Hiển thị các bài đăng có nhãn Ðinh Quang Anh Thái. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Ðinh Quang Anh Thái. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2018

Nam Dao: Ký, đọc Đinh Quang Anh Thái


Nhà văn Nam Dao (Ảnh: Uyên Nguyên)

Trong những thể văn, ký là ghi lại. Cổ nhất ở phương Đông có lẽ là Sử Ký của Tư Mã Thiên, kẻ bị thiến sống vì sao chép chính xác và luận bình khách quan và vô  tư về những sự kiện lịch sử. Ở ta, từ thời dùng chữ quốc ngữ, ký xuất hiện không ít. Miền Bắc, Thạch Lam với Hà Nội 36 Phố Phường, Vũ Bằng với Miếng Ngon Hà Nội, Nguyễn Tuân với Phở... Miền Nam, Hương Rừng Cà Mau của Sơn Nam, rồi Bến Nghé Xưa, và hẳn với Phan Nhật Nam qua Mùa Hè Đỏ Lửa, Dựa Lưng Nỗi Chết... Miền Trung, nổi bật là Hoàng Phủ Ngọc Tường với Ai Đã Đặt Tên Cho Dòng Sông, Rất Nhiều Ánh Lửa...
Thường, thể    ghi chép về chiến tranh, về sinh hoạt, địa lý, đường phố, miếng ăn, phong tục, tập quán. Và ở một góc độ rộng, ký không xa với phóng sự, nhà văn trở thành nhà báo, cứ người thật việc thật, thấy sao nói vậy. Ký dưới hình thức đó, trừ một số ngoại lệ, khó đọng lại trong lòng người  đọc như những tác phẩm văn học tầm cỡ.  Bắt giam trí năng tưởng tượng trong ngục tù của những hiện thực mắt thấy tai nghe, chữ nghĩa chỉ làm công  việc chuyển tải thông tin của báo chí.

Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2016

Đinh Quang Anh Thái: Bùi Bảo Trúc: Tâm, Tài và Tật


Nhà báo Bùi Bảo Trúc

Ba tuần trước ngày nhắm mắt, anh Trúc gọi điện thoại nói, “cậu Thái ghé qua Little Saigon Radio lấy 300 tiền mặt và chuyển về Việt Nam biếu các con bà Cấn Thị Thêu giùm tôi.”
Sau khi nhận được thư hồi báo của gia đình bà Thêu, tôi chuyển bằng email tgbt@yahoo.com của anh nhưng không thấy anh trả lời. Gọi anh ba lần cũng chỉ nghe lời nhắn trên máy.
Vậy là lần nói chuyện đó là lần cuối cùng tôi nghe được giọng anh, vẫn ấm tuy có hơi yếu. Và đó cũng là lần chót tôi nhận tiền của anh để gửi giúp những người lâm vào hoàn cảnh nghiệt ngã tại Việt Nam.
Ngày Việt Khang ra tù, anh nói trên làn sóng Little Saigon Radio về người nhạc sĩ can trường này và nhắn ai muốn góp tay giúp Việt Khang thì cứ ghé tòa soạn báo Người Việt giao cho tôi, “bảo đảm quà sẽ tới tận tay người nhận.” Nhiều người tin anh, mến anh đã đến và tôi đã làm tròn ước muốn của anh.

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2016

Ðinh Quang Anh Thái: Nhớ Cậu Tiến

Như Phong và Ðinh Quang Anh Thái ở chung 

trong một Mobile Hometrên đường Bolsa, Little Saigon.

Lần đầu tiên tôi được biết đến tên tuổi ông Như Phong Lê Văn Tiến là năm 1976. Chính anh chị Từ Công Phụng-Từ Dung nói cho tôi biết về ông. Dạo ấy, Sài Gòn vừa mất tên gọi, tôi sống ngoài lề đường, bán sách cũ trước cửa rạp Rex, bán quần áo cũ ngay ga xe lửa đường Lê Lai, bán thuốc tây trên đường Pasteur, bán rau muống ở chợ Hãng Phân bên Vĩnh Hội, và bán cả... súng cho những người đi vượt biên. Nghĩa là kiếm sống bằng đủ mọi cách.

Thứ Tư, 3 tháng 12, 2014

Ðinh Quang Anh Thái thực hiện - Phỏng vấn Luật Sư Trần Thanh Hiệp về tạp chí Sáng Tạo


Luật Sư Trần Thanh Hiệp. (Hình: Triết Trần/Người Việt)
LTS: Vào hai ngày, 6 và 7 Tháng Mười Hai, sắp tới, hội thảo Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam (1954-1975) sẽ được tổ chức tại nhật báo Người Việt và nhật báo Việt Báo ở Westminster. Gần 20 nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình và nghiên cứu văn học tại Hoa Kỳ, Canada, Pháp và Úc sẽ trình bày và phân tích những đặc điểm, thành tựu và ảnh hưởng của văn học miền Nam Việt Nam thời kỳ 1954-1975. Ban tổ chức gồm nhật báo Người Việt, nhật báo Việt Báo, báo mạng Tiền Vệ và báo mạng Da Mầu. Nhân dịp này, Luật Sư Trần Thanh Hiệp, năm nay 87 tuổi, một trong những người chủ trương tạp chí Sáng Tạo đầu thập niên 1950, dành cho nhật báo Người Việt cuộc phỏng vấn sau đây, do nhà báo Ðinh Quang Anh Thái thực hiện.

Ðinh Quang Anh Thái (NV): Thưa luật sư, hẳn rằng không ít người, nhất là thế hệ trẻ, muốn biết về tạp chí Sáng Tạo, bối cảnh ra đời và những người chủ trương. Là một người trong nhóm sáng lập, luật sư có thể nói cho nghe được không ạ?

Luật Sư Trần Thanh Hiệp: Tạp chí Sáng Tạo ra đời vào một thời điểm đặc biệt trong lịch sử Việt Nam. Ðó là bối cảnh pháp-lý-chính-trị đất nước bị Hiệp Ðịnh Geneva 1954 chia đôi, với mục đích tạm chấm dứt chiến sự, trong khi chờ đợi tìm được giải pháp chính trị thống nhất nước Việt Nam. Sự áp dụng Hiệp Ðịnh Geneva 1954 đã dẫn tới việc dồn quân, dồn dân thành hai miền khác nhau, lấy sông Bến Hải làm ranh giới. Miền Bắc là vùng tập trung của phần dân chúng thuộc quyền cai trị của chính quyền Cộng Sản. Miền Nam, phần lãnh thổ từ vĩ tuyến 17 trở xuống tới mũi Cà Mau là vùng thống thuộc chính quyền xuất phát từ thực tế quân viễn chinh chiếm đóng mà Pháp trao trả lại cho quốc gia Việt Nam, đặt dưới sự lãnh đạo của Quốc Trưởng Bảo Ðại. Một cuộc tổng tuyển cử đã được dự liệu sẽ tổ chức vào năm 1956. Cuộc tổng tuyển cử này đã không diễn ra, trong khi lại có hơn một triệu người ồ ạt di cư từ Bắc vô Nam.

Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2014

Đinh Quang Anh Thái/Người Việt - Cái tôi độc lập của Trần Đĩnh trong Đèn Cù

LTS: Ông Trần Đĩnh năm 15 tuổi đã tham gia cuộc tổng khởi nghĩa do Cộng Sản lãnh đạo ngày 19 Tháng Tám, 1945. Ông trở thành đảng viên năm 19 tuổi, lúc đó, đảng Cộng Sản Đông Dương rút vào bóng tối, đổi tên thành Hội Nghiên Cứu Chủ Nghĩa Mác và xuất bản tờ báo Sự Thật, ông được điều về viết cho báo này. Sau đó, ông đưọc đưa qua học tại đại học Bắc Kinh. Trong thời gian học, ông tham gia một cuộc họp chống phái hữu, và chính nhờ vậy, ông rút tỉa được nhiều bài học quí báu. Bài học đó là, các đảng viên chân chính, tích cực đã nghe lời đảng khuyến khích họ phê bình đảng. Nhưng khi họ phê bình thì bị đảng quay lại đánh. Theo lời ông Đĩnh thì đó là âm mưu của Mao Trạch Đông. Học xong, ông về Hà Nội làm việc một thời gian, thì xẩy ra việc đảng Cộng Sản Việt Nam đưa vấn đề chọn lựa tư tưởng Mao để chống xét lại, tức là chống lại chủ trương sống chung hoà do tổng bí thư đảng Cộng Sản Liên Xô lúc bấy giờ là ông Nikita Khrushchev đưa ra. Ông Trần Đĩnh ủng hộ lập trường của ông Khrushchev và chống tư tưởng Mao, nên bị khép vào tội chống đảng. Mặc dù không bị bắt như anh ruột ông là nhà báo Trần Châu, hay như những người khác như ông Hoàng Minh Chính, Vũ Thư Hiên, hoặc phải sống lưu đày như Nguyễn Minh Cần, v.v... ông Trần Đĩnh cũng bị khai trừ khỏi đảng và chịu nhiều trù dập về mặt tinh thần cho mãi tới ngày nay. Hiện nay, ông Trần Đĩnh đang sống tại Sài Gòn. Nhân dịp Đèn Cù cuốn 2 của Trần Đĩnh sắp ra mắt độc giả, ông dành cho nhật báo Người Việt cuộc phỏng vấn sau đây, do Đinh Quang Anh Thái thực hiện.

Đinh Quang Anh Thái (NV): Ông viết Đèn Cù bằng lối văn “truyện tôi,” có gì, nhớ gì thì ghi lại, bình thản, không để cảm tính chen vào; nhưng độc giả vẫn cảm được những nỗi đau vô cùng to lớn của ông, của gia đình ông, và lớn hơn, của Việt Nam: Nỗi đau như những giọt máu nhỏ xuống từng trang giấy. Không biết cảm nhận như thế có nói được phần nào tâm tư của ông không ạ?

Trần Đĩnh: Tôi nghĩ tâm tư có lẽ chính là sự lắng đọng của những điều ta từng sống hết mức, từng lăn lóc lâu dài với chúng. Tới mức lắng đọng nào đó, tâm tư của người viết sẽ trở thành hơi thở của hắn và khi được thể hiện thì tâm tư đó sẽ ra tự nhiên, bình thản như hơi thở. Việc nhào nặn ở vô thức và ý thức này chính là công trình làm giả - hay đúng hơn, sáng tạo - vì nó là hậu-trải nghiệm, sống lại, và về chất, nó có khác đôi phần với diện mạo ban đầu vốn dĩ thường thô mộc của trải nghiệm. Trong điện ảnh có diễn viên đóng thế nhưng không ai chê bộ phim là giả. Viết bình lặng nỗi đau cũng là một kiểu đóng thế. Thế cho tiếng khóc, tiếng gầm. Chắc hẳn nhiều người đọc thấy tôi có lúc đuối giọng. Đã từ lâu, chả hiểu sao khi nghĩ, khi nhìn, tôi luôn cố tìm sự bình lặng.

Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014

Ðinh Quang Anh Thái và Ðỗ Dzũng - Sinh viên Hồng Kông ‘không sợ Thiên An Môn’

Phóng sự từ Hồng Kông

Sinh viên Hồng Kông nghỉ ngơi chờ biểu tình tiếp. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

HỒNG KÔNG (NV) – Các sinh viên Hồng Kông tham dự biểu tình đòi dân chủ cho biết họ “không sợ Thiên An Môn.”

Có mặt ngay tại trung tâm tài chánh Hồng Kông hôm 2 Tháng Mười, anh Sunny Young, sinh viên tiếp thị Đại Học Hồng Kông, nói với phóng viên nhật báo Người Việt rằng: “Chúng tôi không sợ sự kiện như ở Thiên An Môn xảy ra. Nếu sợ, chúng tôi không có mặt ở đây.”

Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014

Ðinh Quang Anh Thái - Tác giả 'Ðèn Cù': Viết để giải thoát gông cùm ‘hận thù và dối trá’

LTS - Tác phẩm Ðèn Cù chính thức ra mắt độc giả sáng 20 Tháng Tám. Từ ba tuần nay, sau khi các trang mạng loan truyền bài viết của Ngô Nhân Dụng và Mặc Lâm, rất nhiều người đến tòa soạn Người Việt hoặc email hỏi mua sách. Ông Trần Ðĩnh năm nay 84 tuổi, sống ở Sài Gòn. Ông vào đảng Cộng Sản từ năm 18 tuổi, làm báo đảng và từng viết tiểu sử Hồ Chí Minh và nhiều lãnh đạo cao cấp khác như Nguyễn Lương Bằng, Phạm Hùng... Ông đã sáng tác và dịch nhiều tác phẩm Anh, Pháp và Hoa ngữ sang tiếng Việt.
Ông trả lời cuộc phỏng vấn này qua điện thoại sáng ngày 21 Tháng Tám.


Người Việt (NV): Thưa ông, Ðèn Cù đã chính thức ra mắt độc giả. Sáng hôm qua, quang cảnh tòa soạn Người Việt nhộn nhịp khác thường vì số đông độc giả đến mua Ðèn Cù. Xin ông cho biết cảm tưởng của ông ra sao khi đứa con tinh thần của mình được chào đón nồng nhiệt như vậy? 

Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014

Đinh Quang Anh Thái - Phỏng vấn ông Trần Đĩnh (Tháng Bẩy 2001)

Nhà báo Ðinh Quang Anh Thái (hình: Uyên Nguyên)
Ông Trần Đĩnh năm 15 tuổi đã tham gia cuộc tổng khởi nghĩa do cộng sản lãnh đạo ngày 19 tháng 8 năm 1945. Ông trở thành đảng viên năm 19 tuổi, lúc đó, đảng cộng sản Đông Dưong rút vào bóng tối, đổi tên thành Hội Nghiên Cưú Chủ Nghĩa Mác và xuất bản tờ báo Sự Thật, ông đựơc điều về viết cho báo này. Sau đó, ông đưọc đưa qua học tại đại học Bắc Kinh. Trong thời gian học, ông tham gia một cuộc họp chống phái hữu, và chính nhờ vậy, ông rút tiả đựơc nhiều bài học quí báu. Bài học đó là, các đảng viên chân chính, tích cực đã nghe lời đảng khuyến khích họ phê bình đảng. Nhưng khi họ phê bình thì bị đảng quay lại đánh. Theo lời ông Đĩnh thì đó là âm mưu của Mao Trạch Đông. Học xong, ông về Hà Nội làm việc một thời gian, thì xẩy ra việc đảng cộng sản Việt Nam đưa vấn đề chọn lựa tư tưởng Mao để chống xét lại, tức là chống lại chủ trương sống chung hoà do Tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô lúc bấy giờ là Nikita Khrushchev đưa ra. Ông Trần Đĩnh ủng hộ lập trường của Khrushov và chống tư tưởng Mao, nên bị khép vào tội chống đảng. Mặc dù không bị bắt như anh ruột ông là nhà báo Trần Châu, hay như những người khác như ông Hoàng Minh Chính, Vũ Thư Hiên, hoặc phải sống lưu đầy như Nguyễn Minh Cần.v.v..., ông Trần Đĩnh cũng bị khai trừ khỏi đảng và chịu nhiều trù dập về mặt tinh thần cho mãi tới ngày nay. Hiện nay, ông Trần Đĩnh đang sống tại Hà Nội.

Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

Ðinh Quang Anh Thái - Về lại Biển Ðông cúng vong người chết, nhớ người sống.

Ảnh tư liệu: Ðinh Quang Anh Thái
Ðối với nhiều người Việt hiện nay đang tỵ nạn rải rác tại nhiều quốc gia trên thế giới, Biển Ðông là ám ảnh của nỗi chết và cũng là cửa ngõ của sự tái sinh. 

Kể từ biến cố 30 tháng Tư năm 1975, Biển Ðông đã vùi chôn bao nhiêu thân xác những người lao mình vào sóng dữ để trốn chạy một chế độ tàn bạo. 

Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

Ðinh Quang Anh Thái - Tro Tàn

Nhạc sĩ Nguyễn Ðình Toàn (Hình: Uyên Nguyên)
Ta có thở khói thương nhau
Tình cũng như nhang tàn
Ta còn nương náu trong đời không bao lâu
Lòng có đau thì cũng như là nắng qua chiều

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Thiện Giao & Ðinh Quang Anh Thái - Những phận người bị bỏ quên trong bão Haiyan


Thiện Giao & Ðinh Quang Anh Thái -
(tường trình từ Cebu)

BOGO, Philippines (NV) - Nỗ lực cứu trợ nạn nhân bão Haiyan tại Philippines được tập trung vào nơi thiệt hại nặng nhất, là thành phố Tacloban. Trong khi đó, tại nhiều nơi khác, đặc biệt là những thị trấn, làng mạc nhỏ và nghèo, người dân dường như hoàn toàn bị bỏ quên.

Chúng tôi đi vào thị trấn Bogo, nằm về hướng Bắc thành phố Cebu vào buổi chiều ngày 20 tháng 11. Xe chạy dọc tỉnh lộ, càng hướng về phía Bắc, càng thấy cảnh lam lũ. Tại một địa điểm phát chẩn, vài trăm người chen chúc nhau trước một căn lều nhỏ, bên trong để các túi thực phẩm. 

Khu liên gia với 20 căn nhà đã tróc nóc tại thị trấn Bayantad, phía Bắc Cebu. Một người dân leo lên cây, sửa mái nhà và vẫn chờ đợi cứu trợ từ chính quyền trung ương. (Hình: Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt)

Cô Arnica Sala, phụ tá một dân biểu địa phương, tiếp chúng tôi. Cô cho biết buổi phát chẩn hôm nay là của riêng Dân Biểu Salinibagan, đại diện Ðịa Hạt 4. “Chúng tôi có 200 phần quà, có gạo, đường, cà phê, giá trị khoảng 200 pesos, gần $5 đô la.”

Thị trấn Bogo, với gần 2,000 dân, dường như hoàn toàn bị bỏ quên kể từ khi cơn bão đánh vào miền Bắc thành phố này. 

Chính quyền trung ương chưa hề đến đây. Còn buổi phát chẩn là nỗ lực riêng của ông dân biểu địa phương.

Trong nét mặt vừa mệt mỏi vừa lo âu, cô Sala nhắc đi nhắc lại với chúng tôi: “Người dân cần gạo và cần được giúp đỡ mua vật liệu xây nhà.”

Mỗi phần quà được phát hôm nay có vài kg gạo, “loại gạo rẻ nhất, giá 14 pesos/kg.”
Thêm 10 cây số về hướng Bắc, chúng tôi đi vào thị trấn Bayantad. Trong một khu liên gia với khoảng 20 gia đình, không căn nhà nào còn nóc. Chiều chạng vạng, khoảng chục đứa trẻ leo hết lên một cây cao, vô tư nô đùa. Bên dưới, người lớn đứng nhìn đoàn khách lạ, vừa nhẫn nại, vừa tò mò, xen chút hy vọng. 

Phía trước căn nhà của bà Jose Auman, một cư dân trong khu liên gia ở Bayantad. Bà cho biết “thực phẩm chỉ còn đủ cho buổi tối hôm nay.” (Hình: Thiện Giao/Người Việt)

Bà cụ Jose Auman, một cư dân trong khu liên gia, cho biết: “Thực phẩm chỉ còn đủ cho buổi tối hôm nay.” Trước khi cơn bão đánh vào khu vực này, bà Auman làm nghề nấu ăn, lương được khoảng $50 một tháng. “Nay thì không còn việc làm.”

Hàng xóm của bà là gia đình ông Jose Auman. Căn nhà của ông Auman cũng đã tan hoang. Ông cho biết, tất cả 20 căn trong xóm đều hư hại nặng. Toàn thị trấn không có điện, không ai có tiền để dựng lại cái nóc nhà. Và con nít thì đã nghỉ học.

Bà Auman đưa chúng tôi đi thăm căn nhà, bên trên không còn nóc, dưới nền thì loang lổ nước mưa. Trong góc phòng có hai thùng hàng của Hội Hồng Thập Tự và Lưỡi Liềm Ðỏ, mở ra xem thì thấy toàn những thứ không ăn được; giấy toilet, giấy lau tay, bột giặt, xà bông tắm, kem đánh răng, và... dao cạo râu.
  
Buổi cứu trợ tại thị trấn nghèo Bogo. Mỗi gia đình được nhận một gói quà, có gạo, đường, cà phê, giá trị chưa đến $5. (Hình: Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt)

Trước khi từ Manila đi về các vùng bị bão tàn phá, chúng tôi nói chuyện với bà Jessica Soto, làm việc cho một tổ chức NGO. Bà Soto đưa ra quan ngại: “Ðành rằng Tacloban là nơi đáng được giúp đỡ nhất. Ðiều đáng quan tâm là người ta bỏ quên tất cả những nơi khác.”

Anh Hoàng Văn, đại diện tổ chức VOICE, có mặt trong chuyến đi Bogo cùng chúng tôi, đưa ra nhận định tương tự bà Soto. Ông nói: “VOICE sẽ thảo luận và có thể có các hoạt động hỗ trợ tại những vùng như thế này chứ không phải chỉ tập trung vào Tacloban.”

Ông nói, Tacloban đã có tất cả các tổ chức quốc tế và NGO lớn tập trung giúp đỡ, trong khi người dân ở các địa phương khác cũng bị thiệt hại nặng do bão nhưng hầu như bị bỏ quên.

Tại thành phố Ormoc, cũng bị tàn phá nặng nề, dưới một lá cờ Mỹ người dân treo tấm bảng có dòng chữ: “Please help us and all the people in Ormoc and Tacloban City.” (Xin giúp đỡ chúng tôi, cả người dân Ormoc và người dân Tacloban).


Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

Thiện Giao & Ðinh Quang Anh Thái - Tìm ra hơn 30 người Việt Nam kẹt trong bão Haiyan

‘Bảy ngày nay mới được ăn bữa cơm đầu tiên’

Thiện Giao & Ðinh Quang Anh Thái -
(tường trình từ Cebu)

CEBU, Philippines (NV) - Hơn 30 người Việt Nam, tất cả đều gốc Tuy Hòa, Phú Yên, dồn về Cebu sống chung với nhau sau khi tài sản của họ, kể cả giấy tờ tùy thân, bị nước cuốn trôi khi cơn bão Haiyan quét qua các thành phố Tacloban và East Samar, Philippines.

“Bảy giờ sáng, nghe tin có bão, nhưng không nghĩ là bão lớn.” Chị Nguyễn Thị Thu Hương, một người buôn bán tại Tacloban, kể lại. Chị Thu Hương cùng chồng sang Philippines được khoảng hai năm. “Giấy tờ tùy thân vẫn còn, nhưng tài sản mất hết. Tiền trong nhà không còn gì cả.” Chị Hương nói, và bắt đầu khóc.

Bảy người Việt Nam vừa từ Ormoc về đến Cebu lúc 4 giờ sáng ngày 20 Tháng Mười Một. Bảy ngày rồi họ mới được ăn bữa cơm đầu tiên. (Hình: VOICE cung cấp)

Với Thu Hương và gia đình, mất mát trong cơn bão Haiyan đồng nghĩa là mất tất cả. Ðể sang Philippines làm ăn, gia đình chị bán đi miếng đất ở Việt Nam, mang theo $20,000 làm vốn. Trong tính toán của chị, gia đình sang đây làm ăn, cố gắng tối đa, rồi đến một lúc sẽ quay về nước.

Hơn 30 người Việt Nam, từ các thành phố Tacloban, East Samar và vùng phụ cận đều làm nghề bán hàng dạo. Họ lấy hàng sỉ, rồi mang đi bán lẻ từng nhà ở các thành phố này. Cách làm ăn của họ là cho người dân Philippines mua trả góp, mỗi lần góp 10 peso. Hàng hóa họ bán thì toàn những thứ lặt vặt, nhưng lại cần thiết cho cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn cái chiếu, cái gối, chai dầu nóng, cái radio, và cả... cho vay.

Một người trong nhóm nói rằng, bán trả góp thì cũng phải chịu nạn “giật nợ.” “Cứ 10 người thì bốn người không trả. Tuy nhiên, vì trước sau gì khách cũng cần mua cái này, cái nọ, họ sẽ tìm cách trả nợ để được mua tiếp.”
Khi cơn bão đánh vào khu vực này, họ dạt hết về thành phố Ormoc cách Tacloban khoảng 3 giờ lái xe. Lúc đó, không một ai có tin tức của ai. Một người gốc Tuy Hòa, anh Trần Văn Mẫn, sống tại Cebu, biết tin đồng hương bị nạn, lên đường đi Ormoc để tìm tin tức. Họ gặp nhau tại đây, rồi anh và vợ, chị Lương Thị Phấn, đưa mọi người lên phà về nhà mình ở Cebu tạm trú.

Hai vợ chồng anh Mẫn và chị Phấn sang Philippines được 10 năm nay. Nói về hoàn cảnh đồng hương Phú Yên của mình, anh Mẫn cho biết tất cả đều “nợ trắng tay, mất hết, và muốn được về lại Việt Nam.”

Anh Hoàng Văn (trái), đại diện VOICE, trao số tiền hỗ trợ lương thực cho anh chị Mẫn và Phấn, những người đang cưu mang hơn 30 đồng hương Tuy Hòa của mình tại Cebu. (Hình: Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt)

Nhiều người trong số này không có tài sản nên đã phải vay tiền làm vốn sang Philippines làm ăn. Nay cơn bão lấy hết tài sản của họ, tất cả phải bắt đầu lại từ đầu. Nhưng để bắt đầu từ đầu, họ phải trả được nợ, rồi tìm đường sang lại Philippines.

Trong nhóm người này, gia đình anh Mẫn và chị Phấn có vẻ “may mắn” nhất. Gia đình sống tại miền Trung Cebu, là nơi không bị bão tàn phá. Tuy nhiên, anh Mẫn lại có mặt ở Tacloban vào lúc thiên tai. Anh mất hết giấy tờ tùy thân, nhưng tài sản thì còn nguyên vẹn. Anh có thân nhân là người tị nạn trước đây từng sống ở Philippines và cũng làm nghề bán dạo. Khi được định cư ở nước thứ ba, họ trao lại mối làm ăn cho anh.

Anh Mẫn nói về nghề của mình: “Ði bán dạo. Bán những cái bán được, và không bán những cái không bán được.”

Mỗi tháng, hai vợ chồng kiếm lời được khoảng hơn $700, sau khi trừ mọi chi phí, ăn uống, tiền thuê nhà, họ để dành được từ $300 đến $400.

Anh Mẫn ước tính hiện có khoảng 2,000 người Việt Nam đi bán dạo ở Philippines. Anh cũng nói, không phải dễ để chuyển khu vực bán dạo ra khỏi vùng bị bão, vì “ở đâu cũng đã có người bán rồi.”

Trong tâm trạng rối bời, mỗi người trong nhóm đối diện với hoàn cảnh khác nhau, và có những dự định khác nhau. Ai cũng muốn quay về Việt Nam ngay, nhưng không phải ai cũng có ý định trở lại Philippines. Trong số này có anh Nguyễn Tấn Hoàng.

Nguyễn Tấn Hoàng người phường Phú Ðông, Tuy Hòa, Phú Yên, cùng người em họ là Ðinh Văn Gìn và người cháu Ðinh Văn Dũng sang Philippines hồi Tháng Mười Hai, 2012. Họ chọn “địa bàn” hoạt động là thành phố East Samar. Thành phố này nằm gần Tacloban và cũng bị bão tàn phá toàn bộ. Trong suốt bốn ngày sau cơn bão, cả ba người, Hoàng, Gìn và Dũng, ăn dừa, cả tươi lẫn khô, để sống còn.

Phụ nữ và trẻ em của nhóm hơn 30 người Tuy Hòa
kẹt trong cơn bão Haiyan. (Hình: Thiện Giao/Người Việt)

“Bây giờ thì mất hết rồi. Chỉ còn lại giấy tờ tùy thân.” Anh Hoàng cho biết. “Nhiều người muốn về một thời gian rồi sang lại. Riêng mình thì muốn về luôn.” Anh Hoàng nói trong sự mỏi mệt. Người anh em bà con của anh mất khoảng $10,000, con số tổng cộng vừa tiền để dành vừa tiền người mua hàng nợ trước đây.

“Cả tiền nợ cũng coi như mất. Tình hình này thì không nghĩ đến việc đòi nợ vì không ai có thể trả nợ cả.” Anh Gìn ngao ngán nói.

Mà thật sự là như vậy, cả thành phố Tacloban bây giờ không còn căn nhà nào nguyên vẹn. Con số chính thức, cho đến thời điểm này: Ðã có gần 5,000 người chết. Con số ước lượng thì lên trên 10,000, trong khi có nhiều người tin rằng sẽ không bao giờ có thể tìm ra con số chính xác về thiệt hại nhân mạng. Thoát chết trong cơn bão Haiyan đã là điều may mắn, và chẳng ai có thể nghĩ rằng có thể đòi lại nợ. Hai trong số những người này thoát chết trong tình huống hi hữu. Họ kể lại, nước tràn vào nhà, dâng lên, các thi thể cũng bị tạt vào bên trong. Hai người này đã dùng những tấm tôn đặt lên trên người xấu số, rồi đứng lên, cơi trần nhà, thoát ra bên ngoài.

Nhóm đầu tiên theo anh Mẫn về Cebu vào khoảng hơn 20 người. Lúc 4 giờ sáng ngày 20 Tháng Mười Một, một nhóm bảy người nữa cũng vừa từ Ormoc về đây, sẽ lại tấp vào nhà anh Mẫn. Họ cho biết đại diện Tòa Ðại Sứ Việt Nam tại Philippines có tìm gặp, “giúp đỡ đôi chút,” hứa sẽ giúp làm lại sổ thông hành bị mất. “Họ chỉ hứa thủ tục pháp lý nhưng không hứa hỗ trợ tài chánh.”

Có mặt tại Cebu, anh Hoàng Văn, đại diện tổ chức VOICE, cho biết, “ngày 19, VOICE tìm ra hơn 20 người. Sáng nay, lại tìm được thêm bảy người, cũng đưa về nhà anh Mẫn.”

Khi đón nhóm thứ hai vào lúc 4 giờ sáng tại bến phà Cebu, anh Hoàng đưa cả nhóm đi ăn sáng. Họ nói: “Bảy ngày rồi, chúng tôi mới được ăn bữa cơm đầu tiên.”

Từ trái, Nguyễn Văn Gìn, Trần Văn Mẫn, và Nguyễn Tấn Hoàng, 
tại nhà anh Mẫn ngày 19 Tháng Mười Một. (Hình: Thiện Giao/Người Việt)

VOICE cũng đã liên lạc được một số người khác, còn kẹt lại Ormoc, Samar, và đang tìm phương tiện đưa họ về Cebu như hai nhóm trước.

Tất cả đều lâm vào tình trạng tương tự. Trong số này có vợ chồng anh Trần Công Thành, gia đình chị Phạm Thị Lưu Ly, chị Trần Thị Minh, gia đình anh Khá, anh Bảy Ðức, gia đình anh Nguyễn Hùng, Nguyễn Ngọc Sang, gia đình Trần Hữu Hiên, anh Nguyễn Phước, anh Trần Minh...

Những người muốn quay lại Việt Nam sẽ phải gặp một, trong nhiều, khó khăn: Họ không có tiền đóng tiền thuế, một thứ tiền phạt, cho chính phủ Philippines, vì ở quá hạn visa.

Không có số tiền này, và nếu không trả được nợ, khó lòng họ có thể vay được nợ mới. Con đường quay lại Philippines làm ăn, kiếm một cuộc sống tốt hơn, có vẻ khó trở thành sự thật.


Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

Thiện Giao và Thái Ðinh - Người dân Philippines vẫn mỉm cười trên hoang tàn, đổ nát

Từ thành phố tâm bão Tacloban

Thiện Giao & Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt
 (tường trình từ Tacloban)

TACLOBAN, Philippines (NV) - Con đường vốn đã hẹp, nay lại hẹp hơn. Rác, nhà cửa đổ nát, bùn lầy, xe cộ bị nước cuốn, nằm tràn ra cả hai bên lề đường. Reen, con đường có tấm bảng “Welcome to Tacloban City,” dẫn từ phi trường đến tòa thị chính, nay trở thành di tích sống động về một thành phố đã và đang bị hủy diệt.

Bà Delia Warriner và gia đình trong căn nhà trên đường Reen, Tacloban. Người chị của bà bị nước cuốn trôi trong cơn bão. (Hình: Thiện Giao/Người Việt)

Nhiều ngàn người đã chết trong cơn bão, và nhiều ngàn người khác sẽ phải đối diện với một hiểm họa lâu dài hơn: Cả thành phố là một cái ổ vĩ đại của mầm dịch bệnh.

Chiếc xe ba bánh “tricycle” đưa chúng tôi len lỏi vào các khu ổ chuột của Tacloban. Trời thì nóng, bên trong nhà đầy rác và bùn, người dân phải đổ ra đường. Ðường phố là nơi dễ chịu hơn. Ðường phố cũng là nơi người dân bươn chải kiếm sống, lượm lặt cả những vật dụng tối cần thiết, xây dựng lại đời sống sau cơn thiên tai.

Giữa một bầu khí quyển đầy mùi xú uế, ruồi nhặng bay khắp nơi, người dân khu nhà ổ chuột bày bán thức ăn, thứ thức ăn mang đầy rủi ro của dịch bệnh.

Ghé vào căn nhà trông khang trang nhất tại một khu xóm trên đường Reen, chúng tôi được sự tiếp đón ân cần của bà chủ nhà Delia Warriner, 58 tuổi. Chỉ tay vào bức tường nhà, bà Warriner cho biết: “Nước đã tràn vào tới đây. Cao hơn 2 mét.”

Căn nhà thuộc vào loại kiên cố đã trở thành nơi trú ngụ của người trong xóm ngay đêm mưa lũ. “Khoảng hơn 100 người chạy vào đây khi cơn bão tràn qua.” Bà chủ nhà đưa tay mô tả. “Nhà rộng, có lầu, có thêm tầng áp mái. Nước dâng đến đâu, chúng tôi leo lên đến đó.”

Nơi cuối cùng mà họ leo lên là mái nhà. “Tôi là chủ nhà nên lên sau cùng.” Bà Warriner hãnh diện kể lại. Trong cơn chạy lụt ấy, người chị của bà bị nước cuốn trôi. “Người ta đã chôn chị trong một ngôi mộ tập thể.”

Bà Warriner không biết chính xác chị mình nằm chung với bao nhiêu người trong ngôi mộ tập thể của thành phố, chỉ biết “có rất nhiều người”.

Dọc đại lộ Reen và các con đường nhỏ cắt ngang, nhiều người dân đi lục lọi các đống rác, đa số đang tìm những tấm tôn, tấm ván khả dĩ có thể che chắn căn nhà đổ nát của mình. 

Trong một góc khác, một thiếu nữ nhặt tấm tôn, dựng xéo xéo vào một bức tường trên lề đường, rồi ngồi sụp xuống, trú mưa cùng con chó của mình.

Anh Louis Pader (đội nón trắng, mang kiếng đen), bạn đồng hành của chúng tôi trong hai ngày một đêm từ Tacloban về Cebu. (Hình: Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt)

Trên con đường dẫn từ Tacloban đi Ormoc, một căn nhà lầu hai tầng kiên cố nay cũng đã xiêu vẹo. Nơi lan can ở tầng hai, người chủ nhà ngồi gác một chân lên bức tường có dòng chữ sơn đen to tướng: “We will get out of it. We will survive.” (Sẽ ổn thôi, chúng ta sẽ sống sót).

Cũng trên con đường này, người ta sẽ thấy những hình ảnh lạ mắt, cả đời chưa chắc đã thấy một lần: Hàng ngàn bụi tre - vốn có rễ sâu và sức “đàn hồi” mạnh - ngã rập xuống sát mặt đất, không bật dậy nổi, như thể cơn bão đã nắm lấy tóc chúng, ghì xuống cho đến chết. Trên các triền đồi, hàng ngàn cây dừa, thân vẫn đứng thẳng, nhưng tất cả các tàu lá gục xuống, như cái đầu chỉ còn dính vào cổ. Hình ảnh giống y hệt câu chuyện của Nguyễn Tuân, nói về phép “chém treo ngành,” đầu tử tội không đứt hẳn mà còn dính với thân bằng một mảnh da nơi cổ.
Nhiều người hỏi: Tacloban có ổn không? Mỗi người sẽ có một cách trả lời. Riêng với chúng tôi: Tình hình vừa ổn vừa bất ổn, quan trọng là phải cẩn thận, không tạo điều kiện cho điều bất ổn xảy ra. Viên hạ sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ cho chúng tôi biết, trực thăng cứu trợ của Mỹ mang nước và thực phẩm vào trong thành phố, thả xuống, rồi bay đi, “vì có cướp bóc”.

Ông nói: “Tình hình ở đây có lẽ còn tệ hơn các vụ sóng thần trước đây.” Quân nhân này kể, một người dân Tacloban nói, ngay sau cơn bão, ông đã đi bộ tám cây số, “mà mỗi bước chân là bước trên xác người”.

Hàng cứu trợ của Mỹ: “USAID, From the American People,” tại sân bay Tacloban. (Hình: Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt)

Cảnh sát viên Jury Callora thuộc lực lượng cảnh sát Philippines cho biết lệnh giới nghiêm đã được thâu ngắn lại, từ 8 giờ tối đến 5 giờ sáng, thay vì 6 giờ tối đến 6 giờ sáng như những ngày đầu sau bão.

Ông nói: “Tiền là thứ vô dụng trong thành phố hiện nay.” Chúng tôi hỏi người tài xế lái chiếc xe ba bánh, ông trả lời: “Bây giờ nó vô dụng, nhưng chúng tôi cần tiền để ăn trong những ngày sắp tới.”

Hỏi chuyện một hạ sĩ quan thuộc Hải Quân Hoa Kỳ, Marlon Summy, đang làm công tác cứu trợ ngay tại phi trường. Ông nói điều cảm động nhất là “nỗ lực cứu trợ từ mọi người. Tất cả đều đồng lòng hỗ trợ.”

Một ngày lang thang khắp nơi trong thành phố, không hề thấy bóng dáng của người ăn xin. Cũng không ai ngỏ ý muốn xin chúng tôi một cái gì. Trong những khu vực dã chiến do các hãng hàng không Cebu Pacific và Pal Express dựng lên bên hông phi trường, hàng trăm người đứng chờ mua vé máy bay để đi ra khỏi thành phố. Không hề có sự chen lấn, không một tiếng cãi vã, người ta tự động nhường nhau; và các hãng hàng không thì ưu tiên cho phụ nữ và trẻ em được mua vé trước.

Chờ hết ba tiếng đồng hồ vẫn không mua được vé, chúng tôi cùng một thanh niên Philippines, anh Louis Pader, quyết định đón xe bus đi về Ormoc. Chuyến xe cuối cùng trong ngày đưa chúng tôi rời Tacloban lúc 4 giờ chiều với giá vé vẫn không thay đổi: $3 một người cho chặng đường dài bốn tiếng đồng hồ. Người Philippines không kiếm lời trên nỗi khổ của đồng bào họ.

Người dân Tacloban nhận hàng cứu trợ trên đường Reen. (Hình: Thiện Giao/Người Việt)

Trên đại lộ Reen, đoạn đến gần tòa thị chính, người bạn đồng hành buột miệng hỏi: “Có Thượng Ðế không?” Anh hỏi, không cần câu trả lời. Khắp nơi trong thành phố, các trại tạm cư được dựng lên, và có lẽ trại tạm cư trong khuôn viên nhà thờ của thành phố là nơi tập trung đông người nhất.

Người dân Philippines có thói quen sinh hoạt trước cửa nhà thay vì bên trong nhà. Họ đổ hết ra đường, không giặt đồ thì quét dọn, không bán hàng thì ngồi bâng quơ nhìn người đi đường. Và chúng tôi cũng được cơ hội quan sát họ - bình thản, đôi chút thách thức, như chưa hề có điều gì xảy ra.

Anh bạn Pader, 32 tuổi, kỹ sư xây dựng, nói trong nét mặt đầy hãnh diện: “Thiên tai là thế, nhưng người dân Philippines vẫn mỉm cười.”

Pader đồng hành cùng chúng tôi trong hai ngày một đêm, từ Tacloban đến Ormoc, rồi đến Cebu, nơi anh làm việc cho một công ty của Ðức. Có lẽ, Pader là thể hiện rõ nhất cho lòng tự trọng của người dân xứ này. Vợ và con thì ở xa, cha mẹ vẫn “bám trụ” trong căn nhà đổ nát ở Tacloban, Pader đón nhận sự chăm sóc của chúng tôi một cách chừng mực, vừa trong vai trò một người dẫn đường, vừa trong vai trò một nạn nhân của bão Haiyan. Và trên hết, trong vai trò một người Philippines biết tự hào về dân tộc mình.