Hiển thị các bài đăng có nhãn Đinh Tấn Lực. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Đinh Tấn Lực. Hiển thị tất cả bài đăng
Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013
Đinh Tấn Lực - Hải Yến & Cơn Bão Phạm Pháp Công Khai
Đinh Tấn Lực -
“Lộ ra những căn nhà tốc mái
Lộ ra những đời người trống trải
Lộ ra tàu thuyền chưa kịp trục vớt
Lộ ra cái màu bờn bợt da người
Rồi phải lộ ra thôi không thể gì dấu
được
Nhưng tôi đã bật khóc
Khi lộ ra trẻ con
Những đứa trẻ đói ăn
Tóc quăn tiền sử
Ngây ngô và tư lự
Hồn nhiên và già nua
Những đứa trẻ không phải thời của chúng
ta
Từ một thuở hồng hoang đi ngược lại
Hoàn toàn lộ thiên
Dưới những căn nhà đổ sập
Hoàn toàn lộ thiên
Dưới những ngôi trường mái tốc
Bão không làm ra những đứa trẻ ấy
Bão chỉ làm lộ ra”
(Đông Trình)
*
Với sức gió kinh khiếp của đất trời
thịnh nộ, cơn bão khủng Haiyan đã định hướng nhắm đường đổ bộ vào miền Trung.
Chưa chi đã có kẻ vượt mặt cơ quan khí tượng mà thêm mắm dặm muối cả miền hư
cấu để giật tít là cơn bão lịch sử! Chỉ thiếu lời chào tạm biệt thường ngày của
VTV: Chúc quý vị một mùa bão lũ lịch sử với nhiều niềm vui… Còn khán thính giả
thì chỉ mong sao cho nàng Hải Yến quạu quọ cau có này sắp chạm đất liền là lập
tức quày quả quảy mông đổi hướng trở ra biển cả, như phần lớn đường đi các cơn
bão vùng Bắc bán cầu đánh võng từ Đông Nam vòng lên Đông Bắc, cho đỡ khổ dân
đen lộ khố của một vùng đất vốn đã nghèo nhất nước.
Mấy ngày trước, cơn bão án oan (cũng tầm
lịch sử) đã phủ chụp dư luận cả nước, cuốn trôi hết cả mớ cặn lòng tin còn sót
đọng của người dân đối với quyển sổ hưu và đám nhà nước lưu manh này.
Chuỗi tin siêu bão pháp luật tăng cấp
từng ngày, cao điểm là ngày 7-11-2013:
“ND- Ngày 7-11, UBND
thành phố Hà Nội tổ chức mít-tinh chào mừng ‘Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam 9-11’…
Việc tổ chức ‘Ngày Pháp luật’ năm nay trở thành đợt sinh hoạt chính trị pháp lý
sâu rộng, nhằm phát huy ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ,
công chức và nhân dân Thủ đô. Nhân dịp này, UBND thành phố tổng kết Cuộc thi
‘Tìm hiểu Luật Xử lý vi phạm hành chính’ năm 2013. Cuộc thi có 212.727 bài dự
thi. Ban Tổ chức trao giải nhất cho đội Công an thành phố Hà Nội”.
…
“TTXVN- Ngày 7-11, tại trụ sở chính
của Liên hợp quốc ở TP Niu Oóc (Mỹ), Ðại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện thường
trực nước ta tại LHQ Lê Hoài Trung thay mặt Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam ký ‘Công ước của LHQ về chống tra tấn và
trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc làm mất phẩm giá khác’…”.
…
“(Ngày 7-11)… So sánh với quốc tế,
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng, cơ quan điều tra
Việt Nam là một trong những cơ quan giỏi nhất thế giới, phá án rất nhanh”.
*
Ngay trong dịp tổ chức trọng thị và an
toàn Ngày Pháp Luật 2013, với thành tích ký tên vào bản Công Ước LHQ Về Chống
Tra Tấn, và với khả năng giật giải Giỏi Nhất Việt Nam (xử lý tốt) và Giỏi Nhất
Thế Giới (phá án nhanh), nhà nước CHXHCNVN đã hồn nhiên đơn giản hủy bỏ bản án
oan 10 năm tù cũ của công dân Nguyễn Thanh
Chấn, do bởi sự sám hối và đích thân đầu thú của người tự nhận là hung thủ.
Mười năm trước, chính xác là ba nghìn
sáu trăm tám mươi sáu cái thiên thu ngoài đời, ông Nguyễn Thanh Chấn bị
bắt khẩn cấp và bị kết án khẩn cấp về tội giết người, nhờ tài phá án
nhanh của “cơ quan chức năng” (là CA Bắc Giang) đã kịp thời vào cuộc, cho dù là
không một ai có thể trưng ra được một người chứng/vật chứng nào trong phiên tòa
chớp nhoáng. Bản án hoàn toàn dựa trên cung chứng. Thành tích vang dội này, đặc
biệt là điều tra viên đầy nghiệp vụ ép cung Đào Văn Biên, đã được tuyên dương
rầm rộ bởi Bộ trưởng Bộ Công an (tại tờ trình số 1358/TTr-BCA-X11) và được
Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương (tại tờ trình số 917/TTr-BTĐKT)
đề nghị khen thưởng và sau đó được Thủ tướng cấp Bằng khen (tại Quyết định số 919/QĐ-TTg) vì đã lập thành tích
xuất sắc “trong sự nghiệp bảo vệ chủ nghĩa xã hội”.
Ông Chấn bị thách án tử hình, song vì có
“nhân thân tốt” (là con của liệt sĩ có bằng Tổ quốc ghi công), nên được ưu tiên
giảm phát, nhằm đề cao tính nhân đạo của nhà nước đã khoan hồng hạ giá bản án
tại tòa xuống mức… chung thân. Loại án dựa tuyền vào cung chứng đưa tới hệ quả
thảm khốc là mạng người mong manh chực đứt hơi trên tài năng tra tấn lấy giấy
khen của công an. Rõ là máu xương của thân phụ ông Chấn, dù đã anh dũng hy sinh
cho một dàn lãnh đạo dập dìu thi đua dìm đất nước xuống hàng lụn bại để tự mình
trở thành trọc phú, nhưng cũng không hoàn toàn vô ích, vì dẫu sao cũng đã góp
phần cứu được người con khỏi án dựa cột cắc bùm tại chỗ. Nếu không thì đã chẳng
có cuộc liên hoan trùng nhật với Ngày Pháp Luật năm nay nhằm ăn mừng thành tích
Giỏi Nhất Thế Giới của cái cơ quan chức năng (tận lực bức cung cho ra tội và
tra tấn đến khi nhận tội) cực kỳ vinh quang kia.
*
“Nhờ ơn đảng, nhờ ơn nhà nước mà … tôi
được giải oan”. Lời phát biểu đầu tiên của ông Chấn ngay khi ra tù là thiết tha
như thế. Một số người vội nghĩ đến cái Hội chứng Stockholm, còn gọi là hội chứng “Bị
bắt giữ-Rồi kết thân”, là một hiện tượng tâm lý trong đó đám con tin thể hiện
sự đồng cảm/cảm thông và có những cảm xúc tích cực đối với những kẻ bắt cóc họ,
đôi khi lên cao đến điểm bảo vệ các mẹ mìn đó. Một số người không dấu nỗi bực
dọc về cái sự thành khẩn biết ơn kẻ hành hạ mình một cách rất đỗi ngờ
nghệch/ngốc nghếch như thế. Song, như đã từng nghe qua đâu đó một nhân sinh
quan rất sến là …đời không đơn giản, cho nên, lại có nhiều người khác nhất định
rằng… muốn đểu hơn ông Chấn cũng khó lòng làm nổi!
Cứ cái kiểu tưng tửng ơn đảng/ơn nhà
nước đó, ông Chấn đã lấy cái ngây ngô ra mà nhắc nhớ cho rất nhiều người về
loại tác giả chuyên ngành tiểu thuyết hư cấu cuộc đời người khác bằng thực tiễn
gông cùm tù ngục theo trường phái “kết oan được khen & giải oan được
thưởng”.
Ông Chấn đã nhắc nhớ cho rất nhiều người
về hàng triệu nạn nhân đã “cảm ơn đồng chí Stalin giúp tôi thấy cái tội tày
đình của bản thân”, ngay sau những trận đánh đẹp các màn thẩm tra mớm cung
và ép cung của KGB ở xứ bầu bạn quốc tế.
Ông Chấn đã nhắc nhớ cho rất nhiều người
về lời cảm ơn của Phổ Nghi nói với Mao Trạch Đông, trong bữa cơm Tết Nhâm Dần
1962 tại Di Niên Đường của nhị vị “nguyên thủ khai quốc và hoàng đế cuối cùng”.
Trong hồi ký sau này, Phổ Nghi đã viết: “Chúng tôi đã được ngồi ăn cơm, chụp
ảnh với vị Chủ tịch vĩ đại của chúng ta. Đây là một ngày hạnh phúc và vinh dự
nhất trong cuộc đời mà tôi sẽ không bao giờ quên. Đó cũng là bữa cơm tiếp cho
tôi sức mạnh và sự cổ vũ để tôi tiếp tục sống”.
Ông Chấn đã nhắc nhớ cho rất nhiều người
về hàng vạn nạn nhân đã “ơn đảng/ơn bác” vạch ra muôn vàn tội lỗi cả đời chưa
từng nghĩ đến hay biết đến, giờ mới được nghe ra (đến sáng lòng) từ các đội cải
cách cùng giai cấp bần nông, và được thấy ra (đến sáng mắt) dưới ánh đuốc bập
bùng của những cuộc đấu tố đầu đình.
*
Ông Chấn và cơn bão án oan lịch sử đã để
lộ ra một Hệ Thống Tư Pháp Sẵn Sàng Phạm Pháp:
Trước tiên là lời thú nhận của Trịnh
Hồng Dương, nguyên Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, đại biểu Quốc
hội Việt Nam khóa IX và khóa X, huân chương Độc lập hạng
nhì, huân chương Lao động hạng nhất, huân chương Kháng chiến
hạng ba, cùng một huân chương Công lý thượng hạng ngoại hạng để đời: “Luật
của ta xử thế nào cũng được”. Xử sống là sống.
Xử chết là chết. Thường là dở sống dở chết. Với tiến trình luận tội chính yếu là chỉ thị và không cần bất cứ yếu tố nào khác, kể cả lương tâm kẻ xử hay dư luận thế giới. Và như thế là “không có gì bất thường!”, theo lời bình của đại tá Nguyễn Văn Chức, Chánh Văn phòng kiêm nhiệm Phát ngôn viên của CA tỉnh Bắc Giang.
Xử chết là chết. Thường là dở sống dở chết. Với tiến trình luận tội chính yếu là chỉ thị và không cần bất cứ yếu tố nào khác, kể cả lương tâm kẻ xử hay dư luận thế giới. Và như thế là “không có gì bất thường!”, theo lời bình của đại tá Nguyễn Văn Chức, Chánh Văn phòng kiêm nhiệm Phát ngôn viên của CA tỉnh Bắc Giang.
Luật của ta, từ ngả ba đầu đường kách mệnh, đã trở
thành vũ khí trả thù của đảng nhắm vào bất cứ ai lọt vào tầm ngắm của đảng,
thông qua những cặp mắt cú cùng bầu máu lạnh của lãnh đạo và những “người thi
hành công vụ”.
Luật của ta, từ thuở “cách mạng thành công”, đã trở
thành phương tiện gìn giữ ổn định xã hội hầu phục vụ cho sinh mệnh chính trị
của lãnh đạo, và có chức năng chính là biến mọi công dân thành hình sự có tiền
án.
Luật của ta, từ bấy tới nay, vẫn mang tính đại trà
và linh động tùy chọn:
- “Nghi can” có thể bị bắt cóc tại nhà,
tại sở, tại sân bay, tại khách sạn…; bị ép xe trên đường, bị ép xuồng trên
sông…; bị xiết cổ/cặp hông/quặt tay/khiêng ngửa/xốc ngược/đạp mặt/chích
thuốc/quăng xe/bịt mắt…
- “Nghi can” có thể bị “mất tích” bằng
bao bố nhận sông hoặc nhiều hình thái khác; bị gậy quật gãy cổ ngay tại lề
đường; bị đạn chỉ thiên thủng đùi xuyên xương chậu; bị súng cướp cò thủng bụng
dưới; bị ngã xe vỡ sọ; bị tạt a-xít; bị chận xe nện đá vào đầu giữa lộ; hoặc bị
đánh “cho mất khả năng đàn ông luôn”…
- “Nghi can” có thể tự ý kết liễu mạng
sống của chính mình, ngay tại đồn công an, bằng thắt lưng, bằng áo xé, bằng cả
dây cột giày…; hoặc tự đánh vào người cho nứt sọ/bể phổi/nát gan/gãy bẹ
sườn/dập lá lách… Trong nhiều trường hợp, việc khám nghiệm thi thể bởi
pháp y là điều không cần thiết. Trong mọi trường hợp, nạn nhân đều được cơ quan
chức năng tuyên bố đã chết đúng quy trình.
- “Nghi can” có thể ngắn gọn gật đầu
cung khai đúng theo kịch bản mớm ý của các tác giả tiểu thuyết hình sự giỏi
nhất nước, để sống sót; để ngẫm nghĩ về các định nghĩa mới của các con người
mới, về các từ giải phóng mặt bằng/cưỡng chế thu hồi đất đai…; để nghe báo chí trong
luồng ra tay diễn giải các kịch bản hình sự đính kèm theo những “đề nghị mức án
thật nặng để giáo dục quần chúng”…; và để đợi ngày ra tòa.
- Trước ngày xử, nhiều gia đình “nghi
can”, bấy giờ tự động biến thành “bị can”, chỉ được báo tin không đầy 24 giờ
(như tại Mỹ Yên); có gia đình không hề hay biết (là do lỗi của nhân viên phát
thư!). Ngay cả luật sư cũng không được thông báo, và chỉ được gặp thân chủ vài
chục phút ngay trước giờ xử…
- Trong ngày xử “công khai”, phòng xử
thường chật cứng công an chìm/nổi/“nhân dân tự phát”… chỉ chừa đủ chỗ cho một
người thân của “nghi can” vào dự, hoặc hoàn toàn hết chỗ càng tốt. Tất nhiên,
mọi phương tiện ghi âm/ghi hình đều bị cấm tiệt.
- Trong ngày xử “công khai”, các đòi hỏi
của luật sư để đối chất về các luận cứ buộc tội và giá trị của các tang chứng
v.v… có được phát biểu hay không, hoặc dài ngắn ra sao, là hoàn toàn tùy
thuộc vào tình trạng vui buồn tại chỗ của chánh án.
- Trong ngày xử “công khai”, không một
nhân dân nào được phép lai vãng, không những trước sân tòa, mà cả khu vực quanh
tòa. Tòa án trở thành một pháo đài đầy ngựa sắt/bảng cấm/dây chăng/xe buýt/vòi
rồng… Tất nhiên, toàn bộ khu vực sẽ …bỗng nhiên mất sóng.
- Trong ngày xử “công khai”, khu vực
quanh tòa sẽ đặc kín công an/băng đỏ/áo xanh/côn đồ… có khi lên đến số nghìn,
gấp mươi lần số người thả bộ quanh tòa hóng chuyện hoặc đám đông cầm bảng
“con/em/anh/chị/bạn tôi vô tội”, đương nhiên trở thành vùng bẫy để quát nạt,
đánh đập, tịch thu máy ảnh/iPad/ iPhone và bắt thêm những “nghi can” khác, về tội
công khai theo dõi phiên tòa, tức là coi như …công khai phản động.
*
Ông Chấn và cơn bão án oan lịch sử đã để
lộ ra không chỉ cái tỷ lệ giải oan tròm trèm một phần chín mươi triệu. Nó để lộ
cả cái định hướng quật ngã đối thủ từng ban giấy khen cho công an Bắc Giang về
thành tích bắt oan nạn nhân cho đầy chỉ tiêu.
Chứ không thì kể cũng khó hiểu về thời
điểm ra đầu thú của hung thủ (chưa biết thiệt giả), sau 10 năm lẩn trốn thành
công và không có một chỉ dấu nào đe dọa là sẽ bị đưa ra ánh sáng ngoài đường hầm.
Nhất là khi chính phủ đang chạy đua lập những thành tích khác để vào hội đồng
nhân quyền LHQ, để gia nhập TPP, để mua vũ khí tối tân, hoặc chỉ đơn giản là
chứng tỏ là “có một số cải tiến cụ thể thấy được về nhân quyền”!
*
Ông Chấn và cơn bão án oan lịch sử đã để
lộ ra không chỉ các kỹ thuật bức cung của công an, xuống đến mức chi tiết vượt
hẳn ra ngoài sức tưởng tượng có thể có của một bộ phận không nhỏ nhân dân. Có
thể ra ngoài cả sức tưởng tượng của Hội Đồng NQ/LHQ, có khi là của cả các cựu
nhân viên Nazi hay KGB còn sống tới nay.
Nó để lộ ra cả cái cán cân công lý có
buộc sẵn một bên cái công trạng (con liệt sĩ được giảm án tử, kẻ “thi hành công
vụ” giết người lãnh án treo…).
*
Ông Chấn và cơn bão án oan lịch sử đã để
lộ ra nỗi sợ hãi cao độ của triều đình, thông qua những trận đánh hợp lực của
“ba bộ đồng tình bóp nát nhân dân”: Bộ chính trị, Bộ công an và Bộ tư pháp;
thông qua mọi biện pháp sử dụng xuyên suốt quá trình áp dụng luật; thông qua
phản ứng đối phó tùy tiện và đầy mâu thuẫn đối với nhân dân theo nhịp độ ngày
càng nhặt…
Lý do? Nhân dân đã nắm rõ nguyên tắc
sống còn của nhà cầm quyền: 1) Mọi chế độ độc tài càng hành xử thô bạo và tùy
tiện thì càng rõ là họ rất yếu và rất mực lo sợ độ dài của những ngày tàn; và
2) Qua những chỉ dấu chín muồi đó, người dân càng biết đâu là những hành động
hiệu quả và đâu là điểm cần dồn sức.
*
Ông Chấn và cơn bão án oan lịch sử đã để
lộ ra những câu hỏi sinh tử khác:
- Liệu là còn bao nhiêu nghìn ông Chấn
khác hiện ở trong tù và bao nhiêu vạn ông Chấn khác sắp vào tù?
- Còn hàng ngàn vụ án oan mới, đang diễn
ra và sắp diễn ra, thì sao?
- Chừng nào mới hết những lời khai trước
tòa thường khiến chánh án mắc bệnh điếc tai: “Người ta xui (nhận tội), chứ
em không làm”.
- Chừng nào mới hết những trường hợp bị
bắt tù 32 năm không ra tòa như cụ ông Tôn Thất Tần?
- Chừng nào mới hết tình cảnh công dân
vào tù không bởi vi phạm điều luật nào, mà bởi sắc luật 003 do Hồ Chí Minh ký 2
năm trước khi chết, như trường hợp người tù xuyên thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu?
- Bao giờ thì những người lương thiện
lãnh án tù vì lòng yêu nước được thả?
- Vợ con của những người tù oan phải
chạy hàng nghìn cửa, đến lúc nào mới được ngó tới?
- Đặc biệt các nạn nhân đã, đang, và sẽ
tiếp tục chết trong đồn công an thì ai sẽ giải oan cho họ?
- Sau những án oan chung thân và tử
hình, liệu là lãnh đạo tối cao của đảng sẽ dùng những chiêu thức nào khác để
lấy sinh mạng nhân dân ra mà đấu đá lẫn nhau?
- Đến khi nào người ta mới thôi nhắc nhở
chủ tịch nước rằng “đừng quên anh là con nhà luật!”?
- Khi nào thì tới phiên bản thân mình
hoặc người thân của mình nhận lãnh án oan?
- Khi nào mới dứt chuyện thiếu niên VN
tự tử để tự minh oan với bạn bè/hàng xóm vì bị CA bắt giữ và làm nhục?
- Do đâu mà mỗi người dân Việt trở thành
con tin của một hệ thống tội ác có tổ chức?
- Bằng cách nào giải quyết tình trạng
công khai phạm pháp của bộ công an và bộ tư pháp để đánh đổi sinh mạng nhân dân
lấy thành tích và giấy khen?
- Cách nào để tách rời ngành tư pháp ra
khỏi lưới dây giật của lãnh đạo đảng, và giới luật sư không còn là những cây
kiểng bonsai trang trí sân tòa?
- Cốt lõi án oan ở đâu và làm sao để
chấm dứt tận gốc thảm họa “tập đoàn phạm pháp bỏ tù từng người lương thiện”
này?
*
Ông Chấn và cơn bão án oan lịch sử đã để
lộ ra một câu trả lời rốt ráo:
Không có cách nào khác ngoài việc dẹp bỏ
chế độ độc tài hiện nay để xây dựng một thể chế pháp quyền do chính dân làm
chủ.
11-11-2013 – Lạy tạ Ơn Trên: cơn bão Hải Yến
đã đổi hướng quay ra biển rong chơi. Nhân dân đã có thể tập trung vào việc
chống trả cơn bão con tin và tù oan còn lại ở Ba Đình kia.
Blogger Đinh Tấn Lực.
Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013
Đinh Tấn Lực - Từng Bước Từng Bước Đầu…
Đinh Tấn Lực
Nói trộm vía đảng: Thời buổi này mà để xảy ra sự kiện bất ngờ như thế là …khó lòng chấp nhận được. Giá mà đảng nhận được một dòng Tweeter sớm sủa “So long – Au Revoir – さようなら – Auf Wiedersehen – до свидания…”, như một lời chia tay nào đó, thì nhất định BCT đã di dời cuộc hội nghị TW8 giữa nhiệm kỳ này đến một thời điểm khác.
Thật vậy! Quốc tang hay không mới là vấn đề. Chia tay vị Tổng tư lệnh đầu tiên và duy nhất của quân đội mới là quan trọng. Tiễn biệt người CS cuối cùng mới là ưu tiên. Biểu trưng vét cạn quá khứ hào hùng ở đây mới là mấu chốt. Lòng tin sót lại chút này mới là điểm nhấn của mọi điểm nhấn…
Chứ còn hội nghị thì lúc nào mà chả được, nhất là loại hội nghị sắp xếp nhân sự cứ vài ba phùa đến hẹn lại lên? Chưa kể là chuyện di dời sẽ tránh được lời ong tiếng ve về cái ngày quốc khánh 01 tháng 10 chết tiệt đó. Chưa kể là các phe còn dư dôi thêm khối thì giờ vận động hay triệt hạ nhau, và cùng nhau hân hoan nhận thêm một phong bì phụ trội nữa…
Gì thì gì. Cuộc vui nào cũng dứt. Đĩa mồi nào cũng loáng. Thùng bia nào cũng cạn. Thông cáo cũng đã loa: “Sáng ngày 9/10, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (khóa XI) đã bế mạc sau 10 ngày làm việc liên tục, khẩn trương” (Tags: làm việc liên tục, khẩn trương).
Kết quả ra sao? Đây rồi: Hội nghị đã “Thông qua nhiều nghị quyết quan trọng” (Tags: báo cáo, nhất trí cao, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra).
Năm khẩu hiệu cắt dán mới cáu của TW8 là:
1. Giữ nước từ khi nước chưa nguy;
2. Nỗ lực hơn nữa thực hiện mục tiêu kinh tế;
3. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo;
4. Thành lập 5 Tiểu ban chuẩn bị Đại hội XII;
5. Tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp 92.
Trong đó, vẫn như các tiêu chí đầu tiên và cuối cùng bên trên, khẩu hiệu số 1 và số 5 là quan trọng nhất: Phải tu chỉnh hiến pháp sao cho văn bản cao hơn và cao nhất là cương lĩnh đảng tiếp tục tồn tại, phòng bị trước cả khi có những đe dọa nguy nan xảy ra, tên chữ vừa mới thuỗng là “cư an tư nguy”, đặc biệt là phòng bị những xung đột từ sớm, từ xa.
*
MỘT
Thế là rõ rồi. Một khi bảo rằng nước chưa nguy (mà phải giữ), có nghĩa ẩn dụ là đảng chưa bị đe dọa gì gay cấn đến độ phải công khai nhìn nhận và dồn sức thúc đẩy nỗ lực giữ đảng, ém bên dưới khẩu hiệu giữ nước. Nhưng làm sao yên tâm nổi? Cho nên, đ/c Tổng chỉ cần đích thân bày tỏ sự ân cần/thân mật/ưu ái dặn dò thêm (bảo báo in rời trong khung nền màu):
“Các quyết sách Trung ương đề ra lần này đều rất hệ trọng, có tầm ảnh hưởng to lớn đối với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, chấn hưng giáo dục, đào tạo, xây dựng đảng, xây dựng nhà nước, bảo vệ tổ quốc, bảo đảm sự trường tồn của đất nước ta, chế độ ta”. (Tags: hệ trọng, xây dựng đảng, xây dựng nhà nước, bảo đảm, trường tồn, bảo vệ, chế độ ta).
Không thể nào rõ hơn được nữa. Hãy mường tượng lời bài hát quốc tế ca lật ngược, mà phấn đấu lập công giữ đảng, chứ không thì thậm nguy: Bao nhiêu lợi quyền tất …về tay ai?
*
HAI
Hãy nhớ: “đảng ta” là đảng cầm quyền, tức là có toàn quyền dựng bảng cấm.
Do đó, kinh tế không được phép thường trực đứng trước khó khăn, bất kể là tạm thời hay vĩnh viễn: Kế hoạch phải phủ trùm. Mục tiêu phải rộng khắp. Vĩ mô phải bình ổn. Mô hình phải cải tiến. Lạm phát phải đứng yên. Chất lượng phải nhảy vọt. Nợ công phải ngồi xổm. Nợ xấu phải nằm im. Tín dụng phải an toàn. Chứng khoán phải năng động. Kiều hối phải gia tăng. Nhập siêu phải tụt dốc. Tăng trưởng phải lũy tiến. An sinh phải bảo đảm. Hộ nghèo phải biến mất. Giá cả phải dậm chân. Vi mô phải vượt khó. Doanh nghiệp phải dũng cảm. Dự án phải chia đều. Tài nguyên phải nảy nở. Công đoàn phải rập khớp. Sản xuất phải gia công. Khí hậu phải điều hòa. Thiên tai phải bó gối. Tình hình phải lạc quan. Quyết sách phải kịp thời. Rủi ro phải lùi bước. Diễn biến phải thuận lợi. Hội nhập phải suôn sẻ. Hành chính phải nghiêm túc. Lãng phí phải tinh vi. Tham nhũng phải thẹn thùng. Cạnh tranh phải nhân hậu. Tập đoàn phải tái cấu. Truyền thông phải tế nhị. Báo đài phải tự giác. Nhân dụng phải hợp tình. Lãnh đạo phải đột phá. Ngân sách phải đầy ngập. Bảo hiểm phải đồng bộ. Nguồn lực phải tập trung. Trách nhiệm phải thông thoáng. Luật pháp phải uyển chuyển. Bế tắc phải tan hàng. Bước đầu phải thắng lợi… Tóm lại: Kinh tế phải biết điều mà may thầy phước chủ cho đảng giữ tiếng quang vinh.
Cũng vậy, trong một nhà nước XHCN, xã hội không được phép ù lỳ, lạc hậu, bất cập, giữ rịt các yếu kém cơ bản kéo dài. Ngược lại, xã hội phải biết tự thân đổi mới, bắt đầu là khâu giáo dục đào tạo. Nghĩa là không cần phải nhún mình thỉnh cầu/lạy lục/van xin/chờ đợi bất kỳ nước nào nhìn nhận nền Kinh Tế Thị Trường (giấu đuôi) của VN; trên thực tế và bởi nhu cầu thực tiễn, mọi người vẫn phải kiên định lập trường trước sau như một:
“Hội nghị đã thảo luận và nhất trí ban hành Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
*
BA
Nhu cầu cấp thiết và lâu dài của việc đổi mới giáo dục đào tạo phải được coi là một trận đánh lớn phen này. Trong đó, mọi nan đề căn bản của giáo dục tích lũy từ hơn nửa thế kỷ nay đều được toàn thể Hội Nghị đồng lòng nâng cấp thành những vấn đề lớn/cốt lõi/cấp thiết, từ quan điểm/tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu/nội dung/phương pháp giáo dục – đào tạo cùng các cơ chế/chính sách/điều kiện bảo đảm việc thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của đảng, quản lý của nhà nước, đến đổi mới các cơ sở giáo dục – đào tạo và sự tham gia của gia đình, cộng đồng xã hội, bản thân người dạy và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học, ở cả trung ương và địa phương; đổi mới cả các khâu gắn liền với giáo dục là văn nghệ, thể thao, y tế…
Định hướng đổi mới là tăng cường chỉ đạo/gia cố quản lý của đảng. Biện pháp đổi mới là chuyển đổi từ cứng nhắc sang linh hoạt; từ độc đạo sang liên thông; từ kiến thức sang năng lực; từ số lượng sang chất lượng; từ bảo tồn sang phát huy; từ thả lỏng sang quy hoạch; từ thả rông sang đội ngũ; từ lệch lạc sang lộ trình; từ chính quyền sang xã hội; từ công lập sang dân lập; từ hiếu chiến sang hiếu học; từ đoạn ngắn sang suốt đời…
Mục tiêu nhắm tới của giai đoạn chiến lược trước mắt là:
“Giáo dục cho người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của các cá nhân, yêu gia đình, yêu Tổ quốc hết lòng phục vụ nhân dân và đất nước, có hiểu biết, kỹ năng cơ bản, khả năng sáng tạo để làm chủ bản thân, sống tốt và làm việc hiệu quả”.
Tóm lại: Giáo dục, một lần nữa, phải tự chứng tỏ là bộ phận đầu tiên biết nói “Không!” với Chạy bằng/Chạy chức/Chạy trường/Chạy lớp/Chạy tội/Chạy án… Xã hội cũng phải biết điều mà ổn định một cách phải đạo cho đảng đời đời giữ tiếng quang vinh.
*
BỐN
Sinh hoạt của đảng, do đó, là phần việc không thể thiếu trong mọi nghị trình hội nghị. Đặc biệt là sinh hoạt Đại Hội đảng 12 sắp tới, cũng đã được chốt hạ trong hội nghị TW8 này, với năm tiểu ban được nêu tên: 1) Văn kiện; 2) Kinh tế-Xã hội; 3) Điều lệ; 4) Nhân sự; và 5) Hậu cần phục vụ đại hội đảng.
Nhiệm vụ chính của các tiểu ban này là:
“Chắt lọc kế thừa thành quả 30 năm đổi mới để đề xuất với Đại hội XII của Đảng những chủ trương, chính sách, biện pháp đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc hơn nữa, tạo xung lực mới cho phát triển đất nước nhanh và bền vững”.
Sinh hoạt sôi nổi/mạnh mẽ/sâu sắc/tạo xung lực hàng đầu trong hội nghị TW8 này là quy trình hoạch định quy chế bầu cử nội bộ và cơ cấu nhân sự cho khóa tới. Sau cùng, để giải phóng yếu tố gay cấn/tăng nhiệt/sôi sục tại chỗ, việc hoạch định này đã được giao khoán cho BCT hoàn tất dự thảo trước kỳ họp TW9-khóa 11 tới đây.
*
NĂM
Tiết mục êm ả/thư thả nhất trong suốt 10 ngày làm việc liên tục và khẩn trương của hội nghị TW8 chính là phần Hoàn Thiện Dự Thảo Sửa Đổi Hiến Pháp 92. Lý do chính yếu là nhờ các bản thống kê tổng hợp nghiêm túc hàng chục tấn giấy ghi ý kiến của quần chúng nhân dân (đệ đạt lên tận BCT) đều nhất trí với mọi chỉ đạo của trên: Về vai trò lãnh đạo của Đảng; về vị trí của Công đoàn; về thành phần kinh tế; về quy trình cưỡng chế thu hồi đất; về quy định bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; về chính quyền địa phương; về Hội đồng Hiến pháp và một số nội dung quan trọng khác…
Đặc biệt đáng quan tâm là các số liệu chứng thật:
1. Ý kiến của quần chúng nhân dân tỉnh Bình Dương: Chỉ riêng một tỉnh này thôi đã có trên dưới 44 triệu ý kiến thuận theo bản dự thảo sửa đổi hiến pháp của BCT…
2. Ý kiến của quần chúng nhân dân ba quận Hoàn Kiếm, Hồ Tây & Ba Đình của thủ đô Hà Nội: Trong dịp tiếp xúc cử tri của đ/c Tổng, nhân dân 3 quận này cho thấy là tuyệt đại đa số nhân dân toàn quốc đã tiếp thu và quán triệt ý kiến chỉ đạo của BCT về những vấn đề lớn trong bản dự thảo sửa đổi hiến pháp rất công phu của BCT, tất nhiên là không cần sửa đổi gì thêm: “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội Việt Nam”.
Nhìn chung là, một lần nữa, BCT khẳng định rằng mọi nỗ lực xin xỏ nước ngoài chứng nhận nền kinh tế thị trường cho VN đều là trò hề: Bản Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp lần này cơ bản đã được hoàn chỉnh cả về nội dung lẫn kỹ thuật văn bản, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra như sau:
“Nội dung của Dự thảo đã phản ánh được được ý chí và nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân và toàn dân tộc, thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất của nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”.
Như vậy, khâu cuối của tiết mục hiến pháp chỉ còn là vấn đề bảo đảm đúng quy trình hợp thức hóa, thông qua các tổ chức ngoại vi/cánh tay nối dài của đảng:
“Việc hoàn thiện Dự thảo và trình Quốc hội xem xét, ban hành Hiến pháp sửa đổi cần tiếp tục được tiến hành một cách chặt chẽ, khoa học, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy và tổ chức Đảng; chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, đảm bảo đúng định hướng, không để các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng chống phá, xuyên tạc”.
*
CHỐT
Hội Nghị TW8 cũng đã thông qua phần “biểu dương” công trạng của tất cả ủy viên, ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực to lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã thực hiện tốt mọi chủ trương, biện pháp sáng suốt/trí tuệ/đúng đắn/kịp thời… trước mọi tình huống trong thời gian qua, và quyết tâm giữ vững ý chí đó trong thời gian trước mặt.
Ngắn gọn là: Làm Sao Cho “kinh tế phải vững, quốc phòng phải mạnh, an ninh phải cường, lòng dân phải oải, chính trị phải yên, đảng viên phải trung, hiến pháp phải tiện…”. Hãy biết đích nhắm là như thế. Còn triển khai quy trình “làm sao cho” là việc của địa phương, uyển chuyển/linh động theo từng bối cảnh đặc thù của địa phương. Ngoại trừ tiết mục hiến pháp. Đó là công việc của quốc hội dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của đảng.
Tất cả là nhằm giúp đảng có đủ trí lực đối phó với một tình hình rất căng:
“Đã xuất hiện một số loại hình chiến tranh kiểu mới, như chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng, sử dụng sức mạnh mềm thông qua các hoạt động kinh tế, ngoại giao, văn hóa kết hợp với ‘diễn biến hòa bình’, bạo loạn lật đổ… hết sức nguy hiểm”.
Nghĩa là nói chung, phải giữ đảng từ khi đảng chưa nguy/sắp nguy/đang nguy…
Trong tinh thần đó, Hội nghị đã bế mạc với quyết tâm rằng Chiến Lược Bảo Vệ Đảng theo Nghị Quyết TW8 Khóa 9 phải được tổng kết ngoạn mục vào cuối khóa 11 này, cả hai mặt ổn định thống trị tuyệt đối/toàn phương vị đối nội, và giữ vững môi trường hòa bình đối ngoại với một nước có chung biên giới cùng một vùng biển đảo đang trong vòng tranh chấp.
10 và 11-10-2013 – Kỷ niệm ngày giỗ thứ 585 của Liễu Thăng
Blogger Đinh Tấn Lực
Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013
Đinh Tấn Lực - Canh Hẹ Trên Trời vs. Điền Đan Dưới Đất
Đinh Tấn Lực
Facebooker Bill Gates (4.469.193 likes) vừa mới đăng bức ảnh trên, và vô tình làm dậy sóng cộng đồng mạng (VN), cả sóng thanh lẫn sóng tục, cả đàng hoàng lẫn vô giáo dục. Chỉ trong vòng 8 giờ đồng hồ, tính tới lúc ghi ảnh màn hình lại đây, bức ảnh đã có 3.723 phó bản chia sẻ, 22.156 cú bấm likes, 2.908 comments và còn đang tăng nhanh.
Nội dung mà Bill Gates chia sẻ không có gì ghê gớm. Chỉ là một nhận xét về nhu cầu năng lượng của VN gia tăng 14% mỗi năm. Kèm theo một dấu chấm hỏi là làm cách nào nhà nước VN giải quyết nhu cầu đó với một lưới điện canh hẹ rối bời như trong bức hình.
Nội dung nguyên thỉ là từ một bài báo có tựa đề “Điện lực VN: Một gánh nặng” trên tờ The Economist, báo giấy, số ra ngày 31/8/2013. Gốc gác bức hình canh hẹ trên trời cũng là từ bài báo đó.
Facebooker Cứ Nguyễn, tức nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ, xem ảnh, tức cảnh sinh tình chằng chịt:
“Chúng ta là một thứ dây nhợ chằng chịt
Được cấu tạo bởi một xã hội chằng chịt
Được hình thành [bởi] một chế độ chằng chịt
Được cai trị bởi những cái đầu mù mịt…”.
Facebooker kiêm nhà thơ Văn Công Mỹ đề xuất thêm mấy từ còm dí dỏm:
“Chúng ta là một thứ dây nhợ chằng chịt
Được cấu tạo bởi một xã hội nhăng nhít
Được hình thành [bởi] một chế độ xôi thịt
Được cai trị bởi những cái đầu mù mịt…”.
Độ rối chằng chịt ở đây, rõ ràng không hẳn chỉ là mớ dây điện giăng mắc phủ kín bầu trời đô thị VN. Nó là biểu trưng của một quốc gia (nhăng nhít) được vận hành bằng dàn lãnh đạo (gồm những cái đầu mù mịt) thông qua một số nhóm lợi ích (xôi thịt) đang thuê bao bảo vệ là công an, dân phòng, côn đồ và điềm chỉ viên (quấn nhau chằng chịt).
Riêng điều đó thì chắc là Bill Gates mù mờ, hoặc, ít ra, giả tảng mù mờ. Không khác gì chàng đã từng giả tảng mù mờ về chuyện sinh viên VN được đội cò giáo dục đại học đầy học hàm học vị tại đây “hướng dẫn” làm sao để có cơ hội gặp mặt và níu tay chàng năm nào ở VN.
Kể cũng khó lòng mà Bill nắm được các số liệu mới luân lưu trên mạng gần đây là cứ trong sáu người lao động VN đã có một người làm việc cho an ninh hay cộng tác với an ninh (Carl Thayer ước lượng cả thảy lực lượng này lên đến gần 7 triệu người).
Hoặc, không chắc Bill có cơ hội đọc được số liệu so sánh của nhà báo Bùi Tín trong một bài viết mới đây:
“Trong 30 năm chiến tranh cả Bộ Công an chỉ có 3 sĩ quan cấp tướng và 7 đại tá, mà nay riêng Bộ này đã có 13 Tổng cục, 38 Cục và Vụ, hơn 160 tướng, 360 đại tá và thượng tá, cả một đạo kiêu binh được thăng cấp và tăng lương nhanh nhất, chỉ để bảo vệ đảng là chủ yếu, không coi dân ra gì…”
Thế là, hóa ra, cả tờ Economist lừng lẫy lẫn Bill đại thụ, đều …chém phải gió.
Chỉ vì nhu cầu năng lượng có tăng mấy cũng chẳng có chi đáng ngại: Nó không bảo vệ đảng, cũng không giúp được gì cho mối lo mất đảng. Vả, mất nước còn chẳng đáng lo, lo gì mất điện (là chuyện xảy ra hàng ngày ở huyện)?
Karl Marx bảo: “Hạ tầng cơ sở quyết định Thượng tầng kiến trúc”. Bill là người tài cao hiểu rộng, và là một doanh nhân hạng khủng, thế nào cũng biết. Bill chỉ có thể chưa kịp biết là: Sau khi Đệ tam Quốc tế tan hàng rã đám, thì ở các nước bám càng bị gãy răng văng lợi này, khẳng định của Marx được chêm thêm đôi chữ: “Hạ tầng cơ sở bạo lực quyết định sự tồn tại của Thượng tầng kiến trúc”.
Do vậy, hãy quên đi điện lực/năng lượng/giáo dục/y tế/lao động/tài chính/giao thông… các thứ . Ngân sách quốc gia, tức tiền thuế của dân, thậm chí cả viện trợ ODA, chỉ rót vào ngành an ninh, sau khi đã trám đầy nhiều két sắt trung ương và các trương mục Thụy Sĩ.
Bởi, điện lực/năng lượng/giáo dục/y tế/lao động/tài chính/giao thông các thứ… chỉ có giá trị ngang hàng với phong bì và chung chi là hết mức. Dân có ngu nhiều đời vì sách giáo khoa, hay có chết hàng loạt vì tiêm vắc-xin, cũng chỉ là chuyện muỗi. Cái mà nhà nước này cần củng cố phải là thứ trụ cột chống bão cho chế độ. Nghiệm ra thì chỉ có an ninh/dân phòng/côn đồ/điềm chỉ là thứ hạ tầng cơ sở đáng để nâng niu.
Bằng cách nào?
Một, gia tăng nỗ lực rót quyền và rót tiền từ thượng tầng bạo lực vào các tiết mục ưu đãi đặc cách: Thăng cấp, tăng lương, thêm phụ cấp, cho phép mở rộng địa bàn, bảo kê và khuyến khích bảo kê thông thoáng ở mọi cấp, thậm chí miễn phí tiền trường cho con em của CA… nói chung là nuôi dưỡng và phát triển lòng trung thành. Đổi lại là CA có cả quyền bắt dân quỳ gối xem đến tàn cuộc nhậu.
Hai, gia tăng sự hỗ trợ của đệ tứ quyền lực hệ chính quy: Báo đài được đặt hàng nhiều hơn và nhặt hơn để bẻ cong mọi sự kiện hầu đánh bóng hoạt động của an ninh. Điển hình gần nhất là trong thời gian kỷ lục đôi ba ngày đã có hàng loạt hơn 40 bài báo (cả chữ lẫn hình/cả TW lẫn địa phương) thi đua ca tụng sự tráo trở/lật lọng bản cam kết thả người bị bắt trái phép ở giáo phận Mỹ Yên.
Ba, gia tăng sự cộng tác của hệ ăn chia là ngành tư pháp: Sử dụng liên tục các bản án bỏ túi vi hiến và vi luật, thậm chí, sử dụng cả những thủ thuật hạ cấp để khép tội người ngay, án chồng án, giam nuôi án, thậm chí đánh tù nhân què cẳng (Paulus Lê Sơn), với hy vọng răn đe và làm chậm lại phong trào nhân dân phản đối chính sách hèn/ác của đảng và nhà nước.
Bốn, gia tăng sự cộng tác của hệ ăn theo là các ngành “nguyên & cựu”, thông qua hệ sổ hưu và những món tiền còm theo suất. Nhằm rỉ tai bà con hàng xóm như những chiếc loa phường lưu động; hoặc, tuyên truyền cô lập các đối tượng trong sổ đen của an ninh; hoặc, kéo nhau đến quậy phá/quấy rối nơi làm việc của nạn nhân (Viện Hán Nôm, chẳng hạn); thậm chí, làm nhân chứng cho các cuộc khám nhà tịch thu vi tính/di động/máy ảnh của nạn nhân…
Năm, tổ chức rềnh rang có quay phim/chụp ảnh/đăng báo/truyền hình các cuộc thực tập quy mô cực kỳ tốn kém tại các địa bàn trọng yếu, dưới tên gọi “chống khủng bố/chống biểu tình bạo loạn…”. Nhằm hù dọa số đông thầm lặng đang ủng hộ những người biểu tình tuần hành giữ đạo/giữ đất/giữ nước… hay đòi công lý/công bằng/tự do/dân chủ.
Sáu, ở cấp chính phủ, là thường xuyên ban hành những lệnh cấm, dưới dạng nghị định/quyết định/sắc lệnh/thông tư hướng dẫn: Làm nền tảng cho mọi nhũng nhiễu/bạo hành/cửa quyền… giúp hạ tầng cơ sở CA huơ gậy/nghe lén/cắt mạng/cúp điện thoại/xét hộ khẩu/ném chất thải/tung hơi cay/múa dùi cui/đập vỡ sọ/vụt gãy cổ/thậm chí nổ súng trực tiếp vào dân.
Tất cả, chỉ nhằm mục tiêu nắm sẵn trong tay một lực lượng vũ trang có đủ tiêu chuẩn máu lạnh để giết dân.
Dưới đường phố: Giải tán biểu tình bằng phương pháp cắt đoạn, đánh tan, hốt nóng, bắt nguội. Nếu cần thì đàn áp bằng bạo lực/quặt tay/đạp mặt/xiết cổ/quăng xe/bắt người về đồn hoặc về trại phục hồi nhân phẩm/đánh đập/tra khảo…
Trên mạng ảo: Phân hóa các nhóm đồng tâm hiệp lực, cũng thông qua phương pháp tương tự: Ly gián, bằng các lý cớ dựng chuyện đâm thọc/giả giọng cực đoan/gài bẫy tiền/đặt bẫy tình/xoay hướng nhóm/tạo bất đồng/gây hiềm khích/khen lên mây/chê xuống vực/thả tỵ hiềm/chêm khoảng cách/tách trong-ngoài/chia Nam-Bắc/trách cứng-mềm/chẻ nhỏ nhóm… Công đoạn chót là cô lập/gửi giấy mời/triệu tập/đón lỏng/bắt nguội/tạm giam quá hạn/khởi tố/áp án (đơn cử trường hợp Đinh Nhật Uy).
Tại Hội nghị công tác tuyên giáo toàn quốc ngày 09-12-2012, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi khoe rằng:
“Đã tổ chức đội ngũ 900 thành viên trên toàn thành phố nhằm phát huy sức mạnh của đội ngũ tuyên truyền miệng. Trong khi đó, báo chí thủ đô thực hiện ý kiến chỉ đạo về những vụ việc nhạy cảm; thành lập các tổ phóng viên bấm nút, phản ứng nhanh… Tổ chức ‘nhóm chuyên gia’ đấu tranh trực diện trên mạng Internet, tham gia bút chiến trên Internet. Đến nay, đã xây dựng được 19 trang tin điện tử, hơn 400 tài khoản trên mạng”.
Có nghĩa là riêng địa phận thủ đô tự hào đã đào tạo/chu cấp cho non nghìn “Điền Đan thời @”, tên tộc là dư luận viên (DLV). Các thành phố khác cũng dễ nào chịu thua. Mai Mộng Tưởng, Phó ban tuyên giáo của Đà Nẵng, tiết lộ đã nuôi quân DLV từ năm 2010… Hội nghị Tổng kết công tác tuyên truyền miệng năm 2012 nêu con số gần 80 nghìn “tuyên truyền viên miệng” đã được đưa vào hoạt động làm DLV. Chưa kể một sư đoàn tin tặc chuyên nghiệp phục vụ cho an ninh dưới tên gọi công an mạng (CAM) mà Vũ Hải Triều đã từng long trọng tuyên dương thành tích trong Đại hội Nhà văn mấy năm trước. Và cả bọn chuyên lãnh lương, ăn nhậu, rồi nghĩ ra trò mới hại người.
Một số không ít những nhân vật đấu tranh cho dân chủ ở đây đã kinh qua các trò ly gián của mớ côn đồ trên mạng mang nhãn Điền Đan. Một số rất ít bị sập bẫy. Một số ít đã bị mất mật khẩu/trương mục email, blog hay FB về tay tin tặc. Phần lớn đã dùng lý luận/chính nghĩa để hô biến đám DLV. Một số khác chịu khó lật mặt nạ từng tên, cả CAM trước đây và DLV gần đây (ví dụ trường hợp Phêrô Huỳnh Nguyễn Minh Toàn, chẳng hạn).
Nhờ đâu mà các anh chị em Blogger/Facebooker đứng vững và vượt qua sức tấn công biển người (và hạ đẳng) của CAM&DLV trong thời gian qua?
Một, tấm tình gắn bó với nhau và biết là đang đứng cùng với chính nghĩa đấu tranh. Nghĩa là “Cho dù có thế nào chúng tôi vẫn tin nhau hơn là tin bọn côn đồ đâm thọc”.
Hai, thẳng thắn trò chuyện nhằm giải tỏa ngộ nhận, nếu có. Nhất quyết không đặt vấn đề hoặc gây áp lực với đồng đội bằng những dữ kiện của CA (hay nghi ngờ là của bọn đâm thọc).
Ba, kiểm chứng các dữ kiện qua nhiều nguồn khác nhau trước khi kết luận theo hướng mà bọn DLV nhắm đến (và tạo ra một hình ảnh biểu kiến là nhiều người nghĩ vậy).
Bốn, biết chắc rằng chính mình cùng đồng đội mình sát cánh nhau chỉ vì đã đặt dân tộc và lý tưởng tự do dân chủ cho VN lên trên hết, lên trên cả tập thể nhóm hay phong trào/tổ chức/đảng phái… và đó chính là lý do khiến an ninh phải dụng công ly gián làm phân hóa nhóm.
Năm, biết chắc là khi phong trào càng lớn thì sức phản công của nhà nước càng mạnh. Ngược lại, khi lệnh cấm hay lệnh bắt của nhà nước càng nhiều thì sự bất lực của nó càng lộ rõ: Hết Vở!
Trong bối cảnh đó, các thứ tuyên truyền theo kiểu “Không thể ‘tam quyền phân lập’…” (Bùi Văn Học – ANTPĐN), hay“Giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng là trách nhiệm và nghĩa vụ của chúng ta” (Lê Mạnh Thắng - ANTĐ), chỉ càng tô đậm thêm bức tranh Vỡ Trận.
Và chắc chắn sẽ làm cho cả Bill Gates lẫn cựu Thủ tướng Anh quốc Tony Blair đang lăm le đóng vai trò cố vấn cho Chính phủ VN về kinh tế hẳn thêm phần nhức đầu.
Họ sẽ không hỏi làm cách nào VN có thể giải quyết những vấn nạn kinh tế chằng chịt đó trong một thể chế công an trị.
Họ sẽ tự hỏi tại sao lại phải thò chân vào cái hố phốt đậm đặc bốc mùi này!
*
Bill chỉ dùng lại bức ảnh chằng chịt trên báo Economist.
VN có hàng trăm tác phẩm dây điện chằng chịt hơn thế nhiều.
Hãy thử ngắm một bức trên trang nhà của một Facebooker quen thuộc và thử ngẫm xem bạn thấy gì qua đó?
Đừng nghĩ tới lá cờ đỏ làm nền, hay tờ quảng cáo sửa Ti-Vi trên tường.
Có phải là những dây lạp xường này sẽ bị cắt khúc trước khi chiên hay nướng?
Chúng ta, những tay dân báo, bất kỳ là blogger hay facebooker, có tự coi nhóm mình là những dây lạp xường đó không, hay chúng ta đã bện vào nhau thành một sợi thừng đang thắt hình thòng lọng dành cho cái chế độ công an trị chết tiệt này?
10-09-2013 – Kỷ niệm 58 năm tròn ngày khai sinh cái bộ phận có tên là MTTQ.
Blogger Đinh Tấn Lực
Chú thích nhỏ: Điền Đan (田單) là tướng nước Tề thời Chiến Quốc, từng được coi là bậc thầy dùng kế ly gián.
Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013
Đinh Tấn Lực - Mark Vừa Thoát Nạn Trong Gang Tấc
Đinh Tấn Lực
“Theo nguồn tin giới hạn nội bộ trong giới tỷ phú Mỹ thì Mark Elliot Zuckerberg vừa qua cơn thập tử nhất sinh. Ông ấy đọc được bản tin họp báo Bộ 4T của CHXHCNVN, và vội nuốt ngay nút Share để tránh liên lụy rắc rối, nhưng không may, cái nút Share chết tiệt ấy bị vướng lưỡi gà, ém chặt khí quản, suýt tắt thở. May mà các cơ quan hữu trách của nền y khoa tân tiến của Hoa Kỳ đã kịp thời nhập cuộc và cứu sống được một tỷ phú trẻ tài ba và lừng danh hoàn vũ” – Απρίλιος ψάρια.
Hãng thông tấn Απρίλιος ψάρια của Hy Lạp không cho biết thêm chi tiết nào khác trong bản tin ngắn cực sốc đã gây chấn động thế giới nói trên. Tuy nhiên, ngay trên cơ sở Facebook của tỷ phú Mark, người ta không ngơi bàn tán về sự cố làm rung chuyển hành tinh này.
Nỗi lo sợ về sự vi phạm Nghị định 72 xê bê, thậm chí, lo sợ cho cả sự an nguy cá nhân, không dừng lại ở Mark, mà lan ra tận những Facebooker tăm tiếng hàng đầu thế giới. Chẳng hạn như Shinzo Abe (20.117 likes), Angela Merkel (335.224 likes), hay Barack Obama (36.477.523 likes).
Xem ra đã quá trễ. Trong quá trình liên lạc tiếp cận hàng ngày với nhân dân bản xứ, họ đã lỡ tay quá trớn trích dẫn hay tổng hợp quá thoải mái trên FB của họ nhiều nguồn tin thuộc quyền chủ quản của các cơ quan ngôn luận nội địa, và cả bình luận từ nước ngoài, suốt nhiều năm nay (Riêng Shinzo Abe thì tương đối ít tổng hợp hơn cả, vì mới nhậm chức gần đây, nhưng không phải vì vậy mà ít lo).
Còn Đại sứ Vương quốc Anh tại VN, Antony Stokes, từng tổ chức buổi giao lưu trực tuyến qua Facebook xoay quanh đề tài “An toàn cho nhà báo trong tác nghiệp” hồi giữa tháng 6 vừa qua, hiện suy sụp tinh thần rất nặng, chẳng thể nuốt nổi món Fish & Chip truyền thống của xứ đảo mù sương.
Sự lo sợ đó ăn lan qua một số viên chức chính quyền Âu Mỹ từng “sử dụng dịch vụ mạng xã hội mang tính cá nhân”. Chứng cứ rành rành là nghe đâu đã có những FB Status thông báo cho biết lưỡng viện Quốc Hội Mỹ đang nghiên cứu NĐ72 xê bê của CHXHCNVN để đưa vào dự luật mới nhất của nước Mỹ, có tên tạm thời là HR0072 - Reversing The 1st Amendement. Tạm dịch là Lật Ngược Tu Chính Án Số Một của Hiến Pháp Hoa Kỳ.
Đại loại, đó là thứ luật hiến pháp cực kỳ …phản cách mạng. Nó buộc các nhà làm luật Hoa Kỳ không được làm ra các thứ luật nhằm giới hạn hay cản trở quyền tự do tín ngưỡng, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền tự do tụ tập/hội họp ôn hòa, và quyền tự do khiếu kiện của dân. Tu chính án phản động này có hiệu lực gần như tuyệt đối từ ngày 15/12/ 1791 tới nay, tức là đã hơn 2 thế kỷ, mới là chuyện lạ! Vì vậy mà phải cần cập nhật cho gần đích đến xã hội đại đồng chăng?
Có xác suất rất cao, bèo nhất cũng phải từ 97.9 đến 99.7% phiếu tín nhiệm thấp, tín nhiệm, và tín nhiệm cao, sẽ được đếm bằng hệ thống máy iPad liên kết dọc, để thông qua dự luật lịch sử này của nước Mỹ.
Riêng trong giới Facebooker ít nổi danh hơn, các status cũng có vẻ bình dân hơn. Họ nhắc cho nhau nhớ lại những quy định thông bác đầy ngập trí tuệ và hiển hiện nền văn minh cực đỉnh của đảng và nhà nước CHXHCNVN. Ví dụ như quy định vú lép không được lái xe máy nơi công cộng, bất kể là xe chính chủ hay không. Ví dụ như thả vú rông bị nghiêm phạt nặng nề. Ví dụ khác nữa, như hạ điểm chuẩn thi vào đại học cho các thí sinh từng được vinh danh là mẹ VN anh hùng v.v…
Đặc biệt, họ đề cập đến một giải thích đầy tính thuyết phục về cùng đề tài internet của một cựu bộ trưởng bộ 4T: “Quản lý là quản có lý”. Hoặc, một thứ trưởng vang danh điệu hò ví dậm từng long trọng tuyên bố một “quan điểm xuyên suốt“ (theo Nghị quyết 5) là không cho ra báo tư nhân và xiết chặt quản lý báo mạng. Từ thời Yahoo!360, trước khi dọn nhà qua Mutiply, đã có một cư dân mạng (nick QueenBee) trang trọng treo blast trả lời cả hai vị đầu bộ 4T như sau:
Cái nghiến răng của Nàng Ong Chúa này, nếu rơi vào thời FB thì rẻ ra cũng nhận vài nghìn Likes. Thời đó chưa có nút Like, người ta chỉ gật đầu tán thưởng hay nhấn nút Reply để tỏ ý đồng tình. Lại có kẻ chép miệng như một phê bình hết sức chuẩn mực kẻ cả luôn giữ gìn đạo đức hàng hai như hai con ngươi trong mắt mình: “Dân mình nó thế!”. Mà nó thế thật. Đại trà. Khắp chốn. Theo kiểu Bà Tưng chấp luật vú rông. Mới công khai, chính thức và trực tiếp báo cho dàn lý trưởng Ba Đình biết rõ nhân dân nó khinh miệt lãnh đạo đến cỡ nào. Vậy mà cũng vẫn chưa ăn thua gì trước những cái mặt trống chầu.
Bởi, từ bấy đến nay, chẳng ai đếm xuể những quy định răn đe “báo lề trái” (leo thang lên tới cả án tù); khoanh vùng “chuyện nhạy cảm” (nâng cấp lên hàng quốc sách, nhân danh bí mật quốc gia); khuyến khích “phi chính trị” (bằng những chữ Nhẫn ưỡn ẹo theo lối thư pháp). Tất cả những nỗ lực dày công (và kinh phí ăn theo cũng dày cộm không kém) đó, thảm thay, chẳng đi tới đâu, ngoài tác động thư giản, do phản ứng cực thông minh của dân. Nên đất nước sản sinh liên tục và liên hoàn các làn sóng …cười văng bác đảng.
Lần này, không giỡn, với NĐ72, đảng và nhà nước ở đây nghiêm túc cấm tiệt nhân dân chạm đến các chủ đề báo đảng đã nói tới/đã đăng tải/thậm chí đã gỡ xuống. Và do chính tay thủ tướng ký cho thêm phần trầm trọng.
Lắm người cho rằng 3D muốn tự tay ký NĐ72, chứ không lệnh cho ai khác làm thay, là để bắn thông điệp chính thức trả đũa các trang mạng của 4S, đặc biệt là trang Quan Làm Báo, cho bõ tức. Vì, xem ra, trong quy trình nghiệm thu, mọi nỗ lực nhiệt liệt “hòn đá-hòn chì” tung tóe của dàn đệ tử vây cánh phía chính phủ đều không đạt nổi thành quả bước đầu, dù đã sử dụng công sức và kinh phí tối đa để thiết kế và cập nhật thường xuyên đủ loại trang mạng đối phó/đương đầu, từ Vua Làm Báo đến 4S Nham Hiểm v.v…
Đó chẳng phải là chứng cứ lãnh đạo “sử dụng dịch vụ mạng xã hội mang tính cá nhân” để đấu đá với nhau hay sao? Và chẳng phải đó cũng là kiểu “bộp tai/đá đít” của thủ tướng đối với các cựu bộ trưởng/thứ trưởng từng lớn tiếng đòi quản lý cả cái nhạy cảm của Nàng Ong Chúa kia hay sao?
Trên thực tế, đối chiếu với truyền thống cúc cung kiếm điểm và tận tụy kiếm tiền của lực lượng an ninh, thì sự vận hành đôi co/đối phó ở thượng tầng lãnh đạo này sẽ tạo ra nhiều loại phụ phẩm khác. Cho dù người ký nhắm vào ai bất kể, thì công an, là bộ phận cơ động …bên dưới, vẫn ung dung huơ cái NĐ72 này như một thứ bùa chú mới toanh để trói chặt các blogger từng chủ trương dân chủ, hầu xin giải ngân nhanh chóng; và mặt khác, lấy NĐ72 làm cớ moi tiền từ các blogger không chính trị.
Điều đó khiến quần chúng hoang mang thêm: Vậy thì bản chất cốt lõi của cái NĐ72 này là gì?
NĐ72 khá lê thê/lượm thượm, 14.368 chữ (kể cả chữ ký dưới cùng), bao gồm cả thảy 6 chương, 46 điều. Trong đó, xương cốt là ở điều 20, phân biệt 4 loại trang mạng. Bèo nhất, nhưng xí-nhê thần sầu quỷ khốc (đến mức 3D/4S đều nhiệt liệt ứng dụng), chính là loại 4:
“Trang thông tin điện tử cá nhân là trang thông tin điện tử do cá nhân thiết lập hoặc thiết lập thông qua việc sử dụng dịch vụ mạng xã hội để cung cấp, trao đổi thông tin của chính cá nhân đó, không đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân khác và không cung cấp thông tin tổng hợp“.
Dụng công của NĐ72 là dùng điều 20 (định nghĩa/phân loại) này để tùy nghi ghép tội ở điều 5 (các vi phạm) đối với các đối tượng xét thấy cần ghép tội.
Rõ ràng là trang web cá nhân (chứ không chỉ tài khoản FB) của nguyên thủ các cường quốc Âu/Mỹ/Á đều cực lực vi phạm NĐ72 này: Angela Merkel, Barack Obama, Shinzo Abe … Họ không “hiểu nhầm” gì cả (theo lời biện giải chữa lửa thụ động của Hoàng Vĩnh Bảo), cứ thoải mái tổng hợp các thứ, cho nên, không lo sao được?
Như vậy, quần chúng cần rốt ráo quán triệt, một cách ngắn gọn/dễ hiểu, cái gì là cốt lõi của NĐ72?
Tóm tắt là mọi người, từ nay, khi đọc các trang báo, trang web của nhà nước thì cấm loan truyền, cấm lặp lại, cấm tổng hợp, cấm phân tích, cấm hỏi, cấm trả lời, thậm chí cấm cả tàng trữ những bài mới treo lên đã gỡ xuống. Bởi lẽ, mọi động thái loan truyền, tổng hợp, phân tích, hỏi, hay trả lời… cũng đều phải lặp lại điều nhà nước đã long trọng viết ra, hoặc vừa khẩn trương xóa vết tích. Dân biết/Dân bàn/Dân kiểm tra ư? Xưa rồi, chỉ đùa đấy thôi, Diễm ạ!
Tức là, từ nay, cấm mọi người tìm hiểu xem nhà nước đang nghĩ gì/nói gì/làm gì.
Chỉ Đọc Thôi — Cấm Hiểu!
Hay nói cách khác, tên chính xác của NĐ72 là Nghị Định Cấm Hiểu, với một số đặc tính/tác động/hiệu ứng thấy ngay trước mắt là:
- Lệnh Cấm Hiểu hiển nhiên bắt đầu và bao hàm luôn cả NĐ72 này.
- Như vậy, chỉ còn lãnh vực bài vở nhầy nhụa và hình ảnh vú/mông/đùi là khu vực an toàn mà báo đảng và blog cá nhân được cùng sánh vai “khai thác chung”.
- Nhưng nói gì đi nữa thì vẫn có một điểm đáng khen, là rõ ràng những quan chức viết ra nghị định này đã rất nghiêm chỉnh đi đầu làm gương: Họ chỉ viết ra thôi chứ đã tự cấm ngặt mình hiểu đang viết những gì.
Cái may của Mark, cho cả Abe, Merkel và Obama… là ở chỗ đó chăng?
Gút lại?
Những ai bình luận rằng chính phủ CHXHCNVN đang xa lánh dần chủ trương hạn chế internet của Tàu để theo chủ trương ngăn internet từ đầu của Bắc Triều Tiên… đều là nóng vội. Rõ ràng Không có chuyện đó.
Những ai nhận định rằng lãnh đạo đang dùng nghị định để giải quyết mối tranh chấp cá nhân giành quyền chủ chợ truyền thông… đều là cầm đèn chạy trước ô-tô. Khẳng quyết là Không có chuyện đó.
Những ai nghi ngờ rằng độc quyền thông tin của chính phủ đã mất, không chỉ về tay dân, mà (đau đớn thay) đã về tay đứa khác… đều là lợi dụng quyền dân chủ. Nhất định Không có chuyện đó
Những ai đúc kết rằng VN đã Vỡ Trận Tuyên Truyền… đều đi trước thời cuộc. Hoàn toàn Không có chuyện đó.
Tất cả chỉ nên đơn giản thấy rằng: Trong cuộc sống khó khăn hàng ngày giữa tình trạng kinh tế tanh bành hiện nay, người dân cần hàng loạt những quyết định/nghị quyết/nghị định/pháp lệnh/sắc lệnh kiểu này. Cần lắm. Không có những trận cười sặc sụa kiểu này thì chắc chắn nhiều triệu người điên mất.
Sau cùng, chuyện gì còn có đó, hãy chúc mừng Mark tai qua nạn khỏi.
Suýt quên chú thích: Hãng thông tấn Απρίλιος ψάρια còn có tên tiếng Anh quý phái là April-ONE.
03-08-2013 – Kỷ niệm 79 năm ngày Adolf Hitler trở thành lãnh đạo tối cao của Đức khi gộp hai chức vụ Tổng thống và Thủ tướng thành Führer
Blogger Đinh Tấn Lực tổng hợp trên đường quá cảnh một ngả ba sông.
Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013
Đinh Tấn Lực - Tay Sai Đẻ Quan Thầy
Đinh Tấn Lực
“Dân bàn quốc hoa. Quan gây quốc họa”.
(Lê Nan – tiên sư Lê Nin)
Dạo này chú Tư (CT) bận suốt.
Vừa mới nghe tin CT khấu kiến thiên triều xong, quần chúng chưa kịp lấy lại nhịp tim và hạ huyết áp, thì lại nghe loa thái giám khắp nơi oang oang là CT được Obama “cầu kiến”!
Khiến người người cứ ngỡ đang đọc lại Người Vái Tứ Phương của cụ Doãn Quốc Sĩ.
Vái từ BCT qua hai đận TW, ra tới Cuốc hội. Chẳng “xí-nhê” gì.
Nay lại vái từ phương Cực Bắc qua miền Viễn Tây bên kia trái đất. Chỉ để nuôi hy vọng vào một phép màu cầu đảo?
Cận Chiến Giành Bảo Tiêu
Ngay sau phát biểu nhậm chức, chiều 25/7/2011, CT đã có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo: - Theo quan điểm của Chủ tịch nước, Việt Nam cần làm gì để vừa giữ vững chủ quyền biển đảo vừa giữ được vị thế của Việt Nam bên cạnh một nước lớn?
“ Như tôi đã phát biểu trước Quốc hội chiều nay, vấn đề chủ quyền biển đảo với bất cứ quốc gia nào cũng thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Nước to, nhỏ cũng đều có nhận thức như vậy.
Để giữ vững chủ quyền biển đảo, theo tôi có 3 cơ sở quan trọng: luật pháp, lịch sử, và chiếm hữu-khai thác thực tế. Trong vấn đề luật pháp có luật quốc tế và quốc nội. Công ước luật biển năm 1982 là thành quả đấu tranh lâu dài của loài người, đặc biệt là các nước nhỏ. Do đó, chúng ta phải dựa vào công ước luật biển, dựa vào sức mạnh của tập thể, của cộng đồng, để bảo vệ chủ quyền biển đảo, vùng đặc quyền kinh tế.
Ngoài ra, trên cơ sở công ước luật biển 1982 chúng ta phải luật hóa bằng luật quốc nội, chiếm hữu biển đảo về mặt pháp lý, thực địa. Cơ sở lịch sử, pháp lý và chiếm hữu khai thác về thực tế là 3 mặt của vấn đề để xác lập chủ quyền biển đảo”.
Nghe mà nức lòng. Chỉ không nức lâu.
Tại buổi tiếp xúc với cử tri quận 4 Sài Gòn, vào ngày 18/10/2012, người ta thấy CT đã bắt đầu nhẹ giọng xuống tông Rề:
“Đảng và Nhà nước Việt Nam không lùi bước trong vấn đề biển Đông.Việc gìn giữ hòa bình trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, từ ý thức đến hành động đều hết sức đầy đủ. Nhưng đồng thời, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia vẫn tiến hành thường xuyên không có gì thay đổi”…
Rồi còn chịu khó vung tay phân trần thêm:
“Điều đó chứng minh rất rõ ý chí lãnh đạo hiện nay. Như vậy có nhu nhược không? Chuyện đó đâu phải Bộ Ngoại giao làm mà dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ. Và các đại biểu Quốc hội đã thực hiện điều này”.
Chín tháng sau đó, vào ngày 11/7/2013,quan Đặc mệnh Toàn quyền Khổng Huyễn Hựu họp báo ngay tại Thủ đô Hà Nội, long trọng thông báo kết quả chuyến khấu tấu của CT hồi cuối tháng 6, như sau:
“Vấn đề trên biển là vấn đề duy nhất còn tồn tại trong quan hệ hai nước. Lập trường hai bên là khác nhau và có bất đồng. Nhưng trong chuyến thăm lần này, hai bên đã thống nhất được những biện pháp xử lý thỏa đáng những vấn đề nảy sinh, tránh để cho vấn đề trên biển ảnh hưởng đến sự phát triển quan hệ của hai nước”.
Bản Tuyên bố chung của cuộc khấu kiến này (do thiên triều soạn sẵn và ký tại Bắc Kinh) đã trang trọng áp đặt (hay bị xoa đầu) qua những nhấn mạnh cốt lõi:
“Hai bên đã nhìn lại quá trình phát triển quan hệ Việt-Trung, nhất trí cho rằng tình hữu nghị Việt-Trung là tài sản chung quý báu của nhân dân hai nước, khẳng định sẽ tuân theo các nhận thức chung quan trọng mà Lãnh đạo hai nước đã đạt được trong những năm qua về phát triển quan hệ hữu nghị Việt-Trung, tiếp tục kiên trì phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, không ngừng tăng cường tin cậy chiến lược, làm sâu sắc thêm hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực, xử lý thỏa đáng các vấn đề còn tồn tại, tăng cường điều phối và phối hợp trong các vấn đề quốc tế và khu vực, thúc đẩy quan hệ Việt-Trung phát triển lành mạnh, ổn định lâu dài” (đoạn 2).
“Hai bên cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc cùng là hai nước đang phát triển, có lập trường tương tự và gần nhau trong nhiều vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm” (đoạn 6).
“Trong thời gian chuyến thăm, hai bên đã ký ‘Chương trình hành động giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc về việc triển khai quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc’, ‘Thỏa thuận hợp tác biên phòng giữa Bộ Quốc phòng hai nước Việt Nam – Trung Quốc’…” (đoạn 7).
“Hai bên hài lòng trước những kết quả đạt được trong chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nhất trí cho rằng chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển” (đoạn 8).
Rõ là còn lắm thứ quan trọng hơn cả biên cương/lãnh thổ/biển đảo của tổ tiên/nòi giống.
Mấy cái ghế ngồi là thuộc ưu tiên hàng đầu trong những thứ đó.
Trên căn bản vương-hầu ấy, những biện pháp xử lý thỏa đáng trên Biển Đông vẫn nằm gọn trong đôi tay rắn như chão thừng của hạm đội Hải Giám. Có nghĩa là ngay trong lúc lãnh đạo hai đảng cùng nâng cốc chúc mừng nhau thì ngư dân Việt Nam vẫn tiếp tục …ôm đầu máu. Thậm chí còn bị đám giặc leo lên mui tàu chặt trụ cờ ném xuống biển.
Người ta cứ tưởng CT có đầu óc và con tim hơn hẳn đồng chí X.
Người ta đã bị cơn bão phũ phàng phủ chụp: Cả hai chỉ tranh nhau một mớ quyền. Thậm chí, cả giuộc thậm thụt cống sứ thiên triều để được bảo tiêu cho một mớ quyền nội địa. Lễ vật triều cống là tất tật mọi thứ, từ quốc thể cho tới chủ quyền quốc gia; từ quốc thổ cho tới vận mệnh của đất nước; từ quốc thái cho tới lợi ích cốt lõi của dân tộc… Bằng cả quốc thư, chính thức và công khai.
Tức, chẳng phải chỉ CT với đồng chí X.
Không lâu trước đó là những Lú/Nông/Phiêu. Như một truyền thống: a) Tất cả các Đại hội Đại biểu Toàn đảng đều được chứng thị đường lối và nhân sự bởi đại diện thiên triều (ngồi hàng ghế danh dự); b) Tất cả các tân Tổng bí đều đích thân sang Trung Nam Hải khấu tấu ngay sau khi nhậm chức.
Trước đó nữa là những Mười/Linh, trong Hội Nghị Thành Đô vang lừng lịch sử cà cuống chống xâm lăng.
Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc và Quốc Tế III mồ êm mả đẹp ngay trên cái nôi cách mạng của nó, nguyên tắc đối ngoại chính yếu của Hà Nội có thể gom vào duy nhất một từ: Thần Phục. Giảng rộng ra, ở mức tập thể, là:Thà mất nước hơn mất đảng.
Đến thời chập chờn Vỡ Trận, trong tình thế hiểm nghèo của báo đài chết đứng, khiến tư tưởng bốc hơi và nội bộ tan tác chia lìa, nguyên tắc Thần Phục đó được cải tạo xuống mức cá nhân: Thà mất nước hơn mất ghế, kể cả khi mất ghế vào tay đồng chí.
Đơn Xin Làm Nô Lệ
Những tờ đơn xin làm nô lệ, vào thời Trần Ích Tắc/Lê Chiêu Thống, từng được viết bằng tiếng Hán cho thiên triều dễ đọc. Tới thời Nguyễn mạt thì được nắn nót bằng tiếng Tây, gửi Monsieu le President de la Republique, xin được nhập học vào Trường Thuộc địa (École Coloniale), chuyên đào tạo các nhân viên hành chánh cho chính quyền thực dân, với hy vọng “giúp ích cho Pháp”. Viết trong niềm phấn khích khi đọc Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lê-nin. Viết bằng cả nước mắt, ngay tại Mát-xcơ-va đúng vào dịp Lê-nin vừa mới chuyển sang từ trần. Viết Báo cáo về tình hình Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ, với tư cách ủy viên Ban Phương Đông, phụ trách Cục Phương Nam của Đệ tam Quốc tế. Viết thành sách Đường Kách Mệnh, tập hợp bài giảng tại các lớp huấn luyện chính trị của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Viết kế hoạch khởi nghĩa Xô Viết Nghệ Tĩnh, bằng máu của hàng vạn nông dân. Viết báo cáo cho Đại hội lần thứ 7 Đệ Tam Quốc tế, trong vai trò quan sát viên của ban thư ký Dalburo với tên Linov. Viết bằng ngón tay trỏ vào bức ảnh trên vách của “ba ông kia kìa”. Viết thành “tư tưởng” rằng mọi tư tưởng đã có Mao tiên sinh nói hết rồi. Viết bằng công hàm 1958. Viết bằng thơ “thương mình thương một thương ông thương mười”. Viết “Đề cương cách mạng Miền Nam” bằng máu của nhiều triệu thanh niên Việt. Viết theo lệnh “chống Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng”. Viết thành khẩu hiệu “chống nạn diệt chủng của đồng chí Pol Pot”, dẫn tới nỗ lực huy động thanh niên chống đỡ “cuộc chiến giáo trừng”. Rồi không lâu sau đó, viết khẩu hiệu “hữu nghị” giăng đầy cột điện. Viết bằng ngọn đuốc thế vận 2008 trọng thị và an toàn chạy ngang thành phố mang tên xác ướp. Viết thành “Chủ trương lớn” trên nóc nhà Đông Dương. Viết theo chỉ thị “không được làm nóng vấn đề biển đảo” và “không được kỷ niệm tuyên dương liệt sĩ Gạc Ma”. Viết thành lệnh không được ghi rõ quốc tịch tàu giặc. Viết bằng pháo hoa rực lễ mừng 60 năm quốc khánh thiên triều…
Gần đây, những tờ đơn xin làm nô lệ này được cẩn thận viết bằng đầu gối. Nhằm mục tiêu tranh nhau nâng cấp sự cầu cạnh cá nhân. Rõ nhất là những văn thư từ Hà Nội nô nức bay sang Bắc Kinh “nồng nhiệt chúc mừng” trong dịp Tập Cận Bình nhậm chức tân tổng bí. Và lần lượt sau đó là những chuyến công du triều kiến giật giành ảnh hưởng.
Thế là những mánh khóe ngáng cẳng/lên gối/thúc chỏ lẫn nhau đã được ồ ạt xuất khẩu.
CT không là ngoại lệ, sau rất nhiều nỗ lực “nội địa” đương đầu/kình chống với đồng chí X.
Lời tuyên bố dựa vào sức mạnh của tập thể, của cộng đồng để giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông cũng nhanh chóng biến thành thực tếdựa vào sức mạnh bảo tiêu của thiên triều để giải quyết vấn đề tranh chấp lẫn nhau. Đó là ưu tiên mới, nhiều phần là ưu tiên duy nhất hiện nay, nên không cần được thừa nhận là ưu tiên cao nhất.
Đi tìm chỗ đỡ đầu bên ngoài để đối đầu bên trong chính là xu thế chính trị Tay Sai thời đại ở thủ đô anh hùng từng được UNESCO công nhận là Thành Phố Vì Hòa Bình. Và đây mới chính thực là Xưởng Đẻ Quan Thầy.
Tình cảnh đó từ đâu ra?
Không ai không biết rằng Bắc Kinh luôn sẵn sàng dang tay đón nhận mọi lời cầu cạnh, từ mọi phe của Hà Nội. Bởi, cộng thêm những sinh tử phù (tiền và gái) phụ trội, thì Bảo Tiêu là phương cách vững chắc/lâu bền nhất để khuynh đảo dàn lãnh đạo hiện nay và tương lai của một quốc gia từng có lần nức tiếng “anh hùng” mà Bắc Kinh vẫn hằng lăm le biến thành một khu tự trị mới. Bảo đảm sẽ không một đứa nào dám tự ý rời khỏi vòng tay bảo hộ đầy quyền năng của Trung Nam Hải. Chỉ riêng chuyện tiền nong, cứ bấm chuột vào đường link của OffshoreLeaks, người ta sẽ tròn mắt và há hốc ra nhìn mối quan hệ hữu cơ giữa các sân sau chủ quản của lãnh đạo Tàu-Việt.
Bản báo cáo tháng Sáu của CT, nếu không bằng chữ thì bằng lời, có lẽ không thể thiếu một đoạn mè nheo về tình hình khuynh đảo cực đỉnh của đồng chí X, đến mức BCT, TW 6 và TW 7 bó tay; đã thế, BCT ở đây còn bị áp đảo thêm nữa bằng hai phiếu mới cáu của X, là Nguyễn Thiện Nhân và Nguyễn Thị Kim Ngân.
Trong bối cảnh đó, liệu là người ta có thể chờ đợi gì ở chuyến công du Hoa Kỳ mươi ngày tới của CT?
1. Giữ trọn vai trò con thoi cho Bắc Kinh để làm dịu bớt sức căng của Mỹ ở Biển Đông?
2. Đánh đổi một vài con tin/lời hứa nào đó để Hoa Kỳ nhẹ tay về điều kiện nhân quyền gắn với TPP để gia tăng “uy tín” cá nhân, mà không bị Bắc Kinh buộc làm bản tự kiểm?
3. Lén đệ thêm đơn xin làm nô lệ chỗ khác mà quan thầy Bắc Kinh, nếu có biết ra, vẫn không nổi trận lôi đình?…
Đối với đại khối người Việt Nam, rõ ràng đó không phải là những chờ đợi, cho dù nhất thời.
Và cũng chẳng mấy ai tin là CT thành công. E rằng đó là thứ nỗ lực “cầu vẫn cầu song khó đảo”.
Ngược lại, điều chờ đợi chính là những phiên tòa xử tội phản quốc của thứ lãnh đạo chuyên nộp đơn xin làm nô lệ đó đây, với món thế chấp là vận mệnh của cả dân tộc.
16-07-2013 – Kỷ niệm 33 năm khánh thành Đài Thông Tin Vệ Tinh Mặt Đất Hoa Sen (Giảng Võ) để trực tiếp ghi nhận được hình ảnh màu của chương trình phát sóng hàng ngày ở Matxcơva.
Blogger Đinh Tấn Lực
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)