Thứ Ba, 25 tháng 4, 2023

Đào Trung Đạo: Yan Lianke (Diêm Liên Khoa) Khám Phá Tiểu Thuyết (Phần 7)

Chủ nghĩa Hiện thực Huyền thoại (tiếp theo)


Cuốn “Discovering Fiction” (bản dịch tiếng Anh từ nguyên tác 發現小)

3. Chủ nghĩa hiện thực huyền thoại và tính chất hiện đại

Diêm Liên Khoa nhận thấy văn chương Trung Quốc từ đầu những năm 80 có hai truyện ngắn  hiện   đáng chú ý là truyện Ít nhất mười năm của Shen Rong và truyện Người Hút Thuốc Lá Bằng Tẩu Ngọc quí. Ít nhất mười năm kể lại mười năm đã mất trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa khi một công chức loan báo rằng đã sống qua mười năm cuộc cách mạng này theo lệnh Trung Ương Đảng có quyền được miễn đưa vào danh sách, vì tổ chưc phân vân trong việc thăng cấp nên người cao tuổi trở thành thuộc vào giới trẻ. Người Hút Thuốc Lá Bằng Tẩu Ngọc Quí nói về một nông dân già nua sở hữu một cái tẩu ngọc và toàn thể làng ông lấy làm kiêu hãnh về việc này. Thế rồi sau đó có một chuyên gia cổ vật đến tỉnh. Ông ta chỉ thoáng nhìn cái tẩu và cho rằng cái tẩu này là đồ giả. Thế nhưng ông ta lại không hài lòng việc dấu nhẹm sự thật với dân làng nên nói thêm rằng cái tẩu này là một vật vô giá, là một gia tài không nên để cho mọi người thấy.

Vào thời kỳ này hai truyên ngắn nói trên đã tạo dư luận, Ít nhất mười năm còn được trao giải thưởng. Shen Rong sau đó trong quyển Một phụ nữ trung niên cho rằng đó chỉ là những dòng suối nhỏ cung cấp nước cho sông. Diêm Liên Khoa nói rằng đã nhắc tới hai truyện này vì chúng là những truyện đầu tiên của văn chương đương đại chứa đựng những yếu tố của chủ nghĩa hiện thực huyển thoại. Nhất là Ít nhất mười năm với chi tiết cái được cho là lệnh đảng: đó là một cái thực bất khả, không hiện hữu, được che dấu dưới thực tại, một thứ hiện thực huyền thoại được dấu kín dưới cái thực hiện thực. “Một cái thực được mô phỏng một cách hoàn hảo trong tiểu thuyết nơi tương quan nhân quả - hậu quả: nhân quả tính nội tại.” (1) Khá nhiều nhà văn sau đó chịu ảnh hưởng Shen Rong như Wang Anyi, Han Shaogong, Jia Pingwa và ngay cả Lý Nhuệ trong loạt truyện Đất Sâu. Những hình thức văn chương thực nghiệm của Su Tong, Yu Hua hay Ge Fei dù vay mượn kinh nghiệm Tây phương thế kỷ XX để chống lại thứ văn chương được sử dụng như dụng cụ chính trị lâu nay ở Trung Quốc cũng khởi hứng cho văn chương hiện thực huyền thoại vị lai. Trong trào lưu này Mạc Ngôn là tiên phong nhưng theo Diêm Liên Khoa thật đáng tiêc cho tới ngày nay vẫn không thấy nhà nghiên cứu lý thuyết văn chương [Trung Quốc] nào nghiên cứu kỹ lưỡng tác phẩm của Mặc Ngôn để chỉ ra sợi dây xuyên suốt tác phẩm của nhà văn này mà đa số những phân tích của họ chỉ giới hạn dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện thực ma thuật của Châu Mỹ La tinh hay của William Faulkner. \

Những nhà văn và tác phẩm như Quyển Từ Điển của Maqiao của Han Shaogong, Con tầu cũChuyện Ngụ Ngôn tháng Chín của Zhang Wei, Ở xứ Hươu Trắng của Chen Zhongshi, Cây Không Gió của Lý Nhuệ tuy không hẳn là hiện thực huyền thoại nhưng cũng không thiếu những tia lấp lánh chủ nghĩa này. Điều cần nhấn mạnh là trong hình thức kể truyện mới này “huyền thoại” không phải do nhà văn đưa vào truyện nhưng “huyền thoại” là cây cầu phải vượt qua để tới bờ thực tại, cái thực tại mới thực sự của Trung Quốc và người Trung Quốc hiện nay hiện thực xã hội chủ nghĩa không có khả năng đạt tới. “Cái mà nền văn chương của chúng ta phải nhìn tận mặt, để nhìn chăm chú vào những vùng bí ẩn mà chủ nghĩa hiện thực không thể thâm nhập, và về cái nó tạo nên cây cầu nhỏ duy nhất, cái đèn pha độc nhất có thể rọi sáng những góc khuất. Mọi cái hiện hữu, mọi cái phi lý và ẩn khuất được rọi chiếu và trở thành nhìn thấy được trong sự hiện diện của nó. Tất cả trở thành có thể hiểu được, người ta không thể bị mắc lừa, bởi vì người ta không thể cảm thấy và sờ vào. Sự bối rối duy nhất chúng ta còn lại là vào lúc cầm cây bút lên chúng ta phải thực sự phá bỏ những cưỡng chế và những thói quen của chủ nghĩa hiện thực kiểu Trung Quốc.” (2)

Diêm Liên Khoa đưa ra hai thí dụ: Trong quyển tiểu thuyết Tôi Yêu Bill Wang Anyi chuyển tải cái thực một cách rõ ràng và uyển chuyển. Thế nhưng trong quyển truyện này có một đoạn làm ta suy nghĩ nhiều nhưng không ngừng được khen ngợi khi bà tả mùa xuân tới bà đã liên hệ với “sự hồi sinh của nữ tính” bí ẩn. Trong quyển tiểu thuyết La Capitale déchue Jia Pingwa từ đầu truyện cho thấy nhân vật Zhuang Zidie bò cả hai tay hai chân giữa phố phường để uống nước trông tệ hơn cả một con bò chỉ ra một thử thử nghiệm vố thức chủ nghĩa hiện thực huyền thoại. Ta cũng có thể thấy trong vài tác phẩm của Chi Zijian có những tia sáng lấp lánh của chủ nghĩa hiện thực huyền thoại đáng ngưỡng mộ. Diêm Liên Khoa cũng không quên nhắc tới Yang Zhengguang với quyển truyện Kẻ Thù Thân Mến Của Tôi và quyển Bờ Sông Thứ Ba: cả hai đều có cái sức mạnh của cái thực và của nhân quả tính nội tại nhưng tiếc thay quyển Kẻ Thù Thân Mến Của Tôi kết cục lại bị chủ nghĩa hiện thực xã hội nuốt chửng. “Bản viết hiện thực huyền thoại trong khuôn khổ của văn chương ngày nay mới chỉ là một nụ sen bị buộc phải đâm rễ trong cái hồ hiện thực lớn. Người đọc và những nhà phê bình đui mù trước khả tính của hiện thực huyền thoại nên không thấy sự khác biệt giữa hai chủ nghĩa hiện thực này. Chủ nghĩa hiện thực thần thoại có hiện hữu nhưng lại không được nhìn nhận, nhắc tới.” [3]


_____________________________________ 

[1] Sđd trang 171.

[2] Sđd trang 175.

[3] Sđd trang 178.


*Đào Trung Đạo: Yan Lianke (Diêm Liên Khoa) Khám Phá Tiểu Thuyết (Phần 1)

*Đào Trung Đạo: Yan Lianke (Diêm Liên Khoa) Khám Phá Tiểu Thuyết (Phần 2)

*Đào Trung Đạo: Yan Lianke (Diêm Liên Khoa) Khám Phá Tiểu Thuyết (Phần 3)

*Đào Trung Đạo: Yan Lianke (Diêm Liên Khoa) Khám Phá Tiểu Thuyết (Phần 4)

*Đào Trung Đạo: Yan Lianke (Diêm Liên Khoa) Khám Phá Tiểu Thuyết (Phần 5)

*Đào Trung Đạo: Yan Lianke (Diêm Liên Khoa) Khám Phá Tiểu Thuyết (Phần 6)