Thứ Ba, 12 tháng 9, 2023

Anita Felicelli: “Nhận xét về tiểu thuyết ‘Kiều nữ robot Klara và ông thần Mặt Trời” của Kazuo Ishiguro, LARB, Thiên Nhất Phương lược dịch

Trong một cuộc phỏng vấn với giám đốc người Pháp Francois Truffaut, giám đốc Alfred Hitchcock đã thảo luận làm sao gây sự giật gân để cho khán giả có nhiều hiểu biết hơn diễn viên mới là điều quan trọng. Trong một phim mà khán giả biết có một trái bom dấu sẵn trong khi hai người khác thản nhiên thảo luận sẽ làm cho không khi căng thẳng và giật gân hơn là một phim với cảnh bình thường, khán giả không biết chút nào về trái bom sắp nổ. 

Trong phim Hitchcock Strangers on a train và phim Shadow of a Doubt, nét ngoài vô hại che dấu sự hãi sợ của mối nguy hiểm sắp tới, một sự nguy hiểm được báo trước khá sớm, không những chỉ bằng đối thoại, nhưng còn bằng máy quay phim xoay quanh với sự nghi ngờ. Biết rằng có trái bom nổ chậm, khán giả muốn báo động cho hai người đang nói chuyện, muốn họ tham dự vào những diễn tiến sắp xảy ra.

Nếu khán giả của Hitchcock chỉ thuần túy xem những diễn biến cổ điển – một cô choai choai nản chí, hai người đàn ông trong một thị trấn nhỏ đang thảo luận cách hay nhất để giết ai đó, một ngôi sao quần vợt muốn lấy con gái vị thượng nghị sĩ – những khán giả này có thể kinh ngạc vì tiếng nổ của trái bom, nhưng cũng có thể họ ít can dự hơn. Trong cuốn tiểu thuyết không tưởng, Kiều nữ robot Klara và ông thần Mặt Trời, một cuộc khám phá tinh tường, đầy buồn phiền về tâm trạng con người trong cuốn sách đầu tiên ông viết kể từ khi trúng giải văn chương Nobel, Kazuo Ishiguro đã dùng đến trái bom nổ chậm. Cuốn tiểu thuyết sử dụng những cảnh trì hoãn và dồn ép tin tức hết sức chặt chẽ để tăng cường sự lo âu, dùng thời gian để tiết lộ nguồn gốc của sự đe dọa. Chúng ta biết một cái gì kinh hoàng sẽ được tiết lộ, nhưng không biết khi nào mà thôi.

Từ lúc khởi đầu cuốn sách, độc giả đắm mình trong viễn tượng ngôi thứ nhất của một người máy, Người Bạn Nhân Tạo, tên kiều nữ Klara. Ishiguro không phải là một người quá chú ý về văn phong, trong khi ông có biệt tài tạo ra những biến cố đầy kịch tính để biểu lộ tình cảm cũng như những xoay chuyển của câu chuyện. Giọng văn không gò ép, rất thân mật, trong sáng, giản dị, không gượng ép. Đọc thấy rất trôi chảy. Tuy nhiên, sự đơn giản và trong sáng của áng văn có tính cách lừa bịp – nhũng gì xảy ra trong cuốn tiểu thuyết có chiều sâu tâm lý sâu thẳm, như nỗ lực nhào xuống tận đáy của vực sâu Mariana Trench (1). 

Cuốn tiểu thuyết bắt đầu tại một cửa tiệm nơi mà kiều nữ robot Klara được cô Quản lý đưa ra cho khách hàng coi cùng với robot đồng sự Rosa như bạn thân thiết của những trẻ cô đơn. Những người máy robot lần lượt được trưng bày tại cửa kiếng “đại diện” cho tiệm với thế giới bên ngoài.

Cô Quản lý cho hay dù chưa có ai chọn Klara, nhưng nhiều trẻ em sẽ muốn lựa chọn em. Tuy nhiên, cô cũng báo động trước, 

Trẻ em lúc nào cũng hứa hẹn. Chúng tới cửa kinh, chúng hứa đủ thứ chuyện. Chúng hứa sẽ trở lại, chúng bảo rằng đừng để ai mua mày nhá.. Chuyện xảy ra thường xuyên. Đứa trẻ không bao giờ quay trở lại. Tệ hơn nữa, lúc quay trở lại, đứa trẻ quên bẵng người máy đang chờ đợi, nhân tiện, chọn luôn một người máy khác…

Cô Quản lý giải thích là Klara rất đáng cho mọi người lưu tâm bởi vì Klara giỏi quan sát và tận tâm. Những đặc điểm này khiến Klara trở thành người kể chuyện lý tưởng với tương lai không dễ dàng gì mà nó đang tiến tới. Klara định dùng thấu cảm, tưởng tượng xem mọi người cảm thấy thế nào, phương thức đó quá xa vời, xoắn tít, và vô hình, nên nó biến thành trò mua vui, không những cho bạn đọc, mà cho cả chinh Klara. Sự tách rời lạ lùng đó cũng tô màu thêm cho cách nhận định những sự việc xảy ra trong cuốn tiểu thuyết; có những lúc chúng ta thấy sự quan sát khiến ta sởn gai ốc, nhưng không tách rời chúng ta, và thực ra chúng cũng không làm ta rùng mình bao nhiêu trong sự quan sát của con người thật sự. (trong diễn tiến ở khúc sau, một bà mẹ không biết chắc sẽ nói được bao nhiêu với Klara, đã so sánh kiều nữ và bộ mặt kiều nữ với cái máy hút bụi.) Tính cách siêu thực của cuốn truyện được tăng thêm với những nhắc nhở: viễn kiến của kiều nữ robot Klara đã được sắn xẻ thành từng hộp, và Klara không nhìn là có sự gì đó lạ lùng trong gia đình cô chủ mà Klara cần được biết: “Tao muốn mọi sự thẳng thắn giữa chúng ta kể từ lúc khởi đầu.[...] ờ,sự việc đôi khi không như ý muốn. Đừng hiểu lầm tao, nhiều lần, mày không cảm thấy. Nhưng tao muốn nói thẳng với mày. [...] Làm ơn nói rằng mày vẫn muốn về với tao.

Klara tỏ ý vẫn muốn về ở với Josie. Mẹ của Josie mua hẳn Klara để phục vụ như Người Bạn Giả Tạo. Klara phải tìm cách cố gắng hiểu biết gia đình mới này cũng như sự che chở của gia đình và bằng hữu của họ. Bạn Hữu Giả Tạo được nuôi sống bằng ánh sáng mặt trời. Ông thần Mặt Trời là điều cốt yếu cho sự sống còn của chúng. Một Bạn Giả Tạo khác chỉ tay xuống sàn nhà và cho các robot biết rằng nếu chúng lo lắng, chúng có thể đụng tay vào vòng mặt trời ở dưới sàn nhà để lấy lại sức mạnh. 

Klara trắc nghiệm điều này:

Tôi tiến hai bước về phía trước mặt, bò xuống sàn nhà, duỗi cả hai tay vào cái mẫu của thần Mặt Trời trên sàn. Khi những ngón tay tôi đụng vào cái mẫu, cái mẫu mờ nhạt hẳn đi cho dù tôi đã cố hết sức – tôi đập tay liên tục vào chỗ mà ông thần Mặt Trời đã ngự, không thấy có kết quả, tôi dùng cả hai tay xoa mặt sàn nhà – ông thần Mặt Trời nhất định không quay lại.

Đoạn văn coi như tụ điểm vang dội của nỗi buồn lai láng trong cuốn tiểu thuyết. Cả thế giới đang thay đổi, vô tình và biến mất vĩnh viễn. Bất cứ chúng ta làm gì, bất cứ chi tiết nào chúng ta cố thu giữ và lưu trữ chúng trong khoảng âm u của ký ức, thế giới sẽ không còn như trước nữa, dù chúng ta cố hồi tưởng xem nó có như vậy không. 

Nỗi lo lắng sẵn có trong sự tiết lộ từ lúc đầu của Josie cho Klara hay trong cửa tiệm: có một cái gì đó lạ kỳ đang xảy ra. Tại sao mẹ Josie có vẻ kỳ cục? Có trái bom nổ chậm, tác đã giả khôn khéo không nêu hết mọi chuyện cho tới gần giữa câu chuyện. Băn khoăn không hiểu mối đe dọa là gì – ngoài cái hiển hiện trước mắt, cả một xã hội đang dùng người máy như Bạn Thân Nhân Tạo cho những đứa trẻ cô đơn – đang thúc đẩy độc giả hướng tới tương lai.

Những gợi ý quái gở được tạo ra hàng loạt trong những phân cảnh ngày càng gây hỗn loạn và càng giới hạn. Thí dụ như chuyện lạ lùng là mẹ của Josie đưa Klara đi xem thác nước thay vì đem theo Josie. Ishiguro miêu tả nỗi lo lắng trong suốt chuyến đi chơi; rồi sự căng thẳng trong mối liên hệ giữa Josie và Klara ngay trước khi cho độc giả biết: “Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau đó, một sự việc khác xảy ra đã có lúc làm cho tình bạn của chúng tôi kém nồng nàn. Điều này là chuyến du ngoạn Thác Morgan, cuộc đi chơi khiến tôi rất khó chịu, bực bội bởi vì phải đợi khá lâu tôi mới vỡ lẽ tại sao nó gây ra sự lạnh nhạt giữa hai đứa.” 

Một khi chúng ta đã được thông báo những chuyện gì đã xảy ra, trọng tâm của truyện thay đổi cho thấy những nỗ lực của Klara nhằm hàn gắn mối sứt mẻ. Ishiguro xây dựng nút thắt kinh hoàng và nút mở buồn thảm nhẹ nhàng với tài khéo léo, cẩn trọng.

Những tiểu thuyết đáng nhớ của Ishiguro khảo sát về ký ức và nỗ lực lưu giữ những tập tục của một thế giới đang ngày càng biến dạng và mất mát. Klara là cuốn tiểu thuyết nổi bật làm độc giả hồi hộp nhiều hơn một trong hai truyện cùng một cấu trúc. The Remains of The Day và cuốn Never Let Me Go dựng lên một thế giới hỗn độn của những người chăm sóc. Cuốn truyện để lộ tình bạn và tình yêu của ba nhân vật; bộ ba tương tự cũng được mô tả trong Klara, nhưng ít lộ liễu, ít xúc động hơn. Klara chia xẻ sự thu hút cảm động trong truyện với xã hội, cách thức giả tạo mà con người chia rẽ nhau và sự bí ẩn của trái tim con người khi chống lại xã hội. 

Kazuo Ishiguro, Nhà văn,nhà biên kịch,
nhạc sĩ người Anh gốc Nhật,
Nobel Văn học năm 2017.

Tuy nhiên, Klara cũng trình bày tài năng của Ishiguro khi ông diễn tả quan điểm của những nhân vật dịch vụ, bị dồn nén. Cuốn The
Remains of The Day tập trung vào quan điểm của Stevens, một quản gia tư cách, chính thống, vốn là người Anh. Trong khi giọng văn của Ishiguro ở một số truyện làm cho độc giả cảm thấy như thô nhám thì tản văn âu yếm đặc biệt này lại tuyệt hay trong những màn do người máy thuật lại. Chính người máy này ở trong truyện làm cho một con người cô đơn cảm thấy đỡ cô quạnh; tuy nhiên, vì chỉ là người máy, hoạt động có mục đích rõ ràng, nhưng ý thức bị giới hạn trong mọi dịch vụ. Klara có phạm vi cảm tình bị hạn chế – trong nhiều hoàn cảnh mà cô có thể cảm thấy muốn nổi lôi đình, buồn chán hay hạnh phúc – thì thay vào đó, cô cảm thấy ý nghĩa lớn lao về bổn phận, và mục tiêu phải làm, tựa như Stevens.

Khung cảnh của Đại Chiến thứ hai có thể là một con đường dài với tiểu thuyết giả tưởng Kiều Nữ robot Klara và ông Thần Mặt Trời, nỗi ám ảnh của Ishiguro về sự mất mát nảy sinh ra bởi một thế giới luôn luôn bị tan rã, luôn luôn bị lãng quên đã đem lại sự miên viễn khó mà đập tan được. 

Trái bom luôn luôn bị kích động, khi sự hiện diện của nó được lộ ra, nó tiếp tục sự căng thẳng cho tới trang chót của cuốn truyện. Độc giả có thể nhìn thấy những sơ sót trong tiểu thuyết của Ishiguro, tạo nên bởi cấu trúc hay lời đối thoại dài dòng, phản ảnh lời nói thường ngày. Tuy nhiên, trong cuốn Kiều Nữ robot Klara và ông Thần Mặt Trời, giọng văn của tác giả lại bay bướm, giản dị, nhưng ám ảnh và căng thẳng. Cách hay nhất là đọc nó như bản cáo trạng về tính cách độc nhất vô nhị của trái tim con người. Phải chăng có một linh hồn, một cái gì đó, hay một vật gì đó, vượt khỏi tầm tay kỹ thuật trong khi vật đó tiến về trước mặt với sự đe dọa phá hết mọi thứ chúng ta được biết? Qua kịch bản của tiểu thuyết, Ishiguro đem lại cho chúng ta câu trả lời. Đó là câu trả lời thâm sâu. 

Anita Felicelli, Los Angeles Review of Books, 

March 5, 2021

* Anita Felicelli is the author of Chimerica: A Novel and the short story collection Love Songs for a Lost Continent.  

Thiên Nhất Phương phỏng dịch

  1. Mariana Trench, trũng Mariana ở Thái Bình Dương sâu nhất trên thế giới (11.000 mét hay 35.876 bộ.) 

  2. NGUỒN: 

Bomb Under the Table: on Kazuo Ishiguro’s “Klara and The Sun.” March 5, 2021. 

By Anita Felicelli, 

LARB Los Angeles Review of Books