Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2023

Tâm Tịnh An: Du lịch miền Đông Bắc Việt Nam

Hoàng Su Phì, Hà Giang. Ảnh Quang Nguyen Vinh, Pixabay

Du lịch miền Đông Bắc Việt Nam là một ước mơ từ lâu của tôi, nhất là từ khi có tin Trung Quốc đã chiếm một phần thác Bản Giốc. Tôi muốn xem tận nơi để coi họ chiếm như thế nào. Lại thêm có người nói, “Chưa đi Mã Pí Lèng là chưa biết đi đường đèo.” Tôi nghĩ mình đã đến tuổi “cổ lai hy”, nếu không đi bây giờ thì có thể không còn cơ hội nữa. Thế là tôi huy động anh chị em và bạn bè tuổi cũng xấp xỉ “cổ lai hy” như tôi để làm một chuyến Bắc du. Lúc đăng ký tour, cô nhân viên hãng du lịch nhẹ nhàng nói, “Thưa cô, tour này là tour trải nghiệm, không phải tour nghỉ dưỡng. Nhóm của cô toàn là người lớn tuổi nên công ty đề nghị cô chọn các tour khác nhẹ nhàng hơn đi ạ.” Tôi bèn đem ba tấc lưỡi ra để thuyết phục, rằng thì là các cô các chú tuy có tuổi nhưng sức khỏe rất tốt, rằng thì là các cô các chú đã từng trèo lên đỉnh Fansipan, đã từng bò lên tới Chùa Đồng Yên Tử, mới mấy năm trước đây thôi mà! Cô nhân viên thấy tôi hăng quá chắc cũng động lòng nên đành nói, “ Thôi được, vậy cô làm ơn ký tên vào tờ bảo lãnh sức khỏe cho cả nhóm, cam đoan chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu có sự cố gì xảy ra nhé.” Ừ, ký thì ký, sợ gì! Thế là được đi.
Chuyến bay của Vietnam Airlines đưa chúng tôi đến phi trường Nội Bài lúc 9 giờ sáng. Máy bay đẹp, sạch, tiếp viên lịch sự nhã nhặn, khác hẳn với nhiều năm trước. Đây quả là điều đáng mừng. Duy có vài hành khách trẻ bất chấp lời kêu gọi không sử dụng điện thoại khi máy bay đang cất cánh và hạ cánh khiến tôi cũng hồi hộp, không biết việc này tai hại đến mức nào.

Đến phi trường thì đã có hướng dẫn viên du lịch chờ sẵn để đưa chúng tôi ra xe đi Hà Giang. Hà Giang cách Hà nội gần 300km nên hành trình này mất hết cả ngày. Buổi trưa chúng tôi dừng chân ở Tuyên Quang để ăn trưa. Tuyên Quang có câu “Trà Thái gái Tuyên”, ám chỉ gái Tuyên Quang đẹp cũng như trà Thái Nguyên ngon. Có lẽ do ngày trước vua quan nhà Mạc theo lời khuyên của Nguyễn Bỉnh Khiêm rút về Tuyên Quang mang theo nhiều cung tần mỹ nữ nên hậu duệ của họ về sau này có nhiều người đẹp.

Đài tưởng niệm Vị Xuyên

Trên đường đi chúng tôi ghé thăm đài tưởng niệm Vị Xuyên, nơi chôn cất khoảng 2000 chiến sĩ trận vong trong chiến tranh Việt Trung kéo dài từ 1979 đến 1989. Có hơn 4000 chiến sĩ Việt Nam đã hi sinh để bảo vệ tổ quốc nhưng chỉ có khoảng dưới 2000 tử thi được nhận diện. Hà Giang và các tỉnh biên giới chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh. Ngoài hỏa pháo, quân đội Trung Quốc còn tràn sang đốt phá, cướp bóc rất dã man. Và dù đã hy sinh xương máu, ta cũng đã mất cho Trung Quốc 5km đất tại vùng núi Lão Sơn. Đến Hà Giang chúng tôi ghé thăm cột mốc số 0 tại thành phố Hà Giang. Từ cột mốc đến Hà nội là 320km. Buổi chiều chúng tôi nhận phòng tại khách sạn Yên Biên, nghỉ chút xíu rồi đi ăn tối. Thành phố Hà Giang khá sầm uất, buổi tối lên đèn rực rỡ. Hà Giang có lẽ ít người theo Công giáo nên không có trang trí cho lễ Giáng Sinh mặc dù đêm nay là 23 tháng 12. Sau đó đi uống cà phê ở Coffee Núi Cấm nằm trên ngọn đồi nhìn xuống thành phố về đêm rất đẹp.

Đặc biệt ban đêm ở Hà Giang có món cháo ấu tẩu, còn gọi là “cháo độc”, tất nhiên là có lý do. Ấu tẩu (còn có tên là ô đầu) là một loại củ độc nhưng đồng thời cũng là một vị thuốc ( giống như nhiều loại dược thảo khác vậy). Ấu tẩu có tính nóng, vị cay tê, được người Mông dùng để xoa bóp trị đau nhức hoặc cảm gió. Để chế biến thành món ăn, người Hà Giang phải ngâm củ ấu tẩu trong nước gạo qua đêm rồi mới nấu khoảng 5-6 tiếng cho nhừ. Phải làm như thế để loại bỏ hết chất độc. Sau đó củ ấu tẩu được cho vào nước xương hầm để nấu chung với nếp và gạo tẻ, lửa nhỏ, cho đến khi thành món cháo sệt và nhừ. Khi ăn, cháo được múc ra rồi kết hợp với thịt bằm, hành lá, muối tiêu, tía tô và trứng gà sống, quậy vào lúc cháo còn nóng. Cháo có vị hơi đắng của ấu tẩu nhưng sau đó sẽ thấy ngòn ngọt. Nếu ăn vào mà thấy lưỡi tê cứng nghĩa là cháo chưa hết chất độc. Cách giải độc đơn giản nhất là đấm bóp giác hơi để loại bỏ chất độc. Cháo ấu tẩu chỉ ăn vào buổi tối vì có tính an thần nhẹ và làm buồn ngủ, ăn ban ngày sẽ bị ngủ gật.

Một đặc sản nữa của Hà Giang là trà shan tuyết. Đây là loại trà đặc sản của người Tày, người Dao và người Mông. Cây trà shan tuyết thuộc loại đại thụ mọc ở độ cao hơn 1200m, quanh năm mây mù và lạnh. Búp trà shan tuyết rất to, dưới cánh trà phủ một lớp lông tơ mịn màu trắng. Vì là cây to ở trên núi cao nên trà shan tuyết được coi là “trà sạch” (không bị phân bón và thuốc trừ sâu). Trà này có ở Hà Giang, Điện Biên và Lào Cai.


Hà Giang, Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn

Sáng hôm sau, sau khi ăn sáng ở khách sạn, chúng tôi bắt đầu hành trình trên Con Đường Hạnh Phúc. Đây là tên gọi của tuyến đường thuộc quốc lộ 4C, bắt đầu từ khoảng cột mốc số 0 thành phố Hà Giang, đi qua bốn huyện Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn và Mèo Vạc. Con đường dài khoảng 200km được khởi công xây dựng từ ngày 10 tháng 9 năm 1959 và mất 6 năm mới hoàn thành với sự đóng góp của hơn 1000 dân công thuộc 16 dân tộc thiểu số Mèo, Tày, Dao, Lô Lô...và hơn 1500 thanh niên xung phong với những công cụ hết sức thô sơ. Không ít người đã bỏ mạng khi xây dựng con đường này. Đoạn cuối con đường này dài khoảng 20km chính là đèo Mã Pí Lèng. Được gọi là Con Đường Hạnh Phúc vì đây là con đường đầu tiên mang ánh sáng văn minh đến cho người dân miền núi. Con đường được hoàn thành vào ngày 15 tháng 6 năm 1965. Lúc đầu đường chỉ rộng đủ cho người đi bộ và ngựa thồ, về sau mới dần dần mở rộng thêm và hiện nay thì rất tốt mặc dù vẫn là con đường đèo hiểm trở (và đẹp) nhất Việt Nam.


Cao nguyên đá Đồng Văn

Cao nguyên đá Đồng Văn có diện tích gần 2500km2, nằm trên địa phận của cả bốn huyện Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ và Mèo Vạc, nhưng diện tích phần lớn nằm tại khu vực huyện Đồng Văn. Nơi đây lưu giữ nhiều mẫu hoá thạch có niên đại từ 400-600 triệu năm. Từ năm 2010, cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Ở độ cao trung bình hơn 1000m so với mực nước biển, đây là một vùng đồi núi chập chùng bao la nhấp nhô tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Có nơi được cây xanh che phủ, có nơi lại lởm chởm những khối đá tai mèo nhọn hoắt. Ấy vậy mà người dân nơi đây vẫn tạo ra được những mảnh đất canh tác, từ những thửa ruộng bậc thang như tranh vẽ, đến những cánh đồng cải hoa vàng, hoa tam giác mạch tím hồng trên sườn đồi. Cạnh những ngôi nhà nhỏ có lác đác những cây mận, cây đào mà mùa Xuân sẽ kết đầy hoa màu hồng, màu trắng. Người dân ở đây cũng dùng các phiến đá tai mèo xếp chồng lên nhau để làm tường rào bao bọc quanh nhà mà không cần dùng đến xi măng, khiến tôi liên tưởng đến những bức tường của người Inca ở Peru.

Núi Đôi Quản Bạ

Núi Cô Tiên

Điểm dừng chân đầu tiên là Núi Đôi Quản bạ, còn gọi là Núi Cô Tiên. Tương truyền ngày xửa ngày xưa có một chàng trai người Mông vừa đẹp trai lại vừa có tài thổi đàn môi. Tiếng đàn môi của chàng đã réo rắc bay lên đến thượng giới và làm say lòng một nàng tiên, khiến nàng quyết từ bỏ cảnh tiên để xuống trần gian kết duyên cùng chàng. Họ sanh được một đứa con trai. Chẳng may Ngọc Hoàng biết được và bắt buộc nàng phải trở về thượng giới. Nàng thương con mình còn nhỏ chưa dứt sữa, sợ con đói nên nàng quyết định bỏ lại hai bầu vú cho con. Người Mông tin rằng nhờ có hai bầu vú của nàng tiên để lại mà mưa thuận gió hòa, đất đai trù phú để nuôi sống dân miền này. Quả thật Núi Đôi no tròn và đều đặn y như cặp vú của tiên nữ.

Làng Văn Hóa Lũng Cẩm

Dốc Thẩm Mã

Sau khi ăn trưa ở Quản Bạ, chúng tôi tiếp tục Con đường hạnh phúc, đi lên dốc Thẩm Mã để đến thăm Làng Văn Hóa Lũng Cẩm. Dốc Thẩm Mã là một đoạn đường đèo uốn lượn như con rắn tuyệt đẹp mà cũng cực kỳ thử thách cho những tay lái không chuyên. Dốc Thẩm Mã nghĩa đen là con dốc để thẩm định sức ngựa. Tương truyền ngày xưa người ta cho con ngựa thồ hàng lên dốc. Con nào lên được đỉnh dốc mà còn khỏe thì giữ lại nuôi, còn con nào thở không ra hơi thì có đường đi vào chảo thắng cố trong phiên chợ tới. ( Thắng cố là một món ăn đặc trưng của người Mông du nhập từ Vân Nam, nấu bằng thịt và nội tạng của ngựa.) Ngày nay ta có thể dùng dốc Thẩm Mã để thẩm định các bác tài đường đèo, và tôi nhất định phải cho bác tài của tôi năm ngôi sao!

Gần dốc và trên con đường vào làng có rất nhiều trẻ con người dân tộc mặc áo quần nhiều màu sắc mang gùi đầy hoa chờ chụp hình với du khách. Hình ảnh thật đẹp, thật dễ thương. Nhưng một khi bạn chụp hình với vài em và cho chúng tiền thì ôi thôi, mấy chục bé sẽ bu lại dẫn đến tranh giành, chen lấn, có khi đưa đến xô xát. Trước đó anh hướng dẫn viên đã khuyến cáo không nên cho các em tiền vì khi kiếm được tiền thì các em không chịu đi học, hoặc có khi cha mẹ bắt các em bỏ học để đi kiếm tiền.

Làng Văn hóa Lũng Cẩm là nơi có ngôi nhà được dùng để quay phim Chuyện Của Pao. Làng nghèo và lụp xụp. Nhà của Pao ở sát cạnh chuồng nuôi súc vật nên có mùi rất nặng. Trên vách có treo mấy tấm ảnh trong phim, tương phản với vẻ nghèo nàn của ngôi nhà. Ông chủ nhà khoảng trung tuần nhưng dáng lụm cụm đang loay hoay với cái lồng chim, không quan tâm đến khách tham quan mà có lẽ đã trở thành nhàm chán. Toàn cảnh nhà toát ra một vẻ u buồn, ảm đạm.

Dinh thự vua Mèo
Chân cột hình trái anh túc

Đây là khu dinh thự được xây từ năm 1921 của vua Mèo. Vua Mèo tên thật là Vương Chính Đức, người Mông, được coi như thủ lãnh của dân tộc Mông thời bấy giờ, giàu có nhờ trồng cây thuốc phiện. Trong dinh có kho chứa vũ khí, tiền bạc, thuốc phiện...xây rất kiên cố. Dinh thự là sự kết hợp hài hoà của ba loại kiến trúc Mông, Âu châu và Trung Quốc. Tuy nhiên vật liệu bằng gỗ cũng đã hư hại nhiều. Đặc biệt có các chân cột bằng đá khắc họa theo hình trái anh túc.

Cột cờ Lũng Cú
Cột cờ Lũng Cú

Cột cờ Lũng Cú nằm trên đỉnh núi Rồng. Cột cờ nằm cách điểm cực bắc của biên giới khoảng 3km đường chim bay. Đường lên cột cờ có 839 bậc thang nhưng có xe điện đưa lên khoảng nửa đường nên ta chỉ phải leo khoảng hơn 400 bậc. Cột cờ được xây dựng từ thời nhà Lý và đã trải qua nhiều giai đoạn trùng tu và mở rộng. Lá cờ rộng 54 mét vuông tượng trưng cho 54 sắc tộc thiểu số anh em. Đến đây, du khách không khỏi cảm thấy một niềm tự hào về công lao dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Từ chân cột cờ ta có thể nhìn ngắm toàn cảnh thành phố Hà Giang và tuỳ theo mùa có thể thưởng thức màu vàng óng của những thửa ruộng bậc thang hay sắc tím hồng của hoa Tam Giác Mạch. Buổi chiều đến Đồng Văn ăn tối và nghỉ đêm. Đặc sản của Đồng Văn là chè thắng dền. Nghe tên thì lạ nhưng chè thắng dền cũng tương tự như chè trôi nước trong miền Nam. Viên chè cũng bằng bột nếp, có nhân đậu hoặc mè, thả trong nước đường có gừng. Chè thường được ăn vào mùa đông vì có vị gừng làm cho ấm. Người Mông còn có một món ăn phổ biến là món mèn mén, làm từ bột bắp. Ở miền núi “chó ăn đá gà ăn sỏi”, chỉ có bắp là dễ trồng. Hạt bắp được phơi khô rồi nghiền bằng cối đá, sau đó sàn lại để lấy bột mịn. Khi ăn, thêm nước vào và nấu một lần, đổ ra sàn đánh cho tơi ra, để nguội rồi nấu lại lần nữa cho chín kỹ. Đầu bếp khéo phải biết canh lửa và thời gian sao cho vừa để mèn mén chín và giữ được hương vị thơm ngon của bắp.

Đồng Văn- Mèo Vạc- Cao Bằng

Đèo Mã Pí Lèng/ Sông Nho Quế
Hẻm Tu sản/ Sông Nho Quế


Hôm sau chúng tôi tiếp tục chinh phục đoạn cuối của Con Đường Hạnh Phúc, đèo Mã Pí Lèng, cũng là đoạn khó nhất và đẹp nhất. Mã Pí Lèng là một trong Tứ Đại Đỉnh Đèo của miền Bắc Việt Nam (Mã Pí Lèng, Ô Quý Hồ, Khau Phạ và Pha Đin). Đoạn đường chỉ dài khoảng 20km nhưng phải mất gần hai năm mới hoàn tất, với sự hi sinh của nhiều thanh niên xung phong trong đội cảm tử. Họ phải treo mình trên vách đá cheo leo, dùng dụng cụ thô sơ đục đẽo vào vách đá để lấy chỗ đặt thuốc nổ. Sau khi châm ngòi thì đồng đội phải kéo họ lên ngay, nếu không kịp thì có thể mất xác như chơi. Ở độ cao từ 1200m đến 1400m nhìn xuống phía dưới, dòng sông Nho Quế màu xanh lục uốn lượn như sợi chỉ giữa hai vách núi cheo leo. Hẻm núi Tu sản với độ cao 700-900m được coi như hẻm núi sâu nhất Đông Nam Á. Tương truyền ngày xưa quả núi còn nguyên vẹn, nước chảy xuống bị ứ một bên, còn bên kia thì khô cằn, trơ trụi. Một hôm thần Sông đề nghị thần Núi nằm xích qua một bên để nước chảy qua bên này nhưng thần Núi cứ nằm im re. Thần Sông bèn đi méc với Ngọc Hoàng. Ngài ra lệnh cho thần Núi xích qua một bên nhưng thần Núi giả đò điếc không nhúc nhích. Thế rồi trong một đêm mưa gió bão bùng, một tiếng sét nổ long trời lở đất . Thì ra là thần Sét đã dùng gươm chặt quả núi ra làm hai. Nước bị ứ lâu ngày tuôn chảy thành dòng, nước chảy đến đâu thì cây cỏ xanh tốt tới đó, tạo nên một vùng sông núi đẹp như bức tranh thủy mạc. Đó chính là sông Nho Quế ngày nay,

Đoàn được xuống tàu nhỏ để đi một đoạn trên sông Nho Quế giữa hẻm Tu Sản. Hai bên vách núi dựng đứng thỉnh thoảng có mấy con dê leo thoăn thoắt. Trên sườn đồi cũng có những thửa ruộng bậc thang tuy không lớn lắm, chứng tỏ rằng người dân ở đây vẫn di chuyển bằng chân để canh tác xung quanh vùng đồi núi hiểm trở này. Rất tiếc là tàu chạy bằng động cơ máy xăng nên khá ồn làm mất đi sự tĩnh lặng và vẻ đẹp thanh thoát của núi đồi sông nước.

Buổi tối ngủ ở Cao Bằng.

Thác Bản Giốc- Động Ngườm Ngao
Động Ngườm Ngao


Sáng hôm sau đi thăm Động Ngườm Ngao. Động đẹp và tương đối dễ đi. Có điều người mình ít có ý thức trong việc bảo vệ thiên nhiên nên nhiều khối thạch nhũ bị sờ mó và trở nên đen ố.

Buổi chiều chúng tôi đi thăm Thác Bản Giốc . Thác nằm trên dòng chảy của sông Quây Sơn, cũng là biên giới của Việt Nam và Trung Quốc. Thác cao khoảng 30m và rộng 300m, được coi là thác tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á và là một trong 4 thác lớn nhất thế giới nằm giữa biên giới hai quốc gia. Theo Hiệp ước Biên giới 1999 thì thác phụ và một nửa thác chính của Bản Giốc thuộc về Việt Nam, còn nửa bên kia thuộc Trung Quốc. Vì không thể làm hàng rào biên giới trên thác hay giữa sông nên hàng rào nằm bên bờ sông phía Trung Quốc, nhưng Trung Quốc có thể khai thác du lịch bên phía bờ của mình. Hiện tại (thời điểm tháng 12/2022), Trung Quốc vẫn theo chính sách Zero Covid nên các bè không hoạt động và không có du khách.

Thác Bản Giốc

Thác Bản Giốc rất dễ đến, không phải leo trèo như nhiều thác khác nên việc khai thác du lịch rất thuận tiện. Có lẽ vì thế mà Trung Quốc phải dành cho bằng được dù chỉ một nửa. Cách thác Bản Giốc khoảng 500m có Thiền Viện Trúc Lâm Bản Giốc, xây dựng hoàn tất từ năm 2014. Thiền viện tọa lạc trên đỉnh Phím Nhằm, mặt hướng về phía đồng bằng, lưng dựa vào núi. Từ đó có thể nhìn thấy toàn cảnh thác Bản Giốc từ trên cao. Du khách không muốn đi bộ có thể dùng xe ôm. Họ chở mình lên, chờ mình vãng cảnh xong rồi chở mình xuống (VND 50000).

Buổi chiều lại trở về Cao Bằng ăn tối và nghỉ đêm. Miền Bắc có các món đặc sản là gà đồi, lợn bản, ngon hơn rất nhiều so với thịt nuôi công nghiệp. Ngoài ra, họ thường dọn ra món cá lòng tong chiên giòn và món tép rang. Cá tép tươi ngon nhưng có lẽ miền núi thiếu muối nên rất nhạt nhẽo, hơi khó ăn. Chiều nay được ăn một món đặc biệt là xôi trứng kiến. Miền rừng núi vùng này có một loại kiến đen mà trứng rất béo và nhiều chất dinh dưỡng, được dùng làm bánh hoặc nấu xôi. Gạo nếp cực dẻo và thơm, nấu với trứng kiến là một món ngon hiếm có.

Cao Bằng- Pác Pó- Ba Bể

Khu di tích Pác Pó gồm có núi Các Mác, suối Lê Nin và hang Pác Pó. Phong cảnh rất đẹp. Đường vào hang phải trèo nhiều bậc tam cấp. Trong hang có trưng bày một số vật dụng của ông Hồ Chí Minh. Rời Pác Pó, chúng tôi sang khu di tích Kim Đồng. Kim Đồng tên thật là Nông văn Dèn, người dân tộc Nùng ở Cao Bằng, một liên lạc viên đã hi sinh trong chiến tranh chống Pháp lúc mới 15 tuổi. Mộ Kim Đồng khá hoành tráng. Bên cạnh là mộ của mẹ Kim Đồng, cũng là một thành viên của Hội Phụ nữ Cứu Quốc. Tôi chợt nhớ lời kể của cô em về một chuyến đi ủy lạo các bà mẹ chiến sĩ. Nhà bà mẹ này cột xiêu vách đổ, mái tranh trống nhiều chỗ, nắng rọi xuống cái bàn thờ làm bằng một tấm ván gác ngang, trên để tất cả là 7 bài vị của 7 người con đã hi sinh vì tổ quốc. Bà mẹ được ủy lạo một số tiền, không biết có đủ để lợp lại mái nhà hay không. Mới biết khi một vị anh hùng được vinh danh thì có biết bao nhiêu vị anh hùng vô danh. Rời khu di tích Kim Đồng chúng tôi lên đường đi Bắc cạn và nghỉ đêm. Khách sạn và nhà hàng nằm trên một sườn đồi tuyệt đẹp, phong cảnh thật hữu tình nhưng không có khách. Đoàn chúng tôi là nhóm khách duy nhất. Phía sau nhà hàng là một mảnh vườn con trồng hành ngò, rau thơm, xà lách...Và các món này có mặt trong bữa cơm chiều của chúng tôi. Tôi nghĩ đây là một điểm son đáng ghi nhận.


Hồ Ba Bể
Hồ Ba Bể
Ngày cuối cùng, chương trình dự định sẽ đi thuyền trên Hồ Ba Bể nhưng hôm ấy mưa suốt ngày nên phải hủy, chỉ được đến bến đò chụp một tấm hình. Dưới làn mưa bụi, hồ Ba Bể đẹp như một bức tranh thủy mạc. Sau đó đoàn thẳng đường về phi trường Nội Bài để bay về Saigon, chấm dứt chuyến du lịch. Trời mưa suốt hành trình trở về Hà Nội. Núi đồi Đông Bắc được bao phủ dưới một màn sương mỏng như du hồn người vào cõi mộng.

Chuyến du lịch Đông Bắc VN để lại trong tôi nhiều ấn tượng. Nhờ có anh tài xế thật tài tình và nhiều kinh nghiệm, đi trên Con Đường Hạnh Phúc là một trải nghiệm tuyệt vời. Nước Việt Nam quả thật là một dải giang sơn gấm vóc. Có đến tận vùng biên giới mới hiểu được phần nào những hi sinh xương máu của quân dân ta trong 10 năm chiến tranh biên giới Việt Trung. Bản đồ thế giới đã được vẽ đi vẽ lại nhiều lần và không có gì tồn tại mãi với thời gian. Biết vậy nhưng tôi vẫn không khỏi cảm thấy yêu thương, trân trọng và muốn bám giữ cái gọi là “của ta” trong cái đời hiện tại của mình. Không biết nước ta còn phải chịu sự đe dọa của anh láng giềng Goliath cho đến bao giờ?






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét