Thứ Sáu, 19 tháng 5, 2023
Đỗ Thông Minh : Trích Tuyển Tập Biên Khảo “Sự thật Hồ Chí Minh & những hệ lụy"
Những điều ngộ nhận về Hồ Chí Minh
Giải Mã 1 Số Nghi Vấn Lịch Sử!
![]() |
1- HCM không được sinh ra ngày 19/5, ngày ấy chỉ là ngày thành lập “Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội” (19/5/1941)! Thời đó nhiều gia đình không làm khai sinh con, nên sau hầu hết con cái cũng không biết được sinh ra ngày nào! Giáo sư Tiến sĩ về HCM học Hoàng Chí Bảo trong 1 buổi nói chuyện cũng đã công khai xác nhận điều này.
2- HCM không được sinh ra vào năm 1890, năm này chỉ là 1 trong 5 năm sinh HCM đã khai báo (1890, 1892, 1894, 1895, 1900, 1903...)!
- Trong đơn xin học Trường Hành Chính Thuộc Địa, năm 1911, HCM tự ghi là sinh năm 1892.
- Năm 1920, HCM khai với 1 quận cảnh sát tại Paris ngày sinh của mình là 15/1/1894.
- Theo 1 tài liệu do Phòng Nhì Pháp lập năm 1931, có sự xác nhận của 1 số nhân chứng làng Kim Liên, quê nội của HCM, thì HCM sinh tháng 4/1894.
- Theo tờ khai của HCM trong đơn xin gia nhập Hội Tam Điển ngày 14/6/1922 và làm chiếu khán tại Tòa Đại sứ Liên Xô ở Berlin, Đức, vào tháng 6/1923, ngày sinh được ghi là 15/2/1895.
- Theo báo Công An Nghệ An ngày 19/5/2013 thì HCM sinh ngày 19/5/1890!?
- Theo VTV1 ngày 2/9/2013 thì HCM sinh ngày 10/5/1980!
3- Theo nghiên cứu của sử gia Trần Quốc Vượng (1934-2005) ngay tại làng Kim Liên, ở Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Nghệ An, đã viết “Chuyện Ở Sân Sau: Về ông nội và người cha của Chủ Tịch Hồ Chí Minh” trong tập “Trong Cõi” năm 1993, thì HCM vốn không phải họ “Nguyễn” như tên cúng cơm “Nguyễn Sinh Cung”, tự là Nguyễn Tất Thành hay mạo nhận Nguyễn Ái Quốc (khi ở Pháp). Ông Nguyễn Sinh Sắc (cha của HCM) không phải là con thật của bà Hà Thị Hy (cô “Đèn”) với ông Nguyễn Sinh Nhậm, mà vốn là con không được thừa nhận của ông cử Hồ Sĩ Tạo, thuộc dòng họ Hồ. Ông Nguyễn Sinh Sắc lấy bà Hoàng Thị Loan mới sinh ra Nguyễn Sinh Cung. Từ năm 1942, ông ta bắt đầu dùng họ “Hồ” với tên là HCM như ghi trong danh thiếp “Tân Văn Kí Giả” (Theo cuốn “Hồ Chí Minh tại Trung Quốc” của Tưởng Vĩnh Kính, nxb Văn Nghệ, tr 217).
4- HCM khoe tính giản dị, tiết kiệm, từng tuyên bố mình chỉ có 2 bộ quần áo kaki mà không nói tới hàng chục bộ quần áo sang trọng khác!? Nếu xem qua hàng trăm hình ảnh về HCM thì thấy HCM đã mặc số quần áo sang trọng hơn bất cứ người Việt Nam nào thời ấy, đếm không hết chứ không phải chỉ có 2 bộ quần áo ka ki. Rất nhiều nơi tại Việt Nam có chưng bày di tích của HCM thí lấy đâu ra áo kaki của “bác” mà triển lãm!?
5- HCM theo bài viết trên báo “Nhà Nhiếp Ảnh Nguyễn Ái Quốc” của Văn Hiền, trích trong “Những Mẩu Chuyện Làm Báo Của Bác Hồ” của nxb Thanh Niên đăng ngày 29/8/2010, cho hay HCM từng tự học và mở hiệu chụp hình tại Paris năm 1920-1923 để sống tự lập. Thời ấy mở hiệu chụp hình là cả 1 vấn đề lớn vế kỹ thuật và tài chính, ai cũng biết HCM không có tiền, lưu lạc ở xứ người và kém tiếng Pháp, thì khó mà làm được như vậy.
Trong cuốn “Những Mẩu Chuyện Về Đời Hoạt Động Của Hồ Chủ Tịch” của Trần Dân Tiên tức HCM viết chỉ nói là thợ sửa ảnh (theo chân cụ Phan Chu Trinh làm cho hiệu chụp hình của ông Khánh Ký, tức Nguyễn Văn Xuân và vẽ giả đồ cổ Trung Quốc bán (vì HCM biết võ vẽ chữ Hán)... thôi.
6- HCM không đưa Chủ Nghĩa Cộng sản vào Việt Nam, chủ nghĩa này vào qua báo chí Pháp, cả Đệ Tam Quốc Tế và Đệ Tứ Quốc Tế. Năm 1930, với vai trò liên lạc, HCM mời được 2/3 đảng theo Chủ Nghĩa Cộng sản đã thành lập tại Việt Nam năm 1929 là Đông Dương Cộng sản đảng, An Nam Cộng sản đảng, Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn qua Hồng Kông họp. HCM đã xin viện trợ Liên Xô và Trung Quốc, đưa vũ khí vào Việt Nam thì đúng.
7- HCM không quyết định thành lập ĐCSVN. Vào tháng 10/1929, Đông Phương Bộ của Đệ Tam Quốc Tế mới là cơ quan đưa ra quyết định thành lập. HCM chỉ là người thi hành nhưng mạo nhận đại diện Đệ Tam Quốc Tế nên bị cả 3 Trần Phú, Lê Hồng Phong và Hà Huy Tập tố cáo với Đệ Tam Quốc Tế HCM tội thời cơ chủ nghĩa, liên minh với tư sản... nên không được tin dùng.
8- HCM không thành lập ĐCSVN ngày 6/1/1930. Theo “Báo Cáo Chính Trị Tại Đại Hội Đại Biểu Toàn Quốc Lần Thứ II Của Đảng”, trong mục thứ 2, tiểu đề: “Đảng Ta Ra Đời”, do HCM trình bày ngày 11/2/1951 xác định: “Ngày 6/1, Đảng Ta Ra Đời.” (Bài đăng trong sách do HCM viết “Vì Độc Lập Tự Do, Vì Chủ Nghĩa Xã Hội”, nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1976, tt. 97-120 và đăng lại trong “HCM Toàn Tập”, tập 6, nxb. Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 2000, tt. 153-176.)
![]() |
9- HCM không tham dự cuộc họp thành lập Đông Dương Cộng sản đảng vì bị loại, không cho tham dự cuộc họp tái thành lập vào tháng 10/1930 tại Hồng Kông do Trần Phú triệu tập (Trần Phú qua Liên Xô sau HCM, nhưng học tới 3 năm 1927- 1930 và cực đoan hơn với khẩu hiệu “Trí, phú, địa, hào đào tận gốc, trốc tận rễ.”) và Phú trở thành Tổng Bí Thư đầu tiên. Như vậy HCM không hề can dự việc thành lập ĐCSVN này.
10- HCM không ra đi tìm đường cứu nước mà tìm đường cứu thân và gia đình vì bố mất chức Tri Huyện Bình Khê, gia đình rơi vào cảnh nghèo đói. Từ Hoa Kỳ, HCM đã viết thư cho Khâm Sứ Trung Kỳ người Pháp nhờ cho cha mình việc làm và giúp chuyển tiền khi đang làm thợ làm bánh mì ở Mỹ.
11- HCM không phải là “Nguyễn Ái Quốc/Quấc”. “Nguyễn Ái Quốc” là tên dùng chung của nhóm “Ngũ Long” ở Pháp gồm Phan Văn Trường Phan Châu Trinh, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Tất Thành (HCM).
Năm 1919, nhân Tổng Thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson khuyến khích các nước thuộc địa trên khắp thế giới bằng Bản Tuyên Bố 14 điểm kêu gọi quyền tự quyết cho mọi dân tộc và hội nghị tống kết Thế Chiến Thứ 1 tại Versailles, nhóm “Ngũ Long” mà chủ yếu là Luật Sư Phan Văn Trường cùng Phan Châu Trinh và Nguyễn Thế Truyền đã soạn “Bản Yêu Sách Của Nhân Dân An Nam” gồm 8 điểm. Nhóm giao cho Nguyễn Tất Thành là người trẻ tuổi ngang với Nguyễn Thế Truyền, thua những người kia khoảng 10-20 tuổi và qua sau cùng đi trao, chứ Nguyễn Tất Thành không đủ trình độ để soạn, có tin nếu có chỉ là vai trò thư ký.
Hội nghị quốc tế với nhiều lãnh đạo thế giới, lại vừa chấm dứt chiến tranh, an ninh tất nhiên rất chặt chẽ thì không thể có chuyện người lạ Nguyễn Tất Thành đi dọc hành lang... trao Bản Yêu Sách cho đại diện các nước như tuyên truyền của ĐCSVN. Nên cũng có tin Thành đi trao cho hội nghị nhưng thực ra chỉ trao được 1 bản cho Bộ Trưởng Thuộc Địa Pháp sau đó.
12- HCM rõ ràng là đảng viên đảng Cộng sản Pháp nhân hội nghị Tours năm 1920, đảng viên đảng Cộng sản Quốc Tế (khi qua Liên Xô năm 1924?)... nhưng chưa hề làm thủ tục, chính thức tuyên thệ tham gia ĐCSVN.
13- HCM không chủ động hành động mà làm theo chỉ thị và chi trả của Đệ Tam Quốc Tế, theo Stalin, theo Mao Trạch Đông. Khi ra khỏi nhà tù Hồng Kông về Liên Xô năm 1934, bị bỏ rơi suốt 7 năm không tự làm được gì, phải liên tục gửi thư xin công tác và xin tiền! Nói là đi tìm đường cứu nước nhưng không chủ động làm được gì!
14- HCM không có “tư tưởng” theo nghĩa tư duy có hệ thống. Cái gọi là “tư tưởng HCM” chỉ là sản phẩm của Hoàng Tùng đưa ra năm 1991, tức sau khi HCM chết 22 năm, khi thấy Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, Chủ Nghĩa Marx – Lenin lung lay tận gốc rễ, bị nhân loại bỏ vào thùng rác.
15- HCM không phải là tác giả tập thơ chữ Hán “Ngục Trung Nhật Ký” (Nhật Ký Trong Tù)! Đó chỉ là tác phẩm HCM lấy của người khác (Có thể là 1 ông già người Hoa nên mới bị kết là “Hán gian”, theo Trung Hoa Quốc Dân Đảng bị án tù nhưng cuộc sống thoải mái, không như cảnh tù của HCM tự tả trong “Những Mẩu Đời Hoạt Động Của Hồ Chủ Tịch”) làm của mình! HCM không đủ trình độ viết và hiểu nên sau phải giao cho những ủy ban quy tụ những nhà Hán Học Việt Nam đầu ngành dịch và xuất bản kéo dài trong suốt 45 năm (1955-1990)!
![]() |
16- HCM không đưa ra 3 tiêu chí “Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc” mà lấy từ 3 mục tiêu của “Tam Dân Chủ Nghĩa” của Trung Hoa Quốc Dân Đảng do Tôn Văn... biên soạn là “Dân Tộc Độc Lập, Dân Quyền Tự Do, Dân Sinh Hạnh Phúc”.
Khái niệm đầu tiên xuất hiện trên tờ Dân Báo năm 1905 là “Ba Nguyên Tắc Lớn” (三大 主義) sau đổi ra “Ba Nguyên Tắc Của Nhân Dân” (三民主義).
17- HCM đem cờ Phúc Kiến là “nền đỏ với sao vàng mập” làm cờ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa từ năm 1940 và nay đổi thành “nền đỏ với sao vàng gầy” làm cờ nước CHXHCNVN từ năm 1976 chứ không phải từ cuộc Khởi Nghĩa Nam Kỳ ngày 23/11/1940 và tác giả là ông Nguyễn Hữu Tiến. Cũng như HCM đã đem cờ ĐCSLX bắt đầu dùng từ năm 1917 và cờ nước Liên Xô làm cờ ĐCSVN.

18- HCM không hề am tường, thành thạo 29 ngôn ngữ chưa kể các ngôn ngữ của người sắc tộc như GS TS Hoàng Chí Bảo đưa ra! Ngay tiếng Việt HCM còn kém nói chi đến ngoại ngữ như trong “Tuyên Ngôn Độc Lập 2/9/1945” (ít nhất 6 điểm sai) và 4 bản “Di Chúc” (hàng chục lỗi)!
19- HCM học chưa hết tiểu học, trình độ tiếng Việt cho tới tiếng Pháp, Hán, Anh... đều thuộc loại kém. HCM viết chữ Hán không hề “rồng bay phượng múa” như GS TS Hoàng Chí Bảo ca ngợi mà rất thường, nhiều chỗ có phần nguệch ngoạc!
20- HCM không vì quá lo việc nước mà hy sinh không lập gia đình. HCM thời 30 năm lưu lạc nước ngoài (1911-1941), đã chính thức kết hôn với một phụ nữ người Hoa tên Tăng Tuyết Minh năm 1926, có bà Đặng Dĩnh Siêu là vợ Chu Ân Lai làm chủ hôn) hay khi về Việt Nam làm Chủ Tịch Nước, lúc nào cũng có phụ nữ, trước sau cả chục người!
21- HCM không tuyệt tự mà thực ra có con, vài con. Nhiều tin đã nói về Nguyễn Tất Trung (là con HCM với bà Nông Thị Xuân, vì muốn giữ tiếng mà sau đó HCM bỏ mặc vợ như đã bỏ rất nhiều bà khác, để rồi Nông Thị Xuân bị Trần Quốc Hoàn hiếp và giết, phải đưa con cho Chu Văn Tấn, Vũ Kỳ... nuôi giùm.) và Nông Đức Mạnh cũng là một nghi án. Nông Đức Mạnh từng loanh quanh khi trả lời câu hỏi có phải con của HCM không? Rằng: “Ở Việt Nam ai cũng là con cháu Bác Hồ.” Mãi sau mới thanh minh rằng cha mẹ là ông Nông Văn Lại và bà Hoàng Thị Nhị nên không ai tin...
22- HCM với tin chết tại Hồng Kông năm 1932 và cả tại Quảng Tây năm 1942 (khi bị phe Trung Hoa Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch bắt và chết trong tù theo tin từ 1 cán bộ Cộng sản báo về cho ĐCSVN) chỉ là thông tin sai lạc (Theo cuốn “Hồ Chí Minh tại Trung Quốc” của Tưởng Vĩnh Kính, nxb Văn Nghệ, tr 221).
23- HCM với tin rằng tình báo Trung Quốc cho “người Hẹ đóng giả” (Khi đó HCM chưa có tên tuổi thì Trung Quốc không việc gì phải làm thế và thế giới có lẽ chưa bao giờ có người đóng giả thành thật mà cả Đảng Cộng sản Quốc Tế, Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam … đều không biết.) Các ông Trần Đĩnh, Bùi Tín, Vũ Thư Hiên... đều phủ nhận tin này.
24- HCM với tin khi đã làm Chủ Tịch Nước mà không về thăm quê, thực ra HCM đã có về thăm Kim Liên, Nghệ An 2 lần năm 1957 và 1961, nhưng đều sau khi chị cả Nguyễn Thị Thanh (1884-1954), anh cả Nguyễn Sinh Khiêm (1888-1950) và em út Nguyễn Sinh Nhuận (1900-1901) đã qua đời.
25- HCM yêu cầu thiêu xác, trong khi ĐCSVN quyết định ướp xác ít nhất 1 năm trước khi HCM qua đời. Có lẽ đó chỉ là mưu đồ “tôn thời lãnh tụ” để dễ mê hoặc dư luận của Lê Duẩn và ĐCSVN nhằm củng cố vai trò lãnh đạo của ĐCSVN!
26- HCM rất rảnh? Năm 1945 vừa về nắm quyền nói là rất bận rộn và rất khiêm nhường nhưng đã lo đi tiếp ký giả “Trần Dân Tiên” để cho ra không phải 1 bài báo mà cả 1 cuốn sách tự ca ngợi mình. HCM còn có thì giờ ngày ngày tưới cây vú sữa trong Nam tặng dù biết cây không bao giờ cho quả, cho cá ăn, viết đi viết lại 4 bản di chúc trong suốt 5 năm (1965-1969)...!
27- Dân không tự ý gọi HCM là “Cha già dân tộc” hay “bác”. Đặc biệt GS TS Hoàng Chí Bảo, Ủy Viên Hội Đồng Lý Luận Trung Ương, cho rằng: Gọi HCM là “Cha già dân tộc” khi mới 55 tuổi là sai lầm...!
Trong khi chính HCM là người trong “Những Mẩu Đời Hoạt Động Của Hồ Chủ Tịch” dưới tên Trần Dân Tiên, đã viết rằng dân chúng yêu mến vì công lao của “Nguyễn” [Tất Thành] lớn hơn cả Trần Hưng Đạo, Quang Trung nên gọi là “Cha già dân tộc” và chính HCM viết tự coi mình là “bác”, khi nói chuyện cũng đều tự xưng là “bác”.
28- HCM không gặp cụ Phan Bội Châu ở Trung Quốc như bài viết thuộc ĐCSVN đưa ra. HCM khi qua Pháp có thời trong vai con cháu làm việc chung trong nhóm “Ngũ Long” có cụ Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc).
Theo GS sử học Vĩnh Sính, khi HCM qua Trung Quốc hoạt động, cụ Phan Bội Châu (1867-1940) nghe tin về “Nguyễn Ái Quốc” nhưng cũng chưa biết là người như thế nào, 2 bên có viết vài lá thư trao đổi với nhau nhưng chưa từng gặp nhau.
29- HCM không chết ngày 3/9/1969 như ĐCSVN công bố vì sợ “Quốc Tang” trùng với “Quốc Khánh”, mà chết ngày 2/9. Sự thật này được thư ký của HCM là Vũ Kỳ và Phó Tổng Biên Tập nhật báo Nhân Dân kiêm Tổng Biên Tập tuần báo Nhân Dân Chủ Nhật là Đại Tá Bùi Tín tiết lộ trên báo. Vì vụ tiết lộ này, 2 ông bị Bộ Chính Trị kêu lên khiển trách là vô kỷ luật, nhưng cuối cùng Bộ Chính trị phải chấp nhận sự thật vẫn là sự thật!
30- HCM đã đào tạo các đệ tự giỏi và “trung thành” như Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyễn Giáp... nhưng thực ra ngay từ khi HCM chưa chết thì những người này đã âm mưu làm trái di chúc rồi, bằng cách cắt xén ráp các bản khác nhau, không thiêu xác mà cho là theo ý nguyện của dân chứ không theo ý nguyện của “bác”, không giảm thuế cho dân...
31- HCM không hề được UNESCO vinh danh là “Danh Nhân Văn Hóa Thế Giới” như ĐCSVN vẫn tuyên truyền. Năm 1987, do sự vận động của Trần Đông Giang đại diện nhà cầm quyền CSVN, dự định vinh danh được ghi nhận trong biên bản cuộc họp khoáng đại nhưng do bị phản đối mãnh liệt từ nhiều phía nên năm 1990 nhân “100 năm sinh HCM”, UNESCO không tổ chức vinh danh đồng thời cũng cấm Tòa Đại sứ CSVN tại Pháp tổ chức với danh nghĩa vinh danh HCM. Nếu ĐCSVN vẫn tiếp tục cho rằng HCM được vinh danh thì hãy đưa ra chứng cớ được vinh danh ngày nào, ở đâu và Bằng Tưởng Lục đâu!?
***
HCM Từng Gia Nhập Hội Tam Điểm?
Tuy tuyên truyền dối trá rất nhiều chuyện, nhưng HCM và đảng CSVN đều giấu nhẹm vụ HCM từng gia nhập Hội Tam Điểm ở Pháp ngay sau khi gia nhập đảng Xã Hội Pháp (1919), sáng lập viên đảng Cộng sản Pháp tháng 12/1920 (SFIC, năm 1921, thành PCF = Parti Communiste Français).
Hội Tam Điểm (Franc – Maçonnerie, tiếng Anh là Freemasonry) nguyên là 1 hội đoàn giáo dục, nhắm truyền bá cho hội viên 1 triết lý sống có đạo đức. Xuất hiện ban đầu ở Anh vào thế kỷ 17 như 1 nhóm nghề nghiệp (thợ nề, thợ chẻ đá). Về sau thành 1 hội đoàn hướng đến lý tưởng cao cả như bác ái (fraternity), bình đẳng (equality) và hòa bình (peace). Dần dần hội cho gia nhập cả những người giàu có hoặc có địa vị trong xã hội. Lý tưởng chấp nhận tự do tín ngưỡng và bình đẳng giữa mọi người của hội đi đôi với chủ nghĩa tự do thời thế kỷ 18. Tính cách khai phóng của hội trái ngược với độc tài của Cộng sản.
Cuốn sách “Nguyễn Ái Quốc Tại Paris 1917-1923”, được nxb Thông Tin Lý Luận tại Việt Nam ấn hành năm 1989, tác giả là bà Thu Trang định cư ở Pháp năm 1961. Trong sách này, bà viết: “Theo 1 mật báo đã ghi ngày 14/6/1922, Nguyễn Ái Quốc được chấp nhận vào Hội Franc-Maçonnerie (Tam Điểm)...”.
Đoạn nầy không bị Ban Văn Hóa Tư Tưởng Trung Ương đảng CSVN kiểm duyệt gạch bỏ, có thể nhờ câu tiếp theo của bà Thu Trang: “Điều nầy chứng tỏ là Nguyễn Ái Quốc đã đến với bất cứ tổ chức chính trị nào có tính cách tiến bộ. Mặc dù theo truyền thống, hội trên chỉ dành cho giới giáo sĩ, quý tộc hoặc những nhà trí thức bác học tên tuổi v.v... Nguyễn Ái Quốc được chấp nhận vào hội nầy là do được sự giới thiệu (ít nhất phải có 2 hội viên cũ giới thiệu) như 1 nhà báo lỗi lạc, hay 1 nhà cách mạng đã có tên tuổi? Khó mà đoán được...” (tr. 201).
Tháng 7/1922, Nguyễn Ái Quốc 2 lần gặp gỡ Phạm Quỳnh (1892-1945) tại Paris, cũng là 1 nhân vật Tam Điểm Việt Nam, lúc đó tháp tùng theo phái đoàn vua Khải Định (trị vì 1916-1925) hướng dẫn đoàn Việt Nam sang dự cuộc đấu xảo (hội chợ) ở Marseille, Pháp. Lúc đó, Phạm Quỳnh là 1 nhà báo, Nghị Viên Hội Đồng thành phố Hà Nội. Phải chăng vì khác lập trường và có thể vì biết “tẩy” của HCM, Phạm Quỳnh đã bị CSVN, khi đó là Việt Minh, bắt giam ở Thủ Thừa, Huế và sau đó thủ tiêu!? Năm 1956, di hài ông được tìm thấy trong khu rừng Hắc Thú.
Bài “HCM Là 1 Cựu Hội Viên Tam Điểm” của ông Hứa Vạn Thọ tại Pháp viết ngày 10/12/2011 có đoạn:
Ngày 29/11/2011, trong 1 buổi “hội trắng đóng kín” (tenue blanche fermée) tại trụ sở của Grand Orient de France (GODF: Đại Đông Pháp) gần Métro Cadet, việc HCM gia nhập Hội Tam Điểm đã được xác nhận 1 cách chính thức.
Theo 1 thuyết trình viên, HCM đã được “khai thị” (initié) ngày 14/6/1922 tại trụ sở của chi hội “La Fédération universelle” hệ phái GODF, số 94 Av de Suffren. Tài liệu còn lưu lại trong văn khố là văn thư của hội viên Tam Điểm Roger Boulanger giới thiệu HCM gia nhập hội như sau:
- Nom et Prénom (Họ Tên): Nguyễn Ái Quấc
- Lieu et Date de Naissance (Nơi, Ngày sanh): Annam 15 février 1895 (15/2/1895).
- Profession ou Qualité civile (Nghề nghiệp, dân sự): Retoucheur Photographe dessinateur (sửa hình, chụp hình, vẽ tranh).
- Adresse (địa chỉ): Impasse Compoint E.v 17è.
- Nom des FF Présentateurs (Họ tên những huynh đệ giới thiệu): frère Boulanger Roger 2è.
Ngày 7/7/1922, Phòng Nhì Pháp cũng như các sở chánh trị trực thuộc Toàn Quyền Đông Dương Pháp đã được báo cáo đầy đủ sự việc nầy.
Tuy có tham dự vài lần các buổi họp của chi hội nói trên, 6 tháng sau, HCM (chạy theo quan điểm của Léon Trosky, quay ra đả kích hội Tam Điểm trên báo Humanité của đảng Cộng sản Pháp: “Những hội viên Tam Điểm, và Liên Đoàn Nhân Quyền làm việc cho “cộng tác giai cấp” chứ không phải “đấu tranh giai cấp”, tuyên bố ủng hộ các nghị quyết của Đại Hội Lần Thứ 4 của Cộng sản Quốc Tế (*), trong đó tuyết đối cấm mọi đảng viên Cộng sản gia nhập các tổ chức nói trên, và các tổ chức “vô chánh phủ”.
(*) Trong tài liệu Pháp ngữ về 22 điều kiện để gia nhập đảng Cộng sản (còn gọi là điều kiện Moscou) trong đó Trotsky kết án Hội Tam Điểm là “cộng tác giai cấp” (collaboration de classe), tức là chống phá cách mạng, không thích ứng với đấu tranh cách mạng: “Hội Tam Điểm là 1 vết lở lói trên thân thể của Cộng sản Pháp, phải đốt nó bằng thanh sắt nóng.”. Lúc đầu chỉ có 21 điều cấm, nhưng Trotsky sau đó đã thêm vào điều 22 (cấm đảng viên Cộng sản gia nhập vào hội Tam Điểm).
Thực tế, HCM không hiểu hay chỉ hiểu loáng thoáng mục tiêu của các tổ chức khi gia nhập như đảng Xã Hội, đảng Cộng sản hay Hội Tam Điểm... HCM trình độ kém và luôn túng thiếu, cần tiền, nên chỉ là “cơ hội chủ nghĩa” như báo cáo của các Tổng Bí thư Trần Phú và nhất là của Hà Huy Tập trong đại hội Đông Dương Cộng sản lần thứ nhất tại Ma Cao từ 27 đến 31/3/1935, cho là HCM “phạm 1 loạt sai lầm cơ hội chủ nghĩa”.
***
Bí Ẩn Chung Quanh Chuyện HCM Bị Thất Sủng Vào Lúc Cuối Đời
của Trần Viết Ðại Hưng
Mới đây nhà văn Sơn Tùng, vốn là 1 chuyên gia nghiên cứu về HCM, được mệnh danh là “Nhà HCM Học” đến nói chuyện với khóa 40 của lớp “Ðào tạo cán bộ quản lý ngành giáo dục”. Ông Sơn Tùng còn tiết lộ thêm nhiều chuyện động trời như vào trận Mậu Thân 1968, Lê Duẩn và Lê Đức Thọ đẩy Võ Nguyên Giáp sang Hungary "chữa bệnh" và tống HCM sang Trung Cộng cho rảnh mắt. Lúc HCM về nước bằng máy bay, Duẩn và Thọ cho cán bộ phi trường đổi đèn hiệu sân bay để cố tình gây ra tai nạn cho chiếc phi cơ chở HCM, có nghĩa là mượn tai nạn để giết HCM. Có lẽ số mạng còn lớn nên HCM không chết trong cuộc bố trí do Duẩn và Thọ bày ra và tiếp tục sống đến năm 1969.
Bài nói chuyện của Sơn Tùng được ghi thành văn bản và được phổ biến rộng rãi trên Internet làm nhiều người ngạc nhiên. Dĩ nhiên Sơn Tùng nói những âm mưu của Duẩn và Thọ sau khi Duẩn và Thọ qua đời...
Trong cuốn hồi ký “Ðêm Giữa Ban Ngày”, nhà văn Vũ Thư Hiên có kể lại chuyện mẹ của Vũ Thư Hiên có ý trách ông Hồ, trong chức vụ Chủ tịch nước, đã tỏ ra bội bạc và vô tình không can thiệp cứu giúp khi phe Lê Duẩn và Lê Đức Thọ bắt giữ giam cầm ông Vũ Đình Huỳnh (là chồng bà cũng như là thân phụ ông Hiên). Ông Huỳnh là Bí Thư cho ông Hồ trước đây. Nhưng thật ra ở giai đoạn bắt ông Vũ Đình Huỳnh thì Lê Duẩn và Lê Đức Thọ đã tước hết quyền hành của ông Hồ rồi thì làm sao ông Hồ có thể ra tay cứu giúp người bí thư cũ của ông là cụ Vũ Đình Huỳnh được...
Cách đây không lâu, 1 cán bộ cao cấp trong Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam là Lữ Phương [Dạy học. Chủ trương tạp chí Tin Văn. Rời Sài Gòn theo CS sau tết Mậu Thân.], có viết 1 bài về HCM nhan đề, “Huyền Thoại HCM” cũng đã nói lên chuyện phe Lê Duẩn - Lê Đức Thọ đã thật sự khống chế phe Hồ Chí Minh – Võ Nguyên Giáp như sau:
“... Không biết có khi nào suy ngẫm lại những cái đã qua, ông cảm thấy những bất ổn trong những vở kịch do mình tạo ra hay không, nhưng từ bên ngoài, nhiều người đã thấy khá nhiều những bực bội, buồn phiền gây ra cho ông bởi chính cái đám âm binh cách mạng của ông. Có nhiều chuyện không vui vẻ lắm, nhưng chuyện ông bị cho ra rìa suốt trong quãng đời còn lại trước khi ông mất là đáng chú ý nhất. Sau Cải Cách Ruộng Đất năm 1956 ở miền Bắc, do nhập từ Trung Quốc, quá thất đức và sai lầm, ông đưa Võ Nguyên Giáp, uy tín như cồn sau Ðiện Biên Phủ, ra thay mặt đảng xin lỗi nhân dân, sau đó định sẽ lên thế chỗ Trường Chinh làm Tổng Bí thư. Lúc bấy giờ ở Liên Xô, Krushchev đang thắng thế với đường lối hòa bình, trong Ðảng Việt Nam cũng có xu hướng ấy. Nhưng tình hình Việt Nam lại không thuận lợi để phát triển. Do cường độ cuộc chiến tranh ở miền Nam đã lên cao, đường lối quyết liệt dùng bạo lực để giải quyết chiến tranh thắng thế đã đưa cánh Lê Duẩn - Lê Đức Thọ lên nắm quyền...”.
Có phải ông Hồ Chí Minh cuối đời đã bị Đảng vô hiệu hóa?
Phỏng vấn Vũ Thư Hiên
Ai cũng biết rằng sau sai lầm đẫm máu của cuộc Cải Cách Ruộng Đất long trời lở đất, Tướng Võ Nguyên Giáp với sự vô can của quân đội, với vòng nguyệt quế Điện Biên Phủ, lẽ ra phải có địa vị lớn hơn nhiều cái mà HCM và Trường Chinh đã sắp xếp cho ông ta. Hai vị lãnh tụ ngã ngựa lựa chọn Lê Duẩn chứ không phải Võ Nguyên Giáp cho vai trò Bí Thư Thứ Nhất với hy vọng người này sẽ ngoan ngoãn khoanh tay xin ý kiến hai Thái Thượng Hoàng trong mọi việc. Sự đời lại không diễn ra như thế...
Nhưng còn thần tượng HCM, người đã được tôn sùng là Cha già dân tộc thì sao? Ông ta không có 1 khuyết điểm nào khả dĩ chê trách hoặc tấn công. Nhưng nếu ông vẫn còn ngồi lù lù đấy thì thiên hạ sẽ tiếp tục nghĩ ông ta vẫn là Tổng Chỉ Huy các lực lượng cách mạng, chứ không phải Lê Duẩn. Vậy thì cách tốt nhất là tìm cách đưa ông vào đền thờ làm tượng, cho ông ngồi trên cao say hương mê khói mà không nhúng tay vào việc nước nữa. Lúc đó thiên hạ sẽ hiểu người có quyền uy tối thượng, ở trên tất cả ngày nay là ai.
Tôi không thể nói chuyện đó xảy ra vào thời điểm cụ thể nào. Chỉ biết năm 1965, trong 1 cuộc nói chuyện với cán bộ tuyên giáo ở Hưng Yên, Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương Tố Hữu nói: “Ông Cụ lẫn cẫn rồi, mọi việc bây giờ đều do anh Ba (Lê Duẩn) và tụi tôi giải quyết.”. Có thể đoán là trước đó, năm 1964 hoặc sớm hơn, 1963, việc đó đã xảy ra. Không còn HCM trong vai trò người thầy của cách mạng, Lê Duẩn ung dung làm người thầy mới với lý thuyết “Làm chủ tập thể”, “Ba dòng thác cách mạng”, “Cách mạng tiến công”. Những lý thuyết này được cả 1 bầy văn nô tung hô trên mọi mặt báo và khen tới khản giọng trong những cuộc “nói chuyện” hoặc “học tập” nghị quyết này khác...
Cuộc gọi là “Tổng Tiến Công Và Nổi Dậy” 1968 được tiến hành trong lúc vắng mặt cả Võ Nguyên Giáp [đi dưỡng bệnh ở Hungary] và Hồ Chí Minh [đi nghỉ ở Trung Quốc] không thể coi như Lê Duẩn ép buộc. Rõ ràng Lê Duẩn không muốn 2 người có ý nghĩ khác ông ta có mặt vào thời điểm đó, nhưng tôi không tin có sự ép buộc nào. Chẳng qua Lê Duẩn đã có cách nào đó để 2 người nghe lời mà đi nghỉ (đưa ra những lời khuyên của thầy thuốc chẳng hạn)...
***
Mâu thuẫn vụ lăng Hồ Chí Minh giữa HCM – Nhân dân – Đảng
Việc ướp xác, xây lăng giữa thủ đô, kiểu và dáng…đều phản truyền thống văn hóa dân tộc.
Một ủy ban xây dựng lăng HCM được thành lập, gồm đại diện Bộ Xây Dựng và Bộ Quốc Phòng do Đỗ Mười, lúc đó là Ủy Viên Trung Ương Đảng, làm Chủ Tịch.
Quá trình xây dựng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
![]() |
Khi xây Bảo Tàng HCM (khởi công ngày 2/9/1973, khánh thành ngày 19/5/1990), đảng CSVN muốn xây thật to và không muốn công trình nào che lấp hoặc lẫn vào nên 1 cán bộ cao cấp chịu trách nhiệm thi công đã ra lệnh cho thợ xây phun nước liên tục vào chùa Một Cột (khởi xây năm 1049) tức chùa Diên Hựu (nằm giữa lăng và bảo tàng), mục đích làm cho chùa này sập… May có GS Trần Quốc Vượng tìm mọi cách lên tiếng nên chùa đã được để yên.
![]() |
Bây giờ thì chùa Một Cột biểu tượng của Thăng Long ngàn năm văn vật, đành khép nép, bị che khuất bởi Bảo Tàng HCM đến tội nghiệp, ai nhìn cũng thấy bất nhẫn!
Càng xây lăng HCM hoành tráng bao nhiêu thì càng phản lại những gì đảng CSVN đã tuyên truyền là HCM sống rất đạm bạc và cần kiệm.
Cuối năm 1968, HCM đã đi lại khó khăn, nhưng qua đầu năm 1969, còn đi trồng cây tại địa phương. Từ ngày 17/8/1969, HCM bị bệnh tim ngày càng nặng, không lên thang nhà sàn được nữa. Từ ngày 24/8 thì HCM không làm việc được nữa.
Cái chết của HCM xảy ra lúc 9 giờ 47 phút sáng ngày 2/9/1969 (sau mũi tiêm cuối cùng điều trị rối loạn nhịp tim, có thể quá liều đã gây tác dụng ngược là làm rối loạn nhịp tim hơn, nên có nghi vấn là HCM đã bị ám sát).
Bộ Chính trị muốn xây dựng huyền thoại để mỵ dân và làm lá bùa hộ mạng cho đảng nên bất chấp di chúc của HCM, chuẩn bị ướp xác HCM từ 2 năm trước (Lê Duẩn từng đọc các bản thảo di chúc, biết rất rõ HCM muốn thiêu xác nhưng vẫn cho ướp xác)… Lê Duẩn cho nhóm Bác Sĩ chuyên môn đi Liên Xô học và nhờ Liên Xô giúp, về từ kỹ thuật ướp xác tới xây lăng…
Hội nghị bất thường của Ban Chấp Hành TƯĐ (khoá 3) chiều 3/9/1969 đã giao cho Bộ Chính trị trách nhiệm công bố di chúc của Chủ Tịch HCM. Bản công bố chính thức chủ yếu dựa vào bản 1965, trong đó 1 số đoạn được bổ sung hoặc thay thế bằng những đoạn tương ứng viết năm 1968 và 1969.
“Lăng HCM”, hay tên cũ là “Lăng Hồ Chủ Tịch”, nôm na là “Lăng Bác”, đã được chính thức khởi công ngày 2/9/1973, tại vị trí của lễ đài cũ, giữa quảng trường Ba Đình, nơi HCM đã từng chủ trì các cuộc mít tinh lớn trên đường Hùng Vương.
Lăng được khánh thành ngày 29/8/1975, sàn rộng 21.000 mét vuông, vuông vắn mỗi chiều 30 mét, cao 21,6 mét, gồm 3 lớp, xây theo kiểu kiến trúc hiện thực CNXH, dựa theo nguyên bản của “Lăng Lênin”. Mỗi năm tạm ngừng tổ chức viếng thăm 1-2 tháng, thường vào tháng 9-11 để làm công tác tu bổ.
Dù trong lúc chiến tranh lên cao độ nhất, lăng vẫn thi công ngày đêm, vật liệu được tìm đưa từ khắp nước và Liên Xô về, dùng toàn đá quý, như ốp 4 mặt bằng 20.000 tấm đá hoa cương và cẩm thạch của Liên Xô, cùng với đá cuội Sơn Dương, đá dăm Yên Bái, đá nhồi Thanh Hóa, đá hoa Thày Chùa, đá đỏ Non Nước, Cao Bằng, cát Kim Bôi, Thanh Xuyên... Có 200 bộ cánh cửa bằng gỗ quý và tốt, trong số đó có 16 loại gỗ từ miền Nam, có thứ phải chở cả từ rừng Trường Sơn vượt hàng ngàn cây số ra ngay trong thời chiến tranh còn đang diễn ra khốc liệt.
Trong khi CSVN luôn đề cao và kêu gọi người dân học tập tính cần kiệm của HCM, như “bác”chuyên sưởi ấm bằng cục gạch nung, cái áo và chiếc dép đã sờn mà vẫn dùng…, luôn nhắc nhở “Năm Điều Bác Hồ Dạy” như khiêm tốn, thật thà… mà sao nay đảng CSVN lại hoang phí và gian dối đến như vậy!?
Thời đó, nhà cầm quyền vận động quần chúng “kính yêu bác” đóng góp ý kiến về mô hình lăng. Nào là từ tháng 5-8/1970, nhân dân đóng góp 200 phương án, nào là qua bao lần tuyển chọn, 24 phương án xuất sắc được thực hiện, đem đi triển lãm các nơi để lấy thêm ý kiến… Có 745.487 lượt người đã tới thăm và 34.022 người tham gia ý kiến. Kết thúc đợt triển lãm và lấy ý kiến, bản "thiết kế sơ bộ" tổng hợp các ý kiến của nhân dân được mang sang Liên Xô. Sau 3 tuần làm việc, phương án thiết kế sơ bộ của Việt Nam được Liên Xô chấp nhận. Cuối cùng lại xây theo mô hình “Lăng Lênin”! (Theo bài “Lăng Bác Được Thiết Kế Như Thế Nào?” của Dạ Miên,
Thực tế là căn bản lăng xây theo 1 trong 5 mô hình do Liên Xô đưa ra, dù có thêm thắt, cuối cùng vẫn phải được Liên Xô chấp nhận.
Tại sao người đến viếng lăng đông?
Đó là kết quả của sự tuyên truyền gần 1 thế kỷ qua, nhưng quan trọng hơn cả là cách tổ chức. Trung ương khoán cho các địa phương phải luân phiên tổ chức các đoàn đi viếng bằng ngân sách nhà nước, chứ phần lớn không phải là tự nguyện!
Bộ Tư Lệnh Bảo Vệ Lăng
Ban quản lý lăng là nguyên 1 Bộ Tư Lệnh Bảo Vệ Lăng, với Trung Đoàn 375, doanh trại tại 19 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội. Nguyên lúc đầu là Tiểu Đoàn 75 với 650 người từ 24 tỉnh thánh từ Quảng Bình trở ra, thành lập ngày 28/3/1975, thuộc Bộ Tư Lệnh Cảnh Vệ, Bộ Công An, do 1 sĩ quan cấp Đại Tá hay Tướng chỉ huy và nay luôn được trang bị tối tân nhất.
Công việc của Bộ Tư Lệnh Bảo Vệ Lăng gồm bảo vệ an ninh khu vực 24/24, được gọi là “giữ yên giấc ngủ của Người”, làm tiêu binh dàn chào danh dự, tổ chức đoàn mô tô hộ tống (khoảng 20 chiếc), hướng dẫn du khách trong và ngoài nước... Theo cơ quan này, trong thời gian 1975-2015, đã có khoảng 50 triệu lượt người vào thăm, trong số đó có 7 triệu lượt khách nước ngoài. Lễ chào cờ bắt đầu thực thi từ năm 1991.
Con trai cả Lê Duẩn là Lê Hãn, thường gọi là Lê Thạch Hãn, từng là Đại Tá Tư Lệnh Bộ Tư Lệnh Bảo Vệ Lăng. Cạnh đó còn có các Trung Đoàn bộ đội hỗ trợ khi cần.
Ngoài ra trong Bộ Tư Lệnh Bảo Vệ Lăng còn có Viện 69 thành lập ngày 9/9/1969, đặc trách mặt khoa học - kỹ thuật trong việc duy trì xác ướp an toàn...
Nếu thực sự người dân quý mến “bác” thì đâu cần 1 lực lượng hùng hậu như vậy bảo vệ.
*Chuyện lăng Hồ Chí Minh-Trần Gia Phụng
*Ho Chi Minh Mausoleum - Historical Documentary
*Vì sao 20 năm mới công bố ngày mất Chủ tịch Hồ Chí Minh
*Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dâng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
***
Ai cũng biết trong di chúc HCM, phần “Về việc riêng” dặn kỹ là đem thiêu xác, để hộp tro tại 3 miền cho vệ sinh và về sau nên noi theo cách này… Bản di chúc đánh máy ngày 15/5/1965 kể như bản đầu tiên, có chữ ký của HCM, là bản chính thức được công bố, trong đó có 1 số đoạn được bổ sung hoặc thay thế bằng những đoạn tương ứng viết vào năm 1968 và năm 1969 (nhưng đã bị cắt xén đoạn hỏa táng và đoạn khi hết chiến tranh thì miễn thuế cho nông dân 1 năm…).
Nguyên văn “Về việc riêng” (kể cả lối dùng ký tự và dấu sai)
- Về việc riêng - Sau khi tôi qua đời, chớ nên tỗ chức đám đình, lãng fí ngày zờ và tiền bạc cũa nhân zân.
Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là ‘hõa táng’. Tôi mong rằng cách ‘hõa táng’ zần zần sẽ được fổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất. Bao zờ ta có nhiều điện thì “điện táng” càng tốt hơn.
Phía trái, dưới có ghi cả:
Chứng kiến:
Bí thư thứ nhất
Ban chấp hành trung ương:
Lê Duẩn
Tại sao Lê Duẩn lại ký và có quyền ký vào di chúc của HCM? Phải chăng Lê Duẩn muốn:
- Tỏ uy quyền (có thể trên cả HCM).
- Xác nhận là bản di chúc thực (phòng bị đưa bản giả).
Nhưng rồi khi công bố thì chính Lê Duẩn lại cắt xén cho mục tiêu của mình.
![]() |
Tới năm 1968, HCM sửa lại di chúc: “… Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là hỏa táng. Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành: 1 hộp cho miền Bắc, 1 hộp cho miền Trung, 1 hộp cho miền Nam. Đồng bào mỗi miền nên chọn 1 quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả không nên có bia đá tượng đồng mà nên xây 1 ngôi nhà giản đơn…”.
Ngày 10/5/1969, HCM viết bản di chúc thứ 4. Khi đó có lẽ HCM quá yếu, không ngồi đánh máy nữa mà viết tay nguệch ngoạc, sửa chữa rất nhiều lần. Đặc biệt chỗ nào cũng thấy HCM viết lẫn lộn dấu “hỏi” và “ngã”, chữ “hỏa” thành “hõa”, “chủ” thành “chũ”, dấu “sắc” phi nguyên tắc, những chữ “nước, các…” thành ra “nươc, cac…”.
Tại sao HCM lại phải viết nhiều bản di chúc (4-5 bản vào các năm 1965, 68, 69) kéo dài trong suốt 5 năm trời, và tại sao phải ghi là “(Tuyệt đối bí mật)” trong khi nội dung chẳng có gì đáng là bí mật? Tại sao Lê Duẩn phải ký tên “công chứng” trên đó? Để rồi chính Lê Duẩn và đảng CSVN tha hồ che dấu, tùy tiện công bố trong tang lễ và lần đầu trên nhật báo Nhân Dân ngày 10/9/1969? Ngày 19/5/1989, sau khi Lê Duẩn chết ngày 10/7/1986, Vũ Kỳ và Bùi Tín khui ra sự thật trên báo Nhân Dân Chủ Nhật, TBT Nguyễn Văn Linh mới phải ký Chỉ Thị số 151/TB/TƯ, công nhận HCM chết ngày 2/9/1969 và công bố bản di chúc đầy đủ.
Vậy thì ai đã dám quyết định việc ướp xác trái với di chúc viết các năm 1965, 1968… của HCM? Đảng CSVN đã học CSLX về sự phản bội lãnh tụ này, vì chính di chúc của Lênin cũng viết ước muốn được chôn bên cạnh mẹ và em gái ở Saint Pétersbourg, tây-bắc nước Nga.
Tháng 8/1967, theo tài liệu của Liên Xô thì Viện Lăng Lênin được thông báo là tình trạng sức khỏe của HCM đang suy dần. Bộ Chính trị Liên Xô chỉ thị chuẩn bị ướp xác HCM. Ngày 14/9/67, 3 Bác Sĩ Việt Nam là Nguyễn Gia Quyền, Chủ Nhiệm khoa Gỉai Phẫu Quân Y Viện 108, Lê Ngọc Mẫn, Chủ Nhiệm Khoa Nội Tiết, BV Bạch Mai và Lê Điểu, Chủ Nhiệm Khoa Ngoại BV Việt - Xô lên đường đi Moscow. Các BS này ở lại Moscow 7 tháng để học cách ướp xác và bảo vệ xác ướp trong giai đoạn đầu từ 15 tới 20 ngày. Giai đoạn kế tiếp sẽ do các chuyên gia Liên Xô đảm trách. Tổ ướp xác Việt Nam được chính thức thành lâp vào tháng 8/1968 do BS Nguyễn Gia Quyền đứng đầu. Khi thấy bệnh tình HCM trầm trọng, đảng CSVN vội mời phái đoàn chuyên gia Liên Xô qua.
Theo tài liệu của Liên Xô, ngày 28/8/69, 1 đoàn chuyên viên y khoa Liên Xô gồm 5 người là các GS Debov, Polukhin (nguyên là Hiệu Trưởng Trường đại học Y khoa Moscow số 2, nhà phẫu thuật tạo hình hàng đầu của Liên Xô, là phẫu thuật viên chính ướp bảo quản xác HCM.), Michaelov, Kharascov và Saterov tới Hà Nội. Thời gian ở Việt Nam, để bảo mật, lúc đầu họ không được công khai ra phố vào ban ngày. Ngày 2/9/69, họ tới Quân Y Viện 108 để khám nghiệm, 2 BS Polukhin và Michaelov mổ xác HCM với sự phụ tá của 2 BS Việt Nam là Nguyễn Gia Quyền và Lê Điều, và sự có mặt của Nguyễn Lương Bằng, Lê Quang Đạo, Phùng Thế Tài.
Công việc giai đoạn 1 kéo dài khoảng 4-5 giờ, do phải làm rất cẩn thận để cố định, rửa sạch các thành mạch và các việc của giai đoạn ướp ban đầu. Mấy ngày tiếp theo đó, nhóm chuyên gia tiếp tục bơm dung dịch vào thành mạch, làm sao để các tổ chức trong thi thể phải ngấm được 1 lượng dung dịch nhất định, tạo được 1 môi trường bên trong thi thể, lúc đó thi thể sẽ không bị xẹp, mà giữ nguyên như khi còn sống…Cần 1 thời gian để xác ngấm hoàn toàn dung dịch ướp.
Sau đó nhóm chuyên gia phải đưa xác HCM đến hội trường Quốc Hội để tổ chức Quốc Tang, đặt trong quan tài kính nhỏ để mọi người đi xung quanh để tiễn biệt. Sau 3-4 ngày Quốc Tang, xác HCM được đưa trở lại Viện Quân Y 108…
Các chuyên gia làm theo chỉ thị Bộ Chính trị đảng CSVN, nhưng Bộ Chính trị lại giải thích loanh quanh là chỉ vì nguyện vọng của dân chúng muốn ướp xác HCM để mọi người được chiêm ngưỡng... nên mới làm trái lại di chúc HCM.
Theo nhạc sĩ Tô Hải: “Tiến Sĩ Phùng Hữu Phú, Phó Ban Tuyên Giáo thẳng thừng bộc lộ “Chúng ta còn ân hận vì nhiều việc chưa làm tròn theo lời bác căn dặn, nhiều điều cũ kỹ hư hỏng vẫn đang tác oai, tác quái trong đời sống thường ngày…”. Được lời, 1 loạt các Tiến Sĩ Bùi Đình Phong, Phạm Sành, Lê Mậu Hân..., các nhà chính trị như Trần Trọng Tân lần đầu tiên công khai bày tỏ sự bất bình đối với tình trạng xã hội hiện nay, chẳng có làm theo lời di chúc của bác được chút nào. Ông Trần Trọng Tân còn đề ra hẳn 1 cách làm theo lời bác là: “Các cấp lãnh đạo hãy tự phê bình về những gì mình chưa làm theo lời bác và đưa ra công khai cho quần chúng góp ý.”... Thậm chí nhà báo Thái Duy tinh tế hơn, còn nhấn mạnh đến 4 chữ “thật” trong di chúc: “Đảng ta là 1 đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.” (ghi lại đầy đủ) rồi bình luận rất sâu sắc về tại sao bác phải dùng nhiều lần chữ thật như thế, để rồi đi tới kết luận là mọi điều bác dặn, chưa “thật sự” được thi hành…”.
Đảng còn không tôn trọng và thực hiện di chúc mà lại bắt dân chúng học tập và làm theo lời bác!?
Chính Lê Duẩn lại là người đầu tiên chủ trương không thi hành di chúc, chỉ trích đoạn từ 4 bản di chúc viết từ 1965 đến 1969, không kể bản thứ 5 ngày 14/8/1969 (?) viết tay riêng cho mình, cũng là cho toàn thể đồng bào trong cả nước, được cho là do ông Vũ Kỳ đem qua Pháp và được tờ "Con Ong Tỵ Nạn" ở Pháp và "Thức Tỉnh" ở Hoa Kỳ đăng năm 1981.
Di chúc HCM viết một đường, nhân dân nghĩ một nẻo. Đảng nói cho ướp xác là “theo nguyện vọng của nhân dân miền Nam muốn được gặp bác”, thực ra đều do đảng nói cả, chả có nhân dân nào vào đây. Phải chăng đó cũng là chính sự quả báo dành cho những kẻ chuyên phản bội đồng bào. Đứng giữa mâu thuẫn này, đảng CSVN do HCM đào tạo đã chọn nhân dân (nói theo kiểu của đảng, còn nhân dân thực sự không có tiếng nói) chứ không chọn HCM.
HCM nói thiêu và chớ nên tổ chức linh đình… đảng CSVN đều làm ngược hết. Hóa ra HCM chẳng hiểu gì nhân dân, dân dân cũng chẳng hiểu gì “bác” và đảng muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm. Những điều ngớ ngẩn và phi lý này đã xảy ra chỉ vì đảng độc tài toàn trị và vì bản chất tuyên truyền dối trá cố hữu của người Cộng sản.
Nào là “Bác Hồ” vô vàn kính yêu, học và làm theo lời bác… mà đảng CSVN dám sửa ngày chết, xào nấu di chúc, làm ngược hết ý “Bác”!
Thực ra Lê Duẩn và Lê Đức Thọ… đã lộng quyền ngay khi HCM còn sống. Sử gia Pháp Pierre Brocheux đã nói chuyện Hồ mất quyền lực như sau trong bài phỏng vấn với BBC vào tháng 10/2003: "Theo nghiên cứu của tôi thì cả 1 giai đoạn trước khi qua đời ông Hồ bị cách ly khỏi quyền lực, tức là không hề có quyền gì. Ông ấy bị biến thành 1 biểu tượng. Vì thế cuốn sách của tôi còn có 1 tựa đề nữa là "HCM, Một Nhà Cách Mạng Biến Thành Một Biểu Tượng". Ý tôi muốn nói ông bị người ta biến thành 1 biểu tượng không có quyền, 1 biểu tượng yếu về quyền lực.". Năm 2008, nhà văn Dương Thu Hương khi viết “Đỉnh Cao Chói Lọi” ám chỉ HCM, cũng đã nhấn mạnh đến chuyện bù nhìn này.
***
Tháng 3/2009, ông Bùi Tín từ Paris, Pháp Quốc, viết về di chúc của HCM như sau:
Tôi quen khá là thân với ông Vũ Kỳ. Hồi giữa năm 1989, chuẩn bị kỷ niệm 20 năm ngày mất của ông Hồ, tôi và ông Kỳ cùng chung ý định làm sao đưa toàn bộ di chúc của ông Hồ ra công luận vì chúng tôi biết rằng ông Lê Duẩn đã cùng ông Hoàng Tùng tự ý xóa bỏ 3 đoạn quan trọng. Đó là 3 đoạn:
1- Ngay sau khi toàn thắng, phải mở cuộc học tập để đề phòng bệnh kiêu ngạo, theo phương châm: "thắng không kiêu, bại không nản";
2- Sau toàn thắng, phải miễn thuế cho nông dân ta trong 1 năm để thư dân, vì nông dân ta hy sinh nhiều nhất trong chiến tranh;
3- Yêu cầu hỏa thiêu thi hài ông, vì vệ sinh, không phúng điếu linh đình, chôn ông trên 1 quả đồi, bà con đến viếng hãy trồng 1 cây để gây rừng cho hậu thế.
Ông Vũ Kỳ bàn với nhà báo Thế Kỷ cùng viết bài báo dài 6 trang: Bác Hồ Viết Di Chúc, rồi đưa tôi. Tôi dùng danh nghĩa Trưởng Ban Biên Tập tuần báo Nhân Dân Chủ Nhật duyệt bài báo rồi đưa nhà in, không đưa cấp trên duyệt. Đây là sự liều lĩnh vì có quy định rằng khi đụng đến những chủ trương lớn của đảng phải đưa Ban Tuyên Huấn và Ban Bí Thư Trung Ương xin ý kiến và duyệt.
Quả nhiên báo ra, 2 chúng tôi bị "mời" ngay đến gặp Ban Bí Thư, gồm các ông Đào Duy Tùng, Nguyễn Lam, Trần Danh Tuyên... Ông Tùng nổi nóng, đập tay xuống bàn, cao giọng: "Đây là thuộc bí mật quốc gia, phải xin ý kiến Bộ Chính trị; ai cho 2 anh cái quyền công bố những điều chưa được nói; đây là vô kỷ luật, vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng!".
Anh Vũ Kỳ rất bình tĩnh: "Tôi xin nói rõ động cơ và tâm trạng tôi, 20 năm nay lòng dạ tôi không yên, cho đến khi nào toàn bộ di chúc của Bác đến được đầy đủ và nguyên vẹn với toàn dân."
Tôi cũng rất bình thản: "Tất cả bài báo đều là nói lên sự thật từ đầu đến cuối; đấy cũng là điều bạn đọc cả nước ta mong đợi; đã có bạn đọc gửi thư đến hỏi di chúc công bố năm 1969 là toàn văn hay còn gì nữa. Chúng tôi nhân dịp này, giải đáp yêu cầu ấy. Anh Vũ Kỳ chỉ kể lại là có 3 nội dung ấy, còn toàn văn ra sao, đề nghị nên công bố chính thức...".
Chuyện trở nên nghiêm trọng. Quốc Hội khóa cuối năm phải thông qua việc công bố toàn bộ các trang Di Chúc theo hình chụp nguyên bản gốc, không thiếu 1 nét bút, giao cho Bộ Văn Hóa thực hiện, và ra nghị quyết giảm 50 % thuế nông nghiệp trong 2 năm 1990 và 1991.
Ngay sau đó, anh Vũ Kỳ ghé nhà tôi, rủ đi cùng uống 1 chầu bia, mừng cho bà con nông dân được giảm thuế 2 năm liền, cùng với việc giải thể trên thực tế cái tội của hợp tác xã kềm kẹp bà con quá lâu.
Từ khi tôi sang Pháp, anh Vũ Kỳ vẫn hỏi thăm và chúc nhau ngày Tết. Anh Kỳ vẫn tiếc, không đồng tình việc tôi ra nước ngoài, nhưng sau rất thông hiểu vì anh Kỳ cũng quý anh Trần Độ. Anh Kỳ có phần lập dị, để râu như ông Hồ, mặc áo quần như ông Hồ, còn bắt chiếc cả tiếng nói xứ Nghệ cho đến điệu bộ và lời nói, giọng nói, chữ viết của ông Hồ. Có người gọi ông là "Cụ Hồ giả", là "ông Hồ con".
Trong tiểu thuyết Au Zénit, nhà văn Dương Thu Hương đã tả lại ông Vũ Kỳ trong 1 nhân vật của bà, với nhiều hư cấu, sáng tạo phóng túng.
- Về con của ông Hồ, tôi không biết rõ về cô con gái tên là Trinh [Còn có tên là Vũ Trung Thủy? bị bệnh mất sớm], được coi là em của Nguyễn Tất Trung sau đổi thành Vũ Trung, con nuôi của ông Vũ Kỳ, mà tôi biết khá rõ. Hiện Trung sống cùng vợ là Lưu Thị Duyên, con trai nhỏ là Vũ Thành, ở ngõ Trung Tả, Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội.
Điều trớ trêu là BCT, đúng ra là Lê Duẩn và 1 nhóm nhỏ, lấy phần đầu của bản di chúc năm 1969 ráp với phần cuối của bản di chúc năm 1965 và cắt xén nội dung trong đó, nên đã để lộ sơ hở lớn khi đoạn đầu “bác” viết năm nay tôi 79 tuổi nhưng ở cuối thì ký năm 1965, cho đến sau khi di chúc bị nhiều người phát hiện đầu voi đuôi chuột thì BCT đành công bố “sự thật” và sửa lại năm!
Tuyển Tập Biên Khảo “SỰ THẬT HỒ CHÍ MINH & NHỮNG HỆ LỤY. Tội Đồ Dân Tộc", tác giả Đỗ Thông Minh.
Nhà xuất bản Tân Văn
Tokyo - Japan, 2019, 2021, 2022, 2023