Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2023

Nguyễn Hoàng Văn: Đế quốc cao bồi

LTG: Cộng sản Việt Nam đã trở thành đồng minh của Mỹ và dấu mốc này gợi nhắc đến tuyên bố của nguyên Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger: “Làm kẻ thù của Mỹ thì nguy hiểm nhưng làm bạn với Mỹ thì coi chừng tiêu đời”. 

Tương tự, bà Benazir Bhutto, Thủ tướng Pakistan từ năm 1993 đến 1996, từng than thở trong cuộc phỏng vấn trên tờ The Far Eastern Economic Review vào giữa thập niên 1990 “Làm kẻ thù của Mỹ lắm khi còn dễ chịu hơn là làm đồng minh”. * 


Thực tế này đã thể hiện ngay trong lịch sử của chính chúng ta. Để ký kết Hiệp định Paris 1973 nhằm dọn đường cho Richard Nixon tái đắc cử, Kissinger dễ chịu chừng nào với kẻ thù Bắc Việt thì lại khó khăn bấy nhiêu với đồng minh VNCH.


Trong hồi ký From the third world to the first, cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu cho biết thấy được những thế khó mà giới lãnh đạo VNCH bị Mỹ dồn ép nhưng quan hệ với Mỹ là điều tối cần thiết cho sự thịnh vượng của đất nước mình. Cũng trong hồi ký này, ông Lý tả lại cuộc gặp gỡ với ông Võ Văn Kiệt vào năm 1990, lúc đó là Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng: khi nghe ông Kiệt khoe là đã ký trên 100 giấy phép đầu tư, ông đã gạt ngang, bảo là dẫu ký 100 hay 1000 giấy phép, kinh tế Việt Nam không thể cất cánh nếu Mỹ không cho phép World Bank mở các khoản tín dụng mềm.


Nhân lúc nhiều nhà bình luận sự kiện Cộng sản Việt Nam trở thành đồng minh của Mỹ, tôi đăng lại bài viết trên talawas cách đây trên 20 năm về nền ngoại giao Mỹ.


***

 

Nước Mỹ cái thời đường hoả xa chưa nối liền hai biển lớn. Miền viễn Tây hoang vu, những nẽo đường thiên lý và những dấu chân dọ dẫm vận may. Một thị trấn lộng gió và gắt nắng. Gã cao bồi đỏ bụi giang hồ và lạnh lùng khinh bạc. Lè kè khẩu súng sáu xệ một bên hông và túi bạc mới vừa cướp được trên vai, gã khệnh khạng bước vào quán rượu. Mấy em điếm xum xoe mời mọc ái tình. Một tay chơi địa phương trổ giọng ba gai. Chẳng nói chẳng rằng, gã điệu bộ móc cả nắm tiền nhét vào nịt ngực một em điếm nõn nà rồi gườm gườm con mắt dí điếu xì gà vào ly Whisky và, chỉ trong chớp mắt, với quả knock–out thần sầu, tay chơi tỉnh lẻ kia đã ôm mặt máu quằn quại trên sàn gỗ. Cuộc vui khựng lại. Bao con mắt dồn về. Ở đây ai dám trái ý gã? Súng hay sức, gã chơi được tất. Mà chơi rất thiện nghệ. Đã thế lại thêm túi bạc kè kè. Gã làm ra lẽ phải. Gã là hiện thân của công lý.


Suốt cả một thời, huyền thoại về người hùng của nước Mỹ là vậy đó. Cái huyền thoại lấp lánh hào quang nhưng lại ẩn chứa bao điều bệ rạc, tồi tàn và hung bạo bên trong, như đã hé mở qua những thước phim cao bồi về chiều Unforgiven.


Và cái... nước ấy cũng thế. Tự xem mình là ngọn hải đăng của thế giới tự do, là thành trì của những giá trị dân chủ, con đường “nghĩa hiệp” nó theo đuổi cũng ẩn chứa những thực tế bệ rạc, tồi tàn và hung bạo như chính cái huyền thoại anh hùng nó đã mang nặng đẻ đau. Họng súng. Nắm đấm. Và túi tiền. Nó là hiện thân của lẽ phải. Thứ lẽ phải gắn liền với những lợi lộc kinh tế hay chính trị nào đó. Bằng không chỉ một lẽ phải thứ yếu, không đủ để động lòng đấng anh hào.


Thế thôi, đế quốc mà. Nhưng phải thêm vào: đế quốc cao bồi. 


Nếm mùi... cao bồi ấy sớm nhất, phải kể đến gã láng giềng phương Nam. Porfiario Diáz, tổng thống Mexico từ 1877 đến 1911, đã than thở: “Khốn nạn thay cho tổ quốc của chúng ta. Thượng Đế thì xa quá mà nước Mỹ thì gần quá!”


Hẳn là... nhất Mỹ nhì Trời! Thượng Đế xa quá nên tác toai tác quái như chỗ không người. Và gã láng giềng lãnh đủ! Trong cuộc chiến Mỹ–Mễ 1846–1848, Mexico buộc phải cắt dâng cho Mỹ gần một phần hai lãnh thổ; tuy nhiên, qua những thước phim, hay những trang sách phiên lưu rặt giọng cao bồi, người Mexico bao giờ cũng xuất hiện như một phường lục lâm đang ngày ngày cướp bóc những người Mỹ lương thiện.


Trăm năm sau, vị anh hùng thuở nào đã bao phen thay hình đổi tướng, từ cớm độc Harry cho đến biệt kích Rambo, cái... nước ấy vẫn tiếp tục khệnh khạng một phong thái cao bồi. Như thể thế giới vẫn còn là dải đãt hoang vu miền viễn Tây. Mà đâu chỉ Mexico với lời than vản của Diáz? Có đồng minh nào của nó mà không thấm thía nổi lòng của bà Buhtto, nguyên thủ tướng Hồi Quốc: “Với Mỹ, làm kẻ thù còn dễ chịu hơn làm đồng minh.”?


Với một đế quốc như thế, trong thời kỳ đầu của sự khai phá và bành trướng, nó có thể hiện một phong cách cao bồi với láng giềng, điều đó cũng thường thôi. Đáng nói hơn là khi bản tính cao bồi ấy được nâng thành lý thuyết. Như một biểu hiện của tiến bộ, văn minh.


Khởi thuỷ, một lý thuyết ngoại giao như thế đã được Tổng thống James Monroe công bố trước quốc hội Mỹ ngày 2.12.1823, trong một cương lĩnh gọi là Chủ thuyết Monroe.


Ý tưởng của Monroe bao gồm ba yếu tố căn bản: thứ nhất, chấm dứt việc khai phá thuộc địa của Âu Châu tại Châu Mỹ Latin; thứ hai, nền chính trị Mỹ sẽ tách rời nghị trình chính trị của Châu Âu; thứ ba, Âu Châu không có quyền can thiệp vào công việc “nội bộ” của... Tân Thế Giới.


Nghe ra thì đầy nghĩa khí, nhưng thực ra toàn bộ chủ thuyết ấy có thể tóm gọn vào một câu duy nhất: Mỹ Châu là của người Mỹ, Âu Châu hãy liệu hồn! Nhiều sử gia còn tin rằng lúc ấy Moroe còn muốn răn đe Nga: Nga lúc ấy cũng đang lăm le dòm ngó khu vực Bắc Mỹ. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, Mỹ chưa thể nắm được ưu thế tuyệt đối với Âu Châu nên Chủ thuyết Monroe dành hẳn một biệt lệ đối với những thuộc điạ của Âu Châu: những phần đất đang bỏ ngỏ mới là của Mỹ, Âu Châu chỉ nên chấm dứt việc bành trướng thuộc địa.


Năm 1895, cuộc đối đầu với Anh qua cuộc tranh chấp biên giới giữa Venezuela và thuộc điạ Guiana đã thổi bùng những ý thức quốc gia nhuốm màu đế quốc và hiếu chiến tại Mỹ. Để bảo vệ quyền lợi, Mỹ cần phải mạnh hơn. Như thế, kể từ thời Tổng thống Grover Cleveland, ngân sách quân sự, nhất là với hải quân, được gia tăng đáng kể.


Và rồi, khi đã tự tin hơn về móng vuốt của mình, đế quốc cao bồi ấy mới càng nghênh ngang hơn nữa. Thậm chí chỉ trong vòng mấy mươi tiếng đồng hồ Mỹ đã có thể tạo nên một quốc gia mới. Như trường hợp Panama.


Panama, vốn là lãnh thổ của Colombia, là mãnh đất vẫn được Mỹ nhỏ dãi thèm thuồng. Khi Mỹ đề nghị mua đứt khu vực có con kênh đào với giá 10 triệu đô–la, Thượng Viện Colombia, nhóm họp vào tháng Tám 1903, thẳng thừng bác bỏ. Tức giận, Tổng thống Theodore Rooselvelt miệt thị những kẻ không tôn trọng quyền lợi Mỹ kia như “những súc vật nhỏ nhoi tởm lợm” và ra lệnh khuấy động phong trào ly khai tại Panama. Manuel Amador, một chính khách địa phương được chọn mặt gởi vàng, và ngày 17.10 cùng năm, ông ta cùng nhiều “đồng chí” khác cùng đến Mỹ để trù liệu một kế hoạch “cách mạng” nhằm chống lại “ách thống trị” Colombia. Chỉ một ngày sau, và ngay tại New York, tất cả – từ “hiến pháp” cho đến “quốc kỳ” – đều đã sẳn sàng. Bunau–Varilla, một kỹ sư người Pháp, từng làm việc cho công ty kênh đào Panama, được bổ nhiệm vào chức vụ đại sứ Panama tại Mỹ; một đại sứ kỳ quái nhất trên thế giới bởi quốc gia đó lúc ấy vẫn chưa ra đời và viên đại sứ thì chưa bao giờ được phép thường trú tại phần đất này.


Hai tuần sau, 3/11/1903, với tiền Mỹ, “cách mạng” đã có thể mua chuộc toàn bộ lực lượng an ninh tại đây nhưng cũng phải đợi khi tàu chiến Mỹ tiến vào cảng Colon họ mới dám công bố “tuyên ngôn độc lập”. Ngày 6/11, Mỹ tuyên bố công nhận tân quốc gia và ngay hôm sau đó, phái đoàn của tân chính phủ đã lên đường sang Mỹ nhằm thương thảo về thoả ước kênh đào. Tuy nhiên, khi phái đoàn đến Washington D.C bằng đường hoả xa vào lúc 11.30 ngày 18/11, thoả ước đã được viên đại sứ tự tiện ký kết cách đó mấy tiếng đồng hồ!


Mỹ Châu Latin giai đoạn này nổi bật với những nền kinh tế phá sản. Vay những món nợ với lãi suất khá cao từ Âu Châu, họ mất hẳn khả năng hoàn trả. Và trước “tục lệ” dùng tàu chiến để đòi nợ khá phổ biến lúc bấy giờ, Luis M. Drago, ngoại trưởng Argentina, ra sức vận động một điều ước quốc tế nhằm ngăn cản những phương thức đòi nợ hết sức võ biền như thế. Tuy nhiên, đón trước ý đồ đó. ngày 3.12.1902, Tổng thống Rooselvelt đã minh định thái độ không can thiệp với điều kiện những chủ nợ Âu Châu không có ý định ở lỳ.


Venezuela là một thí dụ điển hình. Giành được quyền bính trong tay, nhà độc tài Cipriano Castro của Venezuela đã cho phép những kẻ ủng hộ mình đơn phương xoá nợ hay chiếm hữu tài sản của người ngoại quốc. Không phải Castro không sợ tàu chiến Âu Châu, vấn đề là ông ta tin tưởng vào CTM. Tuy nhiên, với chiếc đèn xanh đã bật từ bài diễn văn của Rooselvelt; những hạm đội của Anh, Đức và Ý, đã rầm rộ ra khơi... đòi nợ. Đường biển bị phong toả, tàu bè bị đánh đắm hay bị tịch thu, thành phố, hải cảng bị nã đạn; Cipriano vội vã cầu cứu Mỹ. Nhưng Mỹ lại lấy làm hài lòng khi Âu Châu tỏ ra dè dặt và tôn trọng Chủ thuyết Monroe. Vấn đề được đưa ra trước toà án quốc tế. Và, với phán quyết của Toà án Hague ngày 22.2.1904, khả năng đòi nợ bằng súng đạn lại được chính thức nhìn nhận. Như thế, Mỹ càng lo ngại hơn về một viễn ảnh ở đó tàu chiến Âu Châu có thể đường đường chính chính hiện diện tại Châu Mỹ La Tinh với lý do nợ nần. Họ phải xem xét lại chính sách đối ngoại.


Và rồi lý thuyết ngoại giao này được “nâng cấp” với cương lĩnh Roosevelt Corollary, do Tổng thống Rooselvelt công bố ngày 6/12/1904. Vị tổng thống thứ 26 của Mỹ này nghiêm giọng cấm hẳn bất kỳ sự can thiệp của những chính quyền phi–Mỹ trong những vấn đề của Mỹ Châu Latin, đồng thời giao phó cho Mỹ sứ mạng của một sen đầm khu vực nhằm đoan chắc những quốc gia này sẽ phải “hoàn thành nghĩa vụ quốc tế” của họ. Một thí dụ: để khỏi lâm vào cảnh nợ nần, xứ sở nhỏ bé Dominican có “nghĩa vụ” phải chấp nhận một cố vấn kinh tế Mỹ, và sau đó là “nghĩa vụ” phải bổ nhiệm viên cố vấn đó vào vị trí cầm cân nẩy mực hệ thống tài chính tại đây.


Tuy nhiên, vấn đề vẫn chưa được giải quyết tận gốc rễ. Điều quan trọng là Mỹ phải thay thế Âu Châu ở vị trí chủ nợ. Như một mũi tên bắn vào hai đích, Mỹ muốn gạt Âu Châu ra khỏi Mỹ Châu Latin và hợp pháp hoá quyền can thiệp bằng vũ lực tại khu vực với tư cách chủ nợ. Thế cho nên khi William Howard Taft kế nhiệm Roosevelt vào năm 1909, đường lối “Ngoại Giao Đô–la” – do ngoại trưởng Philander Knox khởi xướng – đã được ráo riết áp dụng.


Nghĩa là đã đến lúc sử dụng túi bạc kè kè trên vai. Đường hướng ngoại giao con bê vàng ấy có thể tóm tắt như thế này: những ngân hàng Mỹ “tích cực” cho những quốc gia trong khu vực vay tiền, và chính phủ Mỹ sẽ “tích cực” bảo vệ quyền lợi của công dân mình trong những trường hợp xáo trộn. Như thế, khi được yêu cầu, Mỹ sẽ lập tức tăng phái quân đội với nhiệm vụ “vãn hồi trật tự” để rồi sau đó tổ chức bầu cử nhằm thiết lập một chính quyền “ổn định”. 


Nicaragua là nạn nhân tiêu biểu của một chính sách như thế. Với Mỹ, xứ sở này có một vị trí chiến lược đáng kể. Tàu bè Mỹ ra vào kênh đào Panama đều phải băng ngang hải phận Nicaragua, cả hai bên đại dương. Tuy nhiên xứ sở này, dưới bàn tay cai trị của nhà độc tài José Zeleya (1893–1910) đã là một cái gai trong con mắt Mỹ khi chỉ trông cậy vào những ngân hàng Âu Châu. Năm 1909, một nhóm quân nhân – với sự ủng hộ vật chất và tinh thần của người Mỹ – đã khởi động cuộc chiến nhằm lật đổ José Zaleya. Tuy nhiên, một năm sau đó, khi họ ca khúc khải hoàn, Mỹ vẫn chưa chịu công nhận chính quyền mới. Điều kiện? Nicaragua phải vay tiền Mỹ để rũ sạch những món nợ Âu Châu.


Nhưng vẫn chưa xong. Nicaragua sau đó còn bị ép phải chuyển giao ngành quan thuế cho Mỹ kiểm soát, một hình thức ăn cướp theo kiểu bề trên mà không một quốc gia có chút xíu tự trọng nào có thể dễ dàng chấp nhận. Tháng 12.1911, khi Knox đơn phương công bố “Mỹ hoá” ngành quan thuế tại đây, bạo động đã bùng nổ. Nhưng không hề gì, quả đấm Mỹ đã sẵn sàng. Những chiến hạm bên bờ biển và thủy quân lục chiến trên đất liền. Họ phải vãn hồi trật tự để “bảo vệ” những đồng đô–la đã ép buộc Nicaragua vay mượn. Một cách hoàn toàn phù hợp với “công pháp quốc tế”! Thứ “công pháp” của những kẻ vừa có súng trong tay, vừa có tiền trong túi! Mà đâu phải chỉ mỗi một Nicaragua? Mục tiêu chiến lược của Mỹ tại khu vực Trung Mỹ là bảo vệ kênh đào Panama, bảo vệ quyền lợi Mỹ, và bảo đảm những ảnh hưởng chính trị. Thế cho nên từ Dominican cho đến Honduras, Haiti hay Cuba, hết thảy đều không thoát khỏi nanh vuốt Mỹ.


Với túi tiền dày cộm và với những họng súng đen ngòm, đế quốc cao bồi ấy đã bóp nghẹt hầu bao của bao kẻ yếu. Ngang ngược, nó không chấp nhận một công lý nào khác ngoài thứ công lý về quyền lợi của chính mình. Và Mỹ Châu La Tinh, có lẽ hơn lúc nào hết, thực sự thấm thía nổi lòng của Diáz: Thượng Đế thì xa quá, nước Mỹ thì gần quá. 


Cả Tổng thống Woodrow Wilson, người kế nhiệm Taft, cũng đã chỉ trích tính cách phản đạo đức ở chính sách ngoại giao đô–la và viên đạn. Năm 1913, sau khi nhậm chức, Wilson đã nêu lên những bất công giữa Mỹ và những quốc gia phương Nam: những đặc quyền đặc lợi ê hề của Mỹ dưới mỹ từ “nhân nhượng” và nhưng nước Mỹ chưa bao giờ phải “nhân nhượng” ai.


Nhưng lý tưởng thì lý tưởng, Wilson chỉ đả kích chính sách của người tiền nhiệm cho sướng mồm; và, càng đả kích bao nhiêu, ông ta càng củng cố vị trí và quyền lợi Mỹ tại khu vực bấy nhiêu. Một cung cách lá mặt lá trái. Và, năm 1918, sau Đệ Nhất Thế Chiến, trong cương lĩnh 14, Wilson lại tô vẽ hướng đường lối ngoại giao Mỹ dưới ánh hào quang của mục tiêu “phổ quát hoá” những giá trị Mỹ trên toàn thế giới.


Nhưng thế nào là giá trị Mỹ? Có phải đó là thứ huyền thoại anh hùng về những tên cao bồi với những hình ảnh bệ rạc, tồi tàn và hung ác che phủ dưới lớp hào quanh lấp lánh bên ngoài? Có phải đó là những phiên họp ở ngọn đồi Capitol, nơi – như Anatole Frank đã ẩn dụ diễn tả trong Penguin Island – những thành viên nối tiếp nhau yêu cầu những cuộc chiến tranh sắt, những cuộc chiến tranh than, những cuộc chiến tranh chuối... ? Nghĩa là dùng họng súng để bảo đảm những tài nguyên cần thiết cho sự thịnh vượng của Mỹ?


Bất cứ nơi nào, hễ dính dáng đến quyền lợi chiến lược của Mỹ, nhất định phải lởn vởn những trò chính trị cao bồi: những trò phá thối, những cuộc đảo chính đẫm máu hay cuộc bầu cử gian lận. Nó phải tạo cho kỳ được những chính phủ tuyệt đối phục tùng mình mới thôi. Cứ thế, kể từ những ngày chập chững của Chủ thuyết Monroe, thì với Mỹ, Thượng Đế bao giờ cũng vẫn... xa quá.


Vân, với Mỹ dường như Thượng Đế bao giờ cũng đủ xa để những nơi chốn cách trở đến nửa vòng trái đất cũng có thể trở nên gần quá. Như Việt Nam của chúng ta. Cái năm 1963, Huế với Sài Gòn. Và năm 1973, Hà Nội, Sài Gòn và Paris.


Rồi 1975, sau khi cộng thêm hai năm decent interval...


Nguyễn Hoàng Văn 


Tư liệu tham khảo & chú thích:


Horowilz, D. 1967. From Yalta to Vietnam. Penguin Book.

Kennar, G. K. 1968. American Diplomacy, 1900–1950. New York: Mentor Book.

Schulzinger, R. D. 1984. American Diplomacy in the 20th Century. Oxford University Press.


* Henry Kissinger: “To be an enemy of the US is dangerous, but to be a friend is fatal". Còn Lời bà Bhutto trên tờ FEER tôi thuật theo trí nhớ.