Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2023
Đào Trung Đạo: Yan Lianke (Diêm Liên Khoa) Khám Phá Tiểu Thuyết (Phần 2)
Nhân quả tính số không
Vấn đề Gregor (I) – vị thế và quyền lực của nhà văn trong phép tự sự
Trong vấn đề Gregor (I) Diêm Liên Khoa sau khi đưa ra một trích đoạn trong truyện Hóa Thân của Kafka khi Gregor biến thành con sâu “Một buổi sáng nọ khi tỉnh giấc sau những giấc mộng căng thẳng, Gregor…” để giải đáp câu hỏi: Trong việc kể truyện tác giả có tư cách/vị thế (statut) và quyền lực nào? Theo Diêm Liên Khoa những nhà văn lớn thế kỷ XIX đều nói đến kinh nghiệm về những nhân vật và số phận của họ, chắng hạn Tolstoï đã kể lại mình rơi lệ khổ đau khi viết về việc Anne Karénine tự sát. Tệ hại hơn nữa là không phải ông đã giết chết Anna mà đó chính là số phần, tính cách của riêng cô. Nói thế khác, với những nhà văn này những nhân vật là chủ nhân số phận họ, tác giả chỉ là phát ngôn nhân, làm công việc viết xuống: nhân vật lớn lao hơn kẻ sáng tạo ra nhân vật nhiều, kẻ sáng tạo nhân vật không có quyền hay khả năng cai quản hay kiểm soát nhân vật. “Trong văn chương hiện thực, vị thế nhà văn càng thấp kém thì nhà văn càng có ít quyền lực hơn” (1)
Ở thế kỷ XIX những nhà văn lớn phải là những tên nô lệ, ngọn bút của họ phải tuân theo, phải phục vụ cho sự sắp xếp và phối trí nhân vật. Đó là qui luật và di sản của những tác phẩm bất tử. Thế nhưng sang thế kỷ XX Kafka xuất hiện làm thay đổi hết thảy: với Kafka nhà văn là vị hoàng đế. Đó là một lật đổ nền tảng: từ nay tác giả đứng trên nhân vật, thống trị số phận nhân vật, cũng không nhượng bộ, làm người đọc hài lòng. Người kể truyện đứng ở bậc thang cao nhất: Kafka chỉ định Gregor làm con sâu. Hay làm con heo hay con chó thì Gregor cũng không có chọn lựa nào hơn là tuân lệnh. “Người kể truyện cũng không tìm cách quản trị những thói quen của người đọc, chế riễu ảo tưởng về cái thực người đọc có thói quen tạo nên, và cũng chẳng cần biết xem truyện của mình có đáng tin trong thực tế” (2)
Vị thế, quyền năng của nhà văn là như vậy. Nếu như Zhou Zuoren cho rằng “văn chương phải đặt cơ sở trên con người” (3) hay như Wang Zengqui cho rằng “ngọn bút [của nhà văn] phải dính chặt với nhân vật”(4) thì những thực hành này chỉ đúng với văn chương thế kỷ XIX. Trong các truyện Hóa Thân, Lâu Đài, và Án sử Kafka đã mở ra cánh cửa mới, chỉ ra một con đường khác với văn chương thế kỷ XIX, cho phép nhà văn toàn quyền tự sự và cài vào bản viết cái bẫy tối thượng, cái lý tính bên trong cảm tính là chính đáng, cái người đọc cho là “giả tạo” không còn là một khuyết điểm để chê cười. Nhưng một vấn đề khác được đặt ra: Sau khi được giải phóng khỏi sự nô lệ vào nhân vật liệu người đọc có lại trở thành nô lệ của cách kể truyện/tự sự của Kafka?
2. Vấn đề Gregor (II) – về nhị hướng tính nhân quả như nguồn gốc của lịch sử (la bidirectionalité causale en tant que source de l’histoire): Sau khi cho Gregor hóa thân thành con sâu Kafka triển khai sự việc trên hai cấp độ: lịch sử thân xác của nhân vật, theo đường thẳng, và cô đọng là lịch sử nội tại, ẩn tàng; kế đến, quan trọng và rõ nét hơn là những xáo trộn và đảo lộn trong gia đình, những mối liên hệ và với chỗ hắn làm việc là lịch sử rõ ràng hay chính thức. Lịch sử chính thức được Kafka đặt ra trước, lịch sử ẩn tàng đặt sau giống như một nhân vật có nhiệm vụ làm sinh động cảnh trí để tuyên bố cái gì sẽ tiếp diễn rồi sau đó biến đi và chỉ đôi khi tái xuất hiện để giải thích mọi sự diễn ra.
Truyện Hóa Thân có ba phần: phần đầu nêu ra những sụ kinh hoàng và lo lắng của Gregor sau khi hóa thân, phần thứ nhì và thứ ba dành cho những xáo trộn và cảnh báo mọi người cũng như tình cảm của họ tiến triển ra sao. Câu chuyện, phần lịch sử ẩn tàng được Kafka kể lại thoáng qua với chừng mươi câu văn ngắn. Nói cho gọn thì từ khi hóa thân đến lúc Gregor chết đi Kafka chỉ viết vài từ khách quan, mô tả những sự kiện và những cử chỉ của Gregor con sâu hay những cảnh đời hắn ta. Diêm Liên Khoa nhận xét: “Người ta hầu như có thể nói rằng sau sự hóa thân Kafka không sử dụng quyền hành của nhà văn để minh họa đời sống hàng ngày của con sâu nhưng phóng chiếu sức mạnh của mình trên cái diễn ra trong cõi sâu thẳm của con vật đã biến đổi và trên cách thế những người thân quanh và ngoại giới phản ứng trước sự biến đổi này”.(5)
Khởi điểm của Hóa Thân: Thứ nhất, Việc Kafka hóa thân Gregor thành con sâu không phải là mục đích truyện nhưng là cái cớ để khai triển truyện; Thứ nhì, lịch sử/truyện chính diễn tiến nhờ lịch sử/truyện phụ tức là nếu không có cái “vì…” (parce que…) ban đầu biến thiên không ngừng quyết định những hậu quả tức là “cho nên.” (c’est pourquoi). Đây là một mối liên hệ nhân quả. Kafka kết truyện bằng cái chết của Gregor khiến người đọc lạnh mình và cảm thấy cô đơn. Tất cả chỉ bằng câu văn thật đơn giản: “Một buổi sáng trong khi thức dậy sau những mộng mị kích động, Gregor Samsa thấy mình, khi còn năm trên giường, hóa thân thành một con sâu gớm ghiếc.”
Diêm Liên Khoa cho rằng nhà văn không thể tùy thích viện dẫn rồi dễ dàng bỏ đi mối liên hệ nhân quả giữa “vì…” và “cho nên…” trên đó lịch sử/truyện triển khai và ra đời. Đối với cả lịch sử/truyện lẫn nhà văn, để tiến tới một tiểu thuyết hay, những “vì…” và “cho nên…” luôn tranh chấp nhau và tranh chấp với nhà văn. Sự quan trọng của chúng vượt qua những yếu tố nguồn gốc khác. “Bởi…” quyết định “Cho nên…” và “cho nên…” thường biến đổi và làm cho “bởi…” khác đi, làm cho “bởi…” thành khác biệt để từ đó xuất hiện một cái “cho nên…” mới.
Nếu như tất cả lịch sử/truyện trên đời này diễn ra trong thời gain và không gian thì diễn tiến này cũng là diễn tiến nhân quả từ “bởi…” tới “cho nên…” Với một số nhà văn chẳng hạn với Marcel Proust thời gian và không gian là thiết yếu. Một số khác đông đảo hơn (trong đó cũng có Proust) mối tương quan “bởi…” và “cho nên” trực tiếp hơn. Thời gian và không gian xuất phát từ lịch sử/truyện một cách tự nhiên, lịch sử/truyện chỉ cần sinh ra để thời gian và không gian là như vậy. Nhà văn luôn có mối liên hệ này để sử dụng nhưng nhà văn không thể tùy ý viện dẫn ra rồi vứt bó. “Nói thế khác, với lịch sử/truyện và nhà văn, để có được một cuốn tiểu thuyết hay, những “bởi…” và “cho nên…” là một cuộc chiến. Chúng vừa tranh chấp nhau vừa tranh chấp với tác giả.
Tương quan nhân quả là bộ xương của tự sự và cũng là tủy nuôi dưỡng tự sự. Thường chúng cũng là xương tủy của nhân vật. Cách nhà văn quan niệm bản văn của mình tùy thuộc những sự bắt buộc đặt trên nhà văn. Một mặt thì nếu không có nguyên nhân và hậu quả thì không có truyện. Mặt khác, nguyên nhân và hậu quả cấm đoán nhau, là những trở ngại nhà văn buộc phải thoát ra. Mối tương quan nhân quả hoạt động tạo thành một cái chốt chặn dẫn đến một sự thỏa hiệp giữa tác giả, độc giả, và nhà phê bình. Nếu như những nhà văn vĩ đại và sáng tạo bỏ ra nhiều công sức để khích động tính tò mò bằng nhấn mạnh mấn chốt (intrigue) và nhân vật thường là để tránh những mối tương quan dai dẳng của nhân quả tính và sáng tạo ra những tương quan mới. Kafka trong Hóa Thân vừa tôn trọng tương quan nhân quả đồng thời hủy bỏ và tái lập tương quan này.
3. Vấn đề Gregor (III): Nhân quả tính số không.
Những nhà văn thực sự sáng tạo viết truyện có mục đích chính để chống lại nhân quả tính, đưa ra một giải thích nhân quả tính mới, một trật tự nguyên nhân-hậu quả mới. Có hai cách làm: hoặc biểu đạt trật tự mới này dưới hình thức một cuộc tranh chấp, hoặc chỉ đơn giản vượt qua những giới hạn, bắt đầu từ số không và thiết lập một qui tắc mới, một tương quan mới, đưa ra những luật tắc mới. Kafka làm theo cách thứ hai, sáng chế “nhân quả tính độ không”, nghĩa là hậu quả không có nguyên nhân.
Gregor sau một đêm được hóa thân thành con sâu. Với Kafka những câu hỏi: Tại sao vậy? Ai trách nhiệm việc này? Tại sao một việc như thế lại có thể xảy ra? Đâu là những điều kiện vật lý và sinh lý. Diễn tiến như thế nào? đều vô nghĩa. Việc Gregor biến thành con sâu là một sự thực, sự kiện được trình ra. Một tương quan nhân quả mới được sáng chế, Kafka không trở lại với vấn đề “bởi…” mà chỉ để ở đó một lỗ hổng đen hủy bỏ nguyên nhân khiến người đọc và nhà phê bình bị quyến rũ, mê hoặc. Điều tuyệt vời trong cách Kafka hủy bỏ nguyên nhân không phải là sự im lặng cố tình của tác giả mà là sự xuất hiện lặng lẽ của nhân quả tính độ không. Diêm Liên Khoa cũng trình bày nhân quả tính độ không trong những truyện khác của Kafka như Lâu Đài, Blumfeld, Kẻ độc thân trở về, Chàng họa sĩ nhịn đói.
4. Nhân quả tính số không như một lỗ đen; Hầu hết tiểu thuyết, truyện kể và truyện ngắn của Kafka đều viết dang dở. Diên Liêm Khoa nhắc tới những giả thiết thông thường để giải nghĩa sự dang dở này như: Kafka viết khi ý tưởng chưa được cấu trúc chắc chắn, khi truyện đên hồi kết thúc Kafka cố tình phớt lờ việc phải kết thúc ra sao, hay Kafka trì hoãn nút mở truyện. hoặc vì lý do sức khỏe hay một lý do ngoại tại nào đó ngăn cản Kafka tiếp tục viết. Theo Diêm Liên Khoa những giả thiết này đều không áp dụng được trong trường hợp Kafka.
Quan điểm của Diên Liêm Khoa: Để biện giải vấn đề này phải sử dụng khái niệm nhân quả tính số không.
Với nhân quả tính số không người ta có cảm tưởng đi trong miền đất thênh thang không chia vùng, không dấu chỉ, người ta không biết mình đang ở chỗ nào, đâu là nơi dừng chân. Cũng có thể ví như một nhà văn không muốn thấy tương quan nhân quả tính ẩn chứa trong mùa màng, khi thích ăn táo chín là vươn tay hái, phớt lờ hoàn cảnh có được phép hái hay không. Trong truyện Lâu Đài nhân viên đo đạc có cư ngụ trong làng hay không chẳng quan trọng, dù kết luận thế nào đi nữa người đọc cũng chẳng buồn phiền. Điều người đọc hay nhà phê bình lo lắng là xem xem K. cuối cùng có vào tòa lâu đài hay không, và nếu không thì tại sao.
Diên Liên Khoa đặt câu hỏi: Tòa lâu đài này có nghĩa gì? Tại sao nó là một biểu tượng? Tòa lâu đài chìm trong sương mù ban đêm. K. đứng thật lâu giữa cây cầu gỗ dẫn đến tòa lâu đài, mắt mở lớn hướng lên những tầng cao dường như trống không. Câu “những tầng cao dường như trống không” khiến người đọc đoán chừng sương mù sẽ chẳng bao giờ tan. K. càng không thể đi sâu vào con đường dẫn đến tòa lâu đài, càng cố gắng thì tòa lâu đài càng trông như bí ẩn giữa những đám mây mù và như vậy tạo cảm giác chĩu nặng và buồn bã nơi người đọc. Đó là cái lỗ đen thật lớn trong bản văn theo Diên Liêm Khoa. Người ta có thể coi cái lỗ đen này là sự suy đồi của tính chất quan liêu, khuyết điểm của xã hội hiện đại, cái mê cung con người mất hút trong đó, một sự phi lý khổng lồ, hay sự mâu thuẫn nền tảng giữa “nhiệm vụ” và “quyền lực”. Nhưng đó chỉ là những diễn giải về cái lỗ đen làm cho nhân quả tính xuất hiện. Diêm Liên Khoa viết: “Khi mà sự liên kết giữa nhân quả tính số không với thế giới thực và kinh nghiệm thông thường của cá nhân, thì cái ý nghĩa từ đó phát sinh phải liên quan tới lỗ đen” (6)
Ngày nay nếu chúng ta khẳng định rằng Gregor phải biến thành con sâu chính bởi xã hội “tha hóa”, áp bức cá nhân, hẳn chúng ta nghĩ gắn lên Hóa Thân một nội dung có ý nghĩa sâu xa. Nhưng theo ý kiến Liên Diêm Hoa, nếu Kafka có thể tái sinh thì những diễn giải này có nguy cơ bị Kafka quăng vào thùng rác. Nếu Kafka ngạc nhiên, có thể ông ấy sẽ cười mỉm – để an ủi. Thiết nghĩ, chính vì sự kiện nhân quả tính số không của ông ta mà ý nghĩa của quyển tiểu thuyết chỉ là một cái lỗ đen. Vì tác giả không có khả năng ngăn cấm độc giả chạm mặt với những phản suy, phán đoán và giả thiết. Tại sao sự cân bằng tự sự vẫn cứ cân bằng trong trường hợp nhân quả tính số không? Chính vì một trong những mặt bằng của nó thuộc về thế giới “thực” trong khi mặt bằng kia có trọng lượng của cái lỗ đen.
Chúng ta biết rằng cái ngăn cản K. vào trong tòa lâu đài không phải vì cái làng, cũng không phải vì dân làng, càng không phải vì những quyền hành hay rào cản hành chánh, nhưng chính là Kafka, và sợi dây dẫn dắt việc kể truyện của Kafka tới nhân quả tính số không. Không có một lý do nào khác cho việc Gregor không thể đi vào lâu đài: đó là cái nguyên nhân không nguyên nhân của lịch sử/truyện, cái nền trên đó truyện/lịch sử được xây dựng và triển khai.
Diêm Liên Khoa chốt vấn đề nhân quả tính số không bằng nhận định: “Trong chủ nghĩa hiện thực truyền thống nhân vật lớn hơn tác giả nhiều. Trong cách viết/văn tự hiện đại, một cách tổng quát, thì ngược lại.”(7)
(còn tiếp)
_____________________________________
[1] Sđd trang 65.
[2] Sđd trang 66.
[3] Zhou Zuoren, Ren de wenxue (Văn chương về con người) trong tập Essais, nxb Huacheng 2004.
[4] Wang Zengqui, Shen Congwen zai xinan lianda (Shen Congwen à l’université unie du Sud-Ouest) trong Puqiao ji, Pekin, Editions des ecrivains, 1991 trang 46.
[5] Sđd trang 71.
[6[ Sđd trang 82.
[7] Sđd trang 84.
*Đào Trung Đạo: Yan Lianke (Diêm Liên Khoa) Khám Phá Tiểu Thuyết
https://www.diendantheky.net/2023/04/ao-trung-ao-yan-lianke-diem-lien-khoa.html#more