Thứ Ba, 18 tháng 4, 2023
Đào Trung Đạo: Yan Lianke (Diêm Liên Khoa) Khám Phá Tiểu Thuyết (Phần 5)
Nhân quả tính nội tại (tiếp theo)
![]() |
Cuốn “Discovering Fiction” (bản dịch tiếng Anh từ 'nguyên tác 發現小說) |
Cái thực nội tại và cái thực ngoại tại
Diêm Liên Khoa giải thích sự phát sinh của Nhân quả tính nội tại và nhân quả tính ngoại tại: Nhân quả tính bán phần được đặt ra để một mặt kết nối nguyên lý thực sự của nhân quả tính (le principe réel de causalité) trăm phần trăm tuyệt đối, mặt khác dẫn tới ý tưởng về nhân quả tính số không. Chính nhờ nhân quả tính số không nên từ nay tự sự/kể truyện có được một thẩm mỹ học mới và một cái thực mới (un nouveau réel) làm cho tự sự trở lại “bắt chước cái thực”. “Từ thế kỷ XX, thời đại phát sinh và nẩy nở của hai hình thức mới của nhân quả tính mà người đọc, tác giả và lý thuyết gia thành ra cùng đồng ý về một nguyên lý của cái thực hư cấu (principe de réel fictionnel) – cái thực nội tại.”(1)
Trong khi đó cái thực ngoại tại là cái thực của hành xử (comportement) và của những sự vật chắc chắn là có tương quan với linh hồn, tư tưởng và ý thức nhưng không chỉ phát sinh từ linh hồn, tư tưởng và ý thức. Khá nhiều nhà văn hiện đại đi theo chiều hướng này ngược hẳn với các nhà văn thế kỷ XIX chỉ chuyên chú vào việc tái phục hồi cái thực ngoại tại: Linh hồn, tư tưởng và ý thức của nhân vật “kiểu mẫu” (archetypes) thiết yếu được đúc khuôn liên hệ với ngoại giới, với lịch sử, xã hội, gia đình…Sinh mệnh của Anna Karénine cũng như của Maslova là thời đại. Nếu đặt họ ra ngoài thời đại của họ thì họ không còn hiện hữu nữa. Chính vì họ là nhân vật của lịch sử của họ, thực tại sâu xa của họ nằm giữa cái thực chủ yếu (le réel vital) và cái thực tinh thần (le réel spirituel). “Nhưng những yếu tố kéo họ theo hướng này đa phần là từ những yếu tố ngoại tại và từ một môi trường đang tiến triển. Chính do sự tham gia tích cực của họ mà tiểu thuyết xoay từ cái thực ngoại tại về hướng cái thực nội tại.”(2) Thí dụ Raskolnokoff của tiểu thuyết thế kỷ XIX (Tolstoï) có thực tại nội tâm (linh hồn, ý thức) phong phú nhưng những thất bại, kiêu hãnh, tranh chấp v.v…đã phát sinh từ sự nghèo nàn và bất công của xã hội, nghĩa là từ sự thực ngoại giới.
Nhưng với Kafka khuynh hướng này lại đảo ngược từ nội ra ngoại do đó sự hóa thân của Gregor Samsa và việc K. không thể vào tòa lâu đài là từ “nội giới” nghĩa là từ cái thực nội giới. “Chủ nghĩa hiện thực đặt trọng điểm trên chủ nghĩa duy vật của thế giới. Chủ nghĩa hiện đại, trên chủ nghĩa duy tâm chủ quan.” (3) Đó là sự khác biệt nền tảng. Theo nghĩa này có thể nói tiểu thuyết “dòng chảy ý thức” (flux de conscience) là sự biểu lộ tối thượng của nhân vật như một cá nhân suy tưởng của cái thực nội giới. Virginia Woolf chĩa sâu bút tới tận bên trong đầu nhân vật, làm cho ý thức nhân vật của bà chao đảo, thời gian tâm lý phá vỡ thời gian khách quan.
Nhân quả tính nội tại
Cái thực nội tại thường xuất hiện trong tiểu thuyết dưới dạng dụ ngôn (fable), biểu tượng (symbole) hay như một cái thực cụ thể, đích thực và đoạn rời cho phép người đọc nhận ra những khác biệt lớn về tinh thần, khái niệm và kỹ thuật giữa tiểu thuyết truyền thống của thế kỷ XIX với tiểu thuyết thế kỷ XX. Khá nhiều nhà văn hiện đại dùng một thứ “nhân quả tính nội tại” để làm cho cái thực nội tại xuất hiện dù, trong một số trường hợp chỉ để biện minh cho vô thức của nhân vật hay chỉ là một “cách đánh lừa” khôi hài để tăng vẻ sặc sỡ của bản văn.
Nhân quả tính nội tại này tương ứng với một tương quan luận lý mới không phải là nhân quả tính tuyệt đối, nhân quả tính số không hay nhân quả tính bán phần. Nó vừa là nguyên ủy vừa là kết thúc làm cho nhân vật và điểm nhấn đặt cơ sở trên thực tại bên trong của nhân vật chứ không bao giờ trên một yếu tố từ ngoại giới. Những bản văn ngay cả khi có vẻ dụ ngôn hay biểu tượng không rõ nét, những bản văn sản xuất theo nhân quả tính nội giới rất khác với những bản văn nhân quả tính số không, và thêm nữa những điều kiện nhân quả lạ lùng này càng lấp lửng giữa tuyệt đối và số không trong khuôn khổ của nhân quả tính bán phần. Nó dựa trên cái thực nội giới không bó buộc lộ ra trong thực tại hữu hình nhưng thiết yếu hiện hữu trong linh hồn và tinh thần. Chính do cái thực nội giới này mà tự sự tiến diễn, nhân vật triển khai và hoàn chỉnh. Ở đây vừa có động cơ vừa có bộ dẫn tiến (propulseur), nguồn gốc duy nhất của hành vi nhân vật và diễn tiến truyện. Chính vì thế chúng ta bàn luận về “nhân quả tính nội tại.” Sự kiện Gregor được hóa thân thành con sâu chính là trái tim, nguồn gốc thực sự của quyển truyện từ đó truyện khởi đi và triển khai.
Cái thực nội tại là nền tảng của truyện vì nó kết truyện, điều kiện trước tiên của tiểu thuyết, nếu không có cái thực nội tại thì không có nhân quả tính. Hình thức văn chương phát sinh cái thực nội tại nâng bổng một thẩm mỹ học và một văn tự/hành vi viết hoàn toàn mới. Do hai trận thế chiến ở thế kỷ XX, những cuộc cách mạng và những tiến bộ kỹ thuật nên sự biểu lộ cái thực nội tại nằm ẩn trong tất cả phong trào văn chương làm cho những phong trào này khác với thế kỷ XIX. Một số nhà văn đặt nỗ lực trên cá nhân, số khác trên kinh nghiệm tâm lý của một tập thể, một chủng tộc hay toàn thể nhân loại. Nhân quả tính nội tại đã mở rộng những cánh cửa mới.
Xác xuất của nhân quả tính nội tại
Ngày nay thật khó mà tìm được những tác phẩm tiêu biểu cho nhân quả tính số không như truyện của Kafka, nhân quả tính bán phần như tiểu thuyết của Garcia-Marquez, nhân quả tính tuyệt đối như các tác phẩm của Tolstoï, Dostoïevski, Balzac hay Flaubert. Theo Diêm Liên Khoa có lẽ vấn đề có liên hệ tới một không gian mới là tặng phẩm của thần linh trao cho những sinh viên văn chương để họ làm cho không gian này hiện hữu và phát triển. Henry Miller đã chứng minh rằng cái thực nội tại trước đây rực rỡ và độc nhất nhưng rồi nhân vật Yossorian lại quay sang nhân quả tính bán phần hay nhân quả tính số không.
Nếu như đọc Joyce, Woolf, Proust ta cảm nhận cái thực nội tại này có là đoạn rời, hỗn độn song vẫn rất cụ thể chính vì một mặt trong những tác phẩm của những nhà văn này, những mối tương quan luận lý tan đi và chạy trốn nhân quả tính tuyệt đối giống như người ta bỏ chạy khỏi đám cháy khủng khiếp, mặt khác khi họ không còn chọn lựa nào khác thì họ xấu hổ nên thỏa hiệp, đứng về phía nhân quả tính nội tại. Nhân quả tính nội tại trong những tác phẩm của những nhà văn này làm ta nghĩ tới một cái bong bóng trên mặt nước sinh ra bởi sự bất cẩn nên chẳng mấy chốc biến mất trong vũng nước của những nhân quả tính có trước. Do vậy chúng ta chẳng thể tìm được những bản văn trong đó cái thực nội tại là động cơ.
Một cách khá khiêm tốn Diêm Liên Khoa cho rằng với kinh nghiệm có thể là giới hạn ông tìm thấy cái thực nội tại trong truyện ngắn Le Troisième Rivage du fleuve (4) của nhà văn xứ Brésil Joãs Guimarães Rosa. Họ Diêm thú nhận đã đọc truyện này mười năm trước nhưng không mấy chú ý, nhưng trong một thời gian dài đầu óc vẫn bị truyện này ám ảnh. Sau khi trích dẫn nguyên văn truyện này (trên 6 trang sách bản tiếng Pháp) và cho rằng phải đọc toàn thể truyện từ đầu chí cuối mới nhận ra được lối kể truyện theo nhân quả tính nội tại. Họ Diêm đưa ra những nhận xét về Joãs Guimarães Rosa và truyện này như sau:
Nền tảng của nhân quả tính nội tại, cái thực nội tại là động cơ và bộ máy tăng tốc kiểm soát và làm cho truyện tiến tới.
Nếu như nhân quả tính thiết yếu bao hàm phần nào chất ngụ ngôn và bí ẩn nhưng truyện này lại không phải là một truyện ngụ ngôn.
Nhân quả tính nội tại có thể giữ vai trò cường điệu và trào phúng theo kiểu truyện Catch 22, nó cũng có thể có sự êm đềm và thanh thản của truyện Mrs Dalloway hay nỗi buồn trong Le Troisième Rivage du fleuve. Nó không phải là một văn phong (style) hay biểu lộ của cá nhân tính nhưng là một phương tiện để nhận thức thế giới.
Cái bờ thực sự trong Le Troisième Rivage du fleuve là những sự xâu xé không thể tránh được giữa tình yêu chồng vợ hay gia đình của chúng ta với những thăm dò tránh né tiếp theo. Chất liệu của nhân quả tính nội tại thiết yếu phải là cái thực nội tại cai quản những tương quan của nhân quả tính và của thực tại chứ không phải là kinh nghiệm hay bất kỳ những tương quan luận lý nào.
Vài lời nói thêm của Diêm Liên Khoa: Lịch sử đã nhiều lần chỉ ra rằng trên thế giới không có nhà văn nào cũng lại là lý thuyết gia. Chẳng hạn Sartre là triết gia nhưng không là nhà văn lớn trong khi Camus tuy không là triết gia nhưng lại là nhà văn lớn. Lý do: lý thuyết có thể làm cho một tiểu thuyết phong phú sâu xa hơn nhưng lại không thể điều khiển cây bút của nhà văn, tạo nên nhà văn. Chẳng hạn Daniel Defoe khi viết quyển Robinson chẳng biết gì về chủ nghĩa hiện thực vì khi đó các nhà phê bình chưa đưa ra danh từ này, hay Kafka khi viết Hóa Thân cũng chẳng nghĩ gì tới chủ nghĩa tượng trưng hay chủ nghĩa hiện đại hay văn chương phi lý. Tương tự Garcia-Marquez nếu như có nghe nói về một thứ “sự thực tuyệt vời” đi nữa nhưng còn lâu mới tưởng tượng được rằng Trăm Năm Cô Đơn lại trở thành kiệt tác của chủ nghĩa hiện thực kỳ ảo.
Nhân quả tính nội tại không phải là một cái địa bàn phát sinh từ một xác xuất không rõ rệt; nó cũng không phải là một dự án/phóng, nhưng có thể là một định hướng (orientation). Những nhà văn liều lĩnh, những kẻ ngụp lặn vào con đường này sẽ chẳng chắc mình tới được “Thành phố cấm vào/Cấm địa”. Song le có thể là họ sẽ đi được vào thực tại, vào cái thực phi lý nhất, phức tạp nhất và sâu thẳm của Trung Quốc hiện tại.
_____________________________
[1] Sđd trang 138.
[2] Sđd trang 139.
[3] Sđd trang 140.
[4] João Guimarães Rosa, Le Troisième Rivage du fleuve, in Premières histoires, traduit par Inès Depré, 1982, éditions Métailié, p.35-41. Bản tiếng Anh The Third Bank and Other Stories của Barbara Sheby Marelle, trang 54-62.
*Đào Trung Đạo: Yan Lianke (Diêm Liên Khoa) Khám Phá Tiểu Thuyết (Phần 1)
https://www.diendantheky.net/2023/04/ao-trung-ao-yan-lianke-diem-lien-khoa.html#more
*Đào Trung Đạo: Yan Lianke (Diêm Liên Khoa) Khám Phá Tiểu Thuyết (Phần 2)
https://www.diendantheky.net/2023/04/ao-trung-ao-yan-lianke-diem-lien-khoa_0676241173.html
*Đào Trung Đạo: Yan Lianke (Diêm Liên Khoa) Khám Phá Tiểu Thuyết (Phần 3)
https://www.diendantheky.net/2023/04/ao-trung-ao-yan-lianke-diem-lien-khoa_0528363914.html
*Đào Trung Đạo: Yan Lianke (Diêm Liên Khoa) Khám Phá Tiểu Thuyết (Phần 4)
https://www.diendantheky.net/2023/04/ao-trung-ao-yan-lianke-diem-lien-khoa_0806170802.html