Thứ Ba, 18 tháng 4, 2023

Lê Nguyễn: Một tác phẩm về Nhân quyền của người xưa

Bìa sách “Nhân quyền của người Việt
 -Từ bộ luật Hồng Đức đến bộ luật Gia Long”

Nhà xuất bản Tổng Hợp TPHCM vừa phát hành rộng rãi tác phẩm “Nhân quyền của người Việt -Từ bộ luật Hồng Đức đến bộ luật Gia Long” của hai đồng tác giả Phan Đăng Thanh – Trương Thị Hòa.

Đây không phải là tác phẩm đầu tiên của hai luật sư yêu lịch sử này. Trước đây, anh chị đã cho ra đời hàng chục tác phẩm, trong đó, bộ “Lịch sử các chế độ báo chí ở Việt Nam” được tặng Giải thưởng sách Quốc gia năm 2020.

Năm nay, trong tinh thần “ôn cố tri tân”, tác phẩm mới nhất của Phan Đăng Thanh và Trương Thị Hòa đưa người đọc về những thời kỳ mà pháp luật của chế độ quân chủ đạt được những tiến bộ đáng ghi nhận nhất. Đó là thời kỳ của bộ luật Hồng Đức, triều vua Lê Thánh tông (1460-1497), tên chính thức là Quốc triều hình luật, và bộ luật Gia Long dưới triều vua Gia Long (1802-1820), tên chính thức là Hoàng Việt luật lệ.

Trong nhiều năm qua, khi đề cập đến hai bộ luật căn bản này của thời kỳ quân chủ, quan điểm phổ biến của một số nhà nghiên cứu là đề cao, tán tụng bộ luật Hồng Đức và hết lời chê bai, chỉ trích bộ luật Gia Long. Điều này phản ảnh một phần sự thật, song cũng xuất phát từ quan niệm về một triều Nguyễn “phản động, thối nát, bán nước, hại dân v..v..”  rất thịnh hành từ nhiều thập niên trước và đến nay không phải là đã không còn tồn tại.

Ngày nay, với tác phẩm “Nhân quyền của người Việt -Từ bộ luật Hồng Đức đến bộ luật Gia Long”, hai tác giả Phan Đăng Thanh và Trương Thị Hòa đã đưa ra những cái nhìn phóng khoáng hơn, mang tính học thuật nhiều hơn và bộ luật Gia Long được trình bày rõ nét hơn, qua một quá trình biên khảo công phu, phù hợp với nhận định của nhiều nhà nghiên cứu khác được viện dẫn trong phần đầu tác phẩm.

Tuy đây chỉ là tác phẩm làm sống lại một thời kỳ rực rỡ của luật pháp Việt Nam – tiêu biểu là bộ luật Hồng Đức - song quá khứ vẫn không đứt đoạn với hiện tại, mà là cơ sở để con người hôm nay suy nghiệm cặn kẽ hơn, sâu sắc hơn về xã hội mình đang sống. Hầu như mỗi điều khoản của luật pháp thời ấy đều gợi mở cho chúng ta nhiều điều, đặc biệt vấn đề nhân quyền ở thế kỷ XV được nhà nước quân chủ thể hiện trong nhiều lãnh vực cụ thể của đời sống:

- Quyền sống (trang 56 - 60)
- Quyền bình đẳng (giữa vợ chồng và giữa con cái trong gia đình) (trang 60-62)
- Quyền tư hữu ruộng đất (trang 63-68)
- Quyền thừa kế di sản (trang 68-79) được bộ luật Hồng Đức qui định rất chi tiết
- Quyền được bảo đảm an ninh, an toàn cá nhân, không bị quấy nhiễu (trang 80-82)
- Quyền được hưởng một nền cai trị liêm chính (trang 83-89)
- Quyền học tập - thi cử (trang 90-96)
- Quyền của người phụ nữ (trang 96-101)
- Quyền hôn nhân tự nguyện 
– Quyền của trẻ em – Quyền của người cao tuổi – Quyền của người khuyết tật – Quyền tố giác, kiện cáo và được xét xử công bằng – Quyền tự do cư trú và đi lại – Quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo – Quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến – Quyền được đối xử nhân đạo của người phạm tội – Quyền được đối xử nhân đạo của tù binh, hàng binh và dân thường trong chiến tranh ... (trang 101-152).

Theo hai tác giả Phan Đăng Thanh và Trương Thị Hòa (cùng một số nhà nghiên cứu được ghi nhận ý kiến trong tác phẩm), bộ Hoàng Việt luật lệ (luật Gia Long) ban hành năm 1815 không mô phỏng hoàn toàn bộ luật nhà Thanh như nhiều cây bút trước đây từng chỉ trích mà trong đó còn có sự kế thừa những điều khoản tốt đẹp của bộ luật Hồng Đức.

Để hậu thuẫn cho nhận định của mình, hai tác giả đã phân tích những khác biệt giữa luật Gia Long và luật của nhà Mãn Thanh và nêu ra từng lãnh vực liên quan đến nhân quyền của bộ luật Gia Long, như đã từng được nêu ở bộ luật Hồng Đức. So sánh và đối chiếu hai bộ luật căn bản của chế độ quân chủ tại Việt Nam là điều cần thiết đối với một tác phẩm biên khảo về hình luật, các tác giả đã dành hẳn một chương 5 để nhấn mạnh đến quan điểm “Cần công bằng với bộ luật Gia Long”. Người đọc hi vọng tìm thấy trong đó những phân tích thấu đáo, những nhận định khách quan, giúp làm sáng tỏ các vấn đề còn nhiều bất đồng hay tranh cãi.

Tất nhiên, không phải điều khoản nào của luật pháp thời xưa cũng phù hợp với cuộc sống của con người hôm nay, song bất cứ lúc nào và ở đâu, tinh thần tôn trọng nhân quyền của tiền nhân cũng phải được coi là ngôi sao sáng dẫn đường cho mọi chủ trương, chính sách của người có trách nhiệm điều hành đất nước.

Lê Nguyễn


4.2023