Hiển thị các bài đăng có nhãn Đặng Tiến. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Đặng Tiến. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 18 tháng 4, 2023

Đọc lại Đặng Tiến: Độc Cô Thanh Tâm Tuyền, Chuyện kể năm 2000

 Xin mời đọc lại 2 bài viết của nhà nghiên cứu phê bình văn học Đặng Tiến, một bài về nhà thơ Thanh Tâm Tuyền và một bài về cuốn “Chuyện kể năm 2000” của nhà văn Bùi Ngọc Tấn.

***


Độc Cô Thanh Tâm Tuyền



Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền qua đời trưa ngày 22 tháng 3-2006, tại thành phố Saint Paul, Minnesota, Hoa Kỳ, thọ 70 tuổi.


Hôm sau, bạn hiền Phạm Phú Minh, báo tin và yêu cầu viết bài, chỉ cần khoảng 2700 chữ, trong hai ngày, cho kịp báo Thế Kỷ 21 lên khuôn. Tôi lo toáng lên: hai ngày thì đào đâu ra 2700 chữ về một tác gia nổi tiếng là khó khăn và khó tính ? Giá mạng chữ nghĩa của tôi giỏi lắm là vài ba trăm chữ, thôi thì đành viết trong giới hạn đó.


Thứ Ba, 11 tháng 4, 2023

Thơ Tháng Tư của Trần Trung Đạo, Nguyễn Hiền, Thận Nhiên, Đặng Tiến

Hơi thở Việt Nam

(Ðể tưởng niệm Trung Tá Cảnh Sát Long, người đã tự sát dưới chân tượng đài Thủy Quân Lục Chiến tại Sài Gòn sáng ngày 30-4-1975)

Trên đám cỏ này là nơi anh đã nằm 

Trên nắm đất này là nơi máu anh đã nhỏ 

Ðất vẫn một màu nâu 

Cỏ vẫn một màu xanh muôn thuở 

Mặt trời mỗi sớm vẫn rọi vào làm lóng lánh 

những giọt sương 

Như đôi mắt sáng của anh 

Lần cuối cùng ngửa mặt nhìn tổ quốc yêu thương 

Dưới chân tượng đài Thủy Quân Lục Chiến. 

Trung Tá Long! 

Họ của anh là gì vẫn chưa ai biết 

Có phải là Ngô, Ðinh, Lý, Trần hay Lê, Nguyễn...Văn Long ? 

Không, tên của anh đã bắt đầu 

Từ ở núi, ở rừng, ở biển, ở sông


Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2023

Thơ Nguyễn Hiền, Đào Như, Hoàng Xuân Sơn, Đặng Tiến

Cũng có sao đâu


ly cà phê sáng bốc khói
tháng hai còn bóng dáng mùa đông
chiếc áo len cũ mặc lâu rồi
sờn mấy chỗ thây kệ, mặc có sao đâu
người đàn ông mỉm cười với chính mình
ly cà phê khét đắng mùi bắp, mùi đậu nành rang
cũng có sao đâu, cà phê vỉa hè mà
chỗ nào cũng như nhau
người đàn ông ngồi một mình không có bạn
uống chậm rãi ly cà phê giá 10k
cũng có sao đâu
không cần phải đến những nơi sang trọng như highland, starbucks…

rồi buổi sáng cũng trôi qua
rồi một ngày cũng trôi qua
rồi nhiều năm cũng trôi qua
mỗi ngày uống một ly cà phê vỉa hè
cũng có sao đâu

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2023

Đọc lại thơ Vũ Hoàng Chương

Thi sĩ Vũ Hoàng Chương
Hình Wikipedia

Sau 50 năm theo đúng quy định, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã công bố danh sách đề cử Giải Nobel Văn học năm 1972. 100 nhà văn đã được đề cử, trong đó có tên một nhà thơ Việt Nam: thi sĩ Vũ Hoàng Chương (19151976). Cuối cùng chủ nhân giải Nobel Văn học năm đó là nhà văn người Đức, Heinrich Böll (1917–1985). Một số tác phẩm của Heinrich Böll đã được xuất bản ở Việt Nam. Mặc dù vậy, chuyện này đã làm cho nhiều người Việt trong, ngoài nước cảm thấy tự hào và hy vọng một ngày nào đó, sau chính trị gia, nhà văn, nhà báo Hồ Hữu Tường (1910–1980, được đề cử giải Nobel Văn học năm 1969) và nhà thơ Vũ Hoàng Chương, Việt Nam sẽ lại có người được đề cử (và biết đâu, sẽ được chọn) cho giải thưởng văn chương lâu đời và danh giá này.

Báo chí trong nước cũng đưa tin về việc này, nhưng tất nhiên, là lờ đi chi tiết cả hai ông đều bị tù dưới chế độ cộng sản và đều chết vì điều kiện giam giữ hà khắc, tàn bạo của nhà tù cộng sản.

Nhân dịp này, DĐTK xin đăng một số bài viết cũ và mới, về nhà thơ, từng được xưng tụng là thi bá, Vũ Hoàng Chương.

***

ĐỖ TRƯỜNG: VŨ HOÀNG CHƯƠNG, LẠC LOÀI TRONG CÕI NHÂN SINH


(Đỗ Trường viết nhân một trăm năm ngày sinh của thi sĩ Vũ Hoàng Chương 1915-2015)


Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2023

Đặng Tiến: Giới thiệu nữ họa sĩ Thanh Trí

Nữ họa sĩ Thanh Trí
(1939–2023)
Tên thật: Nguyễn Thị Thanh Trí, sinh năm 1939 tại Huế.

Tốt nghiệp ưu hạng khóa 1 năm 1961 Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ thuật Huế.

Tốt nghiệp khóa Sư phạm hội họa Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ thuật Sài gòn năm 1962.

Hai mươi bốn năm dạy hội họa tại các trường: Nữ Trung học Nha Trang, Hàn Thuyên Nha Trang, Nguyễn Du Sài Gòn, Văn Hiến Sài Gòn, và các lớp hội họa,

Năm 1987 đến Hoa Kỳ.

Thời gian đầu hành nghề họa sĩ tự do (freelance artist Seller’s Permit.

Tiếp tục tu nghiệp về hội họa và tốt nghiệp Design Drafting năm 1993 tại Cosumnes River College Sacramento.

Qua đời ngày 31.1.2023 tại Sacramento California USA, hưởng thọ 84 tuổi (Nguồn: E.E Emprunt Empreinte. Mượn Dấu Thời Gian )

Để tưởng niệm sự ra đi của nữ họa sĩ, Diễn Đàn Thế Kỷ xin đăng lại 2 bài viết cũ của nhà phê bình văn học Đặng Tiến (Paris).


***

ĐẶNG TIẾN: GIỚI THIỆU NỮ HỌA SĨ THANH TRÍ


Thanh Trí là bậc nữ sử (la femme intellectuelle) tài hoa, phụng hiến cuộc đời cho hội họa.

Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2022

Đặng Tiến: Tính uy-mua và nghệ thuật trong Thơ Cao Tần

Uy-mua là phiên âm chữ Pháp humour, tôi tìm không ra từ Việt tương đương, đại khái như là hóm hỉnh, dí dỏm, hài hước, phúng thế, tếu, v.v... Dường như có lần Nhất Linh phiên âm thành u-mặc.

Uy-mua là hóm. Thêm cái ý: vượt lên trên những không may, vượt lên trên tai họa hay bi kịch. Không những lấy được khoảng cách, độ lùi, mà còn vượt lên trên. Uy-mua là mình tự giễu mình, với giọng đùa cợt chứ không chua cay. Khi Cao Tần xưng ông, xưng «gãy cánh đại bàng» thì không phải là kiêu, mà là hóm. Đại ngôn một chút: uy-mua là hòa giải với số mệnh. Nếu cần thu thơ Cao Tần vào cái hồ lô, thì có thể hô lên một câu ngắn: hòa giải với số mệnh.

*


Trong văn thơ Việt Nam ít có, nhưng vẫn có, uy-mua. Ca dao có câu vô cùng tinh tế:


Tưởng giếng sâu, anh (em) nối sợi dây dài

Ai ngờ giếng cạn, anh (em) tiếc hoài sợi dây


Ở mức độ đơn giản hơn:


Chàng ơi đưa gói em mang

Đưa gươm em xách để chàng đi không


Và dân giã hơn nữa:


Trời mưa trời gió

Xách đó đi đơm

Chạy về ăn cơm

Chạy ra mất đó

(đó: dụng cụ để đơm, bắt cá bằng tre đan)


Câu vần vè này không có nghĩa lý gì, và cũng không có giá trị gì, ngoài chất uy-mua. Người không có óc uy-mua sẽ cho là quê mùa, vớ vẩn. Nói lén: Xuân Diệu, sinh thời, là người sành và sính ca dao. Nhưng ít uy-mua nên dứt khoát không chấp nhận câu:

Xùng xình như áo mới may

Hôm qua mới mặc, hôm nay mất rồi



Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2022

Đặng Tiến: Thảo Trường (1936-2010)

Nhà văn Thảo Trường

Nhà văn Thảo Trường tên thật là Trần Duy Hinh, sinh 1936 tại Nam Định, nổi tiếng tại miền Nam trước 1975, đã qua đời tại Quận Cam, California, Hoa Kỳ, ngày 26-8-2010 vì bệnh ung thư gan, thọ 74 tuổi. Sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hòa, cấp bực thiếu tá, anh là một trong những người tù lâu năm nhất: 17 năm cấm cố qua 18 trại giam từ Nam ra Bắc.

Di cư vào Nam năm 1954, anh vào trường Sĩ quan Thủ Đức, phục vụ ngành pháo binh vùng giới tuyến và bắt đầu viết văn. Truyện ngắn đầu tiên “Hương gió lướt đi” đăng trên tạp chí Sáng Tạo, Sài Gòn, ký bút hiệu Thao Trường, đã gây ngay được tiếng vang trong giới độc giả trẻ thời đó, vì đề tài và giọng văn đơn giản và mới mẻ.

Chuyện bắt đầu tại Hà Nội, giữa một cậu học trò mười lăm tuổi, với cô hàng xóm tên Ngân, hơn cậu – người kể chuyện – khoảng năm, bảy tuổi. Ngân làm chủ một quán giải khát, phục vụ lính Pháp, quan tâm đến cậu bé hàng xóm như một người em, và bị các đồng nghiệp “nhà thổ” khác chế riễu: “xê-ri của chị Ngân đấy chúng mày ạ… Nhưng Ngân đã nghiêm chỉnh bảo họ: – các chị đừng đùa. Anh ấy là học sinh, không ưa thế đâu.”[1]

Chuyện và văn không có gì lạ, nhưng thời đó, 1958-1960, độc giả học sinh, sinh viên ham thích vì cách viết thật thà, đơn giản, phản ánh thời đại một cách bàng quan: không khí Hà Nội thời cuối chiến tranh Việt Pháp, cuộc di cư 1954; hai nhân vật gặp lại nhau tại Nha Trang khi “tôi” đã trưởng thành, quan hệ đi xa hơn, rồi Ngân theo chồng về Pháp, vẫn thư từ cho người bạn cũ.


Chủ Nhật, 23 tháng 5, 2021

Đặng Tiến: Huy Cận (1919-2005)

Huy Cận là một tác gia lớn lao trong nền thi ca Việt Nam hiện đại và đương đại, chủ yếu là trong Phong Trào Thơ Mới trước 1945. Từ thời điểm này, ông liên tục tham gia chính quyền và tiếp tục làm thơ. Ông qua đời tại Hà Nội, lúc 21 giờ, ngày 19 tháng 2-2005, thọ 86 tuổi.

Ông họ Cù; Huy Cận là tên thật. Sinh năm 1919, không rõ ngày. Tư liệu hiện nay ghi là 31 tháng 5 là dựa theo giấy khai sinh thiết lập khi ông vào trường huyện, đã 8 tuổi.

Sinh quán và chánh quán là làng Ân Phú, huyện Hương Sơn, nay thuộc về huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, một làng trung du, tả ngạn sông Ngàn Sâu, dưới chân núi Mồng Ga cách đường xe lửa Nam Bắc khoảng năm cây số. Tư liệu chính thức thường ghi: ông xuất thân từ một gia đình nhà nho, nghèo và yêu nước. Thật ra thì gia đình ông làm ruộng, khá giả và yêu nước ngang ngang với đa số gia đình Việt Nam khác. So với thế hệ ông, thì Huy Cận có học vị cao, sau học trình trung học tại trường Quốc Học Huế, ông tốt nghiệp Cao đẳng Canh nông tại Hà Nội, 1942. Thời học sinh ông đã nổi tiếng, có thơ đăng báo Ngày Nay của Tự Lực Văn Đoàn (1938). Thời sinh viên, năm 1940, ông cho in tập thơ Lửa Thiêng, Đời nay xuất bản, Xuân Diệu đề tựa, Tô Ngọc Vân trình bày. Đây là đỉnh cao trong sự nghiệp văn học của nhà thơ Huy Cận.

*

Từ 1942, còn là sinh viên, Huy Cận đã tham gia mặt trận Việt Minh và bí mật xây dựng Đảng Dân Chủ. Tháng 7 năm 1945, ông được triệu tập tham dự Quốc Dân Đại Hội, ở Tân Trào, Thái Nguyên và được bầu vào Ủy Ban Dân Tộc Giải Phóng Toàn Quốc, gồm có 15 người, do Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Đây là đỉnh cao trong sự nghiệp chính trị của chính khách Cù Huy Cận. Sau này ông sẽ đạt được nhiều danh vọng quang vinh khác, nhưng trong thâm tâm ông vẫn tự hào nhất về tập thơ Lửa Thiêng 1940, và hội nghị Tân Trào 1945, là nhà thơ, nhà cách mạng trẻ tuổi nhất. Ủy ban Dân Tộc Giải Phóng sẽ mở rộng thành chính phủ Lâm Thời và Cù Huy Cận giữ chức Bộ trưởng Canh Nông rồi cứ tiếp tục tham gia hội đồng chính phủ, thường thường với chức Thứ Trưởng rồi Bộ Trưởng Văn Hóa, từ 1984 đến 1987 — kiêm chủ tịch Ủy Ban Trung Ương Liên Hiệp các hội Văn Học Nghệ Thuật. Có người nói: Huy Cận đạt thành tích giữ nhiệm chức chính phủ dài lâu nhất thế giới.

Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2020

Đặng Tiến: Phạm Duy và Huế

Nhạc sĩ Phạm Duy không có quan hệ dây mơ rễ má gì với đất Huế và người Huế, nhưng xứ Thần kinh đã để lại trong nhạc phẩm anh nhiều âm hưởng và hình ảnh sâu đậm, đặc biệt sau bốn lần ghé Huế : 1944 khi đi hát rong ; 1946 sau cách mạng tháng 8, từ chiến khu Nam Bộ về Bắc ; 1948 trong kháng chiến chống Pháp ; và 1953 khi về thành. 

 

1948, từ chiến trường Bình Trị Thiên chống Pháp, Phạm Duy về hoạt động tại vùng địch hậu Đại Lược và nhiều đêm bí mật về gặp gỡ cán bộ, nghệ sĩ nội thành tại Vỹ Dạ, thời điểm sáng tác bài Về Miền Trung :

Ôi quê hương xứ dân gầy, ôi bông lúa,

Con sông xưa, thành phố cũ..

 

Ngần ấy chữ thôi là cô đọng tất cả hình ảnh chủ yếu về một vùng đất và một thành phố; không cần đến những “Huế đẹp và thơ”, “áo tím, áo trắng, nón nghiêng…” là những vẽ vời, lâu ngày sáo mòn trở nên phù phiếm. 

 

Con sông xưa, thành phố cũ, là đầy đủ, hàm súc và tình nghĩa.

 

Mùa Xuân 1944, Phạm Duy lưu diễn trong gánh Đức Huy Charlot Miều, từ Bắc vào Nam, ghé Huế, hát tại rạp Tân Tân, trên đường Paul Bert, nay  là Trần Hưng Đạo. Nhạc sĩ chưa sáng tác nhiều, nhưng 1944 là  bước ngoặt quan trọng vì anh khám phá ra dân nhạc Huế, trong nhiều đêm nằm đò lắng nghe những câu hò mái nhì, mái đẩy, những bài Nam Ai, Nam Bình mà trước kia anh chỉ nghe qua đĩa hát. Lần này Phạm Duy nghe trực tiếp, ghi lại nhạc lý, viết thành biên khảo ”Những điệu hát bình dân Việt Nam”. 

 

Anh nhắc lại : Âm giai ngũ cung lơ lớ của hò mái nhì khác hẳn với âm giai điều hòa (harmonie tempérée) của Âu Tây và âm giai ngũ cung đúng của dân nhạc miền Bắc. Các cung bực của hò Huế có những cao độ (intervalles) non hơn hay già hơn cung bực trong âm giai Âu Tây, hay âm giai Miền Bắc.

 

Hò mái nhì hay hò mái đẩy là tiếng nói điển hình của người dân tại một miền nên thơ nhất của đất nước Việt. Tiếng hát xây dựng trên một âm giai lơ lớ đã thể hiện được sự thần bí của cõi lòng, vì vậy dễ dàng đi sâu vào tâm hồn người nghe hơn là nhạc ngũ cung đúng của Miền Bắc” [1].

 


Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2019

Đặng Tiến: Tô Thùy Yên (1938-2019) nhà thơ Việt Nam

Nhà thơ Tô Thùy Yên (1938 - 2019) - Photo by Triet Tran

Nhà thơ Tô Thùy Yên tên thật là Đinh Thành Tiên, từ trần tại Houston (Hoa Kỳ) lúc 21g15 ngày 21-5-2019, thọ 81 tuổi. Vào tuổi ấy, và sau bao nhiêu gian truân, ông ra đi vẫn gây ra nhiều tiếc nuối trong giới độc giả trong và ngoài nước. Cái tang chung cho giới văn học đặt ra một câu hỏi khẩn thiết: tác phẩm Tô Thùy Yên đứng ở đâu trong dòng văn học Việt Nam hôm nay?

Tựa đề bài này khẳng định: Tô Thùy Yên là nhà thơ Việt Nam. Không phải là nhà thơ hải ngoại hay của Miền Nam cũ. Lý do đơn giản: ông là người Việt Nam, viết văn, làm thơ bằng tiếng Việt Nam. Huống hồ đời ông gắn bó với lịch sử đất nước trong mỗi chặng đường, thơ ông đầy ắp tình tự dân tộc, thắm thiết phong cảnh quê hương, ngôn ngữ Việt Nam phong phú, đa dạng, vừa uyên bác vừa sâu đậm lời ăn tiếng nói dân gian, tục ngữ, ca dao. Thơ ông đặc sắc, từ nội dung nhân đạo, tư tưởng cao sâu đến lời thơ tài hoa, hào sảng, giàu hình ảnh lạ trong tiết điệu thân quen. Nghệ thuật vi diệu của ông làm vinh dự cho tiếng Việt và văn hóa Việt. Tô Thùy Yên là nhà thơ Việt Nam bên cạnh Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Tản Đà.

Tôi đã ngần ngại nhiều ngày trước khi đưa ra nhận định như trên, e rằng mình chủ quan, quá lời, cho đến khi đọc trên mạng ngày 28-5, bài của nhà thơ Thanh Thảo, không được đăng trên các báo giấy trong nước, có đoạn: “Tô Thùy Yên là một nhà thơ lớn (…) khi một nhà thơ Việt được công nhận bởi tài năng và nhân cách của mình, thì dù họ sống ở xa tổ quốc, thơ họ vẫn thuộc về đất nước, về dân tộc Việt Nam. Đó là thơ của một nhà thơ Việt thuần chất, trong đau khổ vẫn giữ được phẩm chất người của mình, vẫn yêu thương mà không oán hận, dù số phận mình hết sức trớ trêu”. Thanh Thảo, sau 20 năm đọc thơ Tô Thùy Yên đã nắm bắt được hai yếu tố chính: chất dân tộc và chất người, làm nên nhân cách nhà thơ. Tôi đặt tên cho bài viết: Tô Thùy Yên nhà thơ Việt Nam, tưởng là đã chắc nịch, trong khi Thanh Thảo dùng chữ “nhà thơ Việt” ngắn gọn hơn, nhưng sắc bén, sâu xa hơn cái quốc hiệu tôi đưa ra. Thanh Thảo, cùng với Tô Thùy Yên là nhà thơ, họ sử dụng ngôn ngữ theo trực cảm, từ đáy vực tâm linh của lời nói. Lại nhớ đến Trần Đĩnh, tác giả Đèn Cù khi anh nhận xét “Tô Thùy Yên là nhà địa chất học đầu tiên nhặt lên những quặng chữ chưa ai từng phát hiện để đặt chúng bên nhau mà phát xạ” (Văn Việt 28-5-2019). Tôi thấy an tâm vì mình vinh danh thơ Tô Thùy Yên, nhất là vào giờ vĩnh biệt nhà thơ, không phải là chủ quan quá đáng.

Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2019

Đặng Tiến: Ngựa Phi Đường Xa

Tô Thùy Yên đến với văn học trên “Cánh đồng Con ngựa Chuyến tàu”, bài thơ làm năm 1956, đăng trên báo Sáng Tạo thời đó và được độc giả hoan nghênh ngay, nhất là trong giới thanh niên, học sinh. Thời ấy sinh viên chưa nhiều, quần chúng văn chương còn thưa thớt, một thế hệ độc giả mới đang chớm thành hình. Với thời gian nhìn lại, bài thơ có thể xem như là một sự kiện văn học, vì lời thơ tân kỳ, ý thơ mới lạ, không giống một bài thơ nào khác trước kia – mà đã được độc giả không chuyên môn yêu thích ngay. Chuyện hiếm, vì độc giả Việt Nam, nói chung là thủ cựu. Chuyện đẹp vì bài thơ của tác giả 18 tuổi đi thẳng đến độc giả 18 tuổi.

Ngày nay Tô Thùy Yên là tác giả tên tuổi. Bài thơ thanh xuân được những lớp phù sa bồi thêm nhiều ý nghĩa mới.



Trên cánh đồng hoang thuần một mầu
Trên cánh đồng hoang dài đến nỗi
Tàu chạy mau mà qua rất lâu
Tàu chạy mau, tàu chạy rất mau
Ngựa rượt tàu, rượt tàu, rượt tàu.

(...)
Mặt trời mọc xong, mặt trời lặn.
Ngựa gục đầu, gục đầu, gục đầu.

(...)
Ngựa ngã lăn mình mướt như cỏ,
Chấm giữa nền nhung một vết nâu.

(Tô Thùy Yên, Thơ Tuyển, tr 13)

Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2016

Đặng Tiến - Kỷ niệm 60 năm Giai phẩm, Nhân văn - 1956- 2016: kỷ niệm 60 năm Giai phẩm, Nhân văn

LTS. Rất nhiều sách báo đã viết về vụ đàn áp những văn nghệ sĩ chủ trương tạp chí "Nhân văn" và các "Giai phẩm" văn thơ ở Miền Bắc Việt Nam năm 1956, tới nay là đúng 60 năm. Góc cạnh chủ yếu trong phần lớn các bài viết là sự đàn áp trí thức trong một chế độ toàn trị. Điều này không sai, và bài viết mà chúng tôi đăng lại mới đây của nhà văn Lê Hoài Nguyên, tên thật là Thái Kế Toại, nguyên Đại tá công an, công tác tại A25 (chuyên theo dõi văn nghệ sĩ và văn hóa), nhấn mạnh tới khía cạnh  "NVGP trước hết là một trào lưu tư tưởng, một cuộc cách mạng văn học đòi hỏi dân chủ hóa ở miền Bắc Việt Nam năm 1954-1960" góp thêm những chứng từ trong chiều hướng đó của một người trong bộ máy. Tuy nhiên, có phải đó là khía cạnh duy nhất (hay duy nhất đáng lưu ý) về vụ án văn học - chính trị này? Kinh nghiệm cho thấy ta luôn luôn cần cảnh giác với những thông điệp mà Đảng Công sản muốn đưa ra, nói một chuyện nhưng đằng sau lại ẩn giấu nhiều chuyện khác, thường là quan trọng hơn. Bài viết dưới đây của Đặng Tiến phân tích vụ án dưới một "góc nhìn khác" (mượn chữ của nhà báo Trương Duy Nhất), gợi cho người đọc những câu hỏi lý thú liên quan tới cuộc tranh giành quyền lực ở chóp bu ĐCSVN, những câu hỏi không phải không liên quan tới tình hình đất nước hiện nay. Bài viết đã được đăng trên mạng Talawas năm 2007, tác giả hiệu đính lại và gửi Diễn Đàn nhân kỉ niệm 60 năm vụ án. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

Giai phẩm và Nhân văn là tên hai ấn phẩm khác nhau. Giai phẩm là một tuyển tập thơ văn, phát hành đầu năm 1956 tại Hà Nội, ra được năm kỳ; Nhân văn là một tờ báo không định kỳ, xuất bản cuối 1956, ra được 5 số. Nhiều người có tên trong tuyển tập trước hợp tác với tờ báo sau. Nhưng cụm từ "Nhân văn Giai phẩm" ta thường nghe, tự thân nó là một thành ngữ vô nghĩa. 
Nhân Văn
Báo Nhân Văn  Giai phẩm 1956

Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

Đặng Tiến - Chim và Rắn : cái nhìn tương đối trong văn chương Võ Phiến

Võ Phiến và tác giả, sông Loiret 1986
Sau khi mình chết mà con cháu có làm tới quận công, sao bằng đang sống mà gặp được sự chung tình. (Võ Phiến)
Tạp chí Văn học (Cali) có lần đã đăng một tạp luận của Võ Phiến : « Đối thoại về thịt cầy ».
Người quen đọc Võ Phiến sẽ ngạc nhiên : cái gì vậy cà ? Xưa nay có bao giờ nghe Võ Phiến đòi đối thoại ? Hai chữ đối thoại nó lơ láo trong từ vựng Võ Phiến. Và sao lại đối thoại về thịt cầy, một món ăn mà ông chưa chắc đã sành ? Ông đã viết về thịt ếch, thịt rắn, thịt rùa, có nghe chuyện thịt cầy bao giờ đâu ? Chắc là ông ngụ ý cái gì đây. Tôi lại có dịp suy nghĩ thêm về tác phẩm Võ Phiến.

Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

Đặng Tiến - Nguyễn Bắc Sơn

Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn
Đọc lại thơ Miền Nam, ba mươi năm sau ngày chiến tranh kết liễu :

Mai ta đụng trận ta còn sống
Về ghé Sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm
Đốt tiền mua vội một ngày vui

Đây là một đoạn thơ Nguyễn Bắc Sơn đã từng làm xao xuyến dư luận khi xuất hiện trên báo giới Sài Gòn khoảng 1970, như trên tuần báo Khởi Hành của hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. Nhiều người đọc, nhất là giới thanh niên, ngạc nhiên và sảng khoái trước những lời thơ ngang tàng, bi tráng, ý thơ u uất, kiêu bạc, bất cần đời. Câu thơ phơi trải tâm trạng một lớp thanh niên Miền Nam, vào thời điểm quyết định của chiến tranh – và từ đó – làm chứng từ cho một khía cạnh của cuộc chiến kéo dài non hai mươi năm.

Thứ Hai, 23 tháng 1, 2012

Chuyện Rồng năm Nhâm Thìn

Đặng Tiến


Rồng là một linh vật tưởng tượng, chỉ có trong huyền thoại hay truyền thuyết, nhưng lại là một hình ảnh quen thuộc trong tâm thức Việt Nam.

Từ thuở xa xưa, truyền thuyết vẫn cho rằng dân tộc Việt Nam là con Rồng cháu Tiên. Dù ngày nay nhiều người không tin vào nguồn gốc ấy, thậm chí còn phản bác một truyền thuyết về chủng tộc mang tính cách tự tôn, kỳ thị, thì hình ảnh rồng trên vẫn ăn sâu vào trí tưởng và lời ăn tiếng nói. Rồng vẫn thường xuyên xuất hiện trên sách vở, trong trang trí, mềm mại trên vải thêu, uyển chuyển trên tranh tượng, uy nghi trong kiến trúc. Thậm chí, ngày nay hình tượng rồng còn xuất hiện tràn lan hơn trước, từ biểu tượng kinh tế phát triển nhảy vọt, đến tín ngưỡng vào “long mạch” trong thuật phong thủy, cho tới các trò chơi điện tử của thanh thiếu niên...

Vậy nhân ngày Tết Nhâm Thìn, chúng ta tìm hiểu xem : rồng là con gì, xuất phát từ đâu, ý nghĩa ra sao, biến chuyển thế nào qua các địa phương và thời đại.

Trước hết cần nói ngay điều cơ bản : rồng hiện diện trong truyền thuyết nhiều dân tộc trên thế giới, thường được Tây phương gọi là Dragon., âm vang gần với tên Rồng trong tiếng Việt, nhưng hai từ này không họ hàng gì với nhau. Nhà bác học Nga, V. Propp, trong tác phẩm kinh điển Cội Rễ của Truyện Cổ Truyền Kỳ, sau hằng trăm trang thâm cứu truyền thuyết rồng trong các nền văn hoá thế giới, đã đi đến kết luận :  « con rồng thuỷ tộc là một huyền thoại quốc tế » [1], dĩ nhiên là dưới những hình dạng khác nhau, trong những chức năng, biểu tượng khác nhau : rồng Tây phương nhiều đầu, bắt cóc, ăn thịt phụ nữ, rồng Á đông một đầu, cứu nhân độ thế. Nhưng rồng nọ rồng kia đều sản sinh từ một tư duy huyền thoại.

Rồng - Cá Sấu

Đầu tiên, chúng ta thử tìm hiểu nguồn cội gần nhất của con rồng Việt Nam. Theo sử gia Lê Thành Khôi, con rồng Việt Nam và Trung Quốc thoát thai từ cá sấu, hiện nay còn là vật tổ của nhiều dân tộc Đại Dương Châu [2]. Nhiều tác giả Việt Nam hiện nay cũng đồng ý với một lối giải thích có từ lâu, như trên một bài báo 1901, ký E. Chavannes, một học giả uy tín:

 « Rồng có chân và vảy, nó nhắc đến loài cá sấu thời xưa trên sông nước Trung Hoa, hiện còn sống rải rác trên sông Dương Tử. Cá sấu nòi thuỷ tộc, tự nhiên được liên hệ với nước; mùa đông nó ẩn mình, nhưng mùa  xuân và đầu hạ, vào những trận mưa lớn, nó xuất hiện để tha hồ trững giỡn. Người Tầu nhầm hiệu quả với nguyên nhân và cho rằng mây mưa theo về với rồng. Từ đó con cá sấu đã trở thành linh vật,  thu góp mây mưa,  rồi óc sáng tạo của nghệ nhân đã tạo ra con vật truyền kỳ. Và chức năng của rồng giữa mưa giông được ghi lại  bằng hình cầu (minh châu) tượng trưng cho sấm chớp giữa những tầng mây lớp lớp.  Và khái niệm phồn thực nhờ ơn mưa móc đã biến con rồng thành biểu tượng tốt đẹp » [3]. Một lối giải thích cụ thể, duy lý và duy vật như vậy, nghe qua thấy có tình có lý, được nhiều người chấp nhận, nhưng chưa chắc đã đúng. Vì một huyền thoại có tầm phổ biến sâu và rộng trên thế giới như Rồng, không dễ gì nảy sinh từ cảnh mây mưa của cá sấu. Lối giải thích ấy, nếu đúng, thì  chỉ đến sau, nằm chồng lên nhiều lý do thâm trầm khác.

Cũng một phương pháp cụ thể, nhưng ngược lại, có người đi từ sách Lĩnh Nam Chích Quái (1492) dựa vào truyền thuyết thời Hùng Vương :  « Lúc ấy dân sống ở ven rừng xuống nước đánh cá, thường bị giống giao long làm hại (...) lấy mực xăm mình theo dạng thuỷ quái. Từ đó dân không bị tai hoạ giao long nữa ». Theo văn cảnh và hoàn cảnh lúc đó, giao long là cá sấu, hoa văn theo  dạng « thuỷ quái » là rồng. Nhiều học giả như Đinh Gia Khánh [4] Nguyễn Lang [5] cho rằng từ phong tục vẽ giao long, người Việt đã tự xem mình là dòng dõi của rồng. Những ức thuyết như vậy, dù đúng dù sai, vẫn có tác dụng cụ thể là tạo tương quan  giữa cá sấu, giao long, thuồng luồng và con rồng từ truyền thuyết đến trang trí.

Tương quan Rồng-Sấu còn có thể minh hoạ bằng hình tượng cá sấu trên nhiều di chỉ thời Đông Sơn : đôi cá sấu đối diện trên một thạp đồng Đào Thịnh (Yên Bái, thiên niên kỷ trước TL) hay qua đồng Núi Voi (Ba Vì), lưỡi rìu Đông Sơn, vv ...
Nguyễn Phúc Long đã có bài rất kỹ về chủ đề này trên báo Đoàn Kết, Paris, số Xuân, cách đây hai giáp (1988) [6].
Giáp sau, trên báo Hợp Lưu,  California, số Xuân 2000, Huỳnh Hữu Uỷ cũng có bài nghiên cứu tường tận và cập nhật nhấn mạnh vào tương quan Rồng-Sấu trong tiếng Mường và văn học dân gian Mường [7].

*

*           *

Rồng : hình tượng tổng hợp

Nhưng vấn đề đặt ra là : con rồng ta thấy hiện nay - rõ nét từ thời Lý, thế kỷ XI - có thật sự thoát thai từ con sấu-giao long chạm khắc thời Trống Đồng Đông Sơn ? Lịch sử mỹ thuật có liên tục và đơn tuyến ? Hay là bị đứt đoạn trong một ngàn năm Bắc thuộc ? Con Rồng-Sấu giao long nếu quả thật đã xuất hiện thời Đông Sơn, chắc cũng thay hình đổi dạng nhiều dưới ảnh hưởng ngoại lai, từ phía nam hay phía bắc.

Từ đó, lại nảy sinh một câu hỏi khác : Nếu hình dạng rồng hiện nay không thoát thân từ hình sấu-giao long thời Đông Sơn, thì huyền thoại Rồng Lạc Long có phản ánh thực tại sấu-giao long của vùng châu thổ sông Hồng thời Hùng Vương ? Nói khác đi, con rồng trong huyền thoại và con rồng trong tranh tượng, tuy hai mà một, hay ngược lại, tuy một mà hai?

Ngoài ra,  rồng  còn là một huyền thoại có tầm biểu tượng sâu và rộng trên thế giới và ở mỗi địa phương mang một chức năng riêng. Vậy có nên giới hạn nó trong chuyện cá sấu ở sông Hồng hay Dương Tử?

Trong công trình nghiên cứu của V. Propp đã nói trên, tác giả đã đi đến định nghĩa khái quát :
 “Rồng là con vật huyền thoại tổng hợp nhiều động vật khác, chủ yếu là chim và rắn” thêm vào cá sấu, cừu dê, ngựa, lạc đà, hùm beo, sư tử... Con vật có hình dung chính xác, thì không gọi là rồng, ví dụ con mãng xà vĩ đại, trang trí quái đản ở Châu Úc, là Thanh Xà, Bạch Xà gì đó chứ không phải là rồng (tr. 324).

Vậy nguồn gốc rồng ở đâu ra ?  Trước hết, nó không phải là kỷ niệm của loài khủng long thời tiền sử xa xưa, vì khi loài người xuất hiện thì loại động vật này đã bị diệt chủng từ lâu. Hài cốt khủng long cũng khó gợi ý gì cho nhân loại (tr.293). Theo Propp con rồng sản sinh từ tư duy hoang mang của con người cổ sơ trước cái chết, mà họ không hiểu. Con người, hay động vật, đang sống, sao lại chết ? Phải chăng là hồn lìa khỏi xác ? Vậy hồn đi đâu ? Xác sao lại biến dạng, tan rã? Cõi chết ở phía nào ? Phía trời cao của chim, xứ biển xa của cá sấu, hay dưới đất sâu của hang rắn ? Phải chăng hồn sẽ nhập vào một thân xác khác, tổng hợp chim-rắn-sấu, gọi là rồng ? Vì vậy mà rồng, có cánh hay không có cánh, vẫn bay được như chim, luồn vào hang hốc như rắn và ngự trị thuỷ cung như ... Lạc Long Quân ? (tr. 326).



Rồng - Chim - Rắn Việt Nam

Các nhà nghiên cứu về dân tộc học và cổ sử Việt Nam, cũng có những suy đoán tương tự, được phát biểu rải rác trong những công trình in lại trong bộ Hùng Vương dựng nước (bốn cuốn) [8] như Lê văn Lan và Trần Minh Hiên :
 « Trong ngôn ngữ và khái niệm người Khmu, có một con vật gọi là prư dồng ». Đó là một con vật hình rắn, có mào như mào gà, có vây và có chân. Trong ngôn ngữ và ý niệm Thái « prư dồng » tương đương với « tu luông » là một con vật mình rắn có vảy và có bờm như ngựa . Những con vật quái đản này không có quan hệ gì về dòng họ với những người đang sống, nhưng lại có vai trò như một thứ thần chịu trách nhiệm về nắng mưa như một thứ ma nước và những con vật quái đản này cũng thường được hiểu như khái niệm thuồng luồng của người Việt ... Từ Quỳnh Nhai, đến Mường La, trên sông Đà, có khoảng 20 cái thác thì có 20 nơi thờ thuồng luồng chư thế, thường cúng bằng gà lợn »  ... (H.V.D.N. III, tr. 241-242).

 « Hình tượng chim và rồng thể hiện sự phát triển tư duy con người trong quá trình xây dựng nên hình tượng « khổng lồ » (... ) chim và rồng dần dần đã không còn là những động vật khoác áo thần linh nữa, mà đã được biến thành những nhân vật truyền thuyết, nhân vật lịch sử.  Đó là cặp Âu Cơ (tiên-chim-núi-đất) và Lạc Long Quân (rồng-nước-sông-biển) : Rồi thu hút vào đó những hình tượng Sơn Tinh, Gióng, đặc biệt là Hùng Vương » (H.V.D.N. III, tr. 244). Phần đông các nhà nghiên cứu Việt Nam đều suy nghĩ theo chiều hướng đó, như Cao Huy Đỉnh, Đặng Nghiêm Vạn, Trần Quốc Vượng.[9]

Rồng : Điềm lành

Tại các xã hội trồng lúa nước, rồng là điềm lành, là biểu tượng cho mưa móc, phồn thịnh, tốt lúa xanh dâu. Từ đó vua chúa chiếm đoạt hình tượng rồng để tiêu biểu cho mình, cho chức năng trị dân trị nước, ban ơn  « vũ lộ » cho dân chúng. Vua chúa, bắt đầu là Thần Nông trong truyền thuyết Trung quốc, có tên là Viêm Đế, bao gồm quyền uy chế ngự mặt trời, sinh ra Kinh Dương Vương cũng là biểu hiệu mặt trời, Kinh Dương  lấy Rồng, con gái Long Vương sinh ra Lạc Long Quân, làm vua đất Lĩnh Nam, «dạy dân việc cày cấy nông tang, đặt ra các đẳng cấp quân thần, các đạo cha con vợ chồng, đôi khi trở về thuỷ phủ mà trăm họ vẫn yên vui ». (Lĩnh Nam Chích Quái).
(Ngoài đề: ông ấy dạy dân giỏi như thế, nhưng bản thân không mấy tôn trọng đạo cha con, vợ chồng, khiến bà Âu Cơ đã phải than trời, và phê phán là người “vô phu vô phụ, chỉ biết thương mình”, vẫn theo LNCQ)

Như vậy, con Rồng từ tư duy về cõi chết đã chuyển mình thành huyền thoại kết hợp hai hiện tượng Nắng-Mưa, cần thiết cho nông nghiệp, rồi đi vào truyền thuyết và dần dần mang chức năng xã hội, lịch sử. Có lẽ vào thời kỳ dân tộc ta định canh định cư vùng sông Hồng, thời Đông Sơn-Hùng Vương. Theo Propp, rồng là huyền thoại xuất hiện muộn màng trong lịch sử nhân loại.

Như vậy,  con rồng biểu tượng cho nền đế chế quân chủ, phong kiến có lẽ chỉ định hình rõ nét về sau, từ thời Hán Cao Tổ  tự xưng là thiên tử, chọn Rồng làm biểu tượng đế chế; nó du nhập vào nước ta vào cuối thời Hùng Vương, nhất là trong thời kỳ Bắc thuộc. Cho dù hình tượng con rồng đế vương xuất hiện rất sớm ở Trung Quốc, từ nhà Hạ, hơn hai ngàn năm trước Tây Lịch : rồng đã sinh ra thuỷ tổ nhà Hạ, các vua Hạ ăn thịt rồng, nuôi rồng...   Nhà bác học Marcel Granet nói rõ điều này và giải thích bằng những cuộc hội hè, có múa rồng,  « đấu rồng » (joutes entre dragons) để cầu mưa. « Hình thể pha tạp của rồng là sản phẩm của trí tưởng tượng, bắt đầu từ nghệ thuật điêu khắc phù hiệu, mà tục múa hát dân gian là khởi điểm... Trước khi là biểu tượng của đế vương, rồng là hình tượng múa nhảy dân gian » [10]. Tại nước ta, trên trống đồng, những hoa văn hình dung người nhảy múa, xử dụng nhạc khí, giã gạo quanh mặt trời... bên cạnh thuyền rồng, có thể cùng một nguồn gốc sáng tạo.
Và ngày nay, trò chơi rồng rắn, hay múa rồng có thể là tàn dư.

Nói chuyện rồng ba đồng bảy đỗi cho tròn câu chuyện ngày Tết, là mong nới rộng hiểu biết ra khỏi cương vực con Rồng cháu Tiên, đưa một truyền thuyết bộ tộc hội nhập vào quỹ đạo huyền thoại loài người.
Nhưng điều chính yếu và tâm niệm, vẫn là ý nghĩa Rồng trong tâm thức dân Việt chúng ta, lúc nào cũng thương  nguồn nhớ gốc, thiết tha với lịch sử trên dải đất hình rồng.
Đồng thời hướng về tương lai hưng thịnh, mà Rồng là biểu tượng từ Chiếu dời đô.
Và năm Nhâm Thìn 2012 này, nhất định Rồng Đại Việt sẽ tung mây...
Nhất định thế.
                                                                                                             
Đặng Tiến,
Orleans, Tết Nhâm Thìn 2012

[1]     V.Propp. Les Racines historiques du conte merveilleux. Leningrad, 1946; Gallimard, Paris 1983.
2 Lê Thành Khôi, Histoire du VietNam, Sudestasie, Paris 1981, tr. 78.
3 E. Chavannes.Báo Journal Asiatique, số tháng 9-10, tr 193, Paris 1901. Xem thêm Huệ Thiên: “ con rồng chẳng qua là con cá sấu lên đời”, ký An Chi, báo Kiến Thức Ngày Nay, số Xuân Tân Tỵ 2001, in lại trong Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm, tr 291, nxb Trẻ, 2004,TP HCM
4 Văn Học Dân Gian II, Hà Nội , NXB Đại Học và Trung học chuyên nghiệp, 1973, tr . 67
5 Việt Nam Phật Giáo sử Luận I,  Văn Học tái bản 1994, Hà Nội.
6 Nguyễn Phúc Long, Đoàn Kết, Paris, Xuân Mậu Thìn, tháng 2.1988
7 Huỳnh Hữu Uỷ, báo Hợp Lưu, Xuân Canh Thìn 2000, California
8  Hùng Vương Dựng Nước, nhiều tác giả, Hà Nội, Cuốn I. 1970, II .1972, III.1973, IV. 1974. Tổng cộng khoảng 1500 trang khổ lớn.
9 H.V.D.N. IV, tr. 347 và 89
10 Marcel Granet, La Civilisation Chinoise, Albin Michel, Paris 1929, tr.204














Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

VŨ HỮU ĐỊNH, Tình Ca người lỡ vận

Đặng Tiến
DĐặng Tiến

Tranh Thân Trọng Minh
Văn thơ Miền Nam 1954-1975 được gọi là nền văn học bất hạnh. Vì nó đã bị xuyên tạc, tuyên án, thiêu hủy và bôi xóa ; các tác giả đã bị tù đày, đọa đày và lưu đày.
Trong số đó, có nhà thơ Vũ Hữu Định (1942-1981), từ 1972 đã xem mình như một người lỡ vận :
Ta đã hát khúc hát đời lỡ vận
Hát âm u trong đêm tói một mình . (tr.71)

Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

Phạm Duy : thơ phổ nhạc


Đặng Tiến

Bộ môn Thơ đang lùi bước trong xã hội hiện đại. Đời sống đô thị nhanh bước theo nhịp tiến hóa của công nghiệp, đẩy lùi biên độ của thơ : kỹ thuật hiện đại cung cấp cho quần chúng - nhất là thanh niên - những phương tiện giải trí và truyền thông hấp dẫn và nhanh chóng hơn những bài bản vần vè trước đây – dù sao cũng gắn liền với nếp sống nông thôn.

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Lê Ngộ Châu, 160 Phan đình Phùng

Đặng Tiến


Nhà báo Lê Ngộ Châu, điều hành tạp chí Bách Khoa tại Sài Gòn trước 1975, qua đời tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 9 -2006, thọ 83 tuổi.

Ít người biết đến tên Lê Ngộ Châu vì ông không viết sách, viết báo, chỉ âm thần phụ trách tòa soạn tạp chí Bách Khoa trong non hai mươi năm. Nhưng đa số những người làm văn học tại Miền Nam trước đây đều biết và quý mến, thậm chí chịu ơn ông dẫn dắt. Muốn hiểu tình cảm sâu đậm đó, phải biết Bách Khoa không những là tạp chí có đời sống lâu dài nhất (1957-1975), mà còn có những đóng góp lớn lao cho đời sống văn hóa Miền Nam thời đó.

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

Thái Tuấn (1918-2007)

Đặng Tiến
           (Nhân ngày giỗ thứ tư của họa sĩ Thái Tuấn)


Họa sĩ Thái Tuấn  qua đời lúc 13 giờ ngày 26 tháng 9 năm 2007, tại Thành phố Hồ Chí Minh, là một khuôn mặt tiêu biểu cho nền hội họa Việt Nam.

VỀ MỘT BỨC TRANH THÁI TUẤN (1918-2007)

Đặng Tiến


Họa sĩ Thái Tuấn qua đời tại TP Hồ chí Minh, trưa  ngày 26 tháng 9 năm 2007.

Hôm nay là gần đến ngày giỗ  của anh.

Nhớ nhau, tôi nhắc lại một chuyện cũ, một bức tranh cũ, trong một bài viết cũ.