Thứ Ba, 16 tháng 5, 2023

Thơ thế sự Bùi Chí Vinh

Nhà thơ, nhà văn Bùi Chí Vinh

Bùi Chí Vinh sinh ngày 23/10/1954, hiện đang sống tại Sài Gòn. Từng đi lính VNCH, sau 4/1975 lại có giai đoạn đi bộ đội ở chiến trường Campuchia, từng làm đủ mọi nghề để sống nhưng cũng lại là một trong những người sống được bằng ngòi bút. 


Sáng tác trong nhiều lĩnh vực: thơ, truyện thiếu nhi, viết kịch bản phim…Những năm gần đây anh lại nhảy sang lĩnh vực hội họa, cầm cọ vẽ, và đã có hai cuộc triển lãm cá nhân.


Tác phẩm chính:
- Thơ tình Bùi Chí Vinh (thơ, NXB Trẻ, 1989)
- Yểu điệu thục nữ (truyện, NXB Long An, 1990)
- Tóc tiên (truyện, NXB Long An, 1991)...
- Luật nhân quả (viết chung với Huỳnh Bá Thành, 1991)
- Hải đại bàng (NXB Kim Đồng, 1992)
- Tứ quái TKKG (70 tập, phóng tác từ Stefan Wolf, NXB Kim Đồng, 1994)
- 5 Sài Gòn (40 tập, NXB Kim Đồng, 1996-1997)
- Ba trong một (NXB Kim Đồng, 2002)


Các kịch bản phim nhựa đã chiếu rạp: Ngôi nhà bí ẩn; Suối oan hồn; Chết lúc nửa đêm; Bốn thí nghiệm trong đêm tân hôn; Lệnh xóa sổ…


Bùi Chí Vinh tự gọi diễu mình là Bình Chí Vui và cho rằng mình cầm tinh con ngựa - một loại ngựa hoang không chịu khép trong khuôn khổ, nên sớm nổi loạn, lang bạt giang hồ khắp nơi. Giới văn nghệ thì đánh giá anh là một nhà thơ có cá tính, một nhà văn có bút lực dồi dào. Chỉ nói riêng về thơ, tính cách anh như thế nào thì thơ anh như vậy. Một mặt, rất thẳng thắn, ngang tàng, chỉ thẳng mặt, gọi tên đúng sự vật, không kiêng dè “tự kiểm duyệt” khi trút nỗi đau đời, sự phẫn nộ trước những gì đang diễn ra trong xã hội vào thơ. Mặt khác, Bùi Chí Vinh cũng là một con người sống rất tình cảm, với mẹ, với vợ, với bạn bè. Nên trong thơ anh vừa có những bài thơ đả kích mạnh mẽ những cái thối tha, dối trá, ung nhọt, sai trái của xã hội, của chế độ, nhưng cũng lại có những bài thơ tình rất ngọt ngào, hồn nhiên.

 

Trên trang thơ Bùi Chí Vinh hôm nay DĐTK muốn giới thiệu riêng mảng thơ thế sự, thơ phản kháng của anh.  


***


SINH NGHI HÀNH 


Sinh nghi ta viết một bài hành

Vợ nghi chồng, em út nghi anh

Cha nghi con cái, bè nghi bạn

Thủ trưởng thì nghi hết ban ngành

Láng giềng dòm ngó nghi hàng xóm

Ngoài đường nghi phố chứa lưu manh

Ngay ta khi viết bài in báo

Cũng nghi mình kiếm chác công danh

Trời ơi, mọi chuyện sinh nghi thiệt

Chén kiểu thường nghi kỵ chén sành

 

Thời buổi công hầu như chén cứt

Thiếu chó, mèo ăn cũng rất nhanh

Mèo ăn cho chó leo bàn độc

Vừa sủa vừa nhai riết cũng rành

Trẻ con khát sữa ai cho bú

Vú mẹ gầy, sâu rúc nồi canh

Quang Trung bỏ núi Tây Sơn xuống

Hoảng hốt vì gương vỡ chẳng lành

Nguyễn Du chỉ một đêm dạo phố

Đoạn Trường ngồi viết lại Tân Thanh

Thúy Kiều phát triển nhiều như thế

Thảo nào đất nước hóa lầu xanh

Nhà tù phát triển nhiều như thế

Sĩ tử làm sao dám học hành


Ta làm thơ mà lòng đứt ruột

Suốt đời bao tử chạy loanh quanh

Lãnh tụ nói: đói quên nghi kỵ

Ơn ấy ngàn năm sáng sử xanh!



MỘT NGÀY PHẢI KHÁC MỌI NGÀY 

 

Chào một ngày giống hệt mọi ngày
Sóng truyền hình phủ toàn phim Trung Quốc
Từ HTV, VTV, BTV, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu, Cà Mau… cho đến “cáp”
Hết “Triều đại Mãn Thanh” đến “Đại Tống truyền kỳ”

Chào một ngày giống hệt mọi ngày
Đọc báo thấy cha ông mất hút
Thấy thiên hạ quỳ mọp dưới tượng đài Binh Pháp Mặc Công, Ngoạ Hổ Tàng Long, Hoạ Bì, Xích Bích…
Con nít thuộc lòng Hoắc Nguyên Giáp, Hoàng Phi Hồng, Diệp Vấn, Diệp tùm lum hơn thuộc sử Tiên Rồng

Chào một ngày đất nước tự lưu vong
Cội rễ văn hiến 4000 năm trốc gốc
Tuổi teen gối đầu giường Lý An, Ngô Vũ Sâm, Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca lạ hoắc
Pano giăng khắp nơi hình ảnh Củng Lợi, Chương Tử Di, Thành Long phơi phới toét miệng cười

Chào một ngày phát triển giống đười ươi
Đi trên xã tắc thấy người thua xa khỉ
Thấy lô cốt ngáng đường, thấy nước ngập tận mông, thấy thánh hiền sợ quỷ
Thấy truyền thống chống ngoại xâm co rúm lại vì… tiền

Chào một ngày vong bản vì… hèn
Sống chết mặc bây, túi thầy vô cảm
Ải Nam Quan nằm ngoài ranh giới Việt Nam, xưa rồi Diễm…
Nước mắt Nguyễn Trãi khóc Nguyễn Phi Khanh rơi ở tận… nước Tàu

Chào một ngày bãi biển hoá nương dâu
Thác Bản Giốc rời Cao Bằng như có cánh
Thắng cảnh để lại của tiền nhân bị cháu con ghẻ lạnh
Các di tích, kỳ quan cứ mất tích đều đều

Chào một ngày hình chữ S tong teo
Tài nguyên bôxit bị bới đào như… bọ xít
Nhôm và đô la chẳng thấy đâu, chỉ thấy đất Tây Nguyên rên xiết
Ô nhiễm mạch ngầm, nước sông làm nghẹt thở Chín Con Rồng

Chào một ngày long mạch bị xới tung
Máu bầm đất đỏ bazan, máu tràn ra hải đảo
Ai cho phép Hoàng Sa Trường Sa thành Tam Sa lếu láo
Tội nghiệp rừng cọc nhọn của Hưng Đạo Đại Vương trên sóng Bạch Đằng

Chào một ngày giống hệt cõi âm
Những xác chết anh hùng bật dậy
Máu trả máu, đầu trả đầu. Nhớ đấy
Mãi quốc cầu vinh tất quả báo nhãn tiền

Chào một ngày soi rõ mặt anh em! 


HUYẾT THƯ TỪ BIỂN ĐÔNG


Biển Đông không chấp nhận “Đường Lưỡi Bò” láu cá
Không chấp nhận tàu Hải Giám, tàu Ngư Chính thưa em (thứ tàu lạ mơ hồ)
Biển Đông không có dầu hỏa cho bọn cường hào, không có thềm lục địa cho ác bá
Nhưng có ngư dân hiền lành và tuổi trẻ khát tự do

Biển Đông tang thương từ những rặng san hô
Nơi xác cha ông trồi lên thành quần đảo
Nơi bọn xâm lăng đang gióng trống giương cờ
Tưởng đất nước Tiên Rồng thời bình trôi hết máu

Anh đã từng nếm mùi chiến tranh, từng nếm mùi đói cơm thiếu áo
Thoát chết ở Trường Sơn, sống lại ở đồng bằng
Thuộc lòng sử Việt Nam như một người tử đạo
Thương cọc nhọn Ngô Quyền, mê chiến thắng Bạch Đằng Giang

Làm sao có thể thờ ơ trước bầy cá mập ăn đêm
Dám lồng lộn khắp Biển Đông dọa nạt
Chúng săn anh và chúng đuổi em
Bằng lý luận của Thiên Triều xưa… “quá đát”

Em ơi em tự do có thật
Mộ gió cha ông cũng có thật kia kìa
Sờ lên ngực anh đi, khi trái tim còn đập
Thì đâu dễ gì giặc phương Bắc được hả hê? 

Em ơi em khi sinh tử cận kề
Mới hiểu hết thế nào là nhân quả
Mới thấy “cháy nhà ra mặt chuột” ngô nghê
Thấy “tàu lạ” thành tàu quen… dối trá

Biển Đông không có chỗ cho Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống rạp mình hèn hạ
Không có chỗ cho tàu Hải Giám, tàu Ngư Chính “giả nai” quen thói mơ hồ
Càng không có dầu hỏa cho cường hào, không có ngư trường cho ác bá
Chỉ có cọc nhọn Bạch Đằng và cánh tay “Sát Thát” khát tự do!


CHÚNG TÔI KHÔNG BẦU CHO MỘT THỂ CHẾ PHẢN DÂN

Xin lỗi, tôi không trao cho ai quyền đại diện của tôi
Tôi là một “nhân dân nhỏ” giữa đồng bào “nhân dân lớn”
Tôi sống như cỏ cây giữa mưa chiều, nắng sớm
Không biết nói lời xảo ngôn, không thay màu đổi sắc tắc kè 


Tôi có một bà mẹ “có công với cách mạng” rất anh hùng nhưng thiếu mái hiên che
Mái hiên ấy chắc chắn không phải là mái hiên Quốc hội
Tôi có những đứa em thất nghiệp quanh năm mắt sâu như ma đói
Cơn đói ấy đương nhiên xa lạ với những ai cầm cân nảy mực chính quyền 


Tôi làm thơ bảo vệ phẩm giá con người như một thằng điên
Đánh bất cứ tên giặc ngoại bang nào xâm lăng để gìn giữ quê hương truyền thống
Và tôi đã tắt thở ngay khi đang còn sống
Bởi giá điện giá xăng giá bệnh viện giá thuế bảo kê giá máu tai nạn giao thông tăng lũy tiến từng giờ 


Tôi “một nhân dân nhỏ” giữa đồng bào “nhân dân lớn” ngây thơ
Bị hãm hiếp dập vùi trước vô số nghị định, luật điều ngoa ngôn xảo ngữ
Bị tra tấn bằng báo chí truyền thông chai lì đến mức không biết mình là con người hay con thú
Mở mắt thấy trại giam, nhắm mắt thấy nhà tù 


Vậy thì ai sẽ đại diện cho tôi bằng những huyết tâm thư?
Ai sẽ làm Nguyễn Trãi, Ngô Thời Nhiệm giữa thời kỳ không minh chúa?
Quốc hội ư? Xin lỗi, tôi và nhân dân không bầu cho những “vị thần giữ của”
Những lá phiếu thượng lưu luôn kèm theo chỉ số an toàn
Chúng tôi chưa bao giờ bầu cho một thể chế phản dân! 



ĐẰNG SAU NHỮNG KHẨU HIỆU DỐI TRÁ


Cuộc sống chưa bao giờ an toàn 

Dù truyền thông nhà nước mỗi ngày tri hô như con vẹt 

Những khẩu hiệu không hề có thật 

“Độc lập, tự do, hạnh phúc” hoặc “công bằng, dân chủ, văn minh” 


Độc lập cái gì mà giặc đến cứ làm thinh 

Mất đứt thác Bản Giốc, ải Nam Quan vẫn “bình chân như vại” 

Hoàng Sa, Trường Sa giặc tụt quần đứng đái 

Mất từ mặt nước đến cao nguyên mà có mắt cứ như mù 


Tự do cái gì khi ăm ắp nhà tù 

Dân xuống đường đòi tống cổ Formosa là bị tống ngay vào xà lim giam trước 

Nghệ sĩ, nhà thơ, tu sĩ, trí thức ra tuyên ngôn chống bọn xâm lược Bắc Kinh là bị bịt mồm cho bằng được 

Tự do ăn nhậu điếm đàng thì hoan hô nhưng tự do ăn nói: đừng hòng ! 


Hạnh phúc cái gì mà phố xá biến thành sông 

Trời không mưa, trong lòng người vẫn ngập 

Ngập từ miệng cống ngập rác tối tăm, ngập cho đến những chính sách chủ trương thâm độc

Móc túi nhân dân từ thuế đất, thuế thân cho đến thuế dị thường 


Cuộc sống chưa bao giờ an toàn 

Dù truyền thông nhà nước mỗi ngày tri hô như con vẹt 

Những khẩu hiệu không hề có thật 

“Độc lập, tự do, hạnh phúc” hoặc “công bằng, dân chủ, văn minh” 


Công bằng cái gì khi kẻ đói bị hy sinh 

90 triệu người nghèo làm nền cho 3 triệu bọn vua quan trên chóp bu Kim Tự Tháp 

3 triệu suất bỏ trốn ra nước ngoài kèm quốc tịch thứ 2 bất chấp 90 triệu dân đen tàn mạt 

Bầy sói từ trang sách Victor Hugo tấn công “Những Kẻ Khốn Cùng” 


Dân chủ cái gì khi tay cóng, chân run

Từng đoàn dân oan lên kinh thành đòi đất 

Ngăn cản kiến nghị đồng bào không xong, chính quyền liền trổ mòi đàn áp 

Tội nghiệp những bà mẹ từng lập chiến công giờ chiến bại trước bạo quyền 


Văn minh cài gì khi lạc hậu triền miên 

Làm vua đáy giếng có khác gì vua ếch 

Nhân phẩm đạo đức suy đồi thuộc loại nhất hành tinh mà lý luận cứ bô bô như hát nhép 

Dân phải đu dây như xiếc qua sông còn vua quan nằm mơ Vạn Lý Trường Thành 


Cuộc sống biết bao giờ mới hết hôi tanh… 



VÀI LỜI CẦN NÓI VỀ NGÀY 30 THÁNG 4 


Sẽ không ai nhắc đến ngày 30 tháng 4

Như một ngày uất hận 

Nếu ngày đó những người chiến thắng 

Biết đối xử với nhân dân miền Nam bằng tình nghĩa đồng bào

 

Nếu ngày đó một giọt máu đào 

Còn hơn ao nước lã của giặc Tàu phương Bắc 

Nếu ngày đó đừng tập trung sĩ quan, công chức lên rừng thiêng nước độc 

Đừng dửng dưng nhìn những thuyền nhân nữ vượt biên bị hãm hiếp dày vò 


Nếu ngày đó đừng trả thù một cách tiểu nhân ti tiện so đo

Mà giang rộng cánh tay như trượng phu quân tử 

Thì làm gì có lằn ranh giữa người và thú 

Mà đã từ lâu Nam và Bắc một nhà 


Sẽ không ai nhắc đến ngày 30 tháng 4 tang tóc xót xa 

Nếu nước chảy về nguồn, lá rụng về cội 

Nếu biến thống nhất thành sức mạnh Rồng Tiên vượt trội

Sử dụng văn minh, dân chủ, tự do làm tiêu chí hòa bình 


Một chữ “nếu” đã không bao giờ xảy ra khi “nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn” 

Khi “vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ” 

Khi Nguyễn Trãi có hồi sinh cũng ôm Đại Cáo Bình Ngô vô nhà đá 

Khi kẻ sĩ ngoài kia còn bị hồn ma Nhân Văn Giai Phẩm ám cả đời 


Tôi viết bài thơ tự khóc đất nước tôi 

Cứ 30 tháng 4 là đất trời hừng hực 

Cái nóng từ trong tim nóng ra, nóng như hỏa ngục 

Biết đến bao giờ mới có cơn mưa dội xuống mát lành 


48 năm rồi thiện ác vẫn phân tranh!


27-4-2023 



BÀI THƠ CHO MỘT “NGƯỜI THUA CUỘC” 


Đại tá Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Công Vĩnh 

Trước 1975 là một con người 

Dự tiệc cùng vợ chồng Tổng Thống 

Không khoảng cách nào giữa vua chúa bầy tôi 


Trai thời loạn trong quốc gia thời loạn 

Cầm súng bảo vệ quê hương là chuyện bình thường 

Bình thường kể cả khi rời bàn tiệc 

Có thể rung đùi hát vọng cổ cải lương 


Nhưng không bình thường khi Bên Thắng Cuộc 

Sau 1975 triệu tập lên đường 

Cuộc nội chiến tương tàn hủy diệt tình huynh đệ 

Chỉ có trả thù và hạ nhục đối phương 


Không bình thường khi khác xa nước Đức 

Đông và Tây biết đoàn kết bao dung 

Biết thế nào là bắt tay hòa giải 

Bức tường Berlin chứng tích não nùng 


Không bình thường nên tập trung cải tạo 

13 năm tận miền Bắc lưu đày 

Lúc lên đường vợ con còn xanh tóc 

Lúc trở về đầu tóc trắng như mây 


Lúc trở về một ông già suy nhược 

Vợ và hai con khóc lóc sụt sùi 

13 năm đâu phải là chớp mắt 

Mà hàng triệu gia đình bị chôn sống niềm vui

 

Ai đã gây nên cảnh trời sầu đất thảm 

Vết thương Bắc Nam mưng mủ không lành 

30 tháng 4 nồi da xáo thịt 

Thống nhất rồi mà máu vẫn còn tanh!


23-4-2023 


Đại tá Nguyễn Công Vĩnh trước 1975 dự tiệc với vợ chồng Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Nguồn: Báo Người-Việt.

Đại tá Vĩnh sau 1975 trở về từ trại cải tạo miền Bắc (ông đã qua đời năm 2017 tại California). Nguồn: Báo Người-Việt.


NHÀ HÁT QUAN HỌ BẮC NINH HAY NHÀ HÁT HỦY DIỆT MÔI TRƯỜNG


Làm một cái nhà hát

Mất nguyên một cánh rừng 

Làm một trăm nhà hát 

Chắc không còn Trường Sơn 


Quan họ là tâm hồn 

Chớ đâu là vật chất 

Trai gái hát giao duyên 

Tỏ tình giữa trời đất 


Quan họ là ánh mắt 

Là má lúm đồng tiền 

Nào phải bằng gỗ quý 

Phá tan tành thiên nhiên 


Em mặc áo tứ thân 

Nhún nhảy trong nhà hát 

Giống người ngoài hành tinh 

Múa may trong bộ lạc 


Thời nhiễu nhương có khác 

Khoe văn hóa đốn rừng 

Đầu chít khăn mỏ quạ 

Khiến môi trường rưng rưng… 


15-5-2023



VẾT TÌNH TRÊN LƯNG NGỰA HOANG 


Ta tham gia cách mạng năm 15 tuổi 

Không hề biết Việt Cộng là gì 

Chỉ biết trái tim nồng nàn tình yêu nước 

Chưa xuống đường là chân đã muốn đi 


Ta cầm súng năm 18 tuổi 

Không hề biết đối phương mặt mũi thế nào 

Chỉ biết quê hương mùa hè đỏ lửa 

Huynh đệ tương tàn, Nam Bắc binh đao 


Ta trở lại với cách mạng năm 21 tuổi 

Tưởng từ nay mãi mãi thái bình 

Tưởng xã tắc ca bài thống nhất 

Ai mà ngờ dân tộc điêu linh 


Ta lại tiếp tục cầm súng năm 24 tuổi 

Hai chữ ngoại xâm bỗng rất mơ hồ 

Có một thời ngoại xâm là Mỹ

Giờ lòi ra Tàu Cộng, Nga Xô 


Ta nghỉ trò chơi cách mạng năm 27 tuổi 

Rời quân lao tập nói tiếng người 

Xã hội giờ đây lọc lừa dối trá 

Ở rừng về nhẵn mặt đười ươi 


Ta chạy trốn trong văn chương từ đó 

Tưởng đọc thơ là chinh phục ái tình 

Tưởng đứng trước đám đông là biến thành thần tượng 

Đâu dè thơ là thị trường mua bán hư danh 


Ta bỏ luôn thơ để mà đốn ngộ 

Kể từ nay ngước mặt lên trời 

Em có phép lạ dọn giùm ta máng cỏ 

Con ngựa về chuồng thèm hát khúc thôi nôi!


11-5-2023 


TIẾNG CHỬI THỀ CỦA NHÂN DÂN 


 Các ngươi ăn ở sao khôn vậy?

Bóc lột ngay từ lúc cởi truồng

Bốn hộp sữa mỗi lần sinh đẻ

Thảo nào con nít bệnh còi xương

 

Thảo nào con nít quen moi rác

Tập ngửi mùi hôi để trưởng thành

Lỡ sau khôn lớn làm thủ trưởng

Cũng quen mùi thum thủm công danh

 

Thảo nào con nít quen dắt mối

Tập bán trôn nuôi miệng kiếm lời

Lỡ sau khôn lớn làm lãnh đạo

Cũng rành ba mươi sáu kiểu chơi

 

Thảo nào con nít quen nói láo

Tập giống vua quan cách uốn mồm

Lỡ sau khôn lớn làm nhà báo

Viết đói thành no dễ kiếm cơm

 

Thảo nào con nít quen bắt chước

Tập “gà nhà bôi mặt đá nhau”

Lỡ sau khôn lớn đi bán nước

Mất hết Biển Đông cũng chẳng rầu

 

Tiền? Thì nói “NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC”

Tù? Thì kêu “TÒA ÁN NHÂN DÂN”

Chao ơi, tiền bạc dành ông lớn

Còn cùm gông tặng kẻ rách quần

 

Các ngươi ăn ở thua con c…

“Con c…” còn biết đái khi cần!


Bùi Chí Vinh.

Chân dung tự họa, tranh sơn dầu Bùi Chí Vinh