Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2023
Đọc lại toàn văn Chiếu Thoái Vị của Vua Bảo Đại
TOÀN VĂN CHIẾU THOÁI VỊ (CÔNG BỐ CHÍNH THỨC TỪ 25/8/1945)
Vì nền độc lập của Việt Nam,
Để đạt hai mục đích ấy, Trẫm tuyên bố sẵn sàng hy sinh tất cả, và ước mong rằng sự hy sinh của Trẫm đem lại lợi ích cho Tổ quốc.
Nhận định rằng sự đoàn kết của toàn thể đồng bào chúng ta vào giờ phút này là một sự cần thiết cho Tổ quốc chúng ta, ngày 23 tháng 8, Trẫm đã nhắc lại cho toàn thể nhân dân ta là: Ở giờ phút quyết định này của Lịch sử, đoàn kết có nghĩa là sống, mà chia rẽ là chết.
Chiếu đà tiến dân chủ đang đẩy mạnh ở miền Bắc nước ta, Trẫm e ngại rằng một sự tranh chấp giữa miền Bắc với miền Nam khó tránh được, nếu Trẫm đợi sau cuộc trưng cầu dân ý, để quyết định thoái vị. Trẫm hiểu rằng, nếu có cuộc tranh chấp đó, đưa cả nước vào hỗn loạn đau thương, thì chỉ có lợi cho kẻ xâm lăng.
Trẫm không thể không ngậm ngùi khi nghĩ đến các tiên đế đã chiến đấu trên bốn trăm năm để mở mang bờ cõi từ Thuận Hóa đến Hà Tiên. Trẫm không khỏi tiếc hận là trong hai mươi năm ở ngôi, Trẫm không thể làm gì đem lại lợi ích đáng kể cho đất nước.
Mặc dù vậy, và vững mạnh trong sự tin tưởng của mình, Trẫm đã quyết định thoái vị, và Trẫm trao quyền cho Chính phủ Dân chủ Cộng hòa.
Trước khi từ giã ngai vàng, Trẫm chỉ có ba điều muốn nói:
—Thứ nhất: Trẫm yêu cầu tân chính phủ phải giữ gìn lăng tẩm và miếu mạo của hoàng gia.
—Thứ hai: Trẫm yêu cầu tân chính phủ lấy tình huynh đệ đối xử với các đảng phái, các phe nhóm, các đoàn thể đã chiến đấu cho nền độc lập của đất nước, mặc dù không theo cùng đường hướng dân chủ của mặt trận, như vậy có thể giúp cho họ được tham gia vào sự kiến thiết đất nước, và chứng tỏ rằng tân chế độ đã được xây dựng trên tình đoàn kết dứt khoát của toàn thể nhân dân.
—Thứ ba: Trẫm yêu cầu tất cả các đảng phái, các phe nhóm, tất cả các tầng lớp xã hội cũng như toàn thể hoàng gia phải đoàn kết chặt chẽ để hậu thuẫn vô điều kiện cho Chính phủ Dân chủ Cộng hòa, hầu củng cố nền độc lập quốc gia.
Riêng về phần Trẫm, trong hai mươi năm ở ngôi, Trẫm đã trải qua bao nhiêu cay đắng. Trẫm muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị. Từ nay Trẫm lấy làm sung sướng được là Dân tự do, trong một nước độc lập. Trẫm không để cho bất cứ ai được lợi dụng danh nghĩa Trẫm, hay danh nghĩa hoàng gia để gieo rắc sự chia rẽ trong đồng bào của chúng ta.
Việt Nam độc lập muôn năm,
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm,
Khâm thử. Bảo Đại. Huế, điện Kiến Trung ngày 25 tháng 8 năm 1945.
(Theo sách "Bảo Đại, Con Rồng Việt Nam", Nguyễn Phước Tộc Xuất Bản, 1990, trang 186-188)
***
SUY NGHĨ CỦA MỘT SỐ TRÍ THỨC VIỆT NAM XUNG QUANH CHIẾU THOÁI VỊ CỦA VUA BẢO ĐẠI:
Nhà văn Vĩnh Quyền:
Những ngày cuối tháng Tám này, nhớ hơn nửa thế kỷ trước, cha tôi hỏi con đọc Chiếu thoái vị của vua Bảo Đại chưa, thiếu niên tôi lắc đầu. Mươi năm sau, tôi tốt nghiệp đại học, ông lại hỏi. Tôi thưa đã đọc được đâu đó một câu trích từ bài Chiếu, và thấy vậy là đủ: "Trẫm muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị". Chừng mươi năm nữa ông lại hỏi trổng, như chỉ để hỏi vào sương mù ký ức chính ông, không tỏ ra lắng nghe tôi trả lời. Rồi mươi năm sau khi cha mất, tôi mới thật sự đọc Chiếu thoái vị của vua Bảo Đại. Và hiểu tại sao câu hỏi kia được kiên nhẫn nhắc lại, hiểu tại sao toàn văn bài Chiếu không được phổ cập cho tới khi có Internet.
*
Doanh nhân Nguyễn Thái Sơn: [78] NĂM ÔN LẠI LỊCH SỬ
Buổi chiều 30 tháng 8, vua Bảo Đại đứng trước nhà mình. Ông kiên nhẫn chờ phái đoàn Trần Huy Liệu đến để trao ấn kiếm, vĩnh viễn chấm dứt chế độ vua chúa nghìn năm trên nước Việt.
Ngày 30/08/1945, vua Bảo Đại trao ấn kiếm cho đại diện Chính Phủ Lâm Thời nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.
Trong sử sách chỉ có trích một câu ngắn của vua Bảo Đại trong Chiếu thoái vị rằng " ...muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị. Từ nay Trẫm lấy làm sung sướng được là Dân tự do, trong một nước độc lập".
Còn cả CHIẾU THOÁI Vị thì không được nhắc đến! “Một mẩu bánh mì vẫn là bánh mì, một mẩu sự thật sẽ không còn là sự thật và tính khách quan không còn nữa”.
….
Đại diện Việt Minh chấp nhận ba điểm của vua và đề nghị thêm:
1- Bảo Đại phải ra khỏi Hoàng cung và chỉ được mang theo những đồ dùng riêng.
2- Trừ của riêng, tài sản của triều đình là tài sản của chính quyền cách mạng.
![]() |
Vua Bảo Đại đứng chờ phái đoàn của Chính phủ Lâm thời do ông Trần Huy Liệu (dẫn đầu), ông Nguyễn Lương Bằng và ông Cù Huy Cận vào điện Kiến Trung, chuẩn bị lễ trao ấn kiếm thoái vị. |
***
Tiến sĩ Chu Mộng Long: CHIẾU THOÁI VỊ CỦA BẢO ĐẠI: CẦN ĐƯA ĐẦY ĐỦ VÀO SÁCH GIÁO KHOA PHỔ THÔNG
Toàn văn Chiếu thoái vị của vua Bảo Đại. Đó không chỉ là di sản mà còn có ý nghĩa thời sự cho việc xây dựng một nước Việt Nam mới:
1) Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích của hoàng gia và rộng hơn là đặt lên trên lợi ích của các đảng phái chính trị.
2) Xác lập một nền dân chủ thực sự với tinh thần "thà làm người dân tự do hơn làm một ông vua bị cai trị'. Dân chủ là tất yếu của văn minh.
3) Đoàn kết toàn dân, ngăn chặn sự thôn tính, chia rẽ Bắc Nam, thực chất là sự xung đột ý thức hệ, đảng phái gây chiến tranh nồi da xáo thịt. Chỉ bằng cách đó mới có thể xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập và phát triển thịnh vượng.
Chiếu thoái vị này có giá trị tương đương như là Tuyên ngôn nhân gian của Nhật Hoàng sau Đệ nhị thế chiến.
Tôi tin Bảo Đại không ban chiếu thoái vị bởi sức ép nào mà xuất phát từ cái tâm của một ông vua yêu nước thương dân và cái tầm của một bậc minh quân ưu thời mẫn thế. Chiếu thoái vị còn viết bởi trải nghiệm đắng cay của một chứng nhân lịch sử, rất có ích cho con cháu muôn đời làm bài học dựng xây đất nước!
***
Tiến sĩ chuyên ngành Hán-Nôm Nguyễn Xuân Diện: VĂN BẢN VUA BẢO ĐẠI GỬI TOÀN THỂ HOÀNG GIA HOÀNG TỘC TRIỀU NGUYỄN TRƯỚC KHI THOÁI VỊ, TỪ BỎ NGAI VÀNG
Cùng với "Chiếu thoái vị", Vua Bảo Đại còn ban hành một văn bản kèm theo, để gửi riêng tới toàn thể Hoàng gia, Hoàng tộc triều Nguyễn:
"Kể từ ngày Đức Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế vào trấn ở Thuận Hóa đến nay đã 399 năm. Trong non bốn thế kỷ, Liệt Thánh chúng ta đã trải qua biết bao sự gian lao nguy hiểm, vì nước vì dân mới truyền ngôi lại cho Trẫm được đến ngày nay.
Cái gia tài quý báu di truyền đã gần 400 năm ấy, trong giờ phút Trẫm bỏ hết, bà con trong Hoàng Tộc, ai nghe cũng phải đau đớn, ngậm ngùi.
Song Trẫm biết rằng: Đó chỉ là cái cảm tình thoáng qua trong chốc lát mà thôi, chớ bà con ta, ai cũng sẵn tính bình tĩnh, sẵn trí sáng suốt để xét rộng thấy xa, cho nên sau khi đã chuẩn định ba chữ "Dân Vi Quý" làm khẩu hiệu của chánh thể mới sau khi đã tuyên bố "Để Hạnh Phúc Dân Lên Trên Ngai Vàng", nay Trẫm nhất định thoái vị để giao vận mạng quốc gia cho một Chính phủ có đủ điều kiện huy động hết cả lực lượng của toàn quốc giữ vững nền độc lập của nước và mưu hạnh phúc cho dân.
"Độc lập của nước, Hạnh phúc của dân", vì tám chữ đó mà trong tám chục năm vừa qua biết mấy mươi vạn đồng bào đã rơi đầu bỏ xác nơi nước thẳm non xa trong lao tù ngục tối.
Đối với những sự hy sinh của những kẻ anh hùng liệt nữ ấy, của muôn ngàn chiến sĩ vô danh ấy, Trẫm cho sự thoái vị của Trẫm là thường.
Vậy Trẫm muốn bà con trong Hoàng Tộc sau khi nghe lời thoái vị ai ai cũng vui lòng để nghĩa nước lên trên tình nhà mà đoàn kết chặt chẽ với toàn thể quốc dân để ủng hộ Chính phủ Dân chủ Cộng hòa giữ vững nền độc lập cho Tổ Quốc. Thế mới là một cách chân thành cao thượng, giữ chữ Trung với Trẫm, chữ Hiếu với Liệt Thánh.
Việt Nam Độc lập Muôn năm - Dân chủ Cộng hòa Muôn năm.
Khâm thử!
Bảo Đại
(Nguồn: Bảo Đại, Con Rồng Việt Nam, Nguyễn Phước Tộc Xuất Bản, 1990, trang 189-190)
![]() |
Vua Bảo Đại |
***
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện: AI SOẠN CHIẾU THOÁI VỊ?
Trả lời: Vua Bảo Đại soạn, với sự trợ giúp của hoàng thân Vĩnh Cẩn
Soạn lúc nào: Đêm 22 tháng 8 năm 1945.
Soạn tại đâu: Điện Kiến Trung, hoàng thành Huế.
Công bố lúc nào: Ngày 25 tháng 8 năm 1945.
Ai tiếp nhận: Đại diện Việt Minh là Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận
Nơi tiếp nhận: Điện Kiến Trung, hoàng thành Huế.
Ngày tiếp nhận: Sáng 25 tháng 8 năm 1945.
Bản Chiếu thoái vị của Bảo Đại công bố ngày 25 tháng 8 năm 1945 chính thức chấm dứt Nhà Nguyễn và chế độ quân chủ ở Việt Nam. Chiếu được vua Bảo Đại soạn với sự trợ giúp của hoàng thân Vĩnh Cẩn trong đêm 22 tháng 8 năm 1945 tại điện Kiến Trung, hoàng thành Huế.
Sáng ngày 25 tháng 8, khi đại diện Việt Minh là Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận đến điện Kiến Trung để tiếp thu bàn giao, lúc đầu vua Bảo Đại đưa bản Tuyên ngôn cho Trần Huy Liệu. Nhưng ông này hội ý với người đồng hành và tâu với Bảo Đại rằng:
- Thưa Hoàng thượng, nhân danh dân tộc Việt Nam, chúng tôi nhận bản văn này rất nhẹ nhàng, không câu nệ. Nhưng, chúng tôi kính xin Hoàng thượng cho tổ chức một buổi lễ vắn tắt, trong đó xin Hoàng thượng công khai tuyên bố cho mọi người biết.
Theo lời yêu cầu của Trần Huy Liệu, chiều ngày 30 tháng 8, 1945, Vua Bảo Đại mặc triều phục và đọc bản Tuyên ngôn Thoái vị trước hàng ngàn người tụ họp vội vã trước cửa Ngọ Môn.
Văn bản Chiếu Thoái vị của Hoàng đế Bảo Đại có 2 dị bản:
Bản 1: In trong sách "Việt Nam Máu Lửa" của Nghiêm Kế Tổ, Nhà xuất bản Mai Lĩnh, 1954, tr 38, 39, 40.
Bản 2: In trong cuốn "Bảo Đại, Con Rồng Việt Nam", do Bảo Đại viết, Nguyễn Phước Tộc xuất bản, 1990, trang 186-188. Sách này do vua Bảo Đại viết, và được in ra khi ông còn tại thế.
Cùng với "Chiếu thoái vị", Vua Bảo Đại còn ban hành một văn bản kèm theo dành riêng cho Hoàng tộc.
Không có chuyện Đổng lý Ngự tiền Văn phòng Phạm Khắc Hòe soạn như ông ấy tự nhận trong cuốn “Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc”.
***
Nguyễn Xuân Diện: VUA BẢO ĐẠI BÀN GIAO NHỮNG GÌ?
Năm 1945, sau khi tuyên bố thoái vị, Vua Bảo Đại đã bàn giao cho Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa toàn bộ hơn 3.000 bảo vật triều Nguyễn mà cơ quan lưu giữ hiện nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia VN, trong đó có hàng trăm ấn bằng vàng (có ấn nặng 10kg), 94 cuốn sách bằng vàng và nhiều hiện vật có giá trị lịch sử và mỹ thuật.
Lần thứ hai, cựu hoàng Bảo Đại đã bàn giao 175 triệu USD vẫn còn nằm trong ngân hàng quốc gia VN do chính quyền Ngô Đình Diệm tiếp quản cộng với 33 tấn vàng trong ngân hàng Pháp từ thời đế quốc VN cũng được chính quyền Ngô Đình Diệm đòi về từ ngân hàng Pháp.
Khi ra nước ngoài sống, cựu hoàng Bảo Đại không đem theo bất cứ tài sản nào trong quốc khố ngoại trừ một số bảo vật của hoàng gia.