Hiển thị các bài đăng có nhãn Ðỗ Dzũng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Ðỗ Dzũng. Hiển thị tất cả bài đăng
Thứ Ba, 3 tháng 7, 2018
Ðỗ Dzũng/Người Việt: Ca sĩ Tâm Vấn, hiền thê Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế, qua đời
Ca sĩ Tâm Vấn. (Hình: Cắt từ clip/Youtube)
Ca sĩ Tâm Vấn, hiền thê của Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế, vừa qua đời lúc 9 giờ tối (giờ địa phương) Thứ Ba, 3 Tháng Bảy, tại Sài Gòn, hưởng thọ 85 tuổi.
Tin này được nhạc sĩ Hoàng Trọng Thụy, con trai của bà, xác nhận với nhật báo Người Việt.
Nhạc sĩ cho biết, thân mẫu ông tên thật là Dương Thị Vân, sinh ngày 16 Tháng Bảy, 1933 tại Hà Nội, và bà qua đời vì tuổi già.
Tên tuổi của ca sĩ Tâm Vấn một thời được biết đến trong các buổi phát sóng của đài phát thanh Hà Nội, đài phát thanh Pháp Á, đài vô tuyến Việt Nam, qua các nhạc phẩm như Thu Vàng, Mơ Hoa, Ngày Về, và Gái Xuân.
Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế là một trong những lãnh đạo Mặt Trận Dân Tộc Tiến Bộ và Cao Trào Nhân Bản Việt Nam, và hiện đang sống ở Sài Gòn.
Theo Wikipedia, tên Dương Thị Vân của cố ca sĩ bị húy kỵ với người trong họ ngoại, nên gọi trại đi là Vấn. Khi đi học bị các bạn chọc ghẹo vì tên nghe như “vấn thuốc lá,” nên Vấn đề nghị bạn bè gọi mình là “Tâm,” một cái tên mà bà yêu thích.
Sau này, khi chọn nghệ danh thì hai chữ Tâm và Vấn đã có sẵn nên tên họ trên giấy tờ về sau cũng theo đó mà được cải lại.
Thứ Năm, 21 tháng 12, 2017
Đỗ Dzũng: Nhà văn Huy Trâm qua đời, hưởng thọ 80 tuổi
Nhà văn Huy Trâm. (Hình tài liệu của gia đình Huy Trâm)
Đỗ Dzũng/Người Việt
Nhà văn Huy Trâm, một văn nghệ sĩ được nhiều người biết đến ở Little Saigon, vừa qua đời lúc 7 giờ 10 phút tối Thứ Ba, 20 Tháng Mười Hai, 2017, tại bệnh viện Garden Grove, hưởng thọ 80 tuổi.

Nhà văn Huy Trâm ký tặng sách
trong lần ra mắt tác phẩm thứ 28 ‘Nhờ Có Thương Ðau’
hồi năm 2013. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Cô Nguyễn Học Đức, trưởng nữ của nhà văn Huy Trâm, cho nhật báo Người Việt biết: “Ba tôi bệnh cũng ba tuần nay rồi, ra vào bệnh viện Fountain Valley vài lần. Sau đó, ông được chuyển sang bệnh viện ở Garden Grove, và ra đi.”
Nhà văn Huy Trâm tên thật là Nguyễn Hồng Nhuận Tâm, sinh ngày 23 Tháng Chín, 1937 tại Thái Bình, theo cô Đức cho biết.
Theo nhà báo Nguyên Huy, nhà văn Huy Trâm có tới 28 tác phẩm, tám cuốn trước 1975 và 20 cuốn ở hải ngoại sau 1975, trong đó một cuốn được trao Giải Thưởng Văn Chương Toàn Quốc năm 1969, cuốn biên khảo “Những hàng châu ngọc trong thi ca hiện đại.”
Thứ Năm, 7 tháng 12, 2017
Đỗ Dzũng/Người Việt (tổng hợp): Jerusalem: Địa danh tôn giáo phức tạp ở Trung Đông
Dome of the Rock, một di tích lịch sử thiêng liêng ở Thành Cổ.
(Hình: Ahmad Gharabli/AFP/Getty Images)
Hôm Thứ Tư, 6 Tháng Mười Hai, Tổng Thống Donald Trump tuyên bố Hoa Kỳ chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Đứng cùng Phó Tổng Thống Mike Pence trong Tòa Bạch Ốc, ông Trump tuyên bố: “Hôm nay, cuối cùng chúng ta thừa nhận một sự hiển nhiên: Jerusalem là thủ đô của Israel. Điều này không hơn mà cũng không kém sự thừa nhận một thực tế. Đó cũng là một hành động đúng.”
Thứ Ba, 11 tháng 4, 2017
Đỗ Dzũng/Người Việt: Nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh, tác giả bức ảnh Vá Cờ, qua đời
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh và tác phẩm “Vá Cờ.”
(Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
(Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh, tác giả bức ảnh nổi tiếng Vá Cờ (VNCH) vừa qua đời lúc 5 giờ 30 sáng Thứ Ba, 11 Tháng Tư, tại San Jose Healthcare and Wellness Center, hưởng thọ 90 tuổi. Nhiếp ảnh giả Tô Anh Tuấn, một học trò của ông Hạnh, xác nhận với nhật báo Người Việt.
Ông Nguyễn Ngọc Hạnh được coi là một nhiếp ảnh gia lỗi lạc của VNCH với nhiều giải thưởng quốc tế, và nổi tiếng nhất với tác phẩm “Vá Cờ,” sau khi ông định cư tại Hoa Kỳ như nhắc nhở lại ký ức và những hoài bão, hy vọng của ông về lá cờ VNCH, cho người Việt tị nạn hải ngoại.
Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014
Linh Nguyễn & Ðỗ Dzũng/Người Việt - Quốc hội California lần đầu tiên có Thượng nghị sĩ gốc Việt
Bầu cử Ðịa Hạt 34: Janet Nguyễn thắng với 62% số phiếu
SANTA ANA, California (NV) - “40 năm rồi cộng đồng chúng ta mới làm nên lịch sử ngày hôm nay,” Giám Sát Viên Janet Nguyễn cảm động tuyên bố, khi kết quả của Cơ Quan Bầu Cử Orange County cho thấy bà dẫn trước đối thủ Jose Solorio 62% so với 38% vào lúc 10 giờ tối Thứ Ba, 4 Tháng Mười Một, tại nhà hàng Azteca Mexican Restaurant, Garden Grove.
Ðây là lần đầu tiên Hoa Kỳ có một thượng nghị sĩ tiểu bang gốc Việt.
![]() |
Giám Sát Viên Janet Nguyễn (trái) và Luật Sư Andrew Ðỗ cùng mừng chiến thắng. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt) |
Bà nói tiếp: “Ðây là cuộc bầu cử gay go nhất trong đời tôi. Ðây là David đối chọi với Goliath, và David đã chiến thắng. Ðây là chiến thắng của cộng đồng Việt Nam chúng ta, không phải của riêng cá nhân tôi. Kết quả cuộc bầu cử này cho thấy cử tri Ðịa Hạt 34 muốn thay đổi tiểu bang California.”
Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014
Ðỗ Dzũng - 'Sửng sốt' Hồng Kông
Phải nói là tôi vô cùng sửng sốt trong sáu ngày công tác làm phóng sự biểu tình ở Hồng Kông vì tính cách và sự văn minh của người dân ở đây.
Một du khách ủng hộ “Cuộc Cách Mạng Dù” (Umbrella Revolution) ở khu Mong Kok, Hồng Kông. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)
Tôi cùng nhà báo Ðinh Quang Anh Thái được nhật báo Người Việt cử đến vùng cựu thuộc địa của Anh một cách bất ngờ, chỉ có sáu tiếng đồng hồ chuẩn bị trước khi lên máy bay.
Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014
Ðinh Quang Anh Thái và Ðỗ Dzũng - Sinh viên Hồng Kông ‘không sợ Thiên An Môn’
Phóng sự từ Hồng Kông
HỒNG KÔNG (NV) – Các sinh viên Hồng Kông tham dự biểu tình đòi dân chủ cho biết họ “không sợ Thiên An Môn.”
Có mặt ngay tại trung tâm tài chánh Hồng Kông hôm 2 Tháng Mười, anh Sunny Young, sinh viên tiếp thị Đại Học Hồng Kông, nói với phóng viên nhật báo Người Việt rằng: “Chúng tôi không sợ sự kiện như ở Thiên An Môn xảy ra. Nếu sợ, chúng tôi không có mặt ở đây.”
Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013
Linh Nguyễn & Ðỗ Dzũng - Nhạc sĩ Việt Dzũng qua đời, mất mát lớn của văn nghệ hải ngoại
Linh Nguyễn & Ðỗ Dzũng/Người Việt
Ca nhạc sĩ Việt Dzũng đột ngột qua đời vì bệnh tim
tại bệnh viện Fountain Valley sáng Thứ Sáu, 20 Tháng Mười Hai, hưởng dương 55
tuổi, làm nhiều người, cả đồng hương, đồng nghiệp và bạn bè, bàng hoàng, thậm
chí nhiều người không tin là sự thật.
Cố ca nhạc sĩ Việt Dzũng. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
Có thể nói, sự ra đi của người nhạc
sĩ tài hoa này làm chấn động cộng đồng người Việt tị nạn không chỉ tại Little
Saigon mà còn ở khắp nơi trên thế giới.“Ðây là một mất mát lớn lao cho đài
Radio Bolsa, giới truyền thông, giới nghệ sĩ, nói riêng, và cho cộng đồng người
Việt tị nạn, nói chung,” ông Nguyễn Chí Thiện, giám đốc đài phát thanh Radio
Bolsa, nơi nhạc sĩ Việt Dzũng làm việc hàng ngày từ gần 20 năm qua, nói với
phóng viên nhật báo Người Việt.
“Mới hôm qua, Việt Dzũng gọi điện
thoại xin nghỉ bệnh. Hôm nay mẹ của Việt Dzũng gọi vào đài, không gặp anh và bà
đến nhà anh thì được biết anh đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu từ sáng,” ông
Thiện nói thêm.
Ngoài Bolsa Radio, nhạc sĩ Việt
Dzũng còn làm việc cho đài truyền hình SBTN và Trung Tâm Asia trong gần 20 năm
qua.
Nhạc sĩ Trúc Hồ, tổng giám đốc đài
truyền hình SBTN kiêm giám đốc nghệ thuật Trung Tâm Asia, không cầm được nước
mắt, nói với nhật báo Người Việt bằng giọng xúc động: “Khi nhận hung tin, tôi
chưa chấp nhận sự thật. Cho tới khi vào bệnh viện, thấy Việt Dzũng nằm đó, mới
biết bạn mình thật sự đi rồi. Trong gần 20 năm qua, phải nói rằng nếu không có
Việt Dzũng thì SBTN và Asia không được như ngày hôm nay. Ðối với tôi, Việt
Dzũng vừa là người bạn, người anh, và đồng nghiệp. Sự ra đi của anh quá đột
ngột. Chúng ta mất một người rất tài hoa.”
“Ðiều mà tôi nhớ nhất là Việt Dzũng
rất thương 'đàn em' như ca sĩ và xướng ngôn viên, những người được anh đào tạo
khi mới vào nghề,” nhạc sĩ Trúc Hồ nói tiếp. “Anh làm cho người khác nhiều và
sống vì người khác nhiều lắm. Tôi nhớ anh nhất là những lần sang trại tị nạn
quay phim, dù chân anh bị tật, đi lại khó khăn, nhưng anh vẫn cứ lướt tới,
không bao giờ chùn bước.”
Nhà báo Khanh Nguyễn, giám đốc Ban
Việt Ngữ đài phát thanh Á Châu Tự Do, chia sẻ: “Trong 30 năm làm việc chung với
Việt Dzũng, qua các chương trình trên hai đài phát thanh Little Saigon Radio và
Radio Bolsa, phải nói là chúng tôi thân nhau như anh em ruột. Tôi nhớ gặp Việt
Dzũng lần đầu năm 1980 ở Washington, DC. Trước đó, tôi từng nghe những bản nhạc
do anh sáng tác. Tôi nhớ hôm đó Việt Dzũng nói với tôi: 'Trước giờ anh nghe
những bản nhạc của em rồi, nhưng do người khác hát. Hôm nay anh sẽ được nghe
những bản nhạc đó, nhưng bằng chính giọng của em.'”
“Khi rời đài Little Saigon Radio và
ra mở đài Radio Bolsa, Việt Dzũng có mời tôi cộng tác tiếp và nói 'anh đừng bao
giờ bỏ em nhé.' Nhưng hôm nay, thì Việt Dzũng đã bỏ tôi rồi,” nhà báo Khanh
Nguyễn chia sẻ tiếp. “Rất nhiều người hôm nay đến bệnh viện hỏi tôi 'Có thật là
Việt Dzũng ra đi?' Nhiều người không tin vào hung tin này.”
Ông Nguyễn Hữu Công, giám đốc chương
trình của Little Saigon Radio ở Westminster, từng làm việc chung với cố ca nhạc
sĩ Việt Dzũng trong những năm đầu tiên khi đài mới thành lập.
Ông chia sẻ: “Phải nói đây là một
mất mát lớn cho cộng đồng, cho phong trào nhân quyền và dân chủ cho Việt Nam.
Việt Dzũng rất tích cực, một tiếng nói được nhiều người tin cậy.”
“Về mặt phát thanh, anh là một người
đa tài, và là người đầu tiên trình bày tin tức theo phong cách của người Mỹ,”
ông Công nói tiếp. “Hồi bên Việt Nam, thế hệ chúng tôi được huấn luyện đọc tin
rất trịnh trọng. Nhưng khi Phạm Long, Minh Phượng và Việt Dzũng ngồi chung, thì
chính Việt Dzũng là người trình bày bản tin thoải mái, có tiếng cười, từ đó,
ngành phát thanh có thay đổi.”
Ông Nguyễn Hữu Công cho rằng, trong
ngành truyền thông, ca nhạc sĩ Việt Dzũng là một nhà báo hơn là một xướng ngôn
viên đọc tin tức, vì “anh biết tìm tòi tin tức và gởi đến thính giả một cách
nhanh nhất.”
Nhà báo Phạm Long, hiện đang làm
việc cho đài truyền hình Vietnam America 57.3, tâm sự: “Tôi rất ngậm ngùi khi
hay tin, vì Việt Dzũng là một người làm việc rất chuyên nghiệp. Dù tôi ở trong
nghề lâu hơn anh, nhưng chính anh là người luôn có những sáng kiến và đánh máy
rất nhanh, từ tiếng Anh sang tiếng Việt và từ tiếng Việt sang tiếng Anh.”
“Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi với
anh là khi chúng tôi bắt đầu làm chương trình 'Niềm Mơ Ước Mùa Giáng Sinh.'
Chương trình hôm đó rất cảm động, ngày nào chúng tôi cũng nhận được thư từ và
đóng góp tài chánh, để có thể mua quà Giáng Sinh cho các em nhỏ.”
Tại Trung Tâm Asia, nhiều ca sĩ vẫn
còn ngỡ ngàng khi hay tin “người anh” của họ ra đi.
Ca sĩ Ðoàn Phi kể: “Sáng thức dậy,
tôi nhận được rất nhiều tin nhắn. Khi mở ra nghe, không thể tin đó là sự thật,
vì tôi mới nói chuyện với anh hôm tham gia chương trình Viet Love for
Philippines. Cho đến khi biết sự thật, tôi đi lang thang, thẫn thờ ngoài đường,
suy nghĩ về anh, một người tôi coi như anh của mình.”
“Rồi tôi đến Asia để hỏi thăm việc
hậu sự, rồi đến nhà thờ cầu nguyện cho anh,” ca sĩ Ðoàn Phi nói tiếp. “Anh là
một người tài hoa, đóng góp rất nhiều cho cộng đồng. Hầu như cả cuộc đời anh
cống hiến cho nhân quyền Việt Nam. Trong nghề nghiệp, anh là một người bạn,
người anh, và người thầy của tôi.”
Ca sĩ Hoàng Anh Thư không nén nổi
nỗi xúc động, nói chầm chậm: “Em chỉ biết khóc và cầu nguyện cho linh hồn anh
thanh thản. Anh là một người rất tốt. Khi em mới tới Mỹ, anh chính là người
nâng đỡ em, dạy dỗ từng lời, nhiệt tình và thật thà. Em chắc chắn anh sẽ lên
Thiên Ðàng.”
“Em có rất nhiều kỷ niệm với anh.
Mỗi lần đi show chung, em là người đẩy xe lăn cho anh, từng ăn cơm chung với vợ
chồng anh tại nhà, rất là vui. Nhưng bây giờ, những ngày vui như vậy không còn
nữa,” nữ ca sĩ này nói tiếp.
Từ 10 giờ sáng, một số thân hữu nghe
hung tin và đến đài Radio Bolsa để hỏi thăm, như nhà báo Du Miên, ông Nguyễn Bá
Thành, ký giả Khúc Minh, nữ sĩ Bích Huyền, Giám Sát Viên Janet Nguyễn, ông Lê
Công Tâm, ca sĩ Chung Tử Lưu và một số bạn khác.
Khuôn mặt mọi người buồn rười rượi,
có người mắt đỏ hoe.
“Mới gặp đó mà nay Dzũng đã đi rồi,”
bà Bích Huyền nói trong cơn xúc động.
Trên tường, trước cửa phòng thu âm
có treo bức ảnh cố nhạc sĩ Việt Dzũng và xướng ngôn viên Minh Phượng trong một
bài viết của báo OC Register ra ngày 1 Tháng Sáu, 1997, nhân dịp khai trương
đài Radio Bolsa.
Một tấm ảnh khác trên bức tường đối
diện cũng là hình hai người trên trang “Show Saturday” với tựa đề “Tuning In To
Little Saigon.”
Ông Nguyễn Bá Thành đến đài để quảng
bá chương trình “Niềm Mơ Ước Mùa Giáng Sinh” cho biết: “Tưởng như mới ngày hôm
qua thôi, vì tôi và Việt Dzũng cùng làm MC trên sân khấu ngày 15 Tháng Mười Một
trong lần gây quỹ ở Dallas cho nạn nhân Philippines.”
“Chính Việt Dzũng và chị Minh Phượng
đặt tên cho chương trình 'Niềm Mơ Ước Mùa Giáng Sinh” 21 năm trước trên đài
Little Saigon Radio và Little Saigon Foundation. Việt Dzũng là một 'ông già
Noen của thế hệ trẻ Việt Nam ở hải ngoại,'” ông Thành nói thêm.
Trên trang mạng của Người Việt
Online, bản tin ca nhạc sĩ Việt Dzũng qua đời có tới hơn 50,000 lượt người vào
đọc.
Trên các diễn đàn Internet, mở ra
chỗ nào cũng thấy email “Vô cùng thương tiếc ca nhạc sĩ Việt Dzũng” chuyển đi
khắp thế giới.
Tất cả các cơ quan truyền thông Việt
Ngữ ở hải ngoại đều đưa tin sự ra đi của ca nhạc sĩ được nhiều người biết đến,
từ khi còn ở trong nước, cho tới khi ra hải ngoại, nhất là ca khúc do ông sáng
tác, “Một Chút Quà Cho Quê Hương.”
Tại hải ngoại, ca nhạc sĩ Việt Dzũng
gần như không bao giờ vắng mặt trong các chương trình văn nghệ đấu tranh, nhất
là cùng với ca nhạc sĩ Nguyệt Ánh.
Trong một thông cáo báo chí, nữ Dân
Biểu Loretta Sanchez (Dân Chủ-Ðịa Hạt 46) chia sẻ: “Hôm nay, chúng ta mất ca
nhạc sĩ Việt Dzũng, một người đóng góp trong hơn 30 năm cho cộng đồng Việt Nam
ở Orange County cũng như tại hải ngoại. Ông được biết là một nhạc sĩ, ca sĩ,
nhà tổ chức, nhà thiện nguyện, nhà báo, MC và xướng ngôn viên Radio Bolsa.”
“Cá nhân tôi được biết ca nhạc sĩ
Việt Dzũng trong vai trò một nhà hoạt động nhân quyền, một người bỏ cả cuộc đời
đấu tranh cho tự do và dân chủ tại Việt Nam,” bà Sanchez cho biết tiếp. “Tôi
xin chia sẻ sự mất mát này với cộng đồng Việt Nam, gia đình cố ca nhạc sĩ Việt
Dzũng, và nhất là những người ngưỡng mộ ông. Mọi người sẽ không bao giờ quên
ông.”
Ký giả Khúc Minh, một đồng nghiệp
của ca nhạc sĩ tại Bolsa Radio, cho biết: “Việt Dzũng qua Mỹ ngày 30 Tháng Tư
trên tàu Trường Xuân của cụ Phạm Ngọc Lũy, khi ấy là thuyền trưởng. Anh tốt
nghiệp cử nhân Toán và Âm Nhạc đại học Oklahoma. Sau về làm việc chung với thi
sĩ Du Tử Lê ở Houston, Texas, và được nhiều người biết đến qua tuyển tập nhạc
'Kinh Tị Nạn' năm 1983, trong đó có bài 'Một Chút Quà Cho Quê Hương.'”
Cũng theo ông Khúc Minh, cuối năm
1984, cố nhạc sĩ Việt Dzũng dọn về California và tham dự nhiều sinh hoạt văn
hóa như cộng tác với báo Diễm (Trần Thị Diễm Phúc), báo Hồn Việt (Ngọc Hoài
Phương). Anh từng sinh hoạt trong Phong Trào Hưng Ca Việt Nam với ca nhạc sĩ
Nguyệt Ánh, và tham dự nhiều sinh hoạt từ thiện, đấu tranh cho tự do và nhân
quyền Việt Nam với các đoàn thể trong cộng đồng. Sau khi làm việc cho đài phát
thanh Little Saigon Radio từ năm 1992 đến năm 1996, ông cùng Minh Phượng sáng lập
Radio Bolsa ở Westminster từ đó đến nay.
Ngoài ra, ông cũng cộng tác với đài
truyền hình SBTN ở Garden Grove và là MC trong nhiều băng nhạc của Trung Tâm
Asia.
Hiền thê của ông là nhiếp ảnh gia
Bébé Hoàng Anh.
Việt Dzũng tên thật Nguyễn Ngọc Hùng
Dũng, sinh năm 1958 tại Sài Gòn.
Thân phụ của ông là Bác Sĩ Nguyễn
Ngọc Bảy, và mẹ là cựu giáo sư trung học Gia Long.
Ca nhạc sĩ Việt Dzũng sáng tác nhiều
ca khúc, bao gồm nhạc đấu tranh và tình ca. Những ca khúc nổi tiếng của ông,
ngoài “Một Chút Quà Cho Quê Hương,” còn có “Lời Kinh Ðêm,” “Mời Em Về,” “Tình
Ca Cho Nguyễn Thị Sài Gòn,” “Tình Như Cây Cà Rem,” “Và Em Hãy Nói Yêu Anh,”...
Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2013
Ðỗ Dzũng - 'Trùng tu Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa là nhân đạo'
LTS - Mới đây, ông Nguyễn Ðạc Thành có mặt tại Việt Nam để lo trùng tu Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa. Ông là cựu thiếu tá QLVNCH, cựu tù cải tạo sau năm 1975, và là chủ tịch sáng lập Vietnamese American Foundation (VAF), một tổ chức chuyên đi tìm mộ tử sĩ QLVNCH, có văn phòng tại Houston, Texas. Ông đã cùng một số giới chức cao cấp Việt Nam và Hoa Kỳ đến thăm nghĩa trang và thắp nhang cho hơn 16,000 anh linh tại đây. Sau đây là cuộc phỏng vấn của nhật báo Người Việt với ông về chuyện này.
Người Việt (NV): Xin chào ông. Trong thời gian ông ở Việt Nam, mục tiêu của ông là làm những gì?
Cựu Thiếu Tá Nguyễn Ðạc Thành: Mục tiêu của chúng tôi là đưa hài cốt của những anh em tù cải tạo về với gia đình và đưa hài cốt của những anh em đã mất tích trong chiến tranh, bởi vì 37 năm tất cả các bên đều đưa những hài cốt tử sĩ của họ về, còn binh sĩ của mình thì vì hoàn cảnh hết sức là đặc biệt còn nằm ở trong rừng.
Ông Lê Thành Ân (trái), tổng lãnh sự Mỹ tại Sài Gòn, và ông Nguyễn Ðạc Thành, chủ tịch VAF, thắp nhang tại đài tưởng niệm ở Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa. (Hình: VAF)
Ðó là điều rất là đau lòng, cho nên chúng tôi đứng lên cáng đáng công việc là vì đồng đội. Chúng tôi muốn đưa họ về đó là mục đích thứ nhất.
Mục đích thứ hai là người lính miền Nam Việt Nam, sau cuộc chiến người ta đã chết rồi thì chỉ còn cái nghĩa trang duy nhất là Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa, mà cũng bị đe dọa và người chết nằm cũng không yên tâm mà đi về cõi vĩnh hằng. Cho nên, chúng tôi cũng muốn và đây là điều mà anh em chúng tôi trong QLVNCH đều tha thiết, đều muốn là nghĩa trang được bảo tồn, được sửa sang và người nằm ở đó được yên tâm đi về miền vĩnh hằng.
Tôi hết sức cố gắng đưa nguyện vọng đó, đưa ý kiến đó cho chính quyền Việt Nam và chúng tôi cũng đưa nguyện vọng đó cho chính quyền Hoa Kỳ với vị trí của chúng tôi là người Mỹ gốc Việt, và những người nằm ở đó là thân nhân của người Mỹ gốc Việt, để kêu gọi sự giúp đỡ của chính phủ Hoa Kỳ, vì đây là chương trình nhân đạo, hoàn toàn nhân đạo, và chính phủ Hoa Kỳ cũng lưu tâm, mặc dù đây không phải là chính sách của họ.
Họ lưu tâm vì đây là việc nhân đạo cho nên họ giúp, họ ủng hộ, thì đây là việc hết sức là tế nhị. Tôi không thể nói là chính phủ Hoa Kỳ đã theo chính sách của người ta hay chính quyền Việt Nam như thế nào hết. Tôi chỉ biết rằng hai Bộ Ngoại Giao đã ủng hộ chúng tôi trong chương trình nhân đạo mà thôi.
NV: Cho đến giờ phút này, theo tôi biết, với dự án đầu tiên, trong bao nhiêu năm qua, ông đã lặn lội về Việt Nam nhiều lần, cũng đưa được một số hài cốt sang đây, cũng giúp một số thân nhân bốc hài cốt, coi như công việc đó của ông rất đáng kể và được rất nhiều người biết. Còn dự án thứ hai của ông là Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa, và như ông nói vừa rồi là được hai bên ủng hộ. Vậy thì đến giờ phút này, mình đã làm được những gì, thưa ông?
Cựu Thiếu Tá Nguyễn Ðạc Thành: Ðối với chính phủ Việt Nam và chính quyền địa phương, chúng tôi đã vận động từ lâu rồi, và đã được bên chính phủ Việt Nam và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lưu ý, và họ cho rằng đây là việc nhân đạo, đáng giúp đỡ, nên họ giúp đỡ, và chúng tôi đã đưa họ một lá thư gửi qua bên Bộ Ngoại Giao Việt Nam, trước khi ông Nguyễn Thanh Sơn (thứ trưởng Ngoại Giao Việt Nam) qua Mỹ ngày 15 Tháng Mười, 2012.
Chúng tôi đưa cho chính phủ Việt Nam một cái sơ đồ, một bản vẽ, chúng tôi muốn tu bổ và đồng thời chúng tôi nói lên lý do xin tu bổ và trách nhiệm của chúng tôi xin tu bổ, thì bên chính phủ Việt Nam đã nhận tài liệu của tôi. Ông Sơn qua để họp với chúng tôi và trả lời, thảo luận với chúng tôi trong việc tu bổ nghĩa trang, thì ngày đó ông cho biết rằng ông nhận những thỉnh nguyện, những lời yêu cầu của mình và đồng thời ông nói rằng hoàn toàn ủng hộ. Nguyên tắc là ủng hộ đó, để ông về bên Việt Nam thảo luận với các bộ ngành để mà trả lời cho tôi.
Sau đó chúng tôi được biết ông Nguyễn Thanh Sơn nói rằng chính phủ đã chấp thuận, bên đó mời tôi về để cùng tu bổ, một số anh em bên Biên Hòa đã mời tôi về, tôi nói rằng đợi sự chấp thuận của bên chính phủ.
Bản vẽ của tôi đã gửi lên đó và xin tu bổ thì chính quyền Bình Dương đã làm đúng theo kế hoạch của tôi và đúng theo bản vẽ của tôi. Những việc còn lại thì đến phiên VAF chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm tu bổ tiếp tục. Ðó là lý do mà ông Nguyễn Thanh Sơn và ông Lê Thành Ân (tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn) đã cùng với tôi lên trên Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa để xem lại những nơi nào mà tôi yêu cầu, tôi đề nghị xin sửa tiếp, để chấp thuận cho tôi bỏ công sức vô để mà trùng tu nghĩa trang.
Sự xuất hiện vừa rồi đã gây cho một số người quá bất ngờ thiện chí của chính phủ Việt Nam. Người ta không thể nghĩ rằng chính phủ Việt Nam có thể làm như vậy. Tôi không có thông báo trước những diễn tiến xảy ra. Sự xuất hiện của ông Nguyễn Thanh Sơn đó là một bất ngờ, cho nên có những suy nghĩ quá gay gắt, cho rằng chính phủ Việt Nam không thể có những thiện chí như vậy.
Thực sự nó đã xảy ra, cho nên rất là khó cho chúng tôi để mà tin ai, nếu mà chúng tôi nói sự thật, thì đồng bào nói rằng là tôi bây giờ theo Nghị Quyết 36, còn nếu tôi không nói sự thật thì phía Việt Nam nói rằng tôi đi làm chính trị. Cho nên đây là việc làm rất là, rất là... khó khăn.
Nếu bà con bên đây không tỏ thái độ ủng hộ chương trình thì có lẽ chương trình bị ngưng, và nếu ngưng thì những người gây ra cái khó khăn này chịu trách nhiệm với những người đã nằm xuống, và trách nhiệm nữa mà tôi muốn báo, đó là những người trong quân đội đã từng thao thức, đã từng mong muốn đồng đội mình có một chỗ nằm, có một nơi an nghỉ và bảo vệ nghĩa trang Biên Hòa. Khi bên chính phủ Việt Nam họ tỏ thiện chí, họ cho phép như vậy, mà mình không lên tiếng để mà chấp nhận tu bổ, mà lại âm thầm làm thinh, là không có trách nhiệm, lại lên tiếng chửi bới um sùm thì chương trình bị ngưng, thì đó là lỗi của anh em, lỗi của mọi người chứ không phải lỗi của ai khác.
NV: Cho đến giờ phút này, mình xây được phần nào, tới đâu rồi, ông có thể nói sơ sơ được không?
Cựu Thiếu Tá Nguyễn Ðạc Thành: Từ 40-50%. Những cây lớn đã nhổ đi hết rồi, những con đường đã xây rồi, và trồng bông như chúng tôi muốn. Thứ nhất, vòng tròn, vành khăn tang đó, chúng tôi muốn làm sạch và đắp những chỗ bị bể lại như mới. Thứ hai, chúng tôi muốn lót gạch con đường đi vòng tròn của đài tưởng niệm và cái chỗ vòng tròn của hai con đường đi đều lót gạch và đồng thời trồng bông cho có vẻ khang trang, như những nghĩa trang khác, để cho anh em nằm ở đó cảm thấy vui là vì sự hy sinh của mình, mọi người còn nhớ đến, và đã cho mình một nơi an nghỉ đàng hoàng.
Tôi muốn mọi việc nói lên một cách trung thực, không có nói gì đi ra ngoài cái việc nhân đạo nữa, vấn đề chính trị xin bỏ qua một bên, anh em muốn đấu tranh gì thì cứ đấu tranh, nhưng dành cho người nằm xuống có một cơ hội, một cái chỗ nằm để cho họ an giấc ngàn thu.
NV: Thưa ông, như vậy đài tưởng niệm nằm ở chỗ nào? Có phải nằm ở chỗ cũ ngay Nghĩa Dũng Ðài không, hay nằm ở chỗ mới?
Cựu Thiếu Tá Nguyễn Ðạc Thành: Nghĩa Dũng Ðài không xây, tôi nói với anh là tôi không làm cái gì mới hết, tất cả đều phải nguyên trạng như cũ, chỉ có một cái xây là chính cái khu mộ, tám cái khu mộ là có 8 cái bàn thờ, có 8 cái bàn, là để bà con tới đó đặt hoa quả để khấn vái, là vì 8 cái khu mộ có những chỗ xa đài tưởng niệm, đi cả ngàn thước, mà đi vòng vo tam quốc như vậy làm mất thì giờ bà con. Cho nên, phía Bình Dương người ta xây mỗi đầu khu mộ như vậy có một cái bàn thờ để cho bà con cúng vái này kia. Bởi vì tôi nói rằng, khi tôi vô nghĩa trang Biên Hòa, không có chỗ để hoa quả mà để dưới đất, mà dưới đất là sâu rọm không. Việc này tôi rất là đau lòng, bên phía Việt Nam thấy đúng nên họ làm cho mình. Vậy thôi, ngoài ra không có thay đổi gì cả.
Ông Nguyễn Ðạc Thành (thứ hai từ trái) và Thứ Trưởng Nguyễn Thanh Sơn (thứ ba từ trái) và một số người thắp nhang tại đài tưởng niệm ở Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa. (Hình: VAF)
NV: Thưa ông, một vấn đề nữa là thân nhân của 16,000 tử sĩ nằm trong nghĩa trang họ cũng quan tâm, đó là lâu nay, khi họ muốn về làm mộ hoặc sửa mộ hay là vô thắp nén nhang, thỉnh thoảng cũng bị gặp khó khăn, công an địa phương hay là những người ở đó họ vòi tiền này kia, vậy cái này nó có nằm trong dự án của VAF của ông không? Nghĩa là yêu cầu những người địa phương trong tương lai họ dễ dãi hay là không làm khó bà con, cái đó có trong chương trình không thưa ông?
Cựu Thiếu Tá Nguyễn Ðạc Thành: Tôi xác định với anh, khi họ về thăm, họ không có bị làm tiền. Trước khi làm, tôi có đi vô đó với tính cách một người thường, không ai biết tôi cả. Khi vô, họ nói tôi phải ghi tên để vô thăm nghĩa trang, thì tôi nói đại tên ông A, B, C gì đó thì đi vô thôi, không có nạp tiền nào, bởi vì có những người đã nói dối trong đó rồi để lấy tiền thân nhân. Nói phải nạp tiền chỗ này, phải nạp tiền chỗ kia để mà đi vô thăm. Cái đó là tôi không biết, bởi vì tôi không có bị, chứ tôi nói không có, người khác nói có thì tôi không có trả lời được.
Cho nên, tôi với một vài người nữa không có bị, nhưng mà chỉ có bị biểu ghi tên là cái thứ nhất. Thứ hai nữa là trong khoảng thời gian người ta đang tu bổ nghĩa trang Biên Hòa, đài tưởng niệm, thì luôn luôn có công an túc trực, không ai bén mảng tới đó hết, để người ta thi công, đó là việc của chính quyền, rồi sau đó đi thăm những chỗ khác thì họ cũng cho thăm.
Việc giới hạn chụp hình thì tôi không có ý kiến. Nhưng sau khi làm xong đài tưởng niệm rồi thì vấn đề này tôi cũng sẽ thảo luận với bên phía chính phủ để khi người ta vô thăm, hay tham quan, người ta chắc chắn là không có trở ngại. Tại sao? Vì chính phủ Mỹ và các phái đoàn nước ngoài sẽ về thăm nghĩa trang Biên Hòa, vì việc tu bổ nghĩa trang Biên Hòa này nó đã được công bố ra thế giới rồi, nước nào cũng biết và mọi nơi cũng biết hết.
Người ta rất hoan nghênh việc tu bổ nghĩa trang Biên Hòa thì chính phủ Việt Nam cũng rất là vui vẻ, là theo tôi nghĩ thôi. Vô thăm không có vấn đề hạn chế đâu. Mình cứ đưa vấn đề chính trị vô nghĩa trang Biên Hòa, rồi mình lợi dụng để mình chửi, nói này nói kia, thì đương nhiên, nếu mình là người cầm quyền trong nước, mình cũng khó chịu, và mình cũng có thái độ thôi. Mình phải nói công bằng vậy thôi.
Thiện chí mà bị lợi dụng thì ai mà chấp thuận cho đành. Nếu mình là chính phủ Việt Nam, mình cho vô thăm như vậy, mình cho rồi mình nhận được cái sự chửi bới thì làm sao mình cho nữa. Tôi nói đó là với sự công bằng, tôi không sợ ai chỉ trích cả, vì mình làm công việc không đúng mình chửi không đúng, mình phê bình cái gì người ta không đúng, còn cái gì người ta đúng thì mình phải nói cho đúng, chứ mình gom những cái này vô cái kia để mình chửi, người ta làm sao tiếp tục cho mình. Ðó là lời tôi muốn nói như vậy.
NV: Trước đây, trong hồ sơ Wikileaks của Bộ Ngoại Giao Mỹ có nhắc đến Thượng Nghị Sĩ Jim Webb (Dân Chủ-Virginia) khi ông về Việt Nam cách đây khoảng 8 năm, ông có đề cập đến vấn đề này với ông Nguyễn Tấn Dũng, cũng như một số người lãnh đạo bên Việt Nam. Trong dự án này của ông có sự tham dự của những người khác không, hay chỉ có VAF? Thí dụ như ông Jim Webb, hay những ai khác?
Cựu Thiếu Tá Nguyễn Ðạc Thành: Tôi xin nói với anh, đây là một tập hợp của nhiều người, của nhiều nơi, đã đưa ý kiến lên chính quyền Việt Nam, chứ không phải chỉ một mình VAF đâu. Từ năm 2007 đến bây giờ, VAF đi mạnh dạn, đi thẳng vô vấn đề và đi trực tiếp vô vấn đề chứ không có nói như trên báo chí, bởi vì có một số người, chỉ nói trên báo chí thôi, nhưng không có trực tiếp đi về nói chuyện, đưa lên những ý kiến của mình.
Phải mặt đối mặt để nói chuyện, mà mặt đối mặt này không phải là tôi tài ba, mà là có sự giúp đỡ, như tôi đã nói đây là vấn đề nhân đạo, những người Mỹ họ rất tôn trọng vấn đề nhân đạo, do đó, với tính cách cá nhân, họ đã ủng hộ tôi, giúp tôi, họ đã làm công việc này gần như là có một sự ủng hộ mạnh dạn.
Trong nước cũng có những người có thiện chí, cho nên có những sự giúp đỡ đó. Ðặc biệt là ông Jim Webb, năm 2008, đã trực tiếp với chúng tôi để làm công việc này. Ông là người chúng tôi rất kính trọng, tôi đã 3-4 lần lên họp với ông, để mà nói lên công việc để tu bổ nghĩa trang Biên Hòa.
NV: Xin hỏi ông một chuyện nữa là, dù mình không nói chính trị, nhưng mà việc ông Nguyễn Thanh Sơn, một thứ trưởng ngoại giao, đến Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa, rồi sự kiện ông Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ Lê Thành Ân đến nghĩa trang, coi như là hai người đại diện cho hai chính quyền Việt Nam và Mỹ, vậy mình có thể hiểu là công việc này được cả hai chính phủ ủng hộ không?
Cựu Thiếu Tá Nguyễn Ðạc Thành: Tôi nói với anh, đối với người Mỹ, đây không phải là chính sách chính của họ, bởi vì có nhiều vấn đề phiền toái lắm, không có thể nói được. Tuy nhiên, sự hiện diện của họ đã nói lên cái sự quan tâm của chính phủ trong vấn đề nhân đạo. Tôi xin nói rõ, đây là sự quan tâm của chính phủ Mỹ và chính phủ Việt Nam trong vấn đề nhân đạo, mà họ cho rằng đây là vấn đề nên làm, chứ không phải vì chính trị, cho nên, phải hiểu rõ, đây là vấn đề ủng hộ nhân đạo mà thôi.
Sự hiện diện của họ nói lên sự ủng hộ của chính phủ Mỹ và chính phủ Việt Nam đối với VAF. Công việc này nó rất là tế nhị vì nếu không khéo người ta sẽ hiểu lầm bởi vì chính sách của Mỹ không có vấn đề nói về nghĩa trang Biên Hòa là phải như thế này, phải như thế kia. Ðây là một nhu cầu của những người Mỹ gốc Việt đã nêu lên, những người Mỹ gốc Việt này là cựu quân nhân VNCH. Chính vì có sự liên quan như vậy nên người ta cứ đặt vấn đề chính trị vô trong này thì tôi cho rằng đặt chính trị vô trong này là không đúng.
Việc ông Nguyễn Thanh Sơn có mặt đã nói lên tính nhân đạo, ông đã ủng hộ, ông ủng hộ công việc nhân đạo, chứ không ủng hộ vấn đề chính trị. Phía Mỹ cũng vậy, người ta ủng hộ để cho người chết có một nơi an nghỉ, đừng có méo mó, đừng có đưa vấn đề này qua vấn đề kia, làm cho công việc của anh em chúng tôi bị ngưng đọng, làm cho 16,000 anh em lo lắng không biết chỗ nằm có yên hay không.
NV: Dự định của VAF trong những ngày tới sẽ như thế nào? Xin ông có thể cho độc giả nhật báo Người Việt biết được không?
Cựu Thiếu Tá Nguyễn Ðạc Thành: Chúng tôi trên tinh thần nhân đạo muốn giúp cho thân nhân có một cái an tâm là nghĩa trang Biên Hòa, nói rõ cho anh em, tôi nói nghĩa trang Biên Hòa là nói một cách vắn tắt cái tên quen thuộc của Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa, vì có những người chỉ trích tại sao không nói là Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa. Vậy xin anh cũng nói cho họ biết là chúng ta đừng có quá chi tiết như vậy, đừng có quá khó khăn như vậy. Ðây là chương trình nhân đạo, khi nói nghĩa trang Biên Hòa thì ai cũng biết đó là Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa.
Tôi tha thiết muốn nghĩa trang được bảo vệ và được làm đẹp như những nghĩa trang khác để cho những người nằm xuống, họ có một nơi an nghỉ mà họ không còn phải lo lắng nữa và chương trình đồng đội của chúng tôi sẽ chấm dứt sau khi nghĩa trang Biên Hòa được tái thiết.
NV: Ông đi đi về về mấy năm qua, có nhiều người cũng như nhiều gia đình thích công việc của ông, và có thể nói là một số gia đình họ mang ơn ông. Nhưng mặt khác, cũng có những người chỉ trích ông cách này cách khác, nhất là chuyện Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa. Vậy ông có muốn nói gì không?
Cựu Thiếu Tá Nguyễn Ðạc Thành: Tôi muốn nói tiếng nói lương tâm của con người. Quý vị đấu tranh chính trị như thế nào, chúng tôi rất là trân trọng ý kiến của mọi người, nhưng hiểu rằng, 37 năm qua, người nào cũng tha thiết với cái nơi nằm xuống của 16,000 tử sĩ VNCH, và nghĩa trang Biên Hòa đã bị đe dọa. Ai cũng mong muốn thân nhân mình được bảo vệ và nhất là anh em cựu quân nhân QLVNCH.
Tôi chỉ xin anh em một điều là hãy nghĩ tới sự hy sinh xương máu của những anh em của mình đã ngã xuống và không có một nơi an nghỉ, thì đây là trách nhiệm của mọi người, trách nhiệm của anh em cựu quân nhân, chứ không phải trách nhiệm của riêng ai cả. Trách nhiệm của anh em cựu quân nhân đối với đồng đội của mình khi các anh đã nói ba chữ là “tình đồng đội” và “huynh đệ chi binh” thì xin hãy thực hiện lời hứa của mình, và làm sao anh em của mình nằm xuống có nơi an nghỉ.
Ðừng đặt chính trị vô trong vấn đề này bởi vì chính trị nó là muôn mặt, nó làm cho mình không có thể làm công việc nhân đạo này. Tôi tha thiết xin anh em hãy lên tiếng, nếu anh em nói rằng không nên làm cho 16,000 anh em đó, thì cứ lên tiếng, cho biết tên họ đàng hoàng, để cho người ta thấy trách nhiệm của anh em. Còn ngược lại, anh em thấy rằng việc này nên làm và là tình đồng đội phải làm, anh em đừng suy nghĩ nữa, mà hãy lên tiếng cho sự công bằng để cho những người nằm xuống nghĩ rằng, đồng đội của tôi còn nghĩ đến tôi.
Ðài tưởng niệm mới xây ở Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa. (Hình: VAF)
Ðừng để cho những người không có một ngày lính nào, không có một sự hy sinh nào và nhờ sự hy sinh xương máu này, mà họ có mặt bên đây, nói lên những điều trái với đạo đức lương tâm của con người, để làm cho công việc này của chúng ta bị ngưng đọng.
Ðó là những điều tôi muốn nói, đó là danh dự của người lính đối với người lính.
NV: Xin cảm ơn ông dành thời giờ cho cuộc phỏng vấn.
Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012
Ðỗ Dzũng/Người Việt - Tòa Bạch Ốc tiếp 200 đại diện cộng đồng: ‘130,000 chữ ký là một hiện tượng’
Ðỗ Dzũng/Người Việt (tường trình từ Washington, DC)
WASHINGTON, DC (NV) - Giới chức Tòa Bạch Ốc hôm Thứ Hai tiếp 200 người Việt Nam đại diện cho hơn 130,000 người ký thỉnh nguyện thư đòi hỏi Hành pháp Hoa Kỳ không gia tăng thương mại với Việt Nam nếu quốc gia Cộng Sản này không cải thiện tình trạng nhân quyền hiện nay.
Lá cờ Việt Nam Cộng Hòa được đồng hương trưng trước Tòa Bạch Ốc, biểu dương sự ủng hộ đối với thỉnh nguyện thư nhân quyền, nay lên đến 130 ngàn chữ ký. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)
Sau khi làm xong thủ tục an ninh, phái đoàn được hướng dẫn vào tòa nhà Eisenhower Executive, thuộc văn phòng Tòa Bạch Ốc.
Ông Jon Carson, giám đốc Văn Phòng Tiếp Cận Cộng Ðồng (Office of Public Engagement), chào mừng mọi người và nói: “Hôm nay quý vị đến đây không chỉ để cung cấp thông tin cho chúng tôi qua cuộc vận động bằng thỉnh nguyện thư, mà quý vị còn cho mọi người biết về sự cam kết của quý vị. Với con số 130,000 chữ ký, quý vị đã tạo ra một hiện tượng.”
Ông cũng cho biết Tổng Thống Obama rất coi trọng nhân quyền. Ðây mới chỉ là sự bắt đầu, và đây là một vấn đề phức tạp.
Ðại diện Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, từ trái: Ông George Selin (Vietnam Desk), ông Thomas Debass (Global Partnerships Initiative), ông Eric Barboriak (Văn Phòng Ðông Nam Á Sự Vụ) và ông Michael Posner (phụ tá ngoại trưởng đặc trách Dân Chủ, Nhân Quyền và Lao Ðộng), tại buổi gặp cộng đồng VN tại Tòa Bạch Ốc. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)
Cô Tuyết Dương, cố vấn về dân quyền và di trú thuộc Sáng Kiến Tòa Bạch Ốc Về Người Mỹ Gốc Châu Á Thái Bình Dương, chúc mừng mọi người có mặt và hy vọng sau cuộc vận động này, cộng đồng Việt Nam sẽ còn nhiều cuộc vận động khác, nhất là cho những người chưa được đại diện, ví dụ như những người làm việc trong ngành nail, nạn nhân buôn người, người cao niên...
Về phía cộng đồng Việt Nam, giới chức Tòa Bạch Ốc mời ba người lên phát biểu. Ðó là ca sĩ Quốc Khanh, anh Billy Lê (chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên) và cô Cindy Ðinh (đại diện Hội Ðồng Nhân Quyền Cho Việt Nam). Cả ba người đều kêu gọi Tòa Bạch Ốc chú ý đến nhân quyền Việt Nam hơn nữa. Riêng ca sĩ Quốc Khanh mong mỏi Tổng Thống Barack Obama can thiệp cứu nhạc sĩ Việt Khang, người bị an ninh Việt Nam bắt vì sáng tác hai nhạc phẩm “Việt Nam Tôi Ðâu?” và “Anh Là Ai?”
Một số người cảm động sau lời phát biểu của ca sĩ Quốc Khanh.
Một cảnh bên trong phòng họp. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)
Cũng có mặt tại buổi tiếp cộng đồng Việt Nam là một số viên chức Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, trong đó có ông Michael Posner, phụ tá ngoại trưởng đặc trách Dân Chủ, Nhân Quyền và Lao Ðộng.
Ông Posner cho biết chính quyền Mỹ đã lưu ý chính quyền Việt Nam trường hợp nhạc sĩ Việt Khang. Ông nói thêm Washington vẫn tiếp tục nêu vấn đề nhân quyền với Hà Nội, nhất là đối với các cá nhân như Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Luật Sư Cù Huy Hà Vũ, Blogger Ðiếu Cày và những trường hợp khác, cũng như điều 79 và điều 88 trong bộ luật hình sự của Việt Nam.
Ông nói: “Tôi sẽ tiếp tục nêu vấn đề nhân quyền và những vi phạm nhân quyền của Việt Nam để mọi người sống ở Hoa Kỳ chú ý hơn về vấn đề này.”
Ông Eric Barboriak, quyền giám đốc Văn Phòng Ðông Nam Á Sự Vụ, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, nói thêm: “Chúng ta có nhiều vấn đề với Việt Nam trong quan hệ song phương, nhất là vấn đề nhân quyền. Hoa Kỳ tin rằng làm cho Việt Nam cam kết tôn trọng nhân quyền nghiêm túc hơn sẽ có lợi cho cả hai phía và đạt được kết quả tốt nhất.”
“Quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vừa là song phương vừa là đa phương. Cam kết là cách hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề nhân quyền,” ông Barboriak nói thêm.
Nhiều đồng hương Việt Nam rất háo hức trước giờ gặp gỡ giới chức Tòa Bạch Ốc, chỉ muốn làm một điều gì đó cho nhân quyền tại Việt Nam.
Hòa Thượng Thích Viên Lý, tổng thư ký Văn Phòng II Viện Hóa Ðạo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất kiêm viện chủ chùa Ðiều Ngự, Westminster, tiểu bang California, nói với nhật báo Người Việt rằng sự hưởng ứng của 130,000 chữ ký là “dấu chỉ cho thấy khát vọng nhân quyền của đồng bào rất cao, trong đó có nhiều người thầm lặng. Khi có sự kiện, họ sẵn sàng trong khả năng để tạo sự thay đổi với dân tộc.”
“Nếu gặp tổng thống, tôi sẽ yêu cầu ông giúp đỡ để dân tộc Việt Nam hưởng tự do như người dân Hoa Kỳ,” hòa thượng nói tiếp. “Tuy nhiên, tất cả đều tùy thuộc khả năng chúng ta, người Mỹ chỉ giúp thôi. Thay đổi phải xuất phát từ chúng ta. Nếu người Việt không làm thì khó lòng. Vì thế, nhanh hay chậm là do chúng ta.”
Chị Ðinh Ngọc Tuyết, hiện sống ở Louisville, tiểu bang Kentucky, cho rằng đấu tranh nhân quyền phải bền bỉ mới thành công.
Chị giải thích: “Tôi rất xúc động được Tòa Bạch Ốc mời. Vừa tự hào vừa cảm thấy vinh dự khi thấy thỉnh nguyện của đồng hương được tổng thống lắng nghe. Ðây làm một bước nhỏ, dù đường dài, vẫn phải đi. Phải bước những bước nhỏ mới tới đích được.”
Ông Trần Việt Ðông, cư dân Glen Burnie, tiểu bang Maryland, được vào Tòa Bạch Ốc, nói: “Ðược vào Tòa Bạch Ốc lần đầu tiên cảm thấy rất hồi hộp, không tả được. Dân tộc mình đang bị Cộng Sản gò bó đủ thứ, bắt người đấu tranh như nhạc sĩ Việt Khang. Nên buổi gặp gỡ hôm nay là dịp để chúng ta nói lên tiếng nói của người Việt Nam.”
“Nếu được gặp tổng thống hôm nay, tôi sẽ nói: ‘Thưa tổng thống, ông là đại diện của nước Mỹ, xin hãy nhìn vào Việt Nam. Ðừng để Việt Nam bị giống như Syria hiện nay, gây đau thương tang tóc cho người dân,'” ông Ðông nói tiếp.
Ông cho biết, trước khi đến Washington, DC, ông sắm một bộ quần áo complet mới, mua giày mới.
Ông chia sẻ: “Ðây là lần thứ nhì từ ngày qua Mỹ tôi sắm đồ mới. Lần trước là đám cưới con trai. Lần này là vào Tòa Bạch Ốc.”
Linh Mục Ðinh Xuân Long, chánh xứ nhà thờ St. Joseph of the Hills, Eden, tiểu bang North Carolina, nói với hơn 130,000 chữ ký, thỉnh nguyện thư này là một áp lực rất lớn đối với chính quyền Mỹ và muốn nhân dịp này nói lên vấn đề tự do tôn giáo tại quê nhà.
“Về mặt nổi, Việt Nam cho xây nhiều nhà thờ, cho tu sĩ xuất ngoại, làm cho có vẻ như có tự do tôn giáo, về mặt chìm, chính quyền thật sự kiểm soát bên trong. Tu sinh vẫn bị xét duyệt, thụ phong và thuyên chuyển linh mục phải có sự đồng ý của chính quyền và cuối cùng là họ cử cán bộ theo dõi các giám mục, gây chia rẽ trong hàng giáo phẩm,” Linh Mục Long nói tiếp.
Chị Trinh Nguyễn, cư dân Nashville, tiểu bang Tennessee, cũng được mời vào Tòa Bạch Ốc, nói chị muốn Việt Nam có bình đẳng cho con người, thả tù chính trị.
“Tôi là người ủng hộ ông Obama. Tôi sẽ nói thẳng đề nghị ông nhìn lại Việt Nam, một nơi rất cần có nhân quyền cho mọi người. Trước khi làm ăn với Mỹ, Việt Nam phải có nhân quyền trước,” chị Trinh nói.
Trong khi đó, bên ngoài Tòa Bạch Ốc, dù thời tiết giá lạnh, có lúc tuyết rơi lác đác, hàng trăm đồng hương thuộc các cộng đồng Việt Nam khắp nơi có mặt để biểu dương sự ủng hộ đối với thỉnh nguyện thư, do đài truyền hình SBTN phát động từ hôm 8 Tháng Hai đến nay.
Cụ Vũ Văn Phiên, 90 tuổi, sống ở Lake Mary, tiểu bang Florida, được mọi người trước Tòa Bạch Ốc chú ý vì là người lớn tuổi nhất trong những người có mặt.
Khi được hỏi vì sao đến Washington, DC, cụ vui vẻ nói: “Ðây là trách nhiệm của một người mang dòng máu tiên rồng, trước tổ quốc dân tộc. Ðối với tôi, bản thân là xong rồi, gia đình cũng xong rồi, giờ lo được cho đất nước cái gì thì lo. Nếu được gặp Obama, tôi sẽ nói với ông rằng con người còn đau khổ, nhất là ở Việt Nam, ông là người quyền lực nhất thế giới, ông phải làm điều gì đó.”
Cho tới sáng ngày Thứ Hai, thỉnh nguyện thư đã có hơn 130,000 chữ ký. Theo quy định của Tòa Bạch Ốc, trong vòng một tháng, nếu thỉnh nguyện thư đạt được 25,000 chữ ký, giới chức khối Hành pháp sẽ tiếp xúc với đại diện những người ký tên. Sau khi chiến dịch được đưa ra bốn ngày, thỉnh nguyện thư đã có hơn 25,000 người ký vào.
Hiện nay, đài truyền hình SBTN và cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ kêu gọi mọi người tiếp tục ký thỉnh nguyện thư để có thể có con số cao nhất, hầu tạo sự chú ý cho chính giới Hoa Kỳ. Cuộc vận động ký thỉnh nguyện thư sẽ chấm dứt vào ngày 8 Tháng Ba tới đây.
Ngày hôm sau, Thứ Ba, theo dự trù, hàng trăm đồng hương Việt Nam được chia ra làm nhiều toán sẽ đến văn phòng các vị dân cử ở Quốc Hội tiếp tục vận động nhân quyền cho Việt Nam, qua chiến dịch ký thỉnh nguyện thư đang diễn ra.
Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2011
HỒ SƠ WIKILEAKS (11): Quan hệ Bắc Kinh-Hà Nội tùy thuộc đấu đá nội bộ Việt Nam
Ðỗ Dzũng/Người Việt
Trung Tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng quốc phòng Việt Nam, bị coi là người thân Trung Quốc. (Hình: Hoàng Ðình Nam/AFP/Getty Images)
Trái với nhiều phỏng đoán bấy lâu nay, Trung Quốc không điều khiển chính sách nội bộ của Việt Nam. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Trung Quốc không muốn tạo ảnh hưởng với quốc gia láng giềng phía Nam của mình. Trong một một số trường hợp, quan chức Việt Nam tham nhũng vì lợi ích cá nhân, chứ không phải do Trung Quốc chỉ đạo, mặc dù hành động đó có lợi cho Trung Quốc.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)