Thứ Sáu, 14 tháng 4, 2023
Đào Trung Đạo: Yan Lianke (Diêm Liên Khoa) Khám Phá Tiểu Thuyết (Phần 4)
![]() |
Cuốn “Discovering Fiction” (bản dịch tiếng Anh từ nguyên tác 發現小說) |
Nhân quả tính bán phần (tiếp theo)
Thế nhưng những đặc điểm này lại như “không giống thực”. Tuy nhiên chúng lại chẳng phải từ nhân quả tính tuyệt đối hay nhân quả tính số không như nơi Kafka. Chúng ta cười mỉm và tiếp tục đọc và chẳng tìm một giải thích hữu lý cho những cái “dường như là”, “có thể là” mà Garcia-Marquez đã rải suốt quyển truyện. Độc giả cũng như nhà phê bình sẽ không hỏi tại sao người ta sinh ra lại có đuôi. Vậy lý do chính yếu của hiện tượng này là gì? Thứ “bởi vì” nào dẫn tới cái “cho nên” này? Có một điều kiện tiên quyết nào không? Nếu có thì điều kiện này có phù hợp với lương tri không? Và tại sao chúng ta lại không dễ dãi, hiểu biết đối với Garcia-Marquez như với Kafka? Diêm Liên Khoa trích dẫn song song đoạn mở đầu Hóa Thân “Một buồi sáng nọ khi thức giấc…” và Trăm Năm Cô Đơn “Năm nào cũng cậy, cứ vào tháng Ba…”: trích dẫn thứ nhất khiến chúng ta nghi ngờ sự hóa thân của Gregor nhưng trích dẫn thứ nhì thì không có sự nghi ngờ vì truyện của Kafka bắt đầu bằng một sự bất khả còn truyện của Garcia-Marquez bắt đầu bằng một luận lý phát xuất từ “có thể” vẫn còn kết nối với sự lý tính. Trong trường hơp thứ nhì thì “bởi vì” ở dưới kè/thấp kém “cho nên” hay ngược lại: đó là một tương quan của sự không tương đồng, là một biến thiên của nhân quả tính tuyệt đối cho nên Diêm Liên Khoa gọi đó là “nhân quả tính bán phần”, nhân quả tính của “có thể”. Và đó là sự đóng góp lớn vào văn chương của Gabriel Garcia-Marquez.
1.Thái độ của người đọc đối với nhân quả bán phần (I)
Trong phần này Diêm Liên khoa diễn giải thái độ nhà văn đối với nhân quả tính trong cách viết tiểu thuyết hiện thực, đặc biệt nhấn mạnh đến nhân quả bán phần nơi Garcia-Marquez. Trước tiên, nhân quả tuyệt đối tổ chức và kết nối nhân vật, những chi tiết, những mưu đồ ngầm (intrigues) trong truyện. Nhân quả bán phần là ký ức của tiểu thuyết, cho phép truyện diễn tiến, một thứ “giống như thật thiết yếu (vraisemblance nécessaire): thiết yếu là tiêu chí của liên kết nội tại.
Chính nhân quả tính số không trong truyện của Kafka phủ nhận sự thiết yếu này. Trong khi đó Garcia-Marquez tuy chủ trương nhân quả tính của “cái bất khả” cộng với một thứ “có thể khả hữu” (peut-être possible). Dù chọn thái độ nào đi nữa thì chỗ đứng của nhà văn cũng dứt khoát, không thể tranh cãi. Thí dụ khi Tolstoï viết “Tất cả những gia đình hạnh phúc đều giống nhau; nhưng mỗi gia đình bất hạnh lại bất hạnh theo kiểu của nó”. Tolstoï đã viết nguyên cả một quyển truyện để chứng minh sự chính xác của nhân quả tính tuyệt đối. Nhà văn không những đã tốn nhiều công sức, giấy mực để đạt tới mục tiêu nêu ra mà chính bản thân nhà văn cũng phải trung thành với nguyên do thiết yếu này, vượt qua thời đại mình khi bày tỏ sự hữu lý.
Kafka trái vói Tolstoï đã cương quyết và can đảm phản bội và nổi loạn chống lại sự hữu lý. Nhưng đến phiên Garcia-Marquez lại khác với cả hai nhà văn nêu trên: nói lời vĩnh biệt với cả nhân quả tuyệt đối lẫn nhân quả số không, đưa ra một sự mập mờ, lưỡng tính để cân bằng cái “hoàn toàn khả dĩ” của Tolstoï với cái “chính xác bất khả” của Kafka. Trong Trăm Năm Cô Đơn khi José Arcadio bị ám sát máu chảy chan hòa đường phố rồi tràn cả vào nhà gia đình Buendia! Sự kiện này được chấp nhận theo tín ngưỡng bình dân ở Châu Mỹ La tinh. Garcia-Marquez trong cuốn truyện đã cho vào rất nhiều loại nhân quả tính vừa có thể [xảy ra] vùa không thể cốt ý làm cho quyển truyện có không khí thần kỳ và huyền diệu. Diêm Liên Khoa nhận định : “Một mặt, ta phải xét tới nền văn hóa truyền thống và những thực tại của Châu Mỹ La tinh; mặt khác, dù những cơ sở có như thế nào đi nữa, thì loại chi tiết trong đời sống hàng ngày này là sự cường điệu thô thiển và tuyệt đối sẽ không xảy ra.” (1) Chúng ta chẳng thể cho rằng những biến cố hay sự kiện nhỏ bé này chẳng bao giờ có trong thực tế và chúng ta cũng chẳng thể khăng khăng loại bỏ chúng chính vì trong cả hai trường hợp chúng ta không có chứng cớ.
Diêm Liên Khoa khái lược sợi dây dẫn dắt luận lý căn bản của nhân quả tính bán phần trong chủ nghĩa hiện thực thần kỳ bằng biểu đồ: nhân quả tính tuyệt đối o --------nhân quả tính bán phần o-------nhân quả tính số không. Nhân quả tính tuyệt đối và nhân quả tính số không tiến diễn bên trong một hệ thống tự-diễn, nhân quả tính bán phần nếu trượt đi và cũng lạc lối giữa nhân quả tính tuyệt đối và nhân quả tính số không. Những nhà văn nào chọn nhân quả tính tuyệt đối thì phải trung thành với chọn lựa của mình. Chọn nhân quả tính bán phần nhà văn đong đưa giữa sự ngờ vực và đáng tin, người đọc chấp nhận chúng như “những tùy lúc là cái khả dĩ tin tưởng’. Ta thấy những điều này nơi Garcia-Marquez như: người thích ăn đất, không cái gì mạnh mẽ sinh động bằng thảo mộc v.v…Nhân quả tính bán phần đặt cơ sở trên thực tại có thể là (realité probable) nhưng chẳng bao giờ nó cắt đứt với những nối kết của kinh nghiệm.
2. Thái độ của người đọc đối với nhân quả bán phần (II)
Nói chung những người thích Tolstoï, Balzac, Flaubert thường không thích Kafka và ngược lại. Thế nhưng Diêm Liên Khoa nhận xét; Trong đa số trường hợp sự ngưỡng mộ của người đọc chỉ là sự kính trọng bất lực của lịch sử văn chương, không vượt qua biểu lộ của sự tuân phục tác phẩm văn chương. Thật ngạc nhiên khi những kẻ ngưỡng mộ chủ nghĩa hiện thực truyền thống và những môn đồ của nhân quả tính số không lại nhất trí với nhau, gạt sang một bên những bất đồng, trong việc yêu thích tác phẩm của Garcia-Marquez. Nhất là ở Trung Quốc người đọc và nhà phê bình dường như ngưỡng mộ ông ta như một cây cầu dương ra giữa hai đầu trước khi bị vứt bỏ vẫn ngóc lên một cách kiêu hãnh. Dù rằng sự khác biệt giữa nhân quả tính số không với nhân quả tính tuyệt đối là rõ rệt nhưng những người của cả hai phe lại không nhìn thế giới với cùng một con mắt và cái thực nảy ra từ ngọn bút của họ cũng bất đồng. Thế rồi khi Garcia-Marquez đưa ra cái nhân quả tính bán phần họ thành ra hòa thuận, đồng ý trên một mức độ trung bình, đồng ý với sự chấp nhận một thực tại rộng lớn cũng như độc nhất. Garcia-Marquez không tha hóa những người chủ trương nhân quả tính số không và nhân quả tính bán phần và cũng lôi kéo được những người chủ trương nhân quả tính tuyệt đối. “Việc giữ vị trí giữa đường của hai hình thức đối nghịch một cách hoàn toàn phong tặng ông ấy một sự quyến rũ lạ lẫm, mới và lạ.” (2). Nói cho gọn: ông ta đi theo một “con đường trung vị” không ngiêng sang bên nào. Diêm Liên Khoa cũng còn nhận ra một lý do khác nữa: Garcia-Marquez trở lại với con người và xã hội, xốc lại khuynh hướng của những nhà văn thế kỷ XX không quan tâm tới xã hội và lịch sử.
Thảo luận về những nhân quả tính (tuyệt đối, bán phần, số không) thiết yếu dựa trên câu hỏi “viết thế nào” tức là thái độ, cách viết. Nhà văn theo nhân quả tính tuyệt đối như Tolstoï, Balzac, Flaubert có thái độ phê phán đối với thế giới và xã hội, nhân vật của họ trăm phần trăm là những con người xã hội. Các nhà văn hiện thực chủ trương nhân quả tuyệt đối càng phân tích sâu xa những mâu thuẫn và những phức tạp của xã hội thì nhân vật truyện của họ càng đặc chất, truyện của họ thành công vì làm người đọc cảm động. Khi chuyển qua nhân quả tính số không thì hậu cảnh xã hội không còn là bối cảnh diễn tiến của các nhân vật, “con người xã hội” nay là “cá nhân”. Tóm lược: Với nhân quả tính tuyệt đối thì nhân vật và môi trường lịch sử phong phú và phức tạp; với nhân quả tính số không nhân vật sáng sủa và đơn giản; bằng nhân quả tính bán phần Garcia-Marquez đã nối kết cả hai.
3.Thái độ của người đọc đối với nhân quả bán phần (III)Tiểu thuyết đặt trên nguyên lý nhân quả tuyệt đối (Balzac, Tolstoï, Falubert…) nhà văn bắt buộc phải đưa ra một cách rốt ráo những mâu thuẫn giữa nhân vật, thời đại, và xã hội. Ngược lại truyện của Kafka đặt trên nhân quả số không nên nhân vật và tác giả lẫn lộn nhau trong một mê cung giả tưởng với những tương quan xã hội bí ẩn, khó lường. Người đọc nếu muốn đi vào cái mê cung này chẳng biết đường nào mà mò, đứng trước cái lỗ đen vào mê cung nó nuốt chửng mình và cả sự hiểu biết về những mâu thuẫn giữa con người và xã hội. Còn Garcia-Marquez với nhân quả bán phần thì cấu trúc của mối liên hệ giữa tác giả, lịch sử và thực tại phong phú hơn nhiều.
Những nguồn gốc của nhân quả bán phần (I)
Trong phần này Diêm Liên Khoa trình bày nguồn gốc của khái niệm chủ nghĩa hiện thực kỳ ảo của Garcia-Marquez. Nhưng trước đó đã có những nhà tiểu thuyết chủ trương nhân quả bán phần chứ không phải Garcia-Marquez và những nhà văn Châu Mỹ La tinh là tiên phong. Ta có thể thấy nhân quả bán phần nơi những nhà văn ở nửa sau thế kỷ XX như Joseph Heller với Catch 22, Albert Camus với La Peste/Dịch hạch, Thomas Pynchon với Gravity’s Rainbow, Gunther Grass với Cái Trống Thiếc và những nhà văn thuộc Beat Generation v.v…Trường hợp Garcia-Marquez, theo hai quyển sách về Marcia-Garquez của Dasso Salvidar (3) và của chính Garcia-Marquez (4) thì chính Kafka là nguồn gốc đi tới khái niệm nhân quả bán phần. Garcia-Marquez đã đọc nguyên bản tiếng Đức quyển Hóa Thân của Kafka khi còn là cậu sinh viên mười tám tuổi. Trong Une odeur de voyage, entretiens avec Plinio Garcia-Maequez cho biết: Thứ nhất, tuy mới chỉ đọc những dòng mở đầu quyển Hóa Thân Garcia-Marquez đã rùng mình và gấp sách lại, thầm nghĩ mình cũng có thể viết như Kafka; thứ nhì, khi dần dần trưởng thành Garcia-Marquez hiểu rằng “người ta không thể sáng chế hay tưởng tượng mọi thứ mình muốn”; và thứ ba: thực tại là nguồn gốc của sáng tạo, Garcia-Marquez nói: “Tôi tin tương rằng một quyển tiểu thuyết là một dung tưởng thực tại được đánh số (représentation chiffrée)”.(5) Có thể nói Kafka đã “giác ngộ” Garcia-Marquez. Với nhân quả tính bán phần Garcia-Marquez chọn thế “đứng giữa” nhân quả tuyệt đối (Tolstoï) và nhân quả số không (Kafka).
Những nguồn gốc của nhân quả bán phần (II)
Những nguồn gốc khác ảnh hưởng Garcia-Marquez là Arthur Rimbaud, William Faulkner, Ernest Hemingway và thi ca tiếng Tây Ban Nha Thế KỷVàng. Garcia-Marquez thú nhận truyện ngắn La Sieste du mardi của ông chịu ảnh hưởng truyện ngắn Un canali voyage của Hemingway. Những truyện ngăn viết thời trẻ của Garcia-Marquez như Des yeux de chien blue và Nabo và những truyên ngăn viết sau đó như Des feuilles dans la bourrasque, Un jour apres le samedi cho thấy ảnh hưởng của nhân quả tính số không. Ngoài ra Garcia-Marquez cũng còn chịu ảnh hưởng của người bạn thân Graham Green khám phá những bí ẩn của Nhiệt Đới.
________________________________________
[1] Sđd trang 109.
[2] Sđd trang 113.
[3] Dasso Salvidar, Gabriel Garcia-Marquez: Voyage à la source, Renaissance du livre, 2008.
[4] Gabriel Garcia-Marquez, Une odeur de voyage, entretiens avec Plinio bản Pháp văn của Lacques Gilard, Belfond, 1982.
[5] Sđd trang 48.
*Đào Trung Đạo: Yan Lianke (Diêm Liên Khoa) Khám Phá Tiểu Thuyết (Phần 1)
https://www.diendantheky.net/2023/04/ao-trung-ao-yan-lianke-diem-lien-khoa.html#more
*Đào Trung Đạo: Yan Lianke (Diêm Liên Khoa) Khám Phá Tiểu Thuyết (Phần 2)
https://www.diendantheky.net/2023/04/ao-trung-ao-yan-lianke-diem-lien-khoa_0676241173.html
*Đào Trung Đạo: Yan Lianke (Diêm Liên Khoa) Khám Phá Tiểu Thuyết (Phần 3)
https://www.diendantheky.net/2023/04/ao-trung-ao-yan-lianke-diem-lien-khoa_0528363914.html