Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2023

Phạm Xuân Nguyên: 123 năm sinh nhà văn Antoine Éxupery (1900 – 1944)

Antoine de Saint-Exupéry.
Ảnh: Britannica.
Ngày này (29/6), cách đây 123 năm, Antoine Saint-Exupéry ra đời ở nước Pháp. Ông là phi công chiến tranh, nhà sáng chế, nhà văn nổi tiếng mà tên tuổi từ lâu đã vượt khỏi biên giới nước mình đến khắp nơi trên thế giới. Đặc biệt với tác phẩm “Hoàng tử bé” (Le Petit Prince) được dịch nhiều thứ hai sau Kinh Thánh, Exupéry đã nuôi dưỡng cuộc sống tâm hồn của bao thế hệ người như một thứ kinh Phúc Âm văn chương, giúp họ biết cách tìm hạnh phúc làm đứa trẻ suốt cuộc đời. Cuốn sách đó cùng cái chết của ông đã biến ông mãi mãi là điều bí ẩn của thế gian này.

Nhân kỷ niệm 123 năm ngày sinh (một con số rất hay) của Xanh-Tếch (cách đọc thân mật tên nhà văn), mời mọi người đọc lời “Nguyện cầu” của ông và bài viết của một nhà phê bình văn học Nga viết cách đây ba năm (2020).

Bìa sách Hoàng tử Bé, Wikipedia
***

NGUYỆN CẦU

(Antoine Saint-Exupéry)

Lạy Chúa, hãy dạy con nghệ thuật những bước đi nhỏ.
Con không cầu xin các phép lạ hay các khải tượng,
nhưng con cầu xin sức mạnh cho cuộc sống hàng ngày!
Hãy ban cho con sự chăm chú và óc sáng tạo để nắm bắt
đúng lúc những kiến thức và kinh nghiệm
đặc biệt cần thiết cho con.
Hãy giúp con tin chắc lựa chọn
việc phân bổ thời gian của con.
Hãy cho con cảm nhận cái gì là thiết yếu
và cái gì là thứ yếu.
Con cầu xin sức mạnh, sự tự chủ và sự chừng mực
để con không bị cuốn theo dòng đời,
mà để biết tổ chức khôn ngoan
ngày tháng cuộc đời con.
Hãy giúp con đương đầu tốt nhất có thể
với cái ngay trước mắt và nhận ra thời điểm hiện tại
như là quan trọng nhất.
Hãy cho con sáng suốt nhận ra rằng
cuộc sống đi kèm khó khăn, thất bại,
là cơ hội để lớn lên và trưởng thành.
Hãy làm cho con thành một người có thể hòa nhập
cùng những kẻ ở dưới đáy.
Hãy cho con không phải những gì con muốn,
mà là những gì con cần.
Hãy dạy con nghệ thuật những bước đi nhỏ!

(Ngân Xuyên dịch từ tiếng Pháp)

***

PHÚC ÂM TỪ ANTOINE

Pavel Basinsky

Người nào khi còn là một thiếu niên mà không cười không khóc trên những trang sách “Hoàng tử bé” với những bức vẽ minh hoạ của chính tác giả, thì đối với tôi, người đó đã đánh mất một điều quan trọng nhất trong tuổi thơ và tuổi niên thiếu của mình. Và tâm hồn trưởng thành của người đó là không đầy đủ vì nó bị thiếu mất chính cái thành phần rất quan trọng này. Có thể là tôi chủ quan, bởi vì chính tôi đã từng cười khóc với những trang sách và những bức vẽ đó. Và tôi thật khó tưởng tượng tuổi thơ của mình mà không có con trăn đã nuốt chửng một con voi để trở thành giống như một chiếc mũ, hay không có chiếc hộp trong đó đựng chính con cừu hoàn hảo mà tôi đang cần.

Nhưng nếu nói một cách nghiêm túc thì… Hãy tưởng tượng một điều lạ lùng xảy ra. Tất cả các tác phẩm của Exupéry, kể cả “Hoàng tử bé”, đột nhiên biến mất khỏi trang sách giấy và các phương tiện điện tử. Chỉ còn lại một câu duy nhất: “Bạn mãi mãi phải chịu trách nhiệm về tất cả những người mà bạn đã thuần hoá.” Chỉ câu đó thôi là đủ để tác giả của nó, Antoine de Saint-Exupéry, được lưu danh vào cõi vĩnh hằng. Đó gần như là một chân lý phúc âm; không phải ngẫu nhiên mà “Hoàng tử bé” xét về số lượng bản dịch sang các ngôn ngữ khác nhau trên thế giới (301 thứ tiếng, nếu tôi không nhầm) chỉ đứng sau một cuốn sách - Kinh thánh.

Tôi cũng nhớ cả những câu cách ngôn tuyệt vời khác nữa của nhà văn. Chẳng hạn: “Yêu không có nghĩa là nhìn nhau mà là cùng nhau nhìn về một hướng”. Hay: "Sự xa xỉ duy nhất trên thế giới là sự xa xỉ trong giao tiếp của con người." Và tất nhiên, “tất cả chúng ta đều sinh ra từ thời thơ ấu” – nghe qua tưởng như là điều hiển nhiên tầm thường, giống như “hai lần hai là bốn" hoặc "sông Volga chảy ra biển Caspi.”

Nhưng đối với Exupéry, đó không phải là điều tầm thường. Đó đã là số phận của ông. Khi cậu bé 12 tuổi, hậu duệ của một dòng dõi cổ xưa nhưng đã sa sút, con trai của một tử tước làm công việc thanh tra bảo hiểm khiêm tốn ở Lyon và chết vì xuất huyết khi Antoine mới 4 tuổi - khi cậu nhỏ bá tước người Pháp này lần đầu tiên được bay lên không trung trên chiếc máy bay do phi công nổi tiếng Gabriel Wroblewski điều khiển, số phận của cậu đã được định đoạt. Trong 32 năm sau đó ông không thể nào thoát ra khỏi tình thế này. Vì vậy, ông vẫn mãi là một đứa bé sống giữa trời và đất.

Trong một bức thư gửi cho người mình yêu, cháu gái của Hoàng đế Nga Alexander II là Natalie Paley, ông đã viết: “Thật nghiệt ngã khi đã được thấy thiên đường rồi đánh mất nó ngay.” Trong một bức thư khác, có những dòng chữ đáng kinh ngạc cho thấy một tâm trạng bế tắc không lối thoát: ‘Một hành tinh kỳ quặc, những vấn đề kỳ quặc, thứ ngôn ngữ kỳ quặc. Có thể ở đâu đó có một vì sao, nơi con người sống một cách đơn giản.”

Những lời này tóm gọn toàn bộ “Hoàng tử bé”, tác phẩm cũng được viết năm 1942 như các bức thư gửi Paley. Vì sao “nơi con người sống đơn giản" là nơi bạn có thể nhổ cây bao báp và hâm nóng bữa sáng trên những ngọn núi lửa đang hoạt động. Nơi bạn có thể làm bạn với hoa hồng và ngắm hoàng hôn vài chục lần trong ngày. Và, vâng, buồn bã vì cô đơn, nhưng nỗi buồn mới ngọt ngào làm sao! Những đứa trẻ niên thiếu có tâm hồn sục sôi phải bó mình trong thân xác chật chội quả là đau khổ biết bao. Với hầu hết mọi người điều này rồi sẽ trôi qua cùng với tuổi tác. Nhưng ở Exupéry thì không. Vì thế ngôn ngữ của ông dễ hiểu đối với trẻ em và thiếu niên.

Exupéry được coi là một trong những phi công nổi tiếng nhất. Ông đã có bằng sáng chế cho việc phát minh ra một số dụng cụ máy bay. Nhưng đồng thời, trong lịch sử hàng không thế giới, dường như không có phi công nào trong một thời gian hành nghề tương đối ngắn lại bị 15 (!) tai nạn. Nói chung lẽ ra ông không được phép bay nữa, sau khi đã bị các vết thương ở đầu và gãy xương. Chính trong thời gian chiến tranh lẽ ra ông cũng không được phép bay trinh sát hàng không tầm xa trên thế hệ máy bay mới nhất. Bạn bè đã ngăn ông khỏi bước đi này, cả vì tuổi tác, cả vì thể trạng ông không còn phù hợp để làm phi công trinh sát. Nhưng ông đã tìm cách để được bay qua vùng Lyon - nơi ông sinh ra và sống thời thơ ấu, nơi ông và các anh chị em của mình đã “làm bạn với những cây gia, đàn gia súc, châu chấu, ếch kêu và mặt trăng mọc trên trời ...” (Trích hồi ký em gái Simone của ông.)
Antoine de Saint-Exupéry biến mất vào ngày 31 tháng 7 năm 1944 trên chiếc máy bay này. Wikipedia

Ông đã phải trả giá cho chuyến trở về tuổi thơ này bằng cái chết bí ẩn của mình vào ngày 31 tháng 7 năm 1944. Antoine de Saint-Exupéry khởi hành từ sân bay Borgo trên đảo Corsica trong một chuyến bay do thám mà từ đó ông không quay trở lại. Câu hỏi về cái chết của ông vẫn còn bỏ ngỏ. Có vẻ như chiếc máy bay đã được tìm thấy vào đầu thế kỷ 21. Năm 1998, ở vùng biển gần Marseille, một ngư dân đã tìm thấy chiếc vòng tay của ông... Một cựu chiến binh lớn tuổi của “Luftwaffe” (Không quân Đức) là Horst Rippert, đã công khai tuyên bố rằng chính ông ta đã bắn hạ chiếc máy bay do Exupéry lái, và ông ta hối hận vì điều đó bởi cũng là một độc giả hâm mộ các cuốn sách của nhà văn-phi công. Nhưng trên các mảnh xác máy bay người ta không tìm thấy vết đạn nào. Cũng không tìm thấy phần cơ thể nào của chính Exupéry. Ông đã biến mất. Y như hoàng tử bé. “Nhưng tôi biết cậu ấy đã trở về hành tinh của mình, bởi vì khi bình minh ló dạng, tôi không tìm thấy cơ thể cậu ấy trên bãi cát."

Nhưng dù cho đến một khi nào đó chúng ta có biết được đúng sự thật về cái chết của ông, chúng ta vẫn không tin điều đó. Bởi vì “tất cả các vì sao đang khẽ cười” và “những chiếc lục lạc đang khóc”. Bởi vì “tất cả những điều này thật bí ẩn và vượt ra ngoài tầm hiểu biết. Đối với các bạn, những người cũng đã yêu hoàng tử bé giống như tôi, mọi chuyện không còn như cũ: toàn bộ thế giới đã đổi khác đối với chúng ta, bởi vì ở đâu đó trong một góc khuất của vũ trụ có một con cừu non mà chúng ta chưa bao giờ nhìn thấy có lẽ đã ăn một bông hồng chúng ta chưa biết ... Hãy nhìn lên bầu trời. Và hãy hỏi mình liệu bông hồng đó còn sống không hay đã không còn? Biết đâu con cừu đã ăn mất nó thì sao? Và bạn sẽ thấy, mọi thứ trở nên khác... Và sẽ không bao giờ có người lớn nào hiểu được điều này quan trọng như thế nào!”

Antoine de Saint-Exupery viết trong một bức thư gửi cho Natalie Paley: “Anh van em, hãy yêu anh khi anh quay về.”

Và đây là đoạn mở đầu “Hoàng tử bé”: “Người lớn không bao giờ tự mình hiểu được điều gì cả, nên trẻ em cứ phải rất mệt mỏi giải thích đi giải thích lại cho họ mọi điều…”

(Ngân Xuyên dịch từ tiếng Nga)

Phạm Xuân Nguyên