Thứ Ba, 30 tháng 5, 2023

Truyện ngắn Nguyễn Thị Như Hiền: Những cơn gió băng đồng

Út xắn quần cao quá đầu gối, cầm đôi dép trên tay rồi tất tả ra đồng tìm Hai. Gió thổi lao xao, cánh đồng non mượt mát rượi làm Út thấy dễ chịu. Nửa năm rồi Út mới tạm gác công việc để về thăm quê. Chỉ có vài đám ruộng thắt thẻo dưới chân núi vậy mà ngày nào Hai cũng cắm cúi. Hai gọi điện lên kể bữa đó sạ lúa xong chiều trời bỗng trút mưa to, thóc giống dồn lại một chỗ nên hôm rày Hai phải dặm. Út đến tận nơi rồi mà Hai vẫn không hay, cứ thoăn thoắt nhổ từng cây lúa chỗ ken dày cắm vào chỗ đất trống bên cạnh. Út ứa nước mắt. Cái dáng Hai gầy guộc, liêu xiêu sao mà giống má quá chừng!

- Hai ơi… lên bờ về đi, sắp tối rồi. - Út gọi.

Hai giật mình, thẳng người lên, nheo nheo mắt nhìn. Thấy Út, Hai mừng rỡ, lội nhanh vô bờ. Mớ mạ trên tay Hai thả xuống nước, khoác vội nước dưới ruộng rửa bùn đất dính đầy trên tay.

- Út về sao không nói Hai hay. Sao bảo tuần sau mới về? - Hai vừa nói vừa định cầm lấy tay Út nhưng sực nhớ mình vừa dặm lúa nên lau vội vô tà áo ngả màu.

Út đi trước, Hai đi sau men qua mấy bờ đất mấp mô về nhà. Cỏ tốt bời bời, làm bàn chân mát rượi như đặt trên lớp thảm nhung. Tự nhiên Út nhớ ngày má còn sống, má đi trước, hai chị em Út lò dò theo sau. Cánh đồng cũng non mượt, gió cũng mát rượi như vầy mà giờ nhìn trước nhìn sau chỉ còn hai chị em.

- Tự nhiên Út nhớ tô canh rau bợ với cua má nấu quá Hai. - Út buột miệng.

Chỉ là Út buột miệng vậy mà Hai bảo gì chứ canh rau bợ thì dễ ẹt. Út chưa kịp cản thì Hai đã xắn quần, lội xuống mương. Rau bợ kết thành đám, mọc lan kín cả một khúc mương. Hai nói giờ đâu còn ai ăn rau bợ như hồi xưa đâu Út. Nay người ta ăn rau bán ở chợ à, mớ rau đồng như rau bợ, rau ngổ cứ mọc thành bãi, thành ruộng cũng không ai thèm ngó. Hai vươn tay ngắt những lá rau bợ thật non bỏ vào nón. Hai nói một lát Hai chạy ra chợ, chắc có cua đồng. Út nói đâu cần cực dữ vậy Hai, ăn gì cũng được mà. Hai cười, Út thèm rau bợ chứ thèm gì khác cực mấy Hai cũng nấu.

Út biết Hai nói thiệt. Cách đây mấy năm, Út cũng về thăm nhà vầy nè. Một buổi trưa hiu hiu gió thổi, Út kể bâng quơ mấy bữa ở thành phố tự nhiên Út thèm lá me non nấu canh cá. Út đâu biết trong lúc mình nằm ngủ trưa, Hai rón rén mở cửa ra cây me đầu làng. Cây me này lâu năm, cành lá xa tít. Vậy là Hai trèo lên cây. Hai có tuổi rồi, đâu có như mấy đứa con nít chuyền cành thoăn thoắt. Khi rướn người kéo một nhành me thì Hai bị té. May sao cành thấp, chỉ bị trẹo chân với xay xước ở tay. Vậy mà Hai giấu Út. Đến buổi tối khi Hai bê tô canh chua lá me bày lên bàn Út mới thấy vết xước. Út gặng hỏi mãi, Hai mới nói thật. Út làm mặt giận, định không ăn, bảo Hai mai mốt đừng có như vậy nữa. Út không ăn tô canh chua này thì có sao đâu. Hai cười, vuốt tóc Út. Hai nói mình nghèo, chỉ biết trút lòng thương Út bằng mấy món ăn này thôi.

***

Buổi tối, Út choàng tay ôm rồi đưa tay sờ lên mái tóc ngắn ngủn của Hai. Mớ tóc cắt cao trên ót, đã thấp thoáng nhiều sợi bạc. Út nhận ra Hai dùng kéo tự cắt chứ không ra tiệm. Út nói sao Hai không để tóc dài lại đi, rồi coi trong làng có ông nào được được thì về ở chung để có người nương dựa. Chỉ cần tử tế để những lúc ốm đau có người mua cho viên thuốc, nấu cho chén cháo. Út ở trên thành phố, nói Hai lên đó ở chung cho có chị có em thì Hai không chịu. Út thì có chồng rồi, đâu thể về mà sống với Hai. Hai lắc đầu, bảo mình già rồi, không nghĩ gì tới chuyện chồng con nữa đâu.

Út nhớ hồi mình học cấp hai, tụi bạn Út gọi Hai là “ô môi”. Bởi ô môi mới cắt tóc ngắn, mới chặn đường đánh nhau với mấy thằng ngang ngược trong xóm. Một bữa, Hai còn nắm tai thằng Toàn, tay kia chỉ vào mặt nó đừng có đụng tới con Út, mày còn đánh em tao lần nữa, tao xẻo tai mày. Hai còn dùng kéo, cắt xoẹt mái tóc của con Loan hồi Út học lớp mười nữa. Con Loan chung lớp với Út, nó bảo Út học không bằng nó mà toàn nịnh nọt thầy cô. Nó ghét Út, một bữa nó cậy mấy thằng quậy phá nhất lớp chận đường, lấy một nắm ké gai vò lên đầu Út. Trái ké gai nhỏ xíu, tua tủa gai làm tóc Út dính vào nhau không cách nào gỡ ra được. Bữa đó Út khóc khi thấy từng lọn tóc mềm mượt đã biến thành từng một đám rối bù khi Hai cắt xuống. Út hoảng loạn không muốn đi học, trong chiêm bao còn nghe thấy tiếng cười sằng sặc của tụi nó khi vò mớ ké gai vào tóc mình. Hai nói đừng lo, có Hai rồi. Vậy là Hai ngồi canh ở con đường con Loan đi học về, chận xe đạp lại, hất tung cái mũ rồi xẹt kéo ngang vai nó. Từ bữa đó, không đứa nào dám đụng đến Út nữa vì ngán chị Hai ô môi của Út. Tụi nó đồn chị Hai đàn bà mà cốt đàn ông. Còn nói chị Hai có võ nữa, đụng tới con Út không khéo bả bẻ giò bẻ cổ.

Út mơ hồ nhớ Hai cũng từng có mái tóc rất đẹp. Má hay lượm mấy trái bồ kết nấu chung với lá bưởi cho Hai gội đầu. Hai chị em cách nhau mười lăm tuổi. Hồi Út học cấp hai, Hai cũng gần chạm ba mươi. Hai thương mái tóc của mình và Hai cũng hiền lành như tóc. Vậy mà một bữa, Hai xén ngang mái tóc của mình khi nghe tin Út bị đánh. Hai nói nhà mình không có ba, không có anh trai nên tụi nó đâu có sợ. Để Hai hù tụi nó ít bữa, chứ bị ăn hiếp hoài sao Út học được! Hai chưa kịp để lại tóc dài thì má mất. Từ đó đến nay, tóc Hai cứ bị xén ngang khi còn chưa kịp dài. Hai từ dạo má mất cũng trở nên gai góc đi nhiều. Hai nói để tóc dài thấy mình yếu đuối. Giờ má mất rồi, Hai phải mạnh mẽ để còn lo cho Út nữa.

Lớp mười hai, những buổi tối Út cắp cặp qua xóm bên học phụ đạo để ôn thi đại học. Xóm vắng mênh mang, nhà cửa thưa thớt. Con đường đi qua nhà thầy không xa nhưng phải qua những đoạn tối om với tiếng tre kèn kẹt trong gió. Út cũng rờn rợn nhưng ráng bấm chặt tay mỗi lần đi ngang để mình đỡ sợ. Một bữa không trăng, trời tối như hũ nút, Út cầm đèn pin đi mà như chạy. Qua cánh đồng vắng, Út rợn người bởi tiếng ếch nhái râm rang. Út chạy, vấp té xuống ruộng, quần áo sách vở ướt mem. Bỗng một cánh tay kéo Út dậy…

- Hai đây. Đi đứng sao mà để rớt xuống ruộng vậy Út…

Bữa đó Út mới biết, mấy tháng nay tối nào Hai cũng đi theo sau lưng Út. Hai không nói để đứa em gái tự vượt qua nỗi sợ của mình. Hai đứng nhìn Út bước vô nhà thầy rồi quay về nhà. Tới giờ Út học xong, Hai đứng đợi sẵn ở những đoạn đường tối om. Từ bữa đó Út biết, những con đường thăm thẳm mình đi, chỉ cần quay đầu nhìn lại sẽ có Hai ở đó.

***

Út lên thành phố rồi, Hai nhìn qua nhìn lại, căn nhà nhỏ xíu mà thấy trống mênh mông. Cái chõng tre ngày má còn sống nằm vẫn để nguyên như thế. Út nói, để vậy cho đỡ nhớ má, như thể má đi chơi bên hàng xóm chút xíu rồi về.

Hai nhớ những ngày má đau yếu, má kéo tay Hai nói nhỏ: “Hay kể cho Út nghe đi. Để cho Út biết…” Hai lắc đầu. Hai nói đã giấu chừng ấy năm rồi thì thôi im lặng luôn để cho Út yên ổn. Thà chẳng biết sự thật để Út hồn nhiên, vui vẻ còn hơn ôm nỗi đau đáu, khổ sở cả đời.

Út nói Hai thương Út còn hơn cả má nhưng Út đâu biết rằng đã có lúc Hai định tước đi cuộc sống của Út, muốn từ chối vĩnh viễn mầm sống nhỏ nhoi khi còn chưa kịp tượng hình. Hồi đó Hai mới mười lăm tuổi. Một cô gái mười lăm tuổi sống ở một miền quê thắt thẻo thì có biết gì! Bữa đó Hai ngồi xe lên thị trấn mua sách vở cho năm học mới. Cái chợ nhỏ xíu, cũ kĩ nơi này chỉ có vài cây bút, quyển tập không đủ nên tụi bạn rủ nhau bắt xe đò lên thị trấn mua sách giáo khoa với vài dụng cụ học tập. Hai đâu biết rằng, chuyến xe đầu đời qua khỏi con dốc làng đã khiến cuộc đời Hai vĩnh viễn rẽ sang hướng khác. Bữa đó xe hư phải dừng lại sửa vài tiếng đồng hồ. Khi chiếc xe đỗ xịch trước ngã ba làng thì trăng đã lấp ló trên ngọn tre. Hai ôm mớ sách mới thơm tho nhảy chân sáo về nhà. Hai nhớ rõ, lúa đang ngậm đòng đòng, mùi thơm như sữa non quyện vào trong gió. Lúc đi ngang qua cánh đồng, một bóng người khật khưỡng khiến Hai giật mình. Hai nhanh chân bước nhưng người kia đã kịp đưa tay kéo ngược mái tóc dài của Hai giật lại. Hai té sấp xuống bờ ruộng, mấy cuốn sách xổ tung, có cuốn rơi xuống ruộng. Âm thanh của cuốn sách mới tinh rơi xuống nước cơ hồ như chính Hai đang rơi xuống vực. Tay của kẻ kia như gọng kìm nắm tóc Hai kéo đến giữa cánh đồng. Hắn đè lên Hai, phà hơi thở nồng nặc mùi rượu lên mặt Hai. Hai chết điếng, giãy giụa. Kẻ kia một tay bịt chặt miệng Hai lại, một tay nhơ nhớp bắt đầu sờ soạng lên người. Rồi Hai nghe cơ thể mình rách toạc, cơ hồ như tiếng giấy bị xé khi Hai cùng tụi bạn vội vàng tìm giấy nháp trong giờ kiểm tra… Một vùng cỏ non nát nhừ y như cơ thể Hai vậy. Hai ứa nước mắt nhìn mấy quyển sách mới tinh Hai nâng niu bị bùn đất vấy bẩn, có quyển đã ngấm sũng nước nằm phơi dưới trăng. Không biết Hai nằm đó bao lâu đến khi sực tỉnh thì đã nghe ếch nhái râm rang, mùi hương lúa ngậm sữa làm Hai nhức nhối. Hai gượng dậy, từng tế bào cơ thể tê dại.

Má hốt hoảng khi Hai lê tấm thân rướm máu về nhà. Sau này má nói gương mặt Hai lúc đó chẳng khác gì gương mặt của một xác chết. Khi biết con gái vừa trải qua những gì má đau đớn, ngã sụp. Phải mất một lúc lâu má mới kéo Hai ra giếng tắm gội. Hai giật lấy cái gàu nước trên tay má mà múc hết gàu này đến gàu khác xối lên tóc lên người lên ngực lên cơ thể mình. Hai như mầm non, như cái cây đang ngăn ngắn màu xanh bị người ta giẫm đạp…

Má soi đèn pin, lội ra giữa cánh đồng. Giữa bóng đêm thâm u, nhìn một bãi cỏ nát nhừ quyện với mấy trang sách giáo khoa mà nước mắt má ròng ròng. Hồi ba mất, má cũng không khóc nhiều đến như thế. Hai không biết kẻ kia là ai. Trong hơi thở nồng nặc mùi rượu, trong những động tác hung bạo Hai vẫn nhận ra hắn ta không phải người trong làng. Hắn như thể là con quỷ hung ác bất ngờ xuất hiện gieo rắc kinh hoàng rồi lặn vào bóng đêm, mất hút. Hai thường xuyên chiêm bao, trong giấc mơ có kẻ phà mùi rượu nồng nặc, có kẻ xuyên vào người Hai đau đớn, rồi hắn cười sằng sặc, bước vào bóng tối...

Má dặn Hai quên cái đêm ấy đi, cứ coi như chưa có chuyện gì. Cái làng xa xôi giữa chập chùng núi non nhưng miệng đời thì ác nghiệt lắm. Lỡ người ta biết, sự thương cảm một người con gái bị hãm hiếp sẽ qua nhanh, rồi thì người ta sẽ chỉ nhớ một đứa con gái bị vấy bẩn. Nhưng Hai làm sao mà quên được. Nỗi ám ảnh đó như đóng đinh vào tim và não Hai mất rồi! Năm học mới khai giảng, Hai bỏ học, thường ngồi trước hiên nhà thẫn thờ. Hai nhìn tà áo dài trắng tinh mới may xong chưa một lần mặc đến lớp. Một bữa, Hai nổi lửa đốt hết mớ sách lấm lem bùn má gom lại trong cái đêm thâm u đó, Hai đốt luôn bộ áo dài. Khói cuồn cuộn bốc lên trời.

Một bữa, má chết lặng khi thấy Hai kéo nhành chùm ruột xuống mà hái từng trái ăn ngon lành. Bình thường Hai không thích ăn chua mà giờ nhai như thể đang ăn một trái ổi giòn rụm. Má kéo Hai vào nhà, lật áo lên xem. Vòm ngực chưa tròn trịa nhưng đầu vú đã sẫm màu. Cái bụng nhu nhú. Má gào lên, sao ông trời lại nỡ ác nghiệt như thế.

Hai từng nghe bà Tám trong làng nói bà thường cho mấy con chó cái nhà bà uống rau răm để xổ con ra. Tụi chó vài ba tháng lại chửa, đẻ hết lứa này đến lứa khác bà nuôi không xuể. Vậy là Hai một bữa qua vườn bà Tám xin một nắm rau răm thật to về lặt lá, giã nát, vắt lấy một bát to. Loại rau răm thân tía bà Tám trồng lâu lăm, nhón thử một lá cho vào miệng đã cay xè. Mùi bát nước rau răm xộc lên mũi, Hai nhắm mắt uống ừng ực. Cả buổi chiều, Hai nằm lên võng đợi chờ cái khoảnh khắc mình được giải thoát khỏi cái thứ lưu lại trên cơ thể mình sau buổi tối đó. Cơn đau bụng quặn lên, tử cung co thắt từng chặp. Má hốt hoảng về thấy máu ướt cả quần Hai, chảy thấm xuống võng nhỏ thành giọt xuống nền đất. Vậy mà, cái thai vẫn bám chặt tử cung không chịu rời.

Hai từng nghe mấy bà trong xóm ngồi nói chuyện, bảo khi có bầu thì đừng ăn đu đủ non, lá ngót, trái dứa kẻo động thai. Rau răm không được thì Hai nhai rau ráu từng trái đu đủ còn hạt non xèo, trắng nõn. Hai vò từng nắm lá ngót bỏ vào miệng nhai rồi múc nước giếng để tống hết xuống bao tử. Hai ăn hết trái dứa này đến trái dứa khác đến tưa hết miệng lưỡi không nuốt nổi cơm. Hai chỉ muốn đẩy nhanh cái bào thai ra khỏi người mình càng nhanh càng tốt. Hai hoảng sợ, Hai oán giận…Hai điên cuồng leo ổi leo me, Hai chạy sấp ngã trên cánh đồng, Hai nhảy từ trên cây cao xuống đất, Hai đấm thùm thụp vào bụng mình mỗi lần đi tắm…

Đã có lúc Hai mơ hồ nghĩ đến cái chết. Hai thấy có người đào huyệt mộ của mình giữa cánh đồng, họ chôn Hai với mùi lúa non đang thì ngậm sữa.

***

Một buổi trưa đang nằm thiêm thiếp trên võng, Hai nghe một cái quẫy nhẹ trong bụng mình. Hai choàng tỉnh, sờ tay lên bụng. Lại thêm một cái quậy nhẹ y như thể một con tôm đang búng. Một cái, hai cái… Rõ ràng bụng Hai đang cử động…Hai bàng hoàng nhận ra mình đang mang trong mình một mầm sống. Một đứa trẻ đầy đủ tay chân, hình hài. Hai ứa nước mắt, đưa tay vỗ về bụng.

Má nói thôi thì chuyện đã lỡ, đẻ nó ra đi rồi má nuôi. Má bảo Hai đừng đi ra ngoài, cũng đừng đi chợ hay qua nhà bà Tám chơi nữa. Má vốn hay đi đồng đi ruộng lại đột nhiên hay lê la hàng xóm. Đang ngồi nói chuyện, má lấy mấy trái chanh lột vỏ ăn ngon lành mà không cần muối. Má đi chợ cũng giả vờ nôn khan, đi làm đồng thì mệt mỏi lên bờ ngồi… Má lấy một cái áo, quấn quanh bụng mình. Chỉ mấy ngày sau, cả làng đồn ầm má chửa hoang. Một bữa, má rơm rớm nước mắt kể hai tháng trước đi làm đồng về trễ gặp gã say rượu giở trò làm bậy. Mấy người đàn bà sững sờ nhìn nhau, nhưng có người lại nghi ngờ, hay là má lang chạ với người đàn ông nào trong xóm…

Má lấy chiếc áo khoác rộng thùng thình bảo Hai mặc vào rồi dắt Hai bắt xe đò lên thành phố trong ánh mắt nghi ngại của người làng. Họ nói má xấu hổ vì chửa hoang nên bỏ làng bỏ xóm ra đi. Má lơ ngơ dắt Hai giữa bến xe xa lạ, rồi lần tìm được một phòng trọ công nhân giá rẻ. Má xin phụ rửa chén cho quán cơm chờ ngày Hai sinh nở. Từng đồng tiền kiếm được chia ra đóng trọ, mua cho Hai từng lốc sữa. Bụng Hai to dần sau lớp áo, má vuốt vuốt bụng Hai, nói nghĩ ra mấy cái tên thiệt đẹp đặt cho cháu ngoại.

Vài tháng sau, Hai trở dạ sinh Út. Má đặt Út lên ngực Hai. Một sinh linh bé bỏng, đỏ hỏn. Cái miệng chúm chím, chóp chép tìm sữa. Rồi như bản năng, cái miệng ấy ngậm đúng quầng vú của Hai. Bất giác người Hai run lên như đang trong cơn sốt bốn mươi độ. Hai đưa bàn tay vỗ nhè nhẹ lên lưng đứa bé. Hai không nhận ra rằng, chưa lúc nào Hai dịu dàng đến thế.

Chăm sóc Út khiến lòng Hai dịu lại khi nghĩ về cái đêm ác nghiệt đó. Nụ cười của Út khiến Hai mỉm cười. Trái tim đầy thương tổn và chằng chịt nỗi đau của Hai êm như vạt cỏ sau mưa khi ngửi mùi Út, khi được thơm lên đôi má bầu bĩnh, khi thức đêm ru hời ôm Út… Hai ứa nước mắt nhìn má bế Út suốt đêm không ngủ đi qua đi lại trong căn phòng trọ chật hẹp. Má nói đặt tên ở nhà là Út, đặt tên khai sinh là Hoài Thương, ý là thương hoài thương mãi.

Mấy tháng sau má và Hai bế Út về làng. Lúa lại làm đòng, mùi thơm ủ trong gió. Hai rón rén, sợ hãi bước qua chỗ đó. Cái cựa quậy rất khẽ của Út trong lớp khăn buộc kĩ khiến Hai mạnh dạn bước. Hai mơ hồ nghĩ đến cái ngày mình sẽ nắm tay Út đi trên cánh đồng xanh rì mát rượi.

Người làng kéo đến xem mặt Út. Mấy bà nhiều chuyện bàn ra tán vào một thời gian cũng thôi. Bà Tám nói Hai khéo chăm em. Cái cách Hai bồng em, cưng em, dỗ dành em y hệt một người mẹ chăm chút con mình. Hai khựng lại rồi nói nhỏ. Em út mình không thương thì biết thương ai. Má đi làm đồng, chạy chợ, bòn mót trên mấy thửa ruộng cạn xợt để kiếm tiền. Út dần lớn lên, hai chị em quấn quýt với nhau như sam.

Út học mẫu giáo, mỗi ngày Hai hai bận cõng Út qua cánh đồng. Mùa mưa trơn trượt, bóng Hai liêu xiêu, áo mưa dính sát vào người tất tả đi đón Út. Hồi đó toàn đường đất đầy sình mà chân Út chưa từng lấm bẩn. Hai cũng bắt chước má, kiếm từng bó rau đồng, chạy chợ từng bữa thêm với má cho Út ăn học.

Má bảo Hai lên thị trấn hay thành phố kiếm nghề để học. Nghề gì cũng được, làm móng, gội đầu, may vá cho có cái nghề rồi kiếm tấm chồng. Má nói coi Út như em, đừng vướng bận quá nhiều để lỡ dở cả một đời. Hai lắc đầu bảo lên thành phố, nhớ Út thì biết làm sao! Út ngây thơ đâu hiểu, má biết bao nhiêu lần nhìn Út mà thở dài.

***

Út nói Hai bớt thương Út đi để còn lo cho cuộc đời mình. Út lớn rồi, Út có thể tự đi một mình chứ không còn cần Hai đứng dõi theo như cái hồi còn cắp sách qua nhà thầy học phụ đạo. Hai cười, chưa ai kỳ cục như Út, làm sao bớt thương máu mủ ruột rà của mình.

Mà cũng đâu cần phải là máu mủ mới thương tận cùng gan ruột. Những ngày má đau yếu, má cầm tay Hai nói ngày má lượm Hai ở bụi tre đầu làng tay Hai nhỏ xíu như que tăm, cứ nắm lấy tay má không buông. Tiếng khóc Hai nghèn nghẹt như con mèo hen khiến trái tim người đàn bà không sinh nở được như má mềm lại. Ba gật đầu đồng ý nuôi Hai. Nhà nghèo, má nuôi Hai bằng chén nước cơm pha đường, bằng lon sữa bò tằn tiện từ từng đồng bán rau, bán lúa… Hai bị người ta bỏ suốt một đêm lạnh lẽo nên nhiễm lạnh sưng phổi, bệnh lên bệnh xuống. Má rộc người chăm Hai cho có da có thịt. Rồi khi đời Hai biến cố, má như con gà xòe cánh để Hai rúc vào tránh hết tai ương.

Má nói cánh đồng làng mình hai mùa mưa nắng. Mùa nắng, những cơn gió khô khốc thổi ngược thổi xuôi như vừa đi qua một đám cháy khiến cỏ cây héo rũ, từng đường cày như nung lửa. Nhưng rồi cái nóng ghê người ấy cũng nhường chỗ cho cơn gió mát lành ủ hương lúa trổ đòng. Mình thương cánh đồng tận cùng máu thịt thì sẽ đợi được tới ngày những cơn gió mát rượi băng đồng…

Nguyễn Thị Như Hiền
Cộng đồng Văn xuôi