hoa Mộc Liên


Tháng bẩy hoa Mộc Liên

Nở thơm dưới mái nhà

Chị không còn gọi nữa

Để chia mùi hương xa


Em không còn gọi nữa

Rụng rồi…một đóa hoa.



Tháng Bảy


Tháng Bảy ai ngồi nhớ ai

Câu thơ giọt lệ có dài như nhau

Tháng bẩy sợi tóc cũng đau

Lược nào gỡ được nỗi sầu chẻ hai

Tháng bẩy nắng cũng thở dài

Rụng bông hoa trắng rát vai áo người

Tháng bẩy đi tìm tiếng cười

Nghe trong viên sỏi tiếng cười vỡ tan.



Áo và Thơ


Chiếc áo em tặng chị

Ai đang mặc bây giờ

Có cho tay vào túi

Tìm ra được bài Thơ


Bài Thơ gửi hôm đó

Chị đã kịp đọc chưa

Hay vẫn còn trong túi

Áo đã bị đem cho


Áo trên vai người lạ

Hơi chị còn vương hương

Bài Thơ chắc đang khóc

Khói nhang nào còn thơm


Bài Thơ và chiếc áo

Đã bị lấy đi xa

Nhưng trên ngực của chị

Thơ cài một nhánh hoa.


tmt     -         Tháng 7-14-2022





Bùi Bích Hà: Sách Có Linh Hồn Không?

Sinh trưởng ở thành phố Huế cổ kính, những thập niên đầu và giữa thế kỷ 20, chúng tôi chịu một nền giáo dục hết sức nghiêm khắc của gia đình. Cha mẹ và cả các anh chị, kiểm soát con em rất chặt chẽ về cả hai phương diện hành vi và tư tưởng.

Người lớn rất sợ chúng tôi tiêm nhiễm những điều chất chứa trong nội dung các cuốn sách, nặng nhất là sách truyện hay tiểu thuyết. Bàn học của chúng tôi không có sách nào khác ngoài tập vở liên quan đến chương trình học ở nhà trường.

Vài bạn may mắn được gia đình chăm sóc kỹ thì có mấy cuốn sách hồng mỏng tang nêu cao gương đạo đức cho tuổi thiếu niên. Phần tôi, người vô tình gợi ý cho tôi tò mò muốn đọc sách từ tuổi lên bảy là chị cả của tôi.

Bố mẹ tôi vì công việc, thường vắng nhà. Khác với tôi bị một chị và một anh trên mình canh gác và trừng phạt thay bố mẹ, chị không bị ai giám sát cả nên chị tự do đọc bất cứ sách gì chị muốn.

Tôi còn nhớ như in cảnh những buổi trưa mùa hè gió hây hây mát, chị ngồi dựa lưng trên cái ghế xích đu đặt ở mé hiên thấp thoáng nắng từ cái giàn thiên lý lá xanh như ngọc, quyển sách úp hờ hững trên ngực, hai mắt chị lim dim, khuôn mặt chị đằm đằm nét dịu dàng thỏa thuê của một bông hoa hé cánh.

Chị ngưng đọc từng lúc như thế khiến tôi thầm đoán chắc chị đang ôn lại những gì chị vừa thấy mô tả qua mấy trang sách chị cầm trên tay.

Điều này kích thích trí tưởng tượng non nớt của tôi, khiến tôi liều giấu một cuốn của chị trên cái hộp nước trong bồn cầu để tôi có chỗ đọc nó.

Dần dần, bằng cách này, tôi đọc được nhiều sách lắm, của Dương thị Hạnh [1], Hoàng Ngọc Phách, Lê văn Trương, Phạm Cao Củng…, nhiều nhất là của Tự Lực Văn Đoàn. Có những cuốn đối thoại giữa các nhân vật rất hay và tôi bắt chước họ bằng cách một mình lần lượt đóng mấy vai, một mình đối đáp qua lại, làm đủ cử chỉ như sách mô tả đằng sau cánh cửa phòng vệ sinh tôi đã chốt kỹ. Sau này lớn lên, ăn nói trôi chảy, khẩu khiếu của tôi chắc từ đây mà ra.

Lê Hữu: Xem tranh, nhớ người

(Ảnh: LH)

 “Nhìn bức tranh này lại nhớ chị Hà.”

Thỉnh thoảng vợ tôi vẫn lặp lại câu ấy khi ngước nhìn tấm tranh treo ở phòng ăn. Những lúc ấy tôi chỉ gật gù tỏ sự đồng tình chứ không ngoái nhìn bức tranh hay có ý kiến gì thêm, chỉ vì tranh ấy quá quen mắt rồi.

Bức tranh khổ 14”x18”. Một người bạn tôi nói đấy là bức ảnh hơn là bức tranh. Tôi thì vẫn quen gọi là tranh và cũng không nhớ được ở đâu tôi có bức tranh hay ảnh này. Nếu có nhớ là nhớ tôi bắt gặp nó trong “bộ ảnh sưu tập” online của mình, thấy hay hay bèn nhờ tiệm Office Depot in ra và mang về treo nơi góc khuất ở phòng ăn. 

Bức tranh cũng chẳng có gì đặc biệt cho lắm. Dăm bảy khách bộ hành tay cầm những chiếc dù đủ màu sắc bước đi vội vã dưới cơn mưa nặng hạt dọc theo vách tường một building trên đường phố nào. Những mảng màu xám tối. Những giọt mưa đan chéo nhìn thấy được và hè phố loang loáng nước. “Điểm nhấn” trong tranh là người phụ nữ mặc áo khoác màu đỏ nép vào vai người đàn ông cầm chiếc dù cũng màu đỏ che mưa cho cô. Sáng sáng, vừa ngồi nhâm nhi tách cà-phê vừa nhìn ngắm bâng quơ bức tranh mưa lẫn trong tiếng nhạc lãng đãng từ Youtube những bài rainy soft jazz không lời, cũng khá thư giãn và cũng… đỡ buồn. 

Có điều, chuyện sở thích và gout thẩm mỹ không phải ai cũng giống như ai.

“Bộ không còn tranh nào khác hay sao mà anh treo tranh này vậy,” vợ tôi lên tiếng, “trông tối tăm, ảm đạm  quá.”

“Cảnh trời mưa thì làm sao mà sáng sủa được,” tôi trả lời cho qua chuyện.

Không riêng gì nàng, những bạn bè tôi cũng chẳng ai ngó ngàng gì đến tranh ấy. Chỉ có một lần, bức tranh được chị Tú chiếu cố. Ngắm nghía một lúc, chị đặt tên tranh là “Seattle”.


Bùi Bích Hà: Mai tôi về Huế

Tôi xa Huế đã lâu. Lâu lắm. Lẽ ra đã quên nhiều thứ. Nhưng không. Cả BĐ. Tôi nghĩ chị cũng đã quên, hóa ra chị vẫn nhớ. Chị viết cho N. hôm qua, kể lại: “Đám cưới BH, bạn bè chỉ có một mình BĐ đến rồi BH bỏ Huế mà đi. Có người than thở: Sao lấy chồng xa?”

Người than thở ấy nay cũng đã bỏ Huế. Đã đi thật xa. Xa đến nỗi không thể nào quay về. Bỗng dưng từ nơi mịt mùng, lặng lẽ, N. thình lình viết cho tôi: “Mình có một công việc mới. Mai về Huế. Sẽ ghé thăm BĐ.”

Một chỗ nào đó trong tôi, đã đau đớn, đã âm ỷ, đã tê dại, đã dường như chết. Đã để yên, đã chôn sâu ở một nơi thật khuất lấp những gì trôi xa tầm với. Những gì đã chia tay biết không còn lần gặp lại. Có câu hát của ai đó ghi khắc vào trí nhớ tôi, và một loài hoa chợt hé ... Thỉnh thoảng, kỷ niệm những ngày vui xưa khẽ rung trong hồn như một hồi chuông thất lạc, một thoáng gió mơ hồ lay lắt chút dư hương. Nhưng không. Không chỉ có thế. Những củ tulip, những củ glailleul vẫn ngủ vùi trong thửa đất tưởng đã hết màu mỡ.

Sáng nay, vài chữ ngắn ngủi của N. “Mai tôi về Huế,” như đất chuồi ở một ven sông cát lở, cuốn tôi vào dòng cuồng lưu giữa mùa khô hạn. Tôi bưng mặt, nước mắt đầm đìa tuôn đổ từ hai hố mắt nhức nhối. Nỗi tuyệt vọng khốn cùng đau buốt vòm họng, lan xuống ngực, làm tôi nghẹn thở, mũi đặc cứng.

Bùi Bích Hà và Trần Viết Ngạc
Mai tôi về Huế. Bốn chữ đơn giản ấy, từ bao giờ, đã trở thành điều mơ ước cấm kỵ nhất mà tôi muốn quên đi, muốn van xin đừng ai nhắc hay nói với tôi một lần nào nữa?

BĐ và tôi có hai năm ngồi bên nhau ở trường Đại học Sư phạm và Văn Khoa Huế. Chúng tôi hiểu nhau nhiều hơn chuyện trò, giữ của nhau khoảng đời đẹp nhất, thương quý nhau dẫu chưa bao giờ bày tỏ. Khi chia tay buổi tối tôi về nhà chồng, lòng tôi dửng dưng, lạnh lẽo, không hề biết từ nay khó có lần gặp lại. Quà cưới chị tặng tôi là đĩa nhạc Ai lên xứ hoa đào. “Ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa...” Tiếc thay, tôi không có cành hoa nào cho chị từ ngày bước chân vào cuộc đời làm vợ trong cuộc sống xa Huế khô héo của tôi.

Sau tôi, nhiều bạn bè khác cũng đã lần lượt bỏ Huế mà đi nhưng chị vẫn ở Huế, sống qua Mậu Thân và mọi thăng trầm của Huế hơn nửa thế kỷ.


Thứ Năm, 23 tháng 9, 2021

Bùi Bích Hà: Bà Nhất Linh Nguyễn Tường Tam

 (Bài nói chuyện nhân dịp ra mắt tuyển tập Nhất Linh, Người Nghệ Sĩ-Người Chiến Sĩ, tại nhật báo Người Việt, quận Cam, ngày 22/8/2004).


Trong trí tưởng tôi như một độc giả con nít những năm 40, thiếu nữ những năm 50 và trẻ tuổi những năm 60, Nhất Linh trong Tự Lực Văn Đoàn cùng những vị cầm bút thời của ông là những nhân vật gần như huyền thoại, chỉ hiện hữu bằng tài năng, thanh danh và tác phẩm, không bằng nhục thể có thể nhìn thấy hay tiếp cận, như những con người bình thường khác xung quanh tôi.


Chân dung bà Nguyễn Tường Tam, do Nguyễn Gia Trí vẽ

Giữa năm 1963, tuy đã tốt nghiệp đại học, đi dạy, đã bước vào một cuộc hôn nhân khó khăn và đang sinh sống tại một tỉnh lỵ trù phú gần cực nam miền nam Việt Nam, tin nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam tự vẫn để phản đối sự bất công chuyên chính của chính quyền đương thời tới với tôi là một nỗi buồn lặng lẽ. Dường như một phần của ông, cái hồn Tự Lực Văn Đoàn mà tôi gắn bó mật thiết thời còn đi học, trước đó, đã được tôi chôn cất kỹ trong hoàn cảnh làm vợ không có chỗ nào dành cho văn chương của tôi. Nay ông thực sự  ra đi, là một tên tuổi chính trị lẫy lừng, một tư cách chính trị hiếm hoi, khuôn mặt này của ông, dẫu thế, hoàn toàn xa lạ trong cảm thức của tôi. Có vẻ như thế hệ chúng tôi, nhút nhát, lãng mạn, nên yêu thích cái đẹp trừu tượng, thậm chí trừu tượng hóa mọi vẻ đẹp của đời sống để thấy chúng tinh khiết, linh thiêng, và như thế, chúng càng đẹp hơn, an toàn và bền bỉ hơn.


Phải đợi đến bây giờ, những năm đầu thế kỷ 21 và do tạp chí Thế Kỷ 21 đề xuất, chúng tôi mới có dịp nhìn lại thần tượng Nhất Linh của chúng tôi suốt hơn nửa thế kỷ vừa qua.


Thứ Bảy, 24 tháng 7, 2021

Bùi Bích Hà: MAI (tôi) VỀ HUẾ

Tôi xa Huế đã lâu. Lâu lắm. Lẽ ra đã quên nhiều thứ. Nhưng không. Cả BĐ. Tôi nghĩ chị cũng đã quên, hóa ra chị vẫn nhớ. Chị viết cho N. hôm qua, kể lại: “Đám cưới BH, bạn bè chỉ có một mình BĐ đến rồi BH bỏ Huế mà đi. Có người than thở: ‘Sao lấy chồng xa?’”

Người than thở ấy nay cũng đã bỏ Huế. Đã đi thật xa. Xa đến nỗi không thể nào quay về.

Bỗng dưng từ nơi mịt mùng, lặng lẽ, N. thình lình viết cho tôi: “Mình có một công việc mới. Mai về Huế. Sẽ ghé thăm BĐ.”

Một chỗ nào đó trong tôi, đã đau đớn, đã âm ỉ, đã tê dại, đã dường như chết. Đã để yên, đã chôn sâu ở một nơi thật khuất lấp những gì trôi xa tầm với. Những gì đã chia tay biết không còn lần gặp lại. Có câu hát của ai đó ghi khắc vào trí nhớ tôi,“và một loài hoa chợt hé…” Thỉnh thoảng, kỷ niệm những ngày vui xưa khẽ rung trong hồn như một hồi chuông thất lạc, một thoáng gió mơ hồ lay lắt chút dư hương. Nhưng không. Không chỉ có thế. Những củ tulip, những củ glailleul vẫn ngủ vùi trong thửa đất tưởng đã hết màu mỡ.

Sáng nay, vài chữ ngắn ngủi của N. “Mai tôi về Huế,” như đất chuồi ở một ven sông cát lở, cuốn tôi vào dòng cuồng lưu giữa mùa khô hạn. Tôi bưng mặt, nước mắt đầm đìa tuôn đổ từ hai hố mắt nhức nhối. Nỗi tuyệt vọng khốn cùng đau buốt vòm họng, lan xuống ngực, làm tôi nghẹn thở, mũi đặc cứng.

Mai tôi về Huế. Bốn chữ đơn giản ấy, từ bao giờ, đã trở thành điều mơ ước cấm kỵ nhất mà tôi muốn quên đi, muốn van xin đừng ai nhắc hay nói với tôi một lần nào nữa?

Chủ Nhật, 18 tháng 7, 2021

Lê Hữu: Đừng đến Seattle

Nhà văn Bùi Bích Hà & nhà thơ Trần Mộng Tú
(Seattle, 7/2012)
Tin chị Hà mất không làm tôi bất ngờ. Không bất ngờ, vì tôi đã chờ đợi cái tin xấu nhất ấy suốt mấy hôm nay. Chúng tôi cùng góp lời cầu nguyện và mong phép lạ nào đến với chị, tuy biết chị khó mà qua được.

Những ngày chờ đợi là những ngày thật dài và nặng nề. Chúng tôi không ai nói với ai lời nào. Sau cùng thì mọi chuyện cũng kết thúc khi chị Tú báo tin đến mọi người. Tôi nhớ mình đã ứa nước mắt, nhưng đầu óc tôi thì trống rỗng.

“Chị Hà vừa mất, sáng nay,” tôi nói thật chậm rãi, để N không phải hỏi lại hay nghĩ mình nghe lầm.

Đang lúi húi trong bếp, N khựng lại, gieo mình xuống chiếc ghế cạnh đấy. Hai vợ chồng cùng im lặng, nhìn nhau, rồi cùng nhìn ra vườn cây ngoài khung cửa sổ. Nắng và gió nhẹ, những tán lá lay động.

Nồi nước sôi sùng sục trào ra, tôi bước lại gần tắt bếp.

“Nếu chị ấy lên đây cuối tháng rồi thì chắc không đến nỗi…,” N nói như nói một mình.

Câu nói không mang ý nghĩa nào cả, rơi vào khoảng không. Có vẻ N chỉ buột miệng, để lấp khoảng trống hay vì thương chị Hà mà nói vậy.

“Cũng có khi là vậy,” tôi nói sau phút im lặng, “hay ít ra mình cũng được ngồi ăn chung với chị thêm lần nữa.”

Lẽ ra thì chị Hà đã có mặt ở Seattle cuối tháng rồi, cách đây hai tuần. Chị có cái hẹn lên chơi và N lại có dịp trổ tài nấu nướng để khoản đãi chị món bún bò từng được chị khen ngon và đề nghị “tái bản” trong cuộc “họp mặt hậu Covid” chuyến này. Ngon dở thế nào không biết, nhưng chị có cách khen khiến người được khen vui thích và cảm thấy chị khen rất thực lòng.

TT Diệu Tâm: Đôi lời với Chị

Thời gian sau này, chúng tôi hay nghe tin người này ra đi, người kia không còn nữa. Tin buồn đến đều đặn như giải thích cho biết đó là điều tự nhiên, tự nhiên như sự sống như hơi thở đời người.

Nhưng khi nghe tin chị Bùi Bích Hà, thật không phải là điều tự nhiên chút nào, vì bất ngờ quá. Bất ngờ vì trái với suy nghĩ của mình. Dự tính hết nạn dịch, bay qua Cali sẽ tổ chức một buổi họp mặt thân hữu và ký tặng sách, cuốn truyện mới nhờ anh Trịnh Y Thư ấn hành. Cũng đã lâu không gặp chị, một mẫu phụ nữ đặc biệt nhân ái, tài hoa văn chương, luôn được yêu quý trong tâm tưởng của nhũng ai quen biết chị, trong ký ức của tôi, của nhà tôi.

Nụ cười của chị, giọng nói của chị êm đềm và ấm áp biết bao. Một giọng Bắc pha Huế, cái âm vọng ấy không lẫn với ai được, vì được phát ra từ một tâm hồn, một tấm lòng dệt bằng gấm vóc và nhung lụa. Chị sinh hoạt qua nhiều lãnh vực văn học, báo chí truyền thông, lãnh vực nào chị cũng đạt được tín nhiệm. Tưởng chừng như chị làm viêc không biết mệt mỏi đau ốm là gì, người đàn bà với dáng dấp mong manh và nhẹ nhàng kia ơi, sao lại có thể mang được một nghị lực ngàn cân ? Đôi vai chị gầy ốm mà sao chị lại có thể gánh vác vô số công việc, và cả vô số sầu buồn của người khác..

Trong buổi mạn đàm với Thầy Hằng Trường, chị trả lời Thầy một cách minh bạch sáng suốt về vấn đề tâm linh phức tạp mù mờ, lối giải thích của chị như hình một đóa sen được bung ra từng cánh, để lộ ra cái nhụy sen vàng như là nguyên lý của sự việc. Chị vững chải, tự tin và tự tại.

Cuộc sống đâu chỉ có niềm vui mà không nổi buồn. Chị Bùi Bích Hà ơi, người ta buồn, người ta khổ, có chị an ủi, nhưng khi chị buồn chị khổ, ai là người ủi an chị ? Người ta ngã, chị cúi xuống vực dậy, nay chị ngã xuống đó, không một ai cúi đỡ nâng chị lên, chị nằm một mình cho đến lúc, cho đến giây phút xuôi tay nhắm mắt không còn hơi thở nào.

Người ta có thể chọn cho mình một con đường để đi để sống, nhưng ít ai có thể chọn cho mình một cách để mà chết. Trong tâm thức không biểu lộ của một người thông minh, nhạy bén cảm xúc, chị đã chọn một cách chết ít đau đớn nhất. Chết mà không biết mình chết, thật không có chi hạnh phúc hơn. Chị sống toàn vẹn, và chị chết vẹn toàn êm ái.

Chúng tôi thương tiếc chị.

Paris, ngày hè không nắng / Phạm Kế VIêm & TT Diệu Tâm


Thứ Bảy, 17 tháng 7, 2021

Trần Mộng Tú: Đi Đâu….Về Đâu…..

(Gửi theo Bùi Bích Hà)

Đến một tuổi nào đó, bạn nhận thức được rõ ràng hơn về nỗi chết. Bạn biết, nếu không bị bệnh hiểm nghèo lúc trẻ thì tuổi sống của bạn cũng không bao giờ là vĩnh viễn được.

Bạn đã đến, đã nhập cuộc, đã hoàn tất cuộc chơi, dù hoàn hảo hay vụng về, bạn cũng phải buông tay, rũ áo… ĐI

Bạn và người thân yêu của bạn sẽ phải rời nhau ra, sẽ phải tách ra… Đi về hai phía.

Đi đâu? Nào ai biết mình hay người thân của mình sẽ đi về đâu?

Bùi Bích Hà, người bạn thân của tôi, hơn tôi 6 tuổi. Chị thông minh, trí tuệ, là người hoạt bát, năng nổ, giọng nói ngọt ngào, hiểu biết và tháo vát. Lịch trình sinh hoạt của chị bao giờ cũng đầy ắp. Chị nói như chim hót trong vườn không hề lạc giọng, chị là một trong những tiếng nói được nhiều người mến chuộng của cộng đồng Nam Cali. Chị làm việc như một con ong thợ, không biết đến mệt mỏi. Chị cứ tiếp nối năm này qua năm khác, không hề nghĩ đến chuyện từ giã cái sân khấu cuộc đời. Chị quên đếm sinh nhật đời mình.

Tình bạn của chúng tôi suốt hơn ba mươi năm, cười khóc với nhau. Dù chúng tôi không sống chung một thành phố, nhưng chúng tôi đã cùng viết văn, làm báo với nhau một thời gian khá lâu (Nguyệt San Phụ Nữ Gia Đình- Người Việt). Khi hết làm báo chung, chúng tôi vẫn mỗi năm gặp nhau một tuần, thường là tôi xuống Cali với chị, đôi ba năm chị lên Seattle với tôi.

Ngọc Dung: Thương Nhớ Gửi Chị

C:\Users\Pham Phu Minh\Desktop\minh họa thơ.jpg

Chị ơi ở lại với hoa vàng
Bên giậu phù dung nở chứa chan
Đài sớm điểm tin môi ngát tiếng
Đèn khuya kể chuyện giọng thơm lan
Tâm tình to nhỏ tơ lòng gỡ
Chữ nghĩa buồn vui bút mực tràn
Sao vội buông tay từ biệt mộng
Thôi rồi vĩnh cách vạn trùng san.

n.d.

Ngự Thuyết: Giã Từ Bùi Bích Hà

Được tin cô Bùi Bích Hà đã vĩnh viễn ra đi, tôi vô cùng sửng sốt và đau đớn. Cô là một nhà văn nữ có tiếng, đã xuất bản nhiều tác phẩm giá trị. Gần đây, tháng 10 năm 2018, Đèn Khuya của Bùi Bích Hà do Người Việt Books xuất bản gồm hai tập, mỗi tập gần 500 trang. Có lẽ đã có nhiều bài viết về sự nghiệp văn chương của Hà, cho nên phần tôi, tôi chỉ xin được phép nhắc nhở một số kỷ niệm giữa Hà và chúng tôi.

Trước hết về vấn đề xưng hô. Tôi không quen gọi Hà là “chị”. Gọi như thế, tôi cảm thấy nó khách sáo, lạnh lùng, trong khi chúng tôi đã quen biết nhau từ lâu lắm. Tôi vẫn gọi “cô Hà”, hoặc “Hà” và xưng là “tui”, trong khi Hà gọi tôi là “anh” và tự xưng là “Hà” hoặc “tôi”. Xưng hô trong tiếng Việt rất phiền phức và tế nhị.

Hồi còn ở Huế, Hà học khác trường và sau tôi mấy lớp. Nhà của tôi lại gần ngôi biệt thự của đại gia đình cô Hà. Do đó tôi và vài thằng bạn, cái thứ con trai tấp tểnh mới lớn, ở gần đấy, làm sao mà không dần dần khám phá ra rằng vùng mình có một “cô Bắc Kỳ xinh xinh, nho nhỏ”. Thật ra Hà gốc Bắc, nói tiếng Bắc giọng Hà Nội nghe thật nhẹ nhàng, trôi chảy, êm ái, nhưng sinh tại Huế. Chẳng biết mấy thằng kia có để ý nhiều đến người đẹp hay không, nhưng tôi không thể quên cái dáng xinh xinh đó đi học về một mình dẫn chiếc xe đạp từ con đường nhỏ đi sâu mất hút vào trong một khu vườn thâm u, kín cổng cao tường.

Nhà của Hà nhìn ra một cánh đồng khá rộng. Những ruộng lúa xanh rì. Đến mùa lúa chín, là cả một cánh đồng vàng. Nhưng khi mùa đông mưa dầm, gió bấc, rét mướt về, cảnh vật thật thê lương. Cánh đồng ngập nước mênh mông trắng xoá, người Huế gọi nước lụt ấy là nước bạc, lội xuống lạnh thấu xương. Tôi nhớ trong một truyện ngắn của Hà có hình ảnh cánh đồng mùa lụt ở Huế. Thêm vào đấy, ngày đêm vang đi rất xa tiếng ểnh ương đều đều, và buồn “thúi ruột”. Từ cổng nhà Hà nhìn xéo sẽ gặp một ngôi chùa nhỏ, không biết mang tên gì, thường được gọi là chùa Áo Vàng, vì các vị sư mặc áo vàng.

Nguyễn Tường Thiết: Đèn khuya vụt tắt

Tin chị Trần Mộng Tú báo cho chúng tôi biết chị Bùi Bích Hà bị bất tỉnh thình lình tại nhà và được đưa vào bệnh viện trong tình trạng hết sức nguy kịch đến với tôi ngay giữa lúc tôi đang đọc tác phẩm Đèn Khuya của tác giả Bùi Bích Hà.

Lúc ấy tôi đang ở nhà anh Việt, ông anh cả tôi, tại tiểu bang Virginia. Đầu tháng Bẩy chúng tôi rời Seattle bay qua miền Đông và ở đó hai tuần lễ, nhân dịp giỗ thứ 58 của thân phụ chúng tôi, nhà văn Nhất Linh. Trên giá tủ sách nhà anh Việt có hai quyển sách dầy, bìa màu đen, chính giữa khung đen nổi lên một khoảng sáng nhỏ của một ngọn nến với hai chữ Đèn Khuya cắt ngang. Tôi biết chị Hà đã cho xuất bản tác phẩm sau cùng này của chị vào năm 2018 nhưng tôi chưa có dịp đọc. Bây giờ là thời gian nhàn nhã lý tưởng để nghiền ngẫm tác phẩm này, nhưng khi tôi đang đọc gần hết tập I thì tin chị phải vào bệnh viện làm tôi không có tâm đâu để đọc tiếp. Chúng tôi email cho nhau và cùng cầu nguyện cho chị thoát cơn hiểm nghèo. Nhưng buổi sáng ngày 14 tháng Bẩy, trong lúc ngồi chờ máy bay ở phi trường Charlottesville để trở về Seattle, tôi giở email và được tin chị Tú cho biết chị Hà vừa qua đời. Ngọn đèn khuya vụt tắt. Chị chọn ra đi đúng vào ngày “Quatorze Juillet” là ngày lễ lớn của Pháp có lẽ vì chị Hà hồi nhỏ học trường Tây, chị thấm nhuần văn hoá Pháp, những ngọn pháo bông sáng rực bầu trời Paris rồi lịm đi trong bóng đêm như chào đón và tiễn đưa chị qua bờ một thế giới khác.

Đối với riêng cá nhân tôi cũng như đối với đại gia đình chúng tôi chị Bùi Bích Hà không những được xem như một người thân lâu năm, mà còn được xem như “người nhà”. Tôi không rõ bắt đầu từ khi nào chị đi vào gia đình Nguyễn Tường chúng tôi như một người thân quen, có lẽ bằng con đường văn của chị. Trong bài “Tưởng nhớ Nhất Linh Nguyễn Tường Tam”, tác giả Bùi Bích Hà viết: “Năm tôi mười bẩy tuổi, do nhà văn Duy Lam Nguyễn Kim Tuấn (lúc bấy giờ đang đóng quân ở Huế) khuyến khích, tôi có gửi vài truyện ngắn ký bút hiệu Chi Hương, được Nhất Linh cho đăng ở Văn Hoá Ngày Nay, bộ mới, với lời khen ngợi qua một thư ngắn viết tay cho tôi mà tự dạng về sau tôi có dịp so sánh, rất giống với nét chữ của những nhà văn khác thế hệ thứ hai của dòng họ Nguyễn Tường, mỏng, nhỏ, ngoằn ngoèo, gẫy vỡ, chông chênh nhiều khoảng trống xung quanh”.

Chi Hương: Hương Hồng

(Hương Hồng là một trong những truyện ngắn đầu tay của tác giả Bùi Bích Hà, đăng trên Giai phẩm Văn Hoá Ngày Nay, tập 7, do Nhất Linh chủ trương năm 1958, dưới bút hiệu Chi Hương)

Huyên ngồi xuống bực cửa, chống hai tay lên cầm và lặng yên nhìn ra khu vườn nhỏ. Buổi chiều đến chầm chậm. Có cái gì bứt rứt từng chút trong không khí và ánh sáng xung quanh nàng. Trong một lúc, Huyên chợt cảm thấy hốt hoảng vì cái bứt rứt ấy hình như mỗi lúc một lan rộng ra và làm Huyên nghẹn thở.

Huyên kêu thét lên tuy nàng vẫn ngồi im trong dáng điệu đó:

-Anh Thảo! Anh Thảo!

Tiếng Huyên khô và vang dội vào tường đá. Thảo từ trong nhà chạy đến chỗ Huyên, kinh ngạc:

-Huyên vẫn ngồi thế có sao đâu!

Giọng Thảo tự nhiên có vẻ vỗ về. Huyên nghe giọng nói đó, nghĩ chắc Thảo sắp để tay lên vai nàng mà lay như mọi bận, khi Huyên sắp sửa khóc. Nhưng Thảo không làm thế và chàng ngồi xuống bậc thềm thứ hai, bên cạnh hai chân ruỗi thẳng của Huyên. Cả hai im lặng một chốc rồi Thảo nói:

-Huyên ạ, buổi chiều như có gì xôn xao...

Huyên nhìn Thảo, ngạc nhiên vì Thảo cũng có cái cảm giác của nàng. Khi Thảo thấy Huyên nhìn mình, chàng nhận ra hai mắt nàng bây giờ trở nên sâu và đựng một vùng bóng tối dưới vầng trán trắng. Thảo không nghĩ gì thêm vì màu da trắng của Huyên bỗng làm Thảo nhớ tới tà áo Ngân mặc ban sáng. Nghĩ đến Ngân, Thảo nói với Huyên:

-Ban sáng cô Ngân lại thăm anh.

Huyên cười nhẹ như chợt xúc động:

-Cô ấy khóc phải không anh?

-Em muốn nói mấy tấm ảnh cô Ái anh mới bầy trên bàn đêm à?

Trần Mộng Tú: Hôm Nay Mùa Hè Này

Gửi theo Bùi Bích Hà

Bùi Bích Hà (ảnh Trần Viết Ngạc)
Hôm nay
Mùa Hè này
Trong ngôi nhà này
Tôi đi qua
Tôi đi lại
Chạm tay vào kệ sách
Chạm tay vào chiếc bàn trong góc bếp
Chạm tay vào tách trà
Cái bát ăn cơm
Ly cà phê buổi sáng
Tôi nhìn thấy những khung ảnh trên tường
Cái máy điện toán
Chiếc bàn phấn son
Tủ quần áo
Những đôi giầy…

Từng cái
Từng cái một
Tất cả rồi sẽ được mang cho
Quần áo người khác mặc
Giầy người khác sẽ đi
Cây son se mình lại
Hộp phấn bay mùi hương
Chữ nghĩa trên trang sách
Lệ nào thấm từng chương

Ngôi nhà rồi sẽ rỗng
Trống như một nỗi không

Sẽ là lần cuối
Ngày này
Lần này
Mùa hè này
Tất cả sẽ khép lại

Tôi gạt nước mắt bỏ đi
Nắng Cali cháy se từng ngọn cỏ.

tmt
Ngày 14 tháng 7 năm 2021

Kim Hằng: Chị nhớ gọi em khi cất cánh nhé

Kim Hằng và Bùi Bích Hà

Tôi xin mượn lời chị Bùi Bích Hà nhắc về Bé Ký "Chắc giờ này chị đã an nghỉ ở cõi ngàn năm. Mới đâu đây mà đã một đời người như lá vàng rơi, như cơn gió thoảng."

Buổi trưa thứ Năm ngày 8 tháng 7, mọi người còn nhận điện thư chị Hà trả lời trong nhóm bạn nhắc nhở anh tôi hay đùa "Coi chừng cả lời nói đùa đấy ông em ơi kẻo lại bị hô hoán ầm lên là kỳ thị/phân biệt đối xử giai cấp và tuổi tác thì nước sông Hằng cũng không rửa được oan tình đâu!" buổi tối được điện thư chị Tú báo tin "Chị Hà chiều nay ngất đi ở nhà (một mình) Gần 3 tiếng sau mới có người về kịp đưa đi Emergency. Hiện tại ở Bệnh Viện St. Joshep, chưa hồi tỉnh. Đang trong phòng cấp cứu. Con gái chị Hà sẽ báo cho biết kết quả sau. Nhận được tin gì thêm, Tú sẽ thông báo cả nhà. Xin mọi người cầu nguyện cho chị".

Nghe tin chị Tú báo mà tôi bàng hoàng, thoáng nghĩ "mới sáng nay mà tối nay đã... thay đổi nhanh quá."

Ký ức lần đầu tiên được gặp chị Hà và chị Tú ở nhà Bác Võ Phiến cùng với anh Minh vào tháng 9 năm 2012 của "sáng thứ Hai hôm ấy" lại quay về. Được nghe về chị Hà và chị Tú trước đó, nhưng đây là lần đầu tiên được gặp mặt hai chị và nhà văn Võ Phiến nên tôi rất vui và hân hạnh. Ngồi nghe "người lớn" nói chuyện chữ nghĩa văn chương và ăn món Huế thì không gì thích bằng, rất đã cho cái bụng và hả hê cho cái dạ nên tôi nhớ mãi buổi hội ngộ này.

bùi vĩnh phúc: Bùi Bích Hà, Một Mình Trong Nỗi Nhớ

\
Bùi Bích Hà chỉ mới tự giới thiệu mình với độc giả hải ngoại bằng tập truyện ngắn Buổi Sáng Một Mình, do nhà Người Việt in năm 1989, cùng với một vài bài tùy bút về quê hương đăng rải rác trên một số báo chí và tập san văn nghệ trong mấy năm qua. Thế nhưng, chỉ với tập truyện ngắn và một vài bài tùy bút ấy, bà đã để lại những ấn tượng rõ nét trong lòng người đọc về một văn phong trầm lặng nhưng lại ẩn chứa đầy những sôi sục bên dưới, và một trái tim thiết tha nhưng luôn quằn quại với những câu hỏi của đời sống.

Thật ra, Bùi Bích Hà còn có một tác phẩm khác, cũng do nhà Người Việt in (năm 1991), là tập Bạn Gái Nhỏ To. Tập sách chọn lọc một số những câu hỏi của độc giả về những vấn đề của cuộc sống lứa đôi, đăng hằng tuần trên trang Phụ Nữ của nhật báo Người Việt mà bà phụ trách. Tác giả ký tên là Thái Hà trong mục này. Những ý kiến và những lý giải của Bùi Bích Hà trên trang báo này cho thấy bà có một sự đồng cảm sâu đậm với những người đến với bà. Bà gần gũi với những vấn đề con người và bà có một năng khiếu đặc biệt, bắt nguồn từ chính sự thông minh nơi con người bà, để trợ giúp người khác trong những khó khăn về mặt tình cảm. Cái nhìn của bà phóng khoáng nhưng không thiếu sự nghiêm túc. Tự do cho con người và trách nhiệm của nó để xứng đáng có được sự tự do đó là những gì tôi nhận thấy, một cách tổng quát, trong những đóng góp thiết tha và giàu lòng nhân ái của Bùi Bích Hà qua tập sách vừa nói.

Dù sao, trong bài viết này, tôi sẽ tập trung sự phân tích của mình vào tập truyện ngắn Buổi Sáng Một Mình.

Đó là một tập sách gồm có mười lăm bài văn pha trộn những thể loại khác nhau: truyện ngắn, tùy bút, thư. Thật ra, có thể nói đây là một tập truyện ngắn được mở đầu bằng một lá thư cho một người bạn, một người mà tác giả quý mến, và chấm dứt với một tùy bút viết về Huế, quê hương một đời của bà.

Nguyễn Tiến Dũng: Nhớ cô giáo xưa

Báo mạng Diễn Đàn Thế Kỷ vừa mới Email cho biết cô Thái Hà (giáo sư Bùi Bích Hà) bị đột quị và đã qua đời vào ngày 14 tháng 7 vừa rồi, tôi cũng như các bạn ở trường Nguyễn Trãi đều bàng hoàng, sửng sốt.

Năm 1969 tôi học Pháp văn với cô lớp Đệ nhị chuẩn bị thi tú tài, khi ấy cô mới đổi về Sài Gòn được mấy năm. Người cô nhỏ nhắn hai gò má cao trông rất giống xướng ngôn viên Barbara Walters đài truyền hình Mỹ lúc bấy giờ. Cô nói tiếng Pháp lưu loát giảng bài lúc nào cũng analyse : đâu là sujet d'un verbe, đâu là complément… Verbe phải biết đủ tous les temps: présent, future, passé composé… Sau bao năm ở Mỹ, bây giờ nhắc lại vài tiếng Pháp còn nhớ được trong bài giảng của cô năm xưa, lòng không khỏi bồi hồi xúc động.

Giọng của cô nhẹ nhàng, phảng phất một chút đài các từ Văn Miếu, hồ Gươm, nhắc nhở đến trường Nguyễn Trãi đất Hà thành ngày nao. Học trò phải ráng lắm mới theo kịp bài giảng, cô biết thế nên thường hay khuyên : “Học Pháp văn, hay học toán, hay bất cứ môn học nào, luôn luôn phải cố gắng. Mai này ra đời làm nghề gì cũng vậy, phải cố hết sức mình, sau đó que sera sera.” Nhân từ, độ lượng, và cảm khái thay lời nói ấy lại do cô Hà nói ra, mà lẽ ra phải xuất phát từ một bậc tu hành. Cô cũng không nhắc nhở chúng tôi cố gắng trở thành quan nghè, ông thám, bác sĩ, kỹ sư… chỉ cần trở thành một người bình thường nhưng biết tận tâm, chịu khó làm hết khả năng của mình. Nghe lời lẽ ấy của cô, tôi chợt tỉnh ngộ, cố gắng chấn chỉnh học hành kỹ lưỡng hơn. Tôi canh cánh mãi trong lòng câu nói ấy suốt nửa thế kỷ nay, lúc nào cũng tự hứa làm theo lời cô dậy.

Đường đời sao lắm chông gai, gặp cảnh đổi dời, ông nghè, ông cống cũng nằm co, dân Việt đổ túa ra biển Đông đi tìm đất sống. Cô đến Mỹ với cả gia đình, một mình nuôi dậy các con nên người; các chị con của cô đều học hành thành đạt, sau này đều có địa vị trong xã hội. Tôi gặp lại cô trong hội Nguyễn Trãi khi học trò họp lại chúc tết thầy cô hàng năm. Lúc này cô hoạt động trong lãnh vực truyền thông, hình ảnh và tiếng nói của cô quen thuộc trên báo chí, đài phát thanh, truyền hình. Một số nhân vật của báo Người Việt đối với tôi có tình sư đệ thắm thiết : thầy Trần Đại Lộc, cô Bùi Bích Hà, cô Lã Phương Loan đều là những ân sư của tôi ở trường Nguyễn Trãi, Sài Gòn.

Năm 2019, tiệm phở 79 Garden Grove nơi tôi làm việc, được giải thưởng James Beard America's Classics Award về nấu ăn. Cô Hà rất vui mừng, viết trên báo, tuyên bố trên radio cô rất hài lòng khi thấy một trong những người Việt được giải thưởng Oscar về ẩm thực lại là một nam sinh học trò cũ của mình. Thưa cô, em đã làm đúng lời cô dậy từ năm mươi năm trước, chỉ không ngờ phần “que sera sera” lại là một giải thưởng làm cho cô hãnh diện ít nhiều. Nguyện xin ơn trên phù hộ tiếp dẫn cô.

Vĩnh biệt cô, Nguyễn Tiến Dũng học trò năm xưa của cô.