Thứ Năm, 16 tháng 11, 2023

Thận Nhiên: Về bài thơ “Đồng chí” của Văn Cao.

ĐỒNG CHÍ

Thơ: Văn Cao

Người ta các đồng chí của tôi

Treo tôi lên một cái cây

Đợi một loạt đạn nổ

Tôi sẽ dẫy như một con nai con

Ở đầu sợi dây

Giống như một nữ đồng chí

Một anh hùng của Hà Tĩnh

Tôi sẽ phải kêu lên

Như mọi chiến sĩ bị địch bắn

Đảng Lao động Việt Nam muôn năm

Cho mọi người hiểu khi tôi chết

Vẫn còn là một đảng viên

Cho mọi người hiểu khi tôi chết

Máu của tôi vẫn còn là máu của Việt Nam

Ở dưới gốc cây có các cụ già các bà mẹ

đã nuôi cách mạng

Các em nhỏ từ ba tuổi đứng nhìn tôi

dẫy chết

Có mẹ tôi

Ba lần mang cơm đến nhà tù

Hãy quay mặt đi

Cho các đồng chí bắn tôi

Tôi sợ các cụ già không sống được

Bao năm nữa

Để nhìn thấy xã hội chủ nghĩa

Của chúng ta.

Chết đi mang theo hình đứa con

Bị bắn

Tôi sợ các em còn nhỏ quá

Sẽ nhớ đến bao giờ

Đến bao giờ các em hết nhớ

Hình ảnh tôi bị treo trên cây

Bị bắn

Hãy quay mặt đi

Cho các đồng chí bắn tôi...

Nước mắt lúc này vì Đảng nhỏ xuống

Dòng máu lúc này vì Đảng nhỏ xuống

Đảng Lao động Việt Nam muôn năm

Đảng Lao động...

(1956)

Bài thơ do nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cung cấp


*** 

NGỘ NHẬN & HÀI HƯỚC

Bài thơ này có điểm thú vị:

1/ Hoặc tác giả quá ngây thơ mà ngộ nhận, hoặc quá hài hước, khi gọi và tự nhận những kẻ treo mình lên cây mà bắn, như bắn một con vật, là “đồng chí”. Chắc chắn là những kẻ đó – cái Đảng mà ông gọi và tôn vinh, và nhỏ nước mắt vì nó, trước khi chết ấy – xem ông là kẻ thù chứ không phải là đồng chí.

2/ cái chi tiết rất “kịch” khi phải kêu lên “Đảng… muôn năm” mỗi khi bị bắn, dù bị chính cái Đảng ấy bắn.

Thật lòng, đọc thơ này, tôi không thấy thương cảm, mà chỉ thấy nó hài hước.


VỀ VĂN BẢN, KỸ THUẬT CỦA BÀI THƠ 

Trước tiên, tôi đề nghị rằng chúng ta/người đọc nên quan tâm, chú trọng về văn bản, thay vì về tác giả, để không bị chi phối hoặc bị ảnh hưởng do tên tuổi lớn của tác giả.

Tôi bỏ qua chính kiến của tác giả thể hiện qua bài thơ, tôi sẽ bàn về các khía cạnh ngôn ngữ, tu từ, cấu trúc, hình ảnh, nghĩa là về kỹ thuật.

Tôi thấy có những điều đáng kể sau đây:

1/ Trong khổ thơ đầu chỉ 14 dòng, có tới 6 chữ “một”, ta có thể bỏ bớt 4 hoặc 5 chữ “một” mà vẫn giữ được nghĩa, nhưng sẽ bớt luộm thuộm, săn chắc và gọn hơn, như dưới đây. Đây là lỗi vụng về trong tu từ, người viết giỏi sẽ không phạm phải.

“Người ta các đồng chí của tôi

Treo tôi lên cây

Đợi loạt đạn nổ

Tôi sẽ dẫy như con nai con

Ở đầu sợi dây

Giống như một nữ đồng chí

anh hùng của Hà Tĩnh

Tôi sẽ phải kêu lên

Như mọi chiến sĩ bị địch bắn

Đảng Lao động Việt Nam muôn năm

Cho mọi người hiểu khi tôi chết

Vẫn còn là đảng viên

Cho mọi người hiểu khi tôi chết

Máu của tôi vẫn còn là máu của Việt Nam”

2/ Câu đầu “Người ta các đồng chí của tôi” thiếu một dấu phẩy hoặc dấu gạch ngang (-) nằm giữa chữ “ta” và chữ “các” để làm rõ nghĩa, không có nó câu văn nếu không tối nghĩa thì cũng rất vụng.

3/ Xin lưu ý chữ “sẽ” trong các câu:

- “Tôi sẽ dẫy như một con nai con”

- “Tôi sẽ phải kêu lên” Các chữ “sẽ” này cho chúng ta hiểu rằng câu chuyện trong bài thơ này chưa hề xảy ra, và không có gì chắc rằng nó sẽ xảy ra, nó chỉ là một tình huống được tác giả hư cấu. Và nếu vô tình bỏ qua tính hư cấu này, những người đọc đa cảm có thể đau buồn, thương cảm cho tình huống phóng đại hư cấu. Nó là cái bẫy mà tác giả giăng bắt những tâm hồn sướt mướt, và cái đọc dễ dãi.

4/ Hình ảnh “Tôi sẽ dẫy như một con nai con” nhằm kêu gọi lòng thương cảm khiên cưỡng. Con nai vốn hiền lành, vô hại (và hẳn là một loại nạn nhân không thể chống Đảng hay phản động) do đó hành động treo nó lên và bắn thì tàn nhẫn lắm. Cảnh tượng dẫy chết này lại được cường điệu lên khi tác giả cho các cụ già và các em nhỏ chứng kiến, để nó làm thành những vết thương/vết sẹo trong tâm hồn của họ, và trong tâm hồn của người đọc. Tuy nhiên, chúng ta nên tỉnh táo, hãy khoan rơi lệ, vì nó không xảy ra /chưa xảy ra trong đời thật.

5/ Nỗi sợ trong đoạn này thật thú vị, và… hài hước.

“Tôi sợ các cụ già không sống được

Bao năm nữa

Để nhìn thấy xã hội chủ nghĩa

Của chúng ta.”

Lưu ý, bốn dòng này chấm dứt bằng dấu chấm (.), điều này khiến hai dòng theo sau tối nghĩa, hay vô nghĩa:

“Chết đi mang theo hình đứa con

Bị bắn”

6/ “Đến bao giờ các em hết nhớ” Tôi tự hỏi vì sao tác giả không dùng động từ “quên” hay “sẽ quên”, mà lại dùng “hết nhớ”. Tiếng Việt của ông thiệt là kẹt!

7/ Cái tựa đề ĐỒNG CHÍ  làm tôi liên tưởng đến bài thơ nổi tiếng có cùng tựa đề của nhà thơ Chính Hữu [1] Tôi nghĩ, đây không phải là sự ngẫu nhiên, mà là chiêu mượn A để chửi B chăng ?

8/ Bài thơ là một hoạt cảnh được dàn dựng trên sân khấu, nhân vật chính bị treo lên cây, các nhân vật phụ đứng quanh chứng kiến. Nhận vật Đồng chí lạnh lùng giương súng. Người đọc là khán giả. Nhân vật chính lo sợ rằng các nhân vật phụ không được thấy xã hội chủ nghĩa trước khi chết và bị ám ảnh bởi hình ảnh đau thương này. Khi bị bắn, nhân vật chính hô to “Đảng lao động Việt Nam muôn năm”, câu thứ hai chỉ được ba chữ “Đảng lao động…” thì anh tắt thở. Hoạt cảnh hạ màn.

Tóm lại, tôi không thay đổi nhận định rằng mình không cảm thấy thương cảm mà chỉ thấy hài hước.

Và còn gì nữa không?

Còn.

Bài thơ này xoàng!

Thận Nhiên

 

[1] BÀI THƠ ĐỒNG CHÍ CỦA CHÍNH HỮU. 

 

Quê hương anh nước mặn, đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá

Anh với tôi đôi người xa lạ

Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.

Súng bên súng, đầu sát bên đầu

Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ

Đồng chí!

 

Ruộng nương anh gửi bạn thân cày

Gian nhà không mặc kệ gió lung lay

Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.

Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh,

Sốt run người, vừng trán ướt mồ hôi.

 

Áo anh rách vai

Quần tôi có vài mảnh vá

Miệng cười buốt giá

Chân không giày

Thương nhau tay nắm lấy bàn tay!

 

Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo.

 

2-1948

Chính Hữu