Thứ Sáu, 19 tháng 5, 2023
Nguyễn Hoàng Văn: Cường quốc… tặng thơ
Nói Việt Nam là “cường quốc thơ” thì chắc chắn sẽ có nhiều người nghi hoặc nhưng chỉ cần chêm thêm vào chữ “tặng” thì con số phản đối sẽ chẳng là bao bởi bằng sở cứ đã ăm ắp, tràn trề. Như thế, như là công dân của “cường quốc tặng thơ”, chúng ta cũng nên xét lại hành trạng của Kiều Nguyệt Nga để phần nào gột rửa những tiếng oan đã trút lên đầu Lục Vân Tiên.
Hơn một thập niên trước, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – lúc còn là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn – đã khẳng định trên tờ Văn hóa & Thể thao rằng Việt Nam là một cường quốc thơ, không của thế giới thì ít ra cũng là của Châu Á, vấn đề là phải tổ chức dịch thuật để nhân loại biết thế nào là sức sáng tạo Việt Nam. [1] Nghe qua đã thấy mơ hồ về mặt logic bởi nếu Việt Nam đã là cường quốc thơ thì thế giới đã chen chân xin dịch để thưởng thức và học hỏi từ lâu rồi chứ? Mà, chưa kể, hơn mười năm đã trôi qua, nhà thơ đã lên chức chủ tịch, vậy mà cái dự án khẳng định cường quốc thi ca kia vẫn chưa đâu vào đâu khiến giới hoài nghi cứ mang ra chế nhạo, xem cũng từa tựa như cái “cường quốc sắc đẹp” mà những kẻ sống với bề ngoài vẫn thường phởn lên theo các cuộc thi hoa hậu huyên náo, màu mè.
Đó là “thơ” nhưng còn cái sự “tặng thơ”? Hãy nghe một lời tả oán, dẫn lời nhà thơ Hữu Thỉnh, tiền nhiệm của ông Nguyễn Quang Thiều:
“Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học-nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, chia sẻ: ‘Cả nước tính ra có hàng nghìn câu lạc bộ thơ, nhưng có bài thơ nào hay, có sức sống lâu dài không? Khó vô cùng! Tôi rất chịu khó đọc thơ của các câu lạc bộ nhưng phải thú nhận là không có thơ hay đâu’. Chia sẻ của nhà thơ Hữu Thỉnh thực ra cũng là nỗi niềm của rất nhiều văn nghệ sĩ trên cả nước. Các nhà văn, nhà thơ vẫn hay nói với nhau: Gặp nhau tay bắt mặt mừng/ Tặng gì thì tặng, xin đừng tặng thơ.” [2]
Nhà thơ chủ tịch, xem ra, đã “chịu khó” không đúng với phận sự của mình nếu không nói là nhiều chuyện, vô duyên. Ở một vị trí như thế thì không thể không nhận thức được sự tách bạch giữa văn học tinh hoa và văn học đại chúng, là tính chất của bất cứ một nền văn học lành mạnh nào, hay rộng hơn là của bất cứ một nền văn hóa nào. Nếu nghệ thuật tinh hoa có sứ mệnh dẫn dắt, hướng tới tương lai thì những tác phẩm đại chúng là để giải trí, cho nhu cầu trước mắt. Mỗi tầng bậc văn học có sứ mạng riêng mà, nói theo Lý Thường Kiệt, đã “tuyệt nhiên định phận tại thiên thư” nên, do đó, ông Hữu Thỉnh không nhất thiết phải bỉ thử, chê bai các nhà thơ câu lạc bộ và, đến lượt mình, những nhà thơ hàng câu lạc bộ cũng không nên làm phiền, trách cứ cái sự hẩm hiu, không được ai để mắt của mình.
Đạt đến vị trí như thế thì nhà thơ trên hẳn phải biết là, để đánh giá thành tựu nghệ thuật của giai đoạn văn học, giới phê bình đương thời hay hậu thế bao giờ cũng chỉ hướng tới những đỉnh cao của thời kỳ đó. Bây giờ chúng ta có các “câu lạc bộ thơ” thì các thế hệ trước có các “tao đàn”, “thi xã” rồi “thi văn đoàn” và khi đánh giá những giai đoạn văn học đã qua, đã có ai mất thì giờ mổ xẻ thành công hay thất bại của các hội nhóm văn chương như thế? Nói về thành tựu của nền thơ ở miền Nam Việt Nam trong giai đoạn 1954-1975 người ta chỉ nói đến những nhà thơ hàng đầu như Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên, Nguyên Sa, v.v., chẳng ai nhắc đến tác phẩm của những nhà thơ hàng huyện và hàng tỉnh trong muôn vàn các “nội san” hay “đặc san” tỉnh lẻ, chưa cần nói đến các tác phẩm hàng xã, hàng phường.
Trong một khía cạnh khác, những nhà thơ đại trà như thế lại xuất hiện trong trầm tư của Pierre Kirillovich Bezukhov, một nhân vật đáng mến trong Chiến tranh và hòa bình của L. Tolstoy. Pierre quan niệm rằng, trong đời sống, bất cứ ai trong chúng ta cũng đối mặt với sự bất an nào đó; và nếu những người lính đứng trong chiến hào đợi giờ xông lên lao vào cái chết thường tìm cái gì đó để làm hay để suy nghĩ nhằm quên đi cái không khí bất an đang trùm lấp thì, trong đời sống, từng cá nhân cũng tìm việc gì đó để làm: người thì uống rượu, người thì đánh bài, người thì chơi bời, kẻ thì làm thơ, v.v.
Như thế thì giới cần quan tâm đến “hàng nghìn câu lạc bộ thơ” phải là ai đó với những vai trò xã hội khác hơn chứ không phải là ông Chủ tịch Hội Nhà văn. Như những cán bộ tuyên huấn, chẳng hạn. Dân chúng mà thi nhau làm thơ – thơ gì cũng được, từ vịnh cái bông hoa đến vịnh chiếc xe Lexus, miễn là đừng xoáy vào những điều nhạy cảm của xã hội – thì việc quản lý và định hướng cái đầu người dân nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Hay như những nhà xã hội học và hình phạm học, chẳng hạn. “Nhàn cư vi bất thiện” nên khi các câu lạc bộ thơ rộ nở như thế, con người càng bận bịu với chữ và vần điệu hơn, càng ít sa đà vào chỗ cờ bạc, gái trai, hút xách hơn. Nghĩa là xã hội sẽ yên hơn.
Xã hội sẽ yên hơn nhưng lại nảy sinh một thứ phiền toái khác do cung vượt cầu. Thơ, làm ra, phải được công nhận nên, do đó, phải tặng. Người ta tặng thơ là để khẳng định và để vươn lên trong tư cách của một nhà thơ. Hàng xã thì muốn vươn tới địa vị của thơ hàng huyện, hàng huyện thì lăm le vươn lên hàng tỉnh, hàng tỉnh thì mót máy tầm cỡ quốc gia. Thế là họ tặng, tặng đến mức bội thực, thành vè: “Tặng gì thì tặng, xin đừng tặng thơ”.
Tôi cũng từng bị tặng như thế, có lúc đều đều hàng tuần và, thậm chí có giai đoạn hàng ngày trên email với hậu ý nhận xét điều gì đó, viết cái gì đó giới thiệu, trình làng. Thường, những người tặng thơ này hằng nuôi ảo tưởng rằng họ cũng là một Xuân Diệu, Nguyễn Bính hay Nguyên Sa bởi thơ mình có khác nào thơ của những người đi trước. Cũng hoa lá, cây cành. Cũng gió heo may lá vàng rơi lả tả. Cũng bến đợi và đò đi, cũng mây trắng bay bay phủ kín trời thương nhớ. Rồi nào là tà áo trắng cổng trường, nào là nắng lụa vàng, nào là thân trai tình lỡ làng lận đận góc trời viễn xứ v.v. Vậy mà sao thơ họ hẩm hiu quá, chẳng mấy ai để mắt, ngó ngàng.
Nhưng nếu muốn được như Xuân Diệu, Nguyễn Bính hay Nguyên Sa thì, đầu tiên, phải khác với Xuân Diệu, Nguyễn Bính hay Nguyên Sa, phải loại trừ những hình tượng hay kỹ thuật mà những nhà thơ ấy đã khai thác đến mức tuyệt đỉnh, tận cùng. Khi viết nên những bài thơ giông giống như thế, họ đâu hề sáng tác mà chỉ để giọng thơ của lớp người đi trước từng ngấm vào bộ máy cảm thụ của của mình tuôn ra như một thứ phản xạ, công thức. Để là một Xuân Diệu hay Nguyễn Bính của hôm nay thì thơ của họ phải khác lạ so với thời của mình, như chính Xuân Diệu hay Nguyễn Bính từng khác thế trong cái thời của họ qua việc làm mới ngôn ngữ và làm mới cả hiện thực.
Trước Nguyễn Bính đã có ai từng viết nên một câu lục bát giàu chất điện ảnh như “Anh đi đấy, anh về đâu? / Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm.” (“Cánh buồm nâu”)? Cái cảnh ra đi, người con gái nhìn theo cánh buồm màu nâu xa dần, nhỏ dần để cuối cùng không còn nhận ra cái sắc màu quen thuộc nữa trước khi nó tan loãng vào trong cái mênh mông của biển cả. Câu thơ y như khung cảnh trên màn bạc Hollywood lúc chung cuộc khi nhân vật chính, trên con thuyền hay trên lưng ngựa xa dần, nhỏ dần, rồi mất hút trên đại dương, trên hoang mạc mênh mông hay trong núi rừng thăm thẳm. Trước Xuân Diệu, đã có ai đưa con người vươn lên vị thế ngang hàng với đất trời và thời gian qua hình ảnh “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần” hay “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!” (“Vội vàng”)? Và trước Nguyên Sa, đã có ai nhìn ra những giá trị thẩm mỹ trong hình ảnh con chó ốm và cá ươn để rồi mang ra đắp đổi vào hình tượng người yêu: “Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm / Như con mèo ngái ngủ trên tay anh / Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình / Để anh trách sao chả là nước biển”?
Ngày nay chúng ta xem những vần thơ lãng mạn của Xuân Diệu như là tinh hoa của tiếng Việt nhưng hãy nhớ rằng, khi mới vừa xuất hiện, chúng đã dấy lên những làn sóng chỉ trích, xem đó là một thứ ngôn ngữ lai căng, là một thứ thơ “ngô nghê như dịch Pháp văn”: “Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm/ Anh nhớ em, em hỡi anh nhớ em”. Nhưng chính sự táo bạo hay kiêu ngạo, dám thách thức đám đông bảo thủ để “lai căng” qua việc nhập cảng những tinh hoa của ngôn ngữ khác của những nhà thơ đi trước đã làm tiếng Việt giàu hơn. Nguyễn Du đã làm tiếng Việt hay hơn với bộ Truyện Kiều ăm ắp điển cố Trung Hoa. Những nhà Thơ Mới, những cây bút Tự Lực Văn Đoàn đã làm giàu tiếng Việt khi thách thức cái số đông đương thời của mình với những ý tưởng mới, những kỹ thuật viết mới học hỏi từ văn chương Pháp.
Tài hoa là một, những nhà thơ nhà văn như thế đã để lại tên tuổi bởi đã làm tiếng mẹ giàu có hơn qua việc táo bạo làm mới ngôn ngữ và làm thay đổi mối quan hệ giữa con người với với hiện thực hay, nói cách khác, đã tái tạo hiện thực và, qua đó, giúp chúng ta nhìn cái thế giới quen thuộc của mình khác đi, đẹp hơn, lấp lánh hơn, và ý nghĩa hơn. Nghĩa là, nếu muốn được như Xuân Diệu, Nguyễn Bình hay Nguyên Sa trong tư cách là nhà thơ, thì phải học hỏi sự táo bạo, sự sáng tạo và đi trước chứ không phải là sao chép họ đến nhão nhoẹt, chán chường.
Như thế, để cổ xúy sự phát triển của văn học thì, lẽ ra, những tác giả đứng ở vị trí như Hữu Thỉnh chỉ nên cổ xúy những nỗ lực thể nghiệm và khai phá trong ý hướng nói nên chứ không nên bỉ thử, chê bai các nhà thơ hàng câu lạc bộ bởi đó không phải là việc của ông. Nhưng, ở một mặt khác thì, đến lượt mình, những nhà thơ hàng câu lạc bộ cũng không nên làm phiền, trách cứ cái sự hẩm hiu, không được để mắt tới.
Trong khía cạnh này, chúng ta có thể xem lại thái độ của nhà văn Úc Morris West (1916- 1999), người mà, trước năm 1975, người đọc ở miền Nam đã làm quen qua hai bản dịch Trong và ngoài tình yêu từ nguyên tác The Devil’s Advocate và Ông Đại sứ, từ The Ambassador. Đây là nhà văn có tác phẩm bán chạy hàng đầu của nước Úc với 30 tiểu thuyết, ba vở kịch, trong đó nhiều tác phẩm đã được dịch sang 27 thứ tiếng và dựng thành phim, thành kịch. Thí dụ như cuốn The Devil’s Advocate nói trên, là tác phẩm best-seller đầu tiên, xuất bản vào năm 1959; khai thác những câu chuyện bên trong Vatican qua vụ điều tra một hồ sơ thánh tử đạo đã mang lại cho tác giả hàng triệu đô la và, riêng tác quyền để dựng thành phim, vào thời đó, đã lên đến 250.000 đô la. Morris West viết đúng bóc những điều mà độc giả chờ đợi mà lại viết rất nhanh, nhanh đến độ chỉ hơn một năm sau cái chết của ông Ngô Đình Diệm, đã cho ra mắt tiểu thuyết The Ambassador về bàn tay của viên đại sứ Mỹ trong chính biến này.
Thành công như thế nhưng Morris West ý thức rất rõ về mình như là một “story-teller”, một người kể chuyện thuần túy. Hẳn nhiên, Morris West cũng có khi pha lồng trong những câu chuyện của mình chút đỉnh triết lý vụn nhưng ông vẫn tự xem đó là những sản phẩm giải trí thuần túy bởi không hề góp phần đổi mới văn học, không đưa ra một kỹ thuật viết mới nào, càng không đưa ra một quan niệm nào mới về mỹ học. Biết mình thành công về thương mại chứ không phải là thành công về văn chương, Morris West đã gạt ngang là “bullshit” khi nghe một nhà báo tán tụng về mình như là một thứ “tài sản quốc gia”. [3]
Morris West, trong khía cạnh này, khác xa với rất nhiều công dân “cường quốc tặng thơ” chúng ta, những người làm thơ chỉ để giải trí hay thù tạc với chút xíu triết lý vụn vặt nhưng không ngớt ấm ức với thân phận văn chương hẩm hiu bởi không ai chú ý, không ai ghi nhận để từ đó sân hận với giới thưởng ngoạn hay phê bình, xem mình đã bị kỳ thị và trấn áp trên khía cạnh văn học.
Không được ai chú ý thì tự gây nên sự chú ý và đó, có lẽ, là lý do chính khiến đất nước chúng ta trở thành một “cường quốc tặng thơ”. “Tặng gì thì tặng, xin đừng tặng thơ”, khi mà sự tặng thơ trở thành trò phiền toái, phiền đến độ phải bật thành vè, chúng ta cần phải thấu hiểu và giải oan cho Lục Vân Tiên, người mà, suốt bao nhiêu năm qua, đã bị chê là thiếu lịch lãm, quê mùa.
Trên đường về kinh dự thi Lục Vân Tiên đã ra tay cứu giúp Kiều Nguyệt Nga bị sa vào tay đạo tặc và, chính từ cái cảnh chạm mặt người đẹp này Lục Vân Tiên đã bị chúng ta cười cợt, chê bai. Nhưng hãy tưởng tượng chúng ta trong cảnh gấp gáp ấy trong khung cảnh hiện đại, trên đường đi thi hay đi phỏng vấn xin việc hay, “sang trọng” hơn, là trên đường gặp đối tác kinh doanh để ký hợp đồng, mà gặp một biến cố tương tự. Nguyệt Nga rút cây trâm cài đầu trao Vân Tiên đền ơn khiến nhân vật này bị chúng ta chê cười qua phản ứng “ngơ mặt chẳng nhìn”. Nhưng nếu những Nguyệt Nga không cài trâm hiện đại bày tỏ sự cám ơn tương tự với cái vòng vàng tên tay, dây chuyền vàng trên cổ hay những xấp đô la trong xách tay, liệu chúng ta sẽ phản ứng như thế nào? Vân Tiên “ngơ mặt chẳng nhìn” thì Nguyệt Nga chuyển sang món quà tinh thần:
“Đưa trâm chàng đã làm ngơ,
Thiếp xin đưa một bài thơ giã từ”.
Vân Tiên ngó lại rằng ừ:
“Làm thơ cho kịp bấy chứ chớ lâu”
Chúng ta cười Vân Tiên qua lối ứng xử cù lần nhưng liệu, trong cái cảnh tưởng tượng nói trên, đang nôn nóng vì công việc mà còn bị kỳ nèo nán lại để làm bài thơ kỷ niệm, chúng ta sẽ phản ứng như thế nào? Liệu chúng ta có hối thúc, bảo rằng xin lỗi tôi đang vội, có làm thơ thì làm sao cho gọn, cho nhanh; hay phải bảo rằng lúc này chưa nhận thơ được, hãy chờ lần khác nếu có duyên?
Ứng xử như thế nào là chọn lựa riêng của từng cá nhân nhưng, dẫu sử dụng ngôn ngữ lịch sự và nhã nhặn bao nhiêu đi nữa theo cách trên, chúng ta cũng khá hơn gì Vân Tiên. Giữa chúng ta và Tiên là cả một khoảng cách thời gian dài với những bước tiến lớn lao trong giao tế xã hội và bất cứ lời lẽ nhã nhặn nào để thúc giục hay chối từ cũng không khiến chúng ta khá hơn chàng trai quê mùa ấy.
Nhưng nếu Vân Tiên không đáng trách thì cả chúng ta, chúng ta cũng không đáng trách. Có trách chăng, là trách Nguyệt Nga xưa trong trang truyện thơ của Đồ Chiểu và những Nguyệt Nga hiện đại, nam hay nữ, những kẻ lúc nào cũng có thể tặng thơ, kể cả tặng không phải nơi và không phải lúc!
Tham khảo:
1. https://thethaovanhoa.vn/nguyen-quang-thieu-vn-la-mot-cuong-quoc-ve-tho- 20120201084338836.htm
2. https://ct.qdnd.vn/van-hoa-xa-hoi/xin-dung-tang-tho-523201
https://www.sggp.org.vn/tang-gi-thi-tang-xin-dung-tang-tho-post502461.html
3. Hoàng Ngọc-Tuấn, “Moris West và những bí quyết của một nhà văn best-seller”, in trong Văn học hậu hiện đại qua thực tiễn sáng tác và góc nhìn lý thuyết, Văn Nghệ, California, 2002, trang 157-170.