Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2023

Amy Knight: Hết khôn dồn đến dại: Putin và cuộc xâm lăng Ukraine 24/2/2022, The New York Review of Books, Thích Nhất Phương phỏng dịch


Bài điểm sách “Invasion: the inside story of the bloody Soviet war and Ukraine's struggle for survival” (Xâm lăng: câu chuyện nội bộ trong chiến cuộc đẫm máu của Nga sô và sự tranh đấu sống còn của Ukraine, Tác giả Luke Harding), của Amy Knight, The New York Review of Books, 6 tháng Tư, 2023.  

 Luke Harding, người từng ở Moscow trong vài năm, vốn là phóng viên  của tờ The Guardian trước khi bị trục xuất năm 2011. Ông có mặt tại thủ đô Kyiv trước khi Nga sô xâm lăng Ukraine đêm 24 tháng Hai, 2022. Tối đó, ông ăn cơm tại nhà văn sĩ nổi tiếng Andrew Kurlow của Ukraine. Trong khi chủ khách thưởng thức món súp đặc biệt và nhâm nhi vodka ngọt, Harding nhớ lại trong cuốn Invasion (Cuộc xâm lược) của mình là Kurkov đã chuyền tay cho mọi người xem tập hồ sơ của cơ quan Cheka, hồ sơ an ninh mật của Bolshevik, khi Kurkov dùng làm tài liệu cho cuốn tiểu thuyết mới nhất. Tài liệu gồm nhiều hồ sơ phỏng vấn, từ năm 1917 tói 1921 khi Hồng Quân xâm lăng Ukraine, mới được độc lập, lại bị sát nhập ngay vào Liên Bang Sô Viết vừa do Lenin tạo ra. Harding mô tả Kurkov là một người “lạc quan’’ nhưng lại nói rằng ông cảm thấy hoàn cảnh “ngày càng u ám”: ”Phải chăng lịch sử tái diễn 100 năm sau, với Moscow lại một lần nữa bóp ngẹt nền độc lập của Ukraine bằng một cuộc xâm lăng khác?” 

Harding có đủ lý do để bi quan. Nga sô đã tập trung 190,000 ngàn quân dọc theo biên giới của Ukraine, và tòa Bạch Ốc cũng đã cảnh báo cả tuần lễ trước đó về một cuộc xâm lăng sắp xảy ra của Nga sô. Hai ngày trước cuộc chiến, 21 tháng Hai, Vladimir Putin triệu tập một cuộc họp trên truyền hình của hội đồng an ninh để yêu cầu các thành viên ủng hộ – vài thành viên ngần ngại thấy rõ – quyết định của ông ta nhìn nhận sự độc lập của hai vùng Donetsk và Luhansk của Ukraine (Donbas), dọn đường cho việc chuyển quân Nga sô vào.

Trên đường trở về khách sạn, Harding nhận được một cú điện thoại xác nhận nỗi sợ hãi của anh từ một người liên lạc từng phục vụ trong Bộ Ngoại giao Ukraine. Nga sẽ bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine vào đầu giờ sáng. Lúc 4:30 sáng, Harding thức dậy với âm thanh của tiếng nổ và báo động khắp Kyiv. Cuộc tấn công dữ dội của Nga đã bắt đầu. “Cuộc xâm lược của Nga sẽ trở thành cuộc xung đột vũ trang lớn nhất trên lãnh thổ châu Âu kể từ năm 1945,” Harding viết, “một nỗ lực của một quốc gia nhằm nuốt chửng một quốc gia khác.”

Kẻ khởi xướng ra cuộc xung đột này là Putin, Putin đã lộ rõ ý đồ về Ukraine trong một bài xã luận dài 7000 chữ,  tựa đề “Về sự thống nhất trong lịch sử của người Nga và người Ukraine,” vào tháng 7 năm 2021. Tôi tin tưởng rằng chủ quyền thực sự của Ukraine là chỉ có thể khi hợp tác với Nga,” Putin đã viết như vậy, “Cùng nhau chúng ta đã như vậy và sẽ vững mạnh hơn, thành công hơn trong tương lai. Vì chúng ta là một dân tộc.” Ông cũng mô tả “một kế hoạch bài Nga” do phương Tây tài trợ tại Ukraine, và đưa ra quan điểm: “Chúng ta sẽ không bao giờ để cho các lãnh thổ lịch sử của chúng ta và dân chúng lân cận đang sinh sống tại đó được sử dụng để chống lại Nga sô.”

Khi Putin tuyên bố trên truyền hình vào ngày 24/2 là quân Nga sô đang thực hiện “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm “phi quân sự hóa và phi phát xít hóa” Ukraine, ý đồ rõ ràng là lật đổ chính phủ ở Kyiv, chiếm cứ toàn bộ lãnh thổ. Dĩ nhiên kẻ thù chính là Tây Phương với sự bại lụi về tinh thần, mà theo nhận xét của Putin, đã đáp trả  bằng nhũng” lời nói cay cú” và “dọa dẫm” trong những nỗ lực của Nga sô mong đạt thỏa hiệp về những vấn đề liên hệ đến an ninh. Như Harding ghi nhận, Putin từ lâu đã rất bực bội về việc NATO xâm lấn vào láng giềng của Nga – đáng chú ý nhất là việc đưa những quốc gia vùng Baltic, cùng những quốc gia vốn thuộc khối Sô viết cũ vào NATO – và hiện giờ Putin “không mong gì hơn là có một trật tự mới trên thế giới.”

Theo bản báo cáo của Viện Dịch Vụ Liên Hợp Hoàng Gia (UK’s Royal United Services Institute) {RUSI} của Vương quốc Anh, kế hoạch xâm lăng của Putin được dự thảo hết sức bí mật. Cuộc họp là một nhóm nhỏ, gồm bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu; tổng tư lệnh quân đội Valery Gerasimow; và một số quan chức của Cơ quan An Ninh Liên bang (Federal Security Services) {FSB}  và văn phòng tổng thống. Tác vụ chiến lược được đề ra như sau: tiêu diệt không lực, hải lực và lực lượng phòng không của Ukraine; đánh bại bộ binh bằng cách kiềm chế họ tại vùng Donbas (nơi quân họ tập trung); loại bỏ cấp lãnh đạo quân đội và chính trị Ukraine; chiếm đóng các trung tâm quyền lực chính trị và kinh tế của Ukraine.

Báo cáo RUSI ghi nhận là FSB đã có chỉ thị đặc biệt vào tháng Bẩy 2021 dự trù cho cuộc xâm lăng. Bản tham khảo đã vẽ nên một bức tranh về việc thờ ơ của dân chúng Ukraine đối với chính trị, có lẽ họ không kháng cự nhiều về việc Nga sô xâm lược chiếm đóng. Trong khi đó giới lãnh đạo quân đội Sô Viết, đặc biệt là tướng Gerassimow đã trấn an những nhà làm kế hoạch là sau hơn một thập kỷ hiện đại hóa, quân lực Sô viết chắc chắn sẽ đánh bại quân dân Ukraine nơi chiến trường. 

Gera simow thậm chí đã nói với những người đồng cấp của mình trong cơ quan quốc phòng Anh rằng quân lực Nga sô đã đạt mức tương xứng với những lực lượng của quân đội Hoa kỳ.

Cuộc tấn công chớp nhoáng của Putin trong trận địa Ukraine đã đưa đến một chuỗi thất bại quân sự cho Nga sô. Quân Nga đã không thành công trong những nỗ lực chiếm đoạt Kyiv, và hồi đầu tháng Tư đã giảm bớt hoạt động quanh vùng Kyiv sau khi quân Ukraine tái chiếm Bucha, Irpin và Hostomel.

Sau đó Nga “tái xác nhận” mục tiêu chiến tranh, tập trung củng cố kiểm soát vùng Luhansk và Donetsk. Vào giữa tháng Tư, quân Nga thiệt hại nặng nề khi quân đội Ukraine đánh chìm soái hạm Moskva, hạm đội Biển Đen. Vào tháng Năm, quân Nga cuối cùng cũng kiểm soát được vùng Mariupol, đô thị có tính cách chiến lược vùng tây nam, đô thị này bị bao vây kể từ tháng Hai. Cũng trong tháng này, Moscow rút bớt quân quanh thành phố lớn thứ nhì, Kharkiv, thành phố đã bị chiếm khi chiến cuộc bắt đầu, và đến tháng Chín, hầu như cả khu vực đã lại về tay U kraine. Cuộc triệt thoái nhục nhã khỏi đô thị Kherson mà quân Nga chiếm được hồi tháng Ba xẩy ra vào tháng mười Một.

Putin tuyên bố lệnh tổng động viên thêm 300,000 quân vào tháng Chín, cũng như việc lệ thuộc vào lực lượng lính đánh mướn khét tiếng tàn bạo Wagner Group của Yevgeny Prigozin – đa phần là tội phạm – và những tiểu đoàn Ramzan Kadyrov của tổng thống Chechen, là những điều chứng tỏ sự thất bại hiển nhiên của “chiến dịch quân sự đặc biệt”. Lý do cho sự thất bại rất nhiều. Theo báo cáo của RUSI thì:

Nhân viên quân đội Nga sô – ngay cả những phụ tá trưởng ngành trong nội vi của Ban Tham Mưu – không được biết ý định đổ quân và chiếm đóng Ukraine cho đến vài ngày trước cuộc xâm lăng, những đơn vị chiến thuật chỉ nhận được lệnh trước vài giờ khi họ vào Ukraine....Một nhóm nhỏ nhân viên liên hệ (hoạch định) đã tạo ra những giả thiết sai lầm  có vẻ chưa từng bao giờ bị thử thách.

Giữa những giả thiết này là có đủ binh lính Nga sô để đạt được trong cuộc tấn công muôn chiều, đầy tham vọng, và những binh sĩ này, vốn được huấn luyện quân sự trong chiến dịch phòng thủ, nay được đem ra thi  hành trách vụ tấn công đại qui mô. Vì kế hoạch dở và thiếu sót trong phần huấn luyện bộ binh lành nghề, năng động nên quân Nga bị tổn thất nặng nề về chiến cụ. Họ cũng gặp khó khăn tiếp vận, bao gồm tắc nghẽn về chuyên chở nhiên liệu, vũ khí cho binh sĩ tiền tuyến; rồi đến sự nghèo nàn về truyền tin, nên họ gặp nhiều vấn đề phối hợp khi tấn công. Khi lính Nga phải sứ dụng đến điện thoại di động dân sự, đơn vị của họ trở thành con mồi cho pháo binh Ukraine nhắm tới.

Một vấn đề khác là quân Nga dễ bị đánh lừa trên trận địa vì thiếu sót trong mô thức chỉ huy- truyền tin: tín hiệu sai lầm của quân Ukraine đưa ra dẫn tới việc tổn thất đạn dược và tổn thất phi cơ của Nga.  Ukraine, nhờ phòng thủ mạnh mẽ trên không phận – được tăng cường với trợ giúp của Tây Âu – nên Nga sô, nhập cuộc với những phi công không được huấn luyện đầy đủ, đã không làm chủ được không phận Ukraine.

Như Harding đã chỉ ra, việc điện Cẩm Linh đã đánh giá quá thấp khả năng lãnh đạo của Volodymyr Zelensky cũng là một lỗi lầm nghiêm trọng. Thực ra, đó cũng là điều ngạc nhiên cho mọi người khi thấy Zelensky, một danh hài 44 tuổi, với sự hỗ trợ 25% của quần chúng, đã nổi bật lên là một tổng thống mạnh mẽ của thời chiến mà sự can trường và khả năng truyền thông đã gây hứng khởi cho dân chúng xả thân chống lại quân Nga xâm lăng. Zelensky cũng dùng kỹ năng hùng biện để chiếm cảm tình của những quốc gia thuộc NATO, đưa ra những bài phát biểu xuất sắc, sôi nổi (từ xa) trước vô số hội đồng dân chủ, bao gồm cả Hạ viện Anh và Quốc hội Hoa Kỳ, nơi một số thành viên đã xúc động rơi nước mắt.

Vào tháng Tư chính quyền Biden đã chi ra 33 tỷ cho việc bảo vệ Ukraine. Các quốc gia khác thuộc khối NATO cũng góp phần lớn lao về trợ giúp và vũ khí, đồng thời họ cũng tiếp tay với Hoa kỳ xiết chặt cấm vận kinh tế Nga sô, bao gồm các doanh nghiệp Nga, các thành viên của chính phủ và giới kinh doanh cao cấp. Tiếp theo việc làm cho NATO năng động hơn, cuộc xâm lăng quân sự của Nga đã châm ngòi cho các láng giềng Bắc Âu là Thụy Điển và Phần Lan tuyên bố kế hoạch tham gia liên minh.

Harding viết như sau:

Lỗi lầm hệ trọng nhất của Putin mùa xuân năm 2022 là đã đọc sai thái độ không khoan nhượng của người dân Ukraine… Thật là một sự thất bại đáng kể đối với một kẻ tự coi mình là chuyên viên tình báo thượng đẳng.

Thực vậy, đáng lý ra Putin phải biết rõ hơn là chấp nhận sự tiên đoán của FSB: dân Ukraine sẽ mở rộng vòng tay tiếp đón quân Nga. Ông đã theo dõi kỹ lưỡng tình hình chính trị trong nhiều năm qua do mối quan tâm về những nguy hiểm của nền dân chủ sẽ lan tràn sang nước ông. Sức mạnh của những lực lượng dân chủ Ukraine phần lớn chống lại ảnh hưởng của Mốt cu, đang lan tràn khắp nơi trong cuộc Cách Mạng Da Cam 2004, do cuộc bầu cử gian lận gây ra. Khi dân chúng Ukraine xuống đường 2014 trong cuộc phản đối Maidan, chống lại chính phủ của Viktor Yanukovych, đồng minh của Mốt cu, thì tình thế chống Nga sô đã hiển nhiên. 

 Putin cũng phải biết là những tướng lãnh của ông đã thuổng tiền quỹ quân đội để lầm giàu. Kể từ khi được bổ nhiệm làm bộ trưởng quốc phòng năm 2012, Sergei Shoigu đã chủ trì một chương trình hiện đại hóa toàn thể quân đội, tốn kém Điẹn Cẩm Linh hằng tỉ đô la, nhưng  – trong chiến dịch đánh Ukraine  – đã không đem lại kết quả. Đồng thời, theo toán điều tra của Alexei Navalny thì Shoigu thường đi theo Putin trong những buổi đi câu hay săn bắn. Shoigu cũng thủ đắc một biệt thự tráng lệ ở ngoại ô Mốt cu, trị giá 18 triệu đô la. Shoigu có lần mời một toán tướng lãnh tới vùng Seychelles cho chuyến đi câu tốn kém với chi phí của người nộp thuế Nga. Những nhà nghiên cứu thuộc nhóm Navalny đã khám phá Tướng Sergei Surovikin, mới bị giáng chức tư lệnh quân lực Nga tại Ukraine, vốn là người thụ hưởng các giao dịch tài chính béo bở liên quan tới thương gia Gennady Timchenko, bạn thiết của Putin. Công ty Timchenko đang khai thác mỏ phốt phát ở Syria, lúc Surovikin đảm trách chiến dịch tàn bạo ở đó (thiên hạ gán cho biệt danh “Tướng  Armageldon”)...

 Viết trên Foreign Affairs sau khi Nga triệt thoái khỏi Kherson vào tháng 11, Tatiana Stanovaya, học giả Viện Carnergie Endowment cho Hòa Bình Quốc Tế, đã mô tả sự chia rẽ chính trị thượng tầng ở Mốt cu. Những người được gọi là theo chủ nghĩa hiện thực ngày càng cật vấn cuộc xâm lăng vì họ nghĩ Nga sô không đủ nguồn lực để thắng cuộc. Một số lại nghĩ là liệu Putin có thích nghi tiếp tục lãnh đạo Điện Cẩm Linh. Mặt khác, phe diều hâu theo chủ nghĩa quốc gia cực đoan đang thôi thúc cho cuộc chiến thắng toàn diện, kêu gọi lệnh tổng động viên với người Nga đủ điều kiện và có thể triển khai vũ khí nguyên tử, trong một cuộc chiến mà kết quả hết sức cay đắng.

Nhưng Stanovaya cũng cho biết, tiếng nói của phe diều hâu cực đoan thường có trọng lượng trước công luận và ngay cả những người theo hiện thực cũng không được chuẩn bị để ủng hộ nền hòa bình kèm theo sự mất mát đất đai mà Nga sô đã chiếm được kể từ khi cuộc xâm lăng bắt đầu. Một sự thất bại nhục nhã của Nga sẽ đe dọa tương lai chính trị của họ –vì Putin đã lôi kéo họ, dù họ ngờ vực, vào nỗ lực chiến tranh – và một số thành viên trong nhóm chủ trì cũng có thể bị cáo buộc tội phạm chiến tranh. Bà kết luận, “Thành phần ưu tú của nước này không dám chống lại Tổng Thống Vladimir Putin. Đối với mọi thất bại,  lãnh tụ Nga sô vẫn còn là lá bài cược tốt nhất để duy trì một chế độ giúp họ được an toàn.” 

 Có lẽ bà Stanovaya nói đúng. Nhưng điều này không gạt bỏ những bất mãn từ cấp dưới trong guồng máy chính quyền, kể cả trong quân đội nơi sĩ quan bị ép vào cuộc xung đột mà họ không được trang bị đầy đủ. Cũng có thể là Nga sẽ mất thêm đất ở Ukraine hay thất bại không đạt được chiến thắng tối hậu trong vài tháng nữa, Putin và ban tham mưu sẽ phải trực diện với sự bẩt mãn nghiêm trọng của công chúng. Medusa , trang web tin tức độc lập của Nga, tường thuật cuối tháng 11 kết quả ý kiến công luận được sử dụng nội bộ  của cơ quan Russia Federal Service đã đưa ra tỷ lệ  55% dân Nga ủng hộ đàm phán với Ukraine, chỉ có 25% ủng hộ tiếp tục cuộc chiến. Trở lại hồi tháng 7, tỷ số hoàn toàn đảo ngược : chỉ có 32% muốn thương thuyết, còn 52% ủng hộ cuộc xung đột.

 Những cuộc thăm dò tương tự thực hiện vào cuối tháng Hai bởi Trung Tâm Levada, một cơ quan thăm dò độc lập của Nga, đưa ra tỷ số những người ủng hộ thương thuyết hòa bình hơi thấp hơn hồi tháng Mười, ở mức độ 50%. Theo giám đốc trung tâm, Denis Volkov, sắc lệnh động viên hồi tháng Chín của Putin đã thay đổi thái độ công chúng. Đây có lẽ là lý do tại sao Putin trong bài phát biểu trước Quốc hội Liên bang Nga ngày 21/2 lại không đề cập tới lệnh động viên thêm quân để gửi sang Ukraine.

 Chiến cuộc tại Ukraine cần chấm dứt. Không ai còn ngờ vực điều đó, vài chuyên gia chính sách đối ngoại đã thúc dục chính phủ Biden thúc đẩy cho cuộc thương thuyết hòa bình. Họ nhìn nhận rằng công lý cho Ukraine là Nga phải triệt thoái toàn bộ, xét đến sự tàn phá mà nước này đã gây ra, nhưng họ nói, có rất ít đảm bảo rằng một cuộc xung đột tiếp diễn sẽ đạt được mục đích đó, và nếu cuộc chiến tiếp tục Nga có thể chiếm thêm đất đai hoặc xử dụng vũ khí nguyên tử. Bởi vậy tốt hơn hết là chấm dứt sự tàn phá,  đổ máu và hủy diệt bằng cách áp lực Ukraine phải bỏ những đòi hỏi quân Nga phải triệt thoái toàn bộ và ngồi vào bàn đàm phán. Sự trừng phạt Nga sô đang gánh chịu vì cuộc xâm lăng – gần 200,000 ngàn thương vong, cạn kiệt về vũ khí quân dụng, xuống dốc kinh tế, và những cấm vận thắt cổ cùa Tây phương – sẽ là bài học đủ cho điện Cẩm Linh hiểu nếu cuộc xâm lăng quân sự tiến xa hơn nữa chống lại Ukraine hay những quốc gia khác ở biên thùy phía tây sẽ là hành vi điên khùng.

Biden và đa số những đồng cấp lãnh đạo NATO tin với lý do chính đáng, nếu để cho Mốt cu thoát ra trong cuộc xung đột với bất cứ chiến lợi quân sự nào sẽ làm Putin thêm can đảm đe dọa những quốc gia láng giềng phía tây bằng những cuộc xâm nhập vũ trang tiếp theo. Còn Zelensky thì khăng khăng cuộc thương thảo hòa bình phải bắt buộc Nga sô từ bỏ không những khu vực Nga đã chiếm cứ từ tháng Hai 2022 mà tất cả khu vực do Nga hoặc đại diện chiếm đoạt từ 2014, bao gồm cả những phần thuộc Donbas và Crimea.

Còn về phía Putin, ông ta tuyên bố vào tháng Chín là bốn vùng của Ukraine mà Nga “sáp nhập” và binh sĩ Nga phần nào đồn trú (Donetsk, Luhansk, Kherson, và Zaporizhzhia) sẽ thuộc Nga vĩnh viễn và ông đòi Ukraine phải nhìn nhận chủ quyền lãnh thổ của Nga tại Crimea là một phần của bất cứ thỏa ước hòa bình nào. Mốt cu cũng muốn bảo đảm ràng buộc về pháp lý là Ukraine không được gia nhập NATO mà chắc chắn Kyiv sẽ chẳng bao giờ ưng thuận.

Lại một lần nữa, dường như Putin vẫn đánh giá thấp địch thủ. Đầu tháng 12, để trả đũa những cuộc tấn công liên miêm bằng hỏa tiễn của Nga vào hạ tầng cơ sở, Ukraine sử dụng phi cơ không người lái đánh thẳng vào hai căn cứ không quân sâu trong nội địa Nga. Lần đầu tiên trong cuộc xung đột, lãnh thổ Nga bị tấn công. Trong thời gian đó, vào ngày 6 tháng 12 Igor Girkin, một cựu chỉ huy quân đội Nga và một người chỉ trích gay gắt lớp lãnh đạo  Mốt cu trong cuộc chiến, đã viết trên Telegram, sau khi thăm viếng binh sĩ Nga ở Donbas là họ “đang chiến đấu tại chỗ”, không chút ý niệm gì về mục tiêu chiến lược của Nga sô. Binh sĩ của Ukraine, Girkin thêm vào, rất khích động sau chiến thắng mùa thu, “sẽ đánh nhau hăng hái hơn và dũng cảm hơn.”

 Khi Ukraine sử dụng dàn hỏa tiễn (HIMARS) do Mỹ cung cấp  để tấn công một đơn vị đồn trú quân sự trong thị trấn do Nga chiếm đóng ở vùng Makiivka ngày đầu Năm Mới. Bản tường thuật cho hay cả trăm binh sĩ thiệt mạng. Gerkin và các bloggers thân Nga đã nặng lời chỉ trích những vị chỉ huy quân sự đã cho chứa đạn dược cùng một nơi binh sĩ đồn trú. Prigozhin nóng lòng chứng tỏ mình có giá trị với Putin bằng cách tuyên bố là nhóm Wagner Group đã chiếm thành phố Soledad, trội hơn binh sĩ Nga sô.

Tướng hai sao hồi hưu Ben Hodges, cựu chỉ huy quân đội Hoa Kỳ ở Âu Châu từ năm 2014, 2017, đã phải thốt lên thành lời hồi tháng Giêng ,” Rồi, ai là chỉ huy đây?”  Tướng Hodges ghi nhận Prigozhin không nhận lệnh của các tướng Nga sô. “Họ không có một kế hoạch chặt chẽ. Thực là may mắn họ vẫn chưa học hỏi và sửa chữa những thiếu sót cơ bản hồi tháng Hai, tháng Ba.”

 Cho đến bây giờ những lời chỉ trích vẫn chưa nhắm thẳng vào Putin. Khi Putin đọc bài diễn văn vào đêm giao thừa hàng năm, với một nhóm binh sĩ Nga đứng sau ông ta – một thông điệp rõ ràng là quốc gia lâm chiến, chứ không phải là một chiến dịch quân sự, và rằng ông ta đang chỉ huy. Trong khi nhà lãnh đạo khuyến khích quần chúng yểm trợ binh sĩ, ông ta ngày càng bị đổ lỗi cho những thương vong. Putin có thể phải trực diện với sự phẫn nộ của công chúng . 

Đầu tháng Giêng, nhà dân chủ đối lập Nga Vladimir Milor, cựu thứ trưởng bộ năng lượng của Putin nhận xét: “Chúng ta chỉ còn vài bước nữa là Putin bị cả nước nêu tên là người chịu trách nhiệm cho những gì đang diễn ra.”

 Vào Đêm Giao Thừa 23 năm trước, Nga sô cũng lâm chiến, ở Chechnya. Putin đã đọc bài diễn văn đầu tiên với  tư cách quyền tổng thống, rồi đáp máy bay hôm sau, 1 tháng Giêng, 2000, thăm binh sĩ Nga tại Chechnya. Tháp tùng là người đứng đầu cơ quan an ninh Nga sô, FSB, lúc đó là Nikolai Patrushev. Nikolai vẫn còn là một trong những cố vấn thân cận nhất của Putin. Không có gì thay đổi nhiều. Chiến lược quân sự ở Chechnya tương tự như chiến lược tại Ukraine: phá hủy những khu vực đô thị, khủng bố quần chúng. Hồi đó thì Nga thành công; vào tháng Năm lực lượng Sô viết đã kiểm soát được nước cộng hòa ly khai, mặc dù cuộc nổi dậy của người Chechnya vẫn tiếp tục trong nhiều năm.

Tuy nhiên,  ở Ukraine, Nga sô phải đương đầu với thử thách lớn lao gấp bội – một địch thủ được trang bị với vũ khí thượng đẳng từ Phương Tây (một gói viện trợ quân sự 2 tỷ Mỹ kim khác của Hoa Kỳ đã công bố hồi tháng Hai, rồi chính phủ các quốc gia tây phương tăng cường trợ giúp.) và một quần chúng kiên trì không nao núng. Harding nhận xét về Ukraine, ”đây là một trong số những nơi sống sót của lịch sử: quốc gia này trải qua hai Thế Chiến, Nạn đói Stalin, Đại khủng bố, và vụ nổ lò nguyên tử Chernobyl.” Điều chắc chắn là cỗ máy chiến tranh của Nga có thừa khả năng tiếp tục giao tranh quân sự với U kraine. Câu hỏi chủ chốt là Putin sẽ sống sót được bao lâu khi lãnh tụ Điện Cẩm Linh không đem lại được thắng lợi nào.

Thiên Nhất Phương phỏng dịch

Nguồn: Putin’s Folly, Amy Knight, The New York Review