Thứ Ba, 19 tháng 9, 2023
Lý Đợi: Nỗi lòng Vua Hàm Nghi
Riêng với tranh của Hàm Nghi (1871–1944), vị hoàng đế lưu vong, thì có 19 bức, đa số tranh sơn dầu khổ nhỏ, từng thuộc sở hữu của Henri Aubé, một lính Pháp đóng quân ở Hà Nội từ năm 1907 đến năm 1909.
Nhà Lynda Trouvé lần này chơi sốc, bằng việc phá giá tối đa, khi mà trần khởi điểm không có bức nào vượt quá 5.000 EUR, thậm chí vài bức chỉ 800 – 1.000 EUR. Rõ ràng mức khởi điểm này là để tạo sự thu hút và kịch tính cho phiên đấu sắp tới.
Ví dụ như bức “Sous-bois au soleil couchant” (Bụi cây lúc mặt trời lặn, sơn dầu trên vải, 39x30 cm) khá đẹp, mà chỉ có mức khởi điểm chỉ 1.500 – 2.000 EUR, thì giống như đùa giỡn vậy.
Tuy nhiên, với mức khởi điểm này thì có vẻ phù hợp với tất cả bảo tàng, tổ chức, trường học có liên quan đến Hàm Nghi hoặc mỹ thuật tại Việt Nam.
Xem 19 tranh qua ảnh chụp, thấy có tình trạng hư hỏng nhẹ, có lẽ do Henri Aubé là một người lính, di chuyển nhiều, việc bảo quản tranh cũng chưa thật tốt. Nhưng cũng khá may, sự hư hỏng này đều ở mức chữa chạy được, với trình độ y khoa mỹ thuật như hiện có ở Việt Nam.
Hàm Nghi lên ngôi lúc 14 tuổi. Ông ban Chiếu Cần Vương ngày 13/7/1885, kêu gọi cả nước đánh giặc. Tháng 11/1888, ông bị giặc Pháp bắt sống tại miền núi tỉnh Quảng Bình, đưa xuống tàu đi đày ở Algérie (Bắc Phi).
Tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Hà Nội, trong hồ sơ tập 7, phông Nha kinh lược Bắc kỳ, có hai bài thơ chữ Nôm “Ngự bút tự trào quốc âm nhị thư ban Bắc kỳ chư thứ” của Hàm Nghi. Viết trong giai đoạn Cần Vương, nghĩa là lúc 14–15 tuổi, nhưng đã rõ khí khái.
Bài 1:
“Ôi việc trên đời nghĩ cũng hay,
Sơn hà xã tắc nắm trong tay
Hai hàng mũ áo mong mong trước
Bốn phía cày bừa nhớ nhớ nay
Tôn tổ vun trồng đà có tớ,
Đất trời ngang dọc ngẫm từ đây
Xoay vần con tạo xem chăng tá?
Quét sạch tanh hôi có mặt này”.
Bài 2:
“Nhủ bảo quân dân cập lại quan
Thứ cho tội trẫm đã muôn vàn
Ngôi cao kịp tới liền lo nghĩ,
Tuổi trẻ nhưng nay luôn thở than
Vạch đất ra tay tề xã tắc
Xin trời mở mặt với giang san
Bốn phương đâu để theo dòng cũ
Trung nịnh rồi ra sẽ liệu bàn”.
Có một thông tin (chưa có dữ liệu kiểm chứng) nói rằng khi đi đày thì Hàm Nghi bị cấm thư từ, viết lách với quê nhà. Nên có lẽ vì vậy mà ông chọn vẽ tranh để bày tỏ nỗi lòng mong nhớ cố hương, dù hiếm khi nào ông vẽ [hoặc được phép vẽ] phong cảnh cố hương.
Trong các phong cảnh ấy, hiếm khi nào thấy ông vẽ người Tây phương/Bắc Phi, chỉ một màu bảng lảng, lam chiều – một thị giác khá quen của Trung bộ.
Tranh của Vua Hàm Nghi tại cuộc triển lãm đấu giá:
![]() |
Bord de rivière |
![]() |
Bosquets |
![]() |
Champs de blé |
![]() |
Chemin de campagne |
![]() |
Chemin le long de la rivière |
![]() |
Fin d'été au bord de la rivière |
![]() |
Lac au crepuscule |
![]() |
Le sentier aux peupliers |
![]() |
Maison au bord de l'eau |
![]() |
Reflets |
![]() |
Rivière un après-midi d'été |
![]() |
Sentier au bord de la rivière |
![]() |
Sentier de hallage |
![]() |
Soir d'été sur la rivière |
![]() |
Soleil couchant sur la campagne |
![]() |
Sous-bois au soleil couchant |
![]() |
Troupeau au pré |