Thứ Ba, 8 tháng 8, 2023
Dư luận chung quanh vụ án Nguyễn Văn Chưởng
![]() |
Tử tù Nguyễn Văn Chưởng |
Luật sư Lê Văn Hòa: Tóm tắt vụ án Nguyễn Văn Chưởng
LGT: Nhân sự kiện tử tù Nguyễn Văn Chưởng sắp bị thi hành án, để giúp bạn đọc theo dõi vụ án, chúng tôi xin được đăng lại bài viết của LS Lê Văn Hòa, viết về vụ án nay hơn hai năm trước.
I. DIỄN BIẾN VỤ ÁN
Ngày 14/7/2007: Khoảng 21h, trên đoạn đường vào nhà máy thép Đình Vũ (An Hải, Hải Phòng) xảy ra một vụ án mạng, nạn nhân là Nguyễn Văn Sinh, Thiếu tá Cảnh sát hình sự Công an phường Đông Hải 2, Q. Hải An, Hải Phòng. Do vết thương quá nặng, anh Sinh đã chết vào 8h sáng 15/7/2007 tại bệnh viện.
Ngày 3/8/2007: Rạng sáng, CQCSĐT CATP Hải Phòng bắt giữ Nguyễn Văn Chưởng (sinh 1983, quê: Thôn Trung Tuyến, Bình Dân, Kim Thành, Hải Dương), là công nhân Công ty TNHH Đại Phát (HP), đã có vợ, không tiền án, tiền sự (Chưởng còn là chủ quán Café Thiên Thần ở phường Đông Hải 2, Hải An, HP). Bị bắt cùng ngày với Chưởng là Đỗ Văn Hoàng và Vũ Toàn Trung.
Ngày 4/8/2007: Em trai Chưởng là Nguyễn Trọng Đoàn (sinh 1987), xin được giấy xác nhận của một số nhân chứng khẳng định họ đã gặp Chưởng trong buổi tối 14/7/2007 tại quê ở Hải Dương (tức là Chưởng không có mặt tại hiện trường vụ án ở HP vào thời điểm xảy ra án mạng – 2 địa điểm cách xa nhau khoảng 40km).
Ngày 10/8/2007: Đoàn mang đơn khiếu nại của mẹ cùng giấy xác nhận của các nhân chứng nộp cho CQCSĐT thì liền bị bắt khẩn cấp về tội “Che giấu tội phạm”. Sau này, Cáo trạng cũng quy kết Đoàn đã h/dẫn các nhân chứng “viết đơn, giấy xác nhận để khai báo gian dối và cung cấp tài liệu sai sự thật, che giấu hành vi phạm tội để cho Chưởng được ngoại phạm”.
Ngày 3/11/2007: Báo Tiền Phong có bài “Vụ sát hại một Thiếu tá CA ở Hải Phòng: Những uẩn khúc cần làm rõ”, trong đó, tổ phóng viên điều tra phỏng vấn và trích dẫn đơn thư của một số nhân chứng khẳng định Chưởng có mặt ở quê Hải Dương vào buổi tối diễn ra vụ sát hại Thiếu tá Sinh. Nhân chứng Trần Quang Tuất cho biết: Trước đó, anh bị CQĐT dọa nên sợ hãi và viết lại lời khai là “không nhớ chính xác”.
Ngày 27/01/2008: CQCSĐT ra Kết luận điều tra, khẳng định Chưởng đã khai nhận cùng Trung và Hoàng chém chết Thiếu tá Sinh với mục đích cướp của để lấy tiền mua heroin.
Ngày 12/6/2008: TAND TP Hải Phòng xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với Chưởng, Trung, Hoàng, Đoàn. Chưởng, Hoàng, Trung bị kết tội “Giết người” theo điểm e, g, khoản 1 Điều 93, và tội “Cướp tài sản” theo khoản 1, Điều 133 BLHS: Chưởng bị cáo buộc là chủ mưu, lĩnh án tử hình; Hoàng bị cáo buộc là kẻ thủ ác, lĩnh án chung thân; còn Trung 20 năm tù, do khai nhận hành vi phạm tội + với tình tiết bà nội của Trung được tặng thưởng Huy chương (áp dụng Điều 46 BLHS). Đoàn bị kết án 2 năm tù về tội “Che giấu tội phạm” theo Điều 313 BLHS. (Chưởng, Hoàng, Đoàn đã kháng cáo).
Ngày 21/11/2008: TANDTC mở phiên tòa phúc thẩm (chủ tọa Nguyễn Văn Sơn) tuyên y án sơ thẩm. Chưởng tiếp tục kháng cáo kêu oan với lý do thời điểm xảy ra vụ án mạng Chưởng không có mặt ở HP mà đang ở quê HD; Hoàng kháng cáo kêu oan với lý do không tham gia cùng Chưởng, Trung; Đoàn kháng cáo kêu oan với lý do việc xác nhận Chưởng có mặt ở quê là đúng sự thật.
Ngày 7/4/2009: Từ trại giam, Chưởng gửi thư cho mẹ và gia đình, tường thuật lại toàn bộ vụ việc, khẳng định bị tra tấn, ép cung nên mới phải nhận tội:
“Họ đánh con tới tấp, con không nói được câu nào nữa, họ thôi đánh thì con mới thở được và nói là sao các chú đánh cháu, cháu có làm gì đâu? Và họ nói “Không làm gì thì tao mới đánh, chứ làm gì thì đã không bị đánh” và họ lại tiếp tục đánh con và dùng còng số 8 treo chỉ có hai đầu ngón chân cái chạm xuống đất…Khi ở trên trại Kế, Bắc Giang, con đã nghĩ là mình không thể sống được đến lúc ra trước tòa để nói lên toàn bộ sự thật nên con đã thêu lên tất cả quần áo chữ Chưởng VT tức “Chưởng vô tội”. Cả vỏ gối con cũng thêu nữa, còn áo phông trắng con thêu bài thơ kêu oan…”.
Ngày 18/4/2011: VKSNDTC ra “Kháng nghị giám đốc thẩm số 09/KN-VKSTC-V3”, đề nghị HĐTP TANDTC xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy bản án hình sự phúc thẩm đối với Chưởng để xét xử phúc thẩm lại theo hướng giảm hình phạt cho Chưởng xuống tù chung thân.
Ngày 7/12/2011: HĐTP TANDTC (gồm 11 thành viên) do Chánh án Trương Hòa Bình làm chủ tọa, mở phiên tòa giám đốc thẩm, bác Kháng nghị của VKSNDTC.
Ngày 15/5/2012: 5 VPLS biện hộ cho Chưởng cùng làm kiến nghị gửi CTN Trương Tấn Sang, cho rằng kết án tử hình Chưởng là oan, sai, đồng kiến nghị CTN cho dừng việc thi hành án tử hình đối với Chưởng và giao cho CQĐT VKSNDTC xem xét trách nhiệm hình sự của những người tiến hành tố tụng.
Ngày 18/4/2013: Nhân chứng Trần Quang Tuất (cùng quê với Chưởng, ở Bình Dân, Kim Thành, HD) làm đơn xác nhận thời điểm xảy ra vụ án mạng, Chưởng có mặt ở quê HD. Trong đơn, anh Tuất cũng phản ánh việc bị CA tra tấn, ép cung: “Tôi bị các anh CA dọa nạt, chửi bới, có lúc khóa tay vào ghế, đấm vào đầu, dọa bắt giam tôi… suốt cả ngày làm việc các anh CA luôn bắt ép tôi phải viết là: “Không nhớ rõ thời gian gặp Chưởng, và việc tôi làm giấy xác nhận để gửi cho cơ quan CA trước đây là do tôi nhớ nhầm. Do lo sợ bị bắt giam, nên tôi đã không còn cách nào khác là phải viết theo yêu cầu của CA…”.
Ngày 10/9/2013: Nhân chứng Trịnh Xuân Trường (bạn của Chưởng) làm đơn gửi VKSNDTC, xác nhận Chưởng có mặt ở quê nhà HD vào tối 14/7/2007. Trong đơn, anh Trường cũng cho biết đã bị tra tấn, ép cung: “Chính CA tên Phong đã dùng thuốc lá đang hút châm bỏng hai bụng cánh tay tôi trước đó. Không chịu được đòn tra tấn quá dã man và do ít hiểu biết về pháp luật nên tôi phải viết theo hướng dẫn của CA”.
Ngày 20/9/2014: Từ trại tạm giam Trần Phú (HP), Chưởng tiếp tục làm đơn kêu oan.
Ngày 12/12/2014: Hai Ls Phạm Hoàng Việt và Hoàng Văn Quánh (Đoàn LSTP Hà Nội) bào chữa cho Nguyễn Trọng Đoàn và Nguyễn Văn Chưởng, làm đơn kiến nghị cho rằng việc tuyên án tử hình với Chưởng vì tội giết người là thiếu căn cứ, “có rất nhiều điểm còn chưa được CQĐT làm rõ, nhiều điểm mâu thuẫn và vi phạm tố tụng”.
Ngày 13/3/2015: Trả lời chất vấn của UBTVQH về vụ án Nguyễn Văn Chưởng, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết: Viện trưởng VKSND tối cao có kháng nghị nhưng HĐTP TANDTC bác kháng nghị này. Qua phân tích, TANDTC nhận định, Chưởng là người cầm đầu vụ giết người, cũng là 1 trong những người chém nạn nhân. Quyết định của HĐTP là cao nhất, là sau cùng, Chánh án cũng không thể làm gì được. “Vậy giao Chánh án giải quyết lại thì tôi chịu thua, không có cách nào làm được…Tất nhiên, nếu có kiến nghị của Quốc hội thì chúng tôi sẽ xem xét thận trọng”.
II. NHIỀU VI PHẠM TỐ TỤNG NGHIÊM TRỌNG
1. Vi phạm thủ tục tố tụng trong bảo vệ, khám nghiệm hiện trường; thu giữ, quản lý vật chứng của vụ án:
– CQĐT không tổ chức bảo vệ giữ nguyên hiện trường vụ án; việc thu giữ, quản lý vật chứng của vụ án rất tùy tiện: Cảnh sát Phạm Hồng Quang đem áo mưa, áo cảnh sát, dép…của nạn nhân Sinh gửi ở phòng bảo vệ Công ty Neu Hope; còn điện thoại di động và khẩu súng K59 + 1 băng đạn còn 1 viên của anh Sinh thì anh Quang cầm và mang đi đâu không rõ, đến hơn 1h ngày 15/7/2007 mới được lập biên bản thu giữ và đến 17h cùng ngày mới làm thủ tục niêm phong (BL: 517; 535).
– Vụ giết người xảy ra hồi 21h30’ ngày 14/7/2007, nhưng đến 15h30’ ngày hôm sau mới tổ chức khám nghiệm hiện trường.
– Việc anh Sinh đi dép hay đi giầy khi bị chém cũng chưa được làm rõ.
Nhân chứng Phạm Hồng Quang khai anh Sinh đi dép (BL: 517); nhân chứng Nguyễn Văn Phước cũng khai anh Sinh đi dép (BL: 535); nhưng nhân chứng Đặng Thái Sơn khai anh Sinh đi giầy đen có dây (BL 523: khai 2 lần; BL: 524).
b. Đánh giá chứng cứ chưa đầy đủ, thiếu khách quan:
– Dấu vết để lại trên áo và thi thể nạn nhân khẳng định nạn nhân không chỉ bị tấn công, tác động tại hiện trường, mà có thể đã bị tấn công, tác động trước đó ở một địa điểm khác:
+ Bản Giám định pháp y của Viện khoa học hình sự kết luận: Trên cơ thể nạn nhân, ngoài các dấu vết do các loại hung khí có cạnh sắc nhọn gây nên còn có các vết hằn xây xát da mềm đỏ nâu ở vùng lưng do vật cứng có cạnh dài tiếp xúc hẹp gây ra; ngoài ra còn có các tổn thương bầm tụ máu vùng thắt lưng hai bên do vật tày gây nên. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã kết luận hung khí của nhóm Chưởng là dao, kiếm chứ không có hung khí nào là vật tày (vậy có chăng, trước khi bị chém bằng dao, kiếm là vật sắc, nhọn ở cổng Nhà máy thép Đình Vũ thì anh Sinh đã bị tác động, tấn công bằng vật tày ở địa điểm khác?).
+ Tại Biên bản giao nhận vật chứng thu được tại hiện trường vụ án, ngoài xe máy, dao, kiếm… còn thống kê, bàn giao 1 khẩu trang trắng kẻ xanh (BL:698), nhưng không được làm rõ chiếc khẩu trang đó là của ai và có liên quan đến vụ án hay không?
+ Biên bản giám định không kết luận vân tay ở cò khẩu súng K59 thu tại hiện trường là của ai (vậy lấy cơ sở nào kết luận anh Sinh đã bắn? và cần phải làm rõ khẩu súng đó anh Sinh có được cấp phép sử dụng không? Đơn vị nào cấp? cấp từ khi nào?…).
+ Thời gian sinh hoạt của nạn nhân Sinh trước khi bị chém ở cổng Nhà máy thép Đình Vũ cũng chưa được chứng minh một cách khách quan là ở đâu, làm gì, tiếp xúc với ai để tạo nên thương tích trên thân thể như Bản Giám định pháp y của Viện khoa học hình sự đã kết luận: “Các vết hằn xây xát da mềm đỏ nâu ở vùng lưng do vật cứng có cạnh dài tiếp xúc hẹp gây ra; ngoài ra còn có các tổn thương bầm tụ máu vùng thắt lưng hai bên do vật tày gây nên”, để làm căn cứ xác định nguyên nhân cái chết của nạn nhân.
+ Nhân chứng Phạm Hồng Quang (chiến sỹ CAP Đông Hải 2) khai (BL:515): Ngay sau khi anh Sinh bị bắn, anh Quang nhìn thấy có một người lạ đi cùng Đặng Thái Sơn (chiến sỹ CAP Đông Hải 2) tới chỗ anh Sinh đang nằm hôn mê tại hiện trường, nhưng không làm rõ người lạ đó là ai và đến với mục đích gì?
– Việc quy kết Hoàng, Trung, Chưởng chém nạn nhân Sinh nhằm cướp tài sản là chưa thuyết phục. Cả 2 cấp xét xử (ST, PT) cũng như Giám đốc thẩm đều đánh giá chứng cứ thiếu khách quan, suy đoán ép tội (quy kết Chưởng là chủ mưu và bọn Chưởng chém anh Sinh vì mục đích cướp tài sản).
Căn cứ vào diễn biến vụ án do chính các cơ quan tiến hành tố tụng kết luận, thì trong suốt quá trình chuẩn bị phạm tội cũng như quá trình phạm tội của bọn Chưởng không có sự bàn bạc, phân công vai trò của từng người; không có sự phân công việc chuẩn bị hung khí; không có sự bàn bạc về cách thức sẽ đi cướp; đặc biệt không bàn đến việc sẽ giết người để cướp tài sản (như vậy, không loại trừ nguyên nhân anh Sinh có thể bị chém vì ghen tuông tình ái hoặc mâu thuẫn xã hội?…).
– Việc xác định Chưởng là chủ mưu và tham gia chém nạn nhân là chưa thực sự khách quan:
+ Lời khai của các bị cáo và một số nhân chứng cho thấy có nhiều mâu thuẫn, không đủ cơ sở kết luận Chưởng là chủ mưu, nhưng không được làm rõ. Các cơ quan tiến hành tố tụng chủ yếu dựa vào lời khai còn nhiều mâu thuẫn của Trung và Phương (người yêu Trung) để buộc tội Chưởng.
+ KLĐT, Quyết định truy tố và các bản án đều khẳng định: Khi phát hiện có người đi xe máy ngược chiều, Chưởng điều khiển xe máy quay lại và chỉ nói một câu “Đây rồi” chứ không có câu nào mang ý nghĩa chỉ huy hay ra lệnh cho cả bọn nhảy xuống chém nạn nhân.
+ Khi Chưởng dừng xe chỉ có Hoàng và Trung tự nhảy xuống chém anh Sinh và một trong những nhát chém của Hoàng là nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân (Bản giám định pháp y số 33-374/2007 ngày 19-7-2007 của Tổ chức giám định pháp y Hải Phòng kết luận: “Nạn nhân bị một số vết thương tích trên cơ thể, trong đó có 1 vết thương sọ não hở vùng thái dương phải gây choáng chấn thương sọ não nặng không hồi phục quyết định sự chết của nạn nhân).
Khi anh Sinh nổ súng thì Trung và Hoàng chạy lại chỗ Chưởng vẫn đang ngồi đợi trên xe máy và được Chưởng lái xe bỏ chạy.
Các bản khai của nhân chứng Nguyễn Văn Phước (bảo vệ Công ty Hoàng Gia) chứng kiến quá trình anh Sinh bị chém đều khẳng định: Có 3 người đèo nhau trên một xe máy, khi gặp anh Sinh chỉ có 2 người ngồi sau nhảy xuống chém, khi anh Sinh nổ súng thì 2 người đó chạy lại chỗ người cầm lái vẫn đang nổ máy đứng đợi, sau đó cả 3 bỏ chạy/ lời khai của nhân chứng Phước phù hợp với lời khai của Chưởng và Trung là Chưởng chính là người điều khiển xe máy chở Hoàng và Trung (BL: 110; 123; 243; 359…).
+ Có nhiều nhân chứng xác định thời điểm xảy ra vụ án, Chưởng có mặt ở quê Hải Dương nhưng không được điều tra, đối chất một cách khách quan.
+ Chưởng khai đã cung cấp bản kê các cuộc gọi đi, gọi đến điện thoại của Chưởng (0974.863.087) trong thời điểm xảy ra vụ án, nhưng không được xem xét.
+ Tại các phiên tòa ST, PT, Chưởng và Hoàng đều phản cung, họ khai rằng việc họ nhận tội ở CQĐT là do bị ép cung, bị đánh đập (vậy phải chăng đó chính là nguyên nhân làm cho các lời khai của Hoàng, Chưởng, Trung có nhiều mâu thuẫn?), nhưng không được điều tra làm rõ.
+ Các lời khai mâu thuẫn, hành vi, hung khí và dấu vết trên cơ thể nạn nhân không phù hợp cũng không được thực nghiệm điều tra làm rõ…
Luật sư Nguyễn Văn Hòa
Nguồn: Báo Tiếng Dân
TS Nguyễn Ngọc Chu: Ân xá là giải pháp nhân văn hợp lý cho Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải
1. ÉP CUNG
ÉP CUNG là nguyên nhân lớn dẫn đến án oan. Chừng nào còn có ép cung thì chừng đó án oan còn nhiều. Không phải cơ quan điều tra Việt Nam “phá án rất nhanh, thuộc hàng giỏi nhất thế giới”, như một vị Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư Pháp QH đã lầm tưởng [1] mà ép cung ở Việt Nam mới thuộc nhóm nhiều hàng đầu thế giới. Ép cung thì phá án nhanh. Nhưng kết quả là án oan. Các vụ án oan chấn động Việt Nam (Nguyễn ThanhChấn, Huỳnh Văn Nén, Trần Văn Chiến … [2] đều là hậu quả của ép cung.
Vụ án Nguyễn Văn Chưởng là một vụ án bị ép cung. Nhiều nhân chứng và bị can trong vụ án Nguyễn Văn Chưởng đều tuyên bố trước toà là bị ép cung. Chẳng hạn như nhân chứng Tuất:
“Nhân chứng Tuất trước toà vẫn trình bày đúng những gì Tuất đã trình bày với các PV Tiền phong: Tối 14/7/2007, Chưởng đi cùng một người bạn đến nhà Tuất. Tuất nhớ chính xác ngày tháng, vì hôm đó nhà Tuất thu hoạch dưa hấu, lại trùng vào ngày mùng Một âm lịch. HĐXX hỏi: “Vì sao tại CQĐT anh đã rút lại lời khai này?”, Tuất đáp: “Do tôi bị đấm, bị còng tay vào ghế, bị giữ suốt cả ngày và dọa bắt, nên tôi sợ” [3]
Vụ án Nguyễn Văn Chưởng là vụ án oan. Chính Viện Kiểm sát NDTC cũng khẳng định sự kết án oan đối với Nguyễn Văn Chưởng. Phó viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hải Phong khẳng định quan điểm của lãnh đạo Viện KSND tối cao:
“Qua xem xét hồ sơ vụ án, chúng tôi thấy chưa đủ căn cứ vững chắc để kết luận Chưởng là người chủ mưu, cầm đầu vụ giết người” [4]
2. ÂN XÁ
Dưới bàn tay các bạo chua thì “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”. Còn dưới các chế độ dân chủ văn minh thì “thà bỏ sót còn hơn giết nhầm”. Tử hình một người chưa chứng minh được có tội là một tội ác.
Hơn 16 năm ngồi tù (bị bắt 1/8/2007) với Nguyễn Văn Chưởng, và gần 16 năm ngồi tù (bị bắt 21/3/2008) với Hồ Duy Hải, khi chưa chứng minh được có tội là oan sai khủng khiếp. Hơn thế nữa Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải còn bị kết án tử hình. Nguyễn Văn Chưởng đang bị đề nghị đưa ra thi hành án. Còn Hồ Duy Hải thì đang chết dần chết mòn trong tù.
Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải bị kết án oan. Trong các nguyên nhân dẫn đến án oan của Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải, không loại trừ có các thế lực quyết buộc tội chết cho Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải. Bởi thế, hai vụ án oan Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải sẽ không thể kết thúc theo trình tự pháp lý thông thường. Cuộc chiến bảo vệ lẽ phải với thế lực quyết buộc tội chết sẽ kéo dài thời gian cầm tù Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải. Giải pháp nhân văn, hợp tình, hợp lý, hợp pháp cho hai vụ án Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải là ân xá.
Nhân dịp Quốc khánh mồng 2 tháng 9, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nên sử dụng quyền ân xá đối với Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải. Ân xá cho Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải là giải pháp duy nhất đúng để tránh được án oan tử hình và án oan cầm tù 16 năm với những người vô tội.
Không phải vì ghi danh lịch sử. Mà vì công lý và nhân văn, vì thực thi quyền hạn của nhân dân giao cho. Lệnh ân xá là của nhân dân trao quyền cho chủ tịch nước. Lịch sử các vụ án chế độ CHXHCN Việt Nam sẽ ghi nhận ‘công’, ‘trí’, và ‘nhân’ của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, vì đã thực thi một lệnh ân xá nhân văn, hợp lý, hợp tình cho Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải.
3. ĐỀ XUẤT
Án oan ở Việt Nam mỗi ngày một nhiều. Làm thế nào để giảm bớt án oan? Thực thi các biện pháp sau đây có thể giúp cho án oan ở nước ta thuyên giảm.
- Phải gấp rút đưa ra các biện pháp hữu hiệu để chấm dứt ép cung. Ép cung là tai hoạ. Án oan ở Việt Nam nhiều là bởi ép cung. Chưa chấm dứt ép cung dưới mọi hình thức thì sẽ còn hàng ngàn án oan động trời nữa.
- Khi tất cả - cơ quan điều tra, viện kiểm sát, toà án nhất trí tuyệt đối về buộc tội, mà vẫn còn đầy án oan. Huống chi Viện Kiểm sát NDTC không đồng tình, mà Toà vẫn kết tội tử hình đối với Nguyễn Văn Chưởng. Đó có nghĩa là các thẩm phán coi nhẹ số mệnh con người. Các thẩm phán sẽ phản ứng thế nào khi Nguyễn Văn Chưởng là con, là em của họ? Chắc chắn họ sẽ có các kết luận khác.
Bởi vậy, với các án liên quan đến tử hình, còn có khác biệt quan điểm của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, và toà án, thì dứt khoát chưa kết tội tử hình. Thà bỏ sót còn hơn giết nhầm.
- Sớm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xét xử để giảm bớt sai lầm, tránh được tác động có chủ ý của các nhân tố ngoại lên quá trình xét xử, rút ngắn thời gian xử án, và giảm bớt số lượng các vụ án tồn đọng.
Đọc các bức thư kêu oan của Nguyễn Văn Chưởng thêu trên áo, trên hình thú, mà thấm đẫm nước mắt. Không cần xem chi tiết vụ án thì cũng kết luận ngay được đó là án oan. Chỉ có oan ức ngút trời mới khiến con người có được nghị lực và mưu trí gửi lại trăng trối để cứu vớt cuộc sống.
Sai lầm là thuộc tính không tránh khỏi của con người do tạo hoá cấy vào. Khát khao sống cũng là thuộc tính không tránh khỏi của con người do tạo hoá cấy vào để con người bảo tồn sự sống. Cùng hoà vào dòng chảy nhân văn và tiến bộ của nhân loại, Việt nam cần tiến đến xoá bỏ án tử hình.
Một ngày tù ngàn thu ở ngoài. 16 năm trong tù, nếu có tội, cũng đã đủ để trả giá, huống chi là oan. Nếu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tự mình biết được hành trình bố mẹ Nguyễn Văn Chưởng và mẹ Hồ Duy Hải đi kêu oan cho con như thế nào, thì không thể không nhìn thấy sự thật vụ án. Những bà mẹ Việt Nam, khi cần, nuốt nước mắt vào trong mà dâng hiến con mình cho đất nước, nhưng khi con bị oan, thì sẵn sàng đổi mạng cứu con. Án tử hình oan, không chỉ oan hồn người bị tử hình vật vờ lang thang kêu oan, mà người mẹ của tử tù oan, khi chết cũng không thể nhắm mắt.
Quốc khánh mồng 2 tháng 9 sắp đến. Món quà quý giá cho công lý và nhân dân chính là lệnh ân xá cho Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải. Nhân dân cả nước sẽ đón tin ân xá Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải vui mừng hơn bất cứ bài diễn văn hoa mỹ nào.
Nguyễn Ngọc Chu
![]() |
Những con thú bằng nilon do tử tù Nguyễn Văn Chưởng làm, có 3 chữ: O,A, N. |
![]() |
Thư viết bằng tăm của tử tù Nguyễn Văn Chưởng |
Lời bình ngắn gọn của nhà văn Phạm Lưu Vũ: Ân xá cho ai? Cho bọn ác quỷ kia chăng? Án oan thì phải xóa, phải bồi thương ... Sao lại "ân xá"?
Ghi chú:
[1] https://vietnamnet.vn/co-quan-dieu-tra-vn-thuoc-dien-gioi-nhat-the-gioi-148252.html?fbclid=IwAR1aGho62wXEQNJTVmo4kZTqIPWxYq6UE1nOY90p9n5E5r6l2duP4tJltao
[2] https://giaoduc.net.vn/5-vu-an-oan-noi-tieng-lam-chan-dong-viet-nam-post148206.gd?fbclid=IwAR3x2wTrd56eRI0SA53m7bXFnoiBJGikrQiRuW0QRm4ZrHoVtY9CJutLZ1w
[3] https://tienphong.vn/ban-an-tu-hinh-va-loi-keu-oan-cua-hai-anh-em-bi-cao-post127312.tpo?fbclid=IwAR1M-gVWPUjVBgAlEUHSZ_AsLklPq0ieDJUvBPyFYlZfeahiwAK2sZ8eamE
[4] https://tuoitre.vn/vu-tu-tu-nguyen-van-chuong-da-het-duong-khang-nghi-723209.htm?fbclid=IwAR1MMwSJ6sBgZwj6pct54HyKYjhJMyW1yvN6eQzrs5EMU-s5di9NZPWHWDE
Nhà văn Tạ Duy Anh: Tiếc cho Kafka
(Nhân vụ án Nguyễn Văn Chưởng)
Trong số các tác phẩm lừng danh của Kafka, tôi bị ám ảnh nhất là tiểu thuyết "Vụ án". Hình như ông là một Gio An Tẩy giả trong văn chương, loan báo trước cả trăm năm về sự xuất hiện của những điều hãi hùng của một thế giới trong đó con người bị nghiền nát bởi quyền lực. Dưới đây là đoạn kết trong "Vụ án":
"…Còn có chuyện kháng án chăng? Còn có những lập luận bác bỏ mà người ta chưa nêu ra chăng? Nhất định thế. Cái lôgích dù không lay chuyển được thế nào đi nữa, nó cũng không cưỡng lại được một con người đương muốn sống. Viên quan tòa anh chưa gặp bao giờ ở đâu? Tòa án tối cao anh chưa đến bao giờ ở đâu? Anh giơ hai bàn tay và căng các ngón ra.
Nhưng một trong hai đứa vừa túm lấy cổ họng anh; đứa kia thọc dao vào tim anh và ngoáy ngoáy hai lần. Đôi mắt đã lờ đờ, nhưng K. vẫn còn nhìn thấy hai đứa chụm đầu vào nhau cúi xuống sát mặt anh để quan sát cảnh chót.
-Như một con chó!-Anh nói, như để gửi lại nỗi nhục nhã ở đời".
(Bản dịch của Phùng Văn Tửu)
Nhưng nếu Kafka đang sống và chứng kiến những gì vẫn ngày ngày diễn ra xung quanh chúng ta, ông sẽ thấy cái kết ấy thua xa cái kết mà ông chỉ việc coppy rồi dán vào, như dưới đây (Thay vào đoạn hai gã đàn ông phối hợp chọc dao vào cổ K.):
"…Tòa án Nhân dân thành phố…thông báo cho thân nhân người bị kết án K., biết:
Thân nhân người bị kết án K. có quyền làm đơn xin nhận tử thi, tro cốt người đã bị thi hành án tử hình gửi Chánh án Tòa án nhân dân…để được xem xét giải quyết. Đơn xin nhận tử thi, tro cốt người đã bị thi hành án tử hình về mai táng, an táng phải ghi rõ họ, tên địa chỉ người nhận tử thi và phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân nơi cư trú; quan hệ với người bị thi hành án; cam kết bảo đảm yêu cầu về an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường và tự chịu chi phí.
Thời hạn gửi đơn xin nhận tử thi, tro cốt người đã bị thi hành án tử hình đến Tòa án nhân dân …chậm nhất là 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo này".
Cái kết của Kafka gây cảm giác rùng rợn, trong khi cái kết sau thì tạo ra sự ghê rợn, ghê sợ cùng nỗi ám ảnh vĩnh viễn về sự tan rã tuyệt đối của văn hóa và lương tâm, để hoàn tất quá trình "hóa thú".
Nhà báo Đoàn Bảo Châu:
Tại sao tôi tin Nguyễn Văn Chưởng vô tội?
1. Giống 3 người tù Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long, Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Văn Chưởng bị tra tấn dã man, bị ép cung.
Là con người, bất kì ai rơi vào hoàn cảnh ấy, cũng phải nhận tội để thoát khỏi cảnh thân xác bị đau đớn quá sức chịu đựng của thần kinh.
Chính vì vậy mà Công ước chống tra tấn được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 10-12-1984 đã lên án ên án tra tấn như là một trong những hành vi vô nhân đạo và đê hèn nhất mà con người phạm phải với đồng loại.
Tất cả những lời khai nhận tội sau khi bị tra tấn, nhục hình là không có giá trị.
2. Chưởng có bằng chứng ngoại phạm và Đoàn, người làm chứng cho Chưởng cũng bị tra tấn, bắt buộc phải thay đổi lời khai, lại bị khép vào tội che dấu tội phạm.
3. Việc cố tình vi phạm pháp luật, dùng nhục hình với người tù đã thành một "truyền thống" với các điều tra viên ở Việt Nam. Chính cựu đại uý Lê Chí Thành, một đồng chí của họ cũng bị tra tấn man rợ như thời trung cổ, bị treo tay chân trong hầm cứt 7 ngày đêm. Khi ra toà, đi lết không nổi, phải có người dìu.
Tôi hoàn toàn có quyền tin rằng các điều tra viên và nhiều kẻ khác đã cố tình đổ tội cho những người vô tội với mục đích xấu. Nhất là khi đạo đức cán bộ vào thời kỳ vô cùng "ngạo nghễ" như công luận đã được chứng kiến.
Nếu có luật nhân quả thì những kẻ thủ ác sẽ phải đền tội. Chúng mang hình hài con người nhưng mang tâm hồn ác quỷ, chúng làm điều ác với đồng loại để hưởng lợi.
Bình thường tôi không nói tới luật nhân quả nhưng trong trường hợp này, khi cái ác và việc vi phạm pháp luật một cách ngang nhiên thì người dân như chúng ta bị rơi vào một hoàn cảnh bất lực, chẳng thể làm gì ngoài việc lên tiếng phản đối và ước gì luật nhân quả được thực thi.
Tôi biết, đấy là một sự yếu đuối nhưng có thể làm gì hơn?
Đây là những con hươu do Chưởng gấp bằng ni lông ở trong tù.
Một con người có tài, khéo tay, biết làm thơ.
Tôi tin Chưởng vô tội và nếu như em bị giết thì điều ấy cũng đồng nghĩa với việc công lý ở Việt Nam cũng bị giết.
Và lúc đó, lũ dân đen chúng ta thực sự là một lũ cừu bất lực. Bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể bị bắt, bị đánh tới thân tàn ma dại và thành kẻ có tội. Suy cho cùng, quan tâm tới Chưởng, đấu tranh cho công lý chính là đấu tranh cho chính chúng ta.