Hiển thị các bài đăng có nhãn Ðào Tuấn. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Ðào Tuấn. Hiển thị tất cả bài đăng
Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016
Ðào Tuấn: ĐỪNG IM LẶNG, PHẢI PHẠT THẬT NĂNG THẬM CHÍ ĐÌNH CHỈ MƯA!
Bài báo trên báo Lao Động ngày 27/9, nhưng chỉ 3 giờ
sau đã bị gỡ xuống. Bài đăng dưới đây copy lại từ Google cache.
Cơn mưa chiều rơi rơi
thành phố không nhỏ đã khiến người ta bật khóc khi nhớ lại khung cảnh lẫm liệt
và bi tráng trong phim Titanic. Và trong cái khung cảnh đậm mùi đại hồng thủy
ấy, người ta chợt thấy trong mình, và đồng bào đang co ro quanh mình đức tính
nhẫn nại quý báu. Đức tính đã khiến nhiều năm qua, chúng ta luôn luôn chiến
thắng hết cơn mưa này đến cơn mưa khác, mặc cho nó lịch sử đến đâu, cuốn theo
bao nhiêu ngàn tỉ chống ngập!
Thứ Tư, 19 tháng 3, 2014
Ðào Tuấn - Pháo đài Cô Lin và cây xương rồng Trường Sa
![]() |
Bãi Gạc Ma nhìn từ đảo Cô Lin (hình nternet) |
Pháo đài Cô Lin và cây xương rồng Trường Sa
Hăm bảy tháng giêng âm lịch năm nay trời bỗng đổ mưa tầm tã. Bữa nay, đúng vào ngày giỗ chung của những người lính Gạc Ma. Trên ban thờ liệt sĩ Nguyễn Minh Tâm trong một căn nhà nhỏ ở Thái Bình, một đĩa khoai luộc được đặt trước di ảnh. Ở Lê Hồ, Hà Nam, 2 người anh của liệt sĩ Trần Văn Bảy mắt đẫm lệ đốt lên một nén nhang. Còn thuyền trưởng Vũ Huy Lễ ánh mắt ông xa xăm đâu đó. Trong góc vườn nhà, cây xương rồng mà ông mang về từ Trường Sa dường như trổ hoa. Rất đỏ.
Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2014
Đào Tuấn - Hoa đào biên viễn
Bài 1: Biên giới, Hồi ức 35 năm
Tháng 2 năm nay, những cây đào Tổng Chúp, Hưng Đạo, Cao Bằng bỗng dưng đỏ loét trong cái nắng trái mùa. Trên đồn biên phòng Pha Long, Lào Cai, thật lạ, chỉ duy nhất một gốc đào đơm hoa. Còn ở pháo đài Đồng Đăng, Lạng Sơn, những cây đào khoe sắc vô duyên bên nền đá xám xịt và lau lách tùm lum của một pháo đài hoang phế đã đi vào quên lãng.
Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013
Đào Tuấn - Bauxite: TKV đã mắc bẫy giá rẻ và tự trói mình
Đào Tuấn
Nhắc lại những cảnh báo của Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật VN tháng 4.2009 trong một báo cáo trình lên Ban Bí thư, TS Nguyễn Văn Ban khẳng định: Dự án Bauxite Tân Rai đang thua lỗ và là “thua lỗ thực sự chứ không phải có nguy cơ thua lỗ hoặc chỉ lỗ kế hoạch”. Nhân Cơ, tất nhiên cũng đang có số phận tương tự.
Mắc kẹt, rủi ro
Phát biểu tại Hội thảo Bauxite Tây nguyên tổ chức tại Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam hôm qua, 9.5, ông Ban, TS chuyên ngành đúc và luyện kim công bố hàng loạt số liệu về “Tổng mức đầu tư tăng hơn 30% ; Giá thành duyệt 282 USD nay đã lên tới 333 USD/tấn; Giá Alumin thời điểm tháng 12.2012: 326,5 USD/tấn”.
Nhắc lại những cảnh báo của LHH tháng 4.2009 trong một báo cáo trình lên Ban Bí thư, ông Ban nói về hiện thực: Theo báo cáo của Bộ Công thương, Tân Rai đang thua lỗ và là “thua lỗ thực sự chứ không phải có nguy cơ thua lỗ hoặc chỉ lỗ kế hoạch”.
“Sau 4 năm thực hiện 2 dự án, kết quả cho thấy những cảnh báo trước đây của những nhà khoa học rất đúng và ngày càng trở nên hiện thực”- ông Ban nói.
Ông nhấn mạnh về “một rủi ro về KT rất cao” và cần một “lối thoát”.
Rất thẳng thắn, vị tiến sĩ ngành đúc luyện kim chỉ rõ các nguyên nhân. Đó là sự “nóng vội, chủ quan”, “Không nghiên cứu đầy đủ các yếu tố có thể gây rủi ro”; “đánh giá quá cao các lợi thế, trong khi coi nhẹ các bất cập”. Theo ông Ban, chính việc lựa chọn địa điểm nhà máy Alumin không phù hợp với hiện trạng hạ tầng, nhất là về GTVT nên buộc phải sử dụng phương án vận tải bằng ô tô. Đây chính là nguyên nhân đẩy chi phí lên cao. Mỗi tấn Alumin, vì thế, phải chịu 50 USD tiền phí vận tải.
Một tương lai ảm đạm cũng được TS Ban nhắc đến thông qua hai từ “mắc kẹt”, và “rủi ro kéo dài” đối với các dự án ngay từ đầu đã được triển khai với “công suất khá lớn”.
Trong hội thảo, các nhà khoa học đã nhắc lại những cảnh báo 4-5 năm trước. Đó là việc các mỏ lớn đều nằm xa biển hơn 100 km. Đó là tình trạng khan hiếm nước ở khu mỏ lớn nhất ở Đắk Nông, trong khi quặng nguyên khai có chất lượng kém cần tới 10m3 nước/tấn để tuyển rửa. Đó là hạ tầng, đặc biệt là giao thông quá kém; Đó là phí đền bù lên tới 350 triệu/ha. Đó là việc mỏ nằm xa các nguồn cung cấp nguyên liệu hóa thạch và dầu mỏ…
Chắc chắn thua lỗ hàng chục triệu USD mỗi năm
Tại Hội thảo, có ý kiến đã nhắc đến tổng mức đầu tư của Tân Rai đang “đạt con số kỷ lục”, trong khi không hề được TKV minh bạch.
Theo số liệu của TKV, tổn mức đầu tư của Tân Rai là 828 triệu USD. Nếu tăng thêm 30%, sẽ lên tới 816,4 triệu USD. Nhưng nếu lấy con số do chủ tịch TKV báo cáo trong một hội thảo tại Văn phòng TƯ Đảng thì con số đến giờ phải là 926 triệu USD. Số của BQL dự án thì sẽ phải là 1.040 triệu USD.
Nếu tính theo tổng mức đầu tư ban đầu (nhỏ nhất) thì suất đầu tư đã đạt 1300 USD/tấn công suất và là “những con số rất cao so với mặt bằng thế giới”. Tổng đầu tư cao, dẫn tới phần trả vốn và lãi cao, và hệ quả là sự rủi ro cho cả dự án.
GS Nguyễn Quang Thái, PCT Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho biết “chưa rõ mức đầu tư thật là bao nhiêu”, trước tình trạng “mỗi lúc chủ đầu tư đưa ra một con số khác nhau”.
Có một chi tiết hài hước đã được nói đến. Đó là việc Lâm Đồng đã lên kế hoạch thu ngân sách từ hai dự án này. Tuy nhiên, trong 2 năm 2011-2012, Lâm Đồng đang “đếm cua trong lỗ” khi sự chậm trễ của Dự án khiến kế hoạch thu không thể thực hiện.
Và nói đến lỗ, phải nhắc tới thừa nhận của Vụ trưởng của Vụ Công nghiệp nặng Bộ Công thương Nguyễn Mạnh Quân “Cả Tân Rai và Nhân Cơ đều có rủi ro lớn”. Nói đến lỗ, cũng không thể không mở ngoặc rằng lỗ khi Nhân Cơ mới xây dựng được một nửa, còn Tân Rai, thậm chí mới chỉ chạy thử. Thua lỗ trong tình trạng thuế tài nguyên từ mức 30 ngàn đồng/tấn đã được giảm xuống còn 5 ngàn. Thua lỗ trong khi TKV khắc phục bằng cách đề nghị giảm mức đền bù cho đồng bào mất nhà, mất ruộng chỉ bằng ¼ so với ban đầu .
Theo GS Thái, với giá bán 340 USD/tấn Alumin như hiện nay, Vinacomin chắc chắn lỗ hàng chục triệu USD/năm.
Dẫn kết quả điều tra hiệu quả tài chính dự án Tân Rai tháng 12.2012, theo đó giá bán sụt 42 USD/tấn, GS Thái nhắc lại một sự thật: Malaysia sức mua có hạn. Và Trung Quốc là khách hàng lớn nhất.
Công ty Bất động sản cũng nhảy vào Bauxite.
GĐ BQL Dự án, TS Nguyễn Thành Sơn cũng thừa nhận một số vấn đề mà ông cho là “tồn tại”. Chẳng hạn, “Một công ty BĐS trên phố Bà Triệu với tổng tài sản 5 triệu USD cũng được chấp nhận trong một dự án điện phân nhôm có vốn gần nửa tỷ USD (500 triệu USD)”.
Ngay bản thân việc lựa chọn nhà thầu, GĐ BQL Dự án cũng nói thẳng việc TKV chỉ định 1 nhà thầu thắng thầu cả 2 dự án với mục tiêu giảm giá trúng thầu. Hay việc định hướng thị trường tiêu thụ sản phẩm là “sai lầm” khi từ năm 2009, TKV đã ký hợp đồng nguyên tắc bán cho Tập đoàn luyện kim Vân Nam alumin Tân Rai và Nhân Cơ trong suốt 30 năm với khối lượng 600-900.000 tấn/năm.
TS Sơn thừa nhận TKV đã tự trói mình vào một khách hàng không đáng tin cậy, trong khi thị trường alumin thế giới là một thị trường mở. Và đây là câu nguyên văn của Trưởng BQL Dự án: Dự án Tân Rai ra mẻ sản phẩm đầu tiên từ 12.2012, nhưng dự kiến đến tháng 5.2013 mới hy vọng được chuyến đầu tiên khoảng 15.000 tấn tại cảng Gò Dầu cho Công ty thương mại Glenco. Còn các khách hàng tiềm năng khác (Luyện kim Vân Nam hay Marubeni Nhật) vẫn chưa có lý do để tin tưởng vào sự ổn định về chất lượng của sản phẩm alumin.
Về công nghệ, mặc dù Bộ Chính trị yêu cầu “phải sử dụng thiết bị và công nghệ hiện đại trên thế giới”, tuy nhiên, TS Sơn thẳng thắn thừa nhận TKV tiếp tục mắc “cái bẫy giá rẻ” khi chọn công nghệ lạc hậu của nhà thầu Trung Quốc, với một thực tế nhà thầu được chọn “Không có công nghệ nguồn về alumin; không có kinh nghiệm làm alumina từ bauxite Tây Nguyên”.
Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012
Ghé thăm các blogs: 31/12/2012
BLOG TRƯƠNG DUY NHẤT
Đã nghe nhiều sự lựa chọn bình xét tương tự từ các báo cũng như nhiều trang mạng khác. Tuy nhiên, bản “top ten ấn tượng” của Một góc nhìn khác sẽ đem đến cho bạn đọc những ngạc nhiên thú vị khác biệt- Hi vọng thế!
1. Cuộc tắm rửa vĩ đại và mỉa mai nhất: Nghị quyết 4 với cuộc kiểm điểm chỉnh đốn rầm rộ trong suốt năm 2012 của đảng cùng kết cuộc không kỷ luật “đồng chí X” và phương pháp “nhóm lò nhân văn” của hội nghị trung ương 6 được coi là thất bại ê chề nhất, như một cuộc “tắm rửa” vĩ đại… mỉa mai nhất!
2. Sự cố ngoại giao bi hề nhất: Tổng thống Brazil đột ngột hủy, không tiếp đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào đúng giờ chót, ngay sau khi ông Trọng có bài giảng lịch sử về chủ nghĩa xã hội tại Cuba, chuẩn bị lên chuyên cơ đến Brazil (mặc dù đây là chuyến thăm ngoại giao nguyên thủ quốc gia theo một lịch trình đã thống nhất và được chuẩn bị từ trước). Lý do được đưa ra theo thông báo là “do khó khăn đột xuất từ phía Brazil”. Có thể nói đây là sự cố hi hữu có một không hai và kỳ cục, bi hề nhất trong lịch sử ngoại giao Việt.
3. Nhân vật ấn tượng nhất: Dân oan giữ đất. Kích hoạt từ quả bom Đoàn Văn Vươn (Tiên Lãng, Hải Phòng) đến ngọn lửa Văn Giang (Hưng Yên), những vành khăn tang Vụ Bản (Nam Định), nhát dao Nguyễn Văn Tưởng Thăng Bình (Quảng Nam), mẹ con bà Lài Cần Thơ khỏa thân giữ đất… Hình ảnh người nông dân, những dân oan vùng lên giữ đất trở thành “nhân vật của năm”, hình ảnh ấn tượng nhất, nhân vật ấn tượng nhất cho năm 2012, một năm rầm rộ hừng hực các cuộc biểu tình vùng lên giữ đất của người dân khắp các vùng miền từ Bắc chí Nam- những cuộc vùng lên đòi đất nhức nhối tâm can.
4. Những cuộc trấn áp kinh động nhất: Đó là trận đánh Tiên Lãng (Hải Phòng) “đẹp đến mức có thể viết thành sách”, là “trận càn” Văn Giang (Hưng Yên), là các cuộc trấn áp Vụ Bản (Nam Định), Kim Sơn (Đông Triều, Quảng Ninh)… Những trận thắng mỉa mai, những trận đánh dân, những cuộc trấn áp kinh động nhắm vào những người dân chân lấm tay bùn vùng lên đòi giữ đất.
5. Sự kiện truyền thông chấn động nhất: Blog “quan làm báo” trở thành một sự kiện truyền thông chấn động với cuộc chiến thông tin tấn công bôi nhọ hạ uy danh Thủ tướng. Ra đời tháng 6/2012, chỉ trong vòng 6 tháng đã kéo hút được một lượng bạn đọc khủng khiếp: gần 60 triệu lượt người đọc, tương đương 2/3 tổng dân số quốc gia. Đến mức Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải lên tiếng chỉ trích là “thế lực thù địch chống đảng chống nhà nước”, yêu cầu điều tra xử lý đồng thời cấm cán bộ viên chức truy cập. Đến nay vẫn chưa thể xác định đúng chủ nhân cũng như thế lực đứng sau trang blog chấn động này là ai (ngoài những tin đồn trên mạng nhắm vào cựu nữ đại biểu quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến).
6. Vụ án rúng động nhất: Được ví như những bản sao của Vinashin và PMU 18, việc bắt giam gã tài phiệt đầu bạc khét tiếng Nguyễn Đức Kiên không chỉ náo loạn làng bóng đá, như một cú sút kinh động cuốn đổ cuộc cách mạng bóng đá dang dở, mà còn là cú đạp chao đảo thị trường chứng khoán cùng toàn bộ hệ thống ngân hàng và rúng động chính trường Việt.
7. Trận thua đẹp nhất: Cuộc đối thoại hóa giải các đợt biểu tình của trên 400 dân tình và tiểu thương bao vây tỉnh đường Thanh Hóa cùng quyết định thua cuộc, nhường phần thắng cho dân của Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa Mai Văn Ninh được xem như một trận thua đẹp hiếm hoi so với hàng loạt các trận thắng mỉa mai cay đắng của chính quyền và lực lượng cảnh sát nhằm trấn áp dân chúng biểu tình giữ đất.
8. Chiến thắng mỉa mai nhất: Việt Nam giành quyền đăng cai Asiad 2019 trong bối cảnh nợ đầm đìa, kinh tế tuột dốc không phanh và đời sống dân tình khốn khó. Trong lúc nhiều quốc gia có tiềm lực kinh tế lắc đầu không tham gia, thì Việt Nam lại lao vào chạy đua giành quyền đăng cai Asiad 2019 với một nguồn kinh phí khổng lồ (ít nhất 150 triệu USD) và hồ hởi coi đó là “niềm tự hào”. Một niềm tự hào và chiến thắng mai mỉa!
9. Sự vinh danh nhạo báng nhất: Đó là cuộc vinh danh 50 nhân vật “tiên phong” của Vnexpress. Cuộc vinh danh mà có nhân vật được chọn lại xấu hổ, bất bình không thèm đến dự. Cuộc vinh danh với 50 nhân vật trong đó phần lớn là những ca sĩ, nghệ sĩ, thiết kế thời trang, chủ doanh nghiệp nghe cái tên đã phải… nhổ nước bọt, lại được xướng danh là những nhân vật có “thành tựu nổi bật, tạo ra sự đột phá hoặc thay đổi mang tính cách mạng trong các lĩnh vực”.
10. Phát ngôn ấn tượng nhất: “Tự do cái con c…!”- Phát ngôn kinh động gây phẫn uất dư luận của Trung tá Vũ Văn Hiển, phó công an phường 6 quận 3, TP HCM khi thấy bà Dương Thị Tân, người vợ cũ của blogger Điếu Cày và con trai mặc áo có hàng chữ "tự do cho những người yêu nước" trên ngực.
BLOG TRẦN NHƯƠNG
• Tập thể lúc lắc: Nhóm lợi ích
• Doanh nghiệp NN lúc lắc: Vinalines
• Quy định lúc lắc : Xe chính chủ
• Ngành lúc lắc: Ngân hàng
• Bộ lúc lắc: Giao thông vận tải.
• Công trình lúc lắc: Thủy điện Sông Tranh
• Trường học lúc lắc: Đồi Ngô, Bắc Giang
• Tập đoàn lúc lắc: EVN
• Láng giềng lúc lắc: Trung Quốc
• Tỉnh, thành phố lúc lắc: Hải Phòng (Tiên Lãng), Hưng Yên (Văn Giang)
• Con dường lúc lắc: Đại lộ Đông Tây
• Thương gia lúc lắc: thương lái Khựa
• Cá nhân lúc lắc: Đồng chí X
• Trận đánh lúc lắc: Cưỡng chế Đoàn Văn Vươn (Từ trận đánh do CAHP gọi)
• Nhân vật lúc lắc: Bầu Kiên, Dương Chí Dũng
• Thơ lúc lắc: Thơ nhập Thiền
• Báo chí lúc lắc : Lề phải
• Đài TH lúc lắc: Hà Nội
• Hội thảo lúc lắc: Hội Nhà văn tổ chức
• Tình yêu lúc lắc: Cụ Tổng cựu
BLOG THÙY LINH
Vài giờ trước “phiên tòa cuộc đời”:
Cuối cùng “công lý đã được thực thi”. Xin tỏ lòng biết ơn các anh chị trong Ban biên tập báo Tuổi Trẻ, tòa soạn, đồng nghiệp, cán bộ nhân viên báo TT, đọc giả gần xa, bạn bè tôi và cả những người tôi chưa từng biết mặt đã hết lòng chia sẽ, giúp đỡ gia đình tôi trong những lúc khó khăn nhất.
Tôi muốn nói với mọi người rằng, tôi luôn tự hào và hãnh diện khi được đứng chung hàng ngũ với những người làm báo Tuổi Trẻ. Tuổi Trẻ luôn trong trái tim tôi!
Riêng trong vụ án này, tôi xin khẳng định với mọi người rằng tôi không làm điều gì hổ thẹn với lương tâm và có thể ngẩng cao đầu với những gì mình đã làm.
Xin chào từ biệt!
FB Hoàng Khương.
Tạm biệt Hoàng Khương.
Đâu phải một mình bạn bị kết án? Cả dân tộc này, đất nước này gần như là những đối tượng gây nên “nguy cơ tan vỡ từ bên trong” mà người ta đang nói nhiều trên báo chí, tivi ngày hôm nay.
Mọi người đang “tự chuyển hóa, tự diễn biến” khiến chính quyền đang cần đấu tranh, loại bỏ khỏi xã hội. Tại sao tự diễn biến, tự chuyển hóa? Các quan chức đã chỉ ra rồi đấy, như bạn đã bắt tận tay, chỉ tận mặt kẻ tham nhũng: “Mà lãnh đạo ngày càng không muốn nghe những lời nói thẳng. Chỉ muốn nghe lời nói khen bùi tai nên đã quy tụ xung quanh những người thiếu trung thực” - ông Hữu Thọ kết luận. Còn trung tướng Vũ Hải Triều (Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II) bổ sung: lòng tin của đảng viên và người dân đang ngày càng giảm sút trước thực trạng một bộ phận lãnh đạo quản lý kinh tế xã hội yếu kém. Rồi những vấn đề khác về đời tư, lối sống, tình trạng thất thoát, tham nhũng... Theo ông Triều, dư luận đặc biệt bức xúc quanh câu chuyện bổ nhiệm và sử dụng những cán bộ không có đức tài…Nhận diện như vậy nhưng nhân dân vẫn không được bất mãn, vẫn phải tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng, chính quyền. Như Khương dù bị kết án, đi tù thì vẫn phải tin vào sự công bằng, anh minh của pháp luật XHCN. Được không?
Cùng ngày Khương ra toàn phúc thẩm, lại có luật sư bị bắt vì tội trốn thuế, như Điếu Cày ngày trước. Nghe quen quá. Quen với phương thức đấu tranh mà giờ đây không còn ai tin, nhưng lại nhân danh pháp luật. Thêm một bằng chứng “tự chuyển hóa, tự diễn biến” nữa Khương ơi… Sắp tới lại có “phiên tòa cuộc đời” như Khương, như Điếu Cày, Tạ Phong Tần rơi vào. Sắp tới đây, sẽ còn những ai nữa đứng trước “phiên tòa cuộc đời” như Khương? Bởi thủ tướng vừa ra lệnh cho bộ CA phải đấu tranh với tổ chức đối lập chống lại đảng, nhà nước. Những gì các sinh viên trong mái trường XHCN được dạy dỗ thì quan điểm của chủ nghĩa Marx là: đấu tranh giữa các mặt đối lập là động lực của sự phát triển. Nhưng đất nước mình cấm các sự đối lập, có nghĩa cấm sự phát triển. Ai cần phát triển, giàu có? Những người giàu đã giàu lắm rồi, ăn nhiều đời con cháu không hết, phát triển nữa để làm gì, Khương nhỉ? Như Khương, những ai mong muốn đất nước phát triển đều đang có nguy cơ phải đứng trước “phiên tòa cuộc đời” như Khương đó…Vì rất có thể ý muốn đó sẽ bị tòa truy tố là “đi ngược lại lợi ích đất nước, nhân dân”.
Càng nhiều phiên tòa cuộc đời thì sẽ càng tiến nhanh đến phiên tòa lịch sử soi xét lại từng danh phận con người, nhất là những người cầm quyền.
Vậy thì hãy nhanh lên những phiên tòa cuộc đời, càng nhiều càng tốt…
BLOG J.B NGUYỄN HỮU VINH
Cướp xong đòi đền bù?
Rõ ràng, không cần chứng minh nhiều thì ai cũng đã biết anh em Đoàn Văn Vươn đã buộc phải chống lại việc một đám quân đội, công an với đầy đủ trang bị vũ khí đến vây nhà họ khi ngôi nhà đó không hề là đối tượng để bị bao vây, cướp phá: Nó nằm bên ngoài khu vực có lệnh cưỡng chế. Mặt khác, kể cả lệnh cưỡng chế đất đai nhà họ cũng trái pháp luật, vậy thì dù dưới danh nghĩa nào, việc anh em nhà Đoàn Văn Vươn chống lại đám người đã bất chấp pháp luật nhằm bao vây tiêu diệt họ là chính đáng, chính nghĩa. Dù đám người đó mang danh hiệu nào, lực lượng nào.
Thế nhưng, luật pháp đã dẫn đến việc anh em nhà Đoàn Văn Vươn bị truy tố tội giết người, bị giam cầm gần cả năm nay. Còn đám quân quan đã phá nhà, bắn súng, bắt phụ nữ trẻ em đánh đập, vơ vét tài sản, kể cả con chó con của họ thì… nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Ngược đời hơn, bây giờ đám người tự dưng đến nổ mìn, nổ súng phá nhà, bắt đánh người, kia lại còn đòi nạn nhân phải bồi thường.
Cần phải xác định rằng, dù dưới nhãn mác nào, danh hiệu nào nhưng khi quay súng bắn vào nhân dân, chống lại lợi ích hợp pháp của nhân dân, thì những người đó, lực lượng đó phải được gọi là lực lượng phản động. Họ đã làm ngược lại nhiệm vụ và sứ mệnh của họ là phục vụ nhân dân. Trong trường hợp này, thì đó phải gọi là một đám cướp có vũ trang, xét về phương diện luật pháp.
Đại tá Đỗ Hữu Ca, người chỉ huy “Trận đánh đẹp” vào nhà dân.
Nếu nói rằng, họ chỉ thi hành mệnh lệnh mà bị thiệt thòi cần đền bù, thì hãy đòi ngay chính những kẻ đã huy động họ đưa đến chỗ để họ vi phạm pháp luật ấy mà đòi. Lực lượng công an do Đỗ Hữu Ca, giám đốc Công an Hải Phòng, người tổ chức “Trận đánh đẹp” phải chịu trách nhiệm đền bù cho họ các tổn thất tinh thần và thể chất. Bên cạnh đó Lê Văn Mải – Trưởng Công an huyện Tiên Lãng cũng là đồng phạm. Về phía chỉ huy quân sự Tiên Lãng do ai huy động, người đó phải chịu trách nhiệm với những kẻ đã bị đưa đi cướp. Kể cả tổn thất về tính mạng nếu có.
Vậy mà bây giờ những kẻ đi cướp lại ngang nhiên đòi nạn nhân bồi thường.
Thử hỏi có đất nước nào, xã hội nào bình thường mà dung túng những hiện tượng đó hay không?
Xưa nay trên thế giới, chẳng có quốc gia nào mà nạn nhân lại phải đền bù cho bọn cướp được coi là pháp luật. Loại trừ những toán thổ phỉ cậy mạnh hiếp yếu trong rừng sâu hoặc bọn Tàu cướp bóc ngoài biển Đông đang làm với ngư dân Việt Nam mà thôi.
Đền bù tổn thất tinh thần?
Đội quân hùng hậu, bách chiến bách thắng, gan dạ, dũng cảm…
Quân đội nhân dân Việt Nam, cũng như lực lượng công an nhân dân Việt Nam luôn được khoa trương và quảng cáo, tự hào là anh hùng, là bách chiến bách thắng, là gan dạ và dũng cảm… đủ các loại ngôn từ ca ngợi. Thế mà chỉ một chiếc bình ga không nổ, vài loạt đạn hoa cải thôi đã hồn xiêu phách lạc. Không những không bắt được thủ phạm dù đã tốn hàng đống đạn, hàng đống mìn với cả đội quân gồm người và chó hừng hực khí thế đông như kiến cỏ bao vây tứ bề.
Vậy thì sự dũng cảm ở đâu khi chỉ có loạt đạn hoa cải mà đã tổn thất về tinh thần đến tận 57 triệu đồng?
Nếu đó không phải là đạn hoa cải, không phải là cái bình ga chưa nổ mà là bom, đạn bắng thẳng, súng cối, chó nghiệp vụ như họ đã sử dụng với gia đình ông Vươn thì tinh thần họ liệu có còn chút nào không? Hay khi đó tinh thần đã là “liệt sĩ” tất cả chứ đâu còn mà “tổn thất”?
Hỡi ôi, cháy nhà mới ra mặt chuột, người dân mới thật sự thấy cái anh hùng, dũng cảm, gan dạ của họ đến đâu khi chỉ nghe vài tiếng nổ đã hồn xiêu phách lạc tổn thất tinh thần?
Hèn chi trên biển, Tàu lạ cứ thế hung hăng, ngư dân cứ vậy mà chịu bắt bớ, giam cầm, cướp bóc rồi đòi tiền chuộc.
Phải chăng người xưa đã nói không sai: “Thầy nào, tớ nấy”
Blog Nguyễn Hưng Quốc
Năm 2012: Khởi đầu 'nội chiến'
Năm 2012 vừa qua có nhiều sự kiện nổi bật ở Việt Nam. Chắc chắn sẽ có nhiều nhà báo tổng kết các sự kiện nổi bật ấy. Ở đây, tôi chỉ xin nhắc đến một sự kiện, với tôi, quan trọng nhất và cũng tiêu biểu nhất: Đó là năm mở màn cho cuộc chiến trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam.
Bộ máy tuyên truyền của đảng Cộng sản thường nói là đảng của họ rất đoàn kết. Đó chỉ là một huyền thoại. Ngay từ lúc mới thành lập vào năm 1930, đã có những cuộc đấu đá nội bộ ở những cấp cao nhất. Sau này, ở miền Bắc, ngay trong thời chiến tranh, các thành viên trong Bộ Chính trị cũng bất hòa với nhau; và họ cũng không thèm giấu giếm sự bất hòa ấy ngay cả trước mặt Hồ Chí Minh. Trong cuốn hồi ký của mình, Hoàng Tùng (1920-2010), nguyên Bí thư Ban Chấp hành Trung ương đảng, Tổng biên tập báo Nhân Dân và Giám đốc nhà xuất bản Sự Thật, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, kể:
“Tôi được biết từ năm 1966, cứ mỗi chiều thứ bảy, Bác lại cho làm cơm và nói: ‘Mấy chú cứ đến đây ăn cơm vui vẻ với nhau, có gì khúc mắc cứ nói hết ra, không nên để bụng’. Anh Nguyễn Chí Thanh làm thư ký cho những cuộc gặp đó cho đến khi anh đi vào Nam. Sau anh Lê Văn Lương nói lại với tôi là họ cứ đến ăn cơm, chén hết rồi họ về, chẳng ai nói với ai điều gì. Nếu không biết việc này thì không hiểu hết tại sao trong di chúc Bác lại dặn phải đoàn kết toàn Đảng, từ Trung ương đến địa phương. Trên mà đã đoàn kết rồi thì cần gì nói đến cơ sở nữa. Trên đoàn kết mà dưới không thì lôi thôi to, các ông trị cho chết. Chính vì thế mà Bác rất buồn. Có thể có một vài hiện tượng, có đồng chí nào đó muốn vượt Bác, Bác biết hết, nhưng Bác không quan tâm.”
Ghét đến độ không thèm nói chuyện với nhau, nhưng trước công chúng, họ vẫn giả vờ làm như là họ rất đoàn kết. Bởi vậy, suốt cả mấy chục năm, hầu như chỉ có một số người trong giới lãnh đạo mới biết các xích mích giữa họ. Còn quần chúng thì không.
Sau này, cũng vậy. Từ lâu người ta đã biết trong giới lãnh đạo cao nhất của đảng Cộng sản cũng có những sự hiềm khích trầm trọng. Được chú ý nhiều nhất là sự hiềm khích giữa hai nhà lãnh đạo gốc miền Nam: Nguyễn Tấn Dũng (Thủ tướng) và Trương Tấn Sang (Chủ tịch nước). Mối hiềm khích ấy đã manh nha từ cả chục năm trước lúc hai người còn làm việc ở cấp thành phố. Sau đó, nó cứ kéo dài và có vẻ như càng lúc càng nặng nề thêm. Lâu lâu lại rộ lên tin đồn ông này cho bắt người của ông kia vì tội này hay tội khác. Hoặc ngược lại. Tuy nhiên, đó chỉ là tin đồn. Hơn nữa, các ngón đòn thù của họ thường không nhắm vào nhau. Mà vào tay chân thuộc hạ của nhau.
Từ cuối năm 2012 tình hình khác hẳn.
Khác ở hai điểm chính. Một, các ngón đòn thù nhắm vào tay chân thuộc hạ của nhau càng lúc càng dữ dội (tiêu biểu nhất là vụ bãi nhiệm chức Đại biểu Quốc Hội của bà Đặng Thị Hoàng Yến và vụ bắt Nguyễn Đức Kiên – Bầu Kiên – và vụ truy đuổi Dương Chí Dũng). Hai, lần đầu tiên những người lãnh đạo cao nhất nước đối đầu nhau một cách công khai. Hội nghị Trung ương 6 được tổ chức tại Hà Nội vào nửa đầu tháng 10 được xem là một màn tỉ thí kịch liệt giữa hai phe Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng – Trương Tấn Sang. Cuối cùng, cả hai phe hoà nhau. Không ai thắng ai cả. Tuy nhiên, ở đây, lại có ba sự kiện quan trọng:
Thứ nhất, người ta không hề giấu giếm chuyện ấy, hoặc nếu muốn, cũng không thể giấu được. Mọi người dân đều biết mục tiêu của hội nghị là để kỷ luật “một đồng chí uỷ viên Bộ Chính trị” theo đề nghị của Bộ Chính trị (hoặc một số thành viên chủ chốt trong Bộ Chính trị), nhưng, Ban Chấp hành Trung ương đã không thống nhất ý kiến về đề nghị ấy. Nhờ đó, “đồng chí” ấy được thoát nạn.
Thứ hai, ngay sau hội nghị, khi các uỷ viên Bộ Chính trị tiếp xúc với cử tri, nhiều người, đặc biệt là Trương Tấn Sang, dưới danh nghĩa chống tham nhũng, tiếp tục tấn công Nguyễn Tấn Dũng, người được biết dưới mật danh “đồng chí X”. Dĩ nhiên, Trương Tấn Sang không nói thẳng. Nhưng ông cũng không hề cố tình giấu giếm. Ông úp úp mở mở vừa đủ để bất cứ ai, khi nghe ông nói hay đọc bài tường thuật về các buổi nói chuyện ấy, đều hiểu rõ những khác biệt giữa ông và Nguyễn Tấn Dũng: Một, khi ông “khoe” ông chỉ có một căn nhà duy nhất do nhà nước cấp trong cương vị Chủ tịch nước, và căn nhà ấy chỉ có hơn 50 mét vuông, người ta không thể không liên tưởng đến ngôi nhà thờ họ đồ sộ của Nguyễn Tấn Dũng (cũng như vô số đất đai và nhà cửa khác của ông, con cháu ông và dòng họ ông). Hai, khi Trương Tấn Sang nói đến chuyện sẵn sàng từ chức nếu không làm được việc, người ta không thể không nghĩ đến Nguyễn Tấn Dũng, kẻ cứ khăng khăng bám giữ chiếc ghế Thủ tướng dù bị các “đồng chí” của mình hạch tội tham nhũng, bao che tham nhũng và bất lực trong việc điều hành đất nước trong các phiên họp kéo dài nhiều ngày của cả Bộ Chính trị lẫn Ban Chấp hành Trung ương đảng. Ba, trong khi Trương Tấn Sang muốn đóng vai trò kẻ tiên phong trong trận tuyến bắt “sâu” tham nhũng, ông cũng không ngần ngại gợi liên tưởng đến Nguyễn Tấn Dũng, dưới mật danh “đồng chí X”, như một con sâu đầu đàn đang dung dưỡng cả một “tập đoàn sâu” tàn phá đất nước.
Thứ ba, qua các cuộc công kích của Trương Tấn Sang, người ta cũng có thể thấy, ít nhất một phần, chiến lược huy động lực lượng của ông trong thời gian tới: Nếu lực lượng của Nguyễn Tấn Dũng chủ yếu là những quan chức trong chính quyền và các “đại gia” đang hưởng lợi từ các tập đoàn kinh tế quốc doanh do ông lãnh đạo, lực lượng của Trương Tấn Sang, ngoài các cán bộ vốn theo ông từ trước, sẽ là quần chúng và các cựu chiến binh, những người thuộc thành phần thua thiệt trong cuộc chạy đua giành giật những chiếc bánh cuối cùng của chủ nghĩa xã hội. Ngoài ra, Trương Tấn Sang cũng đang cố gắng giành phần thắng trước công luận như một kẻ đi đầu trong trận chiến chống tham nhũng và cứu vãn đất nước.
Không ai có thể biết cuộc chiến này sẽ dẫn đến đâu. Chỉ có hai điều gần như chắc chắn:
Một, nó không thể hoá giải và hoà giải được nữa. Những mâu thuẫn âm ỉ kéo dài nhiều thập niên mà không thể giải quyết được, khi đã nổ ra một cách công khai trước mặt của cả mấy trăm uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương lại càng không hy vọng gì giải quyết nổi.
Hai, tuy Trương Tấn Sang chưa có ưu thế gì so với Nguyễn Tấn Dũng, nhưng về phương diện công luận, ông đã ghi được một bàn thắng rực rỡ qua việc biến Nguyễn Tấn Dũng thành một “đồng chí X” lố bịch, như một tâm điểm của mọi sự đàm tiếu trong xã hội. Khi mức độ lố bịch hoá này được lan rộng và ăn sâu trong quần chúng, nó sẽ biến thành một sự khinh bỉ, và một lúc nào đó, trở thành một sự phản kháng. Lúc ấy, để tự cứu mình, có khi các uỷ viên trong Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương đảng phải quyết tâm thay thế Nguyễn Tấn Dũng để tân trang bộ mặt của đảng. Dĩ nhiên, Nguyễn Tấn Dũng cũng có thể ra tay trừ khử Trương Tấn Sang, ít nhất về mặt chính trị, trước khi khả năng này biến thành hiện thực. Ở khía cạnh này, có thể sẽ có thêm một lực lượng khác, từ bên ngoài, tiếp tay: Trung Quốc.
Cuối cùng, theo tôi, cuộc chiến nổi bật nhất trong năm 2013 cũng vẫn là cuộc chiến giữa hai nhân vật được xem là có nhiều quyền lực nhất Việt Nam hiện nay. Riêng chuyện ai thắng ai thua thì, ở thời điểm hiện nay, may ra, chỉ có…Trời biết.
FACEBOOK ĐỒNG PHỤNG VIỆT
Bác Trần Hữu Dũng – người thực hiện trang web viet-studies.info – một trong những trang web rất đáng bỏ thời gian để xem qua mỗi ngày - vừa đề nghị mọi người hỗ trợ bác thực hiện “Từ điển Ngôn ngữ của Đảng CSVN”.
Theo bác Dũng, sở dĩ bác muốn thực hiện bộ từ điển đó, vì bác không may sống xa tổ quốc”, nhiều lúc bác hơi ngỡ ngàng về ngôn ngữ thường dùng của Đảng, hoặc những cán bộ cao cấp của Đảng (bởi chúng có những nghĩa khác với nghĩa mà bác đã biết).
Một bộ từ điển như bác Dũng mong có là điều hết sức chính đáng nên sau khi đọc được lời kêu gọi của bác Dũng, mình có ý định giúp bác và những người như bác.
Tuy nhiên, sau khi thử làm 15 mục từ mà bác Dũng đã tập hợp, liệt kê, dự định tìm nghĩa để đưa vào cuốn từ điển, mình chợt nhận ra rằng, cách đảng, nhà nước, chính phủ sử dụng từ ngữ - lý do khiến bác Dũng cảm thấy cần soạn từ điển riêng - chính là một lối “cưỡng hiếp tiếng Việt”.
Hóa ra, giúp bác Dũng sẽ không chỉ là hỗ trợ một ý tưởng độc đáo mà còn là cách để nhận ra rằng, tiếng mẹ đẻ đang bị cưỡng hiếp như thế nào.
Dưới đây là một số mục từ mà mình vừa thử định nghĩa. Xem xong, nếu hứng thú, các bạn nên vào viet-studies.info, phụ bác Dũng một tay…
*
“Bao cao su”: Không còn nghĩa là phương tiện dùng để ngừa thai hay hỗ trợ thực hiện tình dục an toàn. Đây là khái niệm mới, đề cập đến một loại chứng cứ, hỗ trợ nỗ lực tạm giam những cá nhân mà chính quyền Cộng hòa XHCN Việt Nam muốn đem đi “cất”, song các cơ quan thực thi pháp luật của họ lại chưa tìm đủ chứng cứ hợp pháp. Căn cứ vào diễn biến thực tế trong vụ án Cù Huy Hà Vũ, cụm từ này chỉ nên dùng với nghĩa vừa kể, khi nó có thêm yếu tố “đã qua sử dụng”. Ngoài ra cần bỏ trong ngoặc kép để tránh lầm lẫn với nghĩa thường dùng.
Bộ phận không nhỏ: Có nghĩa là đại đa số, gần như tất cả. Một kiểu uyển ngữ không cần thiết. không nên dùng vì ai cũng biết là không thật.
Cơ quan chức năng: Một cụm từ rất khó xác lập ngữ nghĩa chính xác, do người dùng không cho rằng “chức năng” tương đồng với “trách nhiệm”. Tạm mô tả đó là những cơ quan khi cần thì không có và lúc có thì không thấy cần.
Điên cuồng chống phá: Thường là nói, đôi khi là thực hiện một số hành vi ôn hòa dù đã được Hiến pháp minh định, rằng đó là quyền của mọi công dân nhưng lại làm Đảng, Nhà nước nổi điên.
Đối tượng xấu: Là những người không xấu như nguyên nghĩa của từ “xấu” trong Việt ngữ nhưng bị những kẻ thực sự xấu sợ và ghét.
Kẻ xấu: Xem mục “Đối tượng xấu”.
Kích động chống phá: Nói hoặc viết công khai những điều nhiều người nghĩ, nhiều người muốn.
Khiếu kiện nhiều (đông) người: Cụm từ chỉ hệ quả của việc khiếu nại, tố cáo, thưa kiện của một hoặc của một ít người nhưng không đem lại kết quả mà họ mong đợi.
Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa: Tên gọi loại quái thai được lai ghép giữa tinh trùng “kinh tế thị trường” và trứng “định hướng xã hội chủ nghĩa”, trái các lý thuyết và kết quả thực nghiệm mà nhân loại đã biết. Thử nghiệm lâm sàng cho thấy, loại quái thai này gia tăng bất công, đói nghèo, đẩy nhanh tiến trình phân hóa xã hội, thúc đẩy các yếu tố tiêu cực di chuyển nhanh đến cực đại. Cũng vì vậy, thí nghiệm không được công nhận, ứng dụng rộng rãi. Tuy nhiên, tại Việt Nam, thí nghiệm vẫn được ca ngợi là bằng chứng của “đổi mới”, “sáng tạo”.
Nghiêm: Tuy chỉ một từ nhưng có giá trị như một thành ngữ, dùng để diễn đạt chuyện chỉ nói rất nghiêm, còn khi làm thì có thể… nghỉ hoặc… nằm.
Phản động: Thường được dùng để chỉ những người bày tỏ những mong muốn chính đáng nhưng điều họ nói là chuyện chính quyền không muốn nghe, hoặc điều họ làm là chuyện chính quyền không muốn thấy.
Thành phần xấu: Xem mục “Đối tượng xấu”.
Tụ họp đông người: Một khái niệm, tuy là sự thóa mạ điều 69 của Hiến pháp 1992 (Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật) nhưng vẫn được chính phủ Cộng hòa XHCN Việt Nam tán thưởng bằng Nghị định số 38/2005/NĐ-CP.
Xúi giục: Đề nghị thay đổi hoặc đề nghị nên làm những điều rất cần phải làm.
Xuyên tạc tình hình: Kể những sự thật mình biết cho nhiều người cùng biết. Nếu vừa kể, vừa đưa thêm nhận định cá nhân thì là “Kích động chống phá”. Xem thêm “Kích động chống phá”.
BLOG ĐÀO TUẤN
Tháng Mười Hai 28, 2012
Câu hỏi “tại sao” đối với “cái chết” của Mai Linh thực ra không khó trả lời. Họ vừa tự tử, vừa bị bức tử.
Có hẳn một bài khất nợ trên tờ nhật báo lớn nhất nước, song những gì mà Chủ tịch Mai Linh nói không cho thấy tí chút hy vọng nào để cứu vãn cái chết đang đông cứng niềm tin của 28.000 nhân viên và gây ra sự hoảng loạn trong sự mất ăn mất ngủ của cả ngàn nhà đầu tư đã chót đổ tiền của vào thương hiệu hàng đầu của vận tải Việt Nam này.
5.000 tỷ vốn đầu tư, trong đó 95% đầu tư đúng sở trường vận tải. Thương hiệu taxi số 1 Việt Nam. 12.000 chiếc xe, phủ sóng 54 /63 tỉnh thành. Lực lượng hùng hậu với 28.000 cán bộ công nhân viên. Từ năm 1993, có thể nói Mai Linh là một trong số các thương hiệu tạo ra cuộc cách mạng về tận tải hành khách. Còn giờ đây, 30 tỷ đồng bảo hiểm xã hội cũng phải khất nợ. Bảo hiểm y tế cũng thế. Đến thuế, thứ gắn chặt và gần nhất với cái còng số 8, cũng nợ, và trả nợ theo cách “vắt mũi đút miệng” với 10-50 triệu nộp thuế theo ngày.
Mai Linh không phải đang đứng trước nguy cơ nữa, mà là đang chết.
Tại sao họ chết?
Vì họ vừa tự tử vừa bị bức tử.
Tự tử từ 80 tỷ đồng, từng được coi là số vốn còi đầu tư “tay trái” vào thủy điện La La. Tự tử vì số tiền đổ vào BĐS, dù “chỉ 500 tỷ”. Nhưng sự tràn lan, sự bóc ngắn cắn dài chỉ là một lý do.
Nguyên Phó Chủ tịch VCCI Phạm Chi Lan nhìn nhận trên VTC: Các DN nước ngoài họ không bị tác động vĩ mô nhiều như doanh nghiệp Việt Nam, chí ít không phải vay với lãi suất cao tới trên dưới 20% như DNVN. Riêng trong lĩnh vực vận tải: “Giá xăng dầu, phí trước bạ, phí giao thông, mỗi đầu xe cõng 9 thứ thuế phí mà còn muốn tăng nữa rồi lãi vay ngân hàng lớn, thời gian hoàn trả vốn khó hơn nước ngoài”. Rồi “(Giá) xe ở Việt Nam lại quá đắt, gấp 3 lần giá trên thế giới. Giá xăng dầu liên tục biến động, tính toán của Lao Động cho thấy cứ mỗi lần giá xăng dầu “điều chỉnh”, chỉ riêng chi phí cài đặt, lập trình đồng hồ tính cước Mai Linh mất đứt 4 tỷ đồng/lần cho hơn 10.000 xe.
Trong cái chết Mai Linh, có một chi tiết hàm nghĩa nhiều sự cay đắng. Đó là số tiền 500 tỷ huy động “3 tháng nay chưa trả được lãi”. Dù ông Hồ Huy thừa nhận đây là sai lầm khi “Nguồn vốn ngắn hạn nhưng lại đem đi đầu tư dài hạn”. Nhưng quan trọng nhất, và chua chát nhất là việc đại gia, từng đứng hạng 1 về thị phần vận tải phải thú nhận “Lúc này chúng tôi không biết lấy đâu ra tiền để trả”. Đã không còn gì để mà phải giữ gìn nữa rồi.
500 tỷ đồng, không lớn so với tổng vốn, tổng tài sản, nhưng lãi suất lại không nhỏ, từ 18-25% (cao hơn lãi suất ngân hàng từ 5-10%). Trong năm 2011, chỉ tính riêng phần lãi suất mà hệ thống Mai Linh phải trả cho ngân hàng và cá nhân lên đến 500 tỉ đồng. Tại sao phải “vay nóng”, khi mà nguồn vốn ngân hàng liên tục được cam kết chỉ với lãi suất 14%? Câu hỏi này chỉ có thể do… Thống đốc trả lời.
Tại hội nghị trực tuyến với các địa phương sáng 26.12, chủ tịch tỉnh An Giang Vương Bình Thanh cho biết “vựa cá” này hiện đang tồn kho 26 ngàn tấn cá tra. Hình như sau Bình An, sau Thái Hòa, sau Mai Linh, còn lấp ló rất nhiều những cái chết khác.
Hồi giữa năm, Chính phủ đã có “gói cứu trợ” 29 ngàn tỷ cho các DN. Lãi suất vừa giảm thêm 1% trên lý thuyết. 3 vấn đề lớn là nợ xấu, hàng tồn kho và bất động sản cũng vừa được đặt ra trong hội nghị vừa rồi, nhưng có lẽ, đó chỉ là những giải pháp, dù cốt lõi để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong năm 2013.
Đào Tuấn - Cuộc tập kích của lề trái
Blog Đào Tuấn
Cú “pháo hạm”, có lẽ là “thông điệp” mà lề trái nhắn tới độc giả: Muốn đọc cướp hiếp giết, hoặc “tin đầu lâu” xin mời lên báo. Muốn biết sự thật thì trèo tường vào Net.
Anh Ba Sàm, dưới cái tên cúng cơm Nguyễn Hữu Vinh, đeo kính trắng ngồi trên bàn chủ tọa, tay trái thủ máy ghi âm, tay phải lướt camera. Phía dưới, nhà văn Phạm Viết Đào nhát lại quay xuống giơ máy ảnh bấm tách tách. Tiến sĩ Nguyễn Quang A, ngồi khoanh tay, khi gật gù, lúc gãi mũi, và sau đó thuyết trình về câu chuyện “rác và kim cương”. Luật sư Trần Vũ Hải thì 3 lần giơ tay “xin micro”, và còn định xin tiếp để cướp diễn đàn.
Từ lâu, truyền thông xã hội, mình cứ thích gọi là “lề trái”- cho máu, dù phải chơi trò đổi IP hay “nhảy tường Olympic”, đã ép lề phải trong vấn đề đạo đức của người truyền tin, qua Hội thảo vừa rồi, chính thức nhờ RED đóng cho một cái dấu đỏ, để tập kích “lề phải” qua một cuộc Hội thảo được xin phép đàng hoàng.
Cái đạo đức của người truyền tin là ở chỗ trong khi “lề trái” dùng tên thật để bình luận, thì không ít lề phải lại dùng bút danh, chẳng hạn trong việc đưa tin.
Đây là những “phát súng” của lề trái mà mình gom ra. Thôi thì cứ nêu ra đây và không bình luận.
Ba Sàm: Có một ví dụ cho thấy sự thụt lùi của báo chí. Năm 2007, Tuổi trẻ có một bản tin về các cuộc biểu tình phản đối TQ, nhưng bây giờ thì không.
Chưa kể, có những tin bài đã lên mạng, vì lý do nào đó không được tồn tại nữa, nhưng lại bị âm thầm gỡ bỏ, hầu như không hề được thông báo, giải thích lý do, độc giả truy cập vào không được. Làm vậy vừa thiếu tôn trọng độc giả, vừa thiếu áp lực trách nhiệm lên chính nơi đã “gây ra” việc phải gỡ bỏ tin bài đó. Ví dụ có rất nhiều, nhưng gần đây nhất là bài trên báo Thanh tra: “Đánh đấm” mạnh, ông Trần Nhung bị trả thù”, hiện còn thấy được trên mạng là phải nhờ thủ thuật tìm kiếm.
Chưa kể có tới 2 ví dụ về việc báo chính thống phải cải chính những thông tin trên blog.
Nhà văn Phạm Viết Đào: Xuất hiện rất nhiều cây viết, chủ nhân của các cư dân mạng nổi tiếng hơn cả nghề tay phải của mình, họ là nhà báo nhưng người đọc biết nhiều về họ hơn nhờ viết blog chứ không phải viết báo; có nhà báo bỏ cả nghề báo để viết blog; có ông chẳng liên quan gì đến nghề báo tự dưng nhảy ra làm trang mạng có sức lôi cuốn người đọc, thách thức các tổng biên tập báo chính thống khiến cho Huy Đức một nhà báo kiêm một blogger có tiếng đã phải thốt lên: Báo chính thống nói chuyện Basam; Còn Basam lại đưa chuyện chính thống…Rất nhiều các hãng thông tin nước ngoài một khi tìm hiểu dư luận xã hội về một vấn đề nào đó lại thường tìm đến các blogger hơn là tìm đến những nhà báo, nhà quan sát chính trường có nhãn mác, bằng cấp và giấy phép hành nghề. “Làm sao để các nhà báo được sống hết mình với tin bài của mình như các trang mạng xã hội, có như thế báo chí mới góp phần hữu ích vào đời sống xã hội”.
Nhà báo Mạnh Quân:
Nếu chỉ quan tâm, đọc báo trên báo in, báo online, truyền hình…của nhà nước là không đủ…Có rất nhiều thông tin từ facebook, từ các diễn đàn, trang web, blog cá nhân…hữu ích cho công việc của tôi mà nhiều khi, đọc báo chính thống, tôi không có được hoặc có chậm hơn. So sánh với các blogger bình thường khác thì theo tôi, các nhà báo thường cũng có xu hướng kiềm chế, kiểm soát nội dung mình. Với cá nhân tôi và có thể với không ít nhà báo khác, việc chủ động tham gia, tham gia thường xuyên vào TTXH, vào FB…đặc biệt là với FB hay blog…thì đó thực sự còn là công cụ để giữ được “lửa nghề”. Có những điều anh không thể nói được trên báo thì anh nói được trên FB, blog của mình, giữ được quan điểm, nói lên được nhiệt tâm của mình.
Đoạn này là của mình:
“Một bản tin trên BBC dưới tựa đề “Truyền thông VN im lặng về biểu tình”. Đây là những gì mà BBC đã viết: Một ngày sau khi các cuộc biểu tình chống Trung Quốc diễn ra ở cả Hà Nội và TP HCM, báo chí trong nước hoàn toàn im hơi lặng tiếng. Hai cuộc biểu tình ở các thành phố lớn nhất Việt Nam có sự tham gia của hàng trăm người, cho dù bị giải tán một cách nhanh chóng. Sự kiện này đã thu hút sự chú ý của truyền thông nước ngoài, với hầu hết các đài báo quốc tế lớn đều có tin, bài. Thế nhưng ngay ở trong nước, không thể tìm thấy một dòng nào về các cuộc biểu tình”.
“Lòng tự trọng khiến tôi tin những người làm báo ở Việt Nam cảm thấy bị tổn thương. Bởi với bất cứ lý do gì, báo chí đang mặc nhiên coi như không nghe, không biết, không thấy sự kiện người dân xuống đường phản đối Trung Quốc. Nếu báo chí là người chép sử của hiện tại, thì với cách thức chúng ta im lặng ngày hôm nay, 100 năm sau, những thế hệ con cháu sẽ lại gặp những khoảng trống trong lịch sử?”
“Báo chí hoặc im lặng, hoặc đưa ra những bản tin 200 chữ không có thông tin, sẽ càng chỉ khiến bạn đọc tìm đọc những sự kiện đó trên Internet, trên truyền thông xã hội. Bởi trong nhiều sự kiện, mà điển hình là sự kiện 9-12, blog đã thay thế báo chí ngay trong chính vai trò thông tin của mình”.
Anh Ba Sàm đầy tinh thần lạc quan đến xuất một mô hình “Đặc khu thông tin”, như “đặc khu kinh tế”. Đó là “Khu vực trung dung giữa báo chí chính thống và TTXH. Ở đó có sự theo dõi, quản lý nhất định của cơ quan chức năng, nhưng không cần thiết chặt chẽ như với báo chí hiện nay. Ở đó thông tin cung cấp “thoáng” hơn báo chí chính thống nhưng sẽ cẩn trọng hơn so với TTXH. Có những thông tin “nhạy cảm” của nhà nước, không tiện đưa lên báo (có thể tránh đụng chạm quan hệ ngoại giao chẳng hạn, vì mang tiếng là báo nhà nước), nhưng lại rất cần phổ biến tới người dân, để thử nghiệm hay tận dụng tiếng nói công luận. Có những vấn đề cần lắng nghe nguyện vọng, sáng kiến của dân, nhưng lâu nay vẫn lúng túng khi cần tổ chức thu thập qua báo chí “chính thống”.
TS Nguyễn Quang A thì nói về câu chuyện Thông tin trên các mạng truyền thông xã hội như Facebook, blog… “thì rác cũng có mà kim cương cũng có”. Thế nào là rác? Anh Ba: “Các tòa báo, trước áp lực “mất khách”, và thậm chí cả soi lưng từ TTXH, họ phải bươn chải hơn để tồn tại, tìm đủ mọi cách lách, và câu khách bằng thị hiếu tầm thường, gây tác động làm méo mó thêm từ môi trường báo chí cho tới đời sống văn hóa, tinh thần của cả xã hội”.
Còn nhiều chi tiết nữa mà một người 100% lề phải như mình thậm chí không dám chép trên blog.
Cú “pháo hạm”, có lẽ là “thông điệp” mà lề trái nhắn tới độc giả: Muốn đọc cướp hiếp giết, hoặc “tin đầu lâu” xin mời lên báo. Muốn biết sự thật thì trèo tường vào Net.
Note: Riêng Lao Động cũng được dành cho một dòng, nghĩ cũng đau: Ở VN cũng đã có báo thử nghiệm (mô hình blog trên báo), nhưng không rõ tiêu chí, như VOV News, còn Lao Động cũng có nhưng … như không.
Ảnh: Ba Sàm mượn diễn đàn Red “quăng bom” lề phải.
Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012
Đào Tuấn - Ai đang cầm đầu dây thòng lọng?
Blog Đào Tuấn
Khi chính quyền khắp nơi phải dùng đến chuyên chính vô sản để thu hồi đất dù “đã bồi thường” cho dân, thì việc đó chỉ càng phản ánh sâu sắc hơn tính chất của việc tước đoạt.
Kỷ lục về sự chênh lệch giữa giá đất mà các nhà đầu tư bán ngoài thị trường và giá đền bù khi thu hồi của dân là bao nhiêu lần?
35 lần, như báo cáo của Quốc hội?
Không, con số đó chưa phải là mức độ kỷ lục. Một khảo sát của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đưa ra một ví dụ khủng khiếp về sự chênh lệch giá: Ở Bắc Ninh, giá thu hồi của dân là 200.000 đồng/m2 và giá bán ngoài thị trường là 35 triệu đồng/m2. Gấp 175 lần.
Ngày hôm qua, khi các nhà làm luật “ngồi lại” với cộng đồng doanh nghiệp để tìm cách tháo các nút thắt của luật đất đai, sự chênh lệch khủng khiếp này đã được nói ra lời, và từ dùng nguyên văn là “tâm lý bị tước đoạt”. Đúng hơn thì phải bỏ đi hai chữ “tâm lý”. Bởi sự chênh lệch giá đang phản ánh hiện trạng người dân “bị tước đoạt” mỗi khi đất đai, từ loại do ông bà tổ tiên để lại, cho đến ruộng vườn, ao hồ, đầm phá- chót lọt mắt xanh nhà đầu tư nào đó. Dương Nội là một điển hình. Văn Giang là một điển hình. Và Vụ Bản cũng là một điển hình khác. Liệu có thể gọi khác đi khi bản chất câu chuyện là những người dân thấp cổ bé họng có tài sản, dù chỉ là quyền sử dụng đất, đang bị buộc phải bán, với giá do người mua ấn định, thông qua cái gọi là “khung giá” mà nhà nước ban hành. Và khi dân chúng phải đối mặt với cửa quan, cũng là chuyện “vô phúc đáo tụng đình”, chuyện con giun xéo lắm cũng quằn. Và khi chính quyền khắp nơi phải dùng đến chuyên chính vô sản để thu hồi đất dù “đã bồi thường” cho dân, thì việc đó chỉ càng phản ánh sâu sắc hơn tính chất của việc tước đoạt.
Nghị quyết TƯ 5, đã đòi hỏi sự Luật Đất đai lần này phải được sửa đổi một cách toàn diện. Nhưng dự thảo, đã được làm đi làm lại từ nhiều năm nay đang chỉ cho thấy “Không có đột phá nào mới hơn so với Luật Đất đai 2003, trong khi vẫn giữ nguyên những hạn chế”.
Người dân, với tư cách là những người đã và đang mất đất, những nạn nhân của kỷ lục “âm 175 lần về giá trị”, chưa thấy có gì là đột phá đã đành. Nhưng sự lạ đã xảy ra, bởi bản thân cộng đồng doanh nghiệp, những người được coi là bên “dương 175 lần về giá trị” cũng không thể không cất lời than vãn về hàng loạt những “nút thắt” của Luật Đất đai sửa đổi: Đó là việc chưa phân cấp để “ngăn ngừa sự tái xuất của tầng lớp lý trưởng”. Đó là việc lẫn lộn khái niệm khi đất vừa là tài nguyên, vừa là tài sản. Và nút thắt lớn nhất: Nguyên tắc giá “phù hợp với thị trường” còn méo mó, mù mờ hơn là “sát với thị trường” như hiện nay. Hóa ra, cả các nhà đầu tư, cả những người mất đất đều đã và đang là nạn nhân của Luật đất đai, với tất tật mọi thứ quyền đều thuộc về nhà nước, về chính quyền.
Từ sau năm 1999, khái niệm thị trường bất động sản ra đời. Nhưng từ bấy, quyền định giá tài sản, thứ quyền tối thiểu của một thị trường, hoặc ít nhất là việc “được trưng mua”, thay vì “bị thu hồi”, vẫn là thứ quyền xa vời đối với người dân.
Hôm qua, rất nhiều ý kiến đã được đưa ra để tháo cái thòng lọng “cơ chế giá” đang thắt quanh dự thảo luật: Nguyên tắc giá công bằng thay cho xác định giá đất phù hợp với giá thị trường; Nguyên tắc đồng thuận, với tối thiểu 2/3 sự đồng thuận của người dân “mất đất”, với doanh nghiệp “được đất”; Thay thế cơ chế “thu hồi” bằng cơ chế “trưng mua”…. Đây ít nhất cũng là sự tiến bộ hơn nhiều so với sự trì trệ và bảo thủ trong đầu những nhà làm luật đang ngồi tại Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Nhưng nói gì thì nói, bản chất câu chuyện vẫn là quyền được định giá của người dân. Và thứ quyền này chỉ có thể được thực hiện khi nhà nước trao trả lại cho họ, ít nhất là việc để họ được trưng mua với một mức giá thỏa thuận. Mới nói, người đang cầm 2 đầu sợi dây để có thể tháo nút thắt, vì thế, không phải chỉ là những nhà làm luật, mà chính là Nhà nước. Chỉ có điều họ muốn thực sự tháo nút hay không mà thôi.
Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012
Đào Tuấn - Không chỉ là chuyện cá nhân hai nhà báo
Đào Tuấn
Tự do báo chí, suy cho cùng, trước hết phải ở việc các nhà báo không bị cản trở khi tiếp cận thông tin. Hoặc giản dị hơn, những kẻ cản trở, dưới bất cứ hình thức nào, phải bị xử lý nghiêm minh.
Thông tin “không khởi tố vụ án hình sự” đối với vụ 2 phóng viên VOV bị hành hung dã man đã được Phó Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên chính thức xác nhận. Trả lời Tuổi Trẻ, Đại tá Nguyễn Văn Minh lý giải là vì “Không cần thiết”. Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Hưng Yên Dương Văn Cảnh sau đó giải thích: 2 nhà báo đã đề nghị không giám định thương tật, trong khi với tội danh “cố ý gây thương tích, tổn hại cho sức khỏe người khác”, phải có kết quả giám định để xem xét có thể khởi tố vụ án hình sự được hay không.
Phải khẳng định dư luận hoàn toàn không bất ngờ với hướng xử lý vụ việc của Hưng Yên. Tuy nhiên, sau khi có thông tin chính thức, một câu hỏi cay đắng không thể không đặt ra “Liệu các nhà báo phải bị đánh đến như thế nào? Hay phải tử vong tại chỗ?” thì vụ án hình sự mới được khởi tố. Việc một vụ án quá rõ ràng, có đầy đủ nhân chứng, vật chứng và gây công phẫn xã hội xử lý theo kiểu “mưa to như mưa nhỏ”, sẽ tạo ra một “tiền lệ Hưng Yên” cực kỳ nguy hiểm cho phép những nhân viên công vụ trong chính quyền thoát tội miễn đòn hội đồng không gây thương tích “đến 11% sức khỏe”, hoặc vì sức ép nào đó, nạn nhân từ chối giám định, đề nghị không khởi tố vụ án.
Trong vụ hành hung nhà báo ở Hưng Yên, rất tình cờ, đã có một video clip ghi lại toàn bộ hình ảnh vụ việc. Clip này đã được gửi tới giám định tại Viện Khoa học hình sự – Bộ Công an. Cả nước đã nhìn thấy vụ hành hung, cực kỳ dã man. Duy chỉ có Viện Khoa học hình sự là “không thấy” khi họ cho rằng nhưng hình ảnh này “chất lượng thấp, quá mờ nhòe” nên không thể làm rõ được đối tượng đã hành hung 2 nhà báo. Các nhà báo cần một kíp quay phim với máy quay chất lượng HD đi kèm để không tự biến mình từ nạn nhân trở thành tội phạm, phạm tội vu khống cơ quan công quyền? Hay Hưng Yên cần thượng tôn pháp luật để kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm về mặt pháp luật, gây công phẫn về mặt tâm lý xã hội?
Hai tháng trước, tỷ lệ % các nhà báo đã và đang bị cản trở nghề nghiệp do RED Communication công bố khiến dư luận choáng váng: 87,9% trong tổng số hơn 400 nhà báo tham gia điều tra xã hội học cho biết đã từng bị cản trở dưới nhiều hình thức. Thống kê của Hội Nhà báo Việt Nam trong số 18 vụ cản trở, hành hung phóng viên chỉ có 4 vụ được khởi tố. Nguyên nhân hầu hết là thiếu chứng cứ. Đại loại như một bức ảnh, một video clip. Đáng lưu ý là cả 4 vụ này, không vụ nào được khởi tố theo điều 257 (tội chống người thi hành công vụ). Dường như, với cơ quan công quyền, tấm thẻ nhà báo, hay việc kêu gào “Chúng tôi là nhà báo. Chúng tôi là phóng viên” hoàn toàn không lọt tai họ, chỉ vì họ “đang tức giận” và “không bình tĩnh”.
Tự do báo chí, suy cho cùng, trước hết phải ở việc các nhà báo không bị cản trở khi tiếp cận thông tin. Hoặc giản dị hơn, những kẻ cản trở, dưới bất cứ hình thức nào, phải bị xử lý nghiêm minh.
Trong vụ việc này, có một chi tiết rất đáng chú ý: Cả 2 phóng viên của VOV đều “không đề nghị khởi tố hình sự vụ án”, và từ chối giám định thương tích. Dù với bất cứ lý do gì thì đây cũng là một sự ích kỷ và thiếu trách nhiệm không thể che dấu. Thiếu trách nhiệm không chỉ với bản thân mà còn với hàng ngàn đồng nghiệp đã, đang và sẽ còn bị hành hung. Liệu ai có thể bảo vệ nhà báo nếu ngay chính họ cũng không muốn tự bảo vệ mình?
Đ.T.
Nguồn: daotuanddk.wordpress.com
Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012
Quyền làm súc vật của con bò, quyền làm người của Cao Thái Sơn
Blog Đào Tuấn
Trong khi một số tờ báo, tự cho mình là chính thống, lên giọng đạo đức với báo “lá cải” thì một tờ báo cho mình là “giáo dục” lại cử phóng viên vác máy quay dí vào mặt những cô gái mãi dâm bị bắt. Còn QH thì bàn chuyện mãi dâm.
Chiều qua, ĐB QH Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh Phú Yên đứng trên nghị trường đề nghị “Nếu người bán dâm phải vào cơ sở chữa bệnh thì cũng nên đưa người mua dâm vào. Bởi không có cơ sở nào nói rằng người bán dâm thì bị bệnh mà người mua dâm thì không”. Quốc hội nghe câu này liền cười ồ tán thưởng.
Ngẫm ra, lời phát biểu của bà Kim Chi đúng là lẽ công bằng. Nếu người bán dâm phải vào cơ sở chữa bệnh theo diện “phục hồi nhân phẩm” thì không có lý nào người mua dâm lại không phải “phục hồi nhân phẩm”. Nhớ hồi tháng 11 năm ngoái, ĐB QH Đặng Thuần Phong (Bến Tre) nói thẳng rằng việc đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh là hạn chế quyền tự do chứ không phải chữa bệnh chữa biếc gì hết. Trong chính tờ trình của Chính phủ lần này cũng “gạch đầu dòng” hàng loạt lý do để bỏ hẳn câu chuyện “chữa bệnh”, thực ra là cái “bình mới” của sự ngớ ngẩn và bảo thủ mang tên “phục hồi nhân phẩm” cũ rích. Thứ nhất: Việc đưa các cô gái vào “cơ sở chữa bệnh” thực chất là vì hành vi vi phạm của họ, chứ không phải họ bị bệnh. Thứ hai: Mục đích của việc “chữa bệnh” là cách ly họ khỏi cộng đồng, bản chất là hạn chế quyền tự do của công dân. Mại dâm là vấn đề xã hội, cần được giải quyết chủ yếu bằng các giải pháp kinh tế – xã hội, bằng sự bảo vệ, chứ không thể cưỡng từ đoạt lý mà tống một vi phạm hành chính, một đối tượng bị tổn thương, vào trại.
Sẽ không bao giờ có chuyện “Trang Trần đắc thắng với Hồng Hà”, câu chuyện “phục hồi nhân phẩm” cũng sẽ trở thành tiếu lâm khi mà mại dâm được chính thức thừa nhận như một thứ nghề- một thứ lao động phải đổ không ít mồ hôi trên mồ hôi dưới.
Đức Khổng Tử có câu: Muốn chê nhà người khác bẩn, phải xem lại trên mái nhà mình có tuyết không đã. Thưa các bậc nhân phẩm cao cả. Các cô gái chẳng may bị bệnh thì người phải lo cuống lên đầu tiên là chính họ. Còn chuyện nhân phẩm ư. Khó nói lắm thưa các đồng chí chưa bị lộ.
Nghe Chính phủ trình thế, Quốc hội bàn vậy, toàn những tư tưởng tiến bộ, người mừng nhất có lẽ là…Hồng Hà. Ấy thế nhưng chính báo chí lại làm cái việc là bôi do trát chấu nhân phẩm của các cô gái. Hồng Hà hôm qua đã được cho về nhà. Khổ nỗi, cô muốn yên thân nhưng báo chí dứt khoát không cho cô yên. Một tờ báo đã cử hẳn “nhóm phóng viên” vác camera dí vào mặt cô và sau đó một clip được đăng với tựa đề “Diễn viên Hồng Hà gạt máy ảnh phóng viên khi bị quay phim”.
Nhớ lại hồi câu chuyện các cô gái mại dâm bị bắt, bị “lột truồng”, bị quát “bỏ tay ra” để “nhà chức trách” quay phim, chụp ảnh ở Quảng Ninh, nỗi nhục bấy giờ còn có mái tóc để che, chứ không đến mức bị báo chí chĩa máy ảnh vào mặt như bây giờ. Mới biết “lá cải” hay không “lá cải” không ở câu chuyện số lượng những bản tin “cướp hiếp giết”. Và, giữa người bị quay phim vì bán dâm và người quay phim để bán sự xấu hổ của các cô gái thật khó nói ai mới là người cần “phục hồi nhân phẩm”.
Xin cảm ơn Quốc hội, cảm ơn nữ nghị sĩ Đặng Thị Kim Chi. Chỉ tiếc là không ai nói thêm cho các cô gái một thứ “quyền cơ bản” là “quyền được che mặt”, chí ít là bằng… báo, để khỏi bị bêu là “gạt máy ảnh phóng viên khi bị quay phim”. Nếu muốn có một tiền lệ, xin hãy ngó sang báo chí nước ngoài. Ngay cả trọng phạm cũng không bị dí máy ảnh vào mặt trước khi bị tòa án tuyên là có tội. Bởi điều lớn hơn cả sự vi phạm, là quyền con người, quyền được tôn trọng nhân phẩm ngay cả khi anh phạm tội.
Tuần rồi, giới “sâu bít” lại xảy chuyện. Lần này là scandal của chàng ca sĩ “Con đường mưa” Cao Thái Sơn. Không bình luận việc đây có phải là một kiểu “lộ hàng” hay “chén sống fan hâm mộ” để tự PR. Cũng không nói đến việc có tới 30 nhà báo đến… nhà hàng và làm một cái việc là “vote cho Cao Thái Sơn là gay”. Chỉ xin nói đến hai chữ “nghi án giới tính” và thái độ “bàng hoàng” mà báo chí đã dùng. Sự “bàng hoàng” đối với “nghi án” này sẽ dẫn tới một logic là: “Nghi phạm” Cao Thái Sơn mắc “tội” bị gay. Đấy, báo chí tự vỗ ngực “không lá cải” đã cho mình một cái quyền to như quan tòa dù đồng tính không phải là bệnh hoạn, không vi phạm pháp luật, thậm chí từ năm 1973, đã không còn không còn bị coi là một bệnh tâm thần nữa. Chẳng phải là vừa tuần trước, Tổng thống Mỹ Obama trả lời phỏng vấn hãng tin ABC đã nói rằng ông nghĩ các cặp đôi đồng tính nên được làm đám cưới.
Thật may cho Elton John, cho Ricky Martin, cho Lindsay Lohan vì họ không phải sống trong sự kỳ thị, không bị báo chí kết tội như ở Việt Nam.
Chuyện Cao Thái Sơn tất nhiên sẽ trôi vào dĩ vãng, bởi anh có “chuẩn men” hay không chỉ mỗi anh biết, trừ phi anh đòi cưới…chồng. Nhưng phải nhắc trước họ Cao rằng anh muốn lấy…chồng, muốn mưu cầu hạnh phúc cũng không phải là dễ.
Gương tày liếp cũng vừa đó xảy ra ở Cà Mau xa thẳm với một đám cưới có nhiều sự lạ. Lạ không phải là cả tân giai nhân và tân nương đều có… râu cằm mà ở chỗ “khách không mời” hiếu kỳ đến xem đông gấp mấy lần khách có thiệp mời đãi tiệc, và lạ nhất là chính quyền đến lập biên bản tại “hiện trường”.
Bản thân sự hiếu kỳ của “hàng trăm khách không mời” đã cho thấy sự kỳ thị đối với những người đồng tính. Còn việc cử công an, dân phòng đến “lập biên bản tại hiện trường” yêu cầu “chú rể và cô dâu” ra khỏi tiệc cưới cho thấy sự mẫn cán đáng ngạc nhiên của chính quyền trong việc tẩy chay “thế giới thứ ba” và kiên quyết lùa bọn “bóng” ra khỏi luật Hôn nhân và gia đình. Khổ cho cô dâu chú rể. Họ muốn được làm người- một người thuộc thế giới thứ ba- nhưng không ai cho họ làm người. Họ muốn chỉ một điều giản dị là “mưu cầu hạnh phúc”- cũng là thứ quyền được Hiến pháp trang trọng tuyên bố, nhưng chính quyền nhất nhất cho đó là sai trái và bị dư luận xã hội ném đá bệnh hoạn.
Cách đây chưa lâu, tờ Bưu điện Washington đã kêu gọi “quyền làm súc vật” cho những con bò khi đăng trên trang nhất hình ảnh một con bò đang bị làm thịt mà không được tiêm thuốc mê, thậm chí chưa chết hẳn trước khi bị sả thịt. Một biểu tượng về sự tàn ác của con người khi sự vô cảm với đau đớn đã trở thành phổ biến, thành bình thường.
Có thể, những con bò Mỹ, nhờ Bưu điện Washington sẽ có “quyền làm súc vật”. Có thể, luật pháp Mỹ, nhờ sự ủng hộ của tổng thống đương nhiệm Obama sẽ sửa đổi để công nhận hôn nhân đồng tính. Nhưng ở ta, nhu cầu được yêu thương, mong ước được sống bình dị và hạnh phúc bên “người vợ” của những người đồng tính hơi bị khó.
Năm ngoái, khi đám cưới đồng tính nữ đầu tiên diễn ra ở Hà Nội, một quan chức Bộ VH-TT và DL phẫn nộ: “Tôi cực kỳ lên án sự kiện này, điều này không chỉ làm ảnh hưởng tới thuần phong mỹ tục của người Việt, mà còn là trái với pháp luật VN”.
Thuần phong mỹ tục là gì vậy? Luật pháp phải chăng là do người ngoài hành tinh tạo ra, thưa ông quan?
Những người thuộc giới tính thứ ba, những đám cưới đồng tính có bất thường không ? Hoàn toàn không. Sự bất thường, nếu có, là ở xã hội, ở luật pháp. Một xã hội kỳ thị, ném đá những người “khác mình” là một xã hội man rợ. Một hệ thống luật pháp không bảo vệ quyền chính đáng cho dù chỉ một thiểu số công dân thì đó là thứ luật pháp không vì con người.
Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012
Đào Tuấn - Người đi chợ vĩ đại
Blog Đào Tuấn
Nhà báo Lê Thọ Bình có lần đã kể về “giai thoại cá khô” của ông Trương Đình Tuyển. Đại khái đó là một vị “thái thú” ở trong một căn phòng tập thể “sực nức mùi cá khô”, quần sắn móng lợn, chân đi dép tông, tự đạp xe đi chợ Quán Lau, cơm với “mấy con cá khô chỏng chơ”, sáng dậy cho vo gạo, cắm phích, cho thêm mấy con cá khô vào thành bữa sáng. Trưa, tối về cắm cho nóng lên thành bữa trưa, tối. “Rất chi là tiện”.
![]() |
Ông Trương Ðình Tuyển |
Có lẽ “rất chi là rẻ” nữa.
Rất nhiều ngợi ca ông Tuyển, một vị quan giản dị, liêm chính- dù ngay những người ngợi ca cũng thấy rằng sống với cá khô, xe đạp, tiện thì tiện thật nhưng như thế không thể gọi là cuộc sống- mà thiếu chữ tạm.
Tháng 8-2002, sau 2 năm “cá khô và xe đạp”, “Thái thú” Tuyển tái nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thương mại và là một trong những “tác giả” trong cuộc đua vào WTO của Việt Nam.
Hình như cũng chẳng có mấy vị thượng thư, thái thú “đi chợ”. Ngay cả ông Tuyển, khi về lại làm “thượng thư” cũng không còn nghe chuyện ông “đi chợ” nữa. Có lẽ cũng chính vì thế, ngay sau khi “trúng số” WTO, thậm chí còn chưa qua giai đoạn “cửa sổ” 5 năm, thuế thu nhập cá nhân đã được đặt ra với tuyên bố “Cải cách cơ cấu nguồn thu ngân sách”, mà cụ thể là tăng thu, để đảm bảo lộ trình và quan trọng hơn, để bù cho những loại thuế sẽ phải cắt giảm sau “chiến thắng WTO”.
Không ai buộc các bí thư, bộ trưởng phải đi chợ. Nhưng hình như chuyện đi chợ mấy năm nay lại được nói đến quá nhiều.
24-10-2007, tại nghị trường QH, đại biểu QH TP HCM, bà Dao Nhiễu Linh, sau khi giới thiệu “Là một người hằng ngày phải đi chợ” đã phát biểu: "Ở TP HCM, chi phí ăn, mặc, ở thấp nhất của một người cũng 6 triệu đồng, chưa kể người phụ thuộc. Như vậy, mức chịu thuế khởi điểm nên ở mức 6-8 triệu đồng. Dân giàu nước mới mạnh, nếu lấy khởi điểm 4 triệu đồng áp dụng từ năm 2009 thì luật chưa ban hành đã lạc hậu".
Trong suốt 1 năm trước đó, dự án luật thuế này đã gây vô số tranh cãi. Đáng chú ý nhất là những quan ngại của một người nước ngoài chưa-từng-đi-chợ-ở-Việt Nam - ông Martin Ram, về việc chúng ta đã “đi quá nhanh” xung quanh việc đưa ra loại thuế, có bản chất như một thứ thuế thân - “đánh vào bất cứ khoản thu nhập nào”. “Ðây là loại thuế làm tăng nguồn thu nhưng tương đối thấp và khuyến khích việc thoái thác chính thức hoá”-Quyền Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam nói.
Đó đây có những phát biểu đại ý do đây là luật thuế liên quan đến quảng đại quần chúng nên sẽ quyết theo ý dân. Thậm chí, một vị phó Tổng cục trưởng còn nhắc đến chuyện trưng cầu dân ý. Nhưng kết quả cuối cùng thì ai cũng biết, ngày 20-11-2007, Quốc hội, gồm đa số những người không đi chợ- dù là đại biểu dân cử, đã thông qua luật thuế này với mức khởi điểm chịu thuế là 4 triệu đồng và giảm trừ gia cảnh 1,6 triệu đồng, thấp nhất trong số các phương án. Cũng ngày hôm đó, giá gạo tẻ thường có mức 5.600- 6000 đồng/kg.
Nỗi lo lạc hậu hóa ra không hề thừa bởi lạm phát ngay sau đó đã “cười khẩy” với con số tuyệt đối 4 triệu đồng. Không ai chết vì phải nộp thuế thu nhập cá nhân, khẳng định chắc chắn, nhưng khoảng 1,5% dân số đóng thuế khốn khó hơn nhiều, bởi từ thời điểm Luật được đưa ra QH lần đầu năm 2006 đến nay, lạm phát đã “đạt” mức cộng dồn 70%.
Câu chuyện ngoài chợ sau đó được nhắc tới thêm hai lần. Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên có lần tâm sự với báo chí: “Vợ tôi cũng hay than thở về chuyện mang 100 ngàn đồng ra chợ không biết mua cái gì. Tôi bảo trong 100 ngàn đồng ấy, bà và mọi người phải tính toán cho phù hợp. ..”. Còn Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, thì: “Đương nhiên đã lạm phát thì toàn dân phải chịu khó khăn, vì cầm cùng số tiền ấy ra chợ mà giá cao thì mua được ít hàng hơn, ăn uống phải chặt chẽ hơn, tất cả các thứ phải thắt chặt hơn. Trong từng gia đình cũng thế thôi, vợ tôi đi chợ về cũng kêu ghê lắm”.
Khổ thân những người nghèo. 100 ngàn đồng, bằng ¼ thu nhập của một hộ nghèo nông thôn, 1/5 thu nhập hộ nghèo thành phố mà “ra chợ không biết mua cái gì” thì không biết người nghèo ra chợ sẽ mua cái gì? Đến vợ các vị thượng thư với mức “lương 8 chấm” còn kêu ca thì dân chúng chắc không còn hơi sức mà khóc.
Khổ thân cho những bà nội trợ, ngoài chuyện đương nhiên phải nấu ăn ngon, phải biết làm toán, giờ còn phải biết thắt dây chuối nữa.
Đi chợ đại khái vừa là một “bổ đề cơ bản” cần phải chứng minh mà những bà nội trợ xứ ta đáng được tặng Fields.
Nhưng đến ngày 20-3 vừa qua, đã xuất hiện một “người đi chợ vĩ đại”: Bà thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai. Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ, bà Mai, người xuất thân từ dân ngành thuế, khẳng định việc nâng mức giảm trừ gia cảnh từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 2,4 triệu đồng/tháng- như dự thảo Bộ Tài chính dự kiến: “Đã được xem là khoan sức dân rồi”. (Một quan chức, vào đúng ngày 8-3, thậm chí còn “làm thơ” đối với sắc thuế trực thu này rằng: Hy vọng việc sửa đổi luật này góp phần làm nồi cơm của gia đình sẽ đầy hơn, chị em sẽ vui hơn”!!!).
Đã thế, vào hôm Bộ Tài chính họp báo công bố dự thảo, dù thừa nhận đã lạc hậu, dự luật sửa đổi này, dự kiến, lại chỉ được áp dụng từ 1-4-2014. Đã thế những con số 6 triệu và 2,4 triệu tuyệt đối này, dự kiến kéo dài 5 năm, ít nhất đến 2018.
Đang có một cách “đi chợ” rất khác nhau giữa người dân và các quan chức. Giá gạo tẻ thường trong ngày bà Mai nói chuyện “khoan sức dân” ở mức 12-13 ngàn đồng/kg, gấp 3 lần “giá gạo dự thảo”, gấp 2 lần “giá gạo thông qua”. 6 năm trước, vị đại biểu dân cử, cũng là một phụ nữ đi chợ, bà Dao Nhiễu Linh đã nói trước QH mức 6 triệu đồng mỗi tháng chỉ là tối thiểu đối với một người độc thân ở thành phố. Thế mà bây giờ, người nội trợ mang hàm thứ trưởng Vũ Thị Mai lại cho rằng con số đó còn là “khoan sức dân” trong thì tương lai 2 năm sau và đằng đẵng 5 năm tiếp sau đó.
Không ai biết 2 năm nữa giá gạo sẽ là bao nhiêu. Không ai biết sau đây 5-7 năm, trước sự hung hãn của lạm phát, giá trị của 6 triệu còn mua được bao nhiêu. Chỉ biết bây giờ không ai sống bằng cá khô và xe đạp như Bộ trưởng Tuyển nữa, vì thế, không thể áp “mức sống cá khô” để quy ra mức khởi điểm chịu thuế.
Sẽ rất ngoa ngoắt nếu nói năm 2018, mà gần hơn là 2014, với 6 triệu đồng, người dân còn không đủ đảm bảo “cuộc sống cá khô”, thậm chí không còn sức mà đạp xe. Nhưng lại càng không thể buộc người dân phải đóng thuế trong tình trạng “sống cá khô và xe đạp”, không được phép ốm đau, không thăm nom hiếu hỉ, không vui chơi giải trí. Bởi với 6 triệu đồng mỗi tháng cho lao động chính và 2,4 triệu cho “tàu há mồm” ngay thời điểm này cũng chỉ đảm bảo một cuộc sống cá khô tối thiểu, ăn lạm vào tương lai khi không một xu tích lũy và phải đóng thuế trước khi cầm dây chuối sách làn ra chợ.
Sống mà chỉ ăn ngủ thì ngay cả chữ tạm có lẽ cũng còn là xa xỉ.
Thứ Năm, 23 tháng 2, 2012
Ðào Tuấn - Chắc là vì đồng tiền quá nặng
Blog Ðào Tuấn -
Tháng 11-2008, ngay chỉ một buổi sáng đăng đàn trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên đã nhận tới 30 câu hỏi và 24 trong đó chất vấn ông trách nhiệm quản lý nhà nước về môi trường. Đó là lần đầu tiên, và cũng duy nhất người đứng đầu ngành môi trường trả lời chất vấn. Đến giờ, cử tri vẫn nhớ như in cách né trách nhiệm khi ông viện dẫn “yếu tố chủ quan”: Lực lượng quản lý mỏng. “Ở các nước trong khu vực, trung bình có 50-70 người quản lý nhà nước về môi trường trên 1 triệu dân thì ở ta hiện nay chỉ 7 người. Thanh tra môi trường của Bộ chỉ có 3-4 biên chế và 1-2 nhân viên hợp đồng". Cuối cùng Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, người sau đó từng thân chinh xuống Vedan “ngửi nước thải”- hứa sẽ tăng cường xử phạt, củng cố thanh tra lên 15-20 người…
7 người quả là con số ít ỏi so với một thực trạng, được chính Bộ trưởng Nguyên thừa nhận: 4000 cơ sở và 1.400 làng nghề gây ô nhiễm môi trường. Ít nhưng không có nghĩa lực lượng này chỉ “rình rập” tặng giải thưởng về môi trường, thay vì kiểm tra, xử lý. Thực tế cho thấy, sau khi Bộ trưởng Nguyên đăng đàn, Cảnh sát môi trường vẫn liên tục phát hiện những vụ xả thải khác. Gần nhất là vụ Sonadezi bị bắt quả tang xả thải ra môi trường, với cách thức giống y như Vedan, như Tung Kuang, như dệt Thái Tuấn, tức là cũng lắp đặt ống ngầm dưới lòng đất để đối phó với cơ quan chức năng, và trong tình trạng sự kiểm tra giám sát của ngành môi trường, trước đó, gần như bằng 0.
Có thể con số 7 là quá thiếu so với việc phát hiện, nhưng không thể là lời biện giải có thể chấp nhận cho việc chậm chễ trong việc xử lý những doanh nghiệp rành rành bị bắt quả tang.
Cần phải nhắc lại, Sonadezi Long Thành bị bắt quả tang vào ngày 3-8-2011 với lượng thải bẩn được xả thẳng ra môi trường trong chỉ một đêm 3-8 đã lên tới 9.000 m3. Và sau đó, Hội nông dân đã nhận cả thảy 220 đơn kiện của người dân yêu cầu Sonadezi bồi thường thiệt hại, với tổng số tiền lên tới gần 14 tỉ đồng. Nhưng suốt 7 tháng qua, việc xử lý, bồi thường, với những vi phạm và những thiệt hại khá rõ ràng gần như dậm chân tại chỗ.
Vấn đề của các vụ như Vedan, Tung Kuang, hay giờ là Sonadezi không phải là ở chỗ bao giờ thì họ bồi thường, bồi thường bao nhiêu, cũng không phải ở việc xử phạt, hay truy cứu trách nhiệm hình sự những hành vi xả thải, vì dù có bồi thường bao nhiêu cũng không đủ cho những thiệt hại mà người nông dân phải gánh chịu, bởi dù có xử lý thế nào, cũng không vãn hồi những tác hại của một môi trường ô nhiễm lên sức khỏe người dân. Vấn đề là ở chỗ ngành Tài nguyên môi trường hình như đã quên mất trách nhiệm không để vi phạm xảy ra.
Sau vụ Vedan, cũng xảy ra ở Đồng Nai, đã có một giai thoại trên mạng rằng: Không phải tìm đâu xa, Cảnh sát môi trường chỉ cần tìm tội phạm ngay trong số những “kẻ” được ngành Tài Môi tặng giải thưởng về môi trường. Bởi càng những kẻ gây nguy hiểm cho môi trường lại càng phải tăng cường ngụy trang bằng giải thường.
Vụ Sonadezi, ngoài việc DN có một Chủ tịch HĐQT là chính trị gia- đương nhiệm đại biểu QH, từng đưa ra chương trình hành động là những cam kết bảo vệ môi trường, cũng có một chi tiết hoàn toàn không phải tình cờ: Sonadezi đã từng đạt những giải thưởng về…môi trường.
Việc xử lý những “kẻ” vừa được tặng giải thưởng về môi trường, được giao cho chính những người xét tặng, vì thế đúng là những cái khó kiểu “há miệng mắc quai”. Có ai dám noi đồng tiền, tuy mỏng, nhưng không có sức nặng!?
Thứ Hai, 13 tháng 2, 2012
Blog Đào Tuấn
Blog Đào Tuấn
Trong cuốn “Lịch sử khẩn hoang Miền Nam”, nhà văn Sơn Nam đã điểm lại hai vụ án nổi tiếng: Vụ Ninh Thạch Lợi, xảy ra ở Rạch Giá năm 1927 và vụ đồng Nọc Nạn, xảy ra ở Bạc Liêu năm 1928 để đưa ra một nhận xét chung: Nạn nhân là những người chí thú làm ăn… và chỉ muốn bảo vệ phần đất ruộng mà họ đã khai thác từ lâu. Trước khi bạo động xảy ra, họ cũng đã tìm đủ mọi cách để kêu nài trong mức cố gắng tối đa của họ.
Những vụ án Ninh Thạch Lợi và Nọc Nạn đẫm máu bấy giờ, chứng tỏ những bất cập mà chính sách về ruộng đất, một chính sách mang tính chất cướp đoạt, cùng sự hà hiếp của bộ máy chính quyền địa phương buộc người nông dân phải đứng dậy trong thế cùng quẫn và “tuyệt nhiên không có những người làm chánh trị xúi dục”. Sự thống nhất tuyệt đối về mặt dư luận bấy giờ, là còn bởi: “Luật lệ mà thực dân bấy lâu đưa ra về vấn đề khẩn đất chỉ là những cạm bẫy để cho kẻ lương thiện sụp xuống dễ dàng”.
Trong vụ án Cống Rộc xảy ra sau đó gần một thế kỷ, người nông dân Đoàn Văn Vươn cũng như những chủ Chọt, Biện Toại, Mười Lương… cũng chỉ muốn bảo vệ phần đất mà họ đã đổ mồ hôi và máu mới có được. Cũng kêu oan với báo chí, cũng kiện ra tòa, tức là cũng đã tìm đủ mọi cách, một cách hòa bình và được pháp luật cho phép để giữ đất, trước khi sử dụng mìn tự chế và sung hoa cải. Một cách phản kháng giống hệt với sự tự sát. Chỉ thiếu một cuộc bốc thăm như anh em Biện Toại đã làm cách đây một thế kỷ, để đi tới tận cùng của sự tuyệt vọng.
Nhưng dẫu sao, “tiếng súng Hoa Cải” cũng là cơ hội để chúng ta nhìn nhận một vấn đề bức xúc từ chính sách đất đai, liên quan đến hàng triệu nông dân.
Hôm qua, 1,2 triệu hộ nông dân và dư luận cả nước đặc biệt quan tâm và chờ đợi ý kiến kết luận cuối cùng của người đứng đầu Chính phủ, đặc biệt đối với số phận khu đầm 40ha của nông dân Đoàn Văn Vươn. Không quan tâm sao được khi bất cứ ai trong họ cũng nhãn tiền phải đối diện với việc bị thu hồi, bị cưỡng chế, bị tước đoạt mảnh đất khi “5 quyền đối với ruộng đất” của họ còn hay mất phụ thuộc nhiều khi vào chỉ một cái nhíu mày của một ông Chủ tịch huyện. Không lo lắng sao được khi 1,2 triệu hộ, dù có sổ đỏ, đang bước đến, đang leo lên giờ G: năm 2013, khi thời hạn giao đất đã hết, trong khi chính quyền Hải Phòng đến giờ vẫn khẳng định việc thu hồi- khi hết thời hạn- là không sai.
Trước cuộc làm việc của Thủ tướng, lần đầu tiên đã có sự xuất hiện ý kiến của một số quan chức trấn an dư luận với những khẳng định: Nông dân không phải lo lắng về thời hạn năm 2013. Trên một tờ báo của ngành Công an, ông Nguyễn Khải, nguyên Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ TN-MT) khẳng định: “Ai đó nói rằng tới năm 2013, Nhà nước sẽ thu hồi lại đất là hoàn toàn sai”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Mai Xuân Hùng cũng cho rằng: “Bản chất là giao lại chứ không phải thu hồi”.
Tuy nhiên, sự lo lắng của người dân là có thật khi cũng chính vị quan chức của Quốc hội cũng nói đến việc “Chia lại”: “Hình thức chia lại như thế nào thì đang nghiên cứu. Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Quốc hội sẽ cho ý kiến, sau đó mới ra Nghị quyết để thực hiện”. Hơn nữa, việc tiếp tục được sử dụng mảnh đất 20 năm mồ hôi xương máu hay không, phụ thuộc vào Chính quyền, khi những kẽ hở của Luật đất đai (sửa đổi) 2003 đang vô tình giao cho chính quyền một thứ quyền hạn quá lớn: Quyền định đoạt đối với mảnh đất mà người nông dân đang sử dụng. Thực tế Tiên Lãng cũng đã cho thấy trong vụ án Cống Rộc, chính quyền đã hành xử với mảnh đất của nông dân theo một cách thức không thể tồi tệ hơn: Cưỡng chế thu hồi mà hoàn toàn không có phương án đền bù, không đối thoại với dân, và thu hồi cũng không biết để làm gì khi thậm chí phương án sử dụng sau đó cũng không có.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, hôm qua, đã thông báo ý kiến có tính chất kết luận cuối cùng của người đứng đầu Chính phủ. Theo đó, Quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng đối với ông Đoàn Văn Vươn là trái luật. Điều 38- Luật đất đai (sửa đổi) 2003 quy định 5 trường hợp thu hồi đất, nhưng gia đình ông Vươn không nằm trong 5 trường hợp trên. Và quyết định thu hồi đã sai thì quyết định cưỡng chế thu hồi cũng đương nhiên sai.
Kết luận của Thủ tướng, dù không làm thay đổi tình trạng pháp lý của người nông dân lấn biển, tuy nhiên, công lý phần nào đã được trả lại cho ông. Công luận, qua kết luận cuối cùng này, dường như càng thông cảm hơn với nỗi tuyệt vọng và sự khốn quẫn của người nông dân khi bị chính quyền tước đoạt một cách trái luật và trắng trợn mảnh đất của mình.
Số phận của người nông dân Đoàn Văn Vươn có lẽ đã rẽ theo một hướng hoàn toàn bi thảm sau khi quả bom tự tạo đầu tiên phát nổ, sau khi viên đạn hoa cải đầu tiên được bắn ra khỏi nòng. Nhưng người đẩy ông vào tình thế tuyệt vọng, không ai khác, chính là quan chức trong bộ máy chính quyền Tiên Lãng.
Nhưng vụ án Cống Rộc hoàn toàn chưa khép lại. Nó mới chỉ vạch ra vấn đề đang nhức nhối nhất ở nông thôn: Đó là tình trạng một nông thôn mà dân chủ cơ sở tồn tại rất mờ nhạt. Đó là một nông thôn nơi chính quyền gần như đối lập với dân. Và nguyên nhân của mọi nguyên nhân là những bất cập trong chính sách đất đai. Không thể không nhắc lại là Luật đất đai đã phải sửa tới 4 lần, có tới 200 văn bản hướng dẫn thi hành. Nhưng đó là một bộ luật có quá nhiều kẽ hở để chính quyền địa phương có thể “tự giải thích luật” theo ý muốn chủ quan của mình.
Hàng triệu triệu nông dân, những người đứng trước nguy cơ mất trắng đất đai như ông Đoàn Văn Vươn, khi thời hạn 2013 đang đến rất nhanh, giờ có lẽ đã có thể tạm yên tâm để tiếp tục đổ mồ hôi trên mảnh đất của mình. Kết luận cuối cùng của người đứng đầu Chính phủ, có lẽ, ngay lập tức sẽ tạo hiệu ứng như một “tiền lệ pháp”- một tiền lệ trong lĩnh vực hành chính, để người nông dân dùng để bảo vệ quyền hợp pháp của họ trước sự hà hiếp của chính quyền.
Vụ án Cống Rộc cũng cấp thiết đặt ra việc sửa đổi luật Đất đai. Và để Luật đất đai không còn là “cạm bẫy” đối với nông dân, có lẽ, việc sửa đổi sẽ không thể chỉ dừng ở vấn đề thời hạn 20 năm, 50 năm hay 99 năm, mà phải đặt ra cái gốc: Chế độ sở hữu.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)