Hiển thị các bài đăng có nhãn Điểm sách. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Điểm sách. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2022

Winston Phan Đào Nguyên: Về một cuốn sách nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu

Cuốn sách này khởi đầu là một bài tham luận cho cuộc Hội Thảo về Nguyễn Đình Chiểu với chủ đề “Giá trị văn hóa và nhân văn của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay” vào cuối tháng 6, đầu tháng 7/2022 tại Bến Tre, Việt Nam. Cuộc hội thảo về Nguyễn Đình Chiểu nói trên đã được chính phủ Việt Nam giao cho tỉnh Bến Tre tổ chức, sau khi UNESCO đồng ý cho việc cùng kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Nguyễn Đình Chiểu.

A. Quyết Định Của UNESCO

Chiếu theo quyết định 211 EX/30 của UNESCO vào năm 2021, hồ sơ yêu cầu của Việt Nam về việc kỷ niệm 200 năm ngày sinh của thi sĩ Nguyễn Đình Chiểu đã được UNESCO chấp nhận và cho phép việc kỷ niệm đó được gắn liền với danh hiệu UNESCO. Đây là một hình thức nhìn nhận Nguyễn Đình Chiểu như một danh nhân đã có đóng góp cho văn hóa thế giới.

Nguyễn Đình Chiểu là người cuối cùng trong danh sách được UNESCO nhìn nhận theo quyết định này, thứ 60. Theo đó, hồ sơ của Nguyễn Đình Chiểu đã được sự ủng hộ của Ấn Độ, Nhật, Hàn Quốc, và Thái Lan. Hồ sơ nhấn mạnh về những đức tính do ảnh hưởng Nho Giáo của Nguyễn Đình Chiểu, trong đó có lòng trung hiếu và sự chân thật thành tín (faithfulness) của ông (1).

Sau đó, có một sự “cam kết” giữa phía Việt Nam và UNESCO về việc tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Nguyễn Đình Chiểu. Và tỉnh Bến Tre đã được giao trách nhiệm tổ chức “một số hoạt động kỷ niệm” Nguyễn Đình Chiểu, trong đó có cuộc Hội Thảo Quốc Tế với chủ đề “Giá trị văn hóa và nhân văn của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay”.

 

B. Hội Thảo Quốc Tế Nguyễn Đình Chiểu

Ngày 31 tháng 12 năm 2021, tỉnh Bến Tre đã có một văn bản về kế hoạch tổ chức cuộc Hội Thảo Quốc Tế Nguyễn Đình Chiểu như sau:


Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2022

Đoan Trang/Người Việt: Little Saigon - Ra mắt sách minh oan cho cụ Phan Thanh Giản vào 15 Tháng Năm

LITTLE SAIGON, California (NV) – “Lý do tôi viết cuốn sách ‘Phan Thanh Giản và vụ án ‘Phan Lâm Mãi Quốc Triều Đình Khí Dân’ là vì nhận thấy sự bất công cho cụ Phan Thanh Giản.”

Tác giả, Luật Sư Winston Phan Đào Nguyên, nói với nhật báo Người Việt khi chuẩn bị ra mắt cuốn sách này vào 2 giờ chiều, ngày 15 Tháng Năm, tại Viện Việt Học, 15355 Brookhurst St., Suite 222, Westminster, CA 92683.

Bìa cuốn sách cuốn sách “Phan Thanh Giản và vụ án ‘Phan Lâm Mãi Quốc Triều Đình Khí Dân'” (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Cùng họ với cụ Phan Thanh Giản, nhưng Luật Sư Đào Nguyên khẳng định: “Tôi không phải là ‘hậu duệ,’ cũng không có liên hệ bà con gì với cụ. Thêm lý do tôi viết cuốn sách này, là vì sau cuộc hội thảo về Petrus Ký, Giáo Sư Nguyễn Trung Quân, cựu học sinh, và cũng là cựu hiệu trưởng trường Phan Thanh Giản ở Cần Thơ, cùng ông Phạm Phú Minh (tức nhà văn Phạm Xuân Đài) ‘gửi gấm’ tôi nghiên cứu về cụ Phan. Quá trình nghiên cứu tôi mới thấy có một sự dàn xếp, bịa đặt của các sử gia miền Bắc Việt Nam, để cố tình hạ nhục cụ Phan Thanh Giản.”

Cuốn sách “Phan Thanh Giản và vụ án ‘Phan Lâm Mãi Quốc Triều Đình Khí Dân’” được tác giả viết trong vòng một năm, khoảng thời gian đại dịch COVID-19. Ông cho biết lúc dịch bệnh, do “không được đi chơi đâu” nên ông dành thời gian cho việc viết sách, ngoài công việc thường nhật không thể bỏ.

Cuốn sách có nhiều các tài liệu bằng tiếng Pháp, tiếng Hán.

Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2022

Phạm Phú Minh: Đọc Tuyển Tập Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật & Văn Hóa Của Ngô Thế Vinh

 

 

Thời gian bắt đầu thế kỷ 21, tác giả Long Ân trong một bài nhận định về cuốn sách mới nhất của Ngô Thế Vinh hồi đó, đã viết: 

 

“Ở cuốn sách mới nhất của anh Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông dậy sóng, người đọc đã thấy những hóa thân Ngô Thế Vinh biến thái liên tục theo từng trang mở rộng. Ngô Thế Vinh con người xanh của môi sinh, Ngô Thế Vinh con người chính trị nhân bản, Ngô Thế Vinh con người phiêu lưu trong khu rừng già địa lý chính trị, Ngô Thế Vinh con người tiên tri lịch sử...”

 

Đây là một nhận định rất tinh tế và chính xác về con người viết lách của bác sĩ Ngô Thế Vinh, cho đến thời điểm 2001. Ngày nay, 16 năm sau, chúng ta có thể thêm vào các dòng chữ trên: Ngô Thế Vinh con người của văn học nghệ thuật và tình cảm bạn hữu. Ít ra, đây sẽ là những đặc tính mà người đọc sẽ tìm thấy khi đọc cuốn sách mới nhất của anh: Tuyển Tập Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật & Văn Hóa. 

 

Cho đến năm 2001, nhà văn Long Ân đã nhìn thấy một Ngô Thế Vinh trên “tầm vóc vĩ mô” của những vấn đề lớn như địa lý chính trị, số phận của một dòng sông dài chảy qua nhiều nước, những vận động đa quốc gia để giữ gìn sinh thái cho cả một vùng Đông Nam Á v.v... với một hùng tâm hùng khí không bao giờ lùi bước và một tài năng sắc bén cùng một tấm lòng thiết tha không lay chuyển. Nhưng 16 năm sau, vào cuối năm 2017, với tác phẩm mới nhất của mình, có thể nói Ngô Thế Vinh đã lần đầu tiên đưa ngòi bút vào lãnh vực “vi mô” : chân dung văn học nghệ thuật và văn hóa của từng con người cụ thể với tất cả các nét tế vi của lãnh vực này.

 


Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2022

Trùng Dương: Sách - Kinh nghiệm kiến quốc trong thời chiến của Việt Nam Cộng Hoà, 1955-1975

 Tổng thống Kennedy có lần đã nói: “Chiến thắng có cả trăm ông cha và thất bại trở thành mồ côi” (Victory has a hundred fathers and defeat is an orphan). Người Việt Miền Nam, dù lưu vong hay còn ở quê nhà, thẩy đều đã trở thành “mồ côi.” 

Nhiều thập niên qua, chúng ta đã sống trong thầm lặng, chịu đựng bị hiểu lầm, cố gắng dồn mọi nghị lực vào việc xây dựng lại đời sống trên mảnh đất quê hương thứ hai, nuôi dậy con cái, vun sới gia đình, và có một dạo còn cung cấp cho người thân, bằng hữu còn kẹt lại sống thiếu thốn mọi sự. Vào giờ rảnh rỗi và dịp cuối tuần, chúng ta tập hợp nhau, người bàn chuyện quang phục quê hương; kẻ nói chuyện bảo tồn lịch sử và văn hóa đã và đang bị cộng sản tàn phá, hủy hoại ở quê nhà --cũng là một hình thức quang phục quê hương khi các giá trị dân tộc và nhân bản đang trên đà thoái hóa nơi quê nhà. Những hoạt động này đã giúp nối kết người Việt hải ngoại không chỉ ở Mỹ mà còn ở khắp thế giới lại với nhau.

Các nỗ lực bảo tồn văn hóa và lịch sử của người Việt hải ngoại thường nhỏ giọt, riêng lẻ, phần lớn do cá nhân bỏ tiền túi ra thực hiện. Thảng hoặc, có những trường hợp nhận được tài trợ như nhà văn Võ Phiến được một tổ chức nghiên cứu khoa học xã hội tài trợ đi sưu tầm tài liệu và thực hiện bộ “Văn Học Miền Nam Tổng Quan” vào đầu thập niên 1980. Dù vậy, kết quả của những nỗ lực này phải nói là phong phú, xuất hiện dưới hình thức sách báo, băng đĩa nhựa, hình ảnh, bầy bán khắp nơi. Những tác phẩm bị cộng sản cấm đoán, tịch thu, đốt hủy cũng đã được chụp và tái bản ở hải ngoại, ngay cả những bộ sách của thời tiền chiến được tái bản ở Miền Nam trước 1975 cũng theo chân chúng ta ra hải ngoại. Và hồi ký đủ loại đề tài phong phú của nhiều người viết thuộc mọi thành phần trong và ngoài nước, đặc biệt là các hồi ký của nhiều người đã từng là đảng viên cộng sản nay tỉnh ra. Từ ngày kỹ thuật Internet ra đời cách đây 25 năm, sinh hoạt văn hóa này càng nở rộ (*). Dù vậy, các ấn phẩm vẫn chỉ thu hẹp phần lớn trong phạm vi tiếng Việt, hạn chế đối với các thế hệ trưởng thành hoặc sinh ra và lớn lên ở hải ngoại.


Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2021

Ngô Nguyên Dũng : Vui buồn cùng Đặng Mai Lan và tạp văn "Người Lạ, Người Quen"

Đặng Mai Lan viết không nhiều. Tạp văn "Người Lạ, Người Quen" là tác phẩm thứ ba của chị, Văn Học Press ấn hành năm 2018, sau hai tập truyện "Phòng 111", Văn xuất bản năm 2000, và "Tập Sống", Văn Mới ấn hành năm 2009. Quyển này cách quyển kia đúng 9 năm.

Tôi không có cơ hội đọc nhiều những sáng tác của chị, bởi một lẽ rất dễ hiểu, chúng tôi viết cho những tạp chí văn chương khác nhau, ngoại trừ nguyệt san Văn Học trước đó, thuở cố nhà văn Nguyễn Mộng Giác còn làm chủ bút. Tôi chỉ nhớ, đã đọc qua một vài truyện ngắn của chị trong Văn Học: Những dòng văn chương buồn bã, mênh mang tâm sự, gần như ảm đạm, chuyên chở những phiền muộn, mất mát trong đời sống của nhân vật chính. Văn phong của Đặng Mai Lan đẹp như những bức họa ngôn ngữ nhiều sắc lạnh. Giữa những dòng chữ là một chuỗi nốt trầm, gợi lên trong tâm tư người đọc những âm thanh vĩ cầm thê thiết. 

Chỉ vậy thôi. 

Cho tới vài năm trước đây, sau khi tôi tạo trang Facebook cá nhân và có dịp được kết bạn với chị. Thỉnh thoảng chúng tôi nhắn tin hỏi thăm nhau và gởi sách cho nhau đọc. Không hiểu sao, Đặng Mai Lan đã cho tôi cảm tưởng, cuộc sống tâm tình của chị đã có nhiều thay đổi lạc quan. "Người Lạ, Người Quen", có lẽ, là quyển sách được viết cho một khởi đầu khác của ngòi bút Đặng Mai Lan.

*

"Người Lạ, Người Quen" gồm 143 trang sách với 15 đoản văn, Đặng Mai Lan viết về những "người quen" là những khuôn mặt văn nghệ thân quen hay bạn bè của chị và những "người lạ", mà chị đã tình cờ gặp gỡ hay đã được chị tìm hiểu qua các phương tiện truyền thông. 


Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2021

Lê Hữu: Những sợi vắn, sợi dài trong truyện Hoàng Quân



“Ký ức biết chọn lọc, chỉ giữ lại những mầu hồng mà thôi.”

Tôi nhớ đã đọc câu ấy trong truyện ngắn nào của Hoàng Quân, dường như nhân vật nào ở trong truyện đã thốt lên như vậy. Tôi không chắc có phải tác giả đã để nhân vật nói thay cho mình nhưng tôi thích câu nói ấy; hơn thế nữa, tôi tin là ký ức của tác giả cũng chỉ muốn giữ lại màu hồng và những truyện của Hoàng Quân mà tôi từng đọc cũng là được ghi chép lại từ một ký ức tươi hồng. 

Màu hồng phơn phớt ấy có thể nhìn thấy được qua các truyện ngắn trong tập truyện Sợi Vắn, Sợi Dài (*), qua mối tình nhẹ nhàng phất phơ như cánh cò bay lả bay la trong truyện Ca dao hay mơ màng lãng đãng như chuyện liêu trai trong truyện Người trong mộng, hay qua những “hoa bướm ngày xưa” nơi sân trường kỷ niệm trong truyện Thầy trò một thuở… và nhiều truyện khác nữa.


Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2021

Đỗ Hồng Ngọc: Nghĩ về “Tập sách Cái cười & Sự lãng quên” (Tiểu thuyết Milan Kundera, Trịnh Y Thư dịch)

Đó là cuộc truy tìm bản ngã con người để từ đó rất có thể lóe lên luồng sáng mới mẻ cho ta thấy rõ hơn cái ẩn mật của hiện tồn. (Kundera)

Je pense donc je suis… (Descartes).

Mà vì hình như, suy nghĩ một mình không thể tìm ra bản ngã, tác giả phải tạo ra nhiều mình khác qua nhân vật, gọi là tiểu thuyết để cùng đi tìm: tìm trong cái phông nền lịch sử, trong tình dục, trong tình yêu, hạnh phúc, đớn đau…

Nhân vật trong tiểu thuyết tôi là những khả thể vô thức của chính tôi (Kundera). Bởi cuối cùng là để vượt ra, vượt qua: một cái đường biên mong manh mà mênh mông đó. Ở đó, Bên kia đường biên “bản ngã” của riêng tôi chấm dứt (trang 19). Nghĩa là đạt đến vô ngã / non-self (không phải no-self).

Cái đường biên đó do chính tác giả tạo ra cho mình và loay hoay tìm lối thoát, càng tìm lối thoát càng bị quấn chặt. Chỉ vượt ra, vượt qua (Gaté, gaté…paragaté…) đường biên khi có được trí Bát nhã (Prajna) thấy được ngũ uẩn giai Không, mới “độ nhất thiết khổ ách”.

Diễn viên, kịch sĩ cũng sắm nhiều “bản ngã” cho mình, như lúc sắm vai vua, lúc sắm vai ăn mày… nếu “thức tỉnh” cũng dễ vượt thoát. Nhà viết tiểu thuyết còn có ưu thế hơn: tiểu thuyết nói được những điều mà chỉ tiểu thuyết mới nói được (Kundera). Hài hước, châm biếm, ẩn dụ, châm ngôn, giả định, khoa đại, bông lơn, gây hấn, huyễn hoặc,… và dĩ nhiên cũng không tách khỏi cái “vòng tròn ảo diệu bao quanh đời sống” dù giãy nảy: Tiểu thuyết gia không phải là kẻ hầu của sử gia (Kundera). Cái “vòng tròn ảo diệu bao quanh đời sống” đó dù làm người ta nôn ói, người ta bị điều khiển ngay cả cách làm tình thì cũng đã tạo cái cớ cho tiểu thuyết gia vung chiêu. Dĩ nhiên lịch sử chỉ là… những lời nói dối (thơ ĐN).

Chỉ có một cách thoát, như Vạn Hạnh thiền sư dạy đệ tử hơn ngàn năm trước:

Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô
(Vạn Hạnh thiền sư)

Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2021

Nguyễn Mạnh Hùng: Cuộc chiến Việt Nam dưới con mắt của một người trong cuộc

Gọng Kìm Lịch Sử là một cuốn hồi ký viết theo kiểu Mỹ dành cho độc giả người Việt. Nói vậy có nghĩa là cuốn Gọng Kìm Lịch Sử không phải chỉ ghi lại lời kể chuyện nhớ đến đâu ghi đến đấy, mà còn là một cố gắng tìm tòi dữ kiện, tra cứu sách vở, viện dẫn tư liệu để bổ túc thêm cho những điều mà chính tác giả chứng kiến. Cho độc giả ngoại quốc thì ông Bùi Diễm đã xuất bản cuốn In the Jaws of History viết chung với David Chanoff từ năm 1987. Gọng Kìm Lịch Sử là cuốn sách viết cho độc giả người Việt. Tuy có lập lại những điểm chính trong cuốn sách Anh ngữ, nhưng Gọng Kìm Lịch Sử không phải là bản dịch của cuốn sách ấy. Đây là cuốn sách được viết hẳn lại, khai triển và đưa ra nhiều chi tiết hơn, những chi tiết mà độc giả người Việt quan tâm. Đây là một cuốn hồi ký, qua câu chuyện cá nhân, tóm gọn đầy đủ một giai đoạn lịch sử sôi động và gần nhất của nước ta, từ Đệ Nhị Thế Chiến cho đến ngày cuối của Việt Nam Cộng Hòa. Giai đoạn lịch sử này được thuật lại theo cái nhìn của một người trong cuộc, một nạn nhân của “Gọng Kìm Lịch Sử”.

Trong nhiều lần nói chuyện cũng như ngay trong lời tựa của cuốn sách, cựu đại sứ Bùi Diễm cho rằng cuốn hồi ký của ông không phải chỉ là chuyện cá nhân mà còn phản ảnh kinh nhiệm chung của những người quốc gia thuộc thế hệ ông. Nói vậy chỉ đúng một phần. Ông Diễm là một người, vì liên hệ gia đình và biệt tài cá nhân, đã được lịch sử đặt vào vị thế đặc biệt để hành động và chứng kiến nhiều điều mà những người khác cùng thế hệ ông không có được. Tác giả hoặc làm việc mật thiết với hoặc ở gần nhiều nhân vật lịch sử và văn học của Việt Nam, vì thế cho ta biết được một số chi tiết đặc biệt và những kỷ niệm cá nhân của tác giả đối với các nhân vật như Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Trương Tử Anh, Võ Nguyên Giáp, Nghiêm Kế Tổ, Bảo Đại, Ngô Đình Diệm, Phan Huy Quát, Phan Khắc Sửu, Trần Văn Văn, Trần Văn Tuyên, Nghiêm Xuân Hồng, Trần Văn Đỗ, Lê Văn Kim,… Trong số những người kể trên, ông nói nhiều nhất đến sáu người: Trương Tử Anh, Trần Trọng Kim, Phan Huy Quát, Bảo Đại, Ngô Đình Diệm, và Nguyễn Văn Thiệu. Ông tỏ ra mến trọng ba nhân vật đầu và không phục ba nhân vật sau.

Hồi ký là loại sách lịch sử chính trị vừa kể lại chuyện đã qua, vừa biện minh cho tác giả. Trong sách, ông Diễm được dịp giải thích ba việc: việc ông tiếp tục làm việc với tướng Kỳ sau khi Thủ Tướng Quát từ chức là do chính ông Quát khuyên, chứ không phải ông phản ông Quát; việc Tổng Thống Thiệu trì hoãn không chịu tham gia hội đàm Ba Lê trước cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ năm 1968 không phải vì ông đi đêm với phe Cộng Hòa khuyến cáo để làm lợi cho ứng cử viên Nixon như những người trong chính quyền dân chủ và báo chí Mỹ buộc tội ông; việc ông Thiệu nghi ông là người của ông Kỳ là không đúng, ông là người yêu nước độc lập chứ không phải là người của ông Kỳ chống lại ông Thiệu.