Thứ Ba, 9 tháng 5, 2023
Thấy gì từ việc nhà nước cộng sản Việt Nam phản ứng vụ đồng 2 đô Úc có in hình cờ của chế độ VNCH?
![]() |
Hình Royal Australian Mint |
“Ngày 4-5, trả lời câu hỏi của phóng viên về sự việc trên, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết "Chúng tôi lấy làm tiếc và kiên quyết phản đối việc Công ty Royal Australia Mint và Bưu chính Úc đã phát hành các vật phẩm với hình ảnh 'cờ vàng', cờ của một chế độ đã không còn tồn tại".
"Việc này hoàn toàn không phù hợp với xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Úc. Chúng tôi đã trao đổi với phía Úc về việc này", bà Hằng khẳng định
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng đề nghị có hình thức dừng lưu hành các vật phẩm này, đồng thời không để xảy ra những sự việc tương tự trong tương lai” (Theo Thanh Niên, Tuổi Trẻ)
Nhiều người Việt trong và ngoài nước đã có những ý kiến, nhận xét về phản ứng này của nhà nước cộng sản Việt Nam. Sau đây là một vài ý kiến:
BS Nguyễn Văn Tuấn từ Úc:
Hiểu lá cờ và người Việt ở nước ngoài
Nhiều bạn trẻ ngày nay không biết đến lá cờ vàng ba sọc đỏ thời VNCH, cũng như họ không biết gì về một chánh thể đã tồn tại 21 năm ở miền Nam, không biết gì về người Việt vượt biển tị nạn.
Một số khác có lẽ chịu sự chi phối của tuyên truyền nên họ căm thù một cách vô điều kiện lá cờ mà họ hay nói xách mé là ‘ba que’. Cần nói thêm rằng lá cờ đó có ý nghĩa sâu sắc: màu vàng là tượng trưng cho đất nước, là màu truyền thống của các vương triều, còn 3 sọc đỏ là tượng trưng cho ba miền đất nước. Có hơn 40 triệu người Việt lớn lên dưới lá cờ da vàng máu đỏ đó, và đó là một kỉ niệm khó phai nhoà.
Sau 1975, có hàng triệu người Việt vượt biển đến các nước lân cận xin tị nạn. Đối với những người này thì lá cờ VNCH có một ý nghĩa quan trọng. Khi ra biển và để làm tín hiệu cho các tàu khác cứu vớt, các tàu vượt biển của người Việt thường giương lá cờ đó để nói rằng họ đến từ miền Nam Việt Nam. Nhờ lá cờ đó mà hàng vạn người được cứu vớt và đi định cư ở nước ngoài. Lá cờ do đó là một hoài niệm, thậm chí một ‘ân nhân’.
Khi lên bờ và may mắn sống sót thì người tị nạn không còn gì cả. Lúc đó, họ là những người vô quốc tịch. Họ chỉ có lá cờ vàng như là cái căn cước tính của cộng đồng. Do đó, lá cờ đó là biểu tượng của cộng đồng người Việt tị nạn ở đây. Và, biểu tượng đó được các chánh phủ địa phương công nhận. Có thể xem những tượng đài ở Úc, Mĩ thì thấy biểu tượng này rất rõ.
Tôi nghĩ điều này cũng giống như lá cờ của người thổ dân Úc vậy, nó không đại diện cho quốc gia nào cả, nhưng nó đại diện cho cộng đồng người thổ dân.
Trước 1975, Úc là đồng minh của VNCH, và trong cuộc chiến 1962-1972 đã có 500 binh sĩ Úc hi sinh. Năm 1973 sau Hiệp định đình chiến Paris, Úc ngưng tham chiến ở Việt Nam vào năm 1973. Và, nhân dịp lễ ANZAC 2023, ngày lễ tưởng niệm những binh sĩ Úc và Tân Tây Lan đã hi sinh trong các cuộc chiến, Royal Australia Mint và Bưu chính Úc phát hành đồng xu (hình) có hình lá cờ VNCH là để kỉ niệm 50 năm ngày Úc ngưng tham chiến ở Việt Nam.
Việc phát hành đồng xu với cờ của VNCH gây ra một phản ứng ngoại giao khá gay gắt từ phía Việt Nam. Nhưng tôi nghĩ phản ứng đó là thái quá. Có thể ngay cả cô phát ngôn viên cũng chưa am hiểu lịch sử của lá cờ đó.
Xin nhắc lại rằng Úc là đồng minh của VNCH. Úc rất trung thành với đồng minh, nên các cựu binh sĩ VNCH ở Úc được hưởng an sinh xã hội y như cựu chiến binh Úc vậy. Đó chính là lí do tại sao trong ngày lễ ANZAC có sự tham gia của các cựu chiến binh VNCH từ cả 40 năm qua. Trong các câu lạc bộ cựu chiến binh Úc, rất dễ hiểu tại sao người ta đều treo cờ VNCH.
Dĩ nhiên, lá cờ vàng đó không còn đại diện cho quốc gia nào cả. Ai cũng biết thực tế này. Cũng như lá cờ của người thổ dân không đại diện cho nước nào cả nhưng là biểu tượng của họ, lá cờ vàng chỉ là biểu tượng của cộng đồng người Việt ở đây.
Riêng với các ‘thuyền nhân’ lá cờ đó không chỉ là một kỉ niệm, mà còn là hoài niệm và tưởng niệm. Hoà giải dân tộc có lẽ nên bắt đầu bằng sự ghi nhận sự hiện hữu của lá cờ đó.
Nguyễn Tuấn
***
Nhà nghiên cứu về lãnh thổ, biên giới, biển đảo và luật quốc tế Trương Nhân Tuấn từ Pháp:
Không chính danh nên bất an, lo sợ?
Có nhiều lý do giải thích vì sao nhà nước CSVN lại yêu cầu Úc không lưu hành đồng tiền có biểu tượng cờ vàng ba sọc đỏ.
Thứ nhứt, về mặt quốc nội. Tính chính danh của đảng CSVN đã bị tổn thương trầm trọng qua các vụ tham nhũng Việt Á và "các chuyến bay giải cứu". Người dân VN, cho dầu bị cộng sản tẩy não và nhồi sọ nhiều thập niên. Họ cũng đã biết đặt vấn đề về sự cần thiết tiếp tục hiện hữu của nhà nước Cộng hòa XÃ hội Chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN).
Khi hầu hết nhân sự ở các định chế cấu thành bộ máy nhà nước đều là sâu bọ. Chắc chắn mục đích của nhà nước CHXHCNVN chỉ để phụng sự cho lợi ích của sâu bọ.
Nhà nước CHXHCNVN đã trở thành một thứ "giặc nội xâm".
Sự thật lịch sử đã cho người dân thấy rằng chính quyền nào ưu việt hơn chính quyền nào. Việt Nam Cộng hòa (VNCH) bị phỉ báng là "ngụy", là "tay sai thực dân". Vấn đề là tại sao chính quyền VNCH lại yêu nước thương dân, lại bảo vệ đất nước và phụng sự cho dân tộc hữu hiệu hơn "giai cấp vô sản tiên phong" hay lực lượng "giải phóng dân tộc"?
Hiện tượng đề cao văn hóa và văn minh VNCH, như ở các lãnh vực giáo dục, âm nhạc, văn học... những ngày gần đây cho ta thấy sự đối kháng tuy âm thầm nhưng rất hiệu quả của nhân dân VN. Hiện tượng này đã đem lại cho đảng CSVN một tâm trạng bất an, nếu không nói là lo sợ.
Càng trù dập, càng bôi nhọ, những thứ thuộc "di sản văn hóa và văn minh VNCH"... đã không suy tàn đi mà ngày một "sống khỏe".
Định hình quốc gia Việt Nam không hề do ý chí của kẻ cầm quyền mà do ý chí của toàn dân.
Lá cờ vàng ba sọc đỏ trở thành nỗi ám ảnh trong giấc ngủ của những người mang tâm thế "kẻ chiếm đóng".
Thứ hai, về đối ngoại. Phải chăng Nhà nước CSVN lo sợ sự "hồi sinh" của một nền cộng hòa mới ở miền Nam Việt Nam?
Theo tập quán quốc tế, một quốc gia có thể bị suy tàn, sau đó có thể bị tiêu vong. Lãnh thổ và nhân dân của quốc gia này có thể bị sáp nhập vào một quốc gia khác. Nhưng từ đống tro tàn của quốc gia (bị tiêu vong) này một quốc gia mới có thể khai sinh.
Nhà nước CSVN phải đối mặt với những cam kết mà họ ký với các quốc gia bảo hộ Hiệp định Paris 1973.
Nhà nước CSVN đã công nhận rằng nhân dân miền Nam có quyền "dân tộc tự quyết" trong vấn đề lựa chọn thể chế chính trị phù hợp cho mình.
Việc nước Úc cho phát hành những đồng tiền kỹ niệm "Chiến tranh Việt Nam". Trên đồng tiền có in hình lá cờ vàng ba sọc đỏ. Việc này vô hình trung nhấn sâu vào điểm yếu của CSVN. Đó là sự bội ước.
Pacta sunt servanda. Một quốc gia không thể bội ước.
Theo luật và tập quán quốc tế, sự bội ước hủy diệt bản chất của quốc gia.
Nhân Tuấn Trương
***
Kiến trúc sư Dương Quốc Chính từ Việt Nam:
Nhạy cảm quá khứ chiến tranh
Việc Việt Nam phản đối một công ty và bưu chính Úc về việc họ sản xuất vật phẩm lưu niệm 50 năm ngày Úc rút quân khỏi VNCH là rất vô lối. Bởi vì đây là đồng tiền kỷ niệm liên quan đến lịch sử thì phải tôn trọng lịch sử. Úc rút quân khỏi VNCH, là một quốc gia được nhiều nước công nhận, và chính VNDCCH cũng công nhận là 1 bên để ký hiệp định Paris.
Quân đội Úc từng tham chiến ở miền Nam với vai trò là đồng minh của Mỹ và VNCH, với quân số khoảng 60 ngàn, họ chỉ thua kém số lương quân Mỹ và Hàn. Quân đội Úc có đánh trận Long Tân, là một trận ác liệt với quân Việt Cộng, trận này có đóng thành phim truyện. Không phải ai cũng biết tới chuyện này.
Trong mắt quốc tế thì lúc đó vai trò của VNDCCH và VNCH là ngang nhau, cả hai nước đều không được tham gia LHQ, mỗi bên được đồng minh của mình công nhận (phe Tư bản và Cộng sản). Việc VNCH có còn tồn tại hay không nó không liên quan đến lịch sử là họ đã từng tồn tại, nên nếu kỷ niệm thời đó thì dùng hình ảnh thời đó là chuyện bình thường. Mình cho là Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối chuyện này là bị lố, không cần thiết, nhất là khi đang khuếch trương hòa hợp, hòa giải.
Trong một diễn biến khác, chưa thấy Bộ Ngoại giao hay báo chí Việt Nam lên tiếng, nhưng có một video chứng thực, là chuyện phía Campuchia cấm sử dụng ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh khi các cổ động viên đi cổ vũ Sea Games. Việc sử dụng ảnh nhân vật khi cổ vũ thể thao mình thấy là bình thường, không rõ Campuchia cấm cụ thể thế nào? Cấm riêng ảnh Chủ tịch HCM hay tất cả các ảnh chân dung? Không rõ thay ảnh bằng tranh hay tượng có thoát không? Rất mong anh em đang xem Sea Games cho biết quy định cụ thể chuyện này.
Kể ra thì việc đem ảnh Chủ tịch HCM sang đất Campuchia để hô khẩu hiệu thì khá nhạy cảm, có thể gây chia rẽ và kích động bạo lực. Vì người dân Cam có những quan điểm trái ngược về Việt Nam, do giai đoạn Việt Nam đóng quân 10 năm tại Campuchia.
Nếu đặt địa vị Việt Nam, nếu có người Trung Quốc đem ảnh Mao hay Đặng sang Việt Nam rồi hô khẩu hiệu là cũng dễ đánh nhau to! Cảnh sát Việt Nam chắc cũng phải ngăn cản.
Hai câu chuyện trên diễn ra gần như đồng thời và có một điểm chung là sự nhạy cảm về quá khứ chiến tranh. Quân đội Úc từng đem quân can thiệp vào Việt Nam và quân Việt Nam (CS) cũng đem quân can thiệp vào Campuchia. Cái giá của chiến tranh là vậy đó.
Dương Quốc Chính
***
Kỹ sư Lâm Bình Duy Nhiên từ Thụy Sĩ:
Biểu tượng nhạy cảm!
Chỉ mới đây thôi, ông Chủ tịch nước còn nhờ chính quyền Úc can thiệp và xử lý các cá nhân hay tổ chức “phản động” chống phá Việt Nam tại Úc.
Giờ thì Bộ Ngoại giao Việt Nam lại yêu cầu phía Úc ngừng lưu hành đồng tiền lưu niệm hai đô la Úc có hình cờ vàng ba sọc đỏ do Công ty Royal Australia Mint và Bưu chính Úc phát hành.
Bà Phạm Thu Hằng, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao cho biết chính quyền Việt Nam "lấy làm tiếc và kiên quyết phản đối" hành động của Công ty Royal Australia Mint và Bưu chính Úc.
Theo bà Hằng, việc phát hành các vật phẩm với hình ảnh của “lá cờ vàng", cờ của một chế độ đã không còn tồn tại sẽ gây nên những ảnh hưởng xấu và “không phù hợp với xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia".
Cũng lại là Úc! Còn nhớ, trận đấu bóng đá vòng loại World Cup 2022 giữa hai đội tuyển Úc và Việt Nam trên sân vận động AAMI Park, Melbourne vào ngày 27/01/2022 đã bị phát chậm đến 10 phút tại Việt Nam để các nhà đài tại đây “có đủ thời gian để xử lý những tình huống ngoài ý muốn”.
Tình huống nhạy cảm ở đây là những hình ảnh các cổ động viên Việt Nam của Cộng đồng người Việt Tự do tại Victoria đã mang theo những lá cờ vàng, quốc kỳ của Việt Nam Cộng hoà vào sân để cổ vũ đội tuyển Việt Nam!
Hay hành động được cho là “sỉ nhục” lá cờ vàng, vào năm 2021, bởi một nhóm du học sinh trung học người Việt Nam ở Úc. Một nam học sinh đã giật một lá cờ vàng treo trên đường phố rồi sau đó vò và vứt xuống đất trước khi dùng chân dẫm đạp lên lá cờ mà cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản luôn tôn trọng và xem như là biểu tượng của Tự do. Thêm vào đó là những lời chửi bới thô tục và nhục mạ lá cờ và cộng đồng người Việt Tự do tại đây.
Oái oăm ở chỗ là đã mang tiếng “thắng” người ta rồi, lại gần nửa thế kỷ đã qua, vậy mà cái gì liên quan đến biểu tượng, hình ảnh, tên tuổi và lịch sử của họ thì “bên thắng cuộc” lại nhảy đùng đùng lên, la lối, quan ngại, muốn cấm đoán, thậm chí đe doạ và khủng bố!
Nếu một thể chế chính trị quang minh chính đại và rộng lượng thì không khi nào hành xử một cách tiểu nhân đối với một chế độ không còn tồn tại. Hẹp hòi và tàn ác khi trực tiếp đưa đi cải tạo, thực chất bỏ tù, đày đoạ hàng trăm ngàn quân cán chính VNCH và gây ra thảm hoạ thuyền nhân với gần nửa triệu người bị chết nơi biển sâu. Phải chăng chính quyền Việt Nam cứ bị “nhột” khi thiên hạ còn nhắc đến Việt Nam Cộng hoà vì tự hiểu cái tính chính danh độc quyền toàn trị từ 48 năm qua là đáng bị lên án và gây nhiều tranh cãi?
Đâu đó, qua các phản ứng quá khích và thái quá của chính quyền, chúng ta có cảm tưởng bóng ma của Việt Nam Cộng hoà vẫn còn gây nên những lo ngại, lo sợ cho chính quyền.
Không ưa, không thích thậm chí căm ghét nên chính quyền cộng sản nhất quyết ngăn cấm, kiểm duyệt và đe doạ những gì liên quan đến di sản, biểu tượng của một chế độ không còn nữa. Một chế độ mà đến giờ này họ vẫn còn xỉ vả và lên án là “nguỵ”, là tồi tệ và là chư hầu của Mỹ…
Một chế độ với nhiều tính từ không tốt đẹp mà chính quyền Việt Nam luôn tuyên truyền và bêu riếu. Một chế độ, dẫu còn nhiều vấn nạn trong lòng một xã hội dân chủ, non trẻ, trong khói lửa chiến tranh, nhưng vẫn hơn hẳn về nhiều mặt, một chế độ, luôn tự cho mình là thiên đường xã hội chủ nghĩa, là đỉnh cao của trí tuệ nhân loại.
Một chế độ tuy đã “thống nhất” đất nước nhưng từ 48 năm qua vẫn còn thua kém “bọn Nguỵ” từ giáo dục nhân bản, khai phóng đến những giá trị đạo đức trong xã hội. Từ quyền con người phổ quát đến những sinh hoạt chính trị dân chủ,… Đó là tất cả những gì mà người cộng sản không thể nào làm được và mang lại cho dân tộc này sau gần nửa thế kỷ.
Căm ghét, thù hận, chửi bới, tẩy não và lo sợ dẫu vẫn hô hào “hoà giải, hoà hợp” dân tộc.
Đó chính là bộ mặt thật của chính quyền này!