Hiển thị các bài đăng có nhãn Ðỗ Quý Toàn. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Ðỗ Quý Toàn. Hiển thị tất cả bài đăng
Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2015
Đỗ Quý Toàn - Sách Hồng, Một chủ trương “Xây Dựng” của Tự Lực Văn Đoàn*
Tự Lực Văn Đoàn xuất bản các truyện
“Sách Hồng” với cuốn Ông Đồ Bể của
Khái Hưng, nhà in ký nộp bản ngày 31 tháng Tám năm 1939 [Minh họa số 1]. Từ năm
1940 hai tháng in một tập Sách Hồng, mỗi cuốn có đánh số thứ tự, cho đến năm
1945, ngoài ra còn có thêm Sách Hồng Đặc Biệt không đánh số [Minh họa số 2].
Lây tên “Sách Hồng” vì bìa trang trí màu hồng, vẽ bông hoa hồng trên một góc;
giống loạt truyện tiếng Pháp của Nhà Xuất bản Larousse, mang tên “Sách
Hồng cho giới trẻ” (Les livres roses
pour la jeunesse, xuất bản từ năm 1909 đến 1939, tổng cộng 719 cuốn). Những
sách Livres Roses này chắc cũng phổ biến ở Việt Nam, lúc đó do Pháp cai
trị, và nhiều người Việt học trường Pháp đã quen đọc tiếng Pháp. Sách
Hồng của Tự Lực Văn Đoàn nhắm vào trẻ em không biết tiếng Pháp hoặc biết nhưng
cha mẹ muốn khuyến khích đọc tiếng Việt. Nội dung các cuốn Sách Hồng mang tính
chất giáo dục tương tự Les Livres Roses. Cách trình bày bìa, minh
họa bên trong cũng chịu ảnh hưởng của bộ sách Larousse in. Sách Hồng
thường ghi do tên các nhà xuất bản Ngày Nay, Đời Nay. Sau năm 1952, Nhất Linh
tái bản, đề tên nhà xuất bản Phượng Giang [Minh họa số 3]. Khoảng thập
niên 1960 thành viên của gia đình Khái Hưng thành lập nhà xuất bản Văn Nghệ, và
cũng cho tái bản Sách Hồng của Khái Hưng với tiêu đề “Sách-Hồng Khái-Hưng”, thí
dụ: Để của bí mật, 1960, bìa màu đỏ cũng vẽ hoa hồng. [Minh họa số 4]
Thứ Sáu, 6 tháng 2, 2015
Đỗ Quý Toàn - Tưởng nhớ Nguyễn Đức Quỳnh
![]() |
Nguyễn Đức Quỳnh (Ảnh Trần Cao Lĩnh) |
Nói
về văn nghệ miền Nam từ 1954 đến 1975, thời Việt Nam Cộng Hòa, các nhà nghiên
cứu ít nói đến Nguyễn
Đức Quỳnh. Nhà
văn chỉ in một cuốn
sách, không phải thơ cũng không là tiểu thuyết, ký một bút hiệu mới mà ông chỉ
dùng một lần. Tên Nguyễn Đức Quỳnh xuất hiện trên những tác phẩm in trước năm
1945 ở Hà Nội. Từ khi vào miền Nam năm 1952 ông đã dùng nhiều bút hiệu khi viết báo, như Hà Việt Phương,
Vương Thương Thương, Hoài Nam Hoài, Ngô Đồng Thanh, Minh Ái Thành, và rất nhiều
tên khác. Điều này phản ảnh tư tưởng, cách sống, nhân cách và thái độ đối với
cuộc đời của ông. Như
nhà văn Nguyễn Mộng Giác nhận xét, “Ông viết nhiều, lấy bao nhiêu là bút hiệu,
và không cần người đọc biết những bài đó của ông.” Bởi vì ông “…không có cái xa
xỉ viết lách để tạo một thứ danh vọng hư ảo! Không hề muốn xây dựng hào quang
cho một bút hiệu.” Cuốn sách duy nhất được xuất bản tại miền Nam
trước năm 1975 là Ai Có Qua Cầu (Sài
Gòn, Quan Điểm, 1957) , ông ký tên Hoài Đồng Vọng. Người ta có thể phân tích ý
nghĩa của các bút hiệu ông dùng, tất cả đều chứa đựng các ước vọng.
Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014
Giới thiệu tác phẩm của nhà văn trẻ NGUYỄN THỊ TỪ HUY:"GỬI NGƯỜI YÊU VÀ TIN"
![]() |
Nhà văn Nguyễn Thị Từ Huy (hình internet) |
Lời giới thiệu của Nhà Xuất Bản
Ðỗ Quý Toàn
Đề tài chính của cuốn sách Gửi Người Yêu và Tin là Dối Trá. Sống trong một xã hội chỉ thấy toàn gian dối, người ta cần một chỗ nương tựa, cần tâm sự với một người mình có thể tin, một người mình yêu thì càng quý báu. Vì vậy, cuốn sách này gồm những lá thư của một người đàn ông viết gửi cho người yêu. Cô nàng là một phụ nữ không thuộc cùng một chủng tộc mà lại sống ở một xứ rất xa xôi. Cô sống hoàn toàn ngoại cuộc, không chia sẻ hoàn cảnh của anh, mà cũng không mang chung những hoài vọng, ước ao mà anh ôm ấp muốn thực hiện cho đồng bào của mình. Vì vậy, anh có thể nói thật, nói đầy đủ những tư tưởng, ý kiến, hy vọng hay nghi ngờ của mình.
Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2013
Du Tử Lê - Khả năng phân thân Đỗ Quí Toàn/Ngô Nhân Dụng
Du Tử Lê
Bản chất khiêm tốn, giáo sư Đỗ Quí Toàn bút hiệu Ngô Nhân Dụng từng nhấn mạnh, ông không phải là người được đào luyện ở ngành sử học, nhưng không vì thế mà tác phẩm Đứng Vững Ngàn Năm (ĐVNN) của ông có thể xếp vào thể loại nào khác hơn nghiên cứu lịch sử. Như chỉ danh, đó là bộ môn mang tính khoa học, dựa trên những sự kiện đã xẩy ra trong quá khứ, để phân tích…
Nhà thơ Đỗ Quí Toàn (Hình: Uyên Nguyên/Người Việt)
Vì thế, đòi hỏi trước tiên của bất cứ tác giả nào khi dấn mình vào lãnh vực này, là tính khách quan. Thiếu vắng yếu tố căn bản này, tác phẩm sẽ không thể đứng vững bởi thiếu sức thuyết phục. Tuy nhiên, trước đòi hỏi vừa kể, không phải học giả hay sử gia nào cũng có thể đạt được! Tôi nghĩ khó khăn này, còn cam go hơn nữa, một khi tác giả đó, vốn là thi sĩ: Trường hợp của nhà biên khảo Ngô Nhân Dụng / Đỗ Quí Toàn.
Tôi không biết có phải vì họ Đỗ có quá nửa đời gắn bó với nghiệp nhà giáo(?) nên khi bước vào lãnh vực nghiên cứu, ông đã tách bạch được một cách dứt khoát, lạnh lùng giữa hai con người nhà thơ và nhà nghiên cứu. Tựa đó là hai con người hoàn toàn khác biệt nhau trong một con người (7)
Với một sở học sâu rộng, cộng thêm số vốn ngoại ngữ phong phú như tiếng Tàu, tiếng Pháp, tiếng Anh, khi biên soạn tác phẩm ĐVNN, Ngô Nhân Dụng đã trích dẫn, đối chiếu rất nhiều sử liệu khác nhau của các tác giả uy tín, xưa cũng như nay. Ông không phân biệt nguồn gốc của bất cứ tác giả nào, miễn tác phẩm có những phát kiến khả dụng hoặc, có thể dùng cho nhu cầu đối chiếu tư liệu…
Tính khách quan của Ngô Nhân Dụng đã thể hiện một cụ thể, công bình, trong sáng, khi ông nhắc tới nhân vật điển hình Lý Bôn, tức vua Lý Nam Đế, một người Việt gốc Trung Hoa, khai sinh ra triều đại Tiền Lý vào thế kỷ thứ 6, trước Tây Lịch.
Nhắc lại sự kiện Lý Bôn, tôi muốn minh xác tính khách quan mạnh mẽ, quyết liệt của họ Đỗ. Ông không để lòng yêu nước (đương nhiên) lẩn sâu trong tiềm thức lôi cuốn ngòi bút ông xóa bỏ những chứng tích quá khứ, chất liệu căn bản dựng nên ngôi đền lịch sử.
Trụ vững từ điểm đứng khách quan, Ngô Nhân Dụng cũng đã nêu lên một nhận xét mà chưa (hay ít) sử gia nào chú ý. Như khi ông đề cập tới “Những chuyển động lặng lẽ, âm thầm bên trong các lũy tre làng nhiều đời đã tích lũy trong ký ức tập thể dân Việt. Các cụ già nhớ chuyện cũ kể lại cho con cháu. Những thi sĩ nông dân cất lên giọng hát, sáng tác tại chỗ các câu vè, rồi trong đó nẩy ra những hạt ngọc chuyền nhau đi xa hơn…” (8) Và đáng kể hơn nữa, khi ông phân tích không phải vì Việt Nam bị đô hộ 1,000 nên VN đương nhiên chịu nhiều ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa hoặc vì thế mà không độc lập!
Ở chương thứ 31, tựa đề “Những nước khác, quanh Trung Quốc,” tác giả dẫn chứng hai quốc gia “láng giềng” của Trung Quốc là Nhật Bản và Đại Hàn… Cả hai quốc gia này không hề bị người Hán đặt ách thống trị bao giờ. Nhưng họ vẫn tiếp thu tinh hoa Nho giáo. Và, không vì thế mà đất nước họ không độc lập. Nền văn hóa của họ không rực rỡ!
Tác giả ĐVNN cũng nêu trường hợp của Miến Điện mà “…xét về nguồn gốc thì đa số người ‘Miến’ ngày nay có thể coi là xuất phát từ một vùng phía Tây Nam Trung Quốc! Họ vẫn là một quốc gia độc lập…” (9)
Ngay nước Mông Cổ, vẫn theo tác giả ĐVNN, số phận của Mông Cổ có phần khác hơn 3 quốc gia vừa kể. Sau nhiều giai đoạn thăng trầm, từng bị người Hán rồi Nga đô hộ, nhưng “…Cuối cùng tôn giáo cũng là một yếu tố quan trọng giúp họ đoàn kết và và gây dựng một tinh thần dân tộc. Vì ở cách xa Trung Quốc một sa mạc Gobi, và biết dùng ngoại giao đi giữa Nga và Trung Quốc cho nên nước Mông Cổ vẫn giữ được độc lập trong suốt thế kỷ 20…” (10)
Theo tác giả Ngô Nhân Dụng, Việt Nam cũng vậy và, còn hơn thế, ở chỗ cha ông ta dư thừa khôn ngoan để tiếp nhận mọi nền văn hóa, học thuật giá trị của nhân loại. Kết quả là tự xa xưa Việt Nam đã là một thứ “melting pot” của ba tôn giáo lớn: Phật, Lão, Nho… đồng nguyên, với bản sắc Việt Nam. (11)
Những ghi nhận trên của Ngô Nhân Dụng nhằm đi đến kết luận:
“…Trong số những yếu tố chính làm cho người Việt giữ vững được dân tộc và đất nước gồm có: giữ gìn tiếng nói là bảo vệ văn hóa truyền thống hữu hiệu cho nòi giống, sức mạnh tôn giáo mà tiêu biểu là Phật Giáo góp phần đoàn kết toàn dân tập trung và xây dựng lực lượng tri thức để giúp việc trị quốc an dân, vị thế địa lý và thiên nhiên khắc nghiệt của nước Văn Lang làm tiêu hao sinh mạng của quân Hán phương Bắc, sự giàu có của vùng đất Giao Châu đã giúp cho việc xây dựng và nuôi giữ một lực lượng binh sĩ đủ để chiến đấu với quân Tàu, tình trạng nội loạn của nước Tàu nên không còn có thì giờ để tâm đến việc xâm lấn các lân bang, đặc biệt là nhờ ‘nghị lực và tính chất riêng,’ mà cụ Trần Trọng Kim đã đưa ra, đã là những nhân tố quyết định cho sự đứng vững của dân tộc Việt Nam trong suốt mấy ngàn năm qua.
Đề cập đến quan điểm của cụ Trần Trọng Kim về ‘nghị lực và tính chất riêng,’ tác giả Ngô Nhân Dụng giải thích thêm rằng chính yếu tố này góp phần hình thành tính không thay đổi, tính cứng đầu của người Việt Nam cố chấp giữ phong tục, tập quán và nếp văn hóa truyền thống của mình…” (12)
Nơi chương cuối, tác giả Ngô Nhân Dụng nhấn mạnh và cảnh báo:
“Nước Việt sẽ không bao giờ mất. Điều đáng lo không phải là mình còn được độc lập hay không. Đáng lo là mình chậm tiến quá, trong khi những nước chung quanh, kể cả Trung Quốc, đang tiến rất nhanh. Đáng lo hơn hết, là dù nước mình vẫn còn nhưng dân mình không phát triển, đuổi kịp các nước chung quanh, kinh tế cũng như chính trị. Tổ tiên chúng ta giành lấy độc lập không phải để con cháu sau này chịu sống như một nước nghèo hèn thua kém mãi. Mà trong thế giới ngày nay, một quốc gia muốn ngẩng đầu lên phải phát triển. Làm sao để kinh tế nước ta có thể tiến lên ít nhất ngang hàng với các nước phát triển ở vùng Đông Nam Á; để dân mình được sống tự do như họ?” (13)
Những đoạn văn thống thiết như trên, người đọc sẽ gặp được rất nhiều trong tác phẩm ĐVNN của Ngô Nhân Dụng. Vẫn trụ vững từ điểm đứng khách quan, sau khi phân tích dữ kiện, ông đã gióng giả những hồi chuông huyết thống, hầu lai tỉnh số người có trách nhiệm trước mọi hưng, vong của đất nước.
Đầu thập niên (19)90, đôi lần về Orange County, thay vì ở nhà Trần Duy Đức, tôi ở lại căn phòng của nhà văn Mai Thảo, trên lầu khu chung cư dành cho người cao niên, đường Bolsa, sau lưng nhà hàng Song Long, thành phố Westminster. (15)
Nhà thơ Đỗ Quí Toàn (Hình: Uyên Nguyên/Người Việt)
Một tối, “ăn nhậu” xong, trở về, chủ biên tạp chí Văn trải chăn mền trên sàn, bảo tôi ngủ trước. Ông cần viết cho xong “Sổ Tay” (một thứ “Lời Nói Đầu”) để ngày mai có người tới lấy đi đánh máy (16). Đang viết, ông ngừng bút. Châm thuốc. Thấy tôi còn đọc sách, ông kể, lâu lắm, ông mới nhận được thơ của Đỗ Quí Toàn ở Canada. Ông bảo, ông rất thích nên đã viết trong “Sổ Tay” Văn, đại ý:
“…Đỗ Quí Toàn là tiếng thơ trí tuệ nhất hôm nay, ở hải ngoại mà chúng ta có được…”
Tôi cười. Bỏ sách xuống. Không trả lời. Tôi nghĩ, ông nói, chỉ là nói vậy thôi, chứ không hề chờ đợi nơi tôi, câu trả lời, góp ý. Phát biểu của ông, cho tôi chút bất ngờ vì, chưa bao giờ tôi nghe ông nhắc về thơ họ Đỗ trong những lần gặp gỡ chung hay riêng. Tuy tôi vẫn nhớ thơ Đỗ Quí Toàn từng xuất hiện khá nhiều trên tạp chí Sáng Tạo, Saigon, trước 1975. Thấy tôi im lặng, ông gặng hỏi:
“Tôi nói đúng chứ, Lê?!?”
“Vâng. Anh.” Tôi đáp.
Gần giống trường hợp Thanh Tâm Tuyền, trong 20 năm văn học miền Nam, thơ Đỗ Quí Toàn không được quần chúng biết đến nhiều, như một số nhà thơ khác. (17) Mặc dù, với văn giới, ngay tự những năm tháng quê nhà, thơ Đỗ Quí Toàn đã được lượng giá như một tiếng thơ sớm định hình.
Cụ thể, trong tác phẩm “Thi Ca và Thi Nhân”, nhà phê bình văn học Cao Thế Dung viết về thơ Đỗ Quí Toàn như sau:
“... Thơ tự do còn thể hiện một sự biệt tích của lòng yêu dấu trong đó có một giai nhân nào không còn là nàng tình muôn thuở (như một Dương Quý Phi, hay Bao Tự hay Désirée...) Thơ tự do - trong thi điệu và ngôn ngữ - ví như đứa con tình nguyện đi hoang và tự ném tuổi thơ đốt cháy trong một ngọn lửa tình cờ phi lý và rất tàn bạo của thời đại.“Đỗ Quí Toàn với thi tập 'Nàng' là một tiêu biểu. Thơ tự do của họ Đỗ như không là thơ (theo quan niệm cũ thông thường về thơ). Thơ ông là những ngôn ngữ như lá cành trên sa mạc hoặc sỏi đá trên vùng tuyết lạnh và tiếng thơ như tiếng huýt sáo theo giọng ca được sáng tác trong tình cờ và hợp tấu theo bước chân đi của một lãng tử tình nguyện xa nhà, xa cả thân thể. Bài 'Tự Tình' là một thí dụ đơn giản về cách cấu tạo ngôn ngữ thơ cũng như thi điệu của thơ tự do:
"Hãy yêu chàng như núi
núi nào có biết gì
núi nằm đá yên ngủ
đã hàng muôn năm qua
khi núi thức mùa xuân.Hãy yêu chàng như cỏ
cỏ ngây ngất mọc đầy
tràn lan quanh mặt đất trên trái đất quay…” (18)
Ở hải ngoại, trong một bài viết mang tính nhìn lại những chặng đường đời thường, cũng như thi ca của họ Đỗ, nhà thơ Luân Hoán ghi nhận:
“…Đã yêu thơ, sống cùng thơ một thời gian, thì không thể bỏ làm thơ, ngưng làm thơ, dù công việc bề bộn thường ngày: dạy học, viết báo, đọc sách, trồng hoa, đưa vợ đi chợ, đi ăn, đưa con vào trường...Nhưng Đỗ Quí Toàn dường như luôn luôn chừng mực. Tôi có cảm tưởng anh vô cùng kính cẩn trong từng câu thơ anh viết. Có đến 26 năm sau, tập thơ thứ ba của anh mới được ra đời. Dĩ nhiên chỉ căn cứ theo sự thành hình cụ thể của tác phẩm. Cầm tập thơ Cỏ Và Tuyết (19) trên tay như cầm một tặng phẩm vô giá. Với chỉ bảy mươi trang giấy thật đặc biệt từ màu sắc đến độ dày. Tập thơ hồng hào, phương phi như một tấm nhan sắc lộng lẫy, không phân biệt giới tính. Đẹp như đẹp trai rất đúng. Đẹp như đẹp gái cũng không sai. Họa sĩ Võ Đình góp tay trang điểm bằng mẫu bìa cùng phụ bản, với một lối vẽ khác hơn nhiều người. Cỏ và Tuyết là hai hình ảnh thân mến của thị dân Montréal. Cỏ thì chỗ nào trên thế giới không có. Nhiều người từng nói: có đất là có cỏ. Tuyết cũng chẳng hiếm quí. Không ít những quốc gia đầy tuyết như Nga, Na Uy...Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn...Cả miền bắc Việt Nam thỉnh thoảng còn có tuyết nữa là. Nhưng cả Cỏ lẫn Tuyết ở Montréal hẳn nhiên phải khác lạ, rực rỡ, lộng lẫy hơn tất cả, bởi vì Cỏ Tuyết ở xứ này đang có một nhà thơ để tâm quan sát chúng, thưởng ngoạn chúng. Lấy lòng ra lót ổ cho chúng phơi phới nhú đầu, thong dong bay lượn. Ngắm, nghĩ và thương yêu đối tượng của mình, Đỗ Quí Toàn gói gọn trong 14 chữ:
“Tuyết đã tan
cỏ cựa quậy vươn
lời réo gọi
mặt trời tình nhân”
(Cỏ Và Tuyết, trang 38)
“Không là thơ ngắn của Tàu, chẳng là thơ cụt của Nhật. Sức sống mãnh liệt của vạn vật qua giống thực vật nhỏ nhoi nhất được giới thiệu. Sự hoán đổi nhịp nhàng của thời tiết được mở ra và nỗi nhiệt tình mến yêu đang chào đón cuộc sống, hiện diện…” (20)
Mặt khác, tôi cũng không tìm được sự đồng cảm với nhà phê bình văn học Cao Thế Dung (22), khi ông viết về thơ Đỗ Quý Toàn, trong cuốn “Thi Ca và Thi Nhân” (23) có đoạn như sau:
“…Thơ ông là những ngôn ngữ như lá cành trên sa mạc hoặc sỏi đá trên vùng tuyết lạnh và tiếng thơ như tiếng huýt sáo theo giọng ca được sáng tác trong tình cờ và hợp tấu theo bước chân đi của một lãng tử tình nguyện xa nhà, xa cả thân thể…” (24)
Tôi nghĩ nên xác nhận rằng: Tôi không tìm thấy tính “sa mạc, sỏi đá” nào trong tất cả những bài thơ của Đỗ Quý Toàn, tôi được đọc từ quê nhà, tới hải ngoại. Tôi cũng không tìm thấy dấu vết những “bước chân đi của một lãng tử tình nguyện xa nhà, xa cả thân thể,” trong cõi-giới thơ họ Đỗ!
Trái lại, với tôi, thơ Đỗ Quý Toàn luôn nồng nàn tình yêu thiên nhiên. Tình yêu con người:
“…Chàng trên môi em là mặt trời xoay./Những con chim biển bay trong những chiếc lồng nắng ngời bọt trắng/ Trong hơi thở chàng em ngập ngụa như cồn cát non dưới cơn triều vĩ đại./ Trên bàn tay chàng dòng sông trào cuốn tới sóng mênh mông/ mang thân em làm phù sa đưa em đi về thăm thẳm xa tới biên cương của sông và biển/ tới biên cương của nước và trời biên cương của ngân hà và vũ trụ…”
(…)
“Hãy im lặng như sao đêm./ Thì thầm lời tình tự./ Hãy bao la như sóng cả./ Mùa nước lũ mênh mang hãy phì nhiêu như trái đất nở nang ban sự sống biết bao nhiêu mùa hoa cỏ.”(Trích ĐQT: “Mặt trời nàng”)
Hoặc:
“…Khi núi thức mùa xuân./ Hãy yêu chàng như cỏ./ Cỏ ngây ngất mọc đầy/ Tràn bao quanh trái đất./ Trên trái đất quay./ Hãy yêu chàng như biển./ Đất quay biển quay theo./ Nhịp nhàng như luân vũ khúc…” (Trích ĐQT: “Tự Tình”)
Tôi vẫn nghĩ, một người không thể có tình yêu thiên nhiên, nhân loại, nếu không yêu chính mình. Cá nhân hay thân thể thi sĩ, trong trường hợp này, là chiếc cầu nối, ngôi đền chứng giám cuộc gặp gỡ kỳ diệu gữa thiên nhiên và nhân thế:
“…Hãy yêu chàng như màu xanh
Yêu chàng như màu đỏ
Như màu tím màu vàng
Trên da trời chói chang
Mặt trời mọc rồi lặn
Trời da vàng da đen
Yêu chàng như thế đó
Hãy yêu chàng như thế
Như thế như thế…” (25)
Là người có đôi chút kinh nghiệm và, quan tâm tới kỹ thuật thi ca, qua nhiều trích đoạn thơ kể trên của họ Đỗ, tôi muốn nói một trong những nét đặc thù của cõi-giới thơ Đỗ Quý Toàn là khả năng sử dụng kỹ thuật “Liên tưởng mắt xích” hay “Liên tưởng xâu chuỗi” (Associated links) - - Là kỹ thuật cho phép thi sĩ chuyển tải một loạt hình ảnh, ý tưởng… Nó như dòng nước chảy xiết, không khoảng lặng. Tuy nhiên, vẫn theo tôi, không phải nhà thơ nào, trường hợp nào, cũng có thể sử dụng kỹ thuật đó. Một người làm thơ non tay, khi lạm dụng kỹ thuật này, nó sẽ tố cáo sự vụng về, gượng gạo của lạm dụng vô cảm, lạc lõng, ngô nghê!
Như bất cứ một thi sĩ nào khác, họ Đỗ cũng có một số thơ lục bát (không nhiều). Lục bát Đỗ Quý Toàn, tới nay, vẫn nghiêng về điều tôi muốn gọi là “đẹp xưa” - - cũng với tất cả tâm hồn đắm đuối thở cùng nhịp thở thiên nhiên. Thí dụ:
“Rừng vừa trải một lần mưaNắng riêu lũng khói vàng xoa dạn hồn “Người đi chim xuống chiều thuônChim kêu bóng thấp sương dồn lung lung “Trời đưa mây tới hư khôngNằm nghe ngày xuống hoài mong buồn về.(ĐQT: “Buồn về”)
Hay: “Không gian đang đóng cửa ngoàiNắng sa xuống núi mưa ngoài bến sông “Lòng sầu dớm chút sương trongTrời yên lặng thế - gì mong giãi bày “Này thôi, đừng nhớ hôm nayNgồi, nghe bụi nhỏ rơi đầy ước mơ.
(ĐQT: “Bên ngoài”)
Tuy nhiên, điểm mạnh trong sinh phần thơ Đỗ Quý Toàn, theo tôi, vẫn là cách nói của riêng ông, ở những thể thơ khác. Điển hình như bài thơ được nhiều người biết đến: Bài “Chuyện tình” (26)
“Chuyện tình” hay “Mùa xuân yêu em” có 24 câu. Bốn câu đầu mở vào bài thơ là:
“Ôi anh yêu em vì em biết nói
Em đã biết thưa em còn biết gọi
buổi sáng trời mưa khiến anh nhớ em
bây giờ trời nắng anh nhớ em hơn…”
Tôi biết, nhiều người rất thích thú khi thấy họ Đỗ cho biết, người yêu của ông, không chỉ “biết nói” mà còn…“biết thưa”!
Nhưng cũng không ít người ngạc nhiên, tự hỏi, “Ủa! Như vậy thì những phụ nữ còn lại, không…“biết nói, biết thưa” sao?
Với những ai làm thơ, và nhất là có nghiên cứu, hiểu biết về kỹ thuật thi ca, sẽ nhận ra rằng: Tác giả đã sử dụng kỹ thuật hoán dụ (metonymy) để hóa thân người yêu của ông thành chim. Nhờ thế, họ Đỗ đem được vào bài thơ của ông, tính dí dỏm, hóm hỉnh (vốn ít thấy trong thơ Việt). Mặt khác, nó cũng cho thấy tình yêu tác giả dành cho nhân vật nữ trong thơ của ông, mới nồng nàn, thắm thiết dường nào!(27)
Và, đây cũng là một “cách nói khác” nói về tình yêu, với những liên tưởng mới, đẹp, như:
“khi ngó nhau thôi còn biết nói gì
hai đứa ngồi đó như hai hòn bi…”
Hoặc:
“…có cánh hoa đẹp anh hái cho em
em không thèm nhận anh chết cho xem…”
Dĩ nhiên, người yêu của ông (ngay khi có thực sự là một con chim nhỏ), cũng dư biết đó chỉ là “dọa dẫm”, làm duyên vậy thôi. Bởi vì, ngay sau đó, tác giả đã nhãng quên điều mới nói, để lại âu yếm hỏi:
“…này em yêu quý em có biết nghe
trên cánh đồng cỏ có con bò kia
nó kêu ‘bò’ ‘bò’ và nó ăn cỏ…”
Cứ thế, ông dẫn dụ con chim nhỏ của ông hướng thương yêu đến những sinh vật nhỏ nhoi nhất, như con..kiến. Hoặc với thiên nhiên cao, rộng, thênh thang…Như gió. Như núi, đồi. Như một…“cây to tướng”:
“…trời hôm nay cao, yêu em, hỡi gió
và trên đỉnh đồi có cây to tướng
ở một cành ngang có một tổ kiến
có con đi ra có con đi vào
trời hôm nay nắng, yêu em xiết bao…”
Tôi nghĩ, tôi không quá lời khi nói, thay vì kể chuyện cổ tích (mà trẻ con rất thích) họ Đỗ đã dùng hình ảnh, thiên nhiên để gợi óc tò mò trẻ thơ nơi đáy sâu tâm hồn người yêu ông. Trước khi dẫn dụ nàng tới hình ảnh một con chim (khác):
“…hồi nãy trên trời có con chim bay
có con chim nó bay qua trên trời…”
Tôi rất thích hai chữ “hồi nãy,” ngụ ý, “xui ghê,” con chim ấy đã bay mất! Nhưng, hiện tại, ngay bây giờ, ở đây là “em” – Cũng là chim. Nhưng hiện thực. Sống động. Giữa:
“trời xanh đến thế đôi mình lứa đôi.”.
Đọc thơ Đỗ Quý Toàn, thơ của một người yêu tổ quốc mình, nồng nàn qua tình yêu ngôn ngữ Việt, tôi muốn ví tiếng thơ đó, như những lượng suối trong veo, đầu nguồn. Nó trong trẻo tới độ, ta có thể vốc lên tay từng vốc nước ở bất cứ đoạn suối nào, ta vẫn có thể soi thấy mặt mình trong hân hoan, rạng ngời từng giọt nước.
Từ đấy, tôi không ngạc nhiên, khi biết có nhiều người yêu thơ họ Đỗ.
Nhưng, xin “hãy yêu chàng…” cách của mình. Mà, không nhất thiết phải làm công việc giống…như tôi, trên đây!
Du Tử Lê
Chú thích:
(7) Không phải đợi tới tác phẩm “Đứng Vững Ngàn Năm” họ Đỗ mới cho thấy khả năng phân thân của ông. Mà, ngay từ năm 1992, là năm nhà xuất bản Thanh Văn, Hoa Kỳ, ấn hành tác phẩm “Tìm Thơ Trong Tiếng Nói” (Một tác phẩm nghiên cứu về thi ca, đến nay vẫn còn được nhiều người nhắc đến và tìm kiếm) - - Ông đã cho thấy: Dù là một nhà thơ thành danh rất sớm, từ trước thời diểm tháng 4-1975, ở quê nhà, nhưng không vì thế mà ông áp đặt quan điểm riêng của ông về thi ca. Trái lại, ông vẫn trích dẫn những quan điểm, nhận định về thi ca của nhiều tác giả khác, từ Đông sang Tây như “…Bùi Giáng, Beardsley, Cao Bá Quát, Chế Lan Viên, Coleridge, De Man, Elliot, R Frost, Hàn Mạc Tử, Huy Cận, Jarrell Jakobson, Kim Thánh Thán, Lê Quý Đôn, Lưu Trọng Lư, H. Miller, Nguyễn Tuân, Nguyễn Tử Tấn, Pasternak, E. Pound, IA Richards, G. Seferis Shklovsky, Tào Tuyết Cần, Tùng Tiện Vương, Thanh Thảo, P. Valery v.v.…”
(8), Sđd. Trang 430
(9) Sđd. Trang 421.
(10) Sđd. Trang 423.
(11) Thuật ngữ “Tam giáo đồng nguyên” cũng được biết với cụm từ “Tam giáo nhất nguyên” nữa.
(12) Huỳnh Kim Quang, tường thuật buổi ra mắt tác phẩm “Đứng Vững Ngàn Năm” - Việt Báo (Hoa Kỳ) - - Số đề ngày thứ Ba, ngày 6 tháng 8-2013)
(13) Sđd. Trang 437. eid=97#.Uhky1Bs3uGc
15) Đó là nơi ở sau cùng của tác giả “Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền,” kể từ khi ông rời căn nhà của người em ruột ở thành phố Garden Gorve. Người tìm và đứng tên thuê căn studio này, là cố nhà báo Đỗ Ngọc Yến (1941-2000) - - Chủ nhiệm sáng lập nhật báo Người Việt. Vì lý do sức khỏe, vài năm trước khi từ trần, nhà văn Mai Thảo đã dọn xuống đất, cũng là studio.
16) Tới ngày mất, nhà văn Mai Thảo (1927-1998) vẫn cương quyết không sử dụng computer. Thậm chí, ông còn từ chối đề nghị của một bạn trẻ, đánh máy danh sách mấy trăm độc giả dài hạn của báo Văn, để ông chỉ việc gỡ những miếng label in sẵn, dán lên bì thư mà thôi. Trong tình thân với một số người, ông giải thích, không phải ông “gàn, chướng” mà, ông cho rằng, đích thân ông viết tên độc giả nơi bì thư, tuy có mất thì giờ thật, nhưng đó là sợi giây liên lạc thân thiết giữa Văn và bạn đọc.
(17) Trừ ca khúc “Mùa xuân yêu em” thơ Đỗ Quí Toàn, nhạc Phạm Duy (1921-2013), là trích đoạn từ bài thơ nhan đề “Chuyện tình,” họ Đỗ viết năm 1959. Phổ biến lần đầu trên báo Ngàn Khơi 1960. Năm 1964, ông chọn đọc trong hôn lễ với người bạn đời của ông là bà Hà Dương Thị Quyên. Trong số tân khách tham dự, có nhạc sĩ Phạm Duy… Tuy nhiên, không vì thế mà quần chúng biết được những gì nằm ngoài ca khúc.
18) Cao Thế Dung, “Thi ca và Thi nhân” Quần Chúng, Saigon, xuất bản năm 1969. Trích theo Luân Hoán, Wikipedia – Tiếng Việt.
(19) “Cỏ và Tuyết” thơ Đỗ Quí Toàn, Thanh Văn XB, Hoa Kỳ, 1988.
(20) Nđd.
(21), (23), (24), (25), (26) Nđd.
(22) Họ Cao hiện cư ngụ tại tiểu bang Virginia.
(27) Đây cũng là một ân thưởng thi ca dành cho các thi sĩ. Họ có thể ví von, so sánh người yêu của họ, với bất cứ một hình tượng nào; mà, không sợ bị ai phiền trách. Có khi họ còn được yêu thích hơn, như trường hợp họ Đỗ trong bài thơ này vậy.
Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013
Nguyễn Hưng Quốc - Đọc ‘Đứng vững ngàn năm’ của Ngô Nhân Dụng
Nguyễn Hưng Quốc
Tôi được Ngô Nhân Dụng tặng cuốn Đứng vững ngàn năm: Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc? vừa được Người Việt xuất bản trong chuyến đi California vừa qua. Lúc ở Cali, tôi đọc loáng thoáng được chương đầu. Rất thích. Nhưng vì quá bận bịu với bạn bè nên không thể đọc tiếp được. Tôi chỉ đọc trọn cuốn sách dày ngót 500 trang ấy trên chuyến bay từ Los Angeles về lại Sydney. Đọc say sưa. Nhờ thế, chuyến bay dài 15 tiếng tự dưng thấy ngắn hẳn lại.
Đây là tác phẩm biên khảo thứ tư của Ngô Nhân Dụng, sau ba cuốn đã in dưới nhiều bút hiệu khác nhau: Yêu con, dạy con nên người Việt (ký Đỗ Quý Toàn, 1987), Đổi Mới Kinh Tế: Thí nghiệm Cộng sản đã thất bại, Việt Nam đi về đâu? (ký Vương Hữu Bột, 1989) và Tìm thơ trong tiếng nói (ký Đỗ Quý Toàn, 1992) (1).
Nhìn vào danh sách bốn tác phẩm trên, nhận xét đầu tiên cần được rút ra là: Phạm vi nghiên cứu của Ngô Nhân Dụng thật rộng: Ông đi từ giáo dục đến kinh tế, lý thuyết văn học, và cuối cùng, lịch sử và văn hóa (hoặc, đúng hơn, nhân học, anthropology). Các tác phẩm thuộc các lãnh vực không những khác nhau mà có khi còn rất xa nhau, ngỡ như trái ngược hẳn nhau (như giữa thơ và… tài chính, chẳng hạn!)
Ngoài sự đa dạng, tất cả các cuốn sách ấy đều có hai đặc điểm chung: Thứ nhất, tính chất nghiêm túc trong học thuật. Được đào tạo có bài bản ở Tây phương, lại có kinh nghiệm giảng dạy ở đại học trong nhiều năm, Ngô Nhân Dụng nắm rất vững các phương pháp nghiên cứu, nên cuốn sách nào của ông cũng đều có độ dày về tài liệu, độ sâu của sự phân tích, sự giàu có của các chứng cứ và sự mạch lạc trong cách lý luận, tránh được những kết luận vội vã, võ đoán, xuất phát từ thành kiến quen thuộc thường thấy. Thứ hai, tính chất khám phá. Mỗi cuốn sách của Ngô Nhân Dụng đều mang lại cho người đọc nhiều phát hiện thú vị, hoặc trong tư liệu hoặc trong quan điểm hoặc trong cả hai. Dù chuyển dịch qua nhiều lãnh vực khác nhau, ở đâu Ngô Nhân Dụng cũng nghiên cứu kỹ lưỡng, cập nhật được những kiến thức mới nhất trong ngành và ở đâu ông cũng cố gắng đưa ra một cách nhìn khác, ít nhất so với giới cầm bút Việt Nam. Cái gọi là “cách nhìn khác” ấy hiếm khi được đẩy đến cùng, có lẽ do Ngô Nhân Dụng ngại sự “cực đoan”: Ông thường dừng lại ở thao tác tổng hợp để bao quát nhiều quan điểm khác nhau, từ nhiều góc độ khác nhau, hầu vẽ nên một bức tranh nhiều chiều và nhiều tầng. Đọc ông, nhờ vậy, người ta vừa thấy thích thú vừa thấy gần gũi. Ông không gây hấn với truyền thống và thành kiến, không đẩy người đọc vào thế đối lập. Ông chọn cách đối thoại khoan hòa và dung hòa.
Trong các tác phẩm của Ngô Nhân Dụng, cuốn sách mới nhất, Đứng vững ngàn năm, là cuốn sách hay và rất cần thiết. Nó vừa có ý nghĩa học thuật vừa có ý nghĩa chính trị: Nó trả lời được nhiều câu hỏi không những của giới nghiên cứu về lịch sử và văn hóa mà còn của mọi người Việt Nam bình thường trước tình hình chính trị, đặc biệt trong quan hệ với Trung Quốc hiện nay. Nhưng ở đây, tôi chỉ xin tập trung vào khía cạnh học thuật.
Đặc điểm đầu tiên của cuốn Đứng vững ngàn năm là sự mới mẻ.
Trước hết là sự mới mẻ trong đề tài. Thường, viết về lịch sử Việt Nam, hầu hết giới cầm bút đều tập trung vào thời kỳ từ thế kỷ thứ 10 trở về sau. Với thời kỳ trước đó, người ta chỉ thường nhắc một cách họa hoằn và thoáng qua. Lý do dễ hiểu: ít tài liệu. Đứng vững ngàn năm là một cuốn sách hiếm hoi tập trung vào cái vùng được xem là ít tài liệu và cũng ít được đề cập ấy. Trong cái vùng hoang vắng ấy, Đứng vững ngàn năm lại xoáy sâu vào một khía cạnh hầu như chưa có ai nghiên cứu thật sâu: tại sao, trước sự bành trướng dữ dội và liên tục của Trung Hoa, trong khi các sắc dân khác ở Quảng Đông, Vân Nam và nhiều vùng khác đều lần lượt bị thôn tính và đồng hóa, Việt Nam vẫn có thể đứng vững và cuối cùng, giành được độc lập sau cả ngàn năm Bắc thuộc? Đã có nhiều học giả tìm cách trả lời câu hỏi ấy. Ví dụ, với Trần Trọng Kim, đó là nhờ nghị lực và tính chất riêng của người Việt; với Lê Thành Khôi, nhờ người Việt có tiếng nói riêng; với Keith Taylor, ngoài yếu tố ngôn ngữ, người Việt còn có một sức mạnh khác: Phật giáo; với Lê Mạnh Hùng, nhờ Việt Nam có dân số đông và một nền kinh tế dựa trên nghề trồng lúa nước vững chắc (tr. 12).
Câu trả lời của Ngô Nhân Dụng không hoàn toàn mới mẻ nhưng có tính chất bao quát và sâu sắc. Ông không tin vào một lý do duy nhất (tr. 13). Ông cho sự tồn tại của dân tộc Việt Nam xuất phát từ nhiều lý do khác nhau. Theo ông, lòng yêu nước và tinh thần bất khuất tuy cần, rất cần, nhưng không đủ để bảo vệ một quốc gia. Cả ngôn ngữ cũng vậy. Hầu hết các dân tộc phía Bắc Việt Nam, tuy cũng có tiếng nói riêng, nhưng cuối cùng, đều bị người Hán nuốt chửng, và trở thành một tỉnh hay một quận của đế quốc Trung Hoa mênh mông hiện nay. Lập luận của Ngô Nhân Dụng được xây dựng dựa trên một giả thuyết: trước và trong khi tiếp xúc với Trung Hoa, “[đ]ời sống tập thể của dân Việt phải có những cơ cấu khá vững chắc làm nền tảng thì mới có sức đề kháng trước làn sóng văn minh Trung Hoa” (tr. 359).
Cái gọi là “cơ cấu vững chắc” ấy bao gồm: “Nhiều yếu tố kinh tế, xã hội và văn hóa tạo nên sức mạnh của dân Việt, làm vốn liếng để xây dựng được ý thức dân tộc mạnh mẽ và bền bỉ. Sức mạnh của dân Việt nằm trong một mạng lưới xã hội là thôn làng (người); trên căn bản kinh tế đủ phong phú (đất); và trong những tín ngưỡng (thần) giúp người Việt thêm tin tưởng vào giá trị văn hóa của mình, tự phân biệt với các quan lại và quân lính đô hộ” (tr. 360).
Giữa cái gọi là “cơ cấu vững chắc” và tinh thần bất khuất, yếu tố nào quan trọng hơn? Dường như Ngô Nhân Dụng phân biệt hai khía cạnh và hai giai đoạn khác nhau: Trong việc bảo vệ bản sắc dân tộc trước âm mưu đồng hóa của Trung Hoa, “[y]ếu tố quan trọng nhất giúp tổ tiên người Việt không bị Hán hóa có lẽ là, trước khi người Hán tới, họ đã có sẵn một nền nếp tốt đẹp trong cuộc sống chung, gọi là văn minh” (tr. 14). Nhưng trong việc giành độc lập thì “yếu tố quyết định vẫn là ý chí vững chắc, một ‘cái nghị lực riêng’ muốn sống như một dân tộc, dù chỉ là một quốc gia nhỏ bé; chứ không chịu sáp nhập vào một đế quốc lớn mạnh” (tr. 384).
Ngoài ra, Ngô Nhân Dụng cũng nhận ra một yếu tố khác nữa mà vì tự ái dân tộc ít ai nghĩ đến: sự may mắn. Việt Nam ở xa, bị ngăn cách với các trung tâm quyền lực và văn hóa của Trung Hoa bằng những vùng núi non hiểm trở; hơn nữa, khí hậu lại khá khắc nghiệt; cả hai yếu tố địa lý và khí hậu ấy biến thành “những hàng rào ngăn cản khiến người Hán bành trướng xuống tới biên giới nước Việt thì bị ngăn lại” (tr. 14, 176, 179 & 359).
Khi phân tích sự tồn tại của Việt Nam sau một ngàn năm Bắc thuộc, Ngô Nhân Dụng cũng nhấn mạnh một điểm ít người để ý: trong lịch sử, người Việt Nam không những giữ được bản sắc văn hóa riêng mà còn có khả năng đồng hóa ngược lại những người Hoa di dân đến Việt Nam: Tất cả đều dần dần biến thành người Việt; hơn nữa, họ còn góp phần bảo vệ và xây dựng Việt Nam trước những âm mưu xâm lăng cũng như đồng hóa của Trung Quốc, như trường hợp của Lý Bôn, tổ tiên nhà Trần, Vũ Phương Đề, Trịnh Hoài Đức, v.v.. (tr. 15-6, 306-337).
Tuy nhiên, cái hay và cái mới nhất của cuốn sách không phải ở các luận điểm lớn và chung chung vừa nêu: Chủ yếu chúng nằm ở độ sâu và độ rộng của sự phân tích. Ngô Nhân Dụng tránh được hai khuyết điểm thường thấy trong giới nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam: Một, nhìn mọi hiện tượng ở Việt Nam như những gì biệt lập; và hai, như hậu quả của khuyết điểm ấy, hay có khuynh hướng cường điệu hóa một số mặt mạnh hoặc sự độc đáo nhằm thỏa mãn tự ái dân tộc hơn là tìm kiếm sự thật. Tránh được hai khuyết điểm ấy, một phần, có lẽ do tầm nhận thức, chủ yếu là tầm nhận thức của người sống giữa các nền văn hóa, do đó, có thói quen nhìn mọi vấn đề ở phạm vi toàn cầu; phần khác, theo tôi, quan trọng hơn, do phương pháp nghiên cứu mà Ngô Nhân Dụng lựa chọn: nó thuộc về lãnh vực nhân học (anthropology) hơn là lịch sử. Các nhà nghiên cứu lịch sử thường bị giới hạn trong một phạm vi hẹp: sự kiện; với một nguồn tài liệu cũng hẹp: ngôn ngữ (chủ yếu là ngôn ngữ viết, chỉ có trong khẩu ký sử - oral history - mới sử dụng nhiều loại ngôn ngữ nói – dưới hình thức phỏng vấn); giới nghiên cứu nhân học có tầm hoạt động có tính chất liên ngành, từ lịch sử đến khảo cổ học, ngôn ngữ học, kinh tế học…, và nhắm đến một đối tượng lớn hơn: con người, và sau con người, văn hóa. Với một đối tượng lớn như thế, ngành nhân học đòi hỏi cái nhìn vừa có tính so sánh (comparative perspective) vừa có tính chỉnh thể luận (holistic perspective) tức luôn luôn tập trung vào chức năng và quan hệ giữa các đối tượng được khảo sát.
Ví dụ, viết về vai trò của tín ngưỡng dân gian và các tôn giáo, đặc biệt về Phật giáo, Ngô Nhân Dụng không hề đề cao các tín ngưỡng hay các tôn giáo ấy, xem chúng hay hơn các tín ngưỡng và tôn giáo ở những nơi khác. Ông chỉ tập trung vào các chức năng xã hội và chính trị của các tín ngưỡng và tôn giáo ấy: Một, chúng giúp người ta thấy mình khác với các sắc dân khác, nhất là những sắc dân đang xâm lược và đô hộ mình; hai, chúng giúp nuôi dưỡng niềm tự tin và tự hào dân tộc; ba, chúng tạo nên tình liên đới và sự đoàn kết giữa những người đồng chủng đang chịu khổ đau và áp bức; bốn, các cơ sở thờ phượng đóng vai trò đào tạo lớp người có học để sau đó, họ trở thành những kẻ lãnh đạo trong các cuộc đấu tranh cho độc lập cũng như trong việc xây dựng đất nước; và cuối cùng, tín ngưỡng và tôn giáo khiến người ta can đảm hơn, sẵn sàng hy sinh vì đại nghĩa khi cần thiết. Nhìn vấn đề như vậy đã hay. Nhưng Ngô Nhân Dụng không chỉ dừng lại ở các phân tích như thế. Khác với hầu hết các nhà văn hóa học Việt Nam, ông mở rộng tầm nhìn sang nhiều nước khác trên thế giới, như Kosovo, Ireland, Nam Sudan và Ba Lan để thấy ở những nơi khác, tín ngưỡng và tôn giáo cũng có ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc hình thành dân tộc. Chứ không riêng gì ở Việt Nam.
Như vậy, không nên đọc Đứng vững ngàn năm như một tác phẩm sử học (history). Đọc thế là một thiệt thòi cho cuốn sách và cho cả tác giả: Từ góc độ sử học, Ngô Nhân Dụng không có phát hiện quan trọng nào về tư liệu. Ông đọc nhiều, nhớ nhiều, diễn đạt một cách mạch lạc và sáng sủa diễn tiến các câu chuyện được đề cập. Nhưng ông không phải là người đầu tiên khám phá ra những tư liệu ấy. Tôi nghĩ nên đọc Đứng vững ngàn năm như một công trình có tính chất nhân học (anthropology), ở đó, giá trị của nó chủ yếu nằm ở việc phát hiện ra các quan hệ và các chức năng của những yếu tố có ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa, đặc biệt đến tính cách của người Việt, từ đó, giải thích sự tồn tại kiên cường của người Việt trước các đe dọa đến từ phương Bắc. Từ góc độ nhân học, đây là một công trình nghiên cứu mới mẻ, sâu sắc. Và hay.
Đặc điểm thứ hai của cuốn Đứng vững ngàn năm là ở tầm rộng. Rộng ở nguồn tư liệu: Chúng được viết bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, từ tiếng Việt đến tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức và chữ Hán; thuộc nhiều lãnh vực khác nhau, từ lịch sử đến khảo cổ học, văn hóa học, ngôn ngữ học, chính trị học, kinh tế học, … (2) Rộng ở phạm vi quan sát và đối chiếu. Dường như với bất cứ vấn đề gì, Ngô Nhân Dụng cũng nhìn quanh trên thế giới để phát hiện những sự tương đồng và dị biệt. Nói đến vai trò của tiếng Việt trong việc bảo vệ độc lập cũng như bản sắc văn hóa của Việt Nam, ông so sánh nó với những gì xảy ra ở Pháp, Tây Ban Nha, Nam Tư, Canada (đặc biệt vùng Québec), Do Thái, Phần Lan, v.v.. So sánh như thế, Ngô Nhân Dụng thấy được hai khía cạnh quan trọng: Thứ nhất, ở đâu ngôn ngữ cũng có tính chính trị và một sức mạnh mãnh liệt trong việc tạo nên cộng đồng và dân tộc; và thứ hai, yếu tố chính quyết định sức sống bền vững của một ngôn ngữ không hẳn là vì nó “hay” hơn các ngôn ngữ khác mà chủ yếu, một phần, nó gắn liền với tình cảm sâu kín của con người; phần khác, nhờ các mạng lưới xã hội giúp duy trì ngôn ngữ ấy. Riêng trong trường hợp của Việt Nam, mạng lưới ấy chính là nếp sống quần tụ trong các làng xóm với những quan hệ lâu đời chồng chéo ít nhiều biệt lập với chính quyền trung ương. (tr. 202)
Nhưng tầm rộng đáng kể nhất trong cuốn sách của Ngô Nhân Dụng là ở tính khái quát. Ông đọc nhiều, ở đâu cũng trưng ra thật nhiều dẫn chứng nhằm củng cố cho lập luận của mình nhưng ông không quá sa đà vào các chi tiết. Bao giờ ông cũng muốn đẩy các nhận định lên một tầm khái quát thật cao, do đó, đọc ông, chúng ta không những nhìn thấy được nhiều sự kiện mà còn nắm bắt được một số quy luật chung nhất xuyên suốt toàn bộ lịch sử một nước, một khu vực hoặc trên cả thế giới nói chung.
Ví dụ, ông nhấn mạnh: Trước thế kỷ 20, Trung Quốc không phải là một dân tộc-quốc gia (nation-state) và người Trung Quốc cũng không có ý thức về dân tộc. Chữ “quốc”, trong chữ Hán, được dùng để chỉ một triều đại. Có thể nói, người Trung Quốc, tự bản chất và ngay từ khởi thủy, một mặt, đã có tinh thần “quốc tế chủ nghĩa” không nhằm xây dựng quốc gia chỉ trên nền tảng sắc tộc; mặt khác, đã mang máu đế quốc, muốn xây dựng đất nước trên nền tảng tư tưởng “bình thiên hạ”. Tư tưởng dựa trên “thiên hạ” ấy có ba hệ quả: Một, không bị ngăn cản bởi những sự phân biệt chủng tộc và sắc tộc, văn minh Trung Hoa dễ bành trướng; hai, người Trung Hoa tương đối dễ chấp nhận sự thống trị của các dân tộc khác (ví dụ, người Mông Cổ hoặc người Mãn Thanh) (ít nhất “dễ” hơn so với người Việt Nam); và ba, khi chiếm và đô hộ Trung Hoa, dưới quan điểm “thiên hạ vi công” (thiên hạ là của chung) như thế, giới thống trị từ nước khác đến rất dễ mất cảnh giác về bản sắc văn hóa gốc của mình; hậu quả là, qua nhiều thế hệ hoặc nhiều thế kỷ, dần dần bị tan hòa vào nền văn hóa của người Hán, nghĩa là bị Hán hóa, và, cuối cùng, mất luôn cả nước (đó là số phận của cả người Mông Cổ lẫn người Mãn Thanh).
Một ví dụ khác, Ngô Nhân Dụng phân biệt ba loại đế quốc: Một loại dựa trên vũ lực (như người Mông Cổ), một loại dựa trên tôn giáo (như người Ả Rập) và một loại dựa trên văn hóa, trong đó quan trọng nhất là chữ viết và các thiết chế chính trị cũng như xã hội (như người La Mã và Trung Hoa). Trong ba loại ấy, loại dựa trên vũ lực có số phận ngắn ngủi nhất, loại dựa trên tôn giáo có hiệu quả hơn nhưng không lâu dài và chắc chắn cho bằng kiểu bành trướng và thống trị dựa trên văn hóa với những định chế chính trị và xã hội riêng (tr. 138, rải rác trong các trang 284-303). Trong cách nhìn như thế, chiến thắng của Việt Nam đối với Champa và Khmer cũng có thể được giải thích như là chiến thắng của “mô hình tổ chức quốc gia lối Trung Hoa” đối với “mô hình Ấn Độ” (tr. 281). Nói cách khác, người Việt Nam, một mặt, dùng truyền thống bản địa để chống lại nước láng giềng khổng lồ ở phía Bắc, nhưng mặt khác, lại dùng các bài học từ phương Bắc để chiếm hữu, cai trị và đồng hóa các dân tộc láng giềng khác ở phía Nam.
Tất cả các điểm vừa nêu có thể không do Ngô Nhân Dụng phát hiện. Nhưng không phải ai cũng đọc rộng và nhạy bén đủ để tìm thấy các phát hiện ấy, hơn nữa, không phải ai cũng biết cách vận dụng các quan điểm ấy để làm tăng thêm chiều sâu và độ dày cho cách lập luận của mình khi tìm hiểu về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Cái tài của Ngô Nhân Dụng, với tư cách một nhà biên khảo, nằm ở khả năng tìm kiếm và vận dụng tài liệu như thế.
Đặc điểm thứ ba của cuốn Đứng vững ngàn năm là ở sự lạc quan. Từ kinh nghiệm Việt Nam không bị Hán hóa sau một ngàn năm Bắc thuộc, Ngô Nhân Dụng tự tin là, trong hiện tại cũng như trong tương lai, về phương diện chính trị, dù Trung Quốc đe dọa đến mấy, người Việt Nam cũng không thể bị mất nước được; về phương diện văn hóa, dù áp lực của toàn cầu hóa nặng nề đến mấy, văn hóa Việt Nam cũng không thể bị mất gốc được; và về phương diện ngôn ngữ, dù phải vay mượn các thứ tiếng khác nhiều đến mấy, tiếng Việt vẫn giữ được bản sắc riêng của nó. Trong từ vựng. Trong cú pháp. Cũng như trong tinh thần.
Tính chất lạc quan ấy thể hiện rõ ngay trong kết cấu của cuốn sách: nó mở đầu bằng chương “Đứng vững không khuỵu chân”, như một quyết tâm, và kết thúc bằng chương “Vang vang trời vào xuân”, như một tiếng reo mừng; mở đầu bằng mấy câu thơ trong tù của Thanh Tâm Tuyền và kết thúc bằng mấy câu thơ “tràn ngập tin yêu” sau khi ra khỏi nhà tù của Tô Thùy Yên: “Tiếng biển lời rừng nao nức giục / Ta về cho kịp độ xuân sang” (tr. 442).
Đọc, tự dưng tôi bâng khuâng hỏi thầm: “Ta về”, nhưng “ta” là ai và “về” đâu nhỉ?
Ừ, thì hỏi vậy thôi (3).
Chú thích:
Không kể các tập thơ, ký dưới tên Đỗ Quý Toàn, đã được xuất bản ở Việt Nam trước 1975 cũng như ở hải ngoại.
Ở đây, cần ghi nhận khuyết điểm lớn nhất của cuốn sách là thiếu hẳn phần tài liệu tham khảo và xuất xứ của các tài liệu.
Muốn mua sách, độc giả có thể liên lạc với báo Người Việt. Địa chỉ: 14771 Moran Street, Westminster, CA 92683, USA. Điện thoại: (1) (714) 892-9414. Cũng có thể mua trên Amazon: http://www.amazon.com/gp/browse.html?ie=UTF8&marketplaceID=ATVPDKIKX0DER&me=A1G8G7L4YCUJX2 Giá: 25 Mỹ kim.
Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013
Đỗ Quý Toàn - Phong trào Nhà Ánh Sáng của Tự Lực Văn Đoàn
Đỗ Quý Toàn
Hội Ánh Sáng của báo Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn đã gây nên một phong trào văn hóa xã hội ở nước ta vào cuối thập niên 1930. Lúc đầu phong trào chỉ lập ra để cổ động việc xây nhà rẻ tiền cho giới lao động, nhưng bên trong đã chứa đựng một chương trình thay đổi cả đời sống và xã hội. Nhờ tờ báo Ngày Nay nên tầm ảnh hưởng của các hoạt động đó lan rộng, tác động trên tâm lý của rất nhiều người Việt Nam, nhất là giới trung lưu, trí thức, thanh niên ở đô thị trong thời gian từ năm 1937 cho tới năm 1940.
Chương trình thành lập hội đã được công bố trên báo Ngày Nay số 38, ngày Chủ nhật 13 tháng 12 năm 1936. Tờ báo kêu gọi lập một Hội Bài trừ những Nhà Hang Tối, còn gọi là Hội Ánh Sáng. Họ đưa ra ba châm ngôn “Xã hội – Nhân đạo – Cải cách.” Tiếp theo, số 39 có bài “Nhà rẻ tiền để dân nghèo và thợ thuyền ở” của Hội Bài trừ những Nhà Hang Tối. Trong bài này vẽ một biểu tượng hình tròn, vẽ một nắm đấm đè bẹp mái nhà tranh tre xiêu vẹo. Nửa trên của vòng tròn là một ngôi nhà cao ráo trong ánh sáng bình minh.
Tờ báo còn cho in một số mô hình nhà ánh sáng đã được triển lãm, và kêu gọi mọi người gửi những ảnh mẫu nhà hang tối, hoặc hình những căn nhà đẹp mà kiến trúc có nhiều cái lạ, cái hay tới toà soạn để đăng báo. Sau này biểu tượng cho Hội Ánh Sáng là một hình tròn đen với ba vạch trắng nằm tréo, và hai chữ “A S” ở hai bên; nằm giữa một hình chữ nhật giống như lá cờ (vẽ trên trang bìa Ngày Nay số 72). Kể từ số báo 40, Ngày Nay dành mỗi tuần mấy trang viết về Hội Ánh Sáng, và đăng các ý kiến ủng hộ của bạn đọc gửi tới từ Hà Nội và các tỉnh như Cần Thơ, Thái Nguyên, Hải Phòng, Quy Nhơn, Huế, Nam Định, Vĩnh Yên, Phúc Yên, vân vân; tức là gần khắp nước.
Tác động sâu rộng trong xã hội
Hội Ánh Sáng đã tạo nên một phong trào có chiều rộng và chiều sâu, được nhiều giới ủng hộ, từ các nhà trí thức tới báo chí và các thương gia. Trong Ngày Nay số 71 có đăng ý kiến hoan nghênh và ủng hộ Hội Ánh Sáng của anh em thợ thuyền ở Vinh, cho thấy phong trào được giới lao động hưởng ứng. Tuy nêu ra mục đích là xây nhà, Hội Ánh Sáng cũng làm các việc từ thiện khác; có lẽ là một hội từ thiện tư nhân sớm nhất ở nước ta, bên ngoài các tôn giáo, đã tác động được tới đông đảo nhiều thành phần trong xã hội. Khi hội tổ chức đi “phát chẩn” cho các nạn nhân nạn lụt, các em “học sinh năm thứ ba trường thành chung Qui Nhơn” góp tiền nhau, gửi tặng 3 đồng 41 xu; cũng như “Anh em học sinh ở Huế tặng 2 đồng 50". Lại có cả “Anh em làm ở nhà máy Centrale S.E.E.M.J. Photion” đã gửi tặng 34 đồng;”và “Anh em trong Nhà Chụp hình Photo Khmer” ỏ Pnom Penh, Campuchia chung nhau gửi tặng 12 đồng 50. (Để so sánh thời giá, mua một năm, 52 số báo Ngày Nay, gồm cả cước phí bưu điện, lúc đó trả 3 đồng 80 xu). Tòa báo cũng đăng tin ông “AiLen,” (tên phiên âm?) chủ hãng G.M.R, loan báo xin nhận anh em lao động trong xóm thợ thuyền vào làm việc của hãng ông. Ông còn tổ chức bán hàng từ thiện, một ngày trích ra 10% số tiền thu được sẽ gửi giúp dân bị lũ lụt tỉnh Bắc Ninh. Đoàn Hướng Đạo Lê Lợi và ban ca vũ May Blossom biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội lấy tiền giúp Hội Ánh Sáng. Các võ sĩ, các đội banh cũng tổ chức các sinh hoạt giúp hội gây quỹ. Ảnh hưởng của hội trên dư luận lan từ miền Bắc ra toàn quốc và cả trong giới kiều bào ở Campuchia.
Nhìn vào danh sách những người góp công cổ động thành lập hội và tham gia vào hội từ lúc đầu chúng ta thấy chương trình này được nhiều nhà trí thức, chuyên nghiệp đương thời ủng hộ, đại đa số là những người trẻ trên dưới 30 tuổi. Nửa năm sau khi dự án được công bố, cuộc họp đầu tiên của Ủy Ban Tạm Thời, ở nhà ông Phạm Văn Bính, số 55 phố Hàng Bún, đã có mặt đại biểu của nhiều tờ báo tại Hà Nội, như Tam Lang Vũ Đình Chí (Việt Báo), Lê Văn Thu (Đông Pháp), Dương Mậu Ngọc (Trung Bắc), các nhà văn Phan Trần Trúc, Phạm Lê Bổng, các kiến trúc sư Vũ Đức Diên, Hoàng Như Tiếp, Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ. Các thành viên Tự Lực Văn Đoàn như Khái Hưng, Nhất Linh, Thế Lữ, các họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Cát Tường, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Lưu Văn Sìn, đều tích cực tham dự.
Một ủy ban chuẩn bị thành lập hội do Phạm Văn Bính làm “thư ký tạm thời” từ tháng Năm 1937 có mặt 14 người, nhiều nhân vật nổi tiếng thuộc các lớp trung lưu, như các Bác sĩ Phạm Hữu Chương, Ngô Trực Tuân, luật sư Trần Văn Chương, kỹ sư Trần Văn Tiết, các kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp), với rất nhiều nhà báo. Hội được các thương gia như Nguyễn Đức Thuận (Hải Phòng), Phạm Tá, Nguyễn Xuân Phúc (Hà Nội) tích cực ủng hộ hội bằng tiền và hàng hóa. Trong danh sách những người tham gia và hỗ trợ hội Nhà Ánh Sáng cũng thấy nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau. Có ông bà Hoàng Xuân Hãn, sau này ông làm bộ trưởng Giáo dục trong chính phủ Trần Trọng Kim; có Vũ Đình Huỳnh và các ông Trần Huy Liệu, Vũ Đình Hòe, sau làm bộ trưởng trong chính phủ Hồ Chí Minh. Ông Phạm Văn Bính sau này trở thành một bí thư và làm bộ trưởng trong chính phủ Bảo Đại. Danh sách các ủy viên trong các “ủy ban hành động” của hội còn những nhân vật chính trị nổi tiếng sau này như luật sư Hoàng Cơ Thuỵ, nha sĩ Hoàng Cơ Bình (năm 1954 làm chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Bắc Việt, phản đối Hiệp Định Genève chia đôi nước Việt Nam), luật sư Bùi Tường Chiểu, nhiếp ảnh gia Võ An Ninh sau lên chiến khu Việt Bắc, Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ, một nhà chính trị hoạt động trong các đảng phái quốc gia, huynh trưởng Hướng đạo Trần Duy Hưng (sau làm thị trưởng Hà Nội thời Việt Minh), dược sĩ Thẩm Hoàng Tín (thị trưởng Hà Nội thời Bảo Đại), kiến trúc sư Vũ Đức Diên, sau này cộng tác với chính phủ Ngô Đình Diệm. Điều này cho thấy Hội Ánh Sáng đã vượt lên trên các xu hướng chính trị, chỉ theo đuổi mục tiêu xã hội.
Từ Hà Nội, Hội Ánh Sáng phát triển hoạt động tới các thành phố Hải Phòng, Nam Định; và cũng được độc giả ở Huế, Đà Nẵng, tới Sài Gòn hoan nghênh. Khi Nhất Linh và Thế Lữ đi Hải Phòng vận động thành lập chi nhánh, các nhân vật địa phương thuộc nhiều giới khác nhau đã tham dự, như ông Bạch Thái Đào, một nhà kỹ nghệ, ông Vi Huyền Đắc, sau thành một nhà soạn kịch nổi tiếng (Ngày Nay số 91, trang 6). Ở Nam Định, buổi diễn thuyết ngày 25 tháng Giêng 1938 (Ngày Nay số 95, trang 6) có các diễn giả như Vũ Đình Hòe, Vũ Đức Diên; một phụ nữ là bà Trịnh Thị Thục Oanh, là “Đốc học các trường học nữ Hà Nội;” đều là những nhân vật hoạt động nhiều trong các lãnh vực văn hóa, xã hội và chính trị thời đó hoặc sau này.
Trang bìa Ngày nay số 72, 15 Août 1937.
Ảnh: Tư liệu của BVN do Nhóm điện toán báo Phong hóa – Ngày nay cung cấp
Bây giờ đọc lại báo Ngày Nay thời đó, người ta còn ngạc nhiên vì sự ủng hộ hăng hái của công chúng đối với chương trình Nhà Ánh Sáng. Tự Lực Văn Đoàn đã mở đầu với ý kiến xây dựng nhà ở cho người nghèo, nhưng việc làm của họ cũng khởi đầu một ý thức chung, người dân Việt Nam thấy mình phải tự động lo lấy các vấn đề của mình chứ không trông cậy vào guồng máy chính quyền. Đây là một sáng kiến tập họp mọi người dân trong một công tác có tính cách từ thiện nhưng dựa vào đó phát động một nếp sống mới, cải cách xã hội ngay trong quan niệm về cách ăn ở có vệ sinh, làm nhà có thiết kế khoa học. Đặc biệt, người ta ý thức rằng người Việt phải tự giải quyết các nhu cầu chung trong từng khu gia cư như cống rãnh, đường đi, phòng đọc sách báo, phòng khám bệnh, phát thuốc, vân vân. Tự Lực Văn Đoàn cũng đưa ra chủ trương đưa thanh niên thành thị tới các khu lao động hoặc về nông thôn giúp cải thiện đời sống của đồng bào. Phong trào này được nhiều người hưởng ứng, chứng tỏ trong xã hội cổ truyền Việt Nam đã có sẵn óc tương trợ, tinh thần hợp tác; và cho thấy người mình cũng sẵn sàng thí nghiệm với lối sống mới. Sự góp mặt của nhiều ngàn người, vừa ủng hộ vừa tham gia hoạt động với một tổ chức mới mẻ, cho thấy dân Việt Nam vẫn mang sẵn tập quán hợp tác, khi có cơ hội, cùng góp sức vào những việc công ích. Chúng ta biết rằng ngay các làng xã Việt Nam từ ngàn năm trước đã chứa sẵn những mạng lưới xã hội với các tổ chức tự nguyện cho rất nhiều lớp người; đây là một truyền thống sẵn sàng để phát triển xây dựng thành xã hội công dân khi được sống dưới một chế độ tự do dân chủ.
Dân Hà Nội thời đó rất hăng hái tham gia phong trào xã hội này. Buổi ra mắt công chúng đầu tiên của hội Ánh Sáng tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, vào 9 giờ tối Thứ Hai, 16 tháng Tám năm 1937, báo Ngày Nay đã thông báo trước là ai muốn dự phải tới tòa báo nhận giấy mời, vì số chỗ ngồi có giới hạn. Đêm hôm đó, hơn hai nghìn người được mời vào trong rạp hát, một số tương đương phải đứng ngoài nghe qua loa phóng thanh. Có những người từ Huế đến, từ Hà Nam, Thái Bình lên. Họ tới để nghe các bài diễn thuyết khô khan, có bài nói rất dài. Phần giải trí chỉ gồm mấy bài hát của các em “Sói Con” thuộc phong trào Hướng Đạo ở Hà Nội; các em hát những bài theo điệu cổ hoặc ca khúc bình dân của Pháp, đặt lời Việt, chỉ cổ động cho Nhà Ánh Sáng.
Ban tổ chức đã phải nhờ các Hướng Đạo Sinh đem phát hơn hai ngàn tờ “Giấy Xin Lỗi” cho vài ngàn người đứng ngoài. Trong nhà hát, máy phóng thanh kêu gọi: “Xin những ông nào cứng chân, cứng tay chịu khó đứng dậy nhường chỗ cho các bà các cô yếu đuối!” Một cô “thân thể nở nang” đang đứng đã phản đối: “Chúng tôi chẳng cần ai nhường chỗ!” và được nhiều người hoan hô. Hơn hai ngàn người ngồi lắng nghe các bài diễn thuyết của Nhất Linh, Phạm Văn Bính, Hoàng Như Tiếp, vân vân, mà theo nhận xét của nhiếp ảnh gia Anh Photo, “Các ông các bà ấy ngồi nghe yên lặng, chăm chú như Bụt cả.” Nhiều người vỗ tay hoan hô các diễn giả đang nói, nhưng bị người chung quanh “suỵt” yêu cầu ngưng, “làm như thính giả không được quyền ngắt lời diễn giả.” Ngay cả giới công nhân giúp việc xây dựng và bài trí sân khấu cùng phòng họp, bẩy người do ông Cai Phả chỉ huy, cũng ý thức trách nhiệm xã hội khi họ trả lại số tiền thù lao, để đóng góp với Hội Ánh Sáng. Họ xin gia nhập, còn hứa sẽ cổ động thêm 100 hội viên mới khác (bài tường thuật của Khái Hưng trên Ngày Nay số 73, trang 663).
Chương trình Nhà Ánh Sáng cũng được nhiều tờ báo khắp nước ủng hộ rất sớm. Báo Tràng An ở Huế, ngày 1 tháng Sáu năm 1937, có bài viết, hô hào: “Hỡi các thanh niên trí thức Việt Nam! Hỡi đồng bào Việt Nam! Trước cảnh thô sơ của Tổ Quốc, chúng ta đứng đậy đi, hăng hái lên, cùng nhau hưởng ứng với Nhóm Ngày Nay!” Báo Tribune Républicaine của người Pháp cũng viết lời ca ngợi: “Chúng tôi không thể không vỗ tay hoan nghênh ý kiến những người muốn bài trừ những nhà hang tối. Chính chúng tôi trước kia trong báo Indochine Républicaine đã hô hào lập một hội bài trừ những nhà hang tối … Nhưng chúng tôi chỉ thiếu một thứ: Tiền!” Sau cùng, tờ báo chúc thành công: “Cố lên, anh em sáng lập Hội Ánh Sáng!” Ký giả Bùi Thế Mỹ, trên báo Điện Tín, ngày 13 tháng Bẩy năm 1937 ở Sài Gòn viết, “Nếu chúng tôi không lầm, cái ý kiến lập Hội Ánh Sáng này nguyên là của bạn đồng nghiệp Ngày Nay ở Hà Nội. Nhưng nay đã đến lúc được đem ra thực hành thì … Hội Ánh Sáng sẽ vượt khỏi ranh giới chật hẹp của Bắc Kỳ mà trở nên một cái hội chung cho cả nước!” Bài báo Điện Tín nhắc lại lời “bá cáo” của ủy ban tạm thời: “Hội Ánh Sáng không phải là công cuộc riêng của một đảng phái, một giai cấp hay một tờ báo nào. Hội Ánh Sáng là công cuộc chung của cả một dân tộc …”
Báo Ngày Nay liên tiếp loan tin về các người đóng góp cho Hội Ánh Sáng, để cổ động thêm nhiều người khác. Một độc giả ký “Vô Danh” từ Quy Nhơn gửi hai đồng về giúp quỹ hội. Hội tổ chức một cuộc đấu quyền lấy tiền làm việc nghĩa, Võ sĩ Mai Thanh Ngọ mang đến tặng hội 5 đồng “để mua gạo phát chẩn cho dân bị lụt.” Con số 5 đồng đó cũng lớn bằng số tiền ông Thống sứ Châtel tặng cho hội! Chủ hiệu may Tân Mỹ ở Phố Bờ Hồ xin trích 5% số tiền bán hàng lẻ trong hai tháng để “biếu anh em bị lụt và hội Ánh Sáng.” Trong số báo 83 (ngày 3 tháng 10, 1937) tờ báo loan tin nhận được 25 đồng của một vị ẩn danh, do “Sư cụ chùa Quán Sứ” đem tới. Nhà hảo tâm này đến chùa nhờ cúng giỗ “làm chay” cho cha mẹ, sư cụ khuyên nên đem tiền giúp một công cuộc từ thiện, và họ đã chọn hội Ánh Sáng. Tuần sau, sư cụ lại đưa thêm 50 đồng nữa, cũng do một tín chủ ẩn danh tặng hội, bỏ việc “làm chay” để góp quỹ từ thiện. Một hội thể thao, Tổng Cuộc Vận Động Bắc Kỳ, đã tổ chức một ngày thao diễn với các môn bóng rổ, bóng tròn, một nửa số tiền thu được đem cho Ban Từ Thiện Hội Ánh Sáng mua gạo giúp đồng bào bị nạn lụt.
Thay đổi toàn diện xã hội
Khái Hưng kết luận bài tường thuật tối ra mắt tại Hà Nội bằng một ý kiến. Ông viết về những phút bế mạc, “…lúc đứng dậy ra về, toàn thể thính giả lại giơ tay hoan hô chúc tụng Hội Ánh Sáng bằng những tiếng từ trái tim phát ra. Lúc ấy ai không bồi hồi cảm động! Ai không sung sướng cúi nhìn dấu hiệu ba tia sáng cài ở ngực và tự trả lời thầm câu hỏi của Nhất Linh (trong bài diễn thuyết mở đầu): - Có thể thay đổi khác hẳn trước được! Chúng ta đều tin chắc như thế!”
Thay đổi “khác hẳn trước,” cũng như châm ngôn Cải Cách, đó cũng là chủ trương ngay từ đầu của Tự Lực Văn Đoàn trong phạm vi sáng tác. Họ đã nói muốn thay đổi văn chương, nghệ thuật. Qua các tiểu thuyết, họ đã đề nghị thay đổi phong tục, tập quán trong gia đình của người Việt. Họ cổ động thay đổi y phục, với các kiểu áo “tân thời” của Họa sĩ Cát Tường. Họ đóng góp cho việc thay đổi tư tưởng giới thanh niên với “Mười Điều Tâm Niệm” và các bài xã luận của Hoàng Đạo. Báo Ngày Nay cũng công khai bầy tỏ ý kiến về các vấn đề chính trị đương thời. Họ bác bỏ đề nghị áp dụng lại bản hiệp định năm Giáp Tuất, 1884, Pháp trả lại quyền cai trị Bắc Kỳ cho triều đình Huế. Cần phản đối đề nghị đó vì ai cũng biết rằng giới quan lại của nhà Nguyễn lúc đó vẫn còn rất lạc hậu, họ sẽ cai trị theo lối chuyên chế hơn cả chế độ thuộc địa. Hà Nội là một nhượng địa cho Pháp cho nên được áp dụng một số luật của Pháp, còn tốt hơn luật của triều đình Huế. Sau đó, ngày 5 tháng Tám năm 1939, các nghị viên ”Viện Dân Biểu Bắc Kỳ” gửi thư cho tổng trưởng thuộc địa Pháp phản đối việc đặt Bắc Kỳ thuộc về triều đình Huế, họ đã theo ý kiến này, viết việc đó sẽ “bắt chúng tôi đi giật lùi 50 năm” (Ngày Nay số 177, ngày 2 tháng Chín năm 1939).
Trên báo Ngày Nay, Hoàng Đạo tiếp tục trên con đường của Phan Châu Trinh đã đi, với những bài xã luận bàn về các quyền chính trị, quyền tự do hội họp và lập hội, tự do ngôn luận, đăng liên tiếp trên nhiều số báo Ngày Nay. Hoàng Đạo bàn về chủ trương của Đế quốc Anh cho các thuộc địa được tự trị và bầu các nghị viện với quyền quyết định các chính sách trong xứ. Ông thấy chủ trương đó có giá trị như thiết lập một chế độ “quân chủ lập hiến.” Nếu người Pháp thi hành chính sách đó ở Đông Dương thì chức vị toàn quyền đóng vai như một ông vua, vẫn bị ràng buộc bởi người dân qua quyền bầu cử nghị viện (Ngày Nay, số 75, trang 711). Có lúc ông viết thẳng một bài kêu gọi ông Phạm Quỳnh hãy từ chức thượng thư, trở về cương vị một nhà báo. Ông nói thẳng, đã nhận thấy sau bẩy năm tham chính Phạm Quỳnh không thực hiện được một điều gì tiến bộ như ông đã từng cổ động khi làm tạp chí Nam Phong. Lối viết của Hoàng Đạo trong bài này, với lý luận đanh thép và lời văn nhã nhặn, trong khi phê phán và công kích vẫn bầy tỏ thái độ kính trọng đối tượng mình đang nhắm vào, đúng là thái độ cư sử của một con người được thừa hưởng giáo dục nhà Nho nhưng cũng sống với tinh thần dân chủ.
Đây là một thái độ mà nhiều người trí thức thời đó cũng như ngày nay còn thiếu. Một đức tính cần thiết để sống trong xã hội dân chủ là biết tôn trọng những người khác ý kiến với mình. Tự Lực Văn Đoàn đã thể hiện tinh thần đó mặc dù khi phê bình các nhân vật đương thời tờ báo của họ nổi tiếng về lối văn hài hước, châm chích những người khác. Một trường hợp đáng nhắc lại là một cuộc “bút chiến” giữa Ngày Nay và báo Tân Việt Nam do nhà văn Phan Trần Chúc chủ biên. Ông Phan Trần Chúc đã tới họp và tỏ ý ủng hộ trong thời gian chuẩn bị thành lập Hội Ánh Sáng, nhưng từ số báo ngày 11 tháng Chín, 1937 tờ báo do ông chủ trương lại phản đối. Lúc đầu, báo Ngày Nay (số 77) nói họ “không muốn trả lời bằng lời nói, mà sẽ trả lời bằng việc làm.” Nhưng sau đó, báo Tân Việt Nam tiếp tục chỉ trích, có lúc nói hội Ánh Sáng theo một chương trình không thể thực hiện được, giống như “công cuộc của người điên.” Hoàng Đạo đã sử dụng giọng văn hài hước, châm biếm để phản công. Trong một bài viết, ông gọi tên đối thủ là “Ông Chúc họ Phan Trần,” viết đi viết lại như thế. Trong đoạn cuối, ông nhắc lại một câu ca dao cổ “Đàn ông chớ kể Phan Trần,” và kết luận: “Thế thì họ Phan Trần, ta còn kể đến làm gì!”
Cuộc bút chiến sau đó kết thúc với cuộc hòa giải của nhiều người đại diện các báo tại Hà Nội, cho thấy thời đó làng báo ở Hà Nội vẫn có một truyền thống tốt. Ngày 19 tháng Mười năm 1937, một “hội đồng” gồm nhiều nhà báo nổi tiếng ở Hà Nội, thuộc chín tờ báo đang xuất bản, cộng với nhiều nhà báo độc lập khác, đã họp lại như một phiên tòa để phê bình cả hai tờ báo đang cãi nhau. Đó là “Một việc xưa nay chưa từng có trong làng báo Đông Dương,” như tựa đề bài tường thuật đăng trên Ngày Nay số 83, trong tuần lễ sau đó. Bài tường thuật kể lại những lời chỉ trích báo Ngày Nay của Lê Văn Siêu (ông nói: Ngày Nay có lỗi nhiều hơn, nhất là khi đem họ của Phan Trần Chúc ra chế nhạo); Trần Huy Liệu (được bầu làm chủ tọa, ông nói trong lời kết luận: “Tôi phàn nàn anh Hoàng Đạo đã dọa đánh trong báo Ngày Nay); nhà thơ Thao Thao (Tôi phản đối cái lối viết thô bỉ và tục tằn của cả hai bên); Trương Tửu (Trong cuộc bút chiến không được dùng những cái lối mỉa mai, mạt sát, đểu giả); vân vân. Lối trình bày trung thực này, đăng những lời chỉ trích cả hai báo Tân Việt Nam và Ngày Nay, là một thái độ thẳng thắn, trung thực đáng kính trọng; các nhà báo thời nay vẫn cần học lại thái độ trung thực đó.
Phong trào Nhà Ánh Sáng không phải chỉ nhắm vào mục đích xây cất nhà rẻ tiền, như viết trong điều lệ của họ, mà còn nuôi những tham vọng lớn hơn. Trong bài diễn thuyết của Nhất Linh ở Hải Phòng, ngày 13 tháng Giêng năm 1938, ông đã nói đến viễn tượng xây dựng những “thôn Ánh Sáng” để cải thiện toàn thể xã hội nông thôn Việt Nam. Trong các thôn đó các “ủy viên Ánh Sáng sẽ đến với dân ở trong thôn, hàng tuần tổ chức các cuộc nói chuyện thân thiện và có ích, những cuộc vui giải trí. Mỗi ủy viên sẽ nhận lấy một gia đình và đi lại thăm nom họ, dậy bảo họ như một người bạn thân.” Ông cho thấy mục đích của phong trào này không phải chỉ là để xây nhà: “Làm nhà không, không đủ, các ủy viên Ánh Sáng sẽ là và phải là những người bạn thân để mãi mãi dìu dắt đám dân nghèo ra khỏi nơi tối tăm.” Chúng ta thấy Nhất Linh có cả một chương trình cải cách xã hội, chứ không phải chỉ xây dựng các thôn Nhà Ánh Sáng.
Nhất Linh đã đánh thức lương tâm của giới trí thức thành thị khi kêu gọi họ coi việc phục vụ dân nghèo là một trách nhiệm, một bổn phận. Ông nói, “Ta không nên nói việc sắp làm là một việc thi ân cho các bạn nghèo. Chúng ta phải tự cho rằng hững hờ với họ là một sự không công bằng, là một tội lỗi nữa. Và ngay từ bây giờ đây, ta phải cố sức để chuộc cái lỗi đó với các bạn nghèo kém trong xã hội.”
Trong bài nói chuyện trên Nhất Linh vẽ ra triển vọng một thời kỳ “Thay đổi toàn diện xã hội cũ” theo “cảnh đời mẫu trong các thôn trại Ánh Sáng.” Ông nhấn mạnh, “sự thực hiện mục đích của Đoàn đã lan ra ngoài phạm vi của đoàn, của chi đoàn ở các tỉnh, các huyện và tràn về tới các làng quê…. Đến lúc đó, cái xã hội cũ của ta đây sẽ hoàn toàn biến thành một xã hội mới, một Xã hội Ánh Sáng.” (bài diễn thuyết đăng lại trên Ngày Nay số 94, 16 tháng Giêng 1938, trang 6, 7).
Nhìn lại các ý tưởng mà Nhất Linh nêu ra như trên, chúng ta thấy ước vọng của ông và cả nhóm Tự Lực Văn Đoàn là tiến tới một phong trào cải cách cả xã hội, bắt đầu bằng hoạt động của Hội Ánh Sáng. Tham vọng này không khác gì chương trình một đảng chính trị hay một tổ chức cải cách xã hội; giải thích sự dấn thân của Tự Lực Văn Đoàn vào các đảng chính trị quốc gia sau này, từ những năm 1940 đến 1946, sau khi tờ báo bị đóng cửa và nhiều nhà văn như Hoàng Đạo, Khái Hưng, họa sĩ Nguyễn Gia Trí bị Pháp bắt giam.
Một cải cách xã hội khác được Hội Ánh Sáng cổ động là nâng cao vai trò của nữ giới trong công việc xã hội. Các tiểu thuyết luận đề của Tự Lực Văn Đoàn đã đưa ra chủ trương nâng cao địa vị phụ nữ trong gia đình. Hội Ánh Sáng thể hiện chủ trương đó trên một bình diện rộng hơn. Trong buổi ra mắt Hội Ánh Sáng ở Hải Phòng kể trên, Bà Nguyễn Thị Phú đã đọc một bài diễn văn nói về hoạt động xã hội "đưa đường chị em đến sự giải phóng.” Bà cổ động: “Các bạn nên ra ngoài xã hội, cùng các bạn trai gánh vác lấy công việc chung…. Các chị em nghèo kém hiện nay đương chìm đắm trong tối tăm, sẽ được các bạn săn sóc thân yêu đến và gia đình các bạn nghèo đó, trong các thôn trại Ánh Sáng, sau đây sẽ là gia đình thứ hai của các bạn.” Bà Vũ Ngọc Phan viết bài thơ khuyên mọi người gia nhập Hội Ánh Sáng, “Chốn thôn ổ bấy lâu tăm tối – Nghĩ dân quê lắm nỗi lầm than;” với kết luận, “Vậy hỡi ai là bạn đồng tâm – Rủ nhau vào hội cho đông…” (Ngày Nay số 106). Trong Ngày Nay số 119, ngày 17 tháng Bảy năm 1938, vẫn còn đăng lời kêu gọi “chị em bạn gái gia nhập” trong các sinh hoạt của hội.
Cuộc diễn thuyết ở Hải Phòng, ngày 13 Tháng Giêng năm 1938 đã lôi kéo được hơn một ngàn người tham dự bên trong Nhà Hát Lớn và nhiều người đứng ngoài. Trong bài tường thuật, Tứ Ly (Hoàng Đạo) kể rằng mấy ngàn người đứng bên ngoài, trong gió lạnh, vẫn kiên nhẫn nghe các bài diễn thuyết đến gần nửa đêm. Vào lúc cuối, khi các hướng đạo sinh cất lời hát, “Giờ đây anh em đứng lên…” thì cả rạp “cất tiếng ầm lên để hưởng ứng” và đưa tay lên “chào nhau theo lối Ánh Sáng (Ngày Nay số 95, ngày 23 tháng Giêng 1938, trang 6, 7). Lối chào Ánh Sáng đã được phát động cho thấy nhóm Tự Lực Văn Đoàn muốn gây một phong trào xã hội. Trên báo Ngày Nay số 92, ngày 2 tháng Giêng 1938, trang 8, có mô tả các cách chào này, với hình vẽ: “Giơ bàn tay lên và xòe thật rộng năm ngón tay như hình mặt trời và năm tia sáng (in nghiêng trong nguyên văn). Lối chào thường: giơ bàn tay ngang tai. Chào ủng hộ: giơ hẳn bàn tay lên cao (lúc đông người).” Dùng một lối chào riêng là một cử chỉ cốt bầy tỏ thái độ dấn thân và ý muốn tham dự vào một phong trào xã hội; chắc do ảnh hưởng của phong trào Hướng Đạo, khi họ chào nhau bằng bàn tay đưa lên, ba ngón tay dựng đứng tượng trưng ba lời hứa Hướng Đạo. Ngoài ra chắc ai cũng biết hình ảnh các cuộc tập họp của thanh niên đảng phát xít ở Ý và quốc xã tại Đức, với lối chào đưa tay lên cao. Vào những năm sau 1945, khi cả xã hội Việt Nam chuyển mình với phong trào đòi độc lập, thoát khỏi ách đô hộ của quân phiệt Nhật và thực dân Pháp, các thanh niên dấn thân cũng được cổ động dùng một lối chào riêng, đưa bàn tay nắm chặt lên ngang tai; một cử chỉ chứng tỏ tinh thần đổi mới. Hội Ánh Sáng dùng một lối chào riêng cho thấy các nhà văn trong Tự Lực Văn Đoàn muốn gây một phong trào xã hội sâu rộng, mặc dù trong thời gian đó họ không chủ trương một đảng chính trị nào.
(Còn tiếp)
Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012
Chân Văn - Nói chuyện Khoa học và Phật giáo tại Làng Mai
Chân Văn
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận đã
thuyết trình trong khóa tu tại Làng Mai về Khoa học và
Phật giáo vào đầu tháng Sáu năm 2012; và sau đó, với
tư cách một nhà khoa học ông đã đặt một số câu hỏi
với Thiền sư Nhất Hạnh về cách nhìn của đạo Phật
đối với một số vấn đề căn bản trong khoa học hiện
đại. Khóa tu tại Làng Mai, ở vùng tây nam nước Pháp
gần thành phố Bordeaux, diễn ra trong 21 ngày, kể từ ngày
1 tháng Sáu năm 2012, quy tụ hơn 900 thiền sinh đến từ
gần 30 quốc gia khác nhau. Ngôn ngữ chính được sử dụng
là tiếng Anh, với tám nhóm thông dịch đồng thời sang
tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, tiếng Ý, tiếng Thái,
tiếng Nhật; tiếng Trung Hoa dịch cho nhiều người đến
từ Singapore, Hồng Kong, Mã Lai, Đài Loan, vân vân; nhóm
đông nhất là những người nghe tiếng Việt và tiếng
Pháp.
Trong bài thuyết trình vào ngày
Chủ Nhật 3 tháng Sáu 2012 tại Xóm Hạ, Làng Mai, ông
Trịnh Xuân Thuận đã nêu lên một số lý thuyết trong
môn vật lý học hiện tại để so sánh với những quan
điểm trong truyền thống Phật giáo. Là một nhà chuyên
khảo về vũ trụ học, Giáo sư Trịnh Xuân Thuận cho biết
Vật lý học đã nhận thấy một số điểm tương đồng
giữa Phật giáo và khoa học. Những điểm “hội tụ”
(convergence) mà ông nhìn ra là tính tương quan và tùy thuộc
vào nhau của mọi hiện tượng vật lý (interdependence);
tính trống rỗng (vacuity, emptiness) của vạn pháp; và tính
vô thường (impermanence). Nhiều khám phá trong khoa học
trong một thế kỷ gần đây đã đưa tới những cách
nhìn giống như quan điểm của đạo Phật từ nhiều ngàn
năm qua. Thí dụ, tính bất khả phân (non-seperability) của
mọi vật; mối liên quan không thể tránh giữa chủ thể
quan sát và đối tượng được khảo sát (tương tức,
tương nhập); vân vân.
Trong khi các bộ môn khoa học sử
dụng lý trí với các phương pháp phân tích toán học và
thí nghiệm để gia tăng hiểu biết có tính chất khách
quan và định lượng của con người về vũ trụ chung
quanh mình, thì Phật giáo là một truyền thống tu tập
với cách nhìn toàn diện theo đuổi mục tiêu trị liệu,
đưa tới giác ngộ toàn diện (enlightenment) chứ không
nhằm hiểu biết thuần túy. Phật giáo không nhìn thế
giới theo lối lưỡng nguyên (tâm và vật) nhưng cũng
không cố chấp vào cách nhìn phi lưỡng nguyên. Từ nhận
định về tính tương lập (interdependence) của mọi vật
và mọi người, Phật giáo đã dẫn tới đức từ bi như
là một cách biểu hiện khác của trí tuệ.
Một ngày sau cuộc thuyết trình
trên, Giáo sư Trịnh Xuân Thuận đã đặt với Thiền sư
Thích Nhất Hạnh một số thắc mắc của một nhà khoa
học để tìm hiểu cách giải đáp của Phật Giáo. Thứ
nhất là Phật giáo yêu cầu phải vượt qua những chướng
ngại do sự hiểu biết gây ra, một điều khác với khảo
hướng của khoa học là luôn luôn dựa trên những hiểu
biết đã có để đi tìm các hiểu biết mới. Thứ hai là
quan điểm Phật giáo về trình độ ý thức (consciousness)
của loài người so sánh với các sinh vật khác, với vật
chất vô sinh, cho tới các hạt nhân. Khoa học, kể từ
Einstein, đã nhìn ra thời gian chỉ là một kích thước
mới của không gian, điều này tư tưởng đạo Phật đã
nhận định ra sao. Điểm sau cùng là theo quan điểm Phật
giáo, mọi vật đều là do biểu hiện của tâm thức, thì
như vậy có một thế giới hoàn toàn vật chất ở ngoài
hay không? Thiền sư Nhất Hạnh đã trình bầy cách nhìn
của Phật giáo trước các vấn đề trên, dựa trên sự
phân biệt “sự thật tương đối” (tục đế) và “sự
thật tuyệt đối” (chân đế) trong truyền thống Phật
giáo. Các độc giả quan tâm có thể tìm trong website của
Làng Mai (langmai.org hoặc plumvillage.org).
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận là tác
giả nhiều cuốn sách được phổ biến rất rộng khắp
thế giới về đề tài vũ trụ học. Ông cũng viết chung
với Matthieu Ricard, một tăng sĩ người Pháp tu theo truyền
thống Tây Tạng, cuốn L'Infini dans la paume de la main
(Vũ trụ trong lòng bàn tay), về tương quan giữa
khoa học và đạo Phật. Matthieu Ricard vốn là một nhà
nghiên cứu về thần kinh học tại Trung Tâm Quốc gia
Nghiên cứu Khoa học nước Pháp (CNRS, Centre National de
Recherches Scientifiques) trước khi đi tu.
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận (áo xanh, thứ hai từ phải) tiếp xúc với thính chúng sau bài thuyết trình về Khoa học và Phật Giáo tại Làng Mai (Hình của Như Trang)
Hội tụ giữa Khoa học và Đạo Phật
Tựa đề cuốn sách trên, Giáo sư Trịnh Xuân Thuận cho biết, là do câu thơ thứ ba trong đoạn đầu bài thơ Auguries of Innocence của William Blake:
To see a world in a grain of sand,
And a heaven in a wild flower,
Hold infinity in the palm of your hand,
And eternity in an hour.
Khi cuốn sách này được dịch sang tiếng Anh, ấn hành năm 2001, nhà xuất bản đã đề nghị đổi tựa: Lượng Tử và Hoa Sen, The Quantum and the Lotus cho dễ phổ biến hơn.
Bài thuyết trình của Giáo sư
Trịnh Xuân Thuận đối chiếu giữa quan điểm Phật Giáo
về vũ trụ và nhân sinh với các hiểu biết khoa học để
nêu ra những tương đồng giữa hai bên; ông đặt tựa
là, Science and Buddhism: A Meeting of the Mind (Khoa học
và Phật Giáo: Cuộc Gặp gỡ tại Tâm).
Tương
Tức
Một điểm được nêu lên đầu
tiên là tính chất tương tức, tương lập (interdependence)
của “vạn pháp,” tức là sự liên quan chằng chịt
giữa mọi hiện tượng vật lý và tâm lý, theo lối nhìn
của Phật Giáo. Trong khoa học, Trịnh Xuân Thuận nhắc
đến một hiện tượng được nêu lên trong một bài do
Boris Podolsky viết được in năm 1935 ký tên
Einstein-Podolsky-Rosen (EPR), để thách thức Vật lý học
Lượng tử (Quantum Physics). Vấn đề được nêu lên liên
hệ tới hiện tượng vật lý trong phạm vi cực nhỏ bên
trong các nguyên tử, gọi là những “hạt dính líu”
(entangled particles).
Nhiều nguyên tử bị kích thích
phát ra hai hạt pho ton (photons) đi về hai phía khác nhau.
Những pho ton này có đặc tính nếu một cái bị kích
thích để xoay thì cái thứ hai cũng xoay theo một chiều
thẳng góc với cái thứ nhất, dù ở cách xa hàng ngàn
dặm cũng vậy. Một cách giải thích hiện tượng này
theo Cơ học Lượng tử, coi như hai hạt pho ton đã “thông
tin” được với nhau, sẽ trái nghịch với Thuyết Tương
Đối của Einstein vì không có thông tin nào có thể đi
nhanh hơn tốc độ ánh sáng. Do đó Einstein kết luận Cơ
học Lượng tử không giải thích được đầy đủ các
hiện tượng vật lý và đề nghị một lối giải thích
khác. Các cuộc nghiên cứu và thí nghiệm sau này cho thấy
lối giải thích của EPR cũng không đứng vững; thí dụ,
cuộc thí nghiệm của Alain Aspect năm 1982 về những cặp
pho ton cho thấy Einstein không đúng. Hiệu ứng “Hạt Dính
Líu” đã được dùng trong kỹ thuật thông tin và trong
máy vi tính dựa trên hiện tượng này, khi kích thích một
pho ton có thể gây phản ứng của một pho ton khác dù
cách nhau vạn dậm, giúp cho máy vi tính lượng tử chạy
nhanh hơn các máy vi tính bình thường.
Khám phá “mọi hiện tượng
dính líu với nhau” như trên tương đồng với quan niệm
Phật Giáo trong các kinh điển Đại Thừa, như kinh Hoa
Nghiêm đã diễn tả tính tương tức, tương nhập của
vạn pháp. Một đoạn trong Đệ Nhất Nghĩa Không Kinh
(The Discourse on the Emptiness in its Ultimate Meaning) được
thuyết giảng trong khóa tu tại Làng Mai lần này, viết:
“thử hữu cố bỉ hữu; thử khởi cố bỉ khởi, …”
(có cái này nên mới có cái kia, cái này dấy lên nên cái
kia dấy lên).
Theo Phật Giáo thì mỗi vật đều
do các “nhân duyên” khác nó tạo thành, tất cả mọi
vật, mọi hiện tượng là nhân duyên lẫn của nhau
(mutual causation). Hệ luận của quan niệm này là tính
tương lập của “vạn pháp,” không có cái gì tự làm
nguyên nhân duy nhất của chính nó. Một hệ luận khác là
thực tại (reality) trong vũ trụ có tính toàn thể không
thể phân chia được. Vật lý học hiện đại cũng tiến
tới một quan điểm tương tự. Như ông Trịnh Xuân Thuận
nói một cách văn vẻ: Vũ trụ Vật lý học hiện đại
(Astrophysics) cho thấy là tất cả chúng ta chỉ là những
hạt bụi của các vì sao; chúng ta có cùng một lịch sử
trong vũ trụ giống như các loài hoa cỏ, các sinh vật
khác. Trong thời gian và không gian, tất cả chúng ta tương
lập với nhau. Thông điệp chính yếu của khoa học, đặc
biệt của cơ học lượng tử, là có một thực tại sâu
xa hơn những gì mà giác quan của chúng ta nhận thấy, một
thực tại ẩn tàng.
Khoa học đã gặp Phật Giáo
trong lối nhìn này; nhưng sử dụng các khảo hướng khác
nhau. Khoa học dùng “ngôn ngữ” toán học và dùng thí
nghiệm thực tế để kiểm chứng. Phật Giáo dùng trực
giác và kinh nghiệm tâm linh. Nếu không có khoa học thì
Phật Giáo vẫn tồn tại; mà nếu không có Phật Giáo thì
khoa học vẫn được phát triển. Người ta không cần
phải ràng buộc cả hai lại bằng bất cứ giá nào. Điều
chúng ta muốn hiểu là thấy được tính tương đồng
nhất quán của hai bên. Cả hai đều nói về một đối
tượng là thực tại, và mỗi bên đều có tính chất
nhất quán (coherent) trong phạm vi của mình; thế nào cũng
có thể so sánh để thấy những điểm hội tụ giữa
khoa học và Phật Giáo.
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận cũng
phân biệt: Mục đích của Phật Giáo có tính chất trị
liệu (therapeutic): Làm sao để sống tốt đẹp hơn, mục
tiêu sau cùng là giác ngộ. Trong khi đó khoa học nhằm tìm
hiểu thế giới, khám phá các định luật chi phối cả
vũ trụ, những luật coi là bất biến trong vũ trụ, khiến
người ta thấy vũ trụ có một thứ trật tự, một hòa
điệu và vẻ đẹp trong vũ trụ; chứ không phải chỉ là
một mớ hỗn độn (chaos). Trịnh Xuân Thuận là tác giả
các cuốn sách mang tên Giai điệu huyền bí (La Mélodie
Secrète), Hỗn mang và Hòa điệu (Le Chaos et
l'Harmonie).
Einstein, cũng như nhiều nhà khoa học khác, trong đó có những người khám phá cơ học lượng tử, đều nói rằng Phật Giáo là một tôn giáo có khả năng phù hợp với khoa học nhất. Thí dụ, trong khoa học người ta biết là ánh sáng vừa là những hạt nhân, vừa là sóng. Làm sao một thứ có thể là hai dạng hoàn toàn khác nhau như vậy? Trong truyền thống tư tưởng Tây phương, lối nhìn này không thể nào hiểu được. Nhưng Phật Giáo có thể chấp nhận lối nhìn đó; bởi vì theo Phật Giáo thì mọi vật đều không có tự tánh, cho nên có thể là cái này mà cũng là cái khác hẳn.
Tính Không
Einstein, cũng như nhiều nhà khoa học khác, trong đó có những người khám phá cơ học lượng tử, đều nói rằng Phật Giáo là một tôn giáo có khả năng phù hợp với khoa học nhất. Thí dụ, trong khoa học người ta biết là ánh sáng vừa là những hạt nhân, vừa là sóng. Làm sao một thứ có thể là hai dạng hoàn toàn khác nhau như vậy? Trong truyền thống tư tưởng Tây phương, lối nhìn này không thể nào hiểu được. Nhưng Phật Giáo có thể chấp nhận lối nhìn đó; bởi vì theo Phật Giáo thì mọi vật đều không có tự tánh, cho nên có thể là cái này mà cũng là cái khác hẳn.
Tính Không
Vật lý học hiện đại cũng
chia sẻ với Phật Giáo trong cách nhìn thấy tính chất
trỗng rỗng của vạn vật, gọi là Tính Không. Vật chất
do các nguyên tử tạo thành, mà trong các nguyên tử có
thể nói là trống rỗng, với những hạt vận chuyển.
Thuyết Cơ học Lượng tử cho biết: Những hạt này, căn
bản của mọi vật chất, có hai đặc tính; một là hạt
và hai là sóng. Trước khi đem các dụng cụ để quan sát,
mỗi hạt chỉ có thể được mô tả bằng một xác suất.
Điều duy nhất mà chúng ta có thể biết và nói về một
hạt là nó có một xác suất sẽ hiện ra ở một chỗ
này hay chỗ khác. Khi chúng ta dùng khí cụ để đo lường,
sẽ thấy mỗi hạt có một vị trí và một tốc độ,
nhưng bị giới hạn bởi Nguyên lý Bất định của
Heisenberg: Không thể thấy cả hai đặc tính đó cùng một
lúc một cách chắc chắn. Trong phạm vi nghiên cứu nhỏ
bên trong các nguyên tử, hành động của người quan sát
sẽ ảnh hưởng ngay đến vật được quan sát.
Khoa học hiện đại còn chưa
biết thật sự vật chất trong vũ trụ này nó thế nào,
chúng ta chỉ biết được khoảng 4% về vũ trụ, còn 96%
không biết. Những gì chúng ta nhìn thấy trên các giải
ngân hà sáng trong bầu trời chỉ là nửa phần trăm của
vũ trụ. Tất cả còn là một “giai điệu huyền bí. Các
nhà vật lý học đã nói đến giả thuyết có một “năng
lượng tối” gây ra sự thành hình của vũ trụ, trong đó
một phần là một chất có trọng lực rất mạnh nhưng
không phát ra một “ánh sáng” nào có thể trông thấy
được, mà người ta gọi là “vật chất tối.” Chúng
ta chưa biết gì về vật chất đen cũng như năng lượng
đen (hay tối) cả; chỉ biết là nếu không có nó thì khó
giải thích sự phát sinh và tồn tại của vũ trụ.
Các nhà khoa học chưa biết đâu
là biên giới nơi vũ trụ lớn gặp vũ trụ vi tiểu trong
đó các hạt và sóng lượng tử do nguyên lý bất định
ngự trị, mà ra đến vũ trụ vĩ đại thì nguyên lý đó
không còn hiệu lực. Mỗi ngày các nhà nghiên cứu vẫn
tiếp tục đẩy biên giới của thế giới lượng tử ra
xa hơn, mở ra những chân trời mới.
Tất cả vật chất như trong
chính cơ thể chúng ta đều bắt đầu được tạo nên từ
khi các vì sao phát sinh trong vũ trụ. Từ gần 4 tỷ năm
trước, những hạt bụi tinh cầu đó đã biến chuyển
tạo ra những nguyên tố đầu tiên của sự sống, rồi
tiến hóa dần đến loài người. Tổ tiên của tất cả
chúng ta và các sinh vật khác là các vì sao; lịch sử vũ
trụ cũng chính là tiểu sử của chúng ta. Tất cả bắt
đầu trước đây 14 tỷ năm, đưa tới sự xuất hiện
của loài người. Tìm hiểu vũ trụ chính là đi tìm lại
gia phả của chúng ta; quán sát các thiên hà cũng là nhìn
vào chính bản thân mình.
Chúng ta có thể quan sát được
hàng trăm tỷ thiên hà như giải Ngân Hà, mỗi thiên hà
chứa hàng trăm tỷ các vì sao giống như mặt trời. Nếu
mỗi vì sao đó có chừng mươi hành tinh giống như trái
đất thì chúng ta thấy ngay là không thể nghĩ rằng trái
đất nơi ta sống là hành tinh duy nhất có sự sống. Chắc
phải có cuộc sống với trí thông minh ở ngoài trái đất,
họ cũng đang quán sát vũ trụ như chúng ta. Einstein, một
thần tượng của tôi, Trịnh Xuân Thuận, phải lấy làm
ngạc nhiên tại sao con người lại có khả năng tìm hiểu
cả vũ trụ; ông coi đó là “một điều khó hiểu nhất!”
Vô Thường
Một quan niệm căn bản trong
truyền thống Phật Giáo là tính Vô Thường (impermanence)
của vạn pháp, mọi sự vật, mọi hiện tượng. Trước
đây, khoa học Tây phương đã bị ràng buộc trong nhiều
thế kỷ với khái niệm từ thời cổ Hy Lạp về tính
bất biến của các hiện tượng thiên văn; vì Aristote nói
rằng cái gì thuộc về loài người thì thay đổi, phù
du; còn thế giới các thần linh, như các vì sao trên bầu
trời thì vĩnh cửu và không bao giờ thay đổi, bởi vì
các vị thần linh đều hoàn hảo tuyệt đối. Vì vậy,
vào ngày 4 tháng Bẩy năm 1054, ban đêm trên bầu trời
xuất hiện một thiên thể hoàn toàn mới sáng rực, nó
sáng như Kim Tinh, Vénus, ngay cả ban ngày mắt
thường cũng nhìn thấy, và kéo dài hàng mấy tuần
lễ liền; nhưng các nhà thiên văn tài giỏi ở Âu Châu
thời đó không hề ghi nhận họ thấy “ngôi sao” mới
này trong niên biểu thiên văn học đương thời. Bởi vì
theo quan niệm của họ thì bầu trời của các vị thần
linh là bất biến. Thiên thể trên, có nguồn gốc là
phần còn lại của một vụ nổ sao mà ngày nay chúng
ta gọi là "Tinh vân Cua."
Trong thời gian đó thì ở Trung Hoa người ta đã ghi
nhận sự xuất hiện của “ngôi sao” này, và họ đặt
tên là “Sao Khách.” Di tích khảo cổ cho thấy người
Maya ở Mỹ châu cũng ghi nhận hiện tượng thiên văn này.
Các nhà khoa học Âu Châu thời Trung Cổ tin tưởng ở lý
thuyết vũ trụ bất biến của Aristote hơn là tin vào
chính mắt của họ. Mãi đến thời Copernic, năm 1543, mới
thuyết phục được các nhà khoa học là vũ trụ có tính
vô thường.
Vũ trụ luôn biến chuyển, không
bao giờ ngưng. Các vì sao cũng sinh ra, tàn lụi, rồi chết
đi như tất cả chúng ta, nhưng cuộc đời của một vì
sao dài tính bằng hàng tỷ năm chứ không ngắn như đời
chúng ta. Phật Giáo theo quan điểm vô thường. Như chúng
ta nghĩ đang “ngồi yên” trong thiền đường này thì
thực ra chúng ta đang vận chuyển theo trái đất chung
quanh mặt trời với vận tốc 30 km một giây đồng hồ;
mà mặt trời cũng đang vận chuyển 220 km một giây quanh
trung tâm của Ngân Hà; và chính thiên hà này cũng đang tự
quay với tốc độ 90 km mỗi giây ở nơi chúng ta đang
sống. Tất cả đều vận chuyển, tất cả đều thay đổi,
đó cũng là quan niệm vô thường trong Phật Giáo.
Tôn
giáo của tương lai
Ông Trịnh
Xuân Thuận nhận xét, khoa học chỉ là một cửa sổ để
chúng ta nhìn thế giới. Muốn hiểu biết thực tại chúng
ta phải nhìn qua nhiều cửa khác. Phật Giáo phân biệt
hai loại sự thật, tục đế là những sự thật tương
đối, chân đế là sự thật tuyệt đối. Khoa học vẫn
cố tìm đến sự thật tuyệt đối nhưng chưa tới được.
Mỗi lần nhà khoa học giải đáp được một câu hỏi
thì hàng ngàn câu hỏi khác hiện lên. Nếu dùng kinh
nghiệm tâm linh đạt tới “giác ngộ,” chúng ta có hy
vọng nhìn thấy sự thật. Nếu không, vẫn là một “giai
điệu huyền bí.” Ông nghĩ rằng khoa học không thôi
không thể mô tả đầy đủ sự thật; khoa học không quá
tự cao như vậy. Kinh nghiệm tâm linh là con đường khác
bổ túc cho khoa học. Dù theo hai hệ thống lý luận khác
nhau, Phật Giáo và Khoa học Vũ trụ đã gặp gỡ trên
nhiều điểm. Những nguyên lý Phật Giáo như tính tương
lập (interdépendance) của mọi sự vật, tất cả đều
liên hệ với nhau và có duyên nhân quả với nhau (mutual
causality), về tính không (vacuity) và tính vô thường
(impermanence) của vạn pháp, đều tương đồng với kết
luận của các nhà nghiên cứu khoa học vũ trụ.
Tính tương lập của mọi vật
trong vũ trụ giúp chúng ta suy nghĩ để thấy hạnh phúc
của mỗi người tùy thuộc vào mọi người khác và cả
vạn vật chung quanh. Từ đó, chúng ta phát khởi lòng từ
bi và ý thức phải bảo vệ các sinh vật cũng như những
vật vô sinh trong môi trường sống. Mỗi người không thể
hạnh phúc nếu người chung quanh không hạnh phúc. Đó là
điều mà các tôn giáo đều dậy chúng ta.
Cuối bài thuyết trình, Giáo sư
Trịnh Xuân Thuận đã đọc cho thính chúng nghe một câu
của Albert Einstein nói về tôn giáo thường được trích
dẫn, “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo vũ
trụ. Phải là một tôn giáo dựa trên thực chứng (based
on experience) và từ bỏ tính cách giáo điều (refuses
dogmatic). Nếu có một tôn giáo đáp ứng được nhu cầu
khoa học hiện đại, thì đó là Phật Giáo (If
there is any religion that would cope with modern scientific needs it
would be Buddhism).
Giới
thiệu
Trước buổi thuyết trình, Giáo
sư Trịnh Xuân Thuận đã được
một vị tăng sĩ tại Làng Mai giới thiệu với đại
chúng. Ông sinh năm 1948 tại Hà Nội, đậu Tú tài năm
1966, rồi học một năm tại l’Ecole Polytechnique de
Lausanne, Thụy Sĩ. Sau đó ông đã theo học các đại học
có tiếng tại Hoa Kỳ, California Institute of Technology
(Caltech), và Đại học Princeton, nơi đã trao bằng Ph.D.
cho ông vào năm 1974, về môn Vật lý học Vũ trụ
(astrophysics), dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Lyman
Spitzer, người sáng chế viễn vọng kính Hubble. Từ năm
1996 ông là giáo sư Vật lý Vũ trụ tại Đại học
University of Virginia tại Charlottesville. Ông cũng là giáo sư
Đại học Paris 7, làm việc tại Thiên văn đài Meudon, tại
IAP (Institut d’astrophysique de Paris) và Trung tâm Nghiên cứu
Khoa học (CNRS) của nước Pháp. Ông đã viết trên 230 bài
tường trình khảo cứu trên đề tài chuyên khảo là sự
hình thành và tiến hóa của các thiên hà (galaxies); về
sự tạo lập vũ trụ theo lý thuyết “Vụ Nổ Lớn”
(Big Bang). Một đóng góp của ông được giới khoa học
thảo luận với lòng thán phục là việc ông khám phá
thiên hà “trẻ nhất” trong vũ trụ, mang ký hiệu I
Zwicky 18. Ông là một trong số người sáng lập Hội Quốc
tế Khoa học và Tôn giáo (International Society for Science and
Religion).
Là một người viết rất nhiều sách phổ thông về
Vật lý học Vũ trụ; tại Đại học Virginia ông Trịnh
Xuân Thuận cũng dậy một lớp mang tên là “Vật lý
học Vũ trụ cho các Thi sĩ.” Ông đã xuất bản các
tác phẩm phổ biến khoa học cho đại chúng, viết
bằng tiếng Pháp với một lối văn nhuần nhã, điêu
luyện, đầy thi vị, chính xác và trong sáng dễ hiểu.
Các tác phẩm của ông đã được dịch ra nhiều thứ
tiếng trên thế giới, được các tổ chức văn hóa
quốc tế vinh danh. Năm 2007 ông xuất bản cuốn Les
voies de la lumière, được trao Giải Moron của cựu
Tổng thống Jacques Chirac. Năm 2009, tại Hội nghị Khoa
học Ấn Độ (Indian Science Congress) kỳ thứ 99 tại
Bhubaneswar, ông được UNESCO trao tặng Giải Kalinga Năm
2012, ông được Học Viện Pháp Quốc (Institut de
France) trao Giải Hoàn Cầu (Prix Mondial) Cino Del Duca. Đây
là một giải hưởng văn chương rất uy tín, khi chúng
ta biết trong số những người được trao giải gần
đây có các nhà văn Mario Vargas Llosa (2008), Milan Kundera
(2009) và Patrick Modiano (2010). |
Giáo sư Trịnh
Xuân Thuận đã xuất bản các sách bằng tiếng Pháp sau
đây: La Mélodie secrète (Fayard, 1988); Un astrophysicien
(Beauchesne-Fayard, 1992), tự thuật; Le Destin de l'Univers –
Le Big Bang et après (Découvertes Gallimard, 1992); Le Chaos et
l'Harmonie (Fayard, 1998); L'Infini dans la paume de la main
(Nil/Fayard 2000, cùng với Matthieu Ricard); Origines, (Fayard,
2003); Les voies de la lumière (Fayard, 2007).
Chân Văn
(Đỗ Quý Toàn)
tường thuật
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)