Thứ Sáu, 5 tháng 5, 2023
Thơ Trần Trung Đạo, Trần Yên Hòa, Cao Vị Khanh, Trần Hoàng Phố
Nếu mai mốt tôi về
Có còn nhận ra tôi không
Hỡi thành phố cũ
Những mái ngói xanh rêu
Bức tường vôi loang lổ
Bài thơ xưa ghi dấu một phần đời.
Có còn nhận ra tôi không
Hỡi mơ ước tuổi hai mươi
Bờ bến cũ, ngậm ngùi thân sỏi đá
Tôi về đây, sông xưa, dòng nước lạ
Ngó mây trời mà khóc tuổi hoa niên.
Có còn nhận ra tôi không
Hỡi cây đa cũ trong sân
Nơi tôi đứng những chiều thu lá đổ
Đừng hát nữa đa ơi, bài ca buồn vạn cổ
Tấm thân gầy đau nhức nhối trong đêm.
Có còn nhận ra tôi không
Hỡi những giọt cà-phê đen
Ly rượu đắng cho môi đời bớt nhạt
Khói thuốc bay như mây trời phiêu bạt
Trên con đường nay đã đổi thay tên.
Có còn nhận ra tôi không
Hỡi bè bạn anh em
Ai còn sống và ai đã chết
Ai ở lại lao đao, ai phương trời biền biệt
Giờ chia tay sao chẳng hẹn quay về.
Có còn nhận ra tôi không
Hỡi ghế đá công viên
Những mái lá che tôi thời mưa nắng
Từ nơi đó trong đêm dài yên lặng
Tôi ngồi nghe sông núi gọi tên mình.
Có còn nhận ra tôi không
Hay tại chính tôi quên.
Trần Trung Đạo
***
Mẹ Khổ Tôi Xưa
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương
(ca dao)
Mẹ tôi xưa quê sao là quê
Già ơi là già
Mới tuổi bốn mươi mà da mẹ đã nhăn
Mặt mẹ đã đầy tàn nhang lấm tấm
Ngực không còn căng
Vú không còn sữa
Mẹ ra đồng tát nước
Làm cỏ ruộng sâu
Cày bừa ruộng cạn
Chân trần khô hạn
Suốt đời không phút nghỉ ngơi
Mẹ nuôi heo, nuôi tằm
Mẹ bắt ốc mò cua
Mẹ bán thuốc rê chợ mai
Mẹ bán trà đá chợ chiều
Mẹ ngồi bệt dưới đất
Trải bên đường tấm nhựa ni lông
Mời ông đi qua
Mời bà đi lại
Dáng mẹ liêu xiêu
Trong bóng chiều nhập nhoạng
Ngày chiến tranh
Mẹ theo cha tản cư
(Ơi những người mẹ trong chiến tranh
Ở một vùng xôi đậu)
Bên nào cũng đầy quyền uy
Đầy súng đạn
Đầy mã tấu dao găm
Chực chờ đâm chém
Băm vằm nhau ra từng mảnh
Dù không biết mặt nhau
Không hận thù
Chiến tranh ác độc
Lùa mẹ từ quê xuống tỉnh
Mẹ không còn một tấc đất trong tay
Mẹ quay quắt sống
Kham khổ sống
Trong khu nhà tranh rách nát
Đọa đày
Mẹ buôn gánh bán bưng
Kiếm từng đồng bạc cắc
Mẹ như con gà mái xòe cánh ra
Che chở cho con
Khi gặp diều hâu đáp xuống
Diều hâu
Là súng đạn
Là bom napal
Là mìn nổ chậm
Là hỏa tiễn
Là tiểu liên AK
Là M16
Là mìn Clamore
Là chực chờ giết chết
Những người dân
(Ơi những người dân quê khốn khổ)
Da mẹ sần khô đen cháy
Ốm như que tăm
Dáng đi lúc nào cũng như chạy
Lúp xúp
Lúp xúp trên đường đê
Lúp xúp trên cầu gò ông Đốc
Lúp xúp trên đập Lạnh, đập Trà Thai
Lúp xúp trên đường ra ruộng gò Duối
Mẹ đi mà như chạy
Lúp xúp
Như cuộc đời mẹ
Không mỏi mệt
Không nản chân bon
Mẹ chạy đông chạy tây
Chạy nam chạy bắc
Chạy suốt đời
Chỉ lo một việc
Nuôi con
Mẹ tôi là vậy
Suốt một đời
Cặm cụi
Cặm cụi
Cho con
Ngồi buồn nhớ mẹ
Nhớ rơi nước mắt
Nhớ đến não lòng
Nhớ quay nhớ quắt
Mẹ ời, mẹ ơi!
Trần Yên Hòa
***
Biên giới
Chiều xuống ngại ngùng, đêm chẳng vội
Đường xa, thân mỏi tiếc ngày trôi
Rừng hoang ngại gió im thưa tiếng
Cửa ải buồn hiu tựa cửa đời
Người bỏ quê hương lại xó nhà
Gói từng kỷ niệm gởi tình xa
Lang thang phố chợ, miền quan ngoại
Xúng xính xiêm y, áo rũ tà
Cũng lá cờ bay gợn bóng diều
Mà lòng tơ nhện rối lằn thêu
Bên kia đất khách, đường xa lắc
Bến trạm dừng đây, lạ lẫm chiều
Dốc núi vờn xa quyện dấu sương
Chim về như một ánh vô thường
Bỏ trời ớn lạnh, chiều trăn trở
« Vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương ! »
Cao Vị Khanh
***
Bài ca về sự dại khờ
1-
Lịch sử
như
một kẻ ngây thơ tội đồ dại khờ
đâm đầu vào cái bẫy ngõ cụt chết người
Nó lúng túng
như gà mắc tóc
Nó loay hoay với đám bòng bong sự kiện giữa thật và dối trá
Nó quay cuồng bối rối
giữa các lằn ranh ngoằn ngoèo ma quái con người và các giáo điều khô cứng
2-
Bị tước đoạt
Bị lãng quên
Nhân dân chính là người tù nhân vĩ đại của lịch sử
Lịch sử mỉm cười dại khờ
với nụ cười quyến rũ quỷ sứ
Tháng tư
như vết hằn năm tháng bị đông cứng
của những thiên đường lạ lùng bịt mắt
3-
Nhân dân lặng lẽ ngồi khóc
Bên bờ đại dương lịch sử
Sóng thời gian cứ
xói mòn vách đá ăn năn
Trên bến bờ
của những nỗi buồn ảo ảnh
Một người già ngồi khóc
cho ảo vọng vỡ tan
Một cậu bé
có nụ cười méo xẹo
Đang hát một khúc hùng ca nhại lắt léo
bị vùi chôn trong cái bóng lãng quên
4-
Những giọt nước mắt rơi trên má lịch sử
Những giọt nước mắt rơi trên năm tháng của một hậu chiến buồn
Lịch sử như người hát xiếc cứ rao giảng những phỉnh phờ
Trái tim nhân dân chất đầy những thiên đường ảo mộng
Gió hát bên đồi ký ức của những trận chiến và những xác chết
Lịch sử soi cái bóng của nhân dân
Đang quỳ gối bên địa ngục hy vọng
5-
Vĩnh cửu đang xoa đầu lịch sử
Như xoa đầu một đứa trẻ dại khờ gian ngoan
Gió hát trên những bến bờ giấc mộng
Những ký ức lặng yên
như cát bụi
Ngủ vùi trong lãng quên
Trần Hoàng Phố