Thứ Năm, 16 tháng 11, 2023

Phạm Xuân Nguyên: Văn Cao trong “Ghi” của Trần Dần

 “GHI” là những tập sổ tay ghi chép của nhà thơ Trần Dần trong vòng bảy năm (1954 – 1960). Bảy năm đó đã xảy ra hai sự biến động dữ dội trong lịch sử nửa nước miền Bắc: Cải Cách Ruộng Đất và Nhân Văn – Giai Phẩm. Những ghi chép của Trần Dần kể về hai sự kiện đó, nhưng chủ yếu là về tai nạn Nhân Văn – Giai Phẩm. Đó là ghi chép của một người, cho một người, song nói như nhà văn Phạm Thị Hoài người được gia đình Trần Dần cho phép đọc, biên tập và xuất bản “GHI” (in ở nước ngoài, 2001), thì “Với chúng ta, đó là những văn liệu và sử liệu vô giá về một giai đoạn văn chương và lịch sử cho đến nay vẫn xếp sổ, nếu quả còn có sổ.” Bởi vì trong “GHI” Trần Dần viết theo lối nhật ký ghi lại rất thực các sự kiện, suy nghĩ, hành động của các văn nghệ sĩ tìm cách chống đỡ tai nạn ập xuống đầu mình và cả thái độ ứng xử của họ với nhau trong cơn bĩ cực đó. Đọc “GHI” thấy được sự khốn khổ, khốn nạn của một thời.

Hôm nay (15/11/2023) đúng 100 năm sinh nhạc sĩ, nhà thơ Văn Cao (1923 – 1995). Tôi trích một vài đoạn ghi của Trần Dần viết về ông để mọi người hiểu thêm ông, thương cho ông, thông cảm với ông, và trên hết tưởng nhớ và biết ơn ông dù lâm nạn, dù có khi phải tìm cách lựa thời, nhưng đã không gục ngã. Gia tài Văn Cao để lại cho nước Việt mãi là những bài ca bất hủ và những bài thơ đáng nhớ.

Tôi nghĩ, mỗi dịp sinh nhật những người tài, nhất là vào dịp trăm năm, thì bên cạnh việc ngợi ca cũng cần thiết phải nói lại lịch sử họ đã trải qua, nhất là với những tài năng đã phải chịu đựng và trở thành nạn nhân của lịch sử. “Đem chuyện trăm năm giở lại bàn” là sòng phẳng về lịch sử và công bằng cho con người. Văn Cao nằm trong hoàn cảnh đó. Điều này tôi đã nói trong phát biểu tại hội thảo ra sách “Văn Cao mùa chữ mùa người” do VOV6 tổ chức hôm qua.

GHI (2/11/1955).

“Đi dự hội nghị tổng kết đợt 4 và tham quan Cải cách Ruộng đất đợt 5. Trước khi đi VPhác họp một số anh em, những VCao, LnTrác (…) Đỗ Nhuận để dặn dò.

VCao: Tôi thấy đi có lợi lắm. […] dĩ nhiên là lợi lắm. Trước kia đồng chí TDần hay tự do sinh hoạt, tôi lo lỡ ra đồng chí TDần lại khuyết điểm thì bỏ mẹ chúng mình. […]” (tr. 101)

GHI (17/1/1958).

Bàn việc nếu bị ra khỏi biên chế thì làm gì kiếm sống.

“Sĩ Ngọc bảo tôi, nếu ra biên chế, thì quay ra vẽ quảng cáo (publicité Hàng Gai gì đó một tháng măng dê những vài ba chục vạn)… Hoặc giả mài tranh sơn mài, hay tỉa lá tre.

Ông VCao thì bảo mở xưởng sơn mài, làm objet d’art.” (tr. 214)

GHI (18/1/1958)

“Mọi người sửa soạn đi học. Mọi người tức chỉ là đảng viên. Nghe đâu, cái lớp này là nằm trong cái chương trình đấu đá.

VCao buồn xỉu mấy ngày. Tức là thấy bão nó đi găng lắm. Mà cũng chưa biết nó đổ bộ lên đầu ai. VCao ngờ rằng đầu mình, không khéo là cái hải cảng đón bão.

Song, có ông bạn đến củng cố cho. Đại khái đừng lo. Còn có trên cao nữa chứ! Trên cao đó, ít nay cũng có những cái gì mới, đáng vui. Sự xằng bậy trong cuộc đời này bắt đầu bị đe doạ. Vì bảng sắp xếp giá trị đã bắt đầu sắp xếp lại, công bằng hơn, tức là nhân đạo hơn.” (tr. 216-217)

GHI (29/4/1958)

“Ít ngày trước qua nhà VCao, dưới thấy vắng xe đạp, trên gác thì buông ra những nốt đàn, nó lơi bơi và lăn lóc lổng chổng trong bầu không, tôi tự dưng cứ nghĩ đến một cái miếu hoang, nghĩ đến nét mặt rầu rĩ của người nghệ sĩ “tiên chỉ” đó. Và nghĩ đến cái đại dương cầm VCao đã tự hào tuyên bố rằng: nó sẽ là một vật quý viện bảo tàng, vì có bàn tay VCao đã đặt trên clavier đó.

Cách đây vài ngày, ở cơ quan về, buổi sáng, tôi thấy nhà VCao mở rộng cửa, có một cái thang bắc từ gác anh xuống dưới đất, bên hè có một cái xe bò to nằm chờ, nhìn lên trên, thấy mấy người ra vào cầm dây, xem hướng, chỉ chỉ, bàn tán nhau: họ đang tính cách giòng cái đại dương cầm xuống, chở đi!...

Chắc không phải là chở đi để đặt vào viện bảo tàng.” (tr. 253-254)

GHI (6/8/1958)

“TPhác chê VCao là bịp. Thơ khó hiểu là bịp. Tôi nói: “VCao nó có khướu, nhưng ít science thôi!” TPhác cứ bảo là bịp…” (tr. 302).

GHI (25/5/1958)

"Một mặt khác, đối lãnh đạo, VCao lại có cái sen khác. Anh tỏ ra mình tiến bộ, và anh mè nheo, dựa trên cái thế Tiến quân ca. Anh cũng biết rõ, đối lãnh đạo, cái điểm có thể mè nheo được, chứng cớ là khi kiểm thảo, anh nói: “Đảng khai trừ tôi, thì đối với cái Tiến quân ca của tôi thế nào?” Quả thật đúng là một sự rầy rà, nhưng như mọi sự rầy rà, nó cũng vẫn có mức độ của nó thôi, nếu VCao vượt chân qua mức ấy, thì sự rầy rà đó sẽ không còn được xét đến nữa." (tr. 270)

Phạm Xuân Nguyên