Hiển thị các bài đăng có nhãn Ðặng Tiến. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Ðặng Tiến. Hiển thị tất cả bài đăng
Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2018
Đặng Tiến: Tính uy mua và nghệ thuật trong thơ Cao Tần
Uy mua là phiên âm chữ
Pháp humour, tôi tìm không ra từ Việt tương đương, đại khái như là hóm hỉnh, dí
dỏm, hài hước, phúng thế, tếu, v.v. Dường như có lần Nhất Linh phiên âm thành u
mặc.
Uy mua là hóm. Thêm
cái ý: vượt lên trên những không may, vượt lên trên tai họa hay bi kịch. Không
những lấy được khoảng cách, độ lùi, mà còn vượt lên trên. Uy mua là mình tự
giễu mình, với giọng đùa cợt chứ không chua cay. Khi Cao Tần xưng ông, xưng
“gãy cánh đại bàng” thì không phải là kiêu, mà là hóm. Đại ngôn một chút: uy
mua là hòa giải với số mệnh. Nếu cần thu thơ Cao Tần vào cái hồ lô, thì có thể
hô lên một câu ngắn: hòa giải với số mệnh.
Thứ Sáu, 16 tháng 2, 2018
Đặng Tiến: Con chó dọc đường lịch sử
by Doan Hong
Loài chó đã kết nghĩa từ lâu đời với con người khắp thế giới, trong đó
có Việt tộc: di chỉ khảo cổ và truyền thuyết dân gian chứng minh dồi dào điều
đó.
Trong thơ văn, con chó đã góp mặt rất sớm qua bài thơ Vô Đề, mở đầu
Quốc Âm Thi Tập của Nguyễn Trãi, tác phẩm bình minh trong nền thi ca Việt Nam :
Ao bởi hẹp hòi khôn thả cá
Nhà quen xú xứa ngại nuôi vằn
Ngày xưa nước ta con chó không có tên, được ô theo màu lông, con vằn,
con vện, con mực, con khoang... Vằn, vện
cùng nguồn gốc ngôn từ, là chữ văn
trong Văn Lang, văn hóa, văn minh; có khi phát âm ra vân trong quả cau nho nhỏ,
cái vỏ vân vân... Câu thơ Nguyễn
Trãi: xú xứa nghĩa là xuề xòa, xuềnh
xoàng; ngại nuôi vằn vì bạn mình ưa lục lọi, nên tục ngữ có lời khuyên: chó treo, mèo đậy; nhà thơ mải lo tiếp mây khách
khứa, nguyệt anh em ắt không mấy để tâm đến việc đậy điệm, treo leo.
Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2016
Đặng Tiến - THẨN THƠ VÕ PHIẾN
Võ Phiến là tác
gia có tầm cỡ hàng đầu trong văn học Việt Nam.
Hơn bốn mươi năm
qua, từ 1956, anh đã cho xuất bản hơn bốn mươi đầu sách, thuộc nhiều thể loại
văn xuôi, non nửa số được ra đời ngoài nước, từ 1975, tại Hoa K ỳ.
Nhà xuất bản Văn
Nghệ (California) đã lần lượt in Toàn tập Võ Phiến : đây là hiện tượng xưa nay
hiếm thấy, đối với một tác gia đang còn sung sức viết, trong cũng như ngoài nước.
Thế mà tác phẩm
mới nhất của Võ Phiến lại là một tập thơ, xuất bản tại Pháp (1).
Thơ Thẩn của Võ Phiến, do An Tiêm ấn hành 1997, khoảng trăm trang, gồm 51 bài
thơ có ghi rõ thời điểm sáng tác : 7 bài làm trong nước từ 1943 đến 1975, phần
còn lại làm tại Hoa K ỳ,
chủ yếu từ 1986 đến nay. Người đọc để ý rằng trong thời kỳ sáng tác sung mãn nhất
(1956-1975) không thấy có thơ, hoặc anh không làm thơ, hoặc bản thảo thất lạc,
hoặc tác giả không muốn phổ biến. Võ Phiến làm thơ nhiều từ khi bị mổ tim lần đầu
năm 1985 (lần thứ nhì 1992).
Thứ Ba, 7 tháng 7, 2015
Đặng Tiến - Nhân ngày giỗ Nhất Linh 7/7 Hạnh phúc trong tác phẩm Nhất Linh
Nhớ Vũ Khắc Khoan, người đi trước.
-
Trời muốn trở rét…
Nói
xong và nghe tiếng mình nói, Trúc nhớ lại rằng câu ấy chàng đã thốt ra nhiều
lần, năm nào cũng vậy. Sự rung động êm ái và hiu hắt buồn trước cơn gió lạnh
đầu tiên khiến vẻ mặt Trúc trở nên dịu dàng và thoáng trong một giây chàng sống
lại hết cả những ngày mới trở rét trong đời.
Tuy
đã cuối tháng chín nhưng đối với Trúc cứ lúc nào trời đổi gió heo may mới thực
là lúc bắt đầu mùa thu (1).
Với
một nhà văn lớn, viết là sống, và sống cuộc đời sâu thẳm nhất của mình. Nghệ
thuật thể hiện trên trang giấy là hơi thở của tâm hồn, hơi thở hồn nhiên và
thanh thản. Với Nhất Linh viết văn là một nhu cầu, là một hạnh phúc. Trước khi
viết cho người đọc, ông viết cho chính mình; đọc Nhất Linh có cảm tưởng tác giả
hưởng thụ văn mình, hưởng thụ cảm giác những lời văn gợi ra, như đó không phải
là lời văn của chính mình nữa. Nhất Linh hô hấp cái không khí trong tác phẩm
của mình một cách lạc thú như người ta hô hấp một không gian hằng mơ ước; một
văn nghệ phẩm, nhìn dưới khía cạnh nào đó, bao giờ cũng là giấc mơ sự thật,
Nhất Linh sống sự thật của những giấc mơ mà mình thể hiện trên trang giấy.
Quả
lựu – tranh Nhất Linh
Do
đó đề tài hạnh phúc là chủ đề căn bản trong tác phẩm Nhất Linh, là nguyên lý
cấu tạo, hình thành và thể hiện tác phẩm, ít nhất cũng là trong tương quan với
tác giả; tương quan đó được xác nhận qua sự gắn bó mật thiết, chung thủy giữa
tâm hồn Nhất Linh và tác phẩm, từ một Nhất Linh mới bước vào văn giới đến Nhất
Linh lúc lìa đời. Quan niệm văn nghệ của Nhất Linh từ Đoạn Tuyệt tới Đôi
Bạn và từ Đôi Bạn đến Xóm Cầu Mới quả có thay đổi, nhưng quan
niệm hạnh phúc của Nhất Linh từ những đêm trăng của Nho Phong, 1924,
đến buổi bình minh trong Vọng Quốc, 1961, vẫn nhất quán.
Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2015
Đặng Tiến - Độc Cô Thanh Tâm Tuyền
Nhà
thơ Thanh Tâm Tuyền qua đời trưa ngày 22 tháng 3-2006, tại thành phố Saint
Paul, Minnesota, Hoa Kỳ, thọ 70 tuổi.
Hôm
sau, bạn hiền Phạm Phú Minh, báo tin và yêu cầu viết bài, chỉ cần khoảng 2700
chữ, trong hai ngày, cho kịp báo Thế Kỷ 21 lên khuôn. Tôi lo toáng lên: hai
ngày thì đào đâu ra 2700 chữ về một tác gia nổi tiếng là khó khăn và khó tính?
Giá mạng chữ nghĩa của tôi giỏi lắm là vài ba trăm chữ, thôi thì đành viết
trong giới hạn đó.
Chủ Nhật, 25 tháng 5, 2014
Ðặng Tiến - Nhất Linh - Bướm Trắng
Nhất Linh - Bướm Trắng
Đặng Tiến
«Trương
chậm bước lại vì chàng vừa nhận thấy mình đi nhanh quá tuy không có việc gì vội
và cũng không nhất định đi đến đâu».
Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013
Đặng Tiến - CHUYỆN KỂ NĂM 2000
Đặng Tiến -
Lời Tòa soạn.- Nhân dịp cuốn sách "Contes pour les siècles venir", bản dịch tiếng Pháp của cuốn Chuyện Kể Năm 2000 của tác giả Bùi Ngọc Tấn vừa được xuất bản tại Paris, nhà phê bình văn học Đặng Tiến gửi cho DĐTK bài viết về tác phẩm này của ông khi nó vừa ra đời năm 2000 tại Việt Nam và liền sau đó bị tịch thu. Mời quý độc giả theo dõi. - DĐTK
Biến
cố văn học Việt Nam năm 2000 là cuốn Tiểu thuyết gồm
hai tập Chuyện Kể Năm 2000 của
Bùi Ngọc Tấn, do nhà xuất bản Thanh Niên vừa mới ấn
hành thì hai tuần sau bị chính quyền tịch thu thiêu huỷ.
Nhưng
đã có 300 bản được lưu hành. Và ngay sau đó thì cả
hai tập, gồm hơn 400 trang, được truyền đi trên mạng
lưới điện tử trên toàn thế giới, được nhiều người
đọc, và được nhà xuất bản Thời Mới (Canada) kết
hợp với các báo Hợp Lưu (Hoa Kỳ) và Diễn Đàn Forum
(Pháp) in lại. Dường như nhà xuất bản Văn Nghệ tại
Hoa Kỳ cũng tái bản. Nghe nói còn nhiều bản in khác.
Tác
phẩm và tác giả
Chuyện
kể năm 2000
của Bùi Ngọc Tấn là một tác phẩm văn học hay, có
hiệu lực phê phán và tố cáo xã hội toàn trị. Ngoài
ra, còn có giá trị văn chương nghệ thuật, đáng được
phân tích trân trọng và đề cao.
Cuốn
sách bị thu hồi là điều dễ hiểu vì tác giả mô tả
cảnh tù đày trong nhiều trại giam miền Bắc từ 1968 đến
1973 và những đọa đày, bất công, phi lý của toàn xã
hội miền Bắc những năm sau đó. Tác phẩm sắc nét hiện
thực phê phán, và tố cáo không khoan nhượng. Điều đáng
ngạc nhiên là làm sao nhà xuất bản Thanh Niên, của đoàn
Thanh Niên Cộng Sản, lại ấn hành một tác phẩm như
vậy, đã đưa lọt qua bao nhiêu vòng duyệt xét của nhiều
tầng lớp kiểm duyệt. Đây là một điểm son của nhà
xuất bản Thanh Niên, gợi ý cho nhiều nhà xuất bản
khác. Đất nước đã anh hùng thì thiếu gì người dũng
cảm.
Một
khi sách đã in ra rồi thì khó bề thu hồi lại được
với không gian xi-be hiện đại. Tịch thu sách chỉ là
quảng cáo cho thông điệp và uy tín của tác giả. Dù là
tác phẩm không hay. Huống chi Chuyện
kể năm 2000
lại là một tiểu thuyết giá trị về nhiều mặt. Vì
vậy nhờ lệnh thu hồi của nhà nước, chỉ trong vòng
một vài tuần lễ mà Bùi Ngọc Tấn danh nổi như cồn.
Tác phẩm thì được nhiều người tìm đọc, khắp bốn
bể năm châu. Tuy nhiên tác giả cùng với nhà thơ Đoàn
thị Lam Luyến – người biên tập – vẫn tham dự Đại
Hội của Hội Nhà Văn tại Hà Nội, giữa tháng tư năm
2000, và được các bạn văn nghệ đặc biệt quan tâm
thăm hỏi.
Bùi
Ngọc Tấn, sinh năm 1934, quê huyện Thuỷ Nguyên, Hải
Phòng, viết văn từ 1954, làm phóng viên cho báo Tiền
Phong, Hà Nội rồi báo Hải Phòng Kiến Thiết, sau đó mất
việc vì lập trường chính trị, đi làm cán bộ Thuỷ
Sản tại Hải Phòng đến khi bị bắt tháng 11 năm 1968
với tội danh "phản
cách mạng, tuyên truyền chống chế độ"
(I, tr. 86), ít lâu sau nhà văn Vũ Thư Hiên, bạn ông, trong
cùng một vụ án (về sau) được gọi là "xét
lại chống đảng".
Được phóng thích năm 1973, ông về lại Hải Phòng sống
lây lất bên lề xã hội, làm đủ thứ nghề để mưu
sinh, và không có tác phẩm in ấn trong hai mươi năm. Mãi
đến 1993 mới có bài về Nguyên Hồng đăng trên báo Cửa
Biển tại Hải Phòng. Năm 1995, được in cuốn Một
Thời Để Mất,
hồi ký về Nguyên Hồng, 180 trang. Và sau đó là Những
Người Rách Việc,
1996, gồm 8 truyện ngắn, 176 trang. Đây là chưa kể đến
hàng loạt tác phẩm thuộc nhiều thể loại, dưới dạng
bản thảo, bị công an tịch thu không trả lại.
Lao pháp, cơ sở của chế độ
Chuyện
kể năm 2000
chủ yếu thuật lại một đoạn đời của nhân vật
chính Nguyễn văn Tuấn qua năm năm tù đày, không xét xử,
qua nhiều xà lim tiền trạm trước khi chuyển đến các
trại tập trung cải tạo miền thượng du Việt Bắc
(1968-1973). Và vài năm sau đó, khi ông về sống lây lất
tại Hải Phòng quê nhà.
Nếu
xét về cốt truyện, tỷ lệ số trang, tuyến nhân vật,
thì chủ yếu tác phẩm mô tả cảnh đoạ đày của tù
nhân – nhất là tù chính trị không có án. Nhưng tham
vọng người viết có lẽ không dừng lại ở đó. Tác
dụng của chữ nghĩa – nội dung sâu xa của tác phẩm –
đã phơi bày toàn bộ chính sách của một chế độ toàn
trị, sử dụng nhà giam để quản lý xã hội, áp đặt
chế độ chuyên chế, tập trung quyền sinh sát trong tay
một thiểu số của guồng máy.
Bắt
giam người không xét xử có nghĩa là muốn bắt ai thì
bắt, giam bao lâu, ở đâu, buộc làm gì cũng được. Chế
độ ấy gieo hãi hùng trong toàn bộ xã hội, ngay cả trên
đầu cán bộ cao cấp. Mỗi con người là một pháp nhân
bán hợp pháp, một công dân bán chính thức. Nó chưa được
làm một "phó thường dân" – vì không có "thường
dân" chỉ có những phạm nhân tiềm thể
(détenu
potentiel), tù nhân "nội trú" hay "ngoại trú"
(I, tr. 251), những "con tin" của guồng máy, không
chút tin cậy gì ở luật pháp. Vì chỉ có lao pháp thay
cho luật pháp. Không có công pháp, chỉ có công-an-pháp.
Nói khác đi, người đọc, qua Chuyện
Kể Năm 2000,
nhận thấy toàn bộ nền tảng cơ sở của một chế độ.
Nó "ưu việt" ở chỗ toàn hảo trong kỹ thuật
toàn trị. Đây là nội dung chính yếu của tác phẩm.
Những cảnh lao lý, đau thương đến mấy, cũng chỉ là
những "chi tiết" minh hoạ.
Quyền
lực và lạc thú
Nói
rằng xã hội không có luật pháp, có nghĩa là pháp lý
không bảo vệ con người, ở những quyền hạn tối
thiểu. Chứ luật lệ thì vẫn có, và nhiều lắm. Tuấn
khi ra tù, sau bao nhiêu nghề ngỗng lêu bêu, mới tìm được
việc làm ở xí nghiệp đánh cá, thì bị không biết bao
nhiêu phép tắc không cho đi làm, từ công an khu phố,
thành phố, sở Lao động, v.v...
Chế
độ toàn trị dựa trên vô số luật pháp để phát huy
quyền lực; người cầm quyền áp dụng luật pháp tuỳ
nghi tuỳ thích. Trong Thân
Phận Làm Người
(La
Condition Humaine)
một nhân vật của Malraux nhận xét : con người không
khát khao quyền lực mà chỉ đi tìm "lạc thú"
(le bon plaisir). Trong trại giam, ông quản giáo Thanh Vân tuỳ
hứng xử lý việc tù nhân được hay không được gặp
mặt gia đình thăm nuôi : "Từ
chỗ không được gặp mặt vợ, đến chỗ, được gặp
nhưng không được nhận quà, rồi nhận tí quà, rồi
cuối cùng được nhận tất cả. Thật là kỳ diệu"
(I, tr.19). Hoàn toàn tuỳ hứng. Trầm trọng hơn nữa là
ông Trần, giám đốc công an, định phóng thích Tuấn từ
1971, rồi đổi ý kiến, (I, tr.113) quyết định long trọng
cho Tuấn đi làm rồi ngầm ra lịnh cấp dưới cấm Tuấn
đi làm (II, tr.93 và 98) cũng là theo "lạc thú" –
dĩ nhiên là có động cơ, quyền lợi riêng, nhưng không
nhất thiết để thăng quan tiến chức như Tuấn "dự
đoán" ; có khi chỉ thực thi "lạc thú":
tôi đã hứa với anh điều này, nhưng nay tôi trở mặt,
làm điều kia, điều trái ngược. Vì đó là uy quyền, là
tự do của tôi, lạc thú của con mèo vờn vọc thân xác
con chuột. Thực hiện lời hứa là thường tình, làm
ngược lại lời hứa mới là "cách mạng".
Quyền
lực ban ơn để tạo uy. Ơn
uy là những lạc thú có khi bệnh họan. Xã hội nào cũng
có người bệnh hoạn, nhưng chỉ ở trong những xã hội
toàn trị bệnh hoạn mới đưa đến đỉnh cao của quyền
lực. Bi kịch ở chỗ : lạc thú người này gây ra
thảm cảnh người kia, tạo nên những tình huống hoàn
toàn phi lý và bi đát. Bi đát ở phần khổ ải đã đành,
còn bi đát ở chỗ phi công lý và phi luận lý. Như tảng
đá của Sisyphe.
Mạng
lưới toàn năng
Xã
hội toàn trị là một mạng lưới toàn năng. Hệ thống
trại giam toàn hảo ở nhiều điểm. Trước hết là không
thể trốn, vì không biết trốn đi đâu. Thời Pháp thuộc,
cán bộ Cộng Sản trốn tù về nhà dân, về cơ sở ẩn
náu suốt tháng quanh năm. Trại giam cộng sản hiệu lực
hơn : tù nhân, tên Sáng trốn năm lần đều không
thoát, vì không biết đi đâu. May lắm là về làng để
bị bắt lại trong lúc "ăn
cơm với mắm cáy cùng bố mẹ"
(I, tr.61).
Hoặc
giả như Già Đô, một Việt kiều cũ, khi được phóng
thích về thành phố, không gia đình, không nhà cửa, không
sống nổi, phải làm đơn xin vào tù trở lại, dĩ nhiên
là đơn không được cứu xét. Già Đô sống lây lất
trên những đống rác và chết trong một ngôi đình đổ
nát "Già
không chết trong tù, đúng như có lúc già mong ước"
(II, tr.89).
Thảm
khốc hơn nữa là Nguỵ Như Cần, tù chính trị, bị giam
cầm không án suốt ba mươi năm – người tù lâu nhất
nhì trong cả nước – quen sống với rừng sâu và muông
thú, hoàn toàn biệt lập với xã hội loài người, đến
khi được lệnh thả thì tự tử "treo
cổ lủng lẳng trong rừng, chết cứng từ bao giờ"
(II, tr.112). Một số cựu tù nhân khác như Min, Giang sống
lây lất bên lề xã hội, hành nghề trộm, cắp rồi bị
bắt trở lại.
Riêng
nhân vật chính, là nhà văn thuộc gia đình cộng sản,
được vợ con, bè bạn dũng cảm cưu mang, cũng phải
gian nan lắm mới kiếm được miếng cơm manh áo và nhất
là không thoát ly ra khỏi ám ảnh tù đày "Gặp
ai, ở đâu hắn cùng tưởng như gặp lại bạn tù cũ.
Những người đi trên đường không một ai cười :
Giống nhau. Xam xám. Đăm chiêu (...). Nhưng rồi hắn giật
mình : chẳng lẽ lại nhiều người đi tù đến thế.
Đất nước lắm người đi tù đến thế ??"
(I, tr.257).
Hỏi
thế là có ngày trở lại núi cũ, rừng xưa đấy...
* *
Tiểu
Thuyết hay Tự Truyện
Chuyện
Kể Năm 2000
được viết ở ngôi thứ ba, với chủ từ "hắn",
nhưng thực chất là một tự truyện. Tác giả có tác
phẩm từ 20 tuổi, đến 35 tuổi mới đi tù ; sau đó
lại có tác phẩm. Người đọc nhận ra ngay : hắn –
Nguyễn văn Tuấn là tôi – Bùi Ngọc Tấn. Dùng ngôi thứ
ba cho thuật sự nhẹ lời, khách quan hơn, để dễ bề
cay đắng. Biết đâu nhờ hư cấu mà dễ bề qua mắt
kiểm duyệt.
"Hắn"
nhân vật cùng năm sinh 1934 với tác giả, cùng ở đường
Điện Biên Phủ, Hải Phòng. Cùng đi kháng chiến chống
Pháp, về tiếp quản Hà Nội 1954, làm báo T (Tiền Phong),
viết sách, bị bắt, được thả cùng ngày. Cùng có những
người bạn chung, có khi kể tên thật như Dương Tường
(I, tr.193), Nguyên Hồng (I, tr. 137), Quang Dũng, có khi đọc
chệch đi một tý : Kiều Duy Vĩnh thành Kiều Xuân
Vĩnh, Lê Bầu thành Lê Bàn,... . Có khi chệch xa hơn :
Vũ Thư Hiên thành Nguyễn Vũ Phương "biên
tập viên điện ảnh"
(I, tr. 71) bị bắt cùng một thời điểm, cùng một tội
danh. Tên nhân vật Tuấn là tác giả Tấn thêm vào một
chữ u, trong u uất, u minh, u ngục ... Tên vợ là Ngọc,
đồng nghĩa với tên Bích ngoài đời.
Chúng
ta không cần phải là bới móc đời tư tác giả để
kiểm chứng người thật, việc thật trong tác phẩm, "Ai
đi phân chất một mùi hương"
(Xuân Diệu), nói chi đến việc đào bới phân tro để
tìm "hồn
của bông hường".
Nhưng cũng nên nêu lên một khía cạnh : Bùi Ngọc Tấn kể
chuyện người thật việc thật mà không dùng thể loại
trực tiếp là tự truyện, lại sử dụng tiểu thuyết là
một hình thức hư cấu. Lý thú ở chỗ : sự thật
hay hư cấu ... cũng vậy thôi ! Tôi, anh, mày, hắn ...
đều là một "chúng ta" nặng nề thân xác, đương
đầu thường xuyên với một guồng máy với "Người
vô hình toàn năng đang im lặng buộc tội"
(II, tr. 113). Ngoài ra, đại từ "hắn" như một
công cụ thi pháp, một kinh nghiệm mà Bùi Ngọc Tấn đã
thừa kế từ Nam Cao, cũng như một vài phong cách khác.
Nhưng lịch sử đã đưa Bùi Ngọc Tấn trôi giạt đi
"học tập" xa hơn Nam Cao. Chữ hắn trong Chuyện
Kể Năm 2000
mang tính chất bi kịch, phẫn nộ lẫn phản kháng chưa
có ở Nam Cao. Nên có thể nói : đây là chủ thể
"hắn-hiện-đại-hoá".
Hơn
nữa, vương quốc Việt Nam là một "cõi
nhân gian bé xíu".
Anh bắt bớ ai, thậm chí sắp nhốt ai, là thiên hạ đều
biết. Người bị bắt, vì chính trị tự dưng thành một
biểu tượng, huống hồ là "một
phóng viên có tiếng, quen biết rộng, khi bắt đã tạo
thành dư luận ầm ĩ. Nếu thả, lại càng ầm ĩ hơn"
(II, tr. 90).
Bùi
Ngọc Tấn không cần viết tự truyện hay hồi ký, bạn
đọc cũng nhận ra đâu là chuyện thật. Sử dụng ngôi
thứ ba, dùng "hắn" thay "tôi" không những
là một thủ thuật văn học, mà còn là một phản ánh và
một phản ứng xã hội, một xã hội cực kỳ "ưu
việt", trong đó người Việt Nam có cách riêng để
hiểu Rimbaud "Je est un autre" (Tôi là kẻ khác).
Dùng hắn thay tôi là tha hoá chủ thể phát ngôn. Tha hoá
còn có thể được hiểu nôm na : hoá
ra mình được... tha !.
Bùi Ngọc Tấn tham chiếu một nhân vật tiểu thuyết của
Huy-gô, tội đồ Jean Valjean, cái tên vang dội ngay vào
Giăng văn Giăng, kẻ móc túi trong Chuyện
Kể Năm 2000
. Uy- mua (humour) ở đây là tình cờ hay hữu ý?
Ngục
Tù và Trăng Mật
Sau
khi Tuấn bị bắt, các bạn ông bị theo dõi sát nút. Có
người như Bình sắm sẵn "ba
lô con cóc bộ đội cũ"
(I, tr.249). "Hai
vợ chồng cứ thế âm thầm chuẩn bị cho việc đi tù
của Bình. Và chính thời gian đó họ sống như trong tuần
trăng mật".
Sẵn sàng ba lô là chuyện thật, tôi đã từng nghe người
khác kể trước đây. Còn "tuần
trăng mật"
thì không biết thật đến đâu : bị công an gắn máy
ghi âm ngay đầu giường, hai vợ chồng không dám làm
tình. "Một
thời gian dài, anh hoàn toàn bị liệt"
(I, tr. 248). Nhưng sau đó "Bình
đã xác định lại : không thể để như người
impuissant. Như thế là không được. Là thua... Ta phải
giành lại phần tự do tối thiểu. Họ lại yêu nhau chăm
chỉ. Cả ban ngày lẫn ban đêm"
(I, tr. 250). Làm tình với vợ là một khẳng định tự
do, một thách đố chính trị, trong những điều kiện nào
đó, mà bằng giọng kể dí dỏm, Bùi Ngọc Tấn đã gợi
lại những nét cụ thể.
Chuyện
Kể Năm 2000 là
một bản giao hưởng chập chùng trên nhiều giai điệu.
Giữa cảnh trần ai khổ luỵ, thỉnh thoảng có những
trang tả tình đằm thắm qua ba hoàn cảnh và giai đoạn
yêu đương khác nhau : đôi lứa Tuấn-Ngọc yêu nhau
vội vã, khi chưa là vợ chồng, trong căn buồng nhỏ hẹp
tại Hà Nội. Sau đó là cảnh yêu đương một đêm trăng
tắm giếng ở nông thôn, vô cùng thi vị và gợi cảm (I,
tr.150) và cuối cùng, cảnh vợ chồng tái hợp "sáng
loà như một đám cháy ở chân trời (...) là những gì
còn đó nguyên vẹn mà không bạo lực nào có thể cướp
đi (... ) là yêu nhau. Là lại được yêu nhau"
(I, tr. 205). Cảnh này sẽ có độc giả cho là không hợp
tình hợp lý, vì kéo dài suốt mấy chục trang, gián đoạn
bằng những hồi tưởng về cảnh tù đày. Những trang ân
ái không nhiều, và viết không đều tay, nhưng đánh dấu
những cái mốc quan trọng trong đời sống.
Nhân
vật nữ trong tác phẩm hiện thân cho tình yêu, hiểu theo
nghĩa hy sinh, chịu đựng. Họ không có thái độ trực
tiếp phản kháng như nam giới. Nói chung trong văn học,
chúng ta có ít chứng từ về người tù phụ nữ. Nhưng
nhất định số phận của họ cũng gian lao không kém gì
nam giới.
Chuyện
Kể Năm 2000
là bức tranh toàn cảnh một xã hội đen tối. Dù rằng
vẫn có vài mảng ánh sáng tươi thắm, phản chiếu niềm
tin ở cuộc đời và tình người, nhất là tình nghĩa vợ
chồng.
Cấu
trúc Truyện kể
Chuyện
Kể Năm 2000
phát triển theo cấu trúc hiện đại, trên dòng tâm tư
nhiều chiều hướng, khi xuôi chiều thời gian theo sự
việc, khi ngược chiều thời gian theo hồi tưởng, khi
chồng sự kiện lên nhau theo liên tưởng.
Phần
đầu, nửa đầu tập I là lối kể chuyện thông thường,
theo dòng thời gian đơn tuyến, để mô tả cảnh tù đày
trong các trại giam. Hành văn hiện thực, ngữ pháp hồn
nhiên làm nổi bật những lao khổ, cơ cực của người
tù, có phần tự nhiên chủ nghĩa một chút.
Sang
nửa sau tập I, tác giả đổi phương pháp : nhân vật
Tuấn được phóng thích về lại thành phố, Hà Nội, Hải
Phòng, rồi về nông thôn thăm bố mẹ. Hành trình "hồi
hương" theo trình tự thời gian, nhưng truyện kể lại
dích dắc theo hồi tưởng, theo giao động tâm lý : Về
quê xưa "hắn
ở nhà ba ngày. Ba ngày ấy, hắn sống bằng cả ba kiếp
sống. Cái hội chứng sống nhiều kiếp trong một lúc chỉ
hắn mới có, chỉ những người
mới
ở tù ra mới có. Thực ra hắn chưa ý thức được rằng
mình mang bệnh ấy. Sống mà luôn luôn nghĩ tới quá khứ,
những ngày chưa bị bắt, và những ngày ở trong ấy, từ
chuyện này lan man sang chuyện khác"
(I, tr.225).
Sang
đến cuốn II, Bùi Ngọc Tấn tả cảnh sống lêu bêu tại
Hải Phòng, làm đủ thứ nghề linh tinh, những sinh kế
"gia
công"
không chính thức, những gian truân vì công an không cho
nhận việc làm có biên chế. Dĩ nhiên là giữa hai sự
kiện hiện thực, tác giả lại liên tưởng, lại hồi
tưởng, hay thực sự gặp lại những bạn tù xưa, khi
tình cờ, khi hữu ý. Những ám ảnh tâm lý đã đành,
thêm những thân tàn ma dại của Dự, của Già Đô xuất
hiện trong thực tế. Quả là tác giả đã "từ
chuyện này lan man sang chuyện khác"
nhưng không đào vong ra khỏi chủ đề : xã hội toàn
trị là một trại trừng giới vĩ mô.
Nhưng
tác giả vẫn giữ niềm tin, ở bản thân, ở thân nhân,
thậm chí ở chế độ đã đày đoạ ông. Trang cuối cùng
loé lên một tia hy vọng : Tuấn sẽ được phép đi
làm việc ở xí nghiệp đánh cá.
Ngưỡng
cửa lao tù
Nhân
vật Tuấn, và tác giả Bùi Ngọc Tấn cùng với nhiều
phạm nhân khác là người tù không án. Không án nghĩa là
bị bắt giam không xét xử, chứ không phải là không có
lý do chìm nổi.
Lệnh
tạm giam là "bắt
bốn tháng"
vì tội "tuyên
truyền phản cách mạng"
(I, tr. 86 và 16). Lại thêm "lệnh
tập trung cải tạo : phần tử nguy hiểm cho cách
mạng"
(I, tr. 16). Những cáo trạng "rất
chung nên rất gay. Bốn tháng là dành cho những người tội
nặng, điều tra phức tạp. Nhẹ chỉ hai tháng thôi"
(I, tr. 89). Nhưng cụ thể thì không ai nói rõ tội nặng
ấy là hành động gì. Chính ông quản giáo trại giam, khi
phóng thích, còn hỏi hắn "anh
bị bắt vì tội gì ?"
(I, tr. 66).
Chỉ
có một lần hỏi cung, ba tháng sau lệnh bắt, ông Lan công
an, sau khi tự hào đã từng "thụ
lý ba án tử hình, năm án chung thân và trên hai mươi án
hai mươi năm"
(I, tr75) đã thẳng thừng bảo Tuấn "Anh
bôi đen chế độ, người ta gô anh lại"
(I, tr. 77).
Về
sau này, trường hợp Bùi Ngọc Tấn, Vũ Thư Hiên... sẽ
được gói chung lại trong vụ án "xét
lại chống Đảng".
Tác giả, ở phần cuối sách, đã "phỏng
đoán :
Thời
gian đó ở Hà Nội, đã phát hiện một tổ chức chống
Đảng. Toàn những cán bộ đảng viên. Có cả cán bộ
cao cấp. P. (Hải Phòng) cũng phải có ở mức độ nhẹ
để hưởng ứng Hà Nội (...). Người ta chọn (bắt) hắn
vì hắn chẳng mở miệng chửi phim Khi Đàn Sếu Bay Qua
(...). Hắn lại có những yếu tố để dễ bất mãn. Hắn
mâu thuẫn với bí thư chi bộ. Hắn không muốn vào Đảng.
Hắn lại còn nói sẽ bẻ bút không viết nữa. Bất mãn
quá rồi còn gì. Hắn chơi bời với một số người Hà
Nội, người bị bắt, người đang bị theo dõi. Hắn bấp
bênh về lập trường. Hắn tự kiêu tự đại. Hắn mất
cảnh giác và dễ bị lôi cuốn. Sau này hắn còn được
biết ông bí thư thành uỷ K. rất ghét hắn"
(II, tr.75). Như vậy đã là quá nhiều "nghi án".
Ít tội hơn thế nữa, cũng đã lắm người bị bắt.
Thế
giới Tập trung cải tạo
Chế
độ tập trung cải tạo, không phải là một phát minh mới
lạ, càng không phải là sáng kiến Việt Nam. Nhà cầm
quyền Cộng sản chỉ thừa kế một gia tài hương hoả
của nhiều chế độ anh em, và đã khéo ứng dụng vào
một nước nhỏ đang chiến tranh, với nhiều nét xã hội,
tâm lý riêng biệt.
Bùi
Ngọc Tấn không nêu đích xác các địa danh, chỉ gọi là
xà lim 75, hay 76, rồi những trại QN hay VQ để bảo vệ
lý thuyết "hư cấu" trên bề mặt. Nhưng người
đọc cũng nhận ra khi tác giả định hướng : "trại
VQ nằm vào thung lũng giữa rừng già Việt Bắc ... , đi
tàu, rồi ba chục cây số đường rừng"
(I, tr. 10) "miệt
Hà Giang"
(I. tr.35). Trại giam cả hàng ngàn người thuộc nhiều
loại tù khác nhau từ hình sự đến chính trị. Tù có án
mang số chẵn. Tù không án mang số lẻ gồm có những
phần tử nguy hiểm cho chế độ, những nhà văn như Bùi
Ngọc Tấn, Vũ Thư Hiên, những người trong quân đội
Pháp cũ, tu sĩ Công giáo, Phật giáo, đảng viên đảng
phái v.v.., nói chung là "có hại cho an ninh xã hội".
Chuyện
kể Năm 2000
là tác phẩm văn học vì đã khắc hoạ được những
nhân vật điển hình, trong cá tính, ngôn ngữ, phản ứng
riêng. Cùng là nạn nhân bị đoạ đày trong đời sống
lao cải, họ đến từ những chân trời khác nhau, những
hoàn cảnh xã hội dị biệt, phải hoà mình vào một tập
thể quái đản. Có khi yêu thương, đùm bọc lấy nhau,
cũng có khi tố giác, hành hạ, đánh đập nhau. Nhưng nói
chung, tác giả làm nổi bật nhân phẩm chung và tư cách
riêng của con người dưới sự đàn áp. Lửa thử vàng,
nhục nhằn thử đức. Không nhục nhằn nào so được với
cảnh tập trung cải tạo.
Tuyến
Nhân Vật
Chuyện
Kể Năm 2000
quay chung quanh Tuấn, nhân vật "hắn" trung tâm.
Dĩ nhiên là không ai hiểu Tuấn bằng tác giả. Kỹ thuật
hư cấu cho phép tác giả vượt qua thực tại một cá
nhân, cường điệu hay thăng hoa người thật việc thật
– từ đó cách điệu hoá các nhân vật – tạo nên
những nhân cách văn học. Đây là ưu thế của tiểu
thuyết so với tự truyên hay hồi ký. Vũ Thư Hiên, tác
giả Đêm
Giữa Ban Ngày
(1997) đã vất vả lưu ý người đọc và giới phê bình
vào tính cách nghệ thuật của tập hồi ký, nhưng không
phải ai cũng phân định rốt ráo.
Trại
tù là một nhân gian bát nháo. Có người ở tù vì là
thành phần của một cơ chế, như quân đội Pháp. Bảo
Đại trước 1954 : Hợp lính "nguỵ", tập
trung cải tạo đến năm thứ 9, thích bẩm, sớ, để lập
công, sớm được về (I, tr. 20). Cương sĩ quan Đà Lạt
khoá cuối (?), Vĩnh cựu đại uý, v.v...
Những
nhân vật Việt kiều
cũ : Già Đô, tình nguyện về nước, để xây dựng
công nghiệp, bị bắt vì ăn ngay nói thẳng ; Cán về
thăm đất nước, khi ra sân bay bị mời ở lại vì bị
nghi là gián điệp và ở tù từ 18 năm (I, tr. 43).
Nhiều
người tù thuộc các dân tộc, nhiều nhất là gốc Hoa. A
Thềnh, gốc Nùng bị tù vì làm cháy rừng, bị bắn chết
khi hái trộm mấy quả ớt (I, tr.40). Voòng Kỷ Mình vào
khám vì tố cáo ban chủ nhiệm hợp tác xã tham nhũng (I,
tr.57). Khả ái như Giang, con liệt sĩ, bị bắt đi bắt
lại vì trộm cắp ; độc đáo như Triều Phỉ, tay
anh chị bến Cảng Hải Phòng.
Tù
trí thức : Sơn kỹ sư, bị bắt vì ăn cắp nguyên
liệu. Đỗ "dược sĩ cao cấp" án tử hình với
tội (oan) giết vợ (I, tr.177). Có anh bộ đội bị án tử
hình bởi tội đào ngũ và bắn chết đồng đội (I, tr.
182).
Đi
tù, cho dù bất cứ lý do gì, oan hay ưng, đều bi đát
trong những điều kiện vật chất, tinh thần của những
trại tập trung cải tạo. Nhưng tác giả vẫn có giọng
dí dỏm :
"Hắn
nhớ hai ông Minh trong B. Một ông Minh là máy trưởng. Về
nông thôn chữa máy bơm thuê. Ông lấy tiền nhôm ra đúc
piston. Một ông Minh khác là thợ thủ công, lấy nhôm lá
dập thành xu. Cả hai ông đều phạm pháp. Một ông phá
hoại tiền tệ, một ông làm tiền giả. Hai ông gặp
nhau ở BD (buồng giam) ; giá hai ông gặp nhau trước
thì đâu dến nỗi"
(I, tr.134).
Giọng
hài hước, một mặt thay đổi khí hậu cho tác phẩm,
điểm nụ cười mỉm trên những khuôn mặt hốc hác. Mặt
khác, nó xác nhận tâm thức tự do của con người mạnh
hơn tảng đá đè lên nó. Trong tù, ngoài tù cũng vậy.
Ngoài
tù, một loạt nhân vật linh động : rõ nét nhất là
Ngọc người vợ, tận tuỵ, chung thuỷ và chịu đựng,
dường như Thượng Đế đã tiền chế một người đàn
bà sinh ra để làm vợ chung thân một tên tù không án.
Những người bạn dũng cảm và chu đáo. Đôi vợ chồng
Bình-Thao là những vai phụ linh hoạt, sống động. Gia
đình Tuấn, cha mẹ, anh em toàn là cộng sản gốc, các
người anh đã thoát ly theo kháng chiến từ khởi thuỷ.
Anh Chân từng bị bắt oan và đối xử nghiệt ngã nhưng
vẫn kiên định và tin tưởng. Anh Thân tinh tế và sáng
suốt. Họ là những đảng viên kỳ cựu và trung kiên.
Cộng sản nhưng vẫn là người bình thường, thậm chí
khả ái : họ là người cộng sản chưa nắm quyền
bính. Ông Hoàng, đảng viên cao cấp, cũng là người bạn
chí tình. Tiếc thay ông đã mất hết quyền bính.
Ngục
trung nhật ký
Ở
tù, ở đâu, thời nào cũng khổ. Trên miền Bắc, vào
khoảng 1970 càng khổ. Lao dịch, đàn áp, đã đành. Còn
đói rách trong một xã hội cùng khổ và bị chiến tranh
tàn phá. Đã có nhiều sách nói về thảm cảnh trong các
trại cải tạo, nhất là các trại học tập dành cho sĩ
quan, công chức miền Nam sau 1975. Nhưng có lẽ Chuyện
Kể Năm 2000
là chứng từ đầy đủ nhất, phản ánh nhiều khía cạnh
nhất, nhìn dưới ánh sáng nhân đạo và nhân văn. Trong
Đêm
Giữa Ban Ngày,
Vũ Thư Hiên cũng đã có dụng công này, nhưng thông điệp
chính trị nặng nề hơn, do đó chất lượng chính trị
lấn át màu sắc nhân văn và văn học.
Một
tù nhân đã đưa đàn trâu sâu vào rừng để làm tình
với một con trâu cái, bị phát giác vì "nó
lại kêu họ họ lúc làm tình"
(I, tr. 228). Đây là một cảnh lẻ loi. Không tiêu biểu,
nhưng cũng là cách hoán dụ (một onymie) gợi lại toàn
cảnh tù đày. Cảnh đói thì vô cùng vô tận. Tù nhân
ăn mọi thứ : chuột, rắn mối, kỳ nhông ; ăn
sống dế và tò vò, Cằm bạnh ra vì nhai sắn ; cảnh
đê nhục con người là lúc chia cơm. Đói sinh ra ăn cắp,
tạt được cái gì ăn cái đó ; ăn cắp không phải
là cái tội, mà là một hành động phản kháng. Dĩ nhiên
là có đứa tố giác :
"Tích
cực bẩm, sớ, để được giảm án. Lê đã bóp cổ
Voòng Kỷ Mình để Voòng Kỷ Mình lè ra khỏi miệng quả
vải thiều vừa mới tạt được, nhưng chưa nuốt trôi
xuống cổ. Lê cầm quả vải ướt nhoe nhoét ấy đi báo
cán bộ"
(I, tr.47).
Quả
vải thiều chưa kịp trôi xuống cổ : một chi tiết
thôi, rất nhỏ nhưng nói nhiều, nhờ phong cách hoán dụ,
đặc biệt của điện ảnh.
Kiếm
miếng ăn đã gian nan. Giữ tư cách trước miếng ăn lại
càng không đơn giản. ăn đã vất
vả, ỉa đái cũng gian lao : "Thân
tù thật tội. Đi ỉa cũng vội, ỉa không hết cứt
(...). Hắn nhắm mắt, nín thở, đái, co bụng lại mà đái
cho nhanh"
(I, tr. 50-51).
Đây
là chưa nói đến lao dịch : "nước
sông công tù. Công của thằng tù vô tận"
(I, tr.59).
Giấc
Mơ và Lời Chim
Lao
khổ và áp bức huỷ hoại từ cơ thể đến tinh thần
con người, len lỏi vào tận những giấc mơ. Nhân vật
Tuấn hoàn toàn mất khả năng nằm mơ "Đã
bao lần tôi ao ước nằm mơ thấy vợ, thấy con. Lần
cuối cùng tôi nằm mơ cách đây hơn ba năm rồi. Tôi nằm
mơ thấy thằng cháu lớn... túm đầu thằng bé mà tát
nó, đánh nó. Nó khóc, nó khóc thảm thiết : con lạy
bố rồi, bố đừng đánh con nữa. Tôi vẫn cứ ấn nó
xuống mà đánh... Tôi choàng tỉnh. Run lên, toát hết mồ
hôi ... Sao hắn lại đánh con như đánh đòn thù ?
Sao phải lạy bố, hở con"
(I, tr.32,33).
Bạo
lực, những đòn thù từ cuộc sống dội vào đến tận
đáy tiềm thức con người, hành hạ những bóng dáng
thương yêu nhất. Nó huỷ hoại đến cốt tuỷ những
tình cảm thiêng liêng nhất. Bạo lực bất nhân, phi lý
rền vang trong câu hỏi quái đản : "sao
phải lạy bố hở con ?"
Thậm chí con người sao lại phải van lạy con người ở
cuối thế kỷ hai mươi ?. Mất khả năng nằm mơ, người
tù lại càng không dám sống về ký ức "Những
đêm mất ngủ trong tù thật là khủng khiếp"
(I. tr.49), vì kỷ niệm không an ủi mà còn dằn vặt, tra
tấn, lẫn lộn vào bạo lực.
Đoạ
đày xen kẽ vào những giấc mơ. Và toả bóng rộng ra,
bao trùm lên ngoại cảnh, nhức nhối trong mỗi lời chim.
Văn học đã từng có những tiếng chim thê thiết. Trên
bước đường lưu lạc, Thuý Kiều lắng nghe tiếng "chim
hôm thoi thót về rừng",
và sống tâm cảnh :
Rừng
thu từng biếc chen hồng
Nghe
chim như nhắc tấm lòng thần hôn
"Nghe
tiếng quyên khắc khoải năm canh"
xen giữa "tiếng
khóc nỉ non",
người vợ lính thú gánh gạo đưa chồng, cũng lần bước
trên dặm trường thượng du Việt Bắc. Nhưng khắc khoải
đến đâu, dù "năm
canh máu chảy đêm hè vắng",
cũng không bi thương bằng những tiếng chim xé rách thế
giới tù đày, "những
tiếng kêu thất thanh. Như những mũi dao khoan xoáy vào
không trung"
(I, tr.92).
Trước
hết là tiếng chim bắt
cô trói cột
nghe thành : Khó
khăn khắc phục.
"Tiếng
chim bên này rừng :
khó
khăn
Tiếng
rừng bên kia dáp lại :
khắc
phục.
Khó
khăn
... Thôi. Đủ rồi. Cái điệp khúc này tao nghe mãi rồi
... Khó
khăn. Khắc phục
(...)
Rồi
con chim
Còn
khổ.
Đó
mới thật là tiếng của kinh hoàng.
Còn
khổ, còn khổ.
Không
thoát được cảnh này đâu. Còn
khổ. Còn khổ.
Đừng mong đợi một ngày qua làm gì. Có án đâu mà tính
đã qua được một ngày.
...
Còn
khổ :
Hắn quảy thùng nước phân thứ một trăm trong ngày, leo
dốc, thở ra cả mang tai, mặt trời đốt vai rát bỏng.
Dòi ở hố phân bám vào chân hắn trắng xoá, con rơi
xuóng đất theo từng bước chân huỳnh huỵch, con vẫn
tiếp tục bò ngược lên tận bẹn.
Còn
khổ
... Còn
khổ.
Còn
khổ
cái con cặc tao đây này. Còn
khổ
. Cooòn
khôôổ.
Đúng là tiếng của đất, của rừng than thở một mình
... và tiếp tục là tiếng thở dài của rừng sâu"
(I, tr.93).
Lại
còn tiếng chim thứ ba, "kêu
rất to ngay bên cạnh như tiếng người :
ới
con ơi.
Tiếng
ơi
không nhỏ dần đi mà lại to lên. Đúng lúc to nhất thì
đột ngột tắt. Rừng sâu lại lịm đi. Chưa ai trông
thấy nó, nhưng nhiều người đã nghe thấy nó gọi con.
Họ đặt tên là chim
ới
con ơi"
(I, tr.95).
Kiến,
Rận và Người
Tiêu
khiển của người tù là nhìn đời sống hèn mọn chung
quanh, mang hình ảnh của thân phận : "Ngồi
nhìn lũ kiến tha cơm. Những con kiến bò ngòng ngèo vào
tổ. Những con ra đi gặp những con đi về đều đứng
lại. Như thăm. Lại cũng như kiểm tra. Hắn cố tình thả
xuống một hòn cơm to. Lũ kiến bu lại. Đông. Rất đông.
Không thấy cơm đâu. Như một hòn kiến động đậy".
(I, tr. 80). Phong cách vừa tả thực vừa ẩn dụ. Cay đắng
chừng mực, có phần thi vị. Nhưng khi nuôi rệp để đùa
chơi thì ẩn dụ đau đớn hơn nhiều : "Hắn
nhốt con rệp được tám tuần lễ thì buồn quá, không
chờ được nữa, đã đem con rệp ra cho nó hút máu. Tám
tuần lễ nhịn đói, con rệp gần như khô đi. Nhưng khi
bắt ra để trên cổ tay chỗ mạch đập, ngửi hơi máu,
ngửi hơi người, cu cậu tỉnh ra ngay, bò, xoay xoay và
chổng đít lên cắn da hút máu. Cho mày hút đẫy bầu
đấy. Hẳn là một bữa đại tiệc. Cu cậu lịm đi...
Lại còn xếp những que diêm sóng hàng bắt ba bốn con rệp
chạy qua que diêm, như kiểu chạy vượt rào. Cũng lồng
lên như ngựa. Thú vị, nhưng chơi lâu cũng chán"
(II, tr. 189).
Từ
đàn kiến nhắm cơm đến con rệp nuôi hút máu, lối ẩn
dụ đã được nâng cấp trong thi pháp thảm khốc. Ở
đây, chúng tôi muốn lưu ý đến tính cách nhân đạo của
ẩn dụ. Trong Đêm
Giữa Ban Ngày,
Vũ Thư Hiên có kể lại thời gian ở xà lim Bất Bạt,
ông đã nuôi một con cóc làm bầu bạn, và giải thích là
do "bản
năng cầu bầu"
một từ cổ, có nghĩa là che chở, săn sóc một sinh vật
yếu đuối hơn :
"Không
phải chỉ nhu cầu có bạn trong cảnh cô đơn, mà người
tù xà lim nuôi những con vật chẳng ai nuôi làm cảnh bao
giờ. Con người cần có ai đó để mà săn sóc. Nói cách
khác, nó cần được thấy có ai đó cần đến nó, để
được thấy nó đang hiện hữu và hiện hữu có ích.
Tình cảm đó là hạt nhân Thiện nằm trong mỗi chúng ta"
(ĐGBN, Văn Nghệ, 1997, tr. 586).
Bài
học chúng ta lãnh hội được từ những người tù như
Vũ Thư Hiên hay Bùi Ngọc Tấn là : sau bao nhiêu đày
đoạ oan khiên họ vẫn độ lượng với xã hội, tin
tưởng ở lẽ phải trong cuộc đời, những tình cảm tốt
đẹp trong lòng người, chức năng của ngòi bút và hạnh
phúc ở trần gian.
Thế
kỷ Mới – Thế giới Mới
Chuyện
Kể Năm 2000
là một biến cố văn học, không phải chỉ vì nó bị
nhà nước tịch thu, nhưng nhờ giá trị tự tại của nó,
trong một đất nước chưa có xã hội văn học chân
chính, theo đúng nghĩa của một xã hội văn học.
Giá
trị của một cáo trạng dũng cảm, tố giác một xã hội
toàn trị đặt cơ sở trên guồng máy công an, điển hình
qua những trại tập trung cải tạo, giam giữ, đày đoạ
con người không cần xét xử. Chính sách lao
trị chủ nghĩa
điều kiện hoá toàn bộ xã hội dân sự, khiến con
người bị tha hoá, mất cả tự do, phẩm chất và tư
cách.
Cáo
trạng trong Chuyện
Kể Năm 2000 là
một thông báo hiệu lực, nhờ giá trị văn học vững
vàng, đặt trên nền tảng một nội dung nhân văn, nhân
đạo và một nghệ thuật tiểu thuyết điêu luyện. Nghệ
thuật trong cấu trúc truyện kể hiện đại, xây dựng
nhân vật linh động, sử dụng bút pháp đa đạng, và một
kho từ ngữ phong phú, ở nhiều cấp độ khác nhau.
Chuyện
Kể Năm 2000.
Năm 2000 ? Tại sao lại 2000 ? Phải chăng tác
phẩm có tham vọng chấm dứt một thế kỷ anh hùng và
đày đoạ, để mở ra một chân trời văn học mới, hứa
hẹn một ánh sáng bình thường của công lý, dân chủ,
nghệ thuật và hạnh phúc?
Đặng
Tiến
Paris,
5 Mai 2000
Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012
Đặng Tiến - Tưởng niệm 100 năm Hàn Mạc Tử
Đặng Tiến
Ngày 22-9-1912, thi sĩ Hàn Mạc Tử chào đời tại thị xã Đồng Hới, Quảng Bình, tính đến hôm nay vừa chẵn 100 năm. Hôm qua, 21-9-2012, tại Quy Nhơn đã diễn ra cuộc Hội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm sinh của ông. Nhân dịp này, từ nước Pháp, nhà phê bình quen biết Đặng Tiến gửi cho BVN một chùm 3 bài về Hàn Mạc Tử, nói rõ nguyên ủy việc ông tìm ra bản thảo tập thơ Gái quê gần với nguyên tác nhất mà chúng ta sắp xuất bản nay mai, đồng thời cũng đưa ra những đính chính tư liệu cần thiết thuộc «đời và thơ Hàn Mạc Tử» sau nhiều năm bỏ nhiều công sức nhiên cứu cuộc đời và tác phẩm của nhà thơ. BVN trân trọng công bố thành một chùm dưới đây, hai bài sau đặt đưới tiểu mục Phụ lục 1 và Phụ lục 2 theo đúng tinh thần của tác giả. - Bauxite Việt Nam
Hàn Mạc Tử là nhà
thơ lớn, đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc cách tân thơ Việt Nam qua
nhiều giai đoạn hiện đại hóa, đồng thời đã trải qua một đời sống vật chất bi
thiết. Đã nhiều người đề cập đến đời sống mà
không mấy ai quan tâm vào những đóng góp lớn lao của Hàn Mạc Tử cho nền thi ca
Việt Nam.
Nhà phê bình lý
luận Phan C ự Đệ
trong một biên khảo 1993, đã «xét lại» giá trị của thơ Hàn Mạc Tử, và tổng lược
đồng thời đánh giá : «trong khoảng
trên dưới một chục năm trời hoạt động trong thi đàn, Hàn Mạc Tử đã từ cổ điển,
lãng mạn tiến nhanh sang tượng trương, siêu thực, góp một phần quan trọng vào
quá trình hiện đại hóa thi ca Việt Nam» (1).
Một nhận định như
thế, đến từ một cây bút phê bình nổi tiếng, và nổi tiếng chính thống, tưởng
cũng là một bước «đổi mới», tiến đến thái độ công minh đối với một tác gia văn
học, có tác dụng tốt, dù muộn màng, là trả văn học về cho văn học.
Tuy nhiên, trong
biên khảo công phu, dài 70 trang nói trên, Phan C ự Đệ chưa kịp đề cập đến những cái mới nơi Hàn
Mạc Tử, vượt qua biên giới phong trào Thơ mới 1932-1945. Ngày nay, độc giả và
người làm thơ thế kỷ XXI, đọc lại một số câu, hoặc bài thơ Hàn vẫn còn sửng sốt
trước vẻ tân kỳ, sáng tạo. Yếu tố mới thì nhiều lắm, nhưng điều chính là Hàn
Mạc Tử đã dâng hiến đời sống chân thành, thảm khốc, ngắn ngủi của mình cho thi
ca, đã để «hồn trào ra đầu ngọn bút / mỗi
lời thơ đều dính não cân ta». Ông đã làm thơ bằng cuộc sống thực, đau đớn,
bi thương, bệnh hoạn, khốn cùng.
«Tôi làm thơ?
- Nghĩa là tôi yếu đuối quá ?
Tôi bị cám dỗ, tôi phản lại tất cả những gì mà lòng tôi, máu tôi, hồn tôi đều
hết sức giữ bí mật. Và cũng có nghĩa là tôi mất trí, tôi phát điên…
Tôi đã
sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng
hồn. Tôi đã phát triển hết cả cảm giác của Tình yêu. Tôi đã vui, buồn, giận,
hờn đến gần đứt cuộc sống».
Tấm lòng chân thực
và thành khẩn ấy, tự nó đã tạo giá trị nhân bản cho tác phẩm. Huống chi nhà thơ
còn là bậc tài năng lớn, hoàn toàn làm chủ kỹ thuật điêu luyện, ngôn ngữ phong
phú, hình tượng độc sáng, đi từ lối Đường luật cổ điển chuyển sang nguồn thi
hứng hoàn toàn hiện đại, gần với trường phái siêu thực phương Tây thời đó – vẫn còn mới mẻ đến ngày nay.
Cuộc sống nghiệt
ngã của tác gỉả, rồi lịch sử dân tộc đa đoan, đã giới hạn âm vang của tài thơ.
Trong một thời gian dài, tác phẩm Hàn Mạc Tử chỉ được phổ biến rộng rãi tại các
thành phố, ở nửa phần đất nước. Từ cuộc Đổi mới, cụ thể là từ 1987, tác phẩm Hàn
Mạc Tử đã được truy tầm, phổ biến. Đặc biệt là Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã cố
gắng in lại những tập thơ ấn hành trước 1945 theo đúng nguyên bản, và không tị
hiềm chính trị. Tuy nhiên, nhà xuất bản không tìm ra tác phẩm Gái quê
của Hàn Mạc Tử, do tác giả tự xuất bản, in tại Nhà in Tân dân, Hà Nội, xong
ngày 23-10-1936. Để cho đủ bộ sưu tập, và in ấn kịp thời toàn bộ 12 cuốn, nhà
xuất bản năm 1992 đã phải đành lòng in lại tập thơ theo bản chép tay của Chế
Lan Viên, mà nhà Văn học đã xuất bản 1987, gồm có 21 trên 34 bài trong nguyên
tác; trong phần chọn in lại, có bài bị cắt
xén. Từ bấy đến nay, Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã có lời hứa cố công tìm lại Gái quê,
bản in 1936, nhưng vô hiệu.
Chúng tôi lưu cư
tại nước ngoài non nửa thế kỷ, nhưng vẫn quan tâm đến văn học nước nhà. Nhân
dịp kỷ niệm 100 năm Hàn Mạc Tử, chúng tôi thử tìm lại thi tập Gái quê,
bản in Tân dân, năm 1936, dọ hỏi những gia đình thân thuộc với nhà thơ, trong
và ngoài nước, thì họ cho biết đã từng sở hữu, nhưng hiện thời lạc mất. May mắn
được bà Hoàng Thị Quỳnh Hoa, ở Maryland, Mỹ, có lưu giữ một bản sao trong tư
liệu người cô là Hoàng
Thị Kim Cúc (Huế, nhân vật «áo trắng» trong bài thơ Thôn Vỹ, có gìn giữ kỷ niệm
về nhà thơ), do Trần Như Uyên đánh máy lại năm 1969, từ một bản đánh máy khác
của nhà thơ Phan Văn Dật, cùng ở Huế.
Sau khi đối chiếu
với nhiều nguồn tư liệu sẵn có, thì chúng tôi nhận thấy bản đánh máy đáng tin
cậy.
Ví dụ bản Gái quê
của Chế Lan Viên 1987, sau này Nhà xuất bản Hội Nhà văn 1992 và 1998 lấy lại, đều
không có bài Hát giã gạo mà Vũ Ngọc
Phan chê «suồng sã» và ghi trang 31(2); so sánh với
bản mục lục mà ông Nguyễn Đình Niên(3) đề xuất trong
luận văn cao học đệ trình tại Sài Gòn, tháng 7.1973, thì đúng số trang.
Bài Nụ cười (trang 7), Bẽn lẽn (trang 10), cũng đúng số trang. Ngoài ra bài Tình quê, trang 35, nổi tiếng, có hai
câu :
Dầu ai không mong đợi
Dầu ai không lóng nghe
Bản đánh máy, cũng
như nhiều bản đang lưu hành, ghi «lắng nghe». Đối chiếu với văn bản của những
tác gia uy tín, chắc chắn đã từng đọc Gái quê từ bản gốc in 1936, như Trần
Thanh Mại, Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh, thì đúng là «lóng nghe». Để nói rằng bản
đánh máy chúng tôi có dưới tay, vì chỉ là bản sao, nên chưa chắc đã chính xác
từng chữ một, nhưng lỗi đánh máy thì có thể phục chế. Quý hồ là nó gồm đủ 34 đề
thơ, thay vì 21 theo bản Chế Lan Viên; và gồm cả lời tựa của Phạm Văn Ký. Chưa
kể bài Em lấy chồng, tr. 47, gồm 4
khổ thơ, bản Chế Lan Viên gạt bỏ 3 khổ, chỉ chừa đoạn cuối. Theo ông chủ trương,
thì trong một tuyển tập, «mình có quyền cắt»(4).
Nói tóm lại, văn
bản Gái
quê chúng tôi đề xuất, không dám nói là trung thực tuyệt đối so với bản
in tại Nhà in Tân dân 1936, nhưng chắc chắn là đầy đủ, không bị cố tình đục bỏ,
cắt xén.
Toàn tập 34 bài
không phải bài nào cũng hay. Và «nhiều bài có thể là của ai cũng được» như lời phê
phán công bình của Hoài Thanh(5), nhưng toàn
tập không thể thiếu trong việc khôi phục sự nghiệp Hàn Mạc Tử, trong đồng bộ phong
trào Thơ mới 1932-1945.
Mai kia mốt nọ, có
ai tìm ra được ấn bản 1936, thì phục chế lại bản in lần này, cũng không phải
khó khăn.
Niềm vui là cơ
duyên tìm được văn bản thất tung lâu nay, đúng vào dịp kỷ niệm một trăm năm ngày
sinh nhà thơ, 22 tháng Chín 1912.
Cũng là nén hương
xa, từ ngoài nước, gửi về quê hương, tưởng niệm một nhà thơ lớn lao và bất hạnh
của đất nước.
Orléans,
Pháp, 21.9.2012
Đ.T.
Ghi chú : Trong bài này chúng tôi dùng chính tả Hàn Mạc Tử – bút danh
cuối cùng của nhà thơ, theo những phát hiện mới đây – thay vì Hàn Mặc Tử.
Bút danh Hàn Mặc Tử
được lưu truyền vì đã được sử dụng trong nhiều tuyển tập được phổ biến rộng rãi
trước đây.
(1) Phan C ự Đệ, Thơ
văn Hàn Mạc Tử, tr.22, NXB Giáo dục, 1993, Hà Nội.
(Nói là «trên dưới một chục năm trời », kỳ thật Hàn Mạc Tử chỉ sáng tác
thơ mới trong năm năm cuối đời, từ bài
«Sống khổ và phấn đấu» trên báo Công luận,
ngày 6.4.1935. Mười năm sau Phan
C ự Đệ có điều chỉnh : «chỉ trong mấy năm, từ 1935 đến 1940 ông đã làm cuộc hành trình văn học
dài bằng một thế kỷ… ông là người tiên phong đưa thơ vào con đường hiện đại,
hòa nhập vào mặt bằng thơ hiện đại thế giới», trong Văn học Việt Nam thế kỷ XX,
tr 454, NXB Giáo Dục, 2004, Hà Nội.
Nhà phê bình Hà Minh Đức cũng đã có nhận
định đại khái như vậy : «Hàn Mạc Tử
đã thổi vào thơ sinh khí của tuổi trẻ và hơi ấm của cuộc đời, để tạo nên những
câu thơ có dáng vẻ riêng». Trong Thơ
Hàn Mạc Tử, khổ bỏ túi, tr. 7, NXB
Giáo Dục, 1994, Hà Nội.
Chúng tôi nhớ lại: Hai ông Đệ và Đức là
những bậc thẩm quyền trước đây đã nhiều lần phê phán nặng nề Hàn Mạc Tử, làm
cho người ta... e nể.
(2)
Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại,
tập III, 1942, tái bản nhiều lần, tr.707, NXB Khoa Học Xã Hội, 1989, Hà nội.
(3)
Nguyễn Đình Niên, Kinh nghiệm về
thân phận làm người trong thơ Hàn Mạc Tử, tr 53, NXB Seacaef, California, 2009.
(4)
Chế Lan Viên, Tuyển tập Hàn Mặc Tử, Tựa, tr 25, NXB
Văn Học, 1987, Hà Nội.
(5) Hoài Thanh và Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, 1942, tr 205, in lại 1967, Sài Gòn. Lê
Tràng Ki ều trên Hà Nội Báo tháng 11- 1936,
trong mục điểm sách, cũng có dè dặt như thế.
Phụ
lục 1
Tiểu
truyện sơ lược
Đặng
Tiến
Hàn Mạc Tử tên thật
là Nguyễn Trọng Trí, lần lượt, có khi cùng một lúc, lấy bút hiệu Minh Duệ Thị,
Phong Trần, PT, Lệ Thanh, hay Hàn Mặc Tử, thỉnh thoảng trên báo còn dùng dăm ba
bút danh khác.
1912: Nhà thơ ra đời khoảng 8
giờ sáng ngày 22 tháng 9. Âm lịch, nhằm giờ Thìn, ngày 12 tháng 8 năm Nhâm Tý,
tại làng Lệ Mỹ, nơi cửa biển Nhật Lệ, thị xã Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Gia
đình Công giáo thuần thành, ông có tên thánh Phanxicô (François) không phải
Phê-rô (Pierre) như nhiều tư liệu ghi nhầm.
Thân phụ làm công
chức thương chánh (quan thuế), gốc Thanh Hóa, tên Nguyễn Văn Toản, nguyên họ
Phạm. Mẹ tên Nguyễn Thị Duy.
1921: Thân phụ thuyên chuyển đi
làm việc nhiều nơi có cửa khẩu: Sa Kỳ (Quảng Ngãi), Quy Nhơn, Bồng Sơn, rồi trở
lại Sa Kỳ. Tử di chuyển theo gia đình, việc học không ổn định.
1926: Cụ Nguyễn Văn
Toản bị bệnh, qua đời. Gia đình dời về Quy Nhơn, số nhà 20 đường Khải Định; ở
cùng người con cả là Nguyễn Bá Nhân, làm thầu khoán, yêu văn thơ, dưới bút danh
Mộng Châu, cùng em xướng họa.
Hàn Mạc Tử làm thơ
từ đấy, bút hiệu Minh Duệ Thị, thường là thơ theo luật Đường.
Tử học tiểu học tại
Quảng Ngãi; khi dời vào Quy Nhơn học hai lớp cuối cùng bậc tiểu học, và thi
không đỗ.
1928 - 1930: Ra Huế, theo học Trường
dòng Pellerin (Bình Linh), ngoại trú, lớp Nhất niên B, tức lớp 6 bây giờ. Không
phải là lớp Premiere áp cuối bậc trung học thời ấy. Phải ở lại lớp, đỗ bằng
Tiểu học, thời ấy gọi là Pháp Việt Sơ
học, rồi thôi học.
1930 - 1931: về lại Quy Nhơn.
Dưới bút danh Phong Trần, đã có thơ đăng báo.
Xướng họa và giao tiếp với cụ Phan
B ội Châu, được cụ đề cao.
1932 - 1933: Làm thư ký Sở Đạc
điền (Địa chính) Quy Nhơn. Đọc sách, nghiên cứu; có thơ đăng nhiều báo: Tiếng dân, Phụ nữ tân văn,… Đơn phương
yêu Hoàng Cúc (Hoàng Thị Kim Cúc) và bắt đầu liên lạc thư từ với Mộng Cầm (Huỳnh
Thị Nghệ).
1934 - 1935: Thôi việc, theo bạn
bè vào Sài Gòn làm báo. Phụ trách trang văn chương báo Sài Gòn, viết cho báo Công
luận, Trong khuê phòng. Lấy bút
hiệu Lệ Thanh và Hàn Mạc Tử.
Dưới bút hiệu Lệ
Thanh, được một giải thưởng thơ gì đó.
1936: Anh ruột là Nguyễn Bá Nhân
qua đời vì tai nạn.
Cảm thấy sức khỏe
suy giảm và trở về Quy Nhơn. Chấm dứt quan hệ tình cảm, sau hai năm giao du
thân mật với Mộng Cầm, cư ngụ tại Phan
Thi ết.
Xuất bản tập thơ Gái quê, ký Hàn Mặc Tử, in tại Nhà in
Tân dân, Hà Nội, xong ngày 23.10.1936, 48 trang, khổ 12,50 x 19,40, gồm 34 bài. Tự phát hành.
Về Huế, bán tác
phẩm tại Hội chợ, gặp lại Hoàng Cúc, vẫn là sơ giao.
1937: Bệnh phong (cùi) phát lộ
rõ, nhưng vẫn sinh hoạt văn nghệ tại nhà. Gặp gỡ bạn bè văn nghệ, đứng tên xuất
bản đặc san Nắng xuân. Thành lập
Trường Thơ Loạn, mà tuyên ngôn là bài tựa thi tập Điêu tàn của Chế Lan Viên.
Khi bệnh phát nặng
thì rời nhà, sống lẩn tránh nhiều nơi ngoại vi thành phố, có khi về nhà. Cắt
đứt liên lạc thư từ với bạn bè. Mai
Đình (Lê Thị Mai) đến thăm nhiều lần, trong quan hệ văn chương.
Tài chánh khó khăn,
phải nhờ cậy bè bạn, nhất là Quách Tấn.
1938: tập hợp tác phẩm thành tập
Thơ điên, sau đổi tên là Đau thương, nhưng không tìm ra được nhà
xuất bản, và cũng không còn khả năng tự xuất bản như với tập Gái quê trước đó.
1939: Tiếp tục sáng tác trong
hoàn cảnh quẫn bách.
Đề tựa cho Tinh huyết của Bích Khê, viết bạt cho Một tấm lòng của Quách Tấn. Tập hợp bản
thảo tập thơ Xuân như ý rồi Thượng thanh khí.
Liên lạc thư từ với
Thương Thương (Trần Thị Thương Thương), một nữ sinh Huế 15 tuổi, qua liên hệ
của bạn văn là Trần Thanh Địch, chú ruột cô gái, muốn an ủi người bệnh. Quan hệ
này, chỉ qua thư từ, và cái tên Thương Thương, đã gây cảm xúc và cảm hứng cho
Hàn Mạc Tử sáng tác tập Cẩm châu duyên
gồm một số bài thơ và hai kịch thơ Duyên
kỳ ngộ và Quần tiên hội; tác phẩm
cuối cùng này nửa chừng đã đình chỉ theo lời gia đình cô gái yêu cầu ngưng sử
dụng tên cô..
1940: Bệnh tình nguy kịch, gia
đình đưa vào Bệnh viện Quy Nhơn, ngày 8 tháng 9; rồi chuyển vào Trại cùi Quy
Hòa, ngoại thành Quy Nhơn, ngày 20 tháng 9.
Qua đời về bệnh
kiết lỵ lúc 5 giờ 45 sáng, ngày 11 tháng 11 năm 1940, và được mai táng ngay
buổi chiều ngày hôm đó tại nghĩa địa của bệnh viện, theo thông lệ của trại cùi;
người trong Viện không biết bệnh nhân quá cố là nhà thơ Hàn Mạc Tử; gia đình
không được thông báo.
Mộ phần Hàn Mạc Tử
sẽ được cải táng, dời về Gành Ráng, Quy Nhơn, năm 1959. Trùng tu 2008.
Ngày nay, thơ Hàn
Mạc Tử được nhiều nơi in lại và phổ biến rộng rãi.
Đ.T.
Đối chiếu và thiết lập, Orléans ngày 10-7-2012
Phụ lục 2
Hàn Mạc
Tử, những điểm tồn nghi
Đặng
Tiến
Trước tiên là bút
danh: Hàn Mạc hay Hàn Mặc?
Giới nghiên cứu gần
đây đã đồng thuận về bút hiệu sau cùng trong sinh thời nhà thơ, chính thức là
Hàn Mạc Tử. Lúc đầu ông ký Hàn M ặc
Tử (có dấu ă trên chữ Mặc) trên báo Công
luận, ngày 29.3.1934; và ở trang 3 tập Gái
quê, 1936, là tác phẩm duy nhất được xuất bản lúc sinh tiền. Do đó, Vũ Ngọc
Phan, trong Nhà văn hiện đại, cuốn
III, đã ghi tên Hàn Mặc Tử(1) và trong bài
phê phán Trần Thanh Mại(2) đã nêu bằng chứng, từ
tập Gái quê, và cho rằng chữ Hàn Mạc
Tử, mà Trần Thanh Mại(3) đã dùng trong sách
mình là sai và vô nghĩa. Hoài Thanh và Hoài Chân trong Thi Nhân Việt Nam(4), cũng đồng
tình rằng «chữ Hàn Mạc Tử không có
trong từ điển», tuy nhiên vẫn ghi Hàn Mạc Tử theo Trần Thanh Mại.
Về tên người, vấn
đề không phải là ý nghĩa, mà là cách sử dụng của đương sự trước khi qua đời, là
Hàn Mạc Tử, bắt đầu trên Sài Gòn tiểu
thuyết, 21.9.1937, và thường xuyên, nhiều nơi, từ 1939. Ngày nay, bia mộ
mới nhất của nhà thơ ghi Hàn Mạc Tử.
Về bút hiệu Lệ
Thanh, các tư liệu nghiêm chỉnh nhất, từ Võ Long Tê, Phan C ự Đệ, Phạm Đán Bình, đều
cho rằng tác giả sử dụng từ 1934, khi
vào Sài Gòn làm báo. Thật sự là trước đó: trên Phụ nữ tân văn, đã có tên Lệ Thanh dưới các bài thơ Cảm hứng, số báo 163, ngày 11.8.1932,
hay bài Vợ chồng đi thuyền, số tiếp
theo(5).
Dưới bút danh Lệ
Thanh, tác giả được một giải thưởng thơ
gì đó của Thi xã Gia Định, có lẽ khoảng 1934.
Thứ đến là tên
thánh (nhận được khi rửa tội) của người Công giáo Nguyễn Trọng Trí (tên thật
của Hàn Mạc Tử), là Phanxicô (François) chứ không phải là Phêrô (Pierre) như
người em ruột Nguyễn Bá Tín đã ghi(6) và nhiều người
khác cứ thế mà ghi tiếp vì không nghi ngờ gì. Thậm chí, tại Gành Ráng, nơi mộ
phần xây 1959, trên tấm bia cẩm thạch khắc tên «Hàn Mặc Tử tức Phero Phanxico Nguyễn Trọng Trí», do chính tay
Nguyễn Bá Tín (sđd, tr. 121) vẽ mẫu chữ để khắc vào bia đá. Nhưng bên cạnh đó,
lại có một thánh giá bằng xi măng cốt sắt, làm 1957, dời từ nghĩa địa Quy Hòa
về, ghi rõ tên thánh François Nguyễn Trọng Trí.
Bút tự (chữ ký)
cuối cùng của nhà thơ, một ngày trước khi qua đời, tại trại cùi Quy Hòa, là
François Trí.
Gần đây, một nhà
biên khảo nghiệp dư, vì trân trọng Hàn Mạc Tử, đã tìm ra được chứng chỉ rửa tội
của Nguyễn Trọng Trí, ngày 25-9-1912, tại họ đạo Tam Tòa, Giáo xứ của nhà thơ
tại Đồng Hới, sau 1954 dời vào Đà Nẵng và còn lưu giữ hồ sơ. Tác giả
Phanxipăng, trong một bài báo gần đây, cũng đã trình bày rành rẽ việc tên rửa
tội của nhà thơ là Phanxicô(7).
Ngoài ra, theo
thông tin từ Giáo phận Quy Nhơn, tên thêm sức, theo nghi thức Công giáo, tại Nhà thờ chính tòa Quy Nhơn, năm 1933, của
nhà thơ là Phanxicô-Xa viê. Nhưng nay chưa tìm ra giấy tờ.
(Ngoài đề 1: người
làm việc nghiên cứu văn học Việt Nam thật vất vả: một chi tiết nào nhỏ nhặt đều
phải rà soát: gian nan một cách phù phiếm).
Việc sinh thành Hàn
Mạc Tử cũng thành vấn đề: Trần Thanh Mại trong một tài liệu cơ bản, cho rằng
Hàn sinh thiếu tháng vì thân mẫu uống rượu (sđd, tr. 27), gia đình nhà thơ đã
cải chính(8). Nhưng có thể là Hàn
Mạc Tử lúc sơ sinh sấu nhược, lớn lên vóc dáng nhỏ bé, như nhiều nhân chứng ghi
nhận, chủ yếu là bạn thiếu thời là Bùi Tuân(9): «Hàn Mạc Tử là một đứa trẻ bạc
nhược, cằn cỗi, tưởng chừng không thể lớn
lên được» Không biết tình trạng này có liên hệ gì đến việc, về sau, nhà thơ yểu mệnh hay
không.
* *
*
Về học trình, vì
thân phụ làm quan thuế thuyên chuyển nhiều nơi, nên việc học hành của cậu bé dễ
bị gián đoạn. Học lớp Ba tại Quảng Ngãi, lớp Nhì và lớp Nhất tại Quy Nhơn (1926
- 1928). Theo hồi ký đáng tin cậy của Bùi Tuân (sđd, tr. 28) thì Tử không
đậu «ri-me» (tiểu học). Nguyễn Bá Tín ghi lại «hai chúng tôi cùng vào học Trường trung học Quy Nhơn. Đến lớp Nhất anh Trí
ra Huế học Trường Pellerin (sđd, tr. 20) là không hợp lý, có lẽ ý ông Tín
là «sau lớp nhất» nhưng nhiều
người theo đó mà sai lầm; ngày nay nhà trường còn lưu chiểu học bạ của nhà thơ(10) xác nhận hồi ký Bùi Tuân:
«Nguyễn Trọng Trí vào lớp Nhất niên B Trường Pellerin ngày
5.9.1928. Cuối năm học 1928-1929
chàng không được lên lớp, có lẽ vì chưa có bằng tiểu học. Cuối niên học ấy,
tháng 6-1930, Trí thi đậu bằng tiểu học» (tr. 33). Và thôi học (Bùi Tuân,
sđd, tr. 33).
«Nhất niên» là lớp
đầu tiên bậc trung học, bây giờ gọi là lớp 6, không phải là «lớp nhất» bậc tiểu
học (cours supérieur) hay «lớp đệ nhất», cuối bậc trung học trước kia.
Điều này đã tạo ra nhầm lẫn vì có người hiểu, và dịch «nhất niên» thành
Première(11) theo chương trình Pháp.
Pellerin, tên Việt
là Bình Linh, là một trường trung học lớn, do các sư huynh dòng La-san cai
quản; trường Công giáo, có nội trú, nhưng
theo Bùi Tuân (sđd, tr. 29), Hàn ở trọ bên ngoài, nhà ông bà Phan Thi ện Tuần, và đi học
đều đặn, chứ không «học hai ngày nghỉ một»
như Trần Thanh Mại đã ghi (sđd, tr. 25). Học trình chăm chỉ, học lực trung
bình, giỏi luận quốc văn, theo học bạ nhà trường còn lưu trữ.
Từ học vấn sang học
bổng. Nhiều tư liệu, có lẽ bắt nguồn từ Quách Tấn, ghi lại rằng Hàn vì xướng
họa, rồi tiếp xúc với nhà cách mạng Phan
B ội Châu đang bị an trí tại Huế từ 1926, nên bị xóa tên trong
danh sách học sinh được học bổng đi Pháp. Điều khó tin vì nhà thơ học lực tầm
thường, mà cũng không có tư liệu cụ thể nào chứng tỏ điều này. Nhưng cơ quan
cấp học bổng là Hội như Tây du học,
do Thượng thư Nguyễn Hữu Bài sáng lập và chủ trì. Ông này quen biết với gia
đình Hàn Mạc Tử, cho nên dù giả thuyết không đáng tin, nhưng cũng không nên
loại trừ. Duy nó không quan trọng, và không chứng minh được gì. Nhiều người
nhắc lại, thổi phồng vì muốn chứng tỏ ông là nhà thơ yêu nước. Và lấy thêm minh
chứng khác: trong tập Gái quê, tr.
42, có bài Lòng quê tả tâm sự một nhà
cách mạng bị tù, Chế Lan Viên đã thổi phồng, gắn huân chương cách mạng cho bạn(12); khổ nỗi bài này không phải của Tử mà là do ông «lược dịch» thơ Tàu
của Uông Tinh Vệ, một chính khách Trung
Qu ốc, đăng trên báo Sài
Gòn hai số 18 và 25 tháng 11.1935, ký bút hiệu Lệ Thanh.
* *
*
Sinh thời ngắn
ngủi, và yêu đương thật sự cũng không bao nhiêu, nhưng cuộc đời tình ái của Hàn
Mạc Tử đã gây ra dư luận và tranh luận. Điều này tự nó «cũng vui thôi», nhưng
mải lo lập thuyết hay giả thuyết về tiểu tiết đời tư, ít người bình luận đến sự
nghiệp văn học của Hàn Mạc Tử, chính ra phải là đề tài thiết yếu.
Bài này cũng không
thoát khỏi vòng luẩn quẩn kia, nhưng mục tiêu là cố tình minh định đôi sự tồn
nghi, để độc giả an tâm đi vào tìm hiểu sự nghiệp văn học của Hàn, mà không cần
thắc mắc về tiểu truyện và huyền thoại.
* *
*
Bài thơ được phổ
biến nhất của Hàn Mạc Tử là Đây thôn Vỹ
Dạ, đã tạo nên nhiều giai thoại nhất. Bài thơ được sáng tác cuối năm 1939,
lúc tác giả ở Quy Nhơn, bệnh đã trầm trọng, nhận được một tấm bưu ảnh phong
cảnh Huế của cô Hoàng Thị Kim Cúc, từ Huế, gửi lời thăm chúc sức khỏe; Hàn trả
lời, cảm ơn bằng bài thơ này, dưới tên Ở
đây thôn Vỹ Giạ, ngày nay còn bút tích nhờ đương sự Kim Cúc tồn trữ.
Hoàn cảnh và thời
điểm sáng tác đã nhiều người biết qua nhiều tư liệu, như của Quách Tấn, viết từ
1959, đăng trên báo Lành mạnh, Huế,
từ ấy, in lại trên báo Văn(14) và nhiều nơi khác. Thế
mà Chế Lan Viên, cuối 1986 trong bài tựa tuyển tập Bài thơ thôn Vỹ, in 1987, tại Huế đặt nó vào đặc san Nắng xuân (Quy Nhơn), chỉ ra được một số
1937, khiến nhiều người nhầm theo, kể cả danh gia Hà Minh Đức(15) đã bình giảng cho học sinh, sinh viên, hay các vị Mã Giang Lân, Vũ
Quần Phương, v.v.
Tập Nắng xuân, «sách chơi Xuân Đinh S ửu», 1937, là tập san, đứng tên Chủ biên Nguyễn Trọng Trí, 32 trang, có 2 bài thơ ký Hàn
Mặc Tử, là Mùa xuân chín, tr. 4 và Thi sĩ Chàm, tr. 14, đề tặng Chế Bồng
Hoan là… Chế Lan Viên !
Chuyện tình thôn
Vỹ, tóm tắt như sau: Năm 1932 Hàn Mạc Tử 20 tuổi, vào làm Sở Đạc điền, Quy
Nhơn, đơn phương yêu thầm một thiếu nữ tên Hoàng Thị Kim Cúc, thường được gọi
tắt là Hoàng Cúc, thuộc gia đình gia thế ở cùng đường Khải Định. Yêu mơ mộng
vậy thôi, chỉ có bày tỏ cùng một bạn thơ là Hoàng Tùng Ngâm, em họ cô Cúc. Sau đó Tử thôi việc
vào Sài Gòn làm báo. Về lại Quy Nhơn, xuất bản tập Gái quê, 1936. Cuối năm, ra Huế tặng Gái quê cho các em
cô Cúc nhưng không tặng cô – dường như cô không muốn nhận. Có
đến nhà cô, ở Vỹ Dạ nhưng chỉ đứng ngoài vườn nhìn vào. Năm 1939, khi bệnh đã
trở nặng, thì Hoàng Tùng Ngâm có mách chị. Bà chị cảm động, gửi một tấm bưu
ảnh 4x6 cm tả phong cảnh Huế cổ điển:
con đò, dòng sông, ánh sáng, khóm trúc. Phía sau có dòng chữ thăm hỏi và chúc sức
khỏe, không ký tên, không đề ngày tháng, do cậu em chuyển đi. Sau đó, tháng
11.1939, cô nhận được, vẫn do cậu em chuyển lại, bài thơ chép tay dưới tựa đề
chính xác: Ở đây thôn Vỹ Giạ. Câu
chuyện đơn giản và đơn phương như vậy, không như người đời thêu dệt về sau:
rằng Hàn Mạc Tử muốn tiến đến hôn nhân nhưng nhà gái chê «không xứng mặt đông sàng» (Quách Tấn, sđd, tr. 93). Rằng Kim Cúc đã
gửi một «phiến ảnh 6x9, chị mặc áo dài
lụa trắng, đứng trong vòm cây cây xanh mát» (Nguyễn Bá Tín, sđd, tr. 50).
Hai tác giả là thân cận với thi nhân mà còn lệch lạc như thế, trách chi kẻ khác
lắm điều thêu hoa dệt gấm. Bà Kim Cúc (1913-1989) là một cư sĩ Phật giáo, sống
tại Huế, hy sinh trọn đời độc thân cho Phật sự và sự nghiệp giáo dục, qua đời
tại Huế, sau một tai nạn lưu thông xảy ra tại Sài Gòn.
Tình sử Mộng Cầm,
thì ít gây tranh luận hơn, và vì vậy cũng mơ hồ hơn. Tư liệu chủ yếu là bài
phỏng vấn của Châu Hải Kỳ. Bà ấy cho biết: năm mười bảy tuổi, học lớp Nhất, đã
làm thơ và có thơ đăng báo Công luận
(1933), từ đó giao thiệp thư từ với Hàn Mạc Tử, đang làm Sở Đạc điền. Khi Hàn
vào Sài Gòn làm báo, thì có tìm địa chỉ và đến thăm lúc bà đang học nữ hộ sinh
tại Mũi Né, Phan thiết, khoảng tháng 4-1934. Và hai bên đi đến «giao du thân
mật», khoảng hai năm, khi bà về Phan
Thi ết dạy học và mỗi cuối tuần nhà thơ đi tàu lửa từ Sài Gòn
ra thăm chơi, có hôm đi thăm Lầu Ông Hoàng mắc mưa. Có lúc Hàn đề nghị đi đến
hôn nhân, nhưng bà từ chối, theo bà vì biết Hàn Mạc Tử mắc bệnh hiểm nghèo, rồi
lấy lý do tôn giáo bất đồng, bà còn cho biết : «đó là mối tình văn thơ, còn xác thịt thì hoàn toàn không nghĩ tới»(16). Hai bên ngưng «giao du thân mật»
(chữ của bà) vào giữa năm 1936, nhưng vẫn liên lạc đến cuối năm. Sáu tháng sau đó bà lấy chồng, và bị nhiều
người trong giới văn chương chê trách: Quách Tấn, Trần thanh Mại… Và Bích Khê.
Bà tên Huỳnh Thị
Nghệ (1917-2007), không phải họ Lê như trong một số tư liệu, cháu gọi nhà thơ
Bích Khê bằng cậu, nhưng Hàn MạcTử chỉ gặp và kết bạn với Bích Khê sau khi quen
Mộng Cầm.
Cùng làm thơ như
Mộng Cầm là Mai Đình ,
tên thật là Lê Thị Mai (1917-1997), sinh trưởng
trong một gia đình công chức, gốc Thanh Hóa, định cư tại Phan Thi ết; theo Võ Long Tê «làm nghề cô giáo nữ công ở các trường tư
thục Sài Gòn Chợ Lớn, đồng lương có thể nói là gấp đôi gấp ba lương công chức trung cấp, do vậy mà thường thấy Mai Đình chạy vô chạy ra trục
Sài Gòn Quy Nhơn» (17), hoàn toàn trái ngược với hình ảnh phổ biến,
do Trần Thanh Mại đưa ra, một cô gái «đi
giang hồ… Gió đời cứ đưa tấp nàng tới bến kia ghềnh nọ» (sđd, tr. 141). Họ Trần còn mô tả một «cốt chuyện ly kỳ làm sao! một nhà thơ phung với một cô gái đi giang hồ»
(sđd, tr. 148). Cuốn sách nổi tiếng, đã kéo theo nhiều tác phẩm hư cấu, nào
truyện, kịch, tuồng, cải lương. Sự thật là: bà Mai Đình đến thăm nhà thơ năm
1937; về sau trở lại dăm ba lần, có lần ở lại hai hôm, chứ không có chuyện «tuần trăng mật kéo dài đến hai tháng. Nàng
đi chợ, nấu ăn, sắc thuốc, giặt quần áo cho nhà thi sĩ» (sđd, tr. 146-148)
khiến gia đình nhà thơ đã quyết liệt cải chính(18). Thậm chí, nhiều lần, Trần Thanh Mại đã thẳng thừng xem bà như là gái
giang hồ «ong qua bướm lại đã thừa xấu
xa» (sđd, tr. 146).
Bà Mai Đình làm thơ hay, có gia
đình ổn định, tham dự kháng chiến chống Pháp, lập nghiệp tại Hà Nội, làm ngân
hàng; về sau dời vào TP Hồ Chí Minh, trong nhà vẫn có bàn thờ Hàn Mạc Tử.
Tình sử cuối cùng
của Hàn là Thương Thương, sinh 1924, con gái Thượng thư Trần Thanh Đạt, nữ sinh
Huế, một mối tình tưởng tượng, do bạn nhà thơ là Trần Thanh Địch, chú ruột cô
gái bịa đặt để an ủi nhà thơ, khi ông đã bệnh nặng, năm 1939. Về chuyện này, tư
liệu đã ghi đúng, trừ việc cô gái lúc ấy 15 tuổi, chứ không phải 12 như Trần
Thanh Mại, cũng là chú ruột, đã viết (sđd, tr.184).
Cuộc tình tưởng tượng, qua thư từ này, và cái tên cô gái, đã tạo cảm hứng cho Hàn Mạc Tử, năm 1940 viết tập thơ, lúc đầu có tựa đề Thương Thương, sau đổi thành Cẩm châu duyên, gồm một vài bài thơ và 2 vở kịch thơ Duyên kỳ ngộ và Quần tiên hội, là tác phẩm dài cuối đời, phải bỏ dở theo lời gia đình cô gái yêu cầu ngưng sử dụng tên Thương Thương.
* *
*
Cuối cùng, về bệnh
trạng Hàn Mạc Tử, cũng có đôi điều cần thống nhất.
Sau bốn năm ẩn lánh
đó đây tại nhiều địa điểm ngoại vi thành phố Quy Nhơn, để chữa bệnh theo đông
y, như Gò Bồi, Xóm Động, Thôn Tấn, có khi về nhà, cho đến cuối 1940 thì bệnh
tình nguy kịch.
Ngày 8.9.1940 phải
nhập viện Quy Nhơn là do quyết định của gia đình, chủ yếu là theo lời khuyên
của người anh rể lả Bửu Dõng, y tá bệnh viện Quy Nhơn chứ không phải do chính
quyền bắt ép, hay do có người chỉ điểm. Phòng thí nghiệm bệnh viện tìm ra vi
trùng Hansen gây bệnh phong cùi, nên ngày 20.9.1940, Hàn Mạc Tử được chuyển vào
Viện cùi Quy Hòa, do các dì phước dòng tu Phanxicô trông nom, dưới tên Nguyễn
Trọng Trí, không ai biết là nhà thơ nổi tiếng; rồi qua đời vì bệnh kiết lỵ gia
trọng, ngày 11.11.1940, lúc 05.45 giờ, chớ không phải 11 giờ trưa như Trần
Thanh Mại đã ghi chắc nịch (sđd, tr. 258) khiến nhiều người, kể cả Quách Tấn
nhầm theo.
Tìm hiểu sai lầm sơ
đẳng này, thì nghe nhiều người giải thích: vì nhà thơ qua đời ngày 11 tháng 11,
nên ghi giờ 11… cho có ý nghĩa (!!!)(19). Theo thông
lệ của Viện, việc chôn cất được cử hành ngay buổi chiều ngày hôm đó.
Và bệnh nhân
François Nguyễn Trọng Trí được mai táng tại nghĩa trang của Viện, chớ không
phải lại Đèo Son như Chế Lan Viên đã ghi trong tiểu sử «Tuyển tập» đã dẫn.
Trong Nhà văn hiện đại tập 3, viết 1942,
chương Hàn Mạc Tử, Vũ Ngọc Phan đã nhận định công minh và thực tế:
«Từ ngày Hàn Mặc Tử từ trần đến nay, mới
trong khoảng hai năm trời, mà người ta đã nói rất nhiều và viết rất nhiều về Hàn
Mặc Tử. Chứng bệnh của thi sĩ, cuộc đời
đầy đau thương của thi sĩ, lời thơ thành thực của ông, khi nghẹn ngào, khi hoạt
bát, nhưng bao giờ cũng chứa chan tình tứ hay một tin tưởng cao xa, đã làm cho
nhiều người chú ý đến đời ông và thơ ông.
Song dư luận bao giờ cũng rất kỳ, đã chú ý đến người và
đến thơ, thì dư luận gần như trộn lẫn người với thơ làm một. Cho nên nói một
cách công bình, thì gần đây «người» của Hàn Mặc Tử đã làm quảng cáo cho thơ của
Hàn MặcTử rất nhiều. Đến nỗi về ông, người ta đã viết một giọng say sưa, ông là
một thi sĩ mà trên thế giới không một thi sĩ nào sánh kịp» (sđd, bản 1989, tr. 706).
«Người ta», trong
câu cuối, ám chỉ Trần Thanh Mại, tác giả cuốn Hàn Mạc Tử mà chúng tôi, trong bài này đã nhiều lần tham chiếu.
Nhận định của Vũ
Ngọc Phan, từ thời điểm 1942 cho đến nay – tròn 70 năm – đã «cổ lai hy», nhưng
vẫn chưa chịu già: cho đến nay «người ta» vẫn tiếp tục nói nhiều, viết nhiều,
nhất là trên các mạng, «… trộn lẫn người
với thơ làm một… Người đã làm quảng cáo cho thơ…» Không những nói hay viết,
người ta còn dựng kịch, làm tuồng, phim ảnh, ca hát. Mộ phần nhà thơ trở thành
nơi du lịch, thương mại náo nhiệt, hấp dẫn bằng giai thoại ly kỳ.
Nhưng có một việc
tối thiểu, là tìm lại tập thơ Gái quê,
bản gốc, tác phẩm duy nhất được in ấn, xuất bản năm 1936, sinh thời tác giả,
thì không ai làm. Bắt đầu từ gia đình, đến thân bằng quyến thuộc trong làng văn
chương hay giới sưu tập, có người có địa vị trọng vọng. Gì đến nỗi không tìm ra
được một ấn phẩm đã xuất bản chưa lâu?
Chúng tôi ở ngoài
nước, cũng vì tò mò thôi, tìm thử, cũng không công khó gì lắm, thì có được bản Gái quê in 1936; tuy chỉ bản đánh máy,
nhưng sau khi đối chiếu với nhiều nguồn tư liệu thì thấy chính xác, đầy đủ hơn
những bản hiện lưu hành in theo bản chép tay của Chế Lan Viên từ 1987.
Niềm vui, có thể
nói là cơ duyên, là tìm ra được tác phẩm nguyên gốc đúng vào dịp kỷ niệm 100
năm sinh Hàn Mạc Tử. Do đó, nhân tiện, chúng tôi rà soát lại những tư liệu về
nhà thơ, rải rác từ 70 năm nay. Nhân thấy lắm điều bất nhất, chúng tôi so sánh
và tìm căn cứ hợp lý nhất đề xuất trong bài này.
Phần nào, chúng tôi
cũng có học tập biên khảo của Giáo sư, nhà văn Pháp, Etiemble khi ông bỏ ra non một đời người để nghiên cứu
«Huyền thoại Rimbaud» (Le Mythe de
Rimbaud), một nhà thơ thiên tài người Pháp, đã có cuộc đời ly kỳ và ngắn ngủi
(1854 - 1891).
Bộ «Huyền thoại» này gồm 5 tập, đặc biệt là
cuốn 2: Sự hình thành của huyền thoại,
hơn 500 trang, ấn hành năm 1954, kỷ niệm bách niên ngày sinh của Rimbaud, như
chúng ta tưởng niệm Hàn Mạc Tử năm nay.
Dĩ nhiên là công
việc chúng tôi hôm nay, vội vàng và hời hợt, chưa đáng là hạt bụi so với công
trình đồ sộ và uyên bác của Etiemble; nhưng vẫn phải nói ra, tựa hồ giọt nước
nhớ đầu nguồn.
Việc sưu khảo của
chúng tôi chỉ giới hạn ở những tư liệu, sách báo may mắn có sẵn dưới tay, chốn
tha hương, nên nhất định còn nhiều thiếu sót; phương tiện đối chiếu hạn chế,
nên những đề xuất chưa chắc đã chính xác, cho nên tạm gọi bài này là những điểm tồn ghi.
Mong mai kia, ngày
tiên tháng Phật rộng dài, thời gian sẽ có lời giải đáp thỏa đáng.MHM
Orléans,
Pháp, 02.8.2012
Đ.T.
(1) Vũ Ngọc Phan, NXB Tân Dân, 1942, Hà
Nội, ấn bản Vĩnh Thịnh, tr 326, 1951, Hà
Nội, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội in lại 1989, tr. 706
(2) Vũ Ngọc Phan 1989, nt, tr. 480
(3) Trần
Thanh Mại, Hàn Mạc Tử, NXB Võ Doãn
Mại, 1942. Tái bản nhiều lần.
(4) Hoài Thanh và Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam ,
1942, in
lại nhiều lần, bản 1967, tr. 203
(5) Nguyễn đình Niên, Kinh nghiệm về thân phận người làm thơ trong Hàn Mạc Tử (luận án cao học Sài Gòn 1973), tr 41, NXB
SEACAEF, 2009, California .
(6) Nguyễn Bá Tín, Hàn Mặc Tử anh tôi, tr 13, NXB Tin, 1990, Paris.
(7) Phạm Xuân Tuyển, Đi tìm chân dung Hàn MạcTử, NXB Văn học, Hà Nội, 1997, tr. 60-61.
Phanxipăng trên báo Nghiên cứu và phát triển, số 6-2010.
(8) Nguyễn thị Như Lễ (chị ruột), báo Lành mạnh, Huế, ngày 1-11-1959. Nguyễn
Bá Tín nhắc lại, sđd, tr. 17)
(9) Bùi Tuân, Một
tình bạn thanh cao, tr 21, tủ sách Bùi Gia, 2010, TPHCM, đã đăng trên tạp
chí Vinh Sơn, Huế, ngày 1.2.1952.
(10) Văn (tạp chí), số 179 ra ngày 1-6-1971,
tr. 86, Sài Gòn
(11) H.Peras et VT Bích, Hàn MặcTử Le Hameau des Roseaux, NXB Arfuyen,
2001, Paris
(12) Chế Lan Viên, Tuyển tập Hàn Mặc Tử, Tựa, tr. 18, NXB Văn học, 1987, Hà Nội.
(13) Phan Cự Đệ, Thơ văn Hàn Mạc Tử, tr. 108, NXB Giáo dục, 1993, Hà Nội.
(14) Tạp chí Văn, tr. 94 ; số 73 - 74, ngày 7-1-1967, Sài Gòn.
(15)
Hà Minh Đức, Tổng tâp Văn học Việt
Nam hiện đại tr. 41-45 ; NXB
Hà Nội, 1998; Hà Nội
(16)
Báo Văn số 179, đd, tr. 89-92.
Đã đăng trước trên Phổ thông số 63,
ngày 15-8-1961, Sài Gòn. In lại nhiều nơi.
(17) Trích theo Chế Lan Viên, tựa Tuyển tập Hàn MạcTử, tr. 21, NXB Văn
Học, 1987, Hà Nội.
(18) Nguyễn Thị Như Lễ, Những điểm sai lầm về Hàn Mạc Tử, báo Lành mạnh, 1-11-1959. Huế. In lại nhiều
nơi.
(19) Phạm Xuân Tuyển, sđd, tr. 153, Phạm
Đình Khiêm và Võ Long Tê, Như hương trầm
bay lên, tr. 173 và 179, NXB Tôn giáo, 2010. TPHCM.
Nguồn: Bauxite
Việt Nam
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)