Thứ Năm, 16 tháng 11, 2023

Hoàng Hưng: Kỷ niệm lần đầu gặp Văn Cao.

Nhạc sĩ Văn Cao (trái) và nhà thơ Hoàng Hưng

SÁNG NAY, VOV KỶ NIỆM 100 NĂM VĂN CAO, RA MẮT SÁCH “VĂN CAO – MÙA CHỮ, MÙA NGƯỜI” CÓ BÀI THƠ TẶNG VĂN CAO CỦA HOÀNG HƯNG

Nhân đây, xin kể lại buổi đầu tiên gặp anh và bài thơ tặng anh.

Những năm ấy tôi đang dạy Văn trường cấp 3 An Dương (Phố Rế), Hải Phòng. Tuy chưa có quan hệ gì với các đàn anh trong phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm, nhưng vì đọc được tiếng Pháp, suốt những năm học khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội (1962-1965) và cả những năm dạy học ở Hải Phòng, tôi thường vào khu sách tiếng Pháp của Thư viện Trung ương. Khu này được bổ sung đều đặn sách do Sứ quán Pháp tặng, và không bị ngăn chặn, vì nhà cầm quyền ỷ y là số người đọc không bao nhiêu, loanh quanh vài trí thức già yếu, bất lực! Các anh Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng thường vào đây tìm sách đọc và dịch thuê kiếm sống (nhưng tôi không gặp bao giờ). Ở đó tôi đọc được nhiều sách “xét lại”, đặc biệt là những tư liệu về Đại hội thứ XX Đảng Cộng Sản Liên Xô chống sùng bái Stalin và các lý luận chính trị- xã hội- văn học nghệ thuật mang tính “xét lại” của các trí thức Cộng sản Pháp, Đông Âu, như “Socialisme au visage humain” (Chủ nghĩa xã hội có bộ mặt người) của Alexander Dubček, Chủ tịch ĐCS Tiệp Khắc, “D’un réalisme sans rivages” (Về chủ nghĩa hiện thực không bờ bến) của Roger Garaudy (uỷ viên Bộ Chính trị ĐCS Pháp), đặc biệt là tiểu thuyết “Docteur Jivago” (Bác sĩ Jivago) của Pasternak!

Từ đó, tôi âm thầm tìm hiểu về Nhân Văn-Giai Phẩm và dễ dàng đồng quan điểm về văn nghệ với các đàn anh, và âm thầm có cảm tình với các anh. Trong sáng tác của bản thân, tôi là người làm thơ trẻ đã có nhiều bài thơ được đăng trên báo Văn Nghệ, tạp chí Văn Nghệ Quân Đội (như “Tiếng hát người chăn bò” năm 1961 được phổ nhạc và trở thành ca khúc được phổ biến rộng rãi khắp miền Bắc trong vài chục năm; bài “Gửi anh” được Giải thưởng báo Văn Nghệ năm 1965… và năm 1970 tôi đã là một trong số ít người làm thơ trẻ được in ½ tập thơ! “Đất nắng”, NXB Văn học, chung với Trang Nghị). Nhưng song song với thứ thơ ấy, tôi đã viết những bài thơ không công bố, chỉ đọc cho bạn bè nghe (gọi là thơ “bỏ túi”, “ngoài luồng” hay “thơ chui”!)

Thời đó (cho đến trước cuộc “Đổi mới” 1986), các anh Nhân Văn-Giai Phẩm bị cô lập, hầu như không ai trong giới văn nghệ dám đến chơi.

Cơ duyên đến với tôi là trong một lần về Hà Nội (1970 hay 1971 không nhớ rõ), tôi được dịch giả-nhà thơ Dương Tường đưa đến thăm anh Văn Cao tại nhà (phố Yết Kiêu). Trong buổi gặp ấy, tôi tự “trình” với anh bằng 2 bài thơ “bỏ túi” viết năm 1969.

Nghe xong, anh khen “Hay!” và bình 1 câu: “Thơ phải là thơ “bàng thống” mới hay!” Lần đầu nghe từ này, nhưng tôi hiểu ngay. Đó là chữ được các anh “sáng tạo”: “bàng” là bên cạnh, hoặc “khác”, “bàng thống” đối lập với “chính thống” (tựa như “marginal” (bên lề) đối với “mainstream” (dòng chính).

Tôi như bừng tỉnh! Sau cuộc đó, tất nhiên tôi càng hứng khởi viết những bài thơ “bàng thống” không công bố! Đến khoảng năm 1973 thì tôi chấm dứt việc công bố thơ trên các báo, chỉ còn viết thơ “bàng thống” cho riêng mình và một số bạn bè thân đọc (như Lê Huy Quang, Trí Dũng, Trúc Thông, Nhật Tuấn).

Những bài “bàng thống” ấy chỉ được công bố năm 1988 sau Đổi mới, trong tập “Ngựa Biển” (NXB Trẻ), có lẽ là tập thơ “ngoài luồng” đâu tiên được xuất bản theo cách tác giả tự in với giấy phép (mua) của NXB.

Để ghi lại dấu ấn quan trọng của buổi gặp gỡ đầu tiên với Văn Cao, tôi đã ghi tặng anh bài thơ “Mưa rào và trẻ nhỏ”!

Hoàng Hưng

 

MƯA RÀO VÀ TRẺ NHỎ

Tặng anh Văn Cao

Phút chốc mặt đường rửa sạch

Và bị trẻ con chiếm lĩnh.

Từ các nhà, các ngõ ùa ra

Trận mưa thứ hai

Mát tươi đường phố


Trần truồng, đen nhãy

Các em chạy nhảy lăn bò.


Không còn bóng người lớn,

Không còn vết bánh xe bụi bặm bước chân chen chúc.

Chỉ các em với trận mưa to.


Hứng thẳng nước tự trời cao mà gội những mái đầu hoang dại

Tiếng các em la hét và tiếng mưa như trống như chuông.


Mưa lặng bất ngờ như mưa sa

Các em cũng biến đi tất cả

Trả lại mặt đường cho những người hối hả đua chen.

Và bây giờ thân mình nhỏ nhắn của các em

Đang lặng lẽ bốc hơi từ những góc nào kín đáo.

Hải Phòng 1969


***

NGƯỜI YÊU MIỆT BIỂN

Đồng cói đầy trăng em ơi

                                                đồng cói

Nhưng em đã bay đi như cánh vạc

Để rợn vàng đồng cói trăng rơi.


Bãi dài ngập nắng em ơi

                                                bãi nắng

Nhưng thịt da em ráng chiều vụt tắt

Cát không màu khép dưới bàn chân.


Triều dâng sóng trắng em ơi

                                                sóng nở

Nhưng đến trước ngực ta sóng vỡ

Bọt tan sôi réo lòng chiều.


Lưới thu đóng bạc mình thu em ơi

Mắt em nhìn ta qua lưới thưa

Xa lạ như là con mắt cá

Sắp quẫy vào lòng biển sâu

Đồ Sơn 1969 

Hoàng Hưng