Thứ Hai, 11 tháng 9, 2023
Nhật Hiên: Mỹ-Việt nâng cấp quan hệ, rồi sao nữa?
![]() |
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại cuộc họp báo chung - Ảnh: TTXVN |
Hoa Kỳ-Việt Nam trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện, có lẽ phần lớn người Việt, dù trong hay ngoài nước, đều vui mừng. Rõ ràng, nỗi sợ to lớn về mối nguy bị mất lãnh thổ lãnh hải, mất chủ quyền từ phía “anh bạn vàng xấu tính” phương Bắc, sợ bị cô lập, tụt hậu trên thế giới khiến đa số người Việt đều mong đảng Cộng sản nhìn ra phải trái, và không chọn lầm bạn mà chơi, chọn lầm phe Ác thêm một lần nữa.
Có điều, nếu vì vui mừng hồ hởi quá mà chúng ta ngợi khen đảng Cộng sản đã tài ba, sáng suốt, khen ông Nguyễn Phú Trọng biết nghĩ tới dân tới nước là khen quá đà. Nếu năm 1975 ngay sau khi vừa chiến thắng (nhờ vũ trí, viện trợ mọi mặt của Liên Xô, Trung Cộng, khối XHCN anh em và nhờ xương máu của hàng triệu người đã bị lừa vào một cuộc chiến tranh mà cứ tưởng là chính nghĩa, thần thánh, để đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược, “giải phóng” miền Nam), đảng Cộng sản chấp nhận bàn tay chìa ra để bình thường hóa quan hệ của Mỹ, hoặc nếu năm 1986 khi cả nước đứng trên bờ vực chết đói vì những chính sách sai lầm của đảng, hoặc khi Liên Xô và khối XNCH Đông Âu sụp đổ, thay vì quay sang quỵ lụy xin bình thường hóa quan hệ với Trung Cộng năm 1991…đảng Cộng sản chọn con đường bắt tay với Mỹ, dân chủ hóa đất nước thì chúng ta hoàn toàn có thể khen đảng Cộng sản giỏi thật, sáng suốt thật. Còn đằng này, đợi đến gần nửa thế kỷ, khi đất nước đã tụt hậu hàng chục hàng trăm năm so với các nước trong khu vực và thế giới, khi đã bị “thằng hàng xóm” đánh cho dập mặt, lừa cho hàng vạn lần, lấy thêm mất lãnh thổ, lãnh hải, đảo…mới quay đầu thì là quá muộn, không có gì đáng để ca ngợi quá lời cả.
Cũng đừng vội khen ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người yêu nước, biết nghĩ cho dân cho nước. Ông Trọng, một người chuyên về lý luận Mác Lênin, chuyên ngành xây dựng đảng, là người mà mục tiêu lớn nhất trên đời là bảo vệ đảng, đánh tham nhũng cũng chỉ là để cứu đảng nhưng phải “đánh chuột đừng để vỡ bình”, chọn con đường luôn luôn nhịn nhục, thần phục Trung Cộng cũng là để bảo vệ chế độ “Nếu để xảy ra đụng độ trên biển thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội Đảng được không?”.
Ông Trọng thậm chí còn là người có xu hướng độc tài, đã gạt qua một bên cả điều lệ đảng để tiếp tục tại vị bất chấp tuổi tác, lý do sức khỏe, hay quy định Tổng Bí thư giữ chức vụ Tổng Bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Dưới thời ông Trọng, những đối thủ chính trị nào cản đường ông đều bị cho về ngồi chơi xơi nước như ông cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cựu Thủ tướng–cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc…hoặc có những cái chết “đột ngột” rất lạ lùng như ông Trần Đại Quang–Chủ tịch nước, ông Nguyễn Bá Thanh–Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy Viên Trung Ương, phó chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương của đảng Cộng sản Việt Nam, hay mới đây ông Nguyễn Chí Vịnh, Thượng tướng, nguyên Thứ trưởng Bộ quốc phòng Việt Nam đang khỏe mạnh cũng xuất hiện với bộ dạng rõ ràng là không khỏe, bị bệnh “lạ” nào đó, chưa kể sự lẳng lặng "biến mất" khỏi chính trường của nhiều người khác v.v… Cho dù những điều này có liên quan trực tiếp đến ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hay không thì nó cũng cho thấy dưới thời ông Trọng, sự đấu đá tranh giành phía sau hậu trường chính trị của đảng Cộng sản vẫn hết sức khốc liệt và ông Trọng, nếu còn ngồi được như vậy, thì không thể “hiền lành” cũng chẳng “lú” chút nào như người ta lầm tưởng.
Tóm lại, ông Trọng, cũng như đại đa số các lãnh đạo đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam không thực sự yêu nước hay nghĩ cho dân cho nước bao giờ mà họ chỉ yêu đảng, bảo vệ đảng, bảo vệ quyền lợi của phe nhóm và của chính họ. Nếu từ giai đoạn 1930-1975 mục tiêu lớn nhất của đảng Cộng sản Việt Nam là giành được quyền lực tuyệt đối trên toàn quốc, thì từ sau ngày 30/4/1975 trở đi, mục tiêu lớn nhất của đảng là giữ được quyền lực. Chuyện phải “đổi mới” về kinh tế, chuyển sang kinh tế thị trường – thật ra là “đổi lại cái cũ”, hay chuyện quay đầu xin làm lành với Trung Cộng năm 1991 hay bây giờ, xích lại gần hơn với Mỹ, cũng đều chỉ là để giữ được đảng, giữ được chế độ. Bởi vì nếu thực tâm nghĩ đến dân đến nước thì đảng Cộng sản phải thấy rằng cần phải thay đổi triệt để cái mô hình độc tài độc đảng, đi theo con đường dân chủ hóa, đa đảng, tam quyền phân lập, là bạn bè đồng minh của các cường quốc dân chủ thì mới thống nhất được lòng dân, giải phóng được mọi nguồn lực của dân tộc, để đưa Việt Nam trở thành một quốc gia giàu mạnh, tiến bộ, nhân dân được tự do, hạnh phúc thực sự và mới bảo vệ được lãnh thổ, chủ quyền.
Cũng đừng quên đảng Cộng sản đã ký kết bao nhiêu thứ hiệp định, hiệp ước trên đời nhưng có bao giờ tôn trọng cái gì đâu? Có nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ lên cỡ nào thì chính sách đối nội cũng sẽ chẳng có gì thay đổi, từ tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, nhân quyền… sẽ chẳng có gì thay đổi.
Về phía Mỹ, chính sách ngoại giao của nước Mỹ từ hồi nào tới giờ là thực tế, thực dụng, đặt quyền lợi của nước Mỹ, người dân Mỹ lên trên hết, sẵn sàng bỏ rơi đồng minh nếu đồng minh trở thành gánh nặng, sẵn sàng bắt tay với kẻ thù nếu điều đó là có lợi. Và cũng sẵn sàng thay đổi, xoay trục 180 độ. Lúc này đây, Mỹ đang cần kéo Việt Nam ít ra là không đứng hẳn về phía Trung Cộng trong chiến lược ngăn chặn, kìm hãm Trung Cộng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương thì dù hồ sơ về nhân quyền, “thành tích” đàn áp tôn giáo, đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến của đảng Cộng sản là hết sức tồi tệ và chỉ có tăng lên chứ không hề giảm đi trong những năm qua, thì chính phủ Mỹ cũng sẽ làm lơ mà thôi.
Là người Việt, dù đang sống ở Việt Nam hay ở bất cứ đâu, chúng ta cũng mong cho đất nước được phát triển, giàu mạnh, người dân đỡ khổ. Tuy nhiên, là người Việt, nhất là người Việt quốc gia, chúng ta cũng hiểu rõ chính sách ngoại giao của Mỹ và hiểu rõ bản chất của một đảng Cộng sản, hay một chế độ độc tài toàn trị hơn ai hết. Chúng ta hiểu, tự do, dân chủ, hạnh phúc cho người Việt Nam không thể trông đợi từ sự sụp đổ của Trung Cộng, từ vai trò của một ông Tổng thống Mỹ nói riêng hay cả nước Mỹ nói chung, cũng không thể đến từ khả năng biết nghĩ lại và tự thay đổi của đảng cầm quyền–bởi quyền lực là cái mà họ không bao giờ muốn từ bỏ hay chia sẻ. Chúng ta đã thấy, từ những việc cụ thể như thả một tù nhân bị oan, thả những người bất đồng chính kiến ra khỏi tù, dừng một dự án hại nhiều hơn lợi để cứu biển, cứu rừng…mà nhà nước này còn không làm, nói gì những chuyện lớn hơn?
Tự do, dân chủ, hạnh phúc chỉ có thể đến từng bước, từng bước từ sự đấu tranh, gây sức ép lên nhà nước từng ngày từng giờ của chính người dân Việt Nam. Mỗi người một việc, dù trong hay ngoài nước, chúng ta bằng vào những việc làm cụ thể của mình để giúp người dân cùng nhìn ra sự thật, cùng thoát ra khỏi sự sợ hãi, tâm trạng thờ ơ, cùng có một khao khát chung, ước mơ chung là được sống đúng phẩm giá con người trong một xã hội tử tế, một quốc gia dân chủ, giàu mạnh, công bằng, tiến bộ và người dân có quyền lên tiếng, tham gia vào việc nước…Đó là những điều mà chúng ta đang và sẽ phải tiếp tục làm, chứ không lạc quan quá sức, trông chờ hay thất vọng vì những cái bên ngoài mà chúng ta không thể quyết định được.
Nhật Hiên