Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2023
Nhật Hiên: Vụ ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt! Không ai có thể an toàn trong một chế độ độc tài
![]() |
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đọc lệnh khởi tố, bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: Báo Người Lao Động. |
Tin ông Lưu Bình Nhưỡng, cựu Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 14 (2016-2021), vừa bị Công an tỉnh Thái Bình khởi tố bắt tạm giam tối ngày 14 tháng 11 năm 2023, về hành vi Cưỡng đoạt tài sản theo khoản 4 Điều 170 Bộ luật Hình sự khiến dư luận xôn xao. Báo chí truyền thông trong nước thì đưa tin giống hệt nhau, chứng tỏ cùng một nguồn công an đưa ra. Trong khi đó, mấy ngày qua, từ các trang báo, đài lớn ở nước ngoài như BBC Tiếng Việt, RFA Tiếng Việt, VOA Tiếng Việt…cho tới trên mạng xã hội, rất nhiều bài viết, ý kiến, bình luận về vụ việc.
Trước hết, phải tóm tắt sơ qua ông Lưu Bình Nhưỡng là ai. Wikipedia tiếng Việt cho biết: “Lưu Bình Nhưỡng (sinh ngày 4 tháng 2 năm 1963) là một tiến sĩ Luật, giảng viên đại học, chính trị gia người Việt Nam. Ông là Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 14 (2016-2021) thuộc đoàn đại biểu tỉnh Bến Tre, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (2016-2021), Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Việt Nam - Thụy Sĩ, từng là Ủy viên Thường trực Ủy ban về Các vấn đề Xã hội của Quốc hội khóa 14 (tới năm 2018) Trên cương vị là đại biểu Quốc hội, ông đã có những phát ngôn gây tranh cãi, châm ngòi cho nhiều tranh luận trong dư luận và tại nghị trường”.
Những phát ngôn gây tranh cãi đó là như thế nào? Một mặt, ông là một đại biểu hiếm hoi đã công khai chỉ trích mạnh mẽ ngành công an, và ngành Kiểm sát. Như trong vụ Đồng Tâm, ông đã phát biểu “Một đại đội Công an tấn công vào dân Đồng Tâm”, Trong kỳ họp Quốc hội tháng 11/2018, ông dẫn ra số liệu rằng các cơ quan điều tra đã có những vi phạm chiếm tỷ lệ rất lớn, và kết luận rằng ngành Công An đã "sai phạm khủng khiếp" trong thực hiện tố tụng. “Đối với lĩnh vực công an, tôi rất ủng hộ cuộc cách mạng trong lĩnh vực công an vừa qua nhưng mà qua báo cáo thì mới thấy rằng như thế này, vi phạm của cơ quan điều tra là rất khủng khiếp, không thụ lý tin tố giác 94%, chậm gửi quyết định cho Viện kiểm sát 86%, xử lý tin tố giác quá hạn 99,76%, vi phạm tống đạt 100%... (BBC 15/11/2023), rằng “Tội phạm tham nhũng đang nhảy múa trên lưỡi gươm pháp luật”. Ông cũng mạnh mẽ chỉ trích Quốc hội “QH cần công bằng trong phân bổ nguồn lực và trao quyền lực, kiểm soát quyền lực, không được ngủ mê trên quyền lực của nhân dân, đặc biệt không được biến QH thành căn phòng kín để gom góp lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân và chia chác quyền lực, chia chác nguồn lực của đất nước”, Chỉ trích quan chức: “Cán bộ công chức, nhất là lãnh đạo cao cấp, mà không khiêm tốn, thiếu gương mẫu, sống như thái tử, hoàng tử, như là chúa rừng xanh, thái độ như tuần phủ, tri phủ, chánh tổng… Có người lợi dụng chức vụ quyền hạn, vun vén đủ thứ, từ học hàm học vị, bằng cấp, sắp xếp bộ máy toàn cánh hẩu đệ tử, sống xa hoa, thậm chí cờ bạc thâu đêm, đi nước ngoài ăn chơi bằng tiền ngân sách, thì thử hỏi, sao cử tri và nhân dân có thể yêu mến, kính trọng và ủng hộ?”
Ở cái xứ này có lẽ hiếm có ai nói mạnh đến vậy.
Mặt khác, ông cũng có những phát biểu gây ý kiến trái chiều như ““Chết không có nghĩa là hết nghĩa vụ đóng thuế” mà sau này ông nói rõ “quan điểm của ông là người chết không phải nộp thuế, mà người chết rồi thì người thừa kế phải nộp thuế đó và ĐB muốn Bộ Tài chính phải chỉ đạo để rà soát vấn đề này để tránh thất thoát ngân sách và tránh bất bình đẳng giữa các công dân trong quá trình nộp thuế chứ không phải là truy cứu người chết.”
Thấy gì qua phản ứng của dư luận?
Dư luận ngay lập tức đã chia thành nhiều luồng quan điểm khác nhau:
Ngạc nhiên, bàng hoàng nhưng không bất ngờ. Là phản ứng của những người tin vào nhân cách, con người của ông Lưu Bình Nhưỡng và hiểu quá rõ rằng trong một xã hội độc tài toàn trị, luật pháp như luật rừng như Việt Nam mà lại dám “mở miệng” thì sớm muộn cũng sẽ bị bắt. Và sẽ bị bắt với tội danh hình sự, kịch bản do đảng dựng nên.
Mơ hồ, hoang mang, không hiểu như thế nào. Đó là những người không còn dám tin rằng còn có một quan chức hay cựu quan chức nào có thể tử tế, trung thực nổi trong xã hội Việt Nam lâu nay. Bởi vì có biết bao quan chức nói rất hay cuối cùng cũng bị lộ, vướng vào những vụ án tham những tày trời.
Nửa tin nửa ngờ. Có người còn bảo ông này cũng một dạng “dân túy”, phát biểu nhiều câu cũng hồ đồ nhưng “gãi đúng chỗ ngứa của dân” nên được nhiều người ủng hộ, thế thôi, chứ cũng chưa thấy làm được gì! Mà chắc công an đã bắt thì cũng phải “có gì” chứ!
Hả hê, thậm chí chưa gì đã nhanh chóng ném bùn bẩn vào người vừa bị bắt. Những kẻ này thường là đám bồi bút, dư luận viên, đảng đánh ai thì xúm vào đánh người đó. Chưa gì có kẻ đã xách mé gọi ông Nhưỡng là “idol dân túy của đám rận (dân) chủ!
Và cũng ngay lập tức, rất nhiều dự đoán được đưa ra. Rằng có thể tội danh khá khiên cưỡng là “cưỡng đoạt tài sản” kia chỉ là bước đầu, ông Lưu Bình Nhưỡng có thể sẽ bị “cột” thêm nhiều tội khác, rằng phía sau ông Nhưỡng và cao hơn ông Nhưỡng có thể là hai phe nào đó đang đánh nhau, rằng ông Nhưỡng bi “bẫy”, cũng giống như các nhà hoạt động bảo vệ môi trường, đấu tranh cho dân chủ đều bị bẫy về các tội danh khình sự khác nhau như trốn thuế, gây rối trật tự công cộng…, rằng ông Nhưỡng bị bắt có thể là chuyên án được chỉ định chuẩn bị kỹ lưỡng từ rất lâu rồi và bẫy được tội nào sớm nhất sẽ bắt ngay. Bởi vì một khi đã trở thành "người của công chúng", có hoạt động trong hệ thống chính trị này, ít nhiều có ảnh hưởng nào đó với trào lưu phản biện của xã hội, rất dễ bị tuyên giáo "soi" và “tóm” bất kỳ lúc nào với những lý do do “từ trên trời rơi xuống” v.v và v.v…
Trong những thể chế độc tài toàn trị cộng sản hoặc hậu cộng sản như Trung Quốc, Nga, Bắc Hàn, Việt Nam, không ai có thể biết thực sự chuyện gì đang xảy ra phía sau hậu trường chính trị hoặc một ai đó bị bắt chính xác vì lý do gì. Không có cái gì là mình bạch cả. Và người dân chỉ còn cách hoặc tin theo báo chí nhà nước mà nguồn tin là từ chính quyền, từ Bộ Công An đưa ra, hoặc “đọc giữa hai hàng chữ” và bổ sung sự thiếu hụt thông tin bằng những thông tin trên mạng, kể cả những “tin đồn”, “thuyết âm mưu”…Điều này rõ ràng là không có lợi cho nhà cầm quyền. Nhưng họ thà để cho những tin đồn, những sự suy đoán, thuyết âm mưu lan tràn còn hơn là công khai, mình bạch. Sự công khai, mình bạch hay sự thật là kẻ thù của mọi thể chế độc tài.
Dù sao đi nữa, qua rất nhiều ý kiến, cũng cho thấy sự thật là lòng tin của người dân dành cho chính quyền, công an, luật pháp ở nước này là rất thấp. Lòng tin giữa con người với con người cũng vậy! Và đó là một hệ quả rất xấu cho tương lai và sự phát triển của quốc gia, dân tộc!
Thủ đoạn quen thuộc và bản chất của chế độ
Cách hành xử của công an, của nhà cầm quyền đối với ông Lưu Bình Nhưỡng từ việc bắt khẩn cấp, khám xét nhà, đăng hình công khai, ẩn ý “đánh đồng cá mè một lứa” ông Nhưỡng với mấy thằng đầu gấu giang hồ cùng tội cưỡng đoạt tài sản, tức là tội “ăn cướp”, khiến nhiều người cho là có mùi trả thù, có dụng ý bôi xấu. Nhưng thật ra thì đây là thủ đoạn quá quen thuộc của nhà cầm quyền Việt Nam nói chung và giới công an nói riêng. Đó là cứ khủng bố tinh thần người bị bắt và gia đình, bôi nhọ hình ảnh người bị bắt trước dư luận cái đã, đúng sai tính sau.
So với trước kia, thời gian gần đây, người ta nhận thấy số người bị bắt vì những “lý do trời ơi” không chỉ là những nhà báo, luật sư bất đồng chính kiến, nhà hoạt động dân chủ…mà mở rộng ra với mọi giới, miễn là có tiếng, có ảnh hưởng trong xã hội; từ một youtuber, một người mẫu cho tới những nhà hoạt động môi trường và bây giờ là một cựu đại biểu quốc hội, cho dù họ có hay không hề có quan tâm tới chính trị, cho dù nhà cầm quyền không thể nào ghép họ vào tội “phản động”. Ngay ông Lưu Bình Nhưỡng cũng thế, dù chỉ trích công an, viện kiểm sát, quan chức, quốc hội gay gắt thì cũng vẫn là một người phản biện trung thành. Điều đó cho thấy chế độ độc tài ở Việt Nam ngày càng khắc nghiệt, tình trạng tự do, nhân quyền ở Việt Nam ngày càng tồi tệ, bất chấp việc Việt Nam và Mỹ đã nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất, thậm chí việc bắt ông Lưu Bình Nhưỡng diễn ra khi ông Surya Deva, Báo cáo viên đặc biệt về Quyền phát triển củả Liên Hiệp Quốc đang có chuyến viếng thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 6-15/11. Và tại cuộc họp báo tại Hà Nội vào ngày 15/11 khi một phóng viên của Reuters hỏi ông nghĩ gì về việc nhà nước Việt Nam bắt giữ ông Lưu Bình Nhưỡng ngày hôm trước, ngay trong thời gian ông đang ở Việt Nam, ông Surya Deva thậm chí hoàn toàn chưa nghe thấy tin đó và không thể cho ý kiến!
Có thể hình dung những ngày sắp tới trong tù, ông Nhưỡng mới thật sự thấm thía thế nào là sự bất công, thối nát của một chế độ độc tài khi ông bị thẩm vấn (có thể bị mớm cung, ép cung) mà không hề có mặt luật sư, khi ông bị buộc phải nhận tội, nếu không tội này thì cũng tội khác--một khi các “đồng chí” của ông muốn “chơi”ông thì chắc chắn sẽ lòi ra một vài cái tội gì đó, bởi vì khi sống, làm việc, làm ăn trong một xã hội có luật mà chỉ xài luật rừng, muốn thăng tiến, làm ăn bất cứ việc gì cũng phải “phong bì, bôi trơn”, phải có vây cánh…ai dám bảo đảm mình không vướng vào luật pháp? Không sờ đến nhau thì thôi, còn sờ đến chắc chắn là vướng! Và cuối cùng là một phiên tòa như trò hề với bản án “bỏ túi”, mức án bao nhiêu còn tùy vào nhiều lý do phía sau hậu trường, chứ không hề phụ thuộc vào công cuộc điều tra!
Không ai có thể bình an trong một chế độ độc tài toàn trị
Có rất nhiều người ở Việt Nam có những quan niệm như sau:
Chỉ cần đừng quan tâm đến chính trị, đừng lên tiếng đụng chạm tới nhà nước, chỉ lo làm ăn kiếm tiền là sẽ không sao. Sai, trường hợp người mẫu N.T. chẳng hạn, là một ví dụ.
Có vị trí trong xã hội, có những mối quan hệ làm ăn uy tín với nước ngoài hoặc thậm chí từng ở trong bộ máy nhà nước, được dư luận ủng hộ, là không thể bị bắt một cách vô lý. Sai. Như các nhà hoạt động môi trường hay như ông Lưu Bình Nhưỡng.
Khi chỉ có một đảng cầm quyền duy nhất, đứng trên cả Hiến pháp, nắm cả luật pháp, tư pháp, hành pháp, quân đội, công an cho tới báo chí truyền thông trong tay, thì đảng muốn bắt lúc nào, bắt vì lý do gì, muốn hành hạ, làm nhục, bôi bẩn ra sao, là quyền và tùy (hứng) của đảng.
Sực nhớ đến một bài thơ rất nổi tiếng “First they came” (Đầu tiên họ đến) của Emil Martin Niemöller (14/1/1892 – 6/3/1984)--một nhà thần học người Đức và mục sư Lutheran. Ông được biết đến nhiều nhất vì sự phản đối chế độ Đức Quốc xã vào cuối những năm 1930:
FIRST THEY CAME
By Martin Niemöller
First they came for the Communists
And I did not speak out
Because I was not a Communist
Then they came for the Socialists
And I did not speak out
Because I was not a Socialist
Then they came for the trade unionists
And I did not speak out
Because I was not a trade unionist
Then they came for the Jews
And I did not speak out
Because I was not a Jew
Then they came for me
And there was no one left
To speak out for me.
Tạm dịch:
ĐẦU TIÊN HỌ ĐẾN
Đầu tiên họ đến bắt những người Cộng sản
Và tôi đã không lên tiếng
Vì tôi không phải là người cộng sản
Sau đó họ đến vì những người theo chủ nghĩa xã hội
Và tôi đã không lên tiếng
Vì tôi không phải là người theo chủ nghĩa xã hội
Rồi họ đến bắt những người hoạt động công đoàn,
Và tôi đã không lên tiếng
Vì tôi không phải là một thành viên công đoàn
Rồi họ đến bắt những người Do Thái
Và tôi đã không lên tiếng
Bởi vì tôi không phải là người Do Thái
Sau đó họ đến tìm tôi
Và không còn ai
Để lên tiếng cho tôi.
Không ai có thể an toàn trong một xã hội độc tài độc đảng, đơn giản là thế.
Nhật Hiên
-------------
Tham khảo:
https://baotiengdan.com/2023/11/15/y-kien-cua-mot-so-facebooker-qua-vu-bat-bo-ong-luu-binh-nhuong/
https://cand.com.vn/Van-de-hom-nay-thoi-su/Tieng-noi-dai-bieu-su-can-trong-can-thiet-i498110/
https://thanhnien.vn/khong-duoc-bien-quoc-hoi-thanh-phong-kin-de-chia-chac-quyen-luc-1851050245.htm
https://laodong.vn/thoi-su/dbqh-luu-binh-nhuong-noi-ro-ve-nguoi-chet-van-phai-dong-thue-609593.ldo