Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2023
Đào Trung Đạo: Yan Lianke (Diêm Liên Khoa) Khám Phá Tiểu Thuyết (Phần 6)
Chủ nghĩa Hiện thực Huyền thoại (tiếp theo)
Cuốn “Discovering Fiction”
(bản dịch tiếng Anh từ
nguyên tác 發現小說)
Tổng quan
Chủ nghĩa Hiện thực Huyền thoại (mythoréalisme) là một khuynh hướng đã nảy mầm và chín mùi trong văn chương Trung Quốc đương đại. Diêm Liên Khoa than phiền những nhà phê bình đã lười biếng không phân tích chủ nghĩa này nên nó rơi vào quên lãng, không được biết tới. Định nghĩa một cách ngắn gọn “chủ nghĩa hiện thực huyền thoại là một tiến trình sáng tạo vứt bỏ mọi tương quan luận lý giản đơn cố hữu, gắn liền với thực tại sống trải để vượt qua, truy tìm một hình thức của cái thực “không hiện hữu”, ta không thấy hay nằm ẩn dưới thực tại. Chủ nghĩa hiện thực huyền thoại dứt khoát tránh xa chủ nghĩa hiện thực như thường được hiểu ở Trung Quốc” (1) Nó thông giao với những liên hệ nội tại bằng những cây cầu do trí tưởng tượng tạo ra dưới những hình thức khác nhau: những ẩn dụ, những huyền thoại, những giấc mơ, những dung tưởng (fantasmes) và sự trừu tương hóa (abstractions) phát sinh từ thực tại hàng ngày và xã hội. Chủ nghĩa hiện thực huyền thoại không thoái bỏ chủ nghĩa hiện thực nhưng vượt qua chủ nghĩa hiện thực trong khi tái sáng tạo thực tại một cách căn bản.”(2)
Chủ nghĩa hiện thực huyền thoại tuy hấp thụ chủ nghĩa hiện đại nhưng khẳng định sự độc lập của nó đối với mọi lý thuyết. Nó được trồng, mọc rễ và sinh sôi nẩy nở trong vùng đất văn hóa của riêng nó. “Khác với những hình thức văn tự khác, nó đi tìm kiếm cái thực nội tại, bởi cái thực nội tại đặt trên nhân quả tính nội tại nên đi thật sâu vào con người, xã hội, lịch sử, và vũ trụ, điều này cho phép nó vẽ ra một cái thực tái tạo, liên hệ chặt khít với kinh nghiệm nhưng lại không thể nhìn thấy được tới mức cho ta ấn tượng nó không hiện hữu.” (3) Những đặc điểm hiển nhiên nhất của nó là: vượt qua kinh nghiệm và tái sáng tạo cái thực.
Những mâu thuẫn
Thực tại quyết định văn chương là gì, chất liệu của văn chương là thực tại. Đối với văn chương thì đời sống không còn là đời sống nữa nhưng là đời sống của văn chương. Mô tả đời sống để sáng tạo đời sống giống như xây dựng một nhà máy để biến đổi chất liệu căn bản trong chính chất liệu căn bản mà không làm cho nó thay đổi; là thu lượm những cành cây rải rác để chất đầy kho và tưởng tượng ra rằng đống cành cây được tạo thành cái gì khác chứ không phải chỉ là những cành cây. Nhà văn đốt cháy đống củi này để biến đổi nó thành năng lượng, tái sinh nó dưới dạng một sự vật mới: đó là văn chương vậy. Nhiều người nhìn cánh đồng cành cây này là sự tuần hoàn của mùa màng nhưng cũng có nhiều người khác thấy đó là thi ca. Lại cũng có người chỉ nhìn thấy ở đó sự hỗn độn và buồn chán. Thực tại ở Trung Quốc ngày nay không chỉ là những bó củi, những thửa đất và những căn nhà. Thực tại này phức tạp, phi lý và phong phú chưa từng thấy trong lịch sử. Về mặt văn chương thực tại như một cái hồ bùn ẩn chứa mỏ vàng và chất độc thủy ngân lỏng. Người thì vớt lên vàng, kẻ khác lại đánh hơi mùi hôi thối của bờ hồ, người thì hút thủy ngân lỏng lên. “Theo từ ngữ văn chương khi nói về Trung Quốc và “người Trung Quốc nay không trung thực như thời xưa” là đã không tính đến việc trong thực tại họ đối mặt với cái gì. “Không còn luân thường đạo lý gì cả”, chúng ta đã đánh mất ý nghĩa của giá trị”, cái làm con người thành con người chính là con người, người ta đã chạm đáy rồi: những lời than vãn này chứng tỏ sự bất lực của văn chương trong việc nắm vững xã hội này.” (4)
Theo Diêm Liên Khoa nhà văn Trung Quốc mắc cạn bên bờ của sự đổ vỡ suy đồi. Ai nấy đều biết rằng sự phong phú giàu có và sự phức tạp, những điều kỳ quái và kỳ lạ cùa đời sống thực vượt xa những sự chế biến, làm giả (fabrications) và những sáng chế, những sự phi lý và những phức tạp của văn chương đương đại. Mọi người đều phàn nàn về sự thiếu vắng những nhà văn lớn, những kiệt tác xứng tầm với thế kỷ này nhưng lại quên mất một vấn đề là: từ rất lâu văn chương Trung Quốc chỉ chú trọng đến mô tả hơn là khám phá thực tại. Vả chăng hoài nghi và tra vấn dường như không phải là vai trò của trí thức. Họ Diêm phê phán nhà văn Trung Quốc đương đại hiểu chủ nghĩa hiện thực một cách thô thiển là bức họa đời sống và họ giới hạn tài năng của họ vào việc sơn phết bức họa này. Họ hài lòng với việc mô tả thực tại theo khẩu hiệu, cất tiếng ngợi ca những bài ca chiến thắng. Còn những tác phẩm khai quật thực tại này thì không ngừng bị nghi ngờ, đả kích, sát hại.
Chính vì thế có rất ít bản văn dám thực sự tra hỏi con người và xã hội. Một mặt chúng ta thở dài về sự bất lực của chúng ta không miêu tả được những xáo trộn chúng ta đã trải qua như Tolstoï, mặt khác chúng ta đặt trên bàn thờ biểu trưng sơ sài những hện tượng xã hội. Một mặt người ta tiếc rẻ sự thiếu vắng của một nhà văn lớn có thể thăm dò linh hồn con người như Dostoïevski, mặt khác người ta cấp phát giải thưởng, khua chiêng gõ trống và phủ đầy lời khen ngợi những tác phẩm phớt lờ tâm hồn.
Diêm Liên Khoa chỉ ra những trở ngại cho nhà văn Trung Quốc hiện nay: nếu muốn nhìn xuống cái đáy thực sự của con người thì trước hết phải đối mặt với những sự chia ngăn (cloisonnements) và những giới hạn của cái thực giả dối, kế đến là phải cưỡng lại những cám dỗ thầm lặng và những lời cổ võ cái thực thế tục. Hắn cũng còn phải đối phó với tính chất riêng biệt của thực tại hiện tiền nơi đó ngả mở ra và khép lại trên chính nó đi đôi với nhau. Khi nền kinh tế bắt đầu phát triển nhà văn là tù nhân của những ép buộc của một ý thức hệ mới: bị vây khổn bởi tiền bạc hắn bị xô đẩy tới thỏa hiệp với những hứa hẹn những đặc quyền quyến rũ. Những trở ngại này khiến văn chương đương đại Trung Quốc chẳng thể đi vào chiều sâu trong biểu đạt cái thực. Đấy là chưa kể đến hàng chuỗi “những thứ bị cấm”, những “bất khả” do cái thực giả dối ra lệnh cho nhà văn. Lâu dần hắn trở thành tự kiểm duyệt. Nhà văn Trung Quốc có số phận chung là nằm giữa tấm màn chắn và vũ trụ nội tại rất phong phú rất phức tạp của con người. Bị dồn vào một góc của thế giới bị giới hạn nhà văn không cách chi có thể nhìn thấy những phi lý và những hiện tượng quái lạ. Nhà văn chán nản, cạn kiệt, nỗ lực của họ chốc chốc chỉ tìm cách thoát khỏi những gông cùm.
Diêm Liên Khoa đưa ra thí dụ quyển tiểu thuyết Huynh Đệ của Dư Hoa: ông ta nói rằng đã mô tả trong quyển truyện này những nỗi khổ đau của đất nước – chứng cớ của sự can đảm tiến về một “chủ nghĩa hiện thực mới” và về việc ông cảm thấy không hài lòng quang cảnh văn chương đương đại. Thế nhưng diễn giải của người đọc và của những nhà phê bình lại không vượt qua được cái ngưỡng của luận lý truyền thống nên họ ốn ào phản đối nhà văn này. Tương tự như vậy người ta cũng nói về sự “tự thiến hoạn” trong tiểu thuyết Giao Hưởng Thiểm Tây của Giả Bình Ao hay “cái đầu nổi trôi theo dòng nước” trong quyển Bờ Sông của Sử Tống. Sự kiện nêu trên khiến người đọc có ấn tượng chủ nghĩa hiện thực giống như ném cát vào mắt nên người đọc phải dụi mắt vì thấy cái này “vượt qua thực tại” hay “không đúng sự thực”.
Nhưng theo Diêm Liên Khoa nếu ta xét mọi thứ dưới góc cạnh khác và mở cánh cửa của chủ nghĩa hiện thực huyền thoại để xem xét dưới ánh sáng mới thì sẽ thấy những yếu tố vượt khỏi chủ nghĩa hiện thực [truyền thống] là mầm mống của chủ nghĩa hiện thực huyền thoại. “Vấn đề là: khi ta đưa cách viết hiện thực huyền thoại vào sáng tạo hiện thực, trộn lẫn chúng như pha nước với sữa hay là tách chúng ra như nước và dầu? Tại sao những đoạn văn mang dấu vết “cái thực mới” lại luôn phải để những phản ứng sinh lý đi đôi với kích thích cảm giác mạnh bạo? Ở đây có một cái bẫy mà chủ nghĩa hiện thực huyền thoại thách thức khi đưa bản viết thoát ra khỏi dấu ấn hiện thực.” (5) Theo họ Diêm tuy tác giả của quyển Huynh Đệ cho tác phẩm của mình có tính cách hiện thực nhưng dựa trên những dữ kiện trong truyện thì Dư Hoa ở trong hiện thực thần thoại. Diêm Liên Khoa đi đến kết luận: “Tất cả những lời giáo huấn từ ba mươi năm nay mà chúng ta rút ra từ những trường phái và kỹ thuật Tây phương chỉ chứng tỏ một điều: sự bất lực, đôi khi, trong việc chuyển đổi chúng vào môi trường địa phương là Trung Quốc. Những nhà văn của chúng ta đã bắt đầu ý thức được điều này: chẳng bao giờ một lý thuyết văn chương lại cắt đứt khỏi thời đại và nền văn hóa của nó.”(6)
______________________________________
[1] Yan Lianke, À la découverte du roman, trang 161.
[2] Sđd trang 162.
[3] Sđd trang 162.
[4] Sđd trang 163.
[5] Sđd trang 168.
[6] Sđd trang 169
*Đào Trung Đạo: Yan Lianke (Diêm Liên Khoa) Khám Phá Tiểu Thuyết (Phần 1)
https://www.diendantheky.net/2023/04/ao-trung-ao-yan-lianke-diem-lien-khoa.html#more
*Đào Trung Đạo: Yan Lianke (Diêm Liên Khoa) Khám Phá Tiểu Thuyết (Phần 2)
https://www.diendantheky.net/2023/04/ao-trung-ao-yan-lianke-diem-lien-khoa_0676241173.html
*Đào Trung Đạo: Yan Lianke (Diêm Liên Khoa) Khám Phá Tiểu Thuyết (Phần 3)
https://www.diendantheky.net/2023/04/ao-trung-ao-yan-lianke-diem-lien-khoa_0528363914.html
*Đào Trung Đạo: Yan Lianke (Diêm Liên Khoa) Khám Phá Tiểu Thuyết (Phần 4)
https://www.diendantheky.net/2023/04/ao-trung-ao-yan-lianke-diem-lien-khoa_0806170802.html
*Đào Trung Đạo: Yan Lianke (Diêm Liên Khoa) Khám Phá Tiểu Thuyết (Phần 5)
https://www.diendantheky.net/2023/04/ao-trung-ao-yan-lianke-diem-lien-khoa_0318299695.html