Hiển thị các bài đăng có nhãn Đoàn Thanh Liêm. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Đoàn Thanh Liêm. Hiển thị tất cả bài đăng
Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2019
Đoàn Thanh Liêm: Những chuyện vui với Bác Hà Thượng Nhân
Tôi định cư tại Nam California, nhưng hay có dịp lên San Jose, thăm con gái và cháu ngoại. Và cả mấy anh chị em của má bầy trẻ nữa. Mỗi năm, ít nhất cũng 5-7 lần tôi đi tới miền Thung lũng Hoa vàng rất là thơ mộng này. Ngoài chuyện gia đình, tôi còn hay gặp gỡ trao đổi với các bạn đồng nghiệp xưa trong Luật sư đoàn Saigon trước 1975. Và cũng được nhiều dịp tham gia sinh họat về văn học nghệ thuật, cũng như về chính trị với bà con tại miền Bắc Cali này.
Trong số các huynh trưởng về báo chí, văn nghệ tại San Jose, tôi thường hay gặp gỡ thăm viếng với nhà thơ Hà Thượng Nhân và nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh. Bác Hà đã tới tuổi chín mươi, còn bác Sơn thì cũng sắp sưả bước vào lớp “cưủ thập” nữa rồi.Cả hai bác đều hơn tôi trên một con giáp, nên tôi quý trọng các bác như người anh lớn trong gia đình mình vậy.
Cách đây 6-7 năm, anh Luật sư Nguyễn Hưũ Thống có tổ chức tại tư gia một buổi Gặp mặt thân tình thật ý nghiã, vơí hai bác Hà và Sơn cùng với LS Thống là ba người mà đã khởi sự cầm cây viết trên 50 năm rôì. Mỗi người mỗi vẻ đều đã đóng góp đáng kể cho sự nghiệp văn hoá ở Việt Nam trước đây và tại hải ngoại hiện nay.
Riêng với bác Hà, người mà hay được các văn thi hữu âu yếm gọi là “Hà chưởng môn”, ngụ ý coi bác là vị đầu đàn trong làng văn chương thi phú tại địa phương miền Bắc Cali, thì tôi có rất nhiều kỷ niệm vui vui, ngộ nghĩnh với bác. Nay nhân dịp cuối năm, xin cho tôi được ghi lại một số chuyện đáng nhớ giữa bác và tôi là kẻ hậu sinh nhé. Hồi còn ở Việt nam, thì tôi chưa bao giờ có dịp trực tiếp gặp bác, mà chỉ hay đọc thơ văn của bác đăng tải khá thường xuyên trên báo chí, hoặc được nghe một số bạn bè kể chuyện về nhà thơ nổi danh này. Và mãi tới sau khi qua định cư ở Mỹ từ 1996, thì tôi mới có duyên gặp gỡ với bác, mà là gặp rất thường xuyên nữa cơ chứ.
Thứ Tư, 1 tháng 7, 2015
Đoàn Thanh Liêm - Vaclac Havel và Cách Mạng Nhung ở Tiệp Khắc
![]() |
Vaclac Havel |
Tài liệu tham khảo chính yếu
:
HAVEL: A Life
by Michael Zantovsky
do Grove Press New York ấn hành
năm 2014, sách dày 543 trang
** Năm 1989, lịch sử thế giới
đã ghi nhận một biến cố cực kỳ quan trọng: đó là sự sụp đổ của chế độ cộng sản
tại khu vực Đông Âu để rồi kéo theo sự giải thể của Liên Bang Xô Viết vào cuối
năm 1991. Và kể từ đó là sự kết thúc cuộc Chiến Tranh Lạnh (The Cold War) giữa
hai khối Cộng sản và Tư bản – cuộc đối đầu thật căng thẳng liên miên giữa hai
siêu cường Mỹ và Nga khởi sự ngay sau khi thế chiến II chấm dứt vào năm 1945.
Thứ Ba, 10 tháng 3, 2015
Đoàn Thanh Liêm - Đầu Xuân Đi Thăm Bạn Tại Vùng Vịnh (I)
Vùng Vịnh là một điạ danh quen thuộc ở California gồm chừng 20 thành phố lớn nhỏ nằm xung quanh vịnh San Francisco. Tiếng Anh gọi là Bay Area, như trong tên gọi của hệ thống chuyên chở công cộng trong vùng gọi là xe BART (Bay Area Rapid Transportation). Phía cực Nam là thành phố San Jose và phía cực Bắc là thành phố San Francisco.
Hàng năm, tôi thường từ vùng Orange County lên thăm con gái, cháu ngọai và nhiều thân nhân cùng bạn hữu tại vùng Vịnh này, trung bình mỗi năm cũng tới dăm bảy lần. Do đó mà tôi rất quen thuộc với người và việc nơi địa phương này. Phần phía Nam của khu vực còn có tên gọi nổi danh quốc tế là “Silicon Valley” (Thung Lũng Điện Tử). Nhưng người Việt ta thì hay gọi nó với cái tên rất thơ mộng là “Thung Lũng Hoa Vàng”, lý do là vì vào mùa Xuân, thì hoa cải vàng nở rộ tưng bừng khắp nơi trong vùng.
Thứ Ba, 21 tháng 10, 2014
Ðoàn Thanh Liêm - Chúc mừng Bạn Điếu Cày nay đã đến Mỹ
![]() |
Blogger Ðiếu Cày (Hình tư liệu: Ðinh Quang Anh Thái) |
Sáng sớm hôm nay 21 tháng 10
theo giờ ở California, tôi mở internet thì được nhiều bà con đều loan báo tin
là anh Điếu Cày vừa được đưa ra khỏi nhà tù tại Nghệ Tĩnh để lên máy bay đi Mỹ
qua ngả Hongkong. Tôi thật mừng cho anh Nguyễn Văn Hải và gia đình của anh vì
đã chấm dứt được cái nạn tù đày đã kéo dài từ năm 2008 đến năm 2014 là đã quá 6
năm rồi.
Thứ Hai, 13 tháng 10, 2014
Đoàn Thanh Liêm - Trăm năm bia đá – Ngàn năm bia miệng
Dưới thời quân chủ phong kiến
xưa kia tại nước ta, thì vua quan - là giới nắm quyền thống trị trong xã hội -
thường cho khắc trên bia đá những công lao thành tích nhằm đề cao cá nhân và chế
độ cai trị của mình. Thế nhưng với thời gian các triều đại thay chủ đổi ngôi,
hoặc do hiện tượng soi mòn trong thiên nhiên vì mưa gió, thì các bia đá này
cũng lần lượt bị bôi xóa hay bị lu mờ hẳn đi. Trong khi đó, thì những hành vi tệ
hại của giới vua quan ác đức bạo ngược gây ra đối với dân chúng lại bị chê bai
mạt sát mãi mãi từ cửa miệng quần chúng khắp nơi khắp chốn – mà không có cách
nào tẩy xóa đi được. Do đó mà từ xa xưa đã có câu ca dao tục ngữ rất phổ biến
trong dân gian là giới bị thống trị như sau :
Trăm năm bia đá cũng mòn
Ngàn năm bia miệng vẫn còn
trơ trơ.
Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013
Đoàn Thanh Liêm - Một chút Tâm Tình nhân Mùa Lễ Tạ Ơn năm nay
Đoàn Thanh Liêm -
I - Tôi thật tâm đắc với câu nói rất xúc tích ngắn gọn, rõ ràng dễ hiểu dễ nói - với chỉ vẻn vẹn có 4 chữ thôi – mà lại được phổ biến rộng rãi khắp nơi trong dân gian. Đó là câu : “Ân Nghĩa Ở Đời”. Câu này chủ ý nhắc nhở cho mọi người phải luôn nhớ đến những ân huệ mình lãnh nhận được từ bao nhiêu người khác - và để đền đáp lại, thì mình phải biết cư xử thế nào cho xứng đáng với cái tấm lòng tốt đó của mọi người trong xã hội. Trong phạm vi nhỏ bé của một gia đình, thì đó là điều hiển nhiên rồi - như trong ca dao tục ngữ thường nói đến. Cụ thể như những câu: “Công Cha, Nghĩa Mẹ”, “Tình Phụ Tử”, “Nghĩa Anh Em” v.v…
Nhưng trong phạm vi rộng lớn hơn là cuộc sống với nhân quần xã hội, với quê hương đất nước, thì cái Ân Nghĩa này lại càng nặng nề sâu đậm hơn. Tại vùng đồng bằng sông Cửu Long ở miền Nam, thì từ lâu nay xuất hiện một tổ chức tôn giáo có tên là “Phật Giáo Tứ Ân” hay là “Tứ Ân Hiếu Nghĩa” với chủ trương đặt nặng về Bốn thứ Ân Nghĩa như sau :
1 – Ân Tổ Tiên
2 – Ân Đất Nước
3 – Ân Tam Bảo
4 – Ân Đồng Bào.
Ta nên chú ý đến hai mục số 2, số 4 là : Ân Đất Nước và Ân Đồng Bào - đó là lời nhắc nhở thật quan trọng về nghĩa vụ cụ thể đối với Quốc gia Dân tộc - mà không người dân nào lại có thể coi nhẹ hay sao lãng bỏ qua đi được. Vùng đất miền Tây Nam Bộ này tuy mới do bà con người Việt đến định cư khai phá từ mấy trăm năm dưới thời Chúa Nguyễn, ấy thế mà giới nông dân ở đây đã thiết lập ra được một tổ chức tôn giáo với tôn chỉ tinh thần lành mạnh sáng suốt như vậy - thì rõ ràng đây là điều thật đáng phải đề cao và phát huy phổ biến cho thật tốt đẹp rộng lớn hơn mãi vậy.
II – Hiện chúng ta có chừng 2 triệu người Việt tỵ nạn định cư trên khu vực Bắc Mỹ gồm hai nước Canada và Hoa Kỳ. Mỗi năm, người dân tại cả hai nước này đều tổ chức mừng Ngày Lễ Tạ Ơn Thanksgiving vào tháng Mười ở Canada và vào tháng Mười Một ở Mỹ. Ngòai ý nghĩa tôn giáo truyền thống theo Thiên chúa giáo, Thanksgiving càng ngày càng có thêm tính chất thế tục – mà cụ thể là sự Xum họp Gia đình và Bằng hữu, sự bày tỏ lòng Biết ơn đối với xã hội, đối với đất nước nữa.
Và người Việt chúng ta, phần đông ai nấy cũng đều hoan hỷ tham gia cuốn hút vào trong Lễ Hội này – theo cái đà hội nhập êm thắm của những thế hệ di dân vào với dòng chính của xã hội sở tại ở Bắc Mỹ. Có rất nhiều người Việt đã viết về đề tài nói lên sự biết ơn đối với nhân dân Mỹ. Điển hình nhất là tờ Nhật báo Việt Báo tại miền Nam California từ 15 năm nay đã có sáng kiến thật độc đáo là mở riêng một mục thường xuyên “Viết Về Nước Mỹ” để các độc giả tham gia trao đổi với nhau về kinh nghiệm sống trên đất Mỹ của mỗi người.
Lại còn có một nhóm người khác đã quy tụ lại với nhau để tổ chức những buổi Tập hợp số đông quần chúng lấy tên là “Thank you, America” (Cảm ơn nước Mỹ) – để bày tỏ lòng Biết ơn của tập thể người Việt tỵ nạn đối với nhân dân và chánh quyền nước Mỹ - vì đã đón nhận và chăm sóc cho gia đình mình được định cư sinh sống an tòan trên đất nước này.
Đó quả thật là những việc làm rất đáng khuyến khích ca ngợi, vì đã thực hiện đúng theo lời chỉ dậy của cha ông chúng ta xưa nay, đó là : “ Khi được ăn quả, thì phải nhớ đến kẻ trồng cây” vậy.
III – Tạ ơn Đời, Tạ ơn Người.
Trận cuồng phong Hải Yến vào đầu tháng 11 năm 2013 vừa mới đây đã tàn phá dữ dội đến độ kinh hòang tại Phi Luật Tân - đến nỗi cả thế giới đều phải mủi lòng và hiện đang ra sức góp phần tiếp cứu cho hàng vạn những nạn nhân xấu số ở đó. Riêng đối với số đông người Việt hải ngọai, thì đây cũng là một cơ hội để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn đối với nhân dân nước Phi - vì họ đã ra tay cưu mang giúp đỡ bao nhiêu vạn những thuyền nhân Việt nam vào lúc liều mình chạy trốn khỏi chế độ cộng sản tàn ác hai ba chục năm trước. Nay những vị ân nhân đó đang gặp thiên tai nặng nề, thì công việc phải tiếp cứu họ nhất định là một nghĩa vụ luân lý đặc biệt đối với riêng người Việt chúng ta.
Và tôi thật vui mừng phấn khởi được thấy hiện đang có rất nhiều cố gắng nơi các cộng đồng người Việt ở hải ngọai để cùng nhau ra sức góp phần xứng đáng vào công cuộc cứu trợ rộng lớn này cho các nạn nhân ở Phi Luật Tân. Điều này làm chúng ta nhớ lại câu hát thật cảm động của cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng từ trên 10 năm trước – cũng nhân vụ cứu giúp những thuyền nhân chúng ta bị kẹt lại ở Phi Luật Tân. Câu hát đó như sau :
Xiết tay nhau, cúi đầu gạt lệ. Tạ Ơn Trên : Người Vẫn Thương Người.
Đây thiết tưởng là những lời tâm tình chân thật nhất, có ý nghĩa sâu sắc nhất của số đông người Việt tỵ nạn chúng ta nhân dịp Mùa Lễ Tạ Ơn năm 2013 này vậy.
Costa Mesa California ngày 26 tháng 11 năm 2013
Đoàn Thanh Liêm
Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013
Đoàn Thanh Liêm - Hãy Sống Đẹp Với Nhau – tại đây, lúc này.
Đoàn Thanh Liêm
Vào giữa thập niên 1950, lúc còn theo học tại Trường Luật Saigon, tôi được nhận vào lưu trú tại một cư xá dành cho sinh viên có tên là Câu lạc bộ Phục Hưng. Cư xá này nằm trên đường Nguyễn Thông gần với Bệnh viện Saint Paul thuộc Quận 3 Saigon. Hồi đó, chừng 60 anh em chúng tôi sống quây quần bên nhau - tất cả đều còn ở vào cái tuổi đôi mươi, hãy còn hồn nhiên, lạc quan yêu đời, chỉ biết say mê chuyên cần với chuyện học tập nơi các phân khoa đại học.
Lớp sau này vào các năm 1960 – 1970, thì số lưu trú sinh tại cơ sở này lại còn đông hơn, trẻ tuổi hơn nữa. Tổng số các bạn đã từng sinh sống tại Câu lạc bộ Phục Hưng này - từ năm 1955 lúc mới thành lập cho đến năm 1975 lúc đóng cửa - thì có thể lên đến con số 4 – 500 người. Ngày nay, anh em Phục Hưng chúng tôi, thì người trẻ tuổi nhất cũng đã ngoài 60 – còn phần đông cũng đã ở vào cái tuổi “thất thập cổ lai hy” họăc còn cao hơn nữa. Mà trong đó cũng nhiều bạn đã ra đi, từ giã gia đình, bỏ lại anh em. Số còn lại, thì phân tán khắp bốn phương trời – ở lại quê hương cũng có, mà lưu lạc qua các xứ Âu Mỹ cũng có nữa. Anh em không thành lập Hội Ái Hữu để quy tụ lại với nhau, như các tổ chức khác. Tuy vậy, lâu lâu chúng tôi cũng gặp gỡ nhau qua dịp này dịp nọ – để hàn huyện tâm sự, ôn lại cái kỷ niệm vui buồn với nhau trong thời gian chung sống dưới mái nhà Phục Hưng thân thương ấy.
Riêng bản thân mình, thì mấy năm trước đây tôi đã viết một bài nhan đề là “Những ngày xưa thân ái ấy” – để ghi lại cái kỷ niệm thân thiết với các bạn cùng sát cánh với nhau tại cư xá Phục Hưng này trong thời gian giữa những năm 1950 thanh bình êm ả tuyệt vời đó.
Nhưng đúng theo với nhan đề ở trên, thì bài này không nhằm viết về chuyện riêng tư của anh em trong Đại Gia đình Phục Hưng chúng tôi – mà chủ yếu là để bàn về chuyện đa số chúng ta phải làm sao mà “Sống Cho Đẹp Với Nhau” - giữa cuộc đời tại thế nơi quê hương đất nước, vào ngay giờ phút hiện tại lúc này đây (như người Âu Mỹ thường dùng từ ngữ trong tiếng La tinh : “hic et nunc” - mà trong tiếng Anh, thì là : “here and now”). Tôi xin lần lượt khai triển chủ đề qua mấy mục sau đây.
1 - “Nếu muốn cúng cho tôi , thì hãy cúng ngay bây giờ – lúc tôi hãy còn sống sờ sờ ra đây này.”
Cách nay không lâu, một số anh em Phục Hưng chúng tôi ở Nam California được một anh bạn mời đến nhà anh chị tại thành phố Westminster để uống cà phê, ăn sáng. Gia chủ đó chính là anh chị Bùi Hòang Ân & Mỵ Nương đã cho chúng tôi thưởng thức món bánh và cà phê rất đặc sắc do chính anh chị đích thân chế biến. Câu chuyện râm ran thật vui vẻ, hồn nhiên sinh động giữa anh chị em chúng tôi – tiếp nối với cuộc Hội ngộ của đông đảo bạn hữu xảy ra vài ba tuần trước đó.
Chúng tôi ngạc nhiên về số thiết bị đồ sộ trong căn bếp và tò mò hỏi gia chủ, thì được anh chị kể lại nguyên do câu chuyện thật là ngộ nghĩnh như thế này. Mấy năm trước anh Ân có triệu chứng bị bệnh ung thư, nên phải nghỉ làm việc để điều trị. Trong thời gian nghỉ ngơi để chữa bệnh, anh Ân mới nói với chị Mỵ Nương đại khái: “Bệnh tình của tôi không biết sống chết như thế nào. Nhưng mà, nếu bà có thương tôi, thì đừng có đợi đến khi tôi lìa đời, rồi mới đem cúng giỗ của ngon vật lạ cho tôi nha. Mà trái lại, bà cứ cúng cho tôi ngay lúc này, khi tôi còn sống sờ sờ ra đây, tôi còn thưởng thức được những thứ ngon ngọt quý báu đó... Có như vậy, thì mới rõ là thật lòng với nhau đấy!”
Chị Mỵ Nương tiếp lời, nói với bọn tôi : “Các anh chị thấy đấy, anh Ân đã nói như vậy, thì tôi làm sao mà còn dám chối từ điều gì với anh ấy nữa. Và tôi đã hết sức chiều theo các ước muốn của anh – đó là lý do tại sao chúng tôi sắm sửa các vật dụng để chế biến cà phê và làm bánh như các bạn thấy bữa nay. May mà rút cục anh Ân đã tai qua nạn khỏi, căn bệnh ban đầu tưởng là hiểm nghèo, thì nay đã tan biến đi rồi để anh có thể đi làm trở lại như trước kia. Vợ chồng chúng tôi thật mừng rỡ và riêng tôi mỗi khi nhớ đến cái câu nói “ Xin cúng tôi ngay lúc này...” của anh Ân, thì tôi không khỏi cười thầm – và quả thật chúng tôi thật tâm đắc với nhau lắm lắm...”
Bọn khách mời chúng tôi buổi sáng hôm đó - tất cả đều là các cựu lưu trú sinh ở câu lạc bộ Phục Hưng thời kỳ trước năm 1975 - thì không những được thưởng thức một bữa ăn sáng ngon miệng, mà đặc biệt lại được biết đến một câu chuyện vui vẻ, ngộ nghĩnh lý thú trong gia đình của anh chị bạn Hoàng Ân & Mỵ Nương này.
2 - “ Nếu có yêu tôi, thì hãy yêu tôi bây giờ...”
Câu chuyện của anh chị Hòang Ân & Mỵ Nương nói trên làm cho tôi nhớ đến bài hát được nhiều người ưa thích, đó là bài có tựa đề “Nếu có yêu tôi” của nhạc sĩ Duy Đức phổ nhạc bài thơ của nữ thi sĩ Ngô Tịnh Yên. Xin ghi lại một vài đọan trong bài nhạc như sau :
“ Nếu có yêu tôi, thì hãy yêu tôi bây giờ
Đừng để ngày mai, đến lúc tôi qua đời
Đừng để ngày mai, có khi tôi thành mây khói
Cát bụi - làm sao mà biết mỉm cười.
Nếu có bao dung, thì hãy bao dung bây giờ
Đừng để ngày mai, đến lúc tôi xa đời.
…...”
Rõ ràng bài ca này chứa đựng một nội dung triết lý rất là thực dụng, lạc quan, cụ thể – không hề chấp nhận một sự mơ hồ viển vông nào trong mối quan hệ giữa những con người hiện đang sát cánh với nhau mà sinh sống trên cuộc đất này. Đây cũng là một lời mời gọi để mỗi người nên quan tâm đến những nhu cầu thiết thực của nhau - hầu có những hành động thích đáng nhằm đem lại sự an vui thỏai mái cho người thân thiết gần gũi xung quanh mình.
Trên phạm vi rộng lớn hơn, thì bài thi ca này cũng làm cho ta nhớ lại câu văn bất hủ của văn hào người Nga Boris Pasternak – ông là tác giả cuốn truyện đặc sắc Doctor Zhivago, mà cũng là một nhà văn được Giải thưởng Nobel về Văn chương năm 1958. Câu văn đó như sau : “Con người sinh ra để sống, chứ không phải để chuẩn bị sống” (Bản dịch Anh ngữ : “Man is born to live, and not to prepare to live”.
Nếu ta chú ý đến bối cảnh kinh hòang ở Liên Xô dưới chế độ tàn bạo của Stalin thời các năm 1930 – 40, thì lời phát biểu của Pasternak ghi trên thật là sáng suốt và can đảm. Đó cũng là một lời phủ định dứt khóat đối với sự hứa hẹn về cái “thiên đường cộng sản” – mà người theo chủ nghĩa marxist-leninist vẫn rêu rao khắp nơi từ thập niên 1930 (được gọi là thập niên đỏ = décade rouge) rằng sẽ có những “Ngày Mai Ca Hát” (des lendemains qui chantent như người cộng sản ở Pháp thường nói).
Ngày nay ở vào thế kỷ XXI, sau khi chế độ cộng sản hòan tòan bị sụp đổ ở Liên Xô và ở Đông Âu, thì tòan thể nhân lọai chúng ta càng nhận thức được rõ ràng hơn về cái thủ đọan mê hoặc, dối trá và cực kỳ tàn bạo của phe cộng sản – đến độ gây ra biết bao nhiêu thảm họa cho hàng mấy trăm triệu con người trong thế kỷ XX vừa qua.
3 – “Yêu thương nhau, đó là cùng với nhau nhìn chung về một hướng”.
Thế hệ sinh viên chúng tôi ở miền Nam Việt nam vào hồi thập niên 1950, thì hầu hết đều đọc thông thạo được sách báo tiếng Pháp. Ở độ tuổi đôi mươi, chúng tôi say mê đọc những cuốn sách của Raymond Aron, Jean-Paul Sartre, Albert Camus, Antoine de Saint-Exupéry v.v…Chúng tôi thật tâm đắc với cái định nghĩa về Tình Yêu của nhà văn – phi công Saint-Exupéry qua câu văn thật ngắn gọn như sau : “Yêu thương nhau, không phải là hai người nhìn ngắm nhau. Mà là cùng với nhau nhìn chung về một hướng”. (Nguyên văn tiếng Pháp là : “Aimer, ce n’est pas regarder l’un l’autre. Mais c’est regarder ensemble dans une même direction”).
Trong nội bộ của một gia đình, thì tình yêu giữa hai vợ chồng mỗi ngày càng được củng cố bền chặt hơn – chủ yếu bởi cái sự cố gắng bền bỉ mà cả hai người đều chung nhau lo lắng chăm sóc cho đứa con - vốn là kết quả phát sinh từ tình yêu chân thật của đôi lứa.
Còn trong phạm vi rộng lớn như sinh họat cộng đồng của cả một dân tộc, thì tình yêu thương đích thực giữa các thành viên cấu tạo thành cộng đồng này chính là cái ý chí chung, cái khát vọng và sự cam kết của cả tập thể dân tộc đó nhằm xây dựng một xã hội an vui, thịnh vượng và nhân ái – trong đó phẩm giá của mỗi người đều được tôn trọng và quyền con người đều được bảo đảm.
Chuyện cụ thể thiết thực và phấn khởi nhất của sự biểu lộ ý chí và cam kết này, đó là sự đồng lọat của nhiều người - thuộc đủ mọi giới ở trong cũng như ở ngòai nước - cùng bày tỏ gia nhập vào Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự -- vừa được phát động vào ngày 23 tháng 9 năm 2013 – đúng vào lúc tôi bắt đầu bài viết này.
Bản thân tôi cũng đã vừa ký tên gia nhập Diễn Đàn XHDS này, và trong danh sách những người đã ký tên gia nhập Diễn Đàn tôi nhận ra nhiều người đã từng là bạn hữu thân thiết lâu nay của tôi. Cái hành động “Dấn thân tập thể” đó chính là sự biểu lộ tình Liên đới mỗi ngày thêm mạnh mẽ hơn mãi - và cũng là sự khởi đầu của một Tập hợp Quần chúng nhằm đòi lại cái Quyền Chủ Động và Tự Quyết của Tòan thể Dân tộc – trong công cuộc giải thóat Đất nước khỏi cái vòng nô lệ cay nghiệt của cả hai thứ giặc nội xâm cũng như ngọai xâm hiện đang hoành hành dày xéo trên giang sơn gấm vóc – mà cha ông chúng ta đã đổ ra biết bao xương máu để xây dựng và bảo vệ từ mấy ngàn năm nay.
Quả thật, chúng tôi yêu thương nhau vì cùng chung sát cánh với nhau trong công việc góp phần kiến tạo một xã hội tiến bộ, thịnh vượng và nhân ái cho thật xứng đáng với phẩm giá cao quý của mỗi thành viên trong cộng đồng dân tộc Việt nam thân yêu này vậy.
Costa Mesa California, ngày 25 tháng Chín 2013
Đoàn Thanh Liêm
Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013
Đoàn Thanh Liêm - Những người không chịu lùi bước trước nghịch cảnh
Bút ký của Đoàn Thanh Liêm
Hồi đầu tháng 8 mới đây, tôi được nhà báo Thanh Thương Hoàng dẫn đi tham dự một buổi trình diễn văn nghệ thật là đặc sắc diễn ra tại Trung tâm Hội Nghị của thành phố Santa Clara gần với San Jose. Các nghệ sĩ trình diễn đều là những người khuyết tật, người thì cụt hết cả cánh tay mặt như nhạc sĩ Thế Vinh, người thì bị mù lòa như nhạc sĩ Hà Chương, người thì bị câm ngọng hồi còn nhỏ như ca sĩ Thủy Tiên v.v... Cử tọa hôm đó gồm đến 600 người ngồi chật kín cả cái sảnh đường được trang trí như là một rạp hát và mọi người đều nhiều lần đứng lên vỗ tay tán thưởng các mục trình diễn cùa những nghệ sĩ khuyết tật - vừa có người mới từ trong nước qua, vừa có người đã định cư lâu năm tại Mỹ.
I – Từ chương trình văn nghệ “Ngọc Trong Tim” của Việt Nam đến các cuộc thi đua thể thao “Special Olympics” của Mỹ.
Buổi trình diễn văn nghệ nói trên là một trong những tiết mục sinh họat được tổ chức lưu động tại nhiều địa điểm trên thế giới, nơi có đông bà con người Việt sinh sống. Chương trình này nhằm giới thiệu tài năng và cố gắng luyện tập hết sức công phu bền bỉ của những người khuyết tật hầu đạt tới trình độ cao về nghệ thuật sáng tác và trình diễn âm nhạc cũng như trong một số bộ môn khác. Chương trình có tên gọi là “Ngọc Trong Tim” ngụ ý diễn tả cái kho tàng quý báu vẫn còn chứa chất trong trái tim con người – cụ thể như tấm lòng trắc ẩn cảm thông trước nỗi khổ đau của người khác - mà đặc biệt là sự quan tâm chăm sóc đến sự phát triển tài năng của lớp người bị thua thiệt do số phận ngặt nghèo của tật nguyền gây ra. Điển hình là Trung tâm Hướng Dương do nhạc sĩ Thế Vinh thiết lập ở Bình Dương để giúp nơi ăn chốn ở và hướng dẫn việc học tập cho các em khuyết tật.
Chương trình “Ngọc Trong Tim” này làm chúng ta nhớ đến tổ chức “Special Olympics” (Thế vận hội Đặc biệt) dành riêng cho người khuyết tật tham gia thi đua tranh tài về thể thao tại nhiều thành phố trên đất Mỹ. Chương trình này xuất phát là nhờ ở sáng kiến vận động và tổ chức khôn khéo của bà Eunice Kennedy Shriver (1921 - 2009) là người em gái của Tổng Thồng Kennedy – mà cũng là phu nhân của ông Sargent Shriver người lãnh đạo tài ba tiên khởi của chương trình Peace Corps nổi tiếng của chính phủ Mỹ bắt đầu từ năm 1961. Khỡi sự từ năm 1968 - các cuộc tranh tài Special Olympics này đã được nâng lên tầm mức quốc gia không những tại nước Mỹ, mà còn được nhiều nơi trên thế giới mô phỏng theo nữa. Và hiện nay thì các người con của ông bà Shriver cũng đang tiếp nối góp phần vào việc điều hành chương trình này.
Cố gắng vượt qua sự hạn chế của tật nguyền do các nghệ sĩ cũng như các vận động viên thể thao nói trên mà thực hiện được – thì rõ rệt đã làm cho chúng ta nhớ lại nhận xét thật sâu sắc của cụ Nguyễn Du qua câu thơ trong Truyện Kiều, đó là :
Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều.
II – Chuyện về một số người “bất chấp bệnh tật”.
Trên đây là một số chương trình có tầm vóc lớn dành riêng cho số đông người khuyết tật có thể tham gia trong lãnh vực văn nghệ cũng như thể thao. Nhưng trong đời sống thường ngày của các cá nhân, ta vẫn thấy có rất nhiều người đã có những cố gắng bền bỉ phi thường để vượt qua được những nghịch cảnh trớ trêu của số phận – mà tôi xin ghi lại dưới đây một số trường hợp của những người trong số thân quen gần gũi với mình.
Trong số những bạn hữu tôi quen biết, thì cũng có khá nhiều người có ý chí vươn lên để vượt qua được nghịch cảnh do tuổi già hay do tật bệnh gây ra. Bài viết này xin được ghi lại một số chuyện “người thật, việc thật” của vài ba người mà tôi được biết từ bấy lâu nay. Và để công chúng được biết thêm về các chuyện đáng chú ý này, tôi xin các bạn được nói đến trong bài cho phép tôi được tiết lộ đôi chút trong cuộc sống riêng tư của mỗi người. Xin được ghi trước ở đây lời cảm ơn chân thành đến các bạn.
1 – Tác giả Nguyễn Công Luận vẫn không ngừng công việc nghiên cứu biên khảo, dù đã đau bệnh từ 25 năm nay.
Sau khi đi tù “cải tạo” về nhà ít lâu, thì Thiếu tá Nguyễn Công Luận mắc chứng bệnh Parkinson run rảy chân tay, đi đứng khó khăn. Nhưng anh vẫn kiên trì nhẫn nại theo đuổi công việc nghiên cứu sáng tác của mình - nhất là từ khi qua định cư ở bên Mỹ anh được tự do viết lách và phổ biến công trình biên sọan của mình. Anh được mời làm Phụ tá Chủ biên (Associate Editor) cho bộ sách dày 1,200 trang có tên là “The Encyclopedia of the Vietnam War” (Bách khoa Tòan thư về cuộc chiến tranh Việt nam) xuất bản năm 1998 – trong đó anh đã tham gia viết đến cả chục bài.
Và đặc biệt là cuốn Hồi ký do anh Luận viết trực tiếp bằng Anh ngữ trên 600 trang do nhà xuất bản Đại học Indiana ấn hành năm 2012. Cuốn sách này đã được nhiều người Mỹ vốn am hiểu tình hình Việt nam và nhất là các sĩ quan cao cấp trong Quận đội Mỹ ca ngợi nhiệt tình. Về phía người Việt, thì đã có nhà văn Mặc Giao ở Canada và cả tôi cũng đã viết bài giới thiệu cuốn Hồi ký này với độc giả trước đây nữa. Tác giả Nguyễn Công Luận sẽ giới thiệu cuốn Hồi ký nhan đề “ Nationalist in the Vietnam Wars ” này với công chúng tại San Jose vào đầu tháng 10 năm 2013 sắp tới.
2 – Nhà báo Trương Gia Vy vẫn lo điều hành tuần báo Viet Tribune và còn tham gia công tác từ thiện nhân đạo, dù bị bệnh tật ngặt nghèo.
Từ nhiều năm nay, dù bị bệnh phải thay lọc máu mỗi ngày, mà nhà báo Trương Gia Vy vẫn sát cánh cùng với phu quân là nhà văn Nguyễn Xuân Hòang trong việc điều hành tờ báo Viet Tribune ở San Jose. Vào đầu tháng 8 mới đây, khi được tin anh Hòang bị đau nặng, tôi đã tìm cách đến thăm anh chị tại nhà riêng ở thành phố Milpitas – thì tôi thấy anh Hòang tuy đau yếu gày còm, nhưng vẫn còn bình tĩnh tỉnh táo và chuyện trò vui vẻ với bạn hữu đến thăm. Thế nhưng anh cho biết hiện lúc đó là vào 10 giờ sáng ngày thứ Bảy mà bà xã Gia Vy vẫn còn đang phải lo việc lọc máu mỗi ngày.
Ấy thế mà vào chiều ngày Chủ nhật hôm sau, tôi lại thấy Gia Vy có mặt tham gia với Ban Tổ chức chương trình “Ngọc Trong Tim” tại Santa Clara Convention Center như đã ghi ở trên. Chị là một trong 2 người được trao phó việc kiểm số tiền do công chúng đóng góp cho cơ sở Hướng Dương bữa đó. Khi báo cáo về số tiền đã kiểm được, Gia Vy nói : “Dù đang còn yếu mệt, chị vẫn cố gắng tham gia với cộng đồng trong lọai công việc nhân đạo từ thiện rất có ý nghĩa như thế này...”
Nhà báo Thanh Thương Hòang - là người đã từng sinh sống nhiều năm ở San Jose - cho tôi biết : “Trương Gia Vy là người phụ nữ rất năng nổ tích cực trong công tác từ thiện nhân đạo – mặc dầu chị bị bệnh tật lâu ngày và lại rất bận rộn trong việc điều hành tờ báo. Mà nay lại còn phải lo chăm sóc cho ông xã cũng đang bị chứng bệnh nan y nữa. Đó quả thật là một con người có ý chí nhẫn nại và tấm lòng nhân ái – đáng ca ngợi trong cộng đồng người Việt tại khu vực miền Bắc California này…”
3 – Họa sĩ Trần Bản Anh đến khi về hưu ở tuổi 70 mới ghi tên đi học vẽ.
Chị Bản Anh theo học ban Trung học tại trường Quốc Học ở Huế từ cuối thập niên 1940 qua đầu những năm 1950. Sau khi lập gia đình, chị đi làm nhiều năm tại Bộ Kinh tế ở Saigon. Qua Mỹ đầu năm 1990 với diện HO theo ông xã là anh Dương Công Liêm trước 1975 là Đại tá ở Cục Công Binh. Anh chị vẫn tiếp tục đi làm ở thành phố Los Angeles và sau năm 2000 mới về nghỉ hưu và hiện định cư ở San Jose.
Chừng 7 – 8 năm nay, chị Bản Anh mới đi theo học về hội họa theo lối Tàu với một giáo sư người Trung quốc. Nhận thấy chị có năng khiếu đặc biệt, nên ông thày ra sức khuyến khích và tận tâm chỉ dẫn cho chị. Và từ vài ba năm gần đây một số bức tranh của chị đã được ông thày tuyển chọn để gửi đi triển lãm ở bên Đài Loan. Kết quả là họa sĩ Bản Anh của chúng tôi đã mấy lần nhận được bằng khen của Ban Tổ chức cuộc triển lãm cũng như của chánh quyền của một thành phố bên đó.
Vốn tính khiêm tốn, chị không để cho giới nhà báo phỏng vấn để viết bài ca ngợi thành công của một họa sĩ nghiệp dư ở lứa tuổi đã cao. Mà chị chỉ để cho các bạn hữu thân thiết đến thưởng thức tác phẩm hội họa của mình tại nhà trong chỗ riêng tư, âm thầm kín đáo mà thôi. Trường phái hội họa Trung quốc đã có từ lâu đời với phong cách cổ điển mà người Việt chúng ta quen biết từ lâu nay. Nhưng tranh của họa sĩ Bản Anh vẫn có một sắc thái mới, hài hòa, điềm đạm kèm theo những nét vẽ và màu sắc có tính chất hiện đại, tươi mát – tất cả biểu lộ một tâm hồn phóng khóang và óc sáng tạo phong phú.
Tuy vậy, mặc dầu là chỗ quen biết gần gũi với anh chị đã lâu, tôi cũng chưa được chị gửi cho ảnh chụp bức tranh nào của chị để mà giới thiệu với công chúng bạn đọc được.
III – Chính khí ngất trời của Tổng Đốc Hoàng Diệu (1828 – 1882).
Lịch sử nước ta đã ghi lại rất nhiều tấm gương đẹp đẽ tuyệt vời của những vị anh hùng lẫm liệt đã hy sinh xả thân mình trong cuộc tranh đấu bảo vệ đất nước trước sự xâm lăng của ngọai bang. Một trong những vị anh hùng đó là Tổng Đốc Hòang Diệu – ông đã tự kết liễu đời mình khi quân Pháp xâm lược đánh chiếm được thành Hanoi do ông trấn giữ vào năm 1882. Ông đã tuẫn tiết bằng cách tự treo cổ mình trên một cành cây – để tránh không cho quân giặc bắt được vị chỉ huy pháo đài thành lũy.
Vì thế mà sau này trong dân gian nhiều nơi bà con ta vẫn truyền tụng bài thơ “Hà Thành Chính Khí Ca”- để ca ngợi tấm gương tiết tháo anh hùng của ông.
Chuyện của ông có một chi tiết đặc sắc này mà chỉ gần đây tôi mới được biết đến – đó là do một hậu duệ của cụ Phạm Phú Thứ thuật lại. Xin lược ghi lại như sau :
Khi được triều đình Huế cử ra nhậm chức Tổng Đốc Hà Thành ngòai miền Bắc, cụ Hoàng Diệu đã đến thăm và vấn kế bậc đàn anh và cũng là người đồng hương từ đất Quảng Nam với mình : đó là cụ Phạm Phú Thứ người đã cùng với cụ Phan Thanh Giản đi sứ qua Pháp vào năm 1864 để bàn thảo chuyện thương thảo ngọai giao giữa hai nước Việt và Pháp sau khi quân Pháp đánh chiếm đất Nam Kỳ vào năm 1860 - 61. Cụ Phạm lúc đó đã nghỉ hưu, nhưng cũng giúp cụ Hoàng bằng cách phân tích chi tiết về tương quan thế lực giữa bên Việt nam ta và bên phía quân Pháp đối nghịch – với phần ưu thế ngả hẳn bên phía địch quân. Cụ Phạm kết luận là nhiệm vụ của vị Tổng Đốc Hà Thành thật là nặng nề khó khăn lắm đấy.
Cuộc hội kiến giữa hai cụ Hòang và Phạm chấm dứt. Trước khi vị khách ra về, hai vị chủ và khách đều “LạyTạ nhau” lúc từ biệt. Xin ghi rõ là hai cụ Lạy Tạ nhau, chứ không phải là vái, là xá nhau theo như lối chào hỏi xã giao thường lệ. Vì lý do là cả hai cụ đều biết rõ là vị Tổng Đốc Hà Thành sẽ phải đi vào chỗ chết, vì không có cách nào mà chống trả nổi thế lực quá ư hùng hậu mạnh mẽ của quân Pháp. Và đó là cử chỉ bày tỏ sự Vĩnh biệt giữa hai người bạn thân thiết quý trọng lẫn nhau. Mà cũng đúng như lịch sử đã ghi lại rành rành là : “Tổng Đốc Hòang Diệu đã phải tuẫn tiết sau khi Hà Thành thất thủ về tay quân xâm lược – lúc ông mới có ngoài 50 tuổi.”
Thành ra cụ Hoàng Diệu, dù biết trước nỗi hiểm nguy của chức vụ trấn thủ thành Hanoi, thì cụ cũng không hề nhát gan khiếp nhược để mà thóai thác cái nhiệm vụ nặng nhọc bi đát đó. Mà trái lại cụ vẫn lên đường và sẵn sàng đi vào cõi chết để giữ vững tiết tháo trung trinh của bản thân mình đối với đất nước - cũng như để bảo tồn được danh dự cho giống nòi.
Vào năm 1928, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Tổng Đốc Hoàng Diệu (1828 – 1928), nhà báo Phan Khôi là người cháu ngọai của cụ đã cho phổ biến rộng rãi trên báo chí nguyên văn bài hùng sử ca “Hà Thành Chính Khí Ca” – mà trước đó chỉ mới được phổ biến hạn chế trong dân gian theo lối truyền khẩu mà thôi.
Nhân tiện cũng xin ghi là khí phách rạng ngời của nhà báo kỳ cựu Phan Khôi trong vụ đòi tự do dân chủ thời phong trào Nhân Văn Giai Phẩm hồi năm 1955 – 1957 ở miền Bắc – thì chắc chắn là phải bắt nguồn từ cái truyền thống anh hùng bất khuất của Vị Tổng Đốc Hà Thành vốn là ông ngọai của nhà báo. Quả thật Phan Khôi là một hậu duệ rất xứng đáng của Tổng Đốc Hòang Diệu vậy/
Costa Mesa California, Mùa Vu Lan Quý Tỵ 2013
Đoàn Thanh Liêm
Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2013
Đoàn Thanh Liêm - Martin Luther King và Niềm Mơ Ước của Xã Hội Dân Sự
Ghi nhận
của Đoàn Thanh Liêm
của Đoàn Thanh Liêm
Trong thế kỷ XX, trên thế giới có hai nhân vật nổi danh vì chủ trương tranh đấu bất bạo động – mà đều bị sát hại bởi súng đạn của kẻ cuồng tín bạo động. Hai nhân vật đó là Mahatma Gandhi (1870 – 1948) ở Ấn độ và Martin Luther King (1929 – 1968) ở Mỹ.
Cả hai người đều chỉ họat động trong khu vực Xã hội Dân sự (XHDS), nhưng lại đóng vai trò làm một đối trọng rất tích cực kiên quyết đối với chế độ đương quyền – và lôi cuốn được sự hưởng ứng nồng nhiệt của số đông quần chúng nhân dân. Nhờ đó mà họ đã góp phần đáng kể vào sự thắng lợi dứt khóat cho chính nghĩa độc lập dân tộc ở Ấn độ và cho dân quyền của người da màu trên đất Mỹ.
Gandhi là một luật sư suốt cuộc đời kiên trì tranh đấu - bắt đầu để bênh vực cho lớp người Ấn độ sinh sống tại Nam Phi và sau thì về lại quê hương để phát động công cuộc dành lại nền độc lập cho tòan thể dân tộc Ấn độ của mình. Ông được người dân Ấn độ quý trọng và tôn kính như là một vị thánh sống – danh hiệu do người Ấn ghép vào tên tuổi của ông là Mahatma, thì trong tiếng Hindu có nghĩa là “Thánh nhân” (Holy Man). Quả thật Gandhi có một cuộc sống rất đơn sơ đạo hạnh, nhân đức. Ông đã trở thành một biểu tượng sáng ngời cho nếp sống tâm linh tinh thần trong thời đại chúng ta. Người viết sẽ có dịp trình bày chi tiết hơn về ảnh hưởng vô cùng lớn lao trên khắp thế giới của bậc vĩ nhân thánh thiện này trong một dịp khác.
Mà trong bài viết này, tôi muốn tường thuật rõ ràng hơn về sự nghiệp tranh đấu kiên cường của vị mục sư Martin Luther King cho phẩm giá và dân quyền (civil rights) của tầng lớp người da đen vốn từng là nạn nhân khốn khổ lâu đời của tệ trạng áp bức và kỳ thị chủng tộc – đặc biệt là trong các tiểu bang thuộc miền Nam nước Mỹ. Bài này cũng được viết để kỷ niệm năm thứ 50 (1963 – 2013) – ngày mà Luther King đọc bài diễn văn lịch sử trước cuộc tập họp rất đông tới 250,000 người quy tụ trước đài tưởng niệm Tổng thống Abraham Lincoln tại thủ đô Washington DC. Bài diễn văn được gọi là “I have a dream speech” (Tôi có một giấc mơ) - do Luther King hùng hồn phát biểu trước một cử tọa sôi động hầu hết là người da màu vào ngày 28 tháng 8 năm 1963.
Để bạn đọc hiểu rõ hơn về bối cảnh xã hội của sự kiện lịch sử này, tôi xin ghi sơ lược về tình hình đen tối của người da màu tại miền Nam nước Mỹ vào thập niên 1950 – 60 cũng gần đây thôi.
I – Nạn áp bức kỳ thị chủng tộc đối với người dân da màu.
Người Mỹ da đen gốc Phi châu hiện nay là hậu duệ của những người được đưa từ những vùng tại lục địa này băng qua Đại Tây Dương đến Mỹ châu từ hồi thê kỷ XVII trở đi. Họ được coi như người nô lệ (slaves) cho các chủ nhân da trắng và phải làm việc cực nhọc vất vả trong các đồn điền nông trại (colonies). Chế độ nô lệ tàn tệ vô nhân đạo này kéo dài suốt bao nhiêu năm và đã là một nguyên nhân phát sinh ra cuộc nội chiến giữa hai phe Nam / Bắc tại Mỹ vào giữa thế kỷ XIX dưới thời Tổng thống Lincoln của Liên Bang Hoa Kỳ (civil war 1860 – 1865).
Năm 1863, giữa lúc chiến tranh Nam Bắc còn sôi nổi khốc liệt, Tổng thống Lincoln lãnh đạo phe Liên Bang (the Union) đã ban hành “Tuyên cáo Giải phóng Nô lệ” (Emancipation Proclamation). Thế nhưng, dù sau khi phe ly khai miền Nam ( the Confederacy) thất trận vào năm 1865, thì chế độ nô lệ vẫn còn hòanh hành rất tàn bạo tại các tiểu bang thuộc khu vực này. Người da màu (colored people) bị đối xử như lọai công dân hạng hai, không được sử dụng những phương tiện công cộng chung với người da trắng – như trong quán ăn, nhà vệ sinh hay trên xe bus, xe lửa v.v..., họ phải ngồi ở phía sau xe, đi lối dành riêng cho người da màu… Nhiều khi họ còn bị đánh đập vô cớ, bị miệt thị, bắt nạt về đủ mọi phương diện.
Vào cuối năm 1955, tại thành phố Montgomory tiểu bang Alabama, bà Rosa Parks, một người công nhân da màu đã nhất định ngồi vào chỗ dành riêng cho người da trắng trên xe bus. Hành động can đảm này đã khởi đầu cho một lọat những cuộc đối kháng tương tự của người da đen – và gây thành cao trào tranh đấu đòi quyền bình đẳng và công lý cho tập thể người Mỹ gốc Phi châu tại các tiểu bang miền Nam nước Mỹ. Người da trắng quá khích cũng đã phản ứng lại bằng nhiều thủ đọan khủng bố tàn ác – nhất là do nhóm chủ trương kỳ thị cực đoan có tên là KKK (Ku Klux Klan) đã gây ra nhiều vụ đốt các nhà thờ, đốt xe, đánh đập và cả sát hại người da màu. Tệ hại hơn nữa, là các nhóm này được sự bao che và đồng lõa của cơ quan cảnh sát có nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.
Và chính trong bối cảnh hừng hực căng thẳng của sự đàn áp đối với người da màu như thế đó - thì người mục sư trẻ tuổi Martin Luther King đã bắt đầu dấn thân nhập cuộc với cao trào tranh đấu sôi nổi và quyết liệt cho phẩm giá và dân quyền của người cùng có màu da như mình kể từ giữa thập niên 1950 cho đến sau này. Là một mục sư thuộc hệ thống Tin Lành Baptist miền Nam (Southern Baptist), Luther King đã nhiều lần bị cảnh sát bắt giữ vì tham gia những vụ phản kháng nhằm đòi hỏi sự công bằng trong cách đối xử với người da màu – tất cả mọi hành vi tranh đấu của ông đều áp dụng theo đường lối bất bạo động - không bao giờ ông kêu gọi phải sử dụng vũ khí bạo lực như chủ trương kích động của một số người lãnh đạo quá khích khác trong tập thể người Mỹ gốc Phi châu. Vì thế mà từ đầu thập niên 1960, lúc mới bước vào tuổi 30, Luther King đã nổi lên như một vị lãnh đạo sáng giá trong phong trào tranh đấu cho dân quyền tại nước Mỹ.
II – Cuộc tập họp kỷ niệm 100 năm ngày ban hành Tuyên cáo Giải phóng Nô lệ trước Đài Tưởng niệm Tổng thống Abraham Lincoln.
Cuộc tập họp biểu dương tinh thần đòi công lý và dân quyền quy tụ đến 250,000 người vào ngày 28 tháng 8 năm 1963 do các tổ chức tranh đấu cho sự bình đẳng của người da màu cùng hợp tác thực hiện – đã gây được một chấn động lớn trong công luận trên khắp nước Mỹ. Dịp này, Martin Luther King đã được mời để phát biểu trong một bài diễn văn lịch sử có tên là “Tôi có một giấc mơ”. Bài diễn văn khá nhiều chi tiết lý thú kéo dài tới trên 30 phút, quý bạn đọc có thể truy cập trên Internet để tìm được bản nguyên văn tiếng Anh với 6 trang. Ở đây, tôi chỉ xin được trích dẫn một số đọan thật hùng hồn cương quyết, mà lại có tinh thần xây dựng tích cực - tiêu biểu như sau :
“ Không thể có sự nghỉ ngơi yên hàn tại nước Mỹ cho đến khi người da đen được cấp phát những quyền của công dân. Những cơn lốc xóay của cuộc nổi dậy sẽ tiếp tục làm lay chuyển nền móng của quốc gia chúng ta cho đến khi xuất hiện những ngày tươi sáng của công lý”... “Chúng ta không bao giờ có thể được thỏa mãn khi mà người da đen vẫn còn là nạn nhân của những sự tàn bạo khủng khiếp của cảnh sát”...
“ Tôi có một giấc mơ rằng sẽ có ngày quốc gia này sẽ trỗi dậy, sống đúng với ý nghĩa của niềm tin :” Chúng ta chủ trương những chân lý này là hiển nhiên, rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng”... “Tôi có một giấc mơ rằng sẽ có ngày những người con của người trước kia là nô lệ và những con của người trước kia là chủ nhân nô lệ - lại có thể ngồi chung với nhau tại bàn ăn của tình huynh đệ”...”Với niềm tin như thế, chúng ta sẽ có thể cùng làm việc với nhau, cùng cầu nguyện với nhau, cùng tranh đấu với nhau, cùng đi tù với nhau, cùng đứng lên với nhau (để tranh đấu) cho tự do, với niềm tin chắc chắn rằng sẽ có ngày chúng ta được tự do”...
Cuộc tập họp vĩ đại với bài diễn văn lịch sử – ngay nơi đài Tưởng niệm Abraham Lincoln tại thủ đô Washington DC vào mùa Hè năm 1963 đó - đã gây một tiếng vang sâu rộng trên tòan thể quốc gia – kết quả là thúc đảy chánh phủ Liên bang mau chóng đưa ra những đạo luật cụ thể hóa những quyền lợi chính đáng của khối người da màu ở Mỹ.
Nhưng khi đem áp dụng sự cải tổ đó tại các địa phương, thì lại gặp sức chống đối của những phần tử cực kỳ bảo thủ ngoan cố tại các tiểu bang ở miền Nam – các người này được gọi là “kẻ chủ trương nhất quyết duy trì sự ưu việt của người da trắng” (white supremacist). Những người quá khích cực đoan này đã tìm mọi cách tàn bạo thâm độc để đe dọa, ngăn cản, kể cả khủng bố bằng bạo lực đối với bất kỳ ai có can đảm đứng ra bênh vực phẩm giá và quyền công dân của người da màu. Điển hình là các tóan thiện nguyện viên gọi là “Freedom Riders” (Lữ hành vì Tự do) đi đến các khu cư dân da màu để giúp họ làm thủ tục ghi tên tuổi vào danh sách cử tri để cho họ có thể tham gia đi bàu cử. Đã có nhiều đòan viên bị sát hại và xe bị phá hủy, đốt cháy. Điều đáng ghi nhận là trong số các “Freedom Riders” này, lại có cả những thanh niên da trắng từ các tiểu bang miền Bắc là nơi đã từ lâu không còn có chế độ nô lệ.
Quả thật, đây là một cuộc đấu tranh thật là trường kỳ gian khổ – mà ngay tại một quốc gia được tiếng là văn minh như nước Mỹ - thì cũng không thể nào mà dễ dàng tự mình gỡ bỏ để vượt thóat được cái gánh nặng từ một truyền thống lịch sử đau buồn với đày dảy tình trạng vô nhân đạo “kẻ mạnh mẽ khôn khéo thì luôn luôn tìm cách bóc lột đàn áp người cô đơn yếu thế” - như đã xảy ra tại miền Nam nước này từ bao nhiêu thế kỷ trước đây.
Nhưng Martin Luther King thì vẫn kiên trì tiếp tục cuộc đấu tranh của mình đúng theo chủ trương “bất bạo động” trước kia của Mahatma Gandhi. Vì thế, mà ông đã được tặng Giải thưởng Nobel Hòa bình vào năm 1964 – lúc ông vừa mới có 35 tuổi và được coi là vị khôi nguyên trẻ tuổi nhất của Giải thưởng thật cao quý này cho đến năm ấy.
Nhưng hỡi ôi ! Vào tháng 4 năm 1968 mũi súng của kẻ sát nhân cuồng tín đã cướp đi mạng sống của nhân vật kiệt xuất này – cũng tương tự như vụ Mahatma Gandhi đã bị sát hại vào tháng Giêng năm 1948 tại Ấn độ. Không những cả nước Mỹ, mà còn cả thế giới đều đã đau buồn bị chấn động sâu sắc trước vụ thảm sát vô cùng tàn ác này.
Mặc dầu vậy, sự nghiệp tranh đấu bất bạo động của Gandhi, của Luther King cho chính nghĩa của Phẩm giá và Dân quyền cũng như Nhân quyền vẫn được các thế hệ hậu sinh tiếp nối. Và như ta thấy ngày nay, vào nửa thế kỷ sau bài diễn văn “I have a dream” lịch sử năm 1963 đó, thì tại nước Mỹ cuộc sống của các sắc dân thiểu số đã được cải thiện rất nhiều – đặc biệt là của người da màu. Và riêng đối với người Việt chúng ta là những người nhập cư sau này, thì rõ rệt là chúng ta cũng đã được hưởng cái thành quả của cụôc tranh đấu gian khổ trước đây của những bậc anh hùng như Martin Luther King, như Cesar Chavez.. nữa.
Và còn hơn thế nữa, lý tưởng Dân quyền và Nhân quyền đã được phổ cập tại khắp nơi trên thế giới - với hàng vạn hàng triệu những tổ chức, những nhóm nhỏ thuộc khu vực XHDS – đang năng nổ tích cực họat động thông qua những sáng kiến tân kỳ độc đáo nhằm đưa ra được những giải pháp cụ thể thiết thực cho từng hòan cảnh thực tế ở mỗi địa phương – tất cả đều quy vào mục tiêu đề cao Nhân phẩm, bảo vệ Nhân quyền và thực hiện Công bằng Xã hội.
Chiều hướng nhân bản và nhân ái đó chính là sự thực hiện cái giấc mơ cao đẹp của những nhân vật lý tưởng tiêu biểu của thế kỷ XX như Mahatma Gandhi, như Martin Luther King v.v... đã để lại cho thế hệ chúng ta ngày nay đang ở vào đầu thế kỷ XXI vậy.
Westminster California, ngày 21 tháng Tám 2013
Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013
Đoàn Thanh Liêm - Tính sổ nhân Mùa Lễ Vu Lan Quý Tỵ 2013
Ghi nhận của Đoàn Thanh Liêm
Hồi đầu tháng Bảy năm nay, thi văn đoàn Lạc Việt tại San Jose có tổ chức một buổi Tưởng niệm và Vinh danh bốn nhân vật có sự đóng góp đáng kể trong lãnh vực văn nghệ và truyền thông báo chí - mà mới qua đời trong mấy năm gần đây. Đó là nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, cùng các nhà thơ : Nữ sĩ Trùng Quang và Hà Thượng Nhân, Hàn Ly Mạc.
Và mới đây, vào giữa tháng Tám tại cơ sở tòa báo Người Việt ở Westminster cũng đã có Lễ Giỗ được gọi là Hiệp Kỵ để tưởng niệm bảy Huynh trưởng đã từng sinh họat tích cực trong lãnh vực văn hóa xã hội của giới thanh niên từ nhiều năm trước ở Việt nam – mà cũng đã ra đi mới đây. Đó là quý anh : Đỗ Ngọc Yến, Lê Đình Điểu, Trần Đại Lộc, Ngô Mạnh Thu, Nguyễn Đức Quang, Trần Đình Quân và Lý Văn Chương.
Riêng đối với tôi, thì chỉ riêng từ đầu năm 2012 đến nay là giữa năm 2013, tính ra tôi đã mất đi đến mấy chục người vừa là đồng nghiệp, đồng sự, vừa là bạn hữu thân thiết. Vì số người từ giã cõi đời đông như vậy, nên tôi không thể viết bài Tưởng niệm cho mỗi cá nhân từng vị một. Vì thế, mà nhân Mùa Lễ Vu Lan này, tôi xin viết bài này để ghi lại danh tánh của các vị đó – cùng ít kỷ niệm thân thương về một số bạn mà cũng xuất thân từ tỉnh Nam Định như tôi. Coi như đây là nén hương lòng tôi xin gửi đến mỗi vị trong số tập thể những người thân thiết mà vừa mới ra đi trong thời gian gần đây. Để cho bạn đọc dễ theo dõi câu chuyện, tôi xin ghi theo một số nhóm đại khái như sau đây.
1 – Giới luật gia gồm luật sư, thẩm phán và giáo sư trường luật.
* Số luật sư lìa đời thì khá đông, cụ thể như quý đồng nghiệp Nguyễn Hữu Phú (mất đầu năm 2012 ở tuổi 97), Nguyễn Trọng Quỳnh (mất ở Pháp tháng 10/2012 ở tuổi 70), Lê Tất Hào (mất đầu năm 2012 tại California ở tuổi 80), Nguyễn Văn Quý (mất đầu năm 2012 tại Texas ở tuổi 90), Phạm Quỵ (mất đầu năm 2013 tại tiểu bang New Mexico ở tuổi 90) Lưu Đức Quỳnh, Vũ Ngọc Tuyền ( hai anh đều mất giữa năm 2013 ở California và cùng ở tuổi 90), Trần Phương Loan (mất cuối năm 2012 ở Texas chưa đến tuổi 70), Nguyễn Kim Loan (mất đầu năm 2013 tại Washington DC cũng chưa đến tuổi 70).
* Về giới thẩm phán, thì có các ông Mai Văn An (mất ở San Jose vào tuổi 90), Đào Minh Lượng (mất vào đầu năm 2013 ở California ở tuổi 75), Vũ Văn Hồng (mất đầu năm 2012 tại Texas ở tuổi 80).
* Về giáo sư trường Luật, thì có ông Mai Văn Lễ (mất đầu năm 2013 ở Texas vào tuổi 87 – giáo sư Lễ cũng hành nghề luật sư nữa), ông Trần Như Tráng (mất đầu năm 2013 ở California vào tuổi 76), cụ Nguyễn Quang Quýnh (mất vào tháng 7/2013 tại California vào tuổi 90).
2 – Nhóm cựu sinh viên di cư từ miền Bắc vào Nam năm 1954.
Ít nhất là có ba trường hợp mà tôi biết rõ, đó là các giáo sư Tô Đồng (mất ở California cuối năm 2012 vào tuổi 80) và Đặng Vũ Biền (mất ở Paris tháng 5/2013 vào tuổi 86) và anh Nguyễn Cao Thăng (chuyên viên kinh tế – mất ở San Jose tháng 5/2013 vào tuổi 78).
3 – Hội viên Hội Ái hữu Hành chánh Tài chánh Quân lực VNCH.
Có ít nhất 3 sĩ quan thuộc cùng ngành Hành chánh Tài chánh với tôi - mà đã ra đi kể từ cuối năm 2012 đến nay. Đó là Đại tá Nguyễn Văn Phiên, Trung tá Lâm Văn Sửu, Thiếu tá Phạm Văn Thạch – cả ba vị đều mất tại California vào tuổi 90 và 80.
4 – Cựu tù nhân chính trị ở Hàm Tân Phan Thiết hồi thập niên 1990.
Đó là bác Lý Trường Trân (mất ở California đầu năm 2013 vào độ tuổi 90).
II – Một vài kỷ niệm với mấy bạn xuất thân từ cùng tỉnh Nam Định ở miền Bắc Việt nam.
1 – Luật sư Vũ Ngọc Tuyền.
Anh Tuyền là con út của cụ Thượng Vũ Ngọc Hóanh quê tại làng Lục Thủy, huyện Xuân Trướng, tỉnh Nam Định, mà cũng là quê của bà ngọai tôi thuộc dòng họ Vũ Ngô nữa. Anh là chú ruột của Bác sĩ Vũ Ngọc Hòan – mà anh cho biết hai chú cháu lại cùng một tuổi với nhau. Hồi trước năm 1975, anh Tuyền cùng làm việc chung văn phòng luật sư với chị Nguyễn Phước Đại. Nên vào năm 2003 –4, anh có về Việt nam và tìm cách liên lạc với chị Đại – nhưng đã không làm sao gặp được chị, vì lý do chị bị cách ly trong một cơ sở dành riêng cho người cao tuổi. Do đó, anh nhờ tôi để gửi biếu chị Đại một số tiền – mà tôi đã nhờ được người nữ tu là em ruột của một người bạn để giúp trao tận tay cho chị Đại. Và chị Đại cũng viết thư xác nhận với tôi là chị cũng đã nhận được món tiền đó.
Một số bạn tại San Jose cho tôi hay chị Tuyền là một người rất thành công trong việc kinh doanh buôn bán ở địa phương, nên chị đã giúp cho anh Tuyền khỏi phải bận tâm đến chuyện phải lo kiếm tiền trên đất Mỹ. Chị Tuyền cũng mất tại San Jose vài năm trước đây.
2 - Giáo sư Đặng Vũ Biền.
Khi di cư vào Nam năm 1954, thì anh Biền đã vừa mới tốt nghiệp văn bằng dược sĩ rồi. Anh Biền quê quán tại làng Hành Thiện cũng gần với làng Cát xuyên của tôi, trong cùng một huyện Xuân Trường, nên có nhiều bạn bè đồng hương chung với nhau. Anh được tiếng là một sinh viên thật xuất sắc – mà cũng rất năng nổ họat động trong việc tổ chức Quán cơm Sinh viên và mở các lớp học hè bổ túc cho học sinh tại Hanoi. Ngòai văn bằng dược sĩ, anh còn đậu cả 5 chứng chỉ về tóan, vật lý và hóa học. Rồi sau đó đi du học tại Pháp và đã đậu bằng Tiến sĩ khoa học tại Paris. Về lại nước, anh Biền đi dậy tại Đại học Dược khoa và còn giữ chức vụ Khoa trưởng nữa.
Năm 2012, lúc ghé qua Paris, tôi đã có dịp nói chuyện với anh Biền qua điện thọai, sau bao nhiêu năm xa cách. Anh cho tôi sô điện thọai của chị Thảo là bà xã của anh Nguyễn Xuân Nghiên cũng là dân Hành Thiện – mà trước đây là một giáo sư có tiếng chuyên dậy môn Lý Hóa cho các học sinh chuẩn bị đi thi bằng Tú Tài. Tôi sẽ có dịp viết chi tiết hơn về anh Biền trong tờ Đặc san của Hội Ái hữu Hành Thiện vào dịp đầu Xuân Giáp Ngọ 2014.
3 – Chuyên viên kinh tế Nguyễn Cao Thăng.
Anh Thăng cùng miền quê với tôi ở tỉnh Nam Định, lại cùng học luật và cư trú trong cư xá Phục Hưng với tôi. Sau khi tốt nghiệp văn bằng cử nhân, anh được học bổng qua Mỹ để học lên bậc Cao học. Trở về nước, anh làm chuyên viên nghiên cứu về kinh tế trong Tổng Nha Kế Hoạch. Sau năm 1975, anh Thăng bị kẹt lại và phải tìm cách vượt biên bằng đường biển.
Từ ngày qua định cư ở Mỹ năm 1996, tôi đã gặp lại Thăng ở San Jose. Lúc đó, ngòai việc đi làm, anh còn giữ chức vụ Chủ tịch Cộng đồng Công giáo tại xứ đạo Saint Patrick ở khu vực downtown. Mấy năm gần đây, anh bị stroke và phải nằm liệt giường trong thời gian dài. Và cuối cùng, anh đã từ giã cõi đời vào hồi tháng 5/2013 vừa đây ở vào tuổi 78. Các bạn đồng hương chúng tôi đều thương tiếc và quý mến người bạn thật chân tình và khiêm tốn này.
** Ngòai ba anh bạn đồng hương nói trên, còn có anh Mai văn Lễ cũng là dân xuất thân từ thị xã Nam Định nữa. Nhưng tôi đã viết chi tiết về anh Lễ lúc anh mới qua đời.Tôi cũng viết về kỷ niệm trong tù với bác Lý Trường Trân nữa. Còn các quý vị và các bạn khác, thì cũng đã nhiều người viết trên Nội san của các tổ chức liên hệ nữa rồi. Vậy, tôi xin tạm ngưng bài viết ở đây với lời cầu chúc đến với tất cả quý vị và quý bạn luôn được thanh thản nơi cõi Vĩnh Hằng (RIP).
Costa Mesa, California tháng Tám 2013
Đoàn Thanh Liêm
Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013
Đoàn Thanh Liêm - Niềm vui mùa Hè tại California
Đoàn Thanh Liêm
Hồi giữa tháng 6 năm 2013 này, lúc tôi đang thăm viếng bà con ở Texas, thì thời tiết ở đây đã bắt đầu lên tới 90 – 95 độ F (cỡ 35 độ C). Dịp này mấy bạn hỏi thăm tôi bên California lúc này ra sao, chắc là không có nóng bức như ở bên Texas chúng tôi đấy nhỉ. Tôi gật đầu, và trả lời các bạn đại khái ở thành phố Costa Mesa nơi gia đình tôi cư ngụ, thì gần kề bãi biển Huntington Beach, Newport Beach – nhờ có gió biển thổi nên vào mùa hè khí hậu cũng tương đối mát mẻ dễ chịu – trung bình cỡ 70 – 80 độ F vào ban ngày, còn ban đêm thì nhiệt độ xuống cỡ 60 – 65 độ thôi. Tại nhà tôi, thì ít khi phải mở máy lạnh vào mùa hè, mà cũng chẳng mấy khi phải mở máy sưởi vào mùa đông nữa. Các bạn nghe vậy, thì đều trầm trồ khen ngợi và nói rằng : “California của anh quả thật là thiên đường dưới thế đấy!”
Thật vậy, suốt tháng Bảy vừa qua, tại miền Nam California, thì ít khi trời nóng quá 86 độ F (30 độ C). Và tại miền Bắc như ở San Jose, thì cũng ít khi nhiệt độ lên tới quá 90 độ. Mà riêng ở San Francisco, thì luôn luôn mát mẻ, buổi sáng sớm mùa hè có khi còn lạnh cỡ 50 – 60 độ F nữa.
Nhưng điều hấp dẫn nhất tại miền Nam California vào mùa hè, đó là cái bãi biển dài đến ba trăm cây số – kéo dài suốt từ Santa Barbara qua Orange County xuống đến phía cực nam là San Diego.
Mà riêng Huntington Beach lại còn được gọi là thành phố lướt sóng trên thế giới nữa (surf city of the world). Cao điểm là vào dịp nghỉ Lễ Độc Lập (July Fourth), thì bãi biển Huntington Beach có thể thu hút đến cả triệu lượt du khách từ nhiều nơi xa đến nghỉ mát và tham gia các thứ sinh họat ngòai trời – như môn thi trượt sóng, biểu diễn lăn xe nghệ thuật, thi đấu beach volleyball, đốt lửa trại vào ban đêm, câu cá trên cầu tàu (pier) v.v... Nói chung, thì Huntington Beach luôn tìm cách thu hút đủ thứ khách du lịch vào mùa hè, dù là từ phương xa hay từ khu vực lân cận tìm đến nơi đây. Và lớp già cũng như lớp trẻ đều thỏai mái sử dụng những tiện nghi thật là đa dạng phong phú do thiên nhiên cũng như do con người luôn luôn hào phóng cống hiến cho bất kỳ ai muốn đến thưởng ngọan không khí trong lành mát dịu tại bãi biển đầy cát mịn trải dài đến cả mấy dặm này.
1 – Bãi biển buổi sáng sớm được dành riêng cho người già. Còn lại buổi trưa và chiều thì thường là nơi sinh họat ưa thích của giới trẻ.
Số đông bà con người Việt cư ngụ trong khu vực Little Saigon, thì cũng khá gần với các thành phố có bãi biển thật đẹp như Huntington Beach, Newport Beach, Laguna Beach... Lái xe riêng, thì chỉ mất cỡ 15 – 20 phút, còn đi xe bus thì cũng chỉ hết cỡ 30 – 50 phút là bà con đã có thể đi tới bờ biển được rồi. Riêng xe bus, thì có đến ít nhất là 10 tuyến đường thuộc hệ thống chuyên chở công cộng địa phương điều hành (Orange County Transportation Authority = OCTA) chạy từ khu vực nội ô để đi ra bãi biển. Điển hình như xe số 25 chạy theo đường Golden West, xe số 29 chạy theo đường Beach, xe số 33 chạy theo đường Magnolia, xe số 35 chạy theo đường Brookhurst, xe số 47 chạy theo đường Fairview… Đặc biệt xe số 1 chạy dọc bờ biển dài đến 20 dặm - theo đường Pacific Coast Highway (PCF) suốt từ Long Beach xuống tận San Clemente là thành phố cực nam của Quận Cam. Rõ ràng là xe bus là phương tiện được nhiều người lớn tuổi ưa thích nhất - để mà đi tới các bãi biển vào mùa hè nắng ấm tại miền Nam California của chúng tôi.
* Vào buổi sáng sớm, khỏang từ 7 giờ trước khi mặt trời mọc – thì rất đông người lớn tuổi kéo nhau ra đi bộ dọc theo bãi biển. Cứ mỗi một tóan chừng năm ba người vừa đi vừa rôm rả chuyện trò tâm sự – mà vì trời còn lạnh, nên ai nấy đều phải khóac thêm áo ấm với mũ đội đầu. Nhiều buổi sáng ra bãi biển Huntington Beach, tôi thường gặp lại các cặp bạn già ở vào lứa tuổi bát tuần như các anh chị Nguyễn Bảo Trị, Phạm Văn Hòang, Nguyễn Khoa Khương… Gần như không ngày nào mà các bạn cao tuổi này lại không dành ra một hai giờ để cùng dắt nhau tản bộ dọc theo bờ biển, nghe sóng vỗ rì rầm và nhất là để được hít thở không khí trong lành trong khỏanh khắc tinh khôi đầu ngày. Có bạn còn cởi giày đi chân trần trên cát ướt để chữa bệnh nữa.
* Vào buổi trưa, thì bãi biển gần như chật kín những người trẻ cỡ tuổi 50 trở xuống – với cả gia đình gồm vợ chồng và lũ con nhỏ. Một số thì lội xuống tắm biển hay trượt sóng (surfing), một số thì nằm phơi mình trên bãi cát. Rất nhiều thanh niên rủ nhau chơi bóng chuyền - được gọi là Beach Volleyball – tại hàng chục sân có lưới căng sẵn. Mỗi bên chỉ cần hai người là đã có thể bắt đầu trò chơi thể thao rất ư phổ biến này. Tính ra có đến hàng trăm những sân chơi bóng chuyền như thế dọc theo các bãi biển ở miền Nam California. Buổi chiều tối, thì lại có màn “đốt lửa trại” nơi các lò xây cất bằng ciment rải rác trên bãi cát – chỉ cần vài ba bó củi là có thể đốt thành ngọn lửa cháy nổ bập bùng mà tỏa độ ấm cho cả nhóm trại viên giữa bầu trời đã bắt đầu lạnh lẽo vì gió biển vào buổi tối khuya.
Quả thật, bầu không khí dịu mát và không gian thông thóang của bãi biển đã giúp cho mọi lớp tuổi già trẻ có được những giờ phút sinh sống thật là lành mạnh và thỏai mái. Nhìn ngắm các bạn trẻ vui cười hồn nhiên trên bãi biển, người lớn tuổi cũng cảm thấy mình được tăng thêm cái phần nô nức phấn chấn – được lây nhiễm cái vui tươi rạng rỡ đó – như trong câu ngạn ngữ tiếng latinh “Gaudens gaudentibus” (Vui với người vui).
2 – Câu chuyện trao đổi với cháu Lucy ngòai bãi biển.
Nhân tiện, tôi cũng xin kể về chuyện gặp gỡ trao đổi với cháu Lucy trong một quán giải khát trên bãi biển Huntington Beach vào một buổi trưa hồi cuối tháng bảy mới đây. Lúc tôi mang ly cà rem đến ngồi chung bàn với Lucy, thì cháu đang say mê đọc một cuốn sách dày cộm. Tôi lên tiếng trước và hỏi cháu đang đọc cuốn sách gì mà lớn thế. Lucy nói là đang đọc Kinh thánh (Bible), cháu vào khỏang 21 – 22 tuổi và đang học về cơ khí tại một trường College. Kỳ hè này, cháu dành 4 ngày trong tuần lái xe đi giao bánh pizza để dành tiền trang trải cho việc học. Lucy cho biết vào ngày thứ sáu, thì kiếm được nhiều tiền hơn cả, vì phải đi giao bánh cho 9 – 10 thân chủ - và ngòai tiền công do chủ tiệm bánh trả, thì cháu còn nhận thêm được tiền tip do các gia chủ tặng riêng cho cháu nữa. Cháu cho biết mỗi tuần có thể kiếm được cỡ 400 dollar. Lucy vẫn còn ở chung với cha mẹ là người gốc từ Nam Mỹ đến nhập cư đã lâu tại Mỹ.
Đến lượt Lucy hỏi tôi về nghề nghiệp, gia đình v.v…, thì tôi cho cháu biết tên tôi là Liêm nghĩa là Honesty, mà tôi làm nghề luật sư nay đã nghỉ hưu. Như vậy, các bạn Mỹ thường gọi tôi là Lawyer Honesty đấy. Lucy cười lớn tiếng và nói : “That’s so funny!” Tôi cho cháu biết thêm chi tiết : Tên của tôi là do cha mẹ chọn lựa mà đặt cho tôi, chứ không phải do tôi tự ý chọn lựa cho mình được. Vì thế mà tôi phải cố gắng sống lương thiện theo đúng với sự ước mong của cha mẹ tôi (I have to be honest – living up to my parents’ expectations. That’s it – in spite of myself!).
Lucy gật đầu, tỏ ý thông hiểu. Và cháu cũng giải thích cho tôi biết tên Lucy có nghĩa là Ánh sáng (Light từ gốc tiếng Latinh Lux). Tôi nói : Như vậy thì cháu cũng có nhiệm vụ phải góp phần làm cho cuộc sống được tươi sáng hơn có đúng như thế không? (the light has to be shining, is that right?)
Trước khi chia tay với Lucy, tôi còn hát câu : “You are my sunshine, you are my sunshine…” Lucy cười thật tươi và nói : “Good bye, Mr Honesty”. Thật là một kỷ niệm đẹp đẽ dễ thương đáng nhớ vậy.
3 - Sinh họat tập thể rất phong phú đa dạng của các Hội đoàn.
Mùa hè nắng ấm, học sinh được nghỉ, nên bà con người Việt mình từ nhiều nơi xa – thường kéo nhau về California để vừa thăm viếng thân nhân, vừa du lịch tham quan danh lam thắng cảnh và nhất là đi tắm biển. Vì thân nhân của họ ở tập trung nhiều nhất tại khu vực Little Saigon ở miền Nam và tại khu vực San Jose ở miền Bắc, nên họ có nhu cầu di chuyển hai chiều giữa hai khu vực này qua một lộ trình dài đến trên 400 dặm. Mà nhờ có hệ thống Xe Đò Hòang, nên việc đi lại giữa hai khu vực rất là tiện lợi, mau lẹ mà lại với giá tương đối thật rẻ – so với xe chuyên chở của người Mỹ như hãng Greyhound vừa tốn thời giờ, vì phải ngừng tại rất nhiều trạm, hoặc phải chuyển đổi xe mà lại phải giá cao hơn nhiều nữa.
Nhưng sinh họat nhộn nhịp khởi sắc nhất vào mùa hè là do các hội đòan lớn nhỏ rất đông ở California. Đó là những hội Ái hữu Cựu học sinh các trường ở miền Nam Việt nam, hội Đồng hương các tỉnh, các địa phương, tổ chức của các tôn giáo, hội Ái hữu của các đơn vị thuộc Quân đội, Cảnh sát v.v...Riêng tại California, thì con số các hội đòan như thế có thể lên đến cả ngàn đơn vị : đó là cơ sở nòng cốt của Xã hội Dân sự trong cộng đồng người Việt tại đây. Hình thức sinh họat phổ biến nhất là các buổi cắm trại ở ngòai bãi biển hay trong các công viên – lối sinh họat ngòai trời như thế vừa thỏai mái hấp dẫn, lôi cuốn được mọi giới già trẻ, lớn bé – mà lại cũng ít tốn phí nữa.
* Điển hình như vào ngày Chủ nhật cuối tháng Bảy, có đến 26 hội cựu học sinh các trường của Việt nam Cộng hòa cùng hợp chung với nhau để tổ chức một buổi picnic tại khu vực Công viên Mile Square Park thuộc thành phố Fountain Valley – thu hút được đến cả ngàn người tham dự. Từng nhóm bạn bè thân hữu, bạn đồng môn đều tay bắt mặt mừng gặp gỡ hàn huyên tâm sự với nhau và cùng hăng say tham gia trình diễn những màn văn nghệ thật hấp dẫn ngộ nghĩnh như các mục tân cổ nhạc, múa tập thể, ngâm thơ hoặc say sưa với mấy trò chơi thể thao phổ thông như kéo dây, đánh cầu v.v...
* Cũng ở miền Nam California, Ban Tù Ca Xuân Điềm vào ngày Chủ nhật 21 tháng Bảy đã tổ chức buổi sinh họat văn nghệ để kỷ niệm năm thứ 20 ngày thành lập và cũng để gây quỹ nhằm yểm trợ các tù nhân lương tâm ở Việt Nam hiện nay. Buổi sinh họat đã lôi cuốn được khỏang 600 người đến tham dự để thưởng ngọan những màn văn nghệ thật mới lạ, độc đáo – đặc biệt có cả một vở kịch diễn tả sự tàn ác đối với các thân nhân của các tù nhân bị giam giữ khắc nghiệt trong các trại giam được gọi là “trại cải tạo”.
* Tại miền Bắc California, thì cũng có rất nhiều sinh họat do các Hội đòan tổ chức mà cũng đặc sắc không thua kém gì so với ở miền Nam. Điển hình là Đại nhạc hội “Cảm Ơn Anh” để gây quỹ yểm trợ các thương phế binh của Quân lực Việt nam Cộng hòa - được tổ chức vào cuối tháng 7 và đã đạt được sự ủng hộ nhiệt thành của bà con đồng hương tại đây với kết quả thu nhập lên tới gần 700,000 dollar.
* Đặc biệt còn phải kể đến buổi trình diễn văn nghệ vào ngày Chủ nhật đầu tháng 8 - do các nghệ sĩ khuyết tật sáng tác và biểu diễn trong chương trình có tên gọi là “Ngọc Trong Tim”. Nhạc sĩ Hà Chương hòan tòan khiếm thị mà sáng tác và trình bày những bản nhạc thật độc đáo, cụ thể như bài “Cõng Mẹ Đi Chơi”. Cô ca sĩ Thủy Tiên bị ngọng câm từ nhỏ mà do nghị lực phi thường đã vượt qua được tật nguyền để trở thành người hát rất hay – cô được khán giả yêu cầu trình diễn nhiều bài ca quen thuộc của Trịnh Công Sơn như bài “Diễm Xưa”, “Mưa Hồng”. Người ca sĩ này làm cho tôi nhớ lại chuyện của nhà hùng biện nổi danh thời xưa của Hy Lạp : đó là ông Demosthènes đã dày công luyện tập bằng cách ngậm hạt sỏi để tập nói giữa không gian mênh mông ngòai bãi biển. Nhờ đó mà ông đã vượt qua được chứng bệnh nói lắp.
* Người nhạc sĩ bị cụt hết cả cánh tay mặt, ấy thế mà vẫn có thể đánh đàn guitare và thổi harmonica một cách rất điêu luyện. Đó là anh Thế Vinh. Nhạc sĩ này còn mở cả một trung tâm đào tạo dành riêng cho các người khuyết tật, nuôi ăn và luyện thi cho nhiều học viên thi đậu vào các đại học với tỷ lệ 100%. Trung tâm này có tên là Hướng Dương tọa lạc trong tỉnh Bình Dương – mà trong dịp này đã được nhiều khán giả góp tiền để yểm trợ. Trong số này, phải kể đến một người có tấm lòng vàng, đó là bà Kiều Đông Phương – nhà hảo tâm này đã cam kết yểm trợ cho Trung Tâm Hướng Dương trong một năm liền 12 tháng với số tiền mỗi tháng là 1,000 dollar – kể từ tháng 8 năm 2013 này.
** Tính ra có đến hàng trăm những buổi sinh họat quy tụ số đông người tham dự đại khái như thế vào các ngày nghỉ cuối tuần, ở khắp nơi có người Việt cư ngụ tại California. Nhiều hội đòan còn tìm cách lôi cuốn thế hệ con, cháu thuộc gia đình các thành viên gọi là “lớp hậu duệ” – để các cháu tiếp nối và phát triển thêm khởi sắc cái truyền thống sinh họat tập thể và liên đới tương trợ của thế hệ cha anh. Đây là một cố gắng nhằm duy trì cái bản sắc dân tộc nơi thế hệ hậu duệ vốn có khuynh hướng “hội nhập quá nhanh chóng vào dòng chính của xã hội sở tại – mà lại dễ dàng quên đi cái cội nguồn văn hóa dân tộc của cha ông mình”. Rõ ràng đây là một sự thử thách đầy cam go đối với những phụ huynh có sự quan tâm sâu sắc đến tương lai của lớp con, lớp cháu hiện đang định cư ở hải ngọai vậy.
Vấn đề khá bao quát và tế nhị phức tạp, tôi xin phép được thảo luận chi tiết hơn trong một dịp khác.
Costa Mesa California, đầu tháng Tám năm 2013
Đoàn Thanh Liêm
Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013
Đoàn Thanh Liêm - Niềm vui của tuổi già trong thời đại Internet
Đoàn Thanh Liêm
Thế hệ chúng tôi đang ở vào lứa tuổi 70 – 80, đã về nghỉ hưu để mà an tâm dưỡng trí được rồi. Cuộc đời quả thật đã nhiều phen lận đận nổi trôi theo vận nước – vốn từng bị lôi cuốn vào cuộc chiến tranh liên tục suốt 30 năm (1945 – 1975). Và rồi sau đó là chế độ độc tài chuyên chế cộng sản – và bây giờ là cuộc sống định cư ở nước ngoài.
Nhiều người được cái may mắn có con cháu thành đạt, lại có lòng hiếu thảo – nên được các cháu chăm lo săn sóc cho thật là chu đáo từ việc ăn uống, áo quần đến chuyện nhà ở, và gia đình cả ba bốn thế hệ con cháu lại thường có dịp xum họp quây quần bên nhau v.v... Nhờ vậy mà gia đạo có phần được an vui, yên ấm. Đó là niềm an ủi thật lớn lao quý báu cho tuổi già sinh sống xa quê hương bản quán của mình vậy.
Không còn bị vướng mắc với chuyện phải chật vật bươn chải lo toan kiếm sống cho bản thân và cho gia đình với các món “cơm áo gạo tiền” gì gì nữa, nên chúng tôi có thật nhiều thời gian rảnh rỗi – mà có một vài người lại còn than phiền, đại khái như “không biết phải làm cái gì cho hết ngày hết giờ”... Lại nữa, người lớn tuổi thường ít ngủ, hay nằm trằn trọc trên giường, hoặc thức giấc nhiều lần trong đêm để mà lo chuyện “xả cái bàu tâm sự mau bị đầy ứ” ấy đi.
Nhưng cũng có người biết chấp nhận cái quy luật muôn thuở của cuộc sống trên cõi đời này, đó là chuyện “Sinh, Lão, Bệnh, Tử” - tức là cái tiến trình lão hóa do tính chất sinh học khách quan - mà không một sinh vật nào, kể cả bất kỳ con người nào mà lại có thể vượt thóat khỏi được. Nhờ vậy mà họ an tâm vui vẻ tìm cách thích nghi êm thắm với cái quá trình khuôn thước đó.
Trong vòng vài chục năm gần đây, nhờ sự phổ biến rộng rãi của Internet, nên các bạn lớn tuổi của tôi đã có thêm được một nguồn vui mới – khiến làm tăng thêm phẩm chất của cuộc sống – và như vậy là có thêm điều kiện để thực hiện được cái lý tưởng “Sống lâu và Sống có ích” như nhiều người đã tâm niệm từ bấy lâu nay.
Bài viết này nhằm ghi lại cái kinh nghiệm bản thân của một số huynh trưởng và bạn bè thân thiết - mà tôi thường gặp gỡ hay trao đổi qua mạng lưới điện tóan tòan cầu trong thời gian gần đây.
Nói chung, thì môi trường sinh họat ở nước ngòai có tính cách thông thóang hơn – cả về mặt vật chất như thực phẩm, dịch vụ chăm sóc y tế, vệ sinh môi trường thiên nhiên … được bảo đảm trong lành hơn – và cả về mặt văn hóa tinh thần cũng thỏai mái hơn vì không bị công an mật vụ nhòm ngó, kiểm sóat hạn chế mặt này mặt khác. Do đó, mà cuộc sống có được phẩm chất cao hơn (high quality of life) - bà con được tự do sinh họat thỏai mái dễ chịu, thơ thới vô tư hơn.
1 – Trước hết là trường hợp của nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh và của Giáo sư Phó Bá Long.
Cả hai vị này đều đã từ giã cõi đời cách đây không lâu. Nhưng họ đã sống rất thọ và ở tuổi 85 – 87 các vị vẫn còn hăng say nghiên cứu viết lách – mà đặc biệt là sử dụng internet khá thường xuyên trong việc giao tiếp với bà con bạn hữu hay tra cứu tham khảo tài liệu để viết báo viết sách. Nhà báo Sơn Điền còn tham gia viết báo thường xuyên khi đã tới tuổi thượng thọ 90 – ông chỉ ngưng viết vào hơn một tháng trước khi qua đời vào tháng 8 năm 2012 vì tuổi già kiệt sức. Mỗi lần tôi đến San Jose, thì đều ghé thăm ông tại khu cư xá bên cạnh thương xá Lion trên đường King với Tully. Ông luôn giữ được sự bình tĩnh sáng suốt tinh tường của một nhà báo kỳ cựu - mà có tay nghề dễ đến trên 60 năm.
Còn Giáo sư Long, thì vào cuối đời ông vẫn hăng say với nhiều công chuyện về giáo dục và văn hóa. Cụ thể là ông lo việc phổ biến cho công chúng tại Mỹ bản dịch tiếng Anh từ cuốn Hồi ký của Luật sư Nguyễn Mạnh Tường nguyên tác bằng tiếng Pháp “ L'excommunié “ (Kẻ bị khai trừ). Ông Long là môn sinh của Luật sư Tường tại trường Bưởi Hà Nội hồi trước năm 1945, và rất mến phục sự uyên bác của vị giáo sư dậy môn văn chương này. Trước khi mất vào năm 2009, ông Long vẫn liên lạc qua e-mail với tôi và ông thúc giục tôi phải chú ý thực hiện rất nhiều việc này chuyện nọ.
2 – Hai nhà văn Uyên Thao và Trần Phong Vũ với Tủ sách Tiếng Quê Hương.
Hai nhà văn kỳ cựu này đã bước vào tuổi bát tuần, nhưng từ nhiều năm nay các anh đã miệt mài làm việc để cống hiến cho độc giả đến trên 50 đầu sách trong Tủ sách Tiếng Quê Hương được ấn hành tại hải ngọai. Nhà văn Uyên Thao bị bệnh thật ngặt nghèo – phải cắt đi đến quá nửa cái bao tử – ấy thế mà suốt ngày đêm vẫn bám sát máy computer - để lo viết bài giới thiệu cũng như biên tập, nhuận sắc cho những cuốn sách do các tác giả trao phó cho việc xuất bản. Anh được bà con trong vùng thủ đô Washington mến mộ vì sức làm việc dẻo dai kiên trì liên tục từ trên cả chục năm nay.
Nhà văn Trần Phong Vũ là bạn học với tôi từ tuổi niên thiếu hồi trước năm 1945 tại thị xã Thái Bình – đến nay tình bạn giữa chúng tôi tính ra đã tới trên 70 năm rồi. Anh là người được bà con ở California đánh giá cao vì rất tháo vát năng nổ trên lãnh vực truyền thông báo chí, đài phát thanh, truyền hình... Và đặc biệt là anh sát cánh với Uyên Thao - người bạn đồng nghiệp lâu năm trong ngành phát thanh và báo chí trước đây ở miền Nam Việt nam – để cùng điều hành Tủ sách Tiếng Quê Hương.
Cả hai anh đều sử dụng nhuần nhuyễn kỹ thuật hiện đại của Internet, nhờ vậy mà công việc nghiên cứu, biên tập và sáng tác của các anh luôn có năng suất rất cao. Rõ ràng là hai anh đã có niềm say mê với sách vở chữ nghĩa và hiện đang sống thật sung mãn trọn vẹn cái tuổi của lớp người cao niên.
3 – Các bạn đồng môn tại Trường Bưởi & Chu Văn An .
Các bạn cùng học chung với tôi lớp Đệ Nhất Ban Tóan tại Trung học Chu Văn An ở Hà Nội niên khóa 1953 - 54, thì nay đều đã bước vào cái tuổi 80 cả rồi. Hiện nay, còn có tới trên 20 bạn vẫn giữ liên lạc được với nhau qua thư từ, điện thọai hay e-mail. Mùa hè năm 2012 vừa qua, tôi ghé qua Paris, thì gặp lại khá nhiều các bạn vốn đã sinh sống tại đó từ trên 50 năm nay – cụ thể là các bạn Phạm Xuân Yêm, Vũ Dương Tuyền, Bạch Lý Từ (em thày Bạch Văn Ngà). Và mấy bạn mới qua đây sau năm 1975 như Đỗ Đăng Di, Võ Thế Hào.
Trong buổi gặp nhau đông đủ tại nhà bạn Yêm ở thị trấn Bourg-la Reine, chúng tôi đã thỏa chí với đủ thứ chuyện hàn huyên tâm sự – nhắc lại bao nhiêu kỷ niệm của tuổi trẻ thơ mộng từ cái thời 60 năm trước trên đất Bắc. Và đặc biệt, chúng tôi lại còn nói chuyện qua điện thọai với nhiều bạn khác như Bùi Thiệu Tường ở Montréal Canada, Vũ Ngọc Óanh ở San Jose California, Vũ Tiến Thông, Vũ Hữu Bao ở Texas, Ngô Đình Thuấn ở Washington DC v.v... Bạn Di là trưởng lớp vẫn giữ được cái tác phong của con chim đầu đàn nhằm giữ vững cái mối tình keo sơn gắn bó giữa anh em chúng tôi – nhất là bạn lại rất siêng năng với chuyện thông tin liên lạc của các thành viên trong Nhóm qua Internet.
Nhân tiện, cũng xin ghi thêm về sinh họat của các Phân Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Trường Bưởi – Chu Văn An tại nhiều địa phương như ở Nam và Bắc California, ở Texas, ở Washington DC, ở Canada, ở Paris v.v... Mỗi năm, hầu hết các Phân Hội này đều tổ chức các buổi Hội Ngộ Mùa Xuân, Mùa Hè và còn ấn hành các cuốn Đặc san hoặc Kỷ yếu để ghi lại những kỷ niệm thân thương trìu mến về Trường Xưa, Bạn Cũ nữa. Và nhờ qua Internet, mà việc thông tin liên lạc được mau lẹ và phổ biến rộng rãi cùng khắp nơi trên thế giới. Quả thật Internet là một phương tiện thật đắc lực để giúp củng cố và tăng cường cái tình bạn từ thuở thiếu thời giữa các bạn đồng môn chúng tôi đều xuất thân từ trường Bưởi – Chu Văn An.
4 – Sinh họat của các Hội đòan khác.
Tôi tham gia sinh họat với nhiều hội đòan như Hội Ái Hữu Hành chánh Tài chánh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Hội Ái Hữu Luật khoa VN, Mạng Lưới Nhân Quyền VN … Và nhất là tôi còn hay viết bài gửi đăng trên nhiều báo giấy cũng như báo điện tử on-line tại nhiều nơi trên thế giới.
Trong khi sinh họat với các tập thể như vậy, lớp người lớn tuổi như chúng tôi lại được các bạn trẻ tiếp sức – mà các bạn trẻ thì thường là rất thành thạo về kỹ thuật điện tóan – nhờ vậy mà họat động của tập thể chúng tôi đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, có khi còn vượt quá sự mong ước của các thành viên nữa. Kết cục là anh chị em được tăng thêm niềm lạc quan phấn khởi sau những thành tựu thật tốt đẹp như thế.
Mà còn hơn thế nữa, lớp con cháu thuộc thế hệ thứ 2, thứ 3 trong gia đình thì lại còn nhuần nhuyễn gấp bội trong việc áp dụng những tiến bộ kỹ thuật về điện tóan – nên các cháu thường ra sức tiếp trợ về chuyên môn cũng như mua sắm máy móc hiện đại giúp nâng cao năng suất công việc của chúng tôi rất nhiều. Thành ra, tòan bộ gia đình gồm cả hai ba thế hệ đều cùng tập trung vào công chuyện xã hội nhân đạo cũng như tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam.
Qua việc hỗ trợ kỹ thuật cũng như tài chánh như thế, các cháu có thêm cơ hội để hiểu biết thấu đáo hơn về tâm sự cùng ước vọng của thế hệ người lớn tuổi – và từ đó mà có thêm sự thông cảm và quan tâm sâu sắc hơn đối với những vấn đề sinh tử của bà con ruột thịt của mình ở bên quê nhà. Và hệ quả là cái hố cách biệt giữa hai thế hệ già và trẻ trong cùng một gia đình (Generation Gap) cũng có cơ may được giảm bớt đi rất nhiều nữa.
5 – Kinh nghiệm cá nhân về sự tìm kiếm tài liệu trên Internet.
Nhân tiện, tôi cũng xin ghi vắn tắt về chuyện truy cập tìm kiếm thông tin tài liệu trên Internet. Phải nói rằng nhờ có Internet mà chúng ta có thể tìm được bất kỳ tài liệu nào liên hệ đến chủ đề mình đang theo đuổi nghiền ngẫm – nguồn thông tin đó lắm khi quá phong phú dồi dào đến nỗi có khi mình đâm ra nghi ngờ lúng túng không còn biết đúng sai ở chỗ nào nữa. Tuy nhiên, nếu mà giữ được sự bình tĩnh kiên nhẫn cần thiết, thì ta vẫn có thể tìm cách sàng lọc từ cái khối lượng thông tin hỗn độn đó để rút ra được những tài liệu khả tín, chính xác – khả dĩ có thể khai thác và sử dụng được cho bài viết của mình.
Việc này thường được gọi là “sự tiếp nhận có chọn lọc” (the selective reception) – đó là phương cách hiệu quả nhất cho bất kỳ cuộc truy tầm nghiên cứu nghiêm túc nào.
*
Nói vắn tắt lại, nhờ khôn khéo áp dụng những tiến bộ mới trong thời đại Internet ngày nay ở vào đầu thế kỷ XXI, mà lớp người cao niên đang có triển vọng đạt tới được năng suất cao hơn ở mọi lãnh vực sinh họat cũng như tranh đấu góp phần với bà con tại quê nhà - trong công cuộc xây dựng một xã hội thật sự tiến bộ, nhân bản và nhân ái theo trào lưu phổ biến của thế giới hiện đại.
Vấn đề là chúng ta phải thực sự có quyết tâm bền chí để cùng kết hợp với thế hệ trẻ là lớp con cháu nơi mỗi gia đình - trong việc hội nhập êm thắm với dòng chính của xã hội nơi chúng ta đã chọn lựa để mà định cư sinh sống lâu dài – sau khi thóat khỏi chế độ độc tài chuyên chế tòan trị do người cộng sản áp đặt trên quê hương bản quán là nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Nhờ có việc hội nhập tốt đẹp như vậy, mà chúng ta còn kêu gọi thêm được sự hỗ trợ thật quý báu và hiệu quả từ phía nhân dân các quốc gia văn minh dân chủ trên thế giới - trong ý hướng cùng góp phần vào công cuộc tranh đấu trường kỳ cho chính nghĩa tự do, dân chủ và phẩm giá con người của đồng bào ruột thịt Việt Nam chúng ta hiện đang sinh sống trên quê hương đất nước mình.
Và đó mới đích thực là niềm vui lý tưởng trọn vẹn - với ý nghĩa cao quý trong cuộc sống của thế hệ người lớn tuổi như chúng ta hiện đang định cư tại những quốc gia văn minh trên khắp thế giới ngày nay vậy.
Westminster, California Hạ tuần tháng Bảy năm 2013
Đoàn Thanh Liêm
Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013
Đoàn Thanh Liêm - Suy nghĩ về tầm nhìn của chúng ta
Đoàn Thanh Liêm
Từ xa xưa, cha ông ta vẫn thường nói : “Người sĩ phu quân tử thì phải biết nhìn xa trông rộng”, tức là phải cố gắng mà tìm hiểu cho rành mạch sâu sắc hơn về tình hình chung của xã hội, của đất nước đang biến chuyển ra sao – để rồi từ đó đề ra được một chương trình hành động sao cho thích hợp với nhu cầu đòi hỏi của tình thế. Mà nói theo lối văn hoa, thì đó là cái “viễn kiến”. Ngược lại, thì dân gian cũng bày tỏ sự coi thường đối những kẻ gàn dở, ngang bướng, tự cao tự mãn - ví họ như lọai “ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung”, tức là lọai người có cái nhìn chật hẹp không làm sao mà trông thấy hết được cái bàu trời bao la rộng mở của không gian thể lý vật chất, cũng như của vũ trụ tâm linh tinh thần.
Là một người có duyên may được tiếp cận học hỏi với nhiều bậc thức giả chuyên viên ở trong nước cũng như ngòai nước, tôi xin được chia sẻ với quý bạn đọc một vài ý kiến sơ khởi mộc mạc về cái tầm nhìn của chúng ta trong thế kỷ XXI hiện nay qua bài viết có nhan đề “ Suy nghĩ về Tầm nhìn của chúng ta” (Reflection on Our Vision) như được trình bày trong mấy điểm sau đây.
I - Quá trình nhận thức vấn đề.
Để bạn đọc tiện bề theo dõi câu chuyện, tôi xin tường thuật vắn tắt theo thứ tự thời gian một số điều mình đã tai nghe mắt thấy, đại khái như sau.
* Trước tiên, vào năm 1960, trong thời gian tập sự tại Thư Viện Quốc Hội Mỹ ở Washington, tôi có dịp thấy tại nơi đây có một nhóm nghiên cứu riêng về “Space Law” (Luật Không gian). Là một chuyên viên nghiên cứu về luật pháp (legal analyst) cho Quốc Hội Việt Nam thời Đệ nhất Cộng Hòa, tôi thật sửng sốt trước nhóm nghiên cứu này, bởi lý do là trong giới luật gia ở Việt Nam hồi đó không hề có một ai mà lại có thể đề cập đến vấn đề mới lạ và rộng lớn như thế. Nhưng đối với một siêu cường như nước Mỹ, thì quả thật là họ có khả năng và tầm nhìn rộng lớn để khởi sự công trình nghiên cứu về lãnh vực “Luật Không Gian” như vậy. Sự kiện này đã khơi gợi cho tôi một tầm nhìn sâu sắc rộng lớn hơn trong lãnh vực nghiên cứu luật pháp ở Việt Nam.
* Vào năm 1964 – 65, Tổng thống De Gaulle cũng đã lên tiếng kêu gọi giới thanh niên sinh viên nước Pháp là : “Chúng ta cần phải có một tầm nhìn vũ trụ“ (vision cosmique). Vào giữa thế kỷ XX, thì nước Pháp cũng như nước Anh không còn là một lọai cường quốc hàng đầu trên thế giới nữa. Tuy vậy, do trình độ phát triển cao về khoa học kỹ thuật cũng như về văn hóa học thuật, thì nước Pháp vẫn còn có một tầm ảnh hưởng đáng kể trên trường quốc tê, vì thế mà nhà lãnh đạo De Gaulle mới phát biểu kêu gọi khuyến khích giới thanh niên nước Pháp phải có một tầm nhìn rộng lớn bao quát như vậy.
* Cũng trong thời gian đó, thì tại nước ta, các nhà giáo dục ở miền Nam lại đưa ra chủ trương này : “Nền giáo dục của chúng ta phải được xây dựng theo cả ba tiêu hướng - đó là Nhân bản, Dân tộc và Khai phóng”. Chủ trương này rõ rệt là theo đúng với trào lưu của thế kỷ XX trên thế giới, nhất là sau cuộc tàn sát từ 2 cuộc thế chiến 1914 – 18 và 1939 – 45, thì nhiều quốc gia đã cố gắng tìm cách xây dựng một xã hội theo tinh thần tôn trọng phẩm giá và quyền con người một cách triệt để hơn. Mà điển hình là sự công bố Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền do Liên Hiệp Quốc đưa ra tại Paris vào năm 1948.
* Nhưng sau năm 1975, khi đổi tên nước ta thành “Cộng hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”, thì giới lãnh đạo cộng sản lại nêu khẩu hiệu kêu gọi tòan thể dân tộc phải : “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Chủ nghĩa Xã hội ”. Vào thời gian đó, thì tôi được một anh bạn tên là anh Năm - vốn quen biết trong giới Phật tử chuyên làm công tác xã hội từ hồi thập niên 1960 – 70 – anh Năm tâm sự với tôi đại khái như sau : “Vấn đề cần thiết cho chúng ta lúc này, đó chính là cái tầm nhìn phải vừa đủ xa, đủ rộng để có thể từ đó mà đề ra được một đường hướng tiến bộ thích hợp với những đòi hỏi thực tế mà cấp bách của thời đại...”
* Vào cuối thập niên 1980, trước khi bị công an cộng sản tại Việt Nam bắt giữ, thì tôi được đọc trên báo chí nước ngòai cái khẩu hiệu được giới trẻ trên thế giới rất tâm đắc, khẩu hiệu đó viết bằng Anh ngữ chỉ gồm vẻn vẹn có 4 chữ ngắn gọn như thế này : “Think globally – Act locally” (Suy nghĩ tòan cuộc – Hành động trong tầm tay).
* Và gần đây, người trong nước còn hay sử dụng từ ngữ “Đó là người vừa có Tâm, mà lại vừa có Tầm” để đề cao một số nhân vật vừa có cả tâm hồn nhân hậu và cả trí tuệ sắc bén. Hai tính chất Tâm và Tầm đó cũng tương tự như nội dung ba phẩm cách “Nhân, Trí, Dũng” mà bất kỳ người Sĩ phu Quân tử nào cũng phải có được - theo bức thang giá trị truyền thống xưa nay của dân tộc chúng ta.
II – Những cản trở trong Tầm nhìn của người Việt ở hải ngoại.
Hiện có đến trên 4,5 triệu người Việt sinh sống tại trên 60 quốc gia và lãnh thổ khắp thế giới. Trong số này, thì riêng tại Bắc Mỹ gồm Canada và Hoa kỳ đã có đến 2 triệu rồi. Ở Âu châu gồm cả các nước thuộc Tây Âu và Đông Âu, thì cũng đến con số cả 1 triệu người. Tại Úc châu và các nước thuộc Á châu, thì cũng đến con số trên 1 triệu người.
Về mặt khách quan, thì phần lớn các nước mà người Việt chúng ta đã chọn đến định cư sinh sống đều có nền kinh tế phát triển thịnh vượng, có trình độ khoa học kỹ thuật cao và nhất là có chế độ chính trị dân chủ, tự do thông thóang. Nhờ vậy, mà các thế hệ thứ hai, thứ ba là lớp con, lớp cháu của các gia đình người Việt đã có thể dễ dàng hội nhập sâu sắc vào môi trường văn hóa xã hội địa phương sở tại. Do đó mà trình độ hiểu biết và tầm nhìn của thế hệ trẻ Việt Nam ở hải ngọai cũng không khác biệt là bao nhiêu so với các bạn cùng trang lứa thuộc dòng chính của quốc gia nơi cha mẹ mình đã chọn để cho cả gia đình đến định cư lập nghiệp lâu dài.
Con số trên 500,000 sinh viên tốt nghiệp tại các đại học ngọai quốc trong mấy chục năm gần đây là một dấu chỉ tích cực rất đáng phấn khởi cho tòan thể dân tộc chúng ta vậy. Đó quả thật là một nguồn tài nguyên trí tuệ đồi dào phong phú, một thứ “valuable asset” (tích sản quý giá) của đất nước Việt Nam.
Có thể so sánh việc khối đông đảo người Việt chúng ta hiện định cư lập nghiệp tại khắp nơi trên thế giới như đàn cá từ nơi sông hồ chật hẹp trong nội địa mà nay thóat ra ngòai biển cả mênh mông - thì mặc sức mà “vẫy vùng cho thỏa chí”, thi đua nhau đem phát triển cái khả năng vốn tiềm ẩn trong bản thân mình từ bấy lâu - hầu gặt hái được những thành tích to lớn như lòng mong ước ấp ủ suốt bao năm trường.
* Nhưng riêng đối với một số người tương đối lớn tuổi, thì cái việc hội nhập, thích nghi với môi trường văn hóa xã hội mới lạ như thế không phải là một việc đơn giản dễ dàng chút nào – so sánh với trường hợp của lớp con cháu còn trẻ tuổi. Trong ý nghĩ của lớp người lớn tuổi này, hiện vẫn còn tồn đọng những lấn cấn với những luyến tiếc về cái hào quang khi xưa của thế hệ mình, vào cái thời mà họ còn đóng vai trò chủ động trên quê hương đất nước Việt Nam vào những thập niên 1960 – 70. Ta có thể ghi ra một số trở ngại trong việc hội nhập này như sau:
1 – Lối suy nghĩ theo cái ước vọng của riêng mình (Wishful Thinking).
Vẫn có một số người không chịu tìm cách suy nghĩ tìm hiểu vấn đề theo lối khách quan khoa học, mà lại suy nghĩ dựa theo những thành kiến có sẵn hay theo cái ước vọng chủ quan của mình. Do vậy mà sự hiểu biết về sự việc, về con người lại thiếu tính chất chính xác. Điển hình như chuyện một số người vẫn tin là có chuyện vị Đại sứ Pháp ở Saigon hồi năm 1975 - tên là Jean-Marie Mérillon - viết cuốn Hồi ký có nhan đề là “Saigon et moi” tường thuật về những chuyện xảy ra chung quanh ngày 30 tháng 4 năm đó. Thực ra đây là một bài báo ngụy tạo, hòan tòan bịa đặt ra mấy chuyện vớ vẩn do một người viết vô trách nhiệm tung ra vào năm 1987. Thế nhưng, một số bà con mình lại coi chuyện đó là phù hợp với ước vọng của riêng mình, nên đâm ra tin đó là điều có thật. Mặc dầu chính ông Mérillon vào cuối năm 1990 đã viết thư trả lời cho Giáo sư Hòang Ngọc Thành rằng : “Ông không hề viết một cuốn Hồi ký nào có nhan đề là Saigon et moi như thế.”
2 – Lối nhận định sự việc theo cảm tính (emotional).
Cuộc chiến tranh Quốc Cộng ở Việt Nam kéo dài từ thập niên 1950 trong bối cảnh của Chiến tranh Lạnh giữa hai khối Mỹ và Nga – gây ra bao nhiêu thảm cảnh cho người dân chúng ta – mà đặc biệt đối với những nạn nhân của chính sách tàn bạo của đảng cộng sản, thì mối hận thù ân óan vẫn còn rất sâu đậm, khó mà có thể hàn gắn dẹp bỏ đi được. Vì thế mà mặc dầu qua thế kỷ XXI, với cuộc chiến tranh lạnh trên thế giới đã chấm dứt từ trên 20 năm nay kể từ khi khối Xô Viết bị giải thể, thì vẫn còn nhiều người Việt ở hải ngọai giữ nguyên cái não trạng của những năm 1950 – 60.
Do vậy, mà họ không chú trọng nhiều đến những đổi thay lớn lao trong cục diện thế giới – để rồi từ đó mà có sự điều chỉnh lại cái phương thức hành động khả dĩ thích hợp với tình hình thực tế hiện nay trong bối cảnh của một thế giới đã tiến bước mạnh mẽ dứt khóat vào giai đọan tòan cầu hóa. Cái lối nhận định sự việc theo cảm tính như thế quả thật đã trở thành một hạn chế tai hại cho hiệu năng trong lề lối sinh họat, cũng như trong họat động của chúng ta trong hiện tại và cả tương lai nữa vậy.
3 – Sự thiếu tiếp cận trao đổi với dòng chính trong xã hội sở tại.
Một phần vì do cách biệt ngôn ngữ, một phần vì lối sống quần tụ riêng giữa các gia đình người Việt với nhau, nên hầu như nhiều người vẫn còn tự cô lập mình, không chịu hòa nhập với cộng đồng địa phương. Điều này rõ rệt là đang đi ngược lại với lời nhắc nhủ của cha ông chúng ta từ xa xưa qua câu ngạn ngữ quen thuộc: “Nhập gia tùy tục”. Tình trạng này, người Mỹ gọi là lối sống biệt lập nơi các “Ghetto” - nó ngăn trở kìm hãm cái quá trình hội nhập êm thắm giữa người mới nhập cư vào với dòng chính của xã hội Mỹ. Mà tình trạng đó cũng làm xa cách thêm cái khỏang cách giữa các thế hệ cha mẹ với con cháu trong cùng một gia đình (Widening Generation Gap) người Việt chúng ta đang sinh sống ở hải ngọai nữa.
4 – Không chịu nhìn tòan cảnh bức tranh xã hội hiện đại.
Bạn Đỗ Trọng Linh ở San Jose là một người thành công trong ngành Bảo hiểm và Địa ốc. Nhiều lúc thảo luận trao đổi với tôi, bạn Linh hay nói thế này: “Cái khuyết điểm của nhiều người ở hải ngọai là không chịu nhìn cho thật rõ ràng được cái “big picture” của xã hội quanh mình. Có thể coi đó là một cái nhìn hời hợt, thiển cận. Vì thế mà không thể đánh giá cho xác thực được cái môi trường văn hóa xã hội rất đa dạng phức tạp trong thế giới hiện đại – để mà từ đó đề xuất ra được những hành động hợp lý, hợp thời với hiệu quả cao trong công việc của cá nhân hay của tập thể mình theo đuổi được. Hậu quả của lối nhìn thiển cận này là nhiều bà con cứ loay hoay bận rộn và bực bội với những “chuyện ruồi bu, vô bổ “ mà không làm sao giải quyết dứt khóat được tình trạng bế tắc của mình – cũng như tìm ra được cái hướng đi có tính chất khai phóng tiến bộ cho cả tập thể cộng đồng của mình…“ Tôi hòan tòan chia sẻ cái lối phân tích vấn đề một cách thông suốt rốt ráo như thế của anh bạn trẻ này.
III – Để tóm lược lại.
Bài viết lan man đã dài rồi, tôi xin tóm tắt lại với hai điểm như sau:
* 1 - Từ gần 40 năm qua, người Việt chúng ta đã phải rời bỏ quê hương đất nước để ra đi lập nghiệp sinh sống ở khắp các châu lục trên thế giới. Sau những vất vả cực nhọc những năm đầu nhập cư trên xứ sở xa lạ, đa số chúng ta đã bắt đầu xây dựng được một cuộc sống ổn định – và đặc biệt là thế hệ thứ 2, thứ 3 là lớp con, lớp cháu trong các gia đình đều đã gặt hái được những thành công đáng kể về nhiều mặt khoa học kỹ thuật chuyên môn, cũng như về mặt kinh tế, xã hội văn hóa. Nói chung, thì đó là một điểm thuận lợi lớn lao – trong cái rủi ro chật vật lúc phải trả giá nặng nề để tìm đường chạy thóat khỏi ách độc tài cộng sản ở trong nước, chúng ta đã được nhiều quốc gia mở rộng vòng tay đón tiếp và cưu mang các gia đình người tỵ nạn. Nhờ sự tiếp cứu đầy tình nhân đạo cao quý này, mà đa số bà con chúng ta đang được thụ hưởng những tiện nghi thuận lợi của nếp sống văn minh trong thế giới hiện đại. Cái ân nghĩa này, chúng ta không bao giờ có thể coi nhẹ hay bỏ quên đi được.
Mặt khác, chúng ta cũng không quên được những bà con ruột thịt đang còn phải sống dưới chế độ tham nhũng thối nát và độc tài ác nhân ác đức do người cộng sản gây ra ở bên quê nhà. Thành ra, bất kỳ người Việt nào ở hải ngọai cũng đều có cả hai cái nghĩa vụ phải góp phần vun đắp cho quê hương nguyên quán của mình – cũng như cho quê hương mới hiện đang cưu mang cho mình – như cha ông chúng ta vẫn thường nhắc nhở trong câu : “Ăn cây nào, rào cây ấy”. Cả hai nghĩa vụ này đều nặng nề, không thể nào sao lãng bỏ qua bất kỳ một trách nhiệm bổn phận nào được.
Lại nữa, trong thời đại của thế kỷ XXI hiện nay, thì giữa các quốc gia càng ngày càng gắn bó liên đới với nhau khăng khít chặt chẽ hơn. Do đó, mà người Việt hiện đang sinh sống ở hải ngọai cần phải cố gắng hòa nhập thuận thảo hơn với xã hội sở tại – để nhờ đó mà mở rộng được một tầm nhìn khóang đạt rộng rãi hơn về bối cảnh chính trị xã hội cũng như văn hóa trên thế giới hầu đề ra được phương thức hành động thích nghi với tình thế mới – cũng như giúp chúng ta hòan thành tốt đẹp được cả hai nhiệm vụ đối với quê hương bản quán, cũng như đối với quê hương mới hiện đang hết sức chăm sóc cưu mang cho mình vậy.
* 2 – Trong phần I ở trên, tôi đã ghi ra cái khẩu hiệu “Think Globally – Act Locally“ mà giới trẻ trên thế giới rất tâm đắc. Nay để kết thúc bài viết này, tôi xin được thêm vào khẩu hiệu đó cái vế thứ 3 cũng chỉ gồm có 2 từ ngữ nữa – như thế này : “Love Totally “ (Hãy Yêu Thương Trọn Vẹn). Nói khác đi, mỗi người trong chúng ta cần phải có được một trái tim thật nhân hậu – để mà sẵn sàng hy sinh nhẫn nại trong công cuộc xây dựng trường kỳ gian khổ - hầu đưa đất nước và dân tộc ta tới được một cuộc sống tươi đẹp, văn minh nhân ái xứng đáng với phẩm giá cao quý của mỗi người và của tất cả mọi người.
Lọai công việc xây dựng tích cực như thế đòi hỏi phải có một đội ngũ những người có quyết tâm cùng nhau sát cánh thật chặt chẽ ăn ý nhịp nhàng thuận thảo với nhau – như là một thứ “perfect team” – thì mới mong đạt tới kết quả lý tưởng tốt đẹp mong muốn được./
Westminster California, đầu tháng Bảy năm 2013
Đoàn Thanh Liêm
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)