Thứ Ba, 11 tháng 4, 2023
Thơ Tháng Tư của Trần Trung Đạo, Nguyễn Hiền, Thận Nhiên, Đặng Tiến
Hơi thở Việt Nam
(Ðể tưởng niệm Trung Tá Cảnh Sát Long, người đã tự sát dưới chân tượng đài Thủy Quân Lục Chiến tại Sài Gòn sáng ngày 30-4-1975)Trên đám cỏ này là nơi anh đã nằm
Trên nắm đất này là nơi máu anh đã nhỏ
Ðất vẫn một màu nâu
Cỏ vẫn một màu xanh muôn thuở
Mặt trời mỗi sớm vẫn rọi vào làm lóng lánh
những giọt sương
Như đôi mắt sáng của anh
Lần cuối cùng ngửa mặt nhìn tổ quốc yêu thương
Dưới chân tượng đài Thủy Quân Lục Chiến.
Trung Tá Long!
Họ của anh là gì vẫn chưa ai biết
Có phải là Ngô, Ðinh, Lý, Trần hay Lê, Nguyễn...Văn Long ?
Không, tên của anh đã bắt đầu
Từ ở núi, ở rừng, ở biển, ở sông
Ở những câu chuyện thần tiên mẹ thường hay kể
Từ thuở Cha Lạc Long dắt năm mươi con xuống bể
Mẹ Âu Cơ dắt một nửa lên ngàn
Từ thuở bầy chim Lạc chắp cánh bay về
vùng nắng ấm phương Nam
Xây tổ bên sông Hồng, sông Cửu
Tên của anh đã bắt đầu khi con rồng Việt Nam
phun lửa đốt rừng dựng nên bờ cõi
Truyền vào lồng ngực anh hơi thở vào đời
Hơi thở Việt Nam hòa trong anh suốt thuở làm người
Sáng ba mươi anh trở về với mẹ
Hồn anh bay giữa trời quê hương
Một màu tang quạnh quẽ
Tổ quốc nghiêng mình tiễn biệt một người con.
Lòng anh đau khi nghe tiếng chiếc xe tăng
Ðang nghiền nát Sài Gòn
Hy vọng chết dưới mỗi lằn xích sắt
Viên đạn Nga bắn vào tim nước Việt
Lưỡi lê Tàu đâm thủng ngực dân Nam
Ôi! có bao giờ trong suốt bốn nghìn năm
Mà đất trời quê hương ta buồn như hôm ấy
Những mẹ, những cha, những cụ già, em bé
Ngơ ngác nhìn nhau, sợ hãi, kinh hoàng.
Một chế độ vừa bắt đầu
Bằng hận thù, khủng bố, lầm than
Bằng tiếng xích T54 đay nghiến hồn dân tộc
Xé nát lòng anh bao hờn căm và tủi nhục
Anh đã chọn cho mình một cách chết quang vinh.
Anh ngã xuống giữa Sài Gòn không để lại đủ họ tên
Nhưng lịch sử nghìn năm sau vẫn nhớ.
Trung Tá Long!
Mây vẫn bay trên đầu anh mỗi chiều, mỗi sớm
Mặt trời mọc mỗi ngày làm lóng lánh giọt sương mai
Như nước mắt mẹ già nhỏ xuống xác con trai
Như ánh mắt chị nhìn chồng trong giờ vĩnh biệt
Ðất vẫn một màu nâu đậm đà như tình người dân Việt
Nơi anh nằm hoa cỏ vẫn xanh tươi.
Máu anh rơi để làm đẹp cuộc đời
Tô thắm đường các em sẽ đến
Các em là thuyền nhờ có anh là bến
Trong cuộc hải hành này anh là ngọn hải đăng soi
Ðường tự do dù còn lắm chông gai
Nhưng đã có anh mang niềm tin đi trước
Cám ơn anh, người con yêu đất nước
Ðã truyền lại cho muôn đời hơi thở Việt Nam.
Trần Trung Ðạo
Thư viết cho Cha
giữa lúc Sài gòn hỗn loạngiữa lúc miền Nam rung lắc dữ dội
bởi tiếng đạn bom
giữa lúc mọi người tìm cách tháo chạy ra khỏi đất nước
sao cha ngần ngừ
sao cha bỏ bầy con tắm mình trong dòng nước hận thù
sau ngay 30/4
đưa gia đình trở về quê
đêm hội họp nghe chửi ngụy ác ôn
tức ứa máu
ngày đi làm lấy công điểm
buồn lẽo đẽo bước chân
còn cha than vắn thở dài bên mái nhà xưa
chờ ngày đi cải tạo
sao cha bỏ mặc bầy con đuối sức
vác nặng trên vai lý lịch ba đời
địa chủ bóc lột
ngụy quân ngụy quyền nợ máu nhân dân
sao cha bỏ rơi người vợ tảo tần
thân cò
trên con đường dài không thấy bến bờ
nuôi cha
thư gửi về với bản kê khai dài vô tận
các món ăn lạ lẫm
như cục đường tán cứt ngựa
muối ớt
mắm ruốc kho quẹt
,,,
và không quên cục thuốc rê
6 năm làm thân trâu bò ở tận miền bắc xa xôi
sao cha một lần nữa lại ngần ngừ
khi người Mỹ mở rộng vòng tay nhân đạo
đón dòng người
sáng uống nước lã cho cứt nổi lềnh bềnh trong bụng
làm no
đi cuốc cày
trưa chiều bưng chén cơm độn khoai mì khoai lang
chó chê
chan nước mắt
nuốt cho hết kiếp người
trở về từ các trại cải tạo
sự thật đã yên nghỉ trong lòng đất
sự thật khép chặt đôi mắt
ngày cha ra đi vĩnh viễn
bỏ lại người vợ bị bệnh alzheimer
bỏ lại những đứa con còn ở lại quê nghèo
ngược xuôi với miếng cơm manh áo
âm ỉ nỗi đau
trước những câu nói vô tình của người đời
ở lại làm gì cho khổ
cha đừng trách tại sao
bầy con
mỗi lần nhắc tới cha
người trách cha thế này
kẻ buồn cha thế nọ
má vừa mất
cha đừng trách tại sao
bầy con bị cha bỏ rơi
lưu lạc khắp nơi
giờ đây đã lom khom tuổi tác
trở về đông đủ
(còn cha thì không)
đưa má ra nằm cạnh cha
và đợi tới lượt mình
mất cha
rồi mất má
mất mái nhà chung
bầy con giờ gặm nỗi buồn riêng
gặm mòn câu hỏi
tại sao cha bỏ rơi tụi con
Nguyễn Hiền
Mùi (1)
tôi tự hỏi mùi gì mà rất hanhmùi đất
mùi mưa
hay mùi nắng?
một thứ mùi dấy lên lúc 4 giờ sáng
ngoài hiên
nắng soi mái tole
những đốm sáng tròn lăn tăn trên mặt đất
sấm dội về từ rất xa
những giọt mưa đầu mùa rơi xuống
chạm đất
làm những hạt bụi li ti bốc lên
thốc vào khứu giác một thứ mùi quá vãng
Mùi (2)
tháng 5 tôi về Xuân Lộcgiữ căn nhà cư xá
đi ngang trung tâm thị trấn
ngôi nhà thờ không sập
ngọn thánh giá trúng đạn gãy gập
chắc Chúa cũng đau
mái ngói nhà tôi thủng nhìn lên bầu trời
tường lổ chổ dấu đạn
những con lốc xoáy
xoay nhanh, lớn nhanh
bốc mù bụi đỏ
thỉnh thoảng cơn mưa nhỏ
lầy lội huyệt lấp vội trong lô cao su
bốc mùi phân hủy
mùi của hòa bình
Thận Nhiên
Để nhớ một lần một mình đứng bên sông Bến Hải
Cây cầu tôi đã từng đi qua
Khúc sông hẹp cũng từng cúi đầu đứng lặng
Nơi chia cắt...
Lạnh lùng những toan tính
Nỗi đau nhân đôi
Bài hát cũ từng rơi nước mắt khi nghe
Bỗng hóa thành nhạt nhẽo
Cầu Hiền Lương!
Cầu Hiền Lương!
Sông Bến Hải!
Sông Bến Hải!
Tôi muốn gào thét cho vỡ lồng ngực
Cho vơi bớt nỗi lòng bi ai trầm uất
Kết cục tôi đứng như hóa đá
Lặng câm
Nhói buốt
Cầu Hiền Lương mấy bước
Sông Bến Hải mấy sải bơi
Đất nước chia đôi
Lòng người chia đôi
Lối đi vòng vạn dặm
Vạn dặm máu chảy đầu rơi
Vạn dặm sầu thương
Bạt ngàn mộ địa
Bạt ngàn hoang tàn đổ nát
Bạt ngàn khổ đau bất hạnh
Ngút ngàn khói hương đắng chát
Âm âm tiếng khóc đêm dài
Buốt giá từng sợi tóc
Bến Hải, sông ban mai lặng ngắt
Hiền Lương, cầu màu sơn đổi mấy lần
Để hôm nay cho tôi được đứng nơi đây cúi đầu tê tái
Những câu hỏi miên man ném trời xanh
Loạn li chia cắt
Trang sử cũ bao phen ghi bằng máu
Máu của những đứa con cùng chung tiên tổ
Cùng đọc Nguyễn Du cùng kể Lục Vân Tiên
Cùng thuộc nằm lòng những câu ca đầm đìa nước mắt
"Khôn ngoan đối đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau..."
Bến Hải một thời giới tuyến
Còn những Bến Hải nào trong lòng bạn lòng tôi?
Cầu Hiền Lương xin đừng bao giờ gãy gục
Những bài ca thảm sầu khắc khoải
Để nước cuốn trôi
Xin đừng nhắc lại...
Đặng Tiến