Hiển thị các bài đăng có nhãn Đào Tuấn. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Đào Tuấn. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

Đào Tuấn - Trương Duy Nhất: Cái còng và khẩu súng không thể chĩa vào Nhất



Đào Tuấn

Tháng 10 năm ngoái, “Một góc nhìn khác” đã nhận được lời cảnh cáo về “thái độ tiêu cực, thiếu ý thức xây dựng, thậm chí kích động dư luận xã hội“.


Tuy nhiên, bấy giờ Trương Duy Nhất đã trả lời rằng “nếu chỉ đọc thấy trên trang này “thái độ tiêu cực, thiếu ý thức xây dựng, thậm chí kích động dư luận xã hội“, thì chính quí vị mới là kẻ tiêu cực, thiếu ý thức và kích động, thậm chí là… phản động!”. Nói thẳng như thế, với cơ quan an ninh.

Không ít lần, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp (trên một bản sử ký chẳng hạn tôi đã nói anh “mó dái ngựa”) tôi bóng gió nói về việc Trương quá thẳng thắn và những lời lẽ sắc bén như dao cạo của anh khiến ngay cả những người đọc bình thường cũng gây sốc. Nhưng, với tính cách người xứ Quảng (nơi anh lớn lên từ bé), Trương Duy Nhất nói anh không chịu nổi “cách nói kiểu Bắc Hà”.

Sau khi anh post bài này, tôi có trao đổi với anh rất dài. Trương Duy Nhất có đùa rằng nếu anh “có làm sao” thì hy vọng tôi là người sẽ đi thăm anh. Tuy nhiên, Nhất khẳng định Công an không thể bắt anh được. Vì anh công khai tên tuổi. Vì anh nói thật. Vì người ta không thể bắt một người vì nêu chính kiến cá nhân, dẫu những ý kiến đó là chỉ trích và có thể làm người khác tức giận.

Nhưng hôm nay, Trương Duy Nhất đã bị bắt. Dù lý do chưa được tiết lộ. Nhưng với điều 258, có lẽ, sẽ ít nhiều liên quan đến những điều anh viết. Thôi thì cứ coi như là “Sinh nghề tử nghiệp”. Cứ coi như anh phải trả giá cho khí chất xứ Quảng thẳng đến không thể chịu nổi.

Đây là bài mà Trương Duy Nhất đã viết vào tháng 10 năm ngoái, với nhan đề:
“Viết sau 3 cuộc làm việc với công an”.

Sau khi về quê ngoại truy lục lý lịch, sáng qua thứ sáu 12/10/2012, công an tiếp tục làm việc với tôi.

Thật ra đây là lần thứ ba. Hai lần trước tôi đã im lặng bởi coi đó là những động thái góp ý thiện chí, tích cực. Lần này là A 87 (cục an ninh thông tin truyền thông Bộ Công an), cơ quan an ninh văn hóa và an ninh điều tra. Thượng tá Trần Quốc Bảo khuôn mặt tươi tỉnh, dễ cảm tình. Phía công an Đà Nẵng, đại tá Nguyễn Ngọc Dương và thượng tá Nguyễn Nho Chinh (trưởng- phó phòng PA83) thì không xa lạ gì. Đây là 3 khuôn mặt tạo cho tôi nhiều ấn tượng tốt, cho tới bây giờ.

Nhưng sau khúc chào hỏi dạng tuyên bố lý do, giới thiệu mục đích quen thuộc khá nhã nhặn cảm tình là một buổi khảo tra, qui chụp khá nặng nề kéo dài đến gần 12 giờ trưa (cho dù tôi đã tuyên bố trước là chỉ làm việc đến 11 giờ). 3 cán bộ khá trẻ với những tập bài viết photo dày cộp ngồi đối diện tôi là Nguyễn Văn Cương (A87, không biết hàm chức gì vì mặc thường phục, không phù hiệu không bảng tên), thiếu tá Nguyễn Ngọc Ánh (PA83) và thượng úy Lê Thanh Dương (PA92).

Phía công an gọi cuộc làm việc, truy hỏi này là “trao đổi đối thoại”, nhưng tôi không có nhu cầu trao đổi đối thoại với công an. Những gì cần viết tôi đã viết, những gì cần nói tôi đã nói, những gì cần trao đổi tôi cũng đã trao đổi, trao đổi đến cạn nghĩa dốc lòng qua hai lần làm việc trước. Vì thế lần thứ 3 này tôi không còn nhu cầu trao đổi đối thoại nữa.

Một “biên bản lấy lời khai” được lập như mọi lần. Tôi ký như muốn rạch nát tờ giấy sau khi ghi “Tôi không đồng ý với cách ghi “lời khai” bởi tôi không phải là tội phạm và cũng không có hành vi sai phạm nào. Tôi không đồng ý với những nhận xét mang tính qui chụp của câu hỏi. Trang blog của tôi không có bất cứ điều gì sai phạm”.

Đã 3 lần công an mời tôi lên làm việc. Thậm chí đã nhiều lần tôi chấp nhận cả các hình thức “trao đổi đối thoại” ở quán nhậu- cà phê. Vì thế, đây cũng sẽ là lần cuối cùng tôi chấp nhận đến làm việc với công an theo giấy mời.

Tôi đã định dành một bài chi li trả lời lại những câu hỏi khảo tra đầy tính qui chụp qua tất cả 3 cuộc làm việc, nhưng nghĩ lại thấy không cần thiết. Điều đó đến giờ là quá thừa.

Nên biết đọc và nhìn những bài viết trên trang của tôi ở nghĩa tích tực. Và thật sự rất nhiều bài viết, nhiều phản biện góp bàn của tôi đã tạo ra những hiệu ứng và thay chuyển tốt. Hơn 4 năm trước, khi một ông Phó trưởng ban tuyên giáo trung ương phán định trang Trương Duy Nhất có “thái độ tiêu cực, thiếu ý thức xây dựng, thậm chí kích động dư luận xã hội“, tôi đã trả lời rằng “nếu chỉ đọc thấy trên trang này “thái độ tiêu cực, thiếu ý thức xây dựng, thậm chí kích động dư luận xã hội“, thì chính quí vị mới là kẻ tiêu cực, thiếu ý thức và kích động, thậm chí là… phản động!”.

Tôi không phải tội phạm. Những bài viết trên trang blog Trương Duy Nhất- Một góc nhìn khác cũng không đả phá, không phản động. Những loại giấy mời, triệu tập và hình thức khảo tra đó hãy dành cho những thằng phản động đang “cõng rắn cắn gà nhà”, những “nhóm lợi ích” đang thâu tóm hệ thống ngân hàng và tài sản quốc gia, những “bầy sâu ăn hết phần của dân”, những “bộ phận không nhỏ” trong đảng đang đe dọa sự tồn vong của đảng và chế độ.

Đấy mới là cách bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ. Bọn đó mới là tội phạm, là lũ trọng phạm đang đục khoét đe dọa đến sự tồn vong của đảng và chế độ, chứ không phải là trang blog của tôi. Bọn đó mới là lũ phải gửi “giấy mời”, phải triệu tập, phải bắt giam, phải… chém đầu bêu trước nhân dân!

Đó mới đúng là chức phận của ngành công an. Cái còng và khẩu súng là để chĩa vào bọn vinh thân phì gia, những kẻ đang cài nhét con cháu vào ghế này chức nọ bất chấp nguyên tắc và đạo lý, đục khoét ăn hại tàn phá đất nước, chứ không phải chĩa về những cây bút dám vứt bỏ hi sinh tất tật mọi quyền lợi để dốc lòng cạn tâm đêm ngày phản biện góp bàn cho sự chuyển thay tích cực của đảng và dân tộc như Trương Duy Nhất. (Ảnh: Trương Duy Nhất (áo đen) trong một lần ra Hà Nội)


Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

Đào Tuấn - Tụi bây muốn gì


Phải chăng đã đến lúc Bộ Công an cũng như chính quyền phải cấm tiệt các hành vi truy đuổi, sử dụng vũ khí quân dụng để đối xử với một hành vi vi phạm hành chính của lương dân, một hành vi có thể nhìn thấy bằng mắt thường 3 tư thế của người “Cảnh sát nhân dân” vừa xuất hiện trên báo chí trong chỉ 3 ngày qua. Ngày 20.3, ở Pleiku, Gia Lai, hơn chục cán bộ công an và dân quân tự vệ xã Trà Đa đuổi bắt, thậm chí “vào tận trong nhà máy để tìm kiếm”, “lên đạn súng AK, rút súng ngắn chĩa vào đầu” một người dân. Và quát hỏi “Tụi bây muốn gì”. Bị đánh tới tấp, anh nạn nhân “chạy vào phòng bảo vệ đóng cửa trốn”, nhưng bị các cán bộ dùng dùi cui và báng súng đập vỡ cửa kính để mở cửa vào. Không dừng lại đó, nhóm công an xã này còn dùng súng bắn vào phòng.


Lỗi của anh này là “Không đội mũ bảo hiểm”. Và tư thế của anh với những nhà chức trách là tư thế quay lưng, cắm cổ, để chạy, chỉ vì thiếu một cái mũ.

Chủ tịch UBND xã Trà Đa Nguyễn Đình Thức 1 ngày sau đó thanh minh: “Lực lượng của chúng tôi chưa được chính quy, quá trình xử lý còn nóng nảy, chứ nếu là người được đào tạo qua trường lớp thì làm gì có chuyện như thế xảy ra”.

À, thế ra chính dân chúng phải chịu trách nhiệm về sự “không chính quy”.

Ở Đà Nẵng, PV Infonet chụp lại được hình ảnh “người dân và CSGT chỉ mặt nhau khẩu chiến” khi một sĩ quan cảnh sát, bụng bự, mặt đỏ gay vung tay vung chân chỉ mặt dân vô cùng phản cảm. Sự phản cảm không chỉ là tư thế đối đầu mà còn ở những lời lẽ “ngoài chợ” người ta dành tặng cho nhau xung quanh một cái biển số “tử” 13 nút.

Và ở Hà Nội, trật tự đô thị “múa gậy” chặn xe người dân giữa phố.

Chặn đầu. Chỉ mặt. Và đuổi bắt. Nếu muốn có một hậu quả để có thể gióng lên một lời cảnh báo thì hẳn nhiên đó phải là câu chuyện vừa xảy ra ở Bình Dương khi lực lượng chức năng Phường Chánh Nghĩa truy đuổi một người dân khiến anh này đâm vào cột đèn tử vong tại chỗ.

Lỗi của nạn nhân xấu số, thật kinh khủng, cũng chỉ là “Không đội mũ bảo hiểm” chứ chẳng có gì là “phi nghĩa” cả.

Mới biết chánh nghĩa hay phi nghĩa không phải là ở cái tên.

Đọc xong những dòng tin kiểu này, một câu hỏi, vì thế, không thể không đặt ra: Hay giờ đây việc thiếu một cái mũ trên đầu cũng là hành vi phạm pháp đặc biệt nghiêm trọng, đến độ “nhà chức trách” phải truy đuổi, phải vung gậy, phải lên đạn, phải nổ súng, theo lối đồ sát như vậy?

Câu trả lời của thực tế từ Nam ra Bắc là “Đúng”. Nhưng sự lạm quyền chưa phải là câu trả lời cuối cùng.
Câu trả lời chính xác có vẻ đã được Trưởng Công an Phường Thịnh Quang, ông Nguyễn Duy Hưng vô tình tiết lộ. Trả lời Tiền phong “nhân sự kiện” trật tự phường “múa gậy chặn đầu xe”, ông Hưng thật thà: Thú thật do áp lực nặng quá, một tháng bị giao chỉ tiêu 50 triệu đồng, nên anh em mới đi lập chốt, đi phạt. Lỗi nặng nhất là ô tô, nhưng không xử phạt được vì toàn chỗ quen biết, quen ông nọ, ông kia… không làm được.

Cái chết của một nạn nhân đặt ra vấn đề hết sức nghiêm túc vấn đề “nhà chức trách” và nhân dân. Phải chăng đã đến lúc Bộ Công an cũng như chính quyền phải cấm tiệt các hành vi truy đuổi, sử dụng vũ khí quân dụng để đối xử với một hành vi vi phạm hành chính của lương dân, một hành vi có thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Và áp lực “chỉ tiêu” khiến lực lượng trật tự nghiệp dư ngang nhiên “múa gậy” giữa phố, giữa ban ngày, giữa thủ đô, giữa cả trăm cả ngàn ánh mắt bất bình của người dân, cho thấy việc đặt ra một chỉ tiêu phạt là hết sức phi lý, hết sức ngớ ngẩn cần phải được dẹp bỏ ngay lập tức.

“Tụi bây muốn gì” ư?

Chúng tôi chỉ xin 2 chữ bình an mà đáng lẽ ra, những người ăn lương từ thuế các anh phải là người bảo vệ.


Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Đào Tuấn - Bần cùng hóa



Blog Đào Tuấn

Chưa bao giờ, cơ chế thu hồi, ít nhất là đối với những dự án khoác chiếc áo mĩ miều “phát triển kinh tế” lại bị nhân dân la ó, đại biểu ném gạch như trong kỳ họp này


Cơ chế bồi thường, hỗ trợ theo luật Đất đai đang khiến cho một bộ phận người dân mất đất rơi vào tình trạng “bần cùng hóa”- chữ dùng của Phó trưởng đoàn ĐBQH Hải Phòng, Ủy viên Ủy ban tư pháp của QH Trần Ngọc Vinh.

Trước nghị trường sáng nay, ông Vinh kể về một trường hợp cụ thể. Đó là một gia đình 4 nhân khẩu chung sống với dưới một mái nhà và diện tích đất 50 m2. Họ cứ sống bình lặng và ổn định như thế, cho đến khi mảnh đất mồ hôi nước mắt bị thu hồi, để phục vụ “phát triển kinh tế xã hội” chẳng hạn. Gia đình khố khổ đó được bồi thường100m2 và phải nộp thêm 300 triệu. “Họ phải chọn hoặc vay tiền xây nhà, hoặc bán lúa non mảnh đất mới để có thể xây nhà”. Và lựa chọn thế nào thì điểm đến cuối cùng là “cái hố bần cùng hóa”.

Bần cùng hóa, có khi là hình ảnh mà bà Phó Chủ tịch MTTQ TP HCM từng nói tới “mất nghề, không sinh kế”. Bần cùng hóa còn là những món nợ, nếu muốn có nhà, hoặc từ có nhà, có đất, có tư liệu sản xuất, thành ra chẳng còn gì. Dường như nông dân không còn đất thì không được gọi là nông dân nữa.

Đó có thể là một trường hợp ở Hải Phòng, ở Hưng Yên, ở Hà Nội hay ở bất cứ đâu đó có các dự án “phát triển kinh tế xã hội”.

Có thời, báo chí đưa ra những “nghịch cảnh nước mắt” khi những người bị thu hồi đất đó bây giờ đang “vỡ hoang” các khu đô thị mới, đang trồng lậu cây trái trong những khu công nghiệp. Bởi quá trình thu hồi đất ồ ạt vừa qua đã đẻ ra sự lãng phí trầm trọng với nhà máy bỏ hoang, khu công nghiệp đắp chiếu, sân golf phục vụ chỉ vài chục người có tiền, khu du lịch biến thái thành biệt thự…ĐBQH Nguyễn Hữu Đức nhắc lại con số có tới 5828 tổ chức vi phạm 730k ha. Trụ sở bị sử dụng lãng phí, cho thuê, bỏ trống. Các dự án bị bỏ hoang… Tất cả những sự hoang phí và tràn đầy bất công đó, được khoác dưới chiếc áo “phát triển kinh tế xã hội”. Liệu có một dự án lấy đất của dân nào lại không có ý nghĩa “phát triển kinh tế xã hội” không nhỉ?
Phát triển kinh tế xã hội là gì? Và sự phát triển đó mang lại lợi ích cho bao nhiêu người? cho ai? Trong một nghịch lý mà ĐBQH Thân Đức Nam nói tới: “Nhà nước không thể giao cho người khác thứ mà mình không có”?

Chưa bao giờ, cơ chế thu hồi, ít nhất là đối với những dự án khoác chiếc áo mĩ miều “phát triển kinh tế” lại bị nhân dân la ó, đại biểu ném gạch như trong kỳ họp này.

Sáng nay, có ĐBQH đã đòi hỏi về một sự công bằng: “Đất đổi đất, nhà đổi nhà, tương đương, người dân mất đất không phải bỏ thêm tiền”. Và quan trọng nhất, là đề xuất đối với những trường hợp phi “quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng”, thì cơ chế phải là trưng mua, trưng dụng, chứ không thể là thu hồi.

Khi phát biểu về vấn đề này, vị Ủy viên Ủy ban tư pháp của QH Trần Ngọc Vinh đã dẫn 2 quy định trong hiến pháp. Đó là nguyên tắc “Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức không bị quốc hữu hoá”. Và “Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo thời giá thị trường. Thể thức trưng mua, trưng dụng do luật định”.

Trả lại quyền (được) trưng mua, trưng dụng đơn giản chỉ là vấn đề “hợp hiến” chứ chẳng phải gì là mới lạ. Là sự sửa sai những gì luật Đất đai hiện thời đang vi hiến. Và thực thế, cũng chỉ là lẽ công bằng tối thiểu.

Đã đến lúc luật Đất đai sửa đổi phải stop sự vinh thân phì gia của một nhóm lợi ích với những dự án khoác áo “phát triển kinh tế xã hội” bằng cơ chế trung mua được hiến định. Bởi như thế cũng mới chấm dứt được tình trạng bần cùng hóa của người dân mất đất.


Thứ Hai, 1 tháng 8, 2011

Cù lao Ré, Chó và chuột

Blog Đào Tuấn

Lý Sơn, tên cũ là Cù lao Ré, là một hòn đảo bé nhỏ và lạ kỳ. Đảo như một chiến hạm vì vị trí tiền tiêu của nó. Bãi trước, bãi sau, dấu vết những lô cốt từ thời Pháp vẫn còn tồn tại đến bây giờ. Nhưng trong suốt lịch sử tồn tại nơi đây dường như chưa từng có một tiếng súng. Lý Sơn chỉ trở thành hòn đảo tiền tiêu, thành một hàng không mẫu hạm từ vài năm nay khi những ngư dân bỗng dưng trở thành người lính giữ biển. Nhưng đây là một chiến hạm đang bị bỏ quên.

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2011

Nỗi sợ không có tên trong từ điển

Blog Đào Tuấn

Ở Lý Sơn, ngư dân làng chài không sợ hãi cuồng phong, bão tố- điều mà cha ông họ xưa nay vẫn thản nhiên đối mặt. Họ sợ đói nghèo, sợ những khoản nợ đến ngày đáo hạn và sợ nhân tai dưới hình hài của những con tàu lạ.

Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2011

Chiếc phà thủng đáy và cái cẩu trục

BLOG ĐÀO TUẤN

Bóng dáng “con tàu ma” Vinashin đã lại hiển hiện đó đây, khi hàng loạt các ông lớn đồng loạt kêu lỗ. Dầu khí lỗ. Điện lỗ. Xăng lỗ. Và mới nhất là vụ lỗ đến mức “chuyển cơ quan điều tra” của một DN cho thuê tài chính, tất nhiên là doanh nghiệp nhà nước.

Thứ Tư, 6 tháng 4, 2011

Chuyện của một nhà báo tác nghiệp tại phiên tòa Cù Huy Hà Vũ

Đào Tuấn

Cảm giác đầu tiên của mình về phiên xử Cù là hình như khâu tổ chức đã “nghiêm trọng hoá vấn đề” quá mức cần thiết. Tại sao lại không coi chính xác nó là một phiên toà hình sự, dù tội danh là “tuyên truyền chống nhà nước”. Mấy thằng mình đứng hút thuốc, nhổ râu vặt trước cổng toà thống kê thấy có đủ sắc lính: Đông nhất là “Dê cu dê ka”, cảnh sát áo xanh, giao thông, cơ động đứng kín mấy ngã tư. An ninh- đương nhiên- và cũng đương nhiên là complet, cà vạt. Bảo vệ mũ vuông đứng chật sân. Quãng hơn 9h, thấy có mấy chục tay đeo băng đỏ kiểu vệ binh tàu, đi hàng 4 lượn qua trước toà. Chả hiểu sao, lại có cả 3 đồng chí cảnh sát PCCC. Xe đặc chủng cũng có mấy loại: Bịt bùng biển xanh. Đen xì đóng số 80B. Xe ò oe. Rồi thì cứu thương, cứu hoả. Xe 3 cột ăng ten râu nom rất quái. Và lạ nhất là có tới 3 chiếc bus túc trực sẵn ngay trước cổng toà. Tới 8h30 thì đoạn phố Hai Bà bị chặn hoàn toàn khiến ngay cả những người chưa từng nghe cái tên CHHV cũng cảm thấy rằng đây là một vụ rất rất nghiêm trọng. Rồi báo chí được tận mắt chứng kiến cảnh một thanh niên bị xốc nách lôi đi, chắc do mất trật tự trị an.

Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

GHÉ THĂM CÁC BLOGS: 31/03/2011

BLOG TRẦN MINH QUÂN

Tháng Ba 26, 2011Trần Minh Quân


Tại hội thảo công bố chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2010, do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID) và Dự án sáng kiến năng lực cạnh tranh Việt Nam (VNCI) tổ chức vào sáng ngày 16.3 tại Hà Nội, các đại biểu tham dự đều có chung một nhận định là hiện nay khi tham gia đầu tư và làm ăn tại Việt Nam, các doanh nghiệp đều phải tốn những khoảng chi phí không chính thức, còn gọi là chi phí “bôi trơn” nếu muốn được giải quyết các thủ tục nhanh gọn hay muốn trúng các gói thầu do cơ quan nhà nước mời thầu, …

Thứ Năm, 17 tháng 3, 2011

GHÉ THĂM CÁC BLOGS: 17/03/2011

BLOG ĐÀO TUẤN

Ở Phú Thọ, điện cắt ngày chẵn. Ở Đồng Nai, điện cắt ngày lẻ. Có tỉnh thì cắt điện ban ngày. Tỉnh khác thì cắt ban đêm. Có lẽ vì là “tỉnh lẻ chân đất” nên ít có nhu cầu? Hay vì là “dân quê cổ ngắn” nên ngành điện bịt mắt cắt bừa?

Thứ Năm, 10 tháng 3, 2011

GHÉ THĂM CÁC BLOGS: 10/03/2011

BLOG NGUYỄN XUÂN DIỆN



Hình chỉ có tính chất trang trí. Ảnh: Internet.

Tin về clip sex, ảnh nóng
- câu khách rẻ tiền hay cố ý quảng cáo?

Tôi đã rất băn khoăn khi viết bài báo này vì nội dung của nó sẽ đụng chạm đến chính những tờ báo mà tôi muốn nội dung của bài này được xuất hiện, hoặc nó có thể khiến một số nhà báo cảm thấy bị đụng chạm. Nhưng rồi tôi vẫn quyết định viết bài này với hi vọng chúng ta sẽ bớt đi những thông tin thiếu lành mạnh vẫn ngày ngày hiện trên mặt các trang báo mạng.

Thứ Năm, 30 tháng 12, 2010

Ghé thăm các Blogs: 30/12/2010

BLOG TRƯƠNG DUY NHẤT
THỨ TƯ, NGÀY 29 THÁNG MƯỜI HAI NĂM 2010


Hãy thả ngay 2 bị cáo nữ Nguyễn Thúy Hằng và Nguyễn Thị Thanh Thúy. Tại sao không đủ chứng cứ kết tội 16 quan chức mua dâm, trong khi lại đủ chứng cứ để kết tội bán, môi giới mại dâm và tống giam 2 nữ sinh?

Thứ Năm, 23 tháng 12, 2010

Ghé thăm các Blogs: 23/12/2010


Kỳ họp thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng CS Việt Nam vừa bế mạc. Vấn đề quan trọng nhất là tiếp thu những góp ý của toàn đảng và toàn dân để bổ sung vào 3 văn kiện cơ bản là Báo cáo chính trị, Cương lĩnh quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2010-2020 xem ra đã bị coi rất nhẹ. Nói thẳng ra là bị khinh thường.

Thứ Năm, 11 tháng 11, 2010

1000 tấn vàng và 36 tỷ USD biến mất / Biến Mất / Dân mất niềm tin vào tiền đồng! / Làm thế nào?

Blog: Đào Tuấn

1000 tấn vàng và 36 tỷ USD biến mất
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11, lần đầu tiên lượng dự trữ ngoại tệ và vàng trong dân đã được đưa công khai. Bản tin VTV tối 6-11 cho biết Chính phủ nhận định lượng ngoại tệ trong dân vào khoảng 36 tỷ USD, lượng vàng trong dân vào khoảng 1000 tấn, tức cũng vào khoảng 45 tỷ USD theo thời giá hiện nay. Con số này là hoàn toàn bất ngờ bởi chỉ 1 ngày trước, VietNamNet đưa con số 5 tỷ USD và 800 tấn vàng "trong két" đứng ngoài lưu thông chính thức và không được thống kê. Câu hỏi không thể không đặt ra là vì sao lượng tiền chết trong dân lại lớn đến như vậy và phải làm cách nào để thuyết phục được người dân đưa ngoại tệ cũng như vàng vào lưu thông.

Thứ Tư, 3 tháng 11, 2010

Truy tay lái thuyền trưởng hay xét chất lượng con tàu

Đào Tuấn

“Vinashin thực sự đã sụp đổ”; “Vinashin là một kiểu của Lã Thị Kim Oanh phóng đại gấp 1.000 lần”; Quyết liệt truy trách nhiệm vụ Vinashin; Kiến nghị thành lập Ủy ban điều tra vụ Vinashin... Đây là những hàng tít lớn trên các báo buổi trưa nay, 1-11, sau phiên họp toàn thể thảo luận kinh tế xã hội tại nghị trường.

Thứ Năm, 21 tháng 10, 2010

Bom nước

Đập thủy lợi Khe Mơ vỡ. 5000 nạn dân phải chạy nạn lên núi. Đập thủy điện Hố Hô bị nước tràn 1m. 2000 dân phải chạy loạn. Hồ Kẻ Gỗ không thể ngừng xả lũ vì sợ vỡ đập. Bão lũ trong một tuần qua đã giết chết hơn 100 người dân. Và bão lũ, thuyết phục hơn tất cả mọi lời cảnh báo, những phân tích kỹ thuật, đang chứng minh là những quả bom nước có thể vỡ bất cứ lúc nào và những lời hứa hẹn cam kết toàn là chuyện hão huyền.

Chủ Nhật, 17 tháng 10, 2010

Bao nhiêu tiền một lít văn hóa!

Đào Tuấn

Giá hai bộ sách "Tám triều vua Lý" và "Bão táp triều Trần" là 1.266 ngàn đồng. Mặc cả chán chê, từ hiệu sách Ngân Nga của hai chị em cô bé sinh đôi, lên đến tầng hai nhà bà Mão, đâu cũng chỉ giảm "kịch kim 25%". Vị chi thế là 920 ngàn. Cuối cùng thì mình lắc đầu. Đắt quá. Chờ vậy. Cô bán sách vẫn đãi lại một nụ cười, hình như trước mình đã có tỷ thằng cũng đã lắc đầu.

Thứ Năm, 14 tháng 10, 2010

Ghé thăm các Blog: 14/10/2010

BLOG MẸ NẤM



“Quân đội hoạt động với tư cách lực lượng yểm trở hậu cần khi cần và cứu trợ cho các tàu cá. Quân đội là lực lượng quân sự, không tham gia giải quyết vấn đề tàu cá bị bắt, vì đó là vấn đề dân sự”. - Nguyễn Chí Vịnh

Thứ Năm, 30 tháng 9, 2010

Ghé thăm các Blog (29/09/2010)

BLO ĐÀO TUẤN

Đăng ngày: 10:51 29-09-2010

“Không phát sóng bộ phim “Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long”, Đài truyền hình nào phát sóng thì tự chịu trách nhiệm với công chúng về chất lượng bộ phim” - Cuối cùng sự kiện ngu dốt nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam cũng đã chấm dứt, vó ngựa của “Lý Triển Chiêu” đã phải dừng ngoài ải Nam Quan khi Hội đồng duyệt phim Quốc gia đưa ra ý kiến về bộ phim này. Tuy nhiên, đây chưa phải là quyết định cuối cùng, vì có lẽ, phải còn chờ ý kiến của bác Hùng, Phó Thủ tướng, người một năm trước đã có văn bản cho phép đưa bộ phim vào chương trình chính thức của Đại lễ.

Thứ Năm, 9 tháng 9, 2010

Miếng pho-mát trong bẫy chuột

Blog Đào Tuấn

Có hai món quà triệu đô đã được nói tới trong chỉ hai tuần qua. Món thứ nhất là khối mô hình quy hoạch chung thủ đô trị giá hơn 3 triệu USD được đối tác "tặng không" cho Việt Nam. Và món quà thứ hai, còn to hơn, là những đồng Yên mà Nhật Bản "cho không" để lập dự án Đường Sắt Cao Tốc (ĐSCT).

Thứ Tư, 8 tháng 9, 2010

Ghé thăm các Blog

BLOG ĐÀO TUẤN
http://vn.360plus.yahoo.com/tuanddk
Bán thân báo hiếu
Đăng ngày: 11:07 29-08-2010
Thư mục: Xã hội ba đào

Lại thêm một vụ mua vợ bị cảnh sát hình sự phát hiện tại TP HCM hôm 27-8. 17 cô gái vùng ĐBSCL tuổi mới đôi mươi xếp thành một hàng uốn éo, khua chân đập tay... múa để cho 2 chú rể Hàn Quốc- người trẻ 45 tuổi, người già 56 tuyển chọn.

Không biết đây là vụ thứ bao nhiêu bị phát hiện, cũng không biết sẽ còn bao nhiêu vụ mua bán nữa sẽ diễn ra bởi số bị lộ thường ít hơn rất nhiều so với thực tế. Nhưng rõ ràng đây không còn đơn thuần là câu chuyện xã hội nhỏ của 17 cô gái và 2 ông "chồng" già. Vấn đề nằm ở nguyên nhân xô đẩy các cô vào cuộc bán thân đầy phiêu lưu và không ít tủi nhục.