Hiển thị các bài đăng có nhãn Âm nhạc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Âm nhạc. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 23 tháng 5, 2023

Song Thao: Ly Rượu Mừng

Bìa bản nhạc Ly Rượu Mừng. 

Người ta thường nói: “Chán như bánh chưng ngày tết”. Không sai. Bánh chưng có ngon tới đâu đi nữa mà ngày tết ê hề, bánh chưng độc chiếm trên các mặt bàn ăn, chán là phải. Nhưng cũng có thứ mà ngày tết nghe đi nghe lại mà không bao giờ chán, đó là bài “Ly Rượu Mừng” của Phạm Đình Chương. Tết mà không có” Ly Rượu Mừng” chẳng ra tết. Năm này qua năm khác, đã bảy chục năm qua, năm nào cũng “Ly Rượu Mừng”, vậy mà  lòng vẫn cứ mở ra với bài nhạc xuân bất hủ, chẳng biết chán là chi. Ngày nước non còn thanh bình của thập niên 1950, đêm giao thừa, tiếng chuông chùa và chuông nhà thờ đổ hồi báo hiệu xuân đã về, tiếng pháo nổ đì đùng bốn phương tám hướng, trên các đài phát thanh, sau lời chúc tết của vị nguyên thủ quốc gia, thế nào cũng “Ly Rượu Mừng” do ban hợp ca Thăng Long trình bày. Vậy là rộn ràng tết đến.


Thứ Ba, 21 tháng 2, 2023

Trần Doãn Nho: Nghe lại ca khúc “Hẹn Hò”của Phạm Duy

C:\Users\DadPCHome\Pictures\hen-ho-3.jpg

Phạm Duy ra đi về cõi vĩnh hằng đã hơn 10 năm (27/1/2013 27/1/2023).


Tạp chí “Saigon Nhỏ” (Little Saigon, quận Cam, California) đã dành một ấn bản đặc biệt tưởng niệm 10 năm ngày mất của nhạc sĩ Phạm Duy có tựa đề “Bụi phù sa chờ ghé những bờ vai” với bài viết của nhiều tác giả: Khang Thụy, Duyên Anh, Phạm Xuân Đài, Phạm Văn Kỳ Thanh, Ngu Yên, Tuấn Khanh, Nguyễn Hoàng Linh…Trong dịp này, tôi được biết một số bạn hâm mộ nhạc Pham Duy ở Sài Gòn cũng tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày mất của ông, qua đó, đặc biệt tôi được nghe lại giọng ca truyền cảm của ca sĩ Lệ Hồng qua bản “Hẹn Hò”, là một trong những bản nhạc của Phạm Duy mà tôi rất thích. 

              

Tôi đã từng nhiều lần nghe Lệ Hồng hát ca khúc này trong một “video clip” với tiếng đàn của “guitarist Thiên An” mấy năm trước đây. “Hẹn Hò” cũng đã được nhiều ca sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước trình bày như Thái Thanh, Ý Lan, Ngọc Hạ, Quang Dũng, Tuấn Ngọc, Họa Mi, Hương Lan, Thanh Thúy, Đức Tuấn, Thiên Tôn, Duy Quang, Khánh Ly, Lệ Thu, Thái Hiền, Thanh Hà…Trong số này, tôi thích nhất là giọng ca mượt mà của hai ca sĩ Ngọc Hạ và Họa Mi.


Thứ Ba, 3 tháng 1, 2023

Ngu Yên: Cung Tiến - Nghệ thuật nhạc phổ thơ

Di sản nghệ thuật của nhạc sĩ Cung Tiến không nằm ở số lượng, mà đầy ở phẩm chất. Ngoài những ca khúc, tấu khúc, thuần tuý giá trị về âm nhạc, ông còn để lại những bài viết, tiểu luận dưới nhiều đề tài văn học, kinh tế, và truyện dịch. Chúng ta đã đọc, đã nghe khá nhiều về tài hoa và khả năng sáng tác của Cung Tiến từ tuổi 15 cho đến những năm tháng sau cùng.


Trong những quà tặng ông để lại, tôi đặc biệt yêu thích nghệ thuật phổ thơ thành nhạc của ông, chẳng những cho chúng ta thưởng thức giai điệu bán cổ điển tây phương, ngũ âm đông phương, mà còn mang thơ Thanh Tâm Tuyền, một trong vài thi sĩ hàng đầu trong thời đại của ông đến giới thưởng ngoạn nhạc nghệ thuật và lưu trữ vào kho tàng âm nhạc Việt. Thơ Thanh tâm Tuyền không dễ phổ thành nhạc.


Như vậy, nghĩa là có những loại thơ dễ phổ thành nhạc? Còn thơ Thanh Tâm Tuyền thì khó?


Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2022

Lê Hữu: Đêm rất thánh, đêm không cùng

Hát là cầu nguyện đến hai lần.

~ St. Augustine

Một anh bạn tôi, lấy cô vợ có đạo, nói với tôi là anh chỉ theo vợ đến nhà thờ hai lần trong một năm, vào ngày lễ Phục Sinh và lễ Giáng Sinh.  

“Vậy là anh lấy hết hai ngày lễ lớn nhất của người công giáo rồi còn gì,” tôi nói đùa. 

“Riêng lễ Giáng Sinh,” anh bạn nói, “không chỉ đi lễ nửa đêm, tôi còn hát theo được bài thánh ca nữa.”  

Tôi hỏi “Bài gì?”, anh nói “Đêm thánh vô cùng.” 


Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2022

Phạm Xuân Đài: Cái Chết Trong Ca Khúc Phạm Duy

Trong buổi lễ tưởng niệm Đỗ Ngọc Yến vào tối ngày 23 tháng Tám 2006 tại phòng sinh hoạt Lê Đình Điểu của báo Người Việt, Bích Liên với giọng cao vút trong phong cách opéra, đã hát những lời này:


1.

Hồn xuân vừa tàn hơi

Hay nắng ấm lung linh qua đời

Hay gió tuyết mưa sa bay ngang trời

Người yêu dù xa xôi 

Xin nhớ tới quê hương u hoài

Trong giá rét đêm đông đang trông vời


Một lần người đưa tiễn nhau

Như vẫn cầu lời hứa năm nào

Đằm thắm cho vui lòng nhau

Một lần người xa cách nhau

Trái tim sầu còn vẫn tươi mầu

Vì đó... không ai quên đâu...


2.

Người đi về mai sau

Nghe khóc lóc xe tang đưa sầu

Nghe bóng xế khăn sô bay ngang đầu

Người đi vào không gian

Nghe nhớ tiếc đau thương vô vàn

Nghe tiếng hát êm êm ru linh hồn


Người về dần trong cõi mồ

Như lúc nào vừa mới ra đời

Chào đón xuân tươi ngày mới

Cuộc đời từ trong chiếc nôi

Đã quay về cùng với gió bụi

Về chốn không tên, xa xôi...

(*)


Bài hát nói về cái chết, Phạm Duy dựa vào điệu nhạc Chanson de Solvejg viết lời lâu rồi, đã trên nửa thế kỷ, ít người biết, nhưng chạm sâu xa đến một vùng mà không mấy người có khả năng nói tới. Phạm Duy là một nhạc sĩ hiếm hoi nhiều lần nói về cái chết, và Khúc Ca Ly Biệt trên đây là bài hát hoàn toàn về sự biệt ly của chết chóc, một cách toàn diện, trong không gian, trong thời gian, trong thân phận kẻ lìa trần cũng như trong lòng người ở lại.

Phạm Duy là một nhạc sĩ sáng tác mãnh liệt về khắp các mặt của cuộc đời, nhưng lại luôn luôn nhắc đến cái chết, tuồng như ông thấy chết cũng là một hình thái biểu hiện sự sống. Ngay từ khi còn rất trẻ, trong khi say sưa viết lên cái khí thế bừng bừng đánh quân ngoại xâm giữa thời điểm 1945, ông cũng đã mường tượng đến sự chết rồi. Ông vừa viết xong bài Xuất Quân lẫm liệt Ngày bao hùng binh tiến lên thì đã nghĩ ngay đến hình ảnh ma quái của những Chiến Sĩ Vô Danh


Mờ trong bóng chiều 

Một đoàn quân thấp thoáng


Quân này là quân ma, họ đã ra đi chiến đấu và đã ra người thiên cổ, ông dùng ngay hình ảnh ấy để lay động lòng người đang đứng trước cuộc chiến giữ nước


Ra biên khu trong một chiều sương âm u

Âm thầm chen khói mù

Bao oan khiên đang về đây hú với gió

Là hồn người Nam nhớ thù.


Một thanh niên đang ở độ tuổi ngoài hai mươi, mang bầu máu nóng phụng sự cho đất nước mà đã sớm nhìn ra những hình ảnh của “cõi bên kia” như thế thì cũng là chuyện lạ. Bài Nợ Máu Xương lại càng lạ hơn nữa, vừa hiện thực vừa siêu thực, tả toàn cảnh chết chóc vì chém giết


Ai nghe không sa trường lên tiếng hú?

Tiếng lầm than, những tiếng người đời quên.

Đi lang thang tiếng cười vang tiếng hú

Xác không đầu nào kia?


Nghe phảng phất như Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du! Phải chăng linh cảm mẫn nhuệ của một nghệ sĩ lớn đã khiến Phạm Duy nhìn thấy trước cảnh chiến tranh tàn phá kinh hoàng trên đất đước Việt Nam suốt ba mươi năm sắp tới, dù thời điểm viết Nợ Xương Máu là vào năm 1946, trước khi toàn quốc kháng chiến với Pháp. Ông đã dùng những hình ảnh cổ điển của thi ca thời đó để vẽ nên sự chết chóc, nhưng bản chất của tấn thảm kịch chiến tranh thì thời nào cũng thế


Lá rụng tơi bời

Đoàn quân tiến qua làng.

Từng thanh kiếm đứt ngang, 

Từng lớp áo rách mướp,

Từng cánh tay rụng rời!

Qua làn mây trắng

Đoàn quân tiến về trời

Ầm rung tiếng sa trường...


Tiếng ầm rung chết chóc đó còn vang mãi trong lòng người không biết bao nhiêu thế hệ nữa khi họ có dịp ôn lại những trang sử xưa, không phải những trang chính sử ghi lại một cách vô cảm các biến cố, mà là những trang sử như của Phạm Duy viết khi “đoàn quân tiến qua làng” với những chiếc áo rách mướp, những thanh kiếm gãy ngang, những cánh tay không còn nguyên vẹn... và nói rõ họ đang “tiến về trời.” Lịch sử một dân tộc không thể không ghi những trang như thế, cũng như mấy năm về sau khi sáng tác ông đã đóng vai một ký giả chiến tranh tả thực cái cảnh dã man rùng rợn “quân thù đã bắt được con đem ra giữa chợ cắt đầu” từ một thảm cảnh của làng Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Hoặc một cách gián tiếp, chỉ dùng một số hình ảnh ước lệ, nhưng hiệu quả gợi cảm thương về sự chết chóc vẫn lớn:


Người đi không về

Chắc rằng có người nhớ

Hương khói chiêu hồn

Hiu hắt những chiều trận vong.

(Đường Ra Biên Ải)


Một số năm về sau ông rời khỏi các ám ảnh chiến tranh, đề tài sáng tác càng phong phú, nhưng cái chết vẫn không rời ông. Ông đã viết về việc sáng tác của ông vào khoảng đầu thập niên 1960: “Đối với tôi chỉ có ba điều quan trọng: Tình Yêu, Sự Đau Khổ và Cái Chết.” Nhưng cái chết vào thời điểm này đã được trừu tượng hóa thành một loại tư tưởng, không còn cụ thể có khi đầy ghê rợn như trong thời kháng chiến Pháp. Như về bài Đường Chiều Lá Rụng, tác giả đã tâm sự như thế này: “Lúc này tôi đang yêu đời lắm, nhưng tôi vẫn nói tới cái chết, chẳng hạn, qua những kiếp lá trong đường chiều. Lá đang như những chiếc thuyền rung rinh trong ngọn gió, bỗng nghe đất gọi về, lá rơi xuống đất để trở thành những ngôi mộ úa trên con đường chiều, nơi đó có tôi và người yêu đang đi trong cuộc tình.”


Lá vàng bay! Lá vàng bay!

Như dĩ vãng gầy, tóc buông dài, bước ra khỏi tình phai

Lá vàng rơi! Lá vàng rơi!

Như chút hơi người giã ơn đời trên nẻo đường hấp hối!


Khi một người lên tiếng Tạ Ơn Đời thì tâm hồn hẳn đầy sung sướng vì những gì đời đã cho mình. Quả thế, tác giả ca ngợi “bao nhiêu là thương mến, bao nhiêu là quyến luyến,” rồi “tay hái biết bao niềm yêu,” và “đời vẫn cho ta ngọt bùi”... nhưng cuối cùng vẫn không quên cái chết đang chờ ở cuối đường


Mang ơn đời nâng đỡ

Dâng nấm mồ thô sơ

Với dâng hương hồn thương nhớ

Còn vấn vương trong chiều tà.


Bài Một Bàn Tay là một bài hát triết lý, qua hình ảnh bàn tay mà thấy ra toàn diện cuộc đời, từ bàn tay bà mụ “đưa anh ra khỏi lòng người” đến bàn tay làm lụng, bàn tay  yêu đương..., nhưng cuối cùng, cũng sẽ bàn tay ấy làm động tác giúp kết thúc một đời người


Một mai đưa anh thăm thẳm lìa đời

Mùa đông khăn tang mây bỏ đường dài

Bàn tay thương nhớ, ôi gặp anh băng giá

Lạ lùng, tay khép làn mi.


Suốt cuộc đời sáng tác của mình, kể cả khi còn rất trẻ, Phạm Duy không bao giờ quên cái chết, và ông diễn tả nó một cách tài tình, khiến ta khi hát lên cảm thấy như vừa chạm vào cái cõi bi thương đáng sợ ấy. Thật ra ông không đi sâu vào chính cái chết như Tolstoi tả phút hấp hối của André trong Chiến Tranh và Hòa Bình, ông chỉ nói về tình huống bề ngoài, nhưng cách nói nghệ thuật của ông khơi dậy gần như đầy đủ “kinh nghiệm chết” hình như vẫn luôn luôn có sẵn trong mỗi chúng ta. Đó có thể là kinh nghiệm tử biệt sinh ly về cái chết của bao người khác ta hằng chứng kiến, nhưng cũng rất có thể là của chính ta, lưu trữ bằng một cách nào đó sâu trong tâm thức sau hàng vô số kiếp luẩn quẩn trong vòng tử sinh. Đôi khi ta vẫn có cảm tưởng “nhớ” lại một cái gì đó không hề được kinh nghiệm trong đời này.

Tương truyền bản nhạc Sombre Dimanche (Chủ nhật buồn) là một bản nhạc gây chết chóc, vì không hiểu sao nhiều người nghe nó đã tự tử. Quả là thỉnh thoảng vẫn có những tác phẩm mang cái ma lực kỳ dị như vậy. Bản nhạc ấy vào tay Phạm Duy đã mang lời Việt Nam như sau:


Chủ nhật nào tôi im hơi

Vì đợi chờ không nguôi ngoai

Bước chân người nhớ thương tôi

Đến với tôi thì muộn rồi

Trước quan tài khói hương mờ bốc lên như vạn ngàn lời

Dẫu qua đời mắt tôi cười vẫn đăm đăm nhìn về người

Hồn lìa rồi nhưng em ơi tình còn nồng đôi con ngươi

Nhắc cho ai biết cuối đời có một người yêu không thôi

Ơi hỡi... ơi... người!...

(Chủ Nhật Buồn)


Đó là luyến tiếc, vướng víu, là không siêu thoát, phải không?

Khi chúng ta còn nhỏ, sự chết đối với chúng ta là chuyện... của người lớn. Khi vào đời ở tuổi thanh niên thì đó là chuyện của... người già. Chính mình thì chối hết. Nhưng khi bắt đầu vào tuổi già thì như một khả năng tự nhiên, càng ngày ta càng cảm nhận được trong thân tâm mình cái “khả năng chết” một rõ hơn, mãi đến một lúc, hết chối nữa, đành nhận nó là của mình. Nó dần dà, tự nhiên biến thành một phần của sự sống. Phạm Duy là một người hiếm hoi “biết” cái chết, “sống” với cái chết ngay từ tuổi thanh niên. Tại sao? Để làm gì? Trong nhân loại, thỉnh thoảng nẩy ra một người có khả năng trình bày hộ cho mọi người khác ý nghĩa toàn bộ cuộc nhân sinh mà thông thường người phàm mắt thịt chỉ thấy rất ngắn, toàn là chuyện eo sèo trước mắt. Chứ sao, phải nói về cái chết chứ, làm sao có sự sống nếu không có sự chết? Cái chết chờ bên đầu kia cuộc đời mỗi người, nào có xa xôi gì, trong chớp mắt của thời gian đã tới nơi, để bắt đầu một chuyển hóa mới, một cuộc du hành mới


Người là ai? Từ đâu tới?

và người ơi, người sẽ bước chân về nơi nao?

Người vì sao mà chớm nở?

rồi sớm tối cánh hoa tươi tơi bời theo với những lá úa?

Người là chi? là cơn gió? là giọt mưa?

là cát trắng hay bụi xanh lơ? 

Người từ xưa, thuyền theo lái về bến cũ?

Người lên xe đi từ hư vô qua hư vô?

(Xuân Hành)


Một loạt câu hỏi từ muôn đời của loài người nhưng không bao giờ cũ, vì ngày nào con người không còn biết đặt ra những câu hỏi như thế về thân phận mình thì cũng có nghĩa là đã dừng lại trên con đường hoàn thiện chính mình.


*


Chết là cái mà không ai có kinh nghiệm, nhưng không phải vì thế mà người ta hoàn toàn không thể viết gì về cái chết. Đang sống mà “chuyển sang từ trần” là một sự bí nhiệm, từ ngàn xưa con người vẫn suy nghiệm, vẫn cảm xúc đau đớn và vẫn... thờ phượng cái chết. Đặc biệt các tôn giáo và các tín ngưỡng lo săn sóc đến cái chết một cách kỹ lưỡng nhất, vì biết rõ đó không phải là một cái gì  có thể đối xử một cách bình thường theo cung cách cuộc sống trần thế. Trước sự chết, con người bàng hoàng và sợ hãi, phải tìm mọi cách trấn an nỗi sợ. Đông hay Tây đều đặt ra sự tự kỷ cho mình về một cõi sau khi chết: sinh ký tử quy, sống gửi thác về, về với ông bà, về ngôi nhà Cha, về miền Cực lạc... cố dẫn dụ mình rằng cuộc sống trần thế này tuy ai cũng tưởng là quan trọng cần hết sức bám víu lấy, nhưng thực chất chỉ là cái rất phụ, chỉ là một sân khấu tạm bợ để múa may trong một thời gian thoáng qua, rồi sau đó thì “về” với cái đích thực. Lời hứa hẹn và giải thích thì rất nhiều, người ta nghe theo lời này hay lời kia, hoặc chẳng nghe lời nào cả, là tùy khuynh hướng và căn cơ của mỗi người, nhưng nhìn chung mọi tín ngưỡng đều nhằm khuyên làm tốt khi sống để được an ổn khi chết, làm như cả cuộc đời chỉ là một chuỗi dài chuẩn bị cho cái giây phút không còn cuộc đời nữa. Thế mới biết cái chết nó ám ảnh con người đến thế nào. Ám ảnh đến gần như biến thành một mục tiêu của sự sống.

Riêng Phạm Duy chấp nhận hết trong sáng tác của mình: Tình Yêu, Khổ Đau và Cái Chết. Đó là thái độ của một nghệ sĩ lớn, sống tận cùng từng phút giây của cuộc nhân sinh. Và, nghe như có vẻ mâu thuẫn, cũng “sống” tận cùng với phút giây không còn sự sống nữa, là lúc Cõi Chết bắt đầu.


(2006)


(*) Viết thêm :


Trước khi Phạm Duy mất một thời gian không dài lắm, anh có gửi một email cho tôi cho hay anh sửa một ít lời trong bài Khúc Ca Ly Biệt (lời Việt cho Chanson de Solvejg của Grieg). Bài viết về cái chết tuyệt hay, tôi mê từ hồi còn trẻ. Ở phân đoạn 2 có câu

 

Người đi về mai sau

Nghe khóc lóc xe tang đưa sầu

Nghe bóng xế khăn sô bay ngang đầu...

 

Phạm Duy bảo thay hai chữ khóc lóc thành lóc cóc

 

Nghe lóc cóc xe tang đưa sầu 

 

tôi điếng cả người.

 

Cách đó mấy dòng có câu

 

 Người về dần trong cõi mồ

Như lúc nào vừa mới ra đời

Chào đón xuân tươi ngày mới

 

Anh dặn sửa chữ mồ thành chữ 

 

Người về dần trong cõi

 

Đến đây thì tôi hiểu tâm trạng của ông già ngoài chín mươi, ông nhìn cái chết thản nhiên rồi, không khóc lóc nữa mà chỉ có tiếng lóc cóc của chiếc xe ngựa đưa tang, có thể nghe cũng vui tai ! Và cõi mồ thành cõi mơ, diễn tả một tâm thức nhẹ nhõm thảnh thơi lắm rồi...

Rõ ràng đó là lời nhắn gửi cuối cùng của Phạm Duy cho tôi : Tôi đã nhìn ra cõi đó rồi, chẳng sao cả, thích lắm...


(Ghi thêm vào ngày 3 tháng Năm, 2022)


Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2022

Trần Hữu Thục: Tính hiện thực trong lời ca của Phạm Duy

So với nhiều nhạc sĩ Việt Nam, hai nhạc sĩ Phạm Duy (PD) và Trịnh Công Sơn (TCS) [1] có một chỗ đứng tương đối riêng biệt. Chỗ đứng này không hẳn xuất phát từ tài năng về âm nhạc, mà từ một chỗ khác: lời ca. Lời ca của hầu hết các nhạc sĩ đều đòi hỏi một sự cộng hưởng với nhạc. Có thể gọi chúng là những "lời nhạc", lời chỉ để hát. Phần lớn các lời ca - kể cả lời ca mượt mà, đậm chất thơ của Ðoàn Chuẩn/Từ Linh - đều khó có thể đứng vững nếu thiếu sự nâng đỡ của tiết tấu bản nhạc. Ngược lại, lời ca của PD và TCS có thể tách riêng khỏi nhạc, tự tồn tại một mình. Ngoài giá trị về "lời nhạc" (lời để hát), chúng có thể được nghiên cứu như những văn bản về mặt văn học. Nghĩa là, người ta vẫn có thể nghiên cứu chúng một cách riêng biệt mà không cần lưu tâm đến nhạc. Do vậy mà hầu hết những số báo đặc biệt hoặc những bài viết về PD hay TCS, ngoài một số đánh giá thuần túy về phương diện âm nhạc, đều được viết dưới dạng phê bình hay nhận định văn học.

Rõ ràng là khi sáng tác, PD cũng như TCS quan tâm đến tính diễn tả của lời y như nhạc. Lời không chỉ hiện diện như cái cớ, như phương tiện. Ðọc hầu hết các lời ca của PD, ta thấy rất rõ điều này, từ ca khúc quê hương cho đến tình ca, đạo ca, tâm ca, tục ca, vân vân. Tất nhiên, tiết tấu phong phú trong nhiều bản nhạc của ông đã phát triển ý nghĩa của lời lên đến mức cao nhất, điều mà tự ngôn ngữ để đọc không đủ sức làm. Nhưng cũng phải thừa nhận trong nhiều bản nhạc, chính lời ca của ông đã nâng bài hát lên, khiến cho bản nhạc có một giá trị cao hơn hẳn chính nó. "Tình ca" chẳng hạn. "Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui, khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi!". Từ lâu trước đó, có lẽ cũng chẳng mấy ai tìm thấy trong "tiếng mẹ ru từ lúc nằm nôi" lại có thể gắn liền với tình yêu nước nồng nàn trong mỗi một người như thế. Cũng như Phạm Quỳnh vào đầu thế kỷ thứ 20, "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta cònnước ta còn”, PD cho ta một định nghĩa mới về sự tồn tại của một đất nước: nó bắt đầu từ một chỗ đơn giản nhất mà cũng bền vững nhất: ngôn ngữ mẹ đẻ. Có lẽ chỉ khi nói đến ngôn ngữ, ta mới có thể nói đến khái niệm "bốn ngàn năm" mà từ lâu đôi khi nói bằng quán tính, nó đã trở thành sáo ngữ (chẳng hạn "bốn ngàn năm văn hiến", "lịch sử bốn ngàn năm"...). Hơn ai hết, khi định cư ở một xứ sở xa lạ như bây giờ, ta mới thấm thía rằng, khó mà truyền đạt tấm lòng đối với đất nước cho một đứa bé nếu cháu chẳng nói được một câu tiếng Việt nào. Nói thông thạo tiếng Mỹ và bập bẹ tiếng Việt thì không thể nào mà hiểu hết nổi cái "ròng rã buồn vui" của “mệnh nước nổi trôi"! Ý nghĩa và cách dùng chữ độc đáo của ông đã tạo một hình ảnh hoàn toàn mới mẻ về quê hương và lịch sử dân tộc. 


Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2022

Lê Văn Khoa: Duyên Tiền Định – Lê Văn Khoa và Ukraine (Phần II)

 “With regards to the Composer Lê Văn Khoa, with great respect and gratitude for the development of cultural contacts between countries and peoples.”

Professor Violetta Dutchak

Vasyl Stefanyk Precarpathian National University



Câu bên trên là lời viết của Giáo sư Tiến sĩ Violetta Dutchak trong quyển sách “Lịch sử và sự phát triển của âm nhạc Ukraine trong thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21” do Đại học đường Vasyl Stefanyk Precarpathian University ấn hành, đã được gửi tặng tôi. Tác giả dành trọn chương sáu của sách để viết bài nhận xét về hai tác phẩm tôi dùng dân ca Việt viết lại cho đàn dân tộc Ukraine là Bandura độc tấu với dàn nhạc giao hưởng Tây phương. Bằng cách đó tên một người Việt Nam được ghi vào lịch sử âm nhạc Ukraine. Hiện có hai quyển sách bằng tiếng Ukraine có đề cập đến Lê Văn Khoa.


Giáo Sư Dmytro Stepovyk, người có ba bằng Tiến Sĩ: Văn Chương, Nghệ Thuật và Tôn Giáo. Ông là tác giả sách nghệ thuật Mosaic. Hiện là giáo sư nhiều trường đại học ở Kyiv, Ukraine và New York, Hoa Kỳ.


Trong một cuộc phỏng vấn thu hình năm 2017, ông đã hé lộ bí ẩn nằm bên sau cái duyên tiền định của Lê Văn Khoa với nhạc sĩ Ukraine và rộng hơn, những điểm tương đồng của Việt Nam Cộng Hà và Ukraine. Mời quí vị xem tiếp và nhận định.


Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2022

Phạm Phú Minh: Symphony “Vietnam 1975” Của Nhạc Sĩ Lê Văn Khoa Đã Thành Tựu

(Đã được phát biểu tại hai buổi ra mắt đĩa nhạc tại Quận Cam ngày 22 và 23 tháng Tư 2005)


Thưa quý vị,


Tôi đọc trên tờ flyer giới thiệu đĩa nhạc Symphony Việt Nam 1975 dòng chữ này: “Niềm hãnh diện của người Việt sau 30 năm ly hương: Symphony Vietnam 1975 đã thành tựu.”


Tôi nghĩ đó là một câu nói rất đúng để chỉ về một biến cố trong tháng Tư năm 2005 này. Biến cố này không phải là một cuộc xuống đường rầm rộ, một buổi meeting đông người, hay một hình thức nào như cộng đồng của chúng ta vẫn thường làm liên quan đến việc tưởng niệm ngày mất miền Nam vào tay cộng sản 30 tháng Tư 1975. Đã nhiều năm qua chúng ta tưởng niệm trong sự ân hận, đau buồn, nhưng năm nay, như câu của tờ flyer mà tôi vừa trích dẫn, chúng ta cảm thấy một sự hãnh diện. Một niềm hãnh diện rất chính đáng, cho tất cả mọi người, vì những nỗi niềm sâu kín của tập thể tị nạn chúng ta đã được một người nói hộ một cách trọn vẹn, bằng một phương tiện nghệ thuật rất cao, là nhạc cổ điển Tây phương. Đó là Giao hưởng khúc 1975 của nhạc sĩ Lê Văn Khoa.


Từ biến cố 1975 đến nay là 30 năm. Trước đó 30 năm là chiến tranh. Từ 1945 đến nay là 60 năm, trong đó Việt Nam trải qua 30 năm chiến tranh, 30 năm hòa bình. Chúng ta đang đứng trước những con số rất tròn trịa. Từ thời điểm này, chúng ta có thể đưa mắt nhìn về quá khứ để xem với những biến cố lớn lao như vậy, đất nước Việt Nam đã có sản sinh ra những tác phẩm nghệ thuật nào, về văn, về thơ, về nhạc, về họa tương xứng với tầm vóc của các biến chuyển lịch sử mà chúng ta đã sống hay không. Xứng đáng với tầm vóc của lịch sử, kiểu như cuốn trường thiên tiểu thuyết Chiến Tranh và Hòa Bình của Leon Tolstoi vẽ nên một bức bích họa vĩ đại của đất nước và dân tộc Nga thời kỳ đầu thế kỷ 19 trước sự xâm lăng của Napoleon, hay là bản Giao hưởng Ouverture 1812 của Tchaikowsky mô tả cụ thể về biến cố này, hoặc cuốn tiểu thuyết Cuốn Theo Chiều Gió của Margarete Mitchell nói về cuộc chiến tranh Nam Bắc của nước Mỹ vào giữa thế kỷ 19 cùng tác phẩm điện ảnh quay theo tiểu thuyết này. Hoặc xa hơn về quá khứ của nước Trung Hoa, thời Tam Quốc sở dĩ còn lưu lại trong trí nhớ của biết bao thế hệ chính là nhờ bộ tiểu thuyết lịch sử Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung, hoặc chuyến du hành thỉnh kinh có một không hai sang Ấn Độ của nhà sư Trần Huyền Trang đời nhà Đường mãi mãi còn sống động đến bao đời sau chính là nhờ bộ trường thiên tiểu thuyết Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân. 



Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2021

Phạm Xuân Đài: Vui Ca Xang

Tác giả xin cám ơn Giáo sư Trần Huy Bích đã giúp nhiều tài liệu cần thiết cho bài viết này.

Hình minh họa Chinh Phụ Ngâm do tác giả, 
nhà văn Trùng Dương cung cấp.

Gần đây tôi có dịp xem video của Thúy Nga Paris trình diễn ba bài Hòn Vọng Phu 1, 2 và 3 của Lê Thương. Sự dàn dựng cảnh trí, các màn phụ diễn đều công phu, tạo nên một không khí chinh chiến ngày xưa, và nhất là giọng hát của các ca sĩ đều hay, diễn tả thành công chủ đề mà mình trình diễn.

Tiếc thay trong bài Hòn Vọng Phu 1, lời hát có sai một chữ, nhưng chữ đó lại rất quan trọng, làm biến đổi cả không khí của bài hát mà nhạc sĩ Lê Thương đã cố công dựng nên khi sáng tác Hòn Vọng Phu. Đó là câu nguyên văn của tác giả :

Vui ca xang rồi đi tiến binh ngoài ngàn

đã được ca sĩ Thế Sơn hát là :

Vui ca xong rồi đi tiến binh ngoài ngàn

Thật là một sai lầm đáng tiếc.

Chúng ta đều biết Lê Thương thuộc vào hàng nhạc sĩ kỳ cựu của nền tân nhạc Việt Nam, đã bắt đầu sáng tác từ những năm cuối của thập niên 1930 những ca khúc như Bản Đàn Xuân, Thu Trên Đảo Kinh Châu…, và từ đó tiếp tục sáng tác và để lại cho đời một di sản âm nhạc to lớn sau khi ông từ trần năm 1996 tại Sài Gòn, thọ 82 tuổi.

Riêng liên khúc Hòn Vọng Phu 1, 2 và 3 sáng tác trong thập niên 1940 là một tác phẩm rất quan trọng của ông, chất chứa mênh mang âm hưởng và tình cảm dân tộc, được xem như một trường ca đầu tiên của Việt Nam. Có thể nói không ngoa rằng nhạc điệu lẫn lời ca của liên khúc Hòn Vọng Phu đã thấm nhuần trong tình cảm người Việt Nam một cách rộng rãi và sâu xa nhất, có lẽ trong lịch sử của nền tân nhạc chưa dài lắm của đất nước chúng ta chưa có tác phẩm nào đạt được vị trí ấy.

Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2021

Trangđài Glassey-Trầnguyễn: lấy Nhạc trị Dịch

Special thanks to Mr. Laszlo Mezo, Award-winning Cellist
(https://www.facebook.com/laszlomezo.cellist/)

Mùa đại dịch. Làm gì cho đầu óc thư giãn, bớt căng thẳng, tìm được niềm vui?

Ai cũng có những cách riêng, nhưng có một cách chung là… nghe nhạc! Nhạc là ngôn ngữ quốc tế, là linh dược vô hình. Ai cũng biết, âm nhạc làm cho người ta yêu đời, hạnh phúc, khỏe mạnh, và thông minh hơn. Nhiều phụ nữ ngay từ khi cấn thai đã mở nhạc Mozart cho con nghe. Trẻ em học nhạc trong nhiều năm sẽ có chỉ số thông minh cao. Đại học Harvard đã có nhiều cuộc nghiên cứu (https://www.health.harvard.edu/newsletter_article/music-and-health) cho thấy những lợi ích thiết thực của âm nhạc đối với sức khỏe. Những dòng nhạc nhẹ nhàng và truyền cảm hứng mang đến nhiều lợi ích tuyệt vời cho đời sống. Một giai điệu quen thuộc có thể gợi lại những kỷ niệm đẹp và làm cho người nghe cảm thấy dễ chịu, hạnh phúc. Nghe nhạc thu âm đã tốt, nhưng nghe nhạc được trình diễn tại chỗ lại càng tốt hơn, nhất là khi người xem được trực tiếp tham gia vào phần trình diễn. Lấy Nhạc trị Dịch ư? Đêm nhạc “Beethoven's Eroica" do dàn nhạc giao hưởng Pacific Symphony Orchestra (https://www.pacificsymphony.org/) với Nhạc trưởng Carl St. Clair và phần độc tấu cello của Gabriel Martins tại Segerstrom Concert Hall là một chọn lựa thích hợp. Để giữ gìn sức khoẻ cộng đồng, mọi người tham dự đều cần phải chích ngừa và mang khẩu trang.

Beethoven (Nguồn: Pacific Symphony)

Một dàn nhạc giao hưởng. Vậy chỉ trình diễn nhạc cổ điển thôi sao? Không đâu! Đêm nhạc thính phòng “Eroica” được trình diễn trong ba đêm trung tuần tháng Mười 14, 15, 16 kết hợp nhạc xưa và nay. Nếu miếng trầu là đầu câu chuyện, thì Nhạc trưởng Clark St. Clair têm trầu thật khéo, và mời trầu cũng thật duyên. Ông đã điều khiển dàn nhạc suốt 32 năm qua, và ông luôn nói chuyện với khán giả như trò chuyện với những người bạn thân. Ông vừa xuất hiện trên sân khấu thì khán giả đã nồng nhiệt vỗ tay chào đón. Nhạc trưởng St. Clair hóm hỉnh nói, “Hôm nay quý vị có vẻ hào hứng quá!” Mọi người lại vỗ tay và cười vui vẻ. Ông hỏi khán giả, “Quý vị có từng muốn được ngồi chung với dàn nhạc và trình diễn trên sân khấu này không?” Nhiều người thay nhau đưa tay lên. Ông lại hỏi, “Ai cũng muốn làm nhạc công, nhưng có ai muốn làm nhạc trưởng không?” Ông chỉ lên bục gỗ dành cho nhạc trưởng và lắc đầu, “Ít ai chịu lên đó lắm! Nhưng hôm nay, quý vị sẽ được làm nhạc trưởng!”

Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2020

Sơn Diệm Vũ Ngọc Ánh: Câu Chuyện Âm Nhạc - Kỳ 4 (Tiếp theo và hết)

Bài hát Việt thứ ba chinh phục tâm hồn tôi là một bản nhạc có lẽ không ai có thể ngờ tới. Một bản nhạc mà hầu như mọi người Miền Nam tự-do đều ghét cay ghét đắng. Tôi nói vậy, chắc quý vị đã đoán ra được phần nào. Đúng vậy, thưa quý vị, đó là bản “Tiến quân ca”của Văn Cao, tức quốc ca của Cộng-sản Việt Nam.

Tôi còn nhớ như in buổi tối hôm đó, buổi tối ngày 18 tháng 8, 1945, một buổi tối thực oi-ả nóng nực, tôi cùng một số bạn bè giải chiếu ngoài hiên hóng gió, đọc báo và bàn luận về những tin nóng bỏng liên quan tới thế-giới và đất nước: Hoa-kỳ vừa mới thả bom nguyên-tử trên đất Nhật cách đó mấy hôm, Nhật-hoàng đã xin đầu hàng, “đồng chí” Nguyễn Ái Quốc từ Trung Hoa đã về tới chiến-khu Thái Nguyên, và anh em chúng tôi được báo chuẩn-bị “cướp” chính quyền. Giữa lúc đó anh Nguyễn Ngọc Huyễn (giám-đốc và phát-ngôn viên của Bộ Thông tin trước 75) hớt-hải đạp xe đạp từ chiến-khu Rịa mang về một bài hát tựa là “Tiến quân ca,” nói là phải tập để hát vào ngày mai vì nó sẽ có thể là bài quốc ca mới của Việt Nam. Tôi cấp tốc hát thử trước rồi tập cho anh em hát ngay sau đó. Bài ca thiệt đơn giản, nét nhạc cũng như lời ca rất thường, không có gì đặc biệt, nhưng không hiểu tại sao, càng hát chúng tôi càng thấy thấm thía, thấm thía đến nghẹn ngào, tưởng như không thể tiếp tục hát. Một phần lớn có lẽ do hoàn cảnh sôi động lúc đó. Riêng tôi hát mà nước mắt như muốn trào ra. Mấy tháng trước chính-phủ Trần Trọng Kim sau khi sửa lại ít lời đã lấy bài “Tiếng gọi sinh-viên” của Lê Hữu Phước làm quốc ca. Vì đã quá quen thuộc với bài hát, quen thuộc đến nhàm chán, nên ngay từ buổi đầu chúng tôi đã chẳng có cảm-giác gì đối với bài “Này công-dân ơi!” nếu không muốn nói là không có mấy thiện cảm. Đối với tôi, bài “Tiến quân ca” giống như một mối tình đầu bị phản bội, và cũng chỉ vì yêu nên sau này tình thành hận. Ngược lại, bài “Tiếng gọi công dân” giống như một cô hàng xóm vô duyên cha mẹ lấy cho, tuy chẳng có mấy cảm tình, nhưng sau bao năm chăn gối, hoạn nạn, vui buồn, sống chết có nhau, dù không có tình cũng có nghĩa. Quan-niệm của riêng tôi về mấy bài quốc ca Việt Nam là như vậy, chẳng biết các bạn đọc nghĩ sao? 

Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2020

Sơn Diệm Vũ Ngọc Ánh: Câu Chuyện Âm Nhạc (Kỳ 3)

Năm 1950, tôi bỏ Phát Diệm đi Hà Nội vừa đi học, vừa đi dạy và vừa viết sách. Vì quá bận bịu nên chuyện văn nghệ văn gừng đối với tôi lúc đó chỉ là thứ yếu, mặc dầu vẫn tiếp tục đi lại chơi bời ăn nhậu và đấu láo với các ông Lan Sơn, Đinh Hùng, Sao Mai, Trương Linh Tử, Nguyễn Duy Diễn, Nguyễn Lộc, Thượng Sĩ, Vũ Bằng, Mạnh Quỳnh, Sỹ Tiến, Bùi Xuân Phái v.v. nên lúc rảnh rỗi thường chỉ biết nghe Ngọc Bảo, Minh Đỗ, Ánh Tuyết và cô ca-sĩ chanh cốm mới nổi tiếng có tên là Tâm Vấn, trên Radio mà thôi, và một hai năm sau có dịp được nghe thêm ban Thăng Long của gia-đình Phạm Duy. Nhân nhắc tới Phạm Duy tôi thiết tưởng cũng nên ghi lại một vài kỷ-niệm có liên-quan tới họ Phạm, mặc dầu tôi không phải là chỗ bạn bè thân tình với nhà viết nhạc V.N. nổi tiếng nhất nước này.

Vào một buổi chiều mùa hè năm 1950, trong khi một số anh em chúng tôi theo thường lệ ngồi uống bia và đấu láo tại bờ hồ thì Trương Linh Tử bỗng từ toà báo anh làm việc nhào tới (tòa báo ở Hàng Trống, do một ông Tây lai làm chủ-nhiệm), nhớn nhác cho chúng tôi biết tin Phạm Duy đã “zinh tê”: “Các ông biết chưa, sau bố già Đoàn Phú Tứ đến lượt bố trẻ Phạm Duy đem cả bầu đoàn thê-tử ‘zinh tê’ rồi.” Nghe tin này chúng tôi hết sức sửng sốt và hình như ai nấy đều cảm thấy buồn buồn. Cũng như đa số văn nghệ-sĩ và trí-thức Hà Nội lúc đó, tuy ghét cộng-sản nhưng đối với công cuộc kháng chiến chống Pháp chúng tôi hình như vẫn có cái mặc cảm của những kẻ bỏ cuộc. Thượng Sĩ giận quá tục-tĩu phát biểu: “Đ. m., chúng mình bỏ về đã vậy (?), thằng Phạm Duy vốn được ‘ngoài ấy’ nuông chiều là như thế mà cũng chuồn về đây sao? Chuyện nó bỏ đi đối với kháng chiến chẳng khác gì như mất đi một sư-đoàn đấy các ông ơi!” Nói rồi anh vẫn tiếp tục lẩm bẩm: “Thằng cha Phạm Duy này bậy thiệt! Bậy thiệt!” Theo tôi nghĩ, ý anh định nói là hai chữ “phản bội” chứ không phải là hai chữ “bậy thiệt” nhưng có lẽ vì tự thẹn sao đó nên không dám nói lên đấy thôi, mặc dầu xưa nay Thượng Sĩ nổi tiếng là ăn nói dữ dằn, bạo mồm bạo miệng và thẳng thừng, nhất là trong các cuộc bút chiến. Thi-sĩ Lan Sơn rít một hơi ống pipe rồi chép miệng triết lý vu vơ: “Chuyện đời là như vậy.” Không biết “chuyện đời là như vậy” của nhà thi-sĩ sắp sửa về chiều nhưng vẫn còn rất ướt át này có ý nghĩa gì?

Mấy ngày sau đó, tôi có việc phải trở về Phát Diệm. Khi tàu Hà Nội cập bến Nam Định thì tàu từ Phát Diệm cũng vừa lên tới. Trong số hành khách tàu Phát Diệm tôi nhận thấy có Phạm Duy, Hoài Trung và Hoài Bắc. Gặp nhau chúng tôi nói chuyện sơ sơ, Phạm Duy cho biết bà mẹ vợ, chị em Thái Hằng và Thái Thanh vẫn còn ở Phát Diệm.

Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2020

Sơn Diệm Vũ Ngọc Ánh: Câu Chuyện Âm Nhạc - Kỳ 2

Nói tới hội hát Phát Diệm, tôi không thể không nói tới một nhân vật mà ngày nay rất ít người còn nhớ. Người ta thường gọi ông là Hoành đen (để phân biệt với ông Hoành Ký, chủ hiệu chụp ảnh đầu tiên của Phát Diệm). Nhà ông Hoành đen ở phía Nam bờ hồ nhà Thờ Lớn Phát Diệm. Bà Hoành chuyên bán quà sáng cho bọn nhóc trường Thày dòng chúng tôi. Bà có món xôi chả (xôi đậu rất mềm, chả tôm “rán” nóng ăn ròn tan) ngon hết sảy, có thể nói là độc nhất vô nhị. Tôi dám nói như thế là bởi vì sau này, có dịp đi hầu khắp đất nước Việt Nam, tôi không thấy đâu có cái món xôi chả thơm ngon tuyệt cú mèo này. Ông Hoành hình như xưa là tu xuất, người dỏng cao, dáng đi liêu xiêu, răng đen cải mả và hơi vẩu, lúc nào cũng đội khăn đóng, áo dài bằng vải láng cũ xác, quần cháo lòng, đen đủi xấu trai và hình như suốt năm chỉ tắm có một lần vào dịp tất niên, nhưng ông có lẽ là người am hiểu plain chant nhất Phát Diệm, hằng tuần thường tới dạy học trò trường Thày dòng chúng tôi hát. Ông vốn hiền lành nhưng cục tính, bộ dạng có nhiều phần khác người nên thường bị bọn học trò tinh nghịch chúng tôi trêu chọc, quấy phá. Cứ mỗi lần như vậy ông cầm cây thước kẻ bảng dùng để đánh nhịp vừa đuổi đánh vừa la: “Chúng mày hỗn quá, đồ mất dạy, tao đánh bỏ mẹ chúng mày bây giờ!” Nghề chính thức của ông là viết các sách hát plain chant cho các ca đoàn. Những sách hát này rất lớn, đều có bìa cứng khổ rộng trung bình 20’ x 25’, một người vác nặng, được đặt trên giá cao cho toàn thể ca đoàn có thể nhìn thấy mà hát . Tôi thường tới nhà ông ăn xôi chả và và rất thích xem ông viết sách hát. Trong căn nhà bé nhỏ bề bộn những bìa, những giấy, bút mực và sách hát, ông cặm cụi vừa viết bằng một cây bút lớn bằng tre ông tự chế vừa lẩm nhẩm hát theo những lời và dấu nhạc ông đương viết trên giấy. Ông viết rất nhanh, tuy nhiên dấu nhạc cũng như chữ ông viết rất đều và đẹp chẳng khác gì in. Trong kho chứa sách hát của xứ Phát Diệm tôi thấy có hằng trăm cuốn sách hát viết tay, cuốn nào cuốn nấy nặng năm, sáu ký, đều do một mình ông Hoành đen viết. Chẳng những ông viết cho xứ Phát Diệm mà các xứ khác trong giáo-phận cũng đều tới nhờ ông viết với một số tiền thù lao thực nhẹ nhàng. Do đó, cũng như món xôi chả độc đáo của bà Hoành, mặc dầu nắm trong tay một cái nghề có thể nói là độc nhất vô nhị, ông suốt đời vẫn rất nghèo. 

Bác Hoành ơi, khi tôi viết những dòng này, chắc chẳng còn mấy ai nhớ tới bác, nhưng riêng tôi, chẳng những nhớ bác mà còn hết sức quý mến tính tình và tài riêng hiếm có của bác, một con người Phát Diệm chính tông, hình như cả đời chưa bao giờ đi xe lửa hoặc xe hơi, chưa bao giờ có dịp trông thấy núi Thúy Sơn (Ninh bình) hay hồ Hoàn Kiếm, tuy có tài, nhưng không khoe khoang, không tham vọng, sống đơn sơ, nhẫn nhục và hiền-hòa như con trâu cầy trên đồng ruộng đất Kim Sơn. 

Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2020

Trần Doãn Nho: Nghe nhạc mùa thu (*)


Bản nhạc “Thu Ca” của Phạm Mạnh Cương (Hình: T.Vấn và Bạn Hữu)

Nhạc và lời


Để mô tả nội dung đặc thù của một loại ca khúc nào đó, ta thường gọi là nhạc tình, nhạc lính, nhạc vàng, nhạc xuân, nhạc thu …Nói là “nhạc”, thực ra, đó là những nhạc khúc được soạn ra đi kèm với “lời” (music with lyrics) nhằm mục đích để hát, có tính cách phổ thông, thích hợp với mọi giai tầng xã hội, khác hẳn với loại nhạc “thuần túy” như nhạc cổ điển Tây Phương chẳng hạn, qua đó, người ta sử dụng đủ loại giai điệu để diễn tả ngoại giới và tâm giới chỉ với và bằng âm thanh. Ca khúc: nhạc để ca và để hiểu. Nếu chỉ là nhạc không mà thôi, ta sẽ nghe những giai điệu hoặc buồn, hoặc vui, hoặc mơ màng, du dương…nhưng không biết nó đang mô tả cái gì hay mùa nào một cách rõ ràng. Và những người nghe nhạc bình thường như tôi khó thể phân biệt hay nhận ra đâu là “nhạc xuân”,“nhạc thu” hay “nhạc hè”, “nhạc đông”. Mỗi lần nghe một điệu nhạc quen, chắc không mấy ai chỉ nghe nhạc, mà nghe luôn cả lời. Điệu nhạc và lời ca hòa tan vào nhau, bổ sung cho nhau như mặt trái và mặt phải của một đồng tiền, không thể tách ra được. Nhiều câu hát được lập đi lập lại quen thuộc đến nỗi trở thành một cái gì từa tựa như thành ngữ để người ta sử dụng trong những trường hợp đặc thù nào đó. Chẳng hạn “bây giờ tháng mấy”, “ngày xưa hoàng thị” hay “em ơi nếu mộng không thành..”, “ngoảnh mặt làm ngơ”, vân vân và vân vân.

Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2020

Lê Hữu: Nhạc vàng - Bên thắng cuộc

Quán nửa khuya đèn mờ theo hơi khói…

Câu hát đầu trong bài “Quán nửa khuya” của Tuấn Khanh & Hoài Linh, sáng tác năm 1961.

Đuốc lồ ô bập bùng bên ánh lửa… 

Câu hát đầu trong bài “Tiếng chày trên sóc Bom-Bo” của Xuân Hồng, ra đời năm 1966.

Người nghe nhạc tinh ý dễ nhận ra hai câu nhạc giống nhau trong hai bài nhạc cùng hợp âm Mi thứ. Nếu có khác, bài “Quán nửa khuya” ghi thể điệu Boléro, bài “Tiếng chày trên sóc Bom-Bo” ghi “Nhịp nhàng, rộn rã”.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh, khi nhắc đến sự giống nhau của hai câu nhạc này, chỉ mỉm cười, lắc lắc đầu. Cái lắc lắc đầu, mỉm cười đầy ý nghĩa của ông cũng cho thấy, “nhạc đỏ” miền Bắc có khuynh hướng theo chân “nhạc vàng” miền Nam từ nhiều năm trước chứ không phải đợi tới bây giờ.

Nhạc đỏ, buồn ơi chào mi!


Cũng không phải đợi tới bây giờ mà nhiều người yêu nhạc ở miền Bắc đã biết yêu, biết tìm đến “nhạc vàng” miền Nam từ lâu lắm. Lộc “vàng”, chàng trai Hà Nội thời chiến vì trót yêu nhạc vàng, thích hát nhạc vàng mà phải trả giá đến gần 10 năm tù tội. Điều khá chua xót là, ngày ra tù, trong lúc lang thang trên đường phố, tiếng nhạc vọng ra từ những quán xá bên đường mà anh nghe được lại chính là những bản nhạc vàng “đồi trụy”, “phản động” đã đọa đầy anh trong lao tù, chôn vùi cả một thời tuổi trẻ. Câu chuyện Lộc “vàng” là câu chuyện của người dám sống và chết cho nhạc vàng, nhất định chỉ yêu nhạc vàng chứ không yêu nhạc đỏ.

“Nhạc vàng”, cái “từ” này ở đâu ra và có nghĩa gì? Trước năm 1975, nhạc Việt ở miền Nam không có màu mè xanh, đỏ, tím, vàng chi cả. Danh từ “nhạc vàng” cũng ít được sử dụng. Nhiều lắm chỉ có ban nhạc tên Nhạc Vàng của Đài truyền hình Sài Gòn (nhạc sĩ Phó Quốc Lân phụ trách) hoặc ít băng, dĩa nhạc ghi “băng vàng”, “nhạc vàng” mang ý nghĩa là những bài nhạc hay, chọn lọc về tình yêu quê hương, lứa đôi..., thường là nhạc điệu êm dịu, trữ tình. Trong khi đó, miền Bắc gọi chung nhạc Việt miền Nam là “nhạc vàng”, theo nghĩa vàng vọt, vàng võ, bệnh hoạn và được dán nhãn chính trị là nhạc “đồi trụy”, “phản động”. 

Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2020

Nguyễn Vạn An : Một Khúc Nhạc Của Pachelbel

Nhân những ngày thư dãn vào dịp đón tết, tôi muốn giới thiệu với các bạn một khúc nhạc bên Âu khá đặc biệt. Dân Âu Mỹ thì chắc ai cũng biết nhưng có thể người mình ít nghe hay chưa nghe. Đó là khúc Canon et Gigue en Ré Majeur cho 3 vĩ cầm và basse continue của Pachelbel, thường được gọi là Canon en DM của Pachelbel, có khi chỉ gọi là Canon của Pachelbel!

Johann Pachelbel (1653-1706) là một nhà tạo nhạc người Đức, cùng thời với J S Bach. Ông có một thành quả sáng tác rất sung túc, nhưng nghe đến tên ông thì có lẽ ai cũng nghĩ ngay đến khúc nhạc này. Nhạc khúc rất thong thả, êm đềm, thư giãn, dài khoảng 6 phút. 

Mới nghe có thể bạn thấy nó hơi dài vì đã quen các bản nhạc Việt. Nhưng nghe đi nghe lại, bạn sẽ thấy nó có một sức lôi cuốn vô cùng kỳ lạ. Càng nghe bạn càng bị nó theo đuổi day dứt, khó mà quên được. Có người nói tôi có thể nghe khúc này cả ngày. Có người nói tôi nghe từ hồi 15 tuổi, bây giờ 70 tuổi vẫn còn thích nghe. 

Điều lạ của Canon en DM là có hai trường hợp người ta hay đưa khúc nhạc này ra : một là trong đám cưới, và hai là… khi tiễn đưa ai qua thế giới bên kia ! Một người viết : tôi nhớ bài này vô cùng, vì đó là bản nhạc vang lên khi tôi kèm tay cha tôi bước vào nhà thờ. Người khác viết : Bạn tôi bị ung thư đến đoạn cuối. Nó đưa cho tôi cái CD, bảo không được nghe trước, chỉ được đưa nhạc ra trong đám tang khi nó chết. Tôi làm y như vậy : khi nghe mới biết đó là khúc Canon in DM của Pachelbel ! Bản này được vang lên trong đám cưới tưng bừng của William với Kate Middleton. Và cũng đã được âm thầm đưa ra trong đám tang đau buồn của Diana.

Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2019

Trịnh Y Thư: Vân-Ánh Vanessa Võ – Sao Bắc đẩu

Nhạc sĩ / Nhà soạn nhạc Vân-Ánh Vanessa Võ.

1.

Hãy tưởng tượng một buổi tối trong một khán trường trang trọng vào bậc nhất của thành phố, bạn và gần nghìn khán thính giả khác nín thở trong im lặng tuyệt đối theo dõi những vũ điệu tuyệt luân của những vũ công thuần thục, biểu diễn những chuyển động khi vũ bão khi dịu dàng, khi tiết chế khi man dại, như bay trong chân không, như thể trọng lực của quả đất chẳng hề có sức hút nào đáng kể đối với họ, và cảm xúc trong tim bạn dâng trào đến độ ngẩn ngơ lúc bạn nhận ra những chuyển động của những vũ công ballet dày công luyện tập ấy ăn nhịp sát sao với những nốt nhạc một bài ca trù thơ Hồ Xuân Hương! Và rất nhiều âm thanh, giai điệu khác, với phong cách sáng tạo hiện đại, vang lên từ các nhạc cụ cổ truyền Việt Nam, đàn tranh, đàn bầu... Một buổi diễn có một không hai, tôi dám khẳng định như thế. Sự ngạc nhiên lúc ban đầu mau chóng nhường chỗ cho niềm thú vị hiếm thấy trong một chương trình ca vũ, bởi đó là sự phối ngẫu tuyệt hảo giữa nghệ thuật múa và nghệ thuật âm thanh.