Hiển thị các bài đăng có nhãn Báo chí Việt Nam. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Báo chí Việt Nam. Hiển thị tất cả bài đăng
Thứ Năm, 10 tháng 7, 2014
Cánh Cò, viết từ Việt Nam - Một nền báo chí ngớ ngẩn
Bản tin của mọi tờ báo hôm nay đều loan như nhau về một tai nạn trực thăng khiến cho 19 người trên phi cơ tử vong và hai người trong tình trạng nguy kịch.
“Vào lúc 7h53 ngày 7 tháng 7, máy bay Mi 171 số hiệu 01 của Trung Ðoàn Không Quân 916, Sư Ðoàn Không Quân 371 đã bị cháy động cơ, rơi tại thôn 11 (Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội). Lúc máy bay gặp nạn có 21 người trên máy bay. Sau khi bị rơi, máy bay đã cháy dữ dội, được lực lượng cứu hỏa dập tắt lúc 8h20 cùng ngày.”
Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013
Lê Diễn Đức - Nhục nhã thay nền báo chí cách mạng
Lê Diễn Đức
Nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6.
Trong cuốn "A History of Reading", Alberto Manguel, nhà văn Argentina, viết:
"Các chế độ độc tài không muốn chúng ta suy nghĩ, nên ngăn cấm, đe dọa và kiểm duyệt. Trước và sau đều nhằm mục đích làm chúng ta ngu ngốc và cam phận với sự xuống cấp về sự hiểu biết của mình. Vì vậy các chế độ này khuyến khích tiêu thụ những thứ rác rưởi. Trong bối cảnh này, đọc sách báo ngoài luồng kiểm duyệt trở thành hoạt động phá hoại".
Kiểm soát, cắt xén, ngụy tạo thông tin phục vụ mục đích tuyên truyền lừa mị là mục đích của các nhà nước độc tài toàn trị hay các chế độ chuyên quyền.
Tháng 6/năm 1989, chính phủ không cộng sản đầu tiên tại Ba Lan được thành lập. Việc đầu tiên mà chính phủ thực hiện là ngưng toàn bộ hoạt động của cơ quan kiểm duyệt trung ương, vào lúc bây giờ có tới 465 nhân viên, mỗi năm tiêu thụ hàng tỷ đô la và giải thể hoàn toàn cơ quan này vào năm 1990.
Nhà nước Ba Lan chỉ còn nắm giữ hai kênh truyền hình TVP1 và TVP2, bên cạnh khoảng 200 kênh truyền hình tư nhân khác như Polsat, TVN, TV Puls, Canal +, v.v... Tuy nhiên không có bất kỳ tờ báo nào trong hàng trăm nhật báo và tạp chí thuộc hệ thống nhà nước.
Nên dân chủ non trẻ cần báo chí, truyền thông tự do để xây dựng và lành mạnh hoá xã hội. Tất cả sinh hoạt của cộng đồng xã hội, của nhà nước Ba Lan đều được phản ánh rộng rãi trên báo chí.
Trong hơn hai mươi năm dân chủ, báo chí tự do tại Ba Lan thực sự là sân chơi, diễn đàn bình đẳng cho sự cạnh tranh, tranh chấp chính trị giữa các đảng phái, nhưng đồng thời cũng là vũ khí hiệu quả nhất vạch trần tham nhũng, tội phạm. Trong đối ngoại, báo chí đã góp phần tích cực trong việc bảo vệ chủ quyền.
Một nền dân chủ đích thực không phải chỉ có quốc hội đa đảng, bầu cử tự do mà là phải đảm bảo có báo chí, truyền thông tự do. Đấy là tiêu chuẩn then chốt, là chân lý.
Bao giờ cho đến... ngày xưa?
Trong thời kỳ Việt Nam bị thực dân Pháp đô hộ, báo chí tư nhân vẫn được phát hành.
Ngày 15/4/1865 nguyệt san Gia Định xuất bản tại Sài Gòn là tờ báo quốc ngữ đầu tiên trên toàn quốc.
Tại Nam Kỳ lần lượt phát hành Nhật trình Nam Kỳ (1883), Phan Yên báo (1898), Nông Cổ Mín Đàm (1901), Nhật Báo Tỉnh (1905), Lục Tỉnh Tân văn (1907), Nam Kỳ Địa phận (1908), Tân Đợi Thời báo (1916, sau đổi thành Công Luận báo), Nam Trung Nhật báo (1917), An Hà Báo (1917, ở Cần Thơ), Đại Việt Tạp khí (1918, ở Long Xuyên), Nữ Giới Chung (1918)…
Một phụ bản của tờ "Lục tỉnh Tân văn" ở Sài Gòn xuất hiện ở Bắc Kỳ là tuần báo "Đông Dương Tạp chí", ra mắt ngày 15/5/1913, do F. H. Schneider làm giám đốc và Nguyễn Văn Vĩnh giữ chức chủ bút. "Đông Dương Tạp chí" tồn tại được 6 năm 4 tháng (1913 - 1919).
Đông Dương Tạp chí có mục đích chính trị là tuyên truyền cho chính sách bảo hộ của người Pháp, nhưng với những người Việt Nam cộng tác, thì họ dùng tờ báo để tuyên truyền cho việc duy tân đất nước và xây dựng một nền văn học mới.
Tháng 7/1917 tờ Nam Phong Tạp chí do Phạm Quỳnh chủ trương ra đời. Trong bài "Quốc học và chính trị", năm 1921, ông viết:
“Gầy dựng, tổ chức một nền tản văn thích hợp với đời nay, và có cốt cách An Nam, vừa có thể cách tân thời đủ dùng để diễn được các tư tưởng mới, đó là cái cấp vụ hiện nay, mà là cái đường thứ nhất trong việc gầy dựng một nền quốc học sau này vậy… Nhà văn muốn thờ nước không có cái phương tiện nào hay bằng giúp cho nước nhà có một nền quốc văn xứng đáng. Đó là chủ nghĩa của tôi bấy lâu nay, mà là cái tín điều thứ nhất trong đạo quốc gia của tôi vậy”.
Nam Phong Tạp chí có sự tham gia của một số cây bút nổi tiếng như Tiêu Đẩu (Nguyễn Bá Trác), Đông Hồ (Lâm Tấn Phác), Tản Đà (Nguyễn Khắc Hiếu), Mân Châu (Nguyễn Mạnh Bổng), Tung Vân (Nguyễn Đôn Phục), Đông Châu (Nguyễn Hữu Tiến), Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn, Tương Phố, Dương Quảng Hàm…
Dù bị hạn chế, nhưng báo chí tư nhân trong giai đoạn Pháp thuộc đã nói lên được tiếng nói của người bị trị, góp phần không nhỏ trong việc chấn hưng dân trí.
Ô nhục thay nền báo chí cách mạng
Báo chí cách mạng là công cụ của đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), phục vụ cho mục đích cầm quyền của ĐCSVN và chịu sự kiểm duyệt, quản lý chặt chẽ của ĐCSVN.
Một bộ máy tuyên truyền cồng kềnh, chi phí tốn kém khủng khiếp cho một hệ thống hơn 700 tờ báo, 67 đài phát thanh truyền hình, hàng trăm trang tin, báo điện tử, hàng ngàn trang tin của các bộ, ngành, với 17 ngàn nhà báo mang thẻ, cộng thêm đội ngũ dư luận viên, chuyên gia bút chiến đông đảo và 80 ngàn tuyên truyền viên miệng trên khắp các tỉnh thành.
Thế nhưng, từ khi có internet, bộ máy tuyên truyền này bị vỡ toang và phải đối đầu không khoan nhượng với báo chí lề dân, thông qua các blogs và mạng xã hội.
Bằng con số "có hơn 31,3 triệu người sử dụng internet, chiếm 35,58% dân số (tính đến 11/2012) và "tổng số thuê bao băng rộng hiện nay đạt gần năm triệu, tổng số thuê bao 3G đạt hơn 3,3 triệu, 100% viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và trung học phổ thông ở Việt Nam có kết nối để truy nhập internet băng rộng...", Bộ Thông tin - Truyền thông cho rằng "tự do internet của Việt Nam là sự thật không thể bác bỏ. Hay nói cách khác, Việt Nam là quốc gia hết sức thân thiện với internet".
Đây là một tuyên bố láo khoét!
Trước hết, số lượng người sử dụng hoàn toàn độc lập với sự tự do Internet. Sự phát triển Internet đã không tỷ lệ thuận với sự tự do sử dụng. Số lượng người sử dụng tăng nhanh, nhưng nhà nước VN cũng đồng thời tìm cách đánh phá các trang web có các bài viết không đúng với đường lối chính sách của ĐCSVN.
Nếu không phải là hung thần của Internet thì làm sao có chuyện tướng công an Vũ Hải Triều khoe khoang đánh sập 300 trang mạng xấu trong một cuộc hội nghị báo chí năm 2010? Cho tin tặc đột nhập phá hoại đã trở thành chính sách xuyên suốt. Các trang báo lề dân liên tục bị tấn công. Mạng xã hội Facebook bị chặn hết sức quyết liệt, người sử dụng vẫn phải sử dụng công nghệ vượt tường lửa để truy cập.
Nhà cầm quyền đã càn quét, khủng bố các cây bút tự do. Trong một thời gian ngắn gần đây, gần 40 bloggers bị bắt giữ, tù đày, trong đó nhiều người nhận mức án tù rất nặng nề, phi lý như Điếu Cày 12 năm tù, 5 năm quản chế; Tạ Phong Tần 10 năm tù, 3 năm quản chế; Hồ Đức Hoà 13 năm tù...
Việc bắt giam các bloggers Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào và Đinh Nhật Uy chứng tỏ phản ứng lúng túng, điên rồ của nhà chức trách.
Trong bài "Trận địa thông tin" trên tờ Lao Động Online ngày 10/01/2013, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn đã thừa nhận:
"Tại sao chúng ta có một hệ thống hơn 700 tờ báo, 67 đài phát thanh truyền hình, hàng trăm trang tin, báo điện tử, hàng ngàn trang tin của các bộ, ngành. Có tới 17.000 nhà báo, trong đó có nhiều cây bút có đủ khả năng làm lay động bạn đọc mà thông tin lưu truyền trong xã hội lại là thông tin từ blog cá nhân”.
“Lên tiếng một cách đồng loạt, im lặng một cách đồng loạt”, báo chí đang đánh mất niềm tin của bạn đọc. Và, với việc né tránh những thông tin nhạy cảm, với việc không được cung cấp thông tin đầy đủ kịp thời, báo chí đánh mất nốt thói quen tìm kiếm thông tin của bạn đọc, khi giờ đây, họ “lên mạng”, thay vì tìm đọc báo. Đây là những sự thật đau lòng".
Khi xã hội bị khủng hoảng lòng tin, cái Ác lên ngôi thay thế cái Thiện, sự dối trá và vô cảm thành vấn nạn thường trực, chủ quyền an ninh quốc gia bị đe doạ nghiêm trọng, ngư dân bị xua đuổi, ức hiếp trên biển Đông, mà báo chí lề đảng cũng chỉ nói đến tàu "lạ", hoặc "đồng loạt im lặng" trong những ngày kỷ niệm lịch sử chống Trung Quốc xâm lược, thì bộ máy tuyên truyền có lớn bao nhiêu đi nữa khó mà đảo ngược thực tế. Người ta đi tìm sự thật ở lề dân.
Lời tự thú của Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn là sự ô nhục của một nền báo chí cách mạng!
© 2013 Lê Diễn Đức - RFA Blog
Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2012
Quỳnh Chi - Blogger và nhà báo tự do lên tiếng về Hoàng Khương
Quỳnh Chi, phóng viên RFA
Mười ngày sau khi bản án 4 năm tù giam được tuyên cho nhà báo Hoàng Khương với cáo buộc tội đưa hối lộ; các blogger và nhà báo tự do Việt Nam lên tiếng về bản án này.
Bạn bè, đồng nghiệp của Hoàng Khương - Photo courtesy of tuoitre
Bản án gây phẫn nộ
Phiên tòa của nhà báo Tuổi Trẻ Hoàng Khương hôm 7 tháng 9 kết thúc với những giọt nước mắt của gia đình bị can cùng với sự bức xúc, hụt hẫng của những người cầm bút. Những cảm xúc này cho đến bây giờ vẫn còn chưa lắng xuống và có nguy cơ trỗi lên khi một số nhà báo tự do, giới blogger, những người sử dụng Facebook… đồng loạt ký tên lên tiếng về bản án 4 năm này. Blogger Mẹ Nấm, một trong những người soạn thảo bản lên tiếng cho biết lý do vì sao những người cầm bút tại Việt Nam lại cho ra đời bản lên tiếng này:
Với một nhà báo phải gánh bản án bất công như thế mà gây ra phản ứng cho toàn xã hội mà giới blogger không lên tiếng thì hơi tiếc. Cho nên một số những người cầm bút nghĩ họ nên có bản lên tiếng để mọi người biết là vẫn còn nhiều người khác sẽ lên tiếng vì lẽ phải.
Bản lên tiếng gọi hành động tác nghiệp của nhà báo Hoàng Khương là “can đảm, xứng đáng với đạo đức, danh dự và lương tâm của một nhà báo chân chính”. Bản lên tiếng khẳng định ông Hoàng Khương là nhà báo “đặt lợi ích chung của xã hội lên trên hết” và là một công dân có trách nhiệm góp phần phát triển đất nước.
Hoàng Khương bị bắt vào năm đầu năm nay với cáo buộc đưa hối lộ vì đã cầm tiền của người khác đưa hối lộ cho một cảnh sát giao thông trong lúc đang tham gia thực tế để viết bài. Nhiều người cho rằng đây chỉ là một tai nạn nghề nghiệp và so với công trạng viết nhiều bài báo về tham nhũng, thì Hoàng Khương không đáng bị bản án trên. Tuy nhiên, tòa án đã cho đây là hành vi đưa hối lộ và Hoàng Khương phải nhận hậu quả của nó.
Nguyễn Lân Thắng, một người thường sử dụng mạng xã hội Facebook để nói lên những vấn nạn đất nước cũng ký tên vào bản lên tiếng và cho biết:
Mặc dù không phải là nhà báo nhưng các hoạt động của tôi cũng giống như nhà báo. Tôi thấy đây là một sự bất công. Hoàng Khương là một người đấu tranh cho sự thật, nói lên những “vấn đề” của ngành công an. Anh không đáng bị một bản án nặng như vậy.
Chúng tôi chỉ quan tâm đến khía cạnh là những người dám phản ánh sự thật xã hội để đưa đến công chúng những thông tin chuẩn xác. Chúng tôi không quan tâm đến vấn đề “nhà báo hay không nhà báo.
Dường như bản án 4 năm với cáo buộc vi phạm điều 289 BLHSVN về đưa hối lộ không làm thỏa mãn người dân, đặc biệt là báo giới và những người hiểu biết pháp luật. LS Trần Quốc Thuận (nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc Hội), và LS Nguyễn Thanh Lương (phó Chủ nhiệm LS đoàn tỉnh Bến Tre) từng chia sẻ tương tự với đài RFA sau khi phiên tòa kết thúc. Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (trụ sở tại Pháp) cũng nhận định trong thông cáo của mình rằng đây là “Bản án này vừa bất công vừa gây phẫn nộ”.
Ở một khía cạnh nào đó, nhiều người cầm bút đều cảm thấy hụt hẫng thậm chí bất mãn. Sau khi phiên tòa kết thúc, nhà báo Hương Trà viết trên Facebook của mình bài “Làm báo để làm gì” trong đó trích lời các nhà báo khác trong nước thể hiện những thắc mắc về sứ mệnh của những người làm báo. Nhà báo Hương Trà trích đoạn chia sẻ của nhà báo Đỗ Hoàng Dương (Doanh nhân) cho rằng bản án “thách thức lòng kiên nhẫn của nhân dân Việt Nam”.
Khi “lề trái” bênh vực “lề phải”
Hoàng Khương tại phiên sơ thẩm hôm 06/9/2012. Photo courtesy of news.go.vn
Còn bản lên tiếng nhấn mạnh rằng bản án 4 năm tù giam cho nhà báo Hoàng Khương là bất công không chỉ với Hoàng Khương mà còn với những nhà báo chống tham nhũng khác; lưu ý rằng bản án này đi ngược lại tinh thần bài trừ sai trái, lạm quyền, tham nhũng. Blogger Huỳnh Thục Vy thừa nhận mình ký tên vào bản lên tiếng phản đối bản án của nhà báo Hoàng Khương, không quên lưu ý rằng hoạt động báo chí là trọng yếu trong xã hội và cần phải được ủng hộ:
Đây là một bản lên tiếng cụ thể bảo vệ nhà báo Hoàng Khương nhưng nó mang một nội hàm lớn hơn. Nó ủng hộ và vinh danh tất cả những nhà báo nói lên những bất công trong xã hội đặc biệt là tình trạng tham nhũng trở thành quốc nạn như hiện nay.
Từ khi ông Lê Doãn Hợp (người từng đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông của Việt Nam) đưa ra khái niệm về báo “lề phải” và “lề trái” thì nó giống như một cách phân loại báo chí đi theo sự chỉ đạo của ĐCSVN và ngược lại. Sự phân chia này ở một mức độ nào đó cũng vô hình chung tạo sự phân chia giữa những nhà báo. Điểm đặc biệt của bản lên tiếng là nó lên tiếng cho một phóng viên báo chính thống; nhưng được viết và ký tên bởi những người làm báo không dưới sự chỉ đạo của ĐCSVN hay còn gọi là “lề trái’ theo cách gọi của ông Lê Doãn Hợp.
Theo blogger Mẹ Nấm, khái niệm về báo “lề trái” hay “lề phải” không phản ánh đúng bản chất của hai dòng thông tin hiện nay mà nó nên được gọi là “lề Đảng” và “lề dân”. Blogger này cũng khẳng định một khi phải lên tiếng cho sự đúng đắn thì không quan trọng mình đang ủng hộ ai:
Về một chuyện đúng đắn trong xã hội mà quá đầy bất công thì không có sự phân biệt nào là lề. Nếu đây là điều đúng thì phải nói.
Mình thực sự hy vọng là qua việc lên tiếng chung như thế này thì những nhà báo của báo chí nhà nước sẽ thấy rằng những người dùng blog, dùng Facebook để nói lên tiếng nói của mình đều quan tâm và sẵn sàng đồng hành với những việc làm đúng đắn vì sự tốt đẹp của xã hội.
Bản lên tiếng về Hoàng Khương hay những thư ngỏ, kiến nghị tương tự về các sự việc khác là những động thái được thấy đang ngày càng xuất hiện nhiều tại Việt Nam nhằm nên lên phản ứng về các sự kiện xã hội. Đã có nhiều tiếng nói của những người cùng “lề” bênh vực cho nhau; nhưng sự việc của nhà báo Hoàng Khương đã thu hút những tiếng nói đến từ tất cả các “lề”. Và đó là điều khiến người ta phải suy nghĩ.
Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2011
Oán giận ghê gớm!
Nghịch Nhĩ
Mới đây, nhiều trang mạng "lề phải" của Việt Nam như Vietbao, SGTT, Nguoiduatin giật tít "Trung Quốc: Dân chúng oán giận ghê gớm", "Thủ tướng Trung Quốc: Dân chúng oán giận ghê gớm" để đưa tin trong báo cáo của Chính phủ Trung Quốc được trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thường niên Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc vào ngày 5-3-2011, Thủ tướng Ôn Gia Bảo thừa nhận người dân Trung Quốc đang oán giận ghê gớm vì tỷ lệ lạm phát leo thang, giá nhà đất và lương thực quá cao, tình trạng tham nhũng, khoảng cách giàu nghèo và nạn xâm chiếm đất đai gia tăng…
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)