Thứ Ba, 8 tháng 8, 2023

Thơ và thơ dịch của thầy giáo Cù An Hưng

Nhà giáo, nhà thơ, dịch giả Cù An Hưng.

Ông Cù An Hưng (26/4/1940-3/8/2023) là thầy giáo dạy Toán nổi tiếng với nhiều thế hệ học trò, đặc biệt là các thế hệ học sinh luyện thi vào đại học tại Sài Gòn.

Thuở nhỏ, ông học tại trường Thăng Long, Hà Nội rồi Chu Văn An, Sài Gòn sau khi di cư vào Nam. Tốt nghiệp Cử nhân Khoa học Sài Gòn, 19 tuổi được giữ lại trường làm phụ tá giảng dạy. 

Sau đó tiếp tục làm giáo sư tại Đại học Khoa học Sài Gòn và luyện thi Đại Học môn toán tại các Trung Tâm luyện thi. 

Ông yêu thích nghề giáo. Theo ông Cù An Bình, em trai của thầy Cù An Hưng hiện sống tại Paris cho biết, trước ngày 30/4/1975, ông và cả gia đình có thể di tản bằng máy bay, nhưng ông đã từ chối vì cho rằng sẽ chỉ là công dân hạng hai nơi nước ngoài và chắc chắn rằng tình thầy trò sẽ không tốt đẹp như tại Việt Nam.

Ngoài đam mê giảng dạy, ông còn có nỗi đam mê văn chương, là một người am hiểu về thi ca Việt Nam và thế giới, một nhà thơ và một dịch giả. Ông có thể dịch thơ từ tiếng Pháp, tiếng Anh và cả chữ Hán.

Nhà giáo, nhà thơ và dịch giả Cù An Hưng vừa qua đời ngày 3/8 tại Sài Gòn. DĐTK xin giới thiệu một số bài thơ ông sáng tác và thơ dịch của ông. 

DĐTK.


***

THƠ CÙ AN HƯNG

Tình khúc không tên

Muốn cầm tay nói nhỏ 

Cho anh xin một buổi chiều

Trời tháng năm Sàigòn trút lửa

Nắng cháy da em bé lê la 

Bụi đường xóa mờ thành phố 

Con ngựa già kéo xe thổ mộ 

Chiếc xe thồ anh đi

Bên cạnh cuộc đời khốn khổ 

Và chính anh mười năm khốn khổ 

Ví như có em

Anh xin đem sơn xe hóa màu tuyết trắng 

Rồi ướp hương mai

Chọn lối cỏ thơm rực rỡ hoa cài

Thì nắng chói chang cũng hồng tươi như nắng sớm

Bụi nhơ ngờ phấn hương

Xe lăn như ngàn xưa 

Đưa nhau vào mộng mơ 

Nổ dưới chân là nhạc đệm 

Gió bên tai là tiếng ca 

Ánh hoàng hôn, đèn dạ hội,

Kể cho nghe ngày tuần trước quen nhau.

Người đẹp phương Nam ơi Tình Sầu anh hiểu rõ 

Hoa phương Nam rực rỡ dịu dàng ơi 

Sao ngơ ngác sợ Tình Sầu

1967

(Nguồn: gia đình cung cấp)


***

Đoản khúc

Sông đêm mù mịt

Bờ xa

Một ánh đèn


***

Mùa âm reo

Rong chơi bỗng khựng cỗ xe tạ từ

Nay mềm thân gốc cỏ

Mờ vắng vết bờ xưa

Dế xuân lịm chết trở mùa âm reo

***

Tế vọng

Góc ồn bàn quán mời thêm miệng

Thoáng những hướng nhìn

Mở những vòng tay

Đây mùa tế vọng Nàng

Từ-khách ấy sao phanh ngực 

Và một hớp thân phơi 

Ghế trống

Ngồi lại

Gom quặng trải bìa nâu

Bày

Những tầng khác biệt 

Tiếng đục khơi tình đất

Mùa tế vọng 

Bí mật kết nguyên sơ 

Đường chênh vênh hiu ánh lửa

Chân xưa nhòa dấu vết 

Về-xa kia nơi vẫn giấu lâu đài 

Riêng người nghe thác tạp những âm giao 

Chiều khai hội

Chỉ là vài món sơ sài 

Chút đời sống đọt chồi khô 

Ẩn ghế vắng Trống Đồng quán 

Như còn chiếc bóng giữa mùa không 


(Nguồn: Trong tập Trước Sân Nhà, thơ in chung 14 tác giả, NXB Trẻ) 


***

Giận hờn 

Em hờn, em gịận.

Em ngơ

Đắng cay giọt lệ trong mơ tràn về.

Giận ai,

Giận thật ai ngờ.

Hờn cay chẳng biết bao giờ mới nguôi

Nếu chua cay,

Cuối cuộc đời 

Thì thôi thôi nhé,

Cạn lời làm chi.

Khép đôi tay.

Đóng cuộc tình.

Trăm năm rồi mãi trăm năm gịận hờn?


(Cù An Hưng-Cù An Bình, bài thơ làm chung cuối cùng, 2023.Nguồn: gia đình cung cấp)


***

THƠ CÙ AN HƯNG DỊCH

Tống biệt-Vương Duy

Há mã ẩm quân tửu
Vấn quân hà sở chi?
Quân ngôn bất đắc ý
Quy ngọa Nam sơn thùy
Đãn khứ mạc phục vấn
Bạch vân vô tận thì.

*

Tống biệt

Xuống ngựa uống cùng bạn
Đi đâu ta hỏi ngay
Bạn rằng chẳng toại ý
Về ẩn Nam sơn đây
Đã bỏ chớ hỏi nữa
Nghìn thu mây trắng bay

***

Tống hữu nhân-Lý Bạch

Thanh sơn hoành bắc quách,
Bạch thủy nhiễu đông thành.
Thử địa nhất vi biệt,
Cô bồng vạn lý chinh.
Phù vân du tử ý,
Lạc nhật cố nhân tình.
Huy thủ tự tư khứ,
Tiêu tiêu ban mã minh.

*

Tiễn một người bạn

Núi xanh xanh vắt ngang vách bắc
Quành một dòng nước bạc phía đông thành.
Chính từ đây nơi tống biệt huynh
Thả cánh bồng cô đơn xuôi vạn lý
Khách lãng du phù vân dẫn ý
Tình bạn xưa gởi ánh tà dương
Là thôi tay vẫy lên đường
Lìa đàn ngựa hí dặm trường tiễn đưa.

(Nguồn:  Trong tập Trước Sân Nhà, thơ in chung 14 tác giả, NXB Trẻ)

***

Ba Lăng Dạ Biệt Vương Viên Ngoại-Giả Chi

Liễu nhứ phi thì biệt Lạc Dương
Mai hoa phát hậu tại Tam Tương
Thế tình dĩ trục phù vân tán
Ly hận không tùy giang thủy trường

Chú thích: Tam Tương là tên đất ở phía nam hồ Động Đình

*

Ban đêm tại Ba Lăng từ biệt Vương Viên Ngoại

Lúc liễu tơ bay rời Lạc Dương

Khi mai rụng hết, ở Tam Tương
Tình đời tan tác như mây nổi
Ly hận theo sông vạn dặm đường

***

Mang Sơn-Thẩm Thuyên Kỳ 

Bắc Mang sơn hạ liệt phần doanh
Vạn cổ thiên thu đối Lạc thành
Thành trung nhật tịch ca chung khởi
Thử sơn duy văn tùng bách thanh

Chú thích: Bắc Mang là tên một ngọn núi ở phía bắc Lạc Dương 11 dặm. Lăng tẩm các vua đời Đông Hán và mộ các danh thần đời Đường phần nhiều ở đó.

*

Mang Sơn

Mang sơn la liệt mộ công khanh
Muôn thuở nằm trông cảnh Lạc thành
Rộn rã thành đêm ca vũ nhạc
Vi vu đầu núi lá thông xanh

(Nguồn: gia đình cung cấp)

***

Bài hát từ đài cao nhất (Chanson de ta plus haute tour-Arthur Rimbaud)

Xin qua đây, hãy tới đây
Thời gian khiến người mê say

Biết bao nhẫn nại đợi chờ
Ngay tim muôn thuở không quên
Cả sợ hãi lẫn đau đớn
Đã tan biến nhập tầng trên
Và cơn khát đốn hư này
Tràn huyết mạch,tối om vây

Xin qua đây, hãy tới đây
Thời gian khiến người mê say

Như một đồng cỏ mướt
Gieo xác chốn quên lãng
Lớn rộ và đơm bông
Bằng hương với cỏ tùng
Vo ve ồn dữ tợn
Từng đám, ruồi nhơ bẩn

Xin qua đây, hãy tới đây
Thời gian khiến người mê say


(Nguồn: Gieo & Mở/ NXB Đồng Nai, 1995)

*** 

Giữa con đường (In The Middle Of The Road, Carlos Drummond de Andrade).

Giữa con đường có một tảng đá

có một tảng đá giữa con đường

có một tảng đá

giữa con đường có một tảng đá.

 

Tôi không bao giờ quên biến cố ấy

lọt trong đời cái võng mạc mệt của tôi.

Tôi không bao giờ quên giữa con đường

có một tảng đá

có một tảng đá giữa con đường

giữa con đường có một tảng đá.

*** 

Vai anh chống đỡ thế giới (Shoulders Support The World, Carlos Drummond de Andrade)

Đến một thời anh không còn nói

Thượng Đế của tôi.

Một thời lau sạch hết.

Một thời anh không còn nói

tình yêu của tôi.

Bởi tình yêu được chứng minh là vô ích.

Và mắt không khóc.

Và tay chỉ làm việc nặng.

Và trái tim khô.

 

Đàn bà gõ vô vọng cửa, anh không muốn mở.

Anh cứ ở một mình, đèn tắt,

con mắt lớn trong bóng tối, long lanh.

Anh không còn biết gánh cơn đau.

Và chẳng muốn gì từ bạn bè.

 

Ai quan tâm nếu thời xưa đến, cái gì là thời xưa?

Vai anh chống đỡ thế giới

và nó nhẹ hơn tay trẻ thơ.

Chiến tranh, nạn đói, xung đột gia đình trong cao ốc

chỉ chứng tỏ đời sống tiếp tục

và không ai giải thoát được mình.

Người mẫn cảm thấy cảnh tàn ác

sẽ ưa chết hơn.

Đến một thời chết cũng chẳng xong.

Đến một thời sống theo một lệnh.

Cuộc đời không lối thoát.

 

(Từ tuyển tập The Poetry of Our World: An International Anthology of Contemporary Poetry, do Jeffery Paine chủ biên (HarperCollins, 2000).

Nguồn: Tiền Vệ 


***

Tôi giải thích vài sự việc (I’m explaining a few things, Pablo Neruda) 

Anh sẽ hỏi: Nay đâu hoa tử-đinh-hương?

Mảng chữ rối những thứ á phiện?
Và cơn mưa thường dập những từ
của anh, thường lấp đầy chúng bằng
những lỗ thủng và chim?

Những gì xảy ra với tôi, tôi kể hết.

Tôi sống trong một khu phố
Madrid, với chuông,
Đồng hồ, và cây.

Từ nơi đây có thể thấy
khuôn mặt nạc Tây Ban Nha
như một đại dương bằng da.

Nhà tôi được mệnh danh
ngôi nhà hoa, bởi nhà đầy ắp
hoa phong-lữ đỏ,
một ngôi nhà xinh xắn
có chó và trẻ nhỏ.

Raul, nhớ chăng anh?
Nhớ chăng anh, Rafael?
Feredico, nhớ chăng anh
ngầm dưới đất,
nhớ chăng anh nhà tôi có ban-công nơi
ánh sáng tháng sáu bóp nghẹt hoa trong miệng anh?

Này người anh em!
Mọi thứ nơi đây là
tiếng la, hàng hoá vị mặn
từng đống bánh mì phập phồng,
chợ khu phố Arguelles với bức tượng
như cái bình mực nhợt giữa cá
dầu olive vươn tới những cái thìa,
những tiếng bước chân những tiếng đập tay
vang rền trên phố,
những mét, những lít,
thực chất của đời,
                  cá xếp chồng chất,
trên những mái nhà trong nắng lạnh
uể oải cái chong chóng gió,
đồ ngà cực kì dễ thương đựng cà chua,
những trái cà chua trải dài tới biển.

Và tất cả cháy rụi một buổi sáng kia
và một buổi sáng kia, hỏa hoạn
đến từ đất
tàn sát người,
và từ lúc ấy       lửa,
và từ lúc ấy       thuốc súng,
và từ lúc ấy       máu.

Kẻ cướp với máy bay và người Moor,
kẻ cướp với băng đảng và vợ quận công,
kẻ cướp với thầy tu áo choàng đen ban phước,
bọn chúng đến qua không khí để giết đám trẻ
và qua không khí, máu trẻ
giản dị chảy, như máu trẻ.

Lũ chó rừng chính chó rừng muốn bỏ,
những tảng đá mà hoa cúc khô muốn đâm xuyên,
lũ rắn độc chính rắn độc kinh tởm.

Tôi đã thấy trước mặt anh
máu Tây Ban Nha hừng hực bốc
khiến anh chìm trong cơn sóng đơn độc
của niềm kiêu hãnh và những lưỡi dao.

Bọn tướng tá
phản trắc,
hãy nhìn cái nhà đã chết của tôi
hãy nhìn Tây Ban Nha gãy vỡ,
nhưng từ mỗi nhà đã chết, nảy sinh
kim loại cháy bỏng, thay vì hoa,
nhưng từ mỗi lũng sâu của Tây Ban Nha
Tây Ban Nha tiến bước,
nhưng từ mỗi xác trẻ, nảy sinh một khẩu súng có mắt,
nhưng từ mỗi tội ác, nảy sinh đạn,
những viên đạn lục tìm trong anh một ngày kia
nơi đâu là chỗ của tim.

Anh sẽ hỏi: tại sao thơ tôi
không nói về giấc ngủ, về lá,
về những núi lửa vĩ đại nơi quê tôi.

Hãy đến đây và nhìn máu trên phố,
hãy đến đây và nhìn
máu trên phố
hãy đến đây và nhìn máu
trên phố.


***

Không ngoại trừ cái chết (Nothing But Death, Pablo Neruda): 

Có những nghĩa địa cô đơn,
những mộ đầy xương không tiếng động,
con tim qua một đường hầm,
đen tối, đen tối, đen tối,
như chiếc tầu đắm chúng ta chết bên trong,
như chết đuối nơi tim,
như rơi từ da vào tâm hồn.

Có những xác người,
có bàn chân của phiến đá ẩm lạnh,
có cái chết trong xương
như âm thanh tinh thuần,
như tiếng sủa không chó,
trồi lên từ chuông đâu đó từ mộ đâu đó,
lớn dần trong độ ẩm như khóc như mưa.

Một mình, đôi lúc tôi thấy
những quan tài dưới buồm đè cái neo,
với linh hồn vàng vọt, với phụ nữ trong sự căng thẳng,
với thợ làm bánh mì trắng như thiên thần,
với thiếu nữ trầm ngâm kết hôn cùng gã công chứng tòa án,
quan tài leo trên sông-thẳng-đứng của người chết,
con sông dâu tằm,
phía trên, buồm căng vì âm thanh cái chết,
căng vì âm lặng của cái chết.

Với những gì quyết liệt và rõ ràng, cái chết đến
như chiếc giày không bàn chân như lễ phục không người,
nó đến gõ với nhẫn không đá không ngón tay,
nó đến hét không miệng không lưỡi không cổ họng.
Nhưng bước chân nó leng keng,
quần áo nó sột soạt, lặng lẽ, như cây.

Tôi không biết, riêng hiểu ít tôi khó thấy, nhưng
nghĩ nó hát bài ca mầu hoa violet ẩm nhờn,
với khuôn mặt màu lục
với cái nhìn đăm đăm màu lục,
với độ ẩm của lá cây violet vươn đâm
và mầu uy nghi của mùa đông chán ngấy.

Cái chết cũng qua thế giới trong vai chú rể,
liếm sàn nền trông chờ các linh hồn,
nó ở trong chú rể,
là lưỡi cái chết trông chờ người chết,
kim cái chết trông chờ chỉ xuyên.

Cái chết ở trong giường cũi của trẻ thơ
trên nệm nhàu, trong mầu đen.
nó sống dang rộng tay và đập bất thần,
một tiếng động tối tăm, lớp vải căng phồng,
và có những giường trong chuyến đi tới một bến
nơi, trong lễ phục đô đốc, nó sẵn chờ.

(Nguồn: Thi Viện)