Thứ Ba, 7 tháng 3, 2023
Patricia M. Kim: Giới hạn của Quan hệ Đối tác “Không Giới hạn” (Foreign Affairs, Mặc Lý dịch)
Trung Quốc và Nga không thể bị chia rẽ, nhưng có thể bị chặn bớt - Patricia M. Kim
![]() |
Vladimir Putin gặp Tập Cận Bình trước Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022. Nguồn: Wikipedia |
(Ghi chú của ND – Đây là bản dịch bài viết của Patricia M. Kim, đăng trên tạp chí Foreign Affairs, số tháng 03 & 04, 2023. Tác giả là nhà nghiên cứu chính, chuyên về Chính sách ngoại giao của Trung Quốc , quan hệ Mỹ - Trung và chính trị Đông Á tại Học viện Brookings, một cơ quan nghiên cứu vùng Washington DC, Hoa Kỳ. Quan hệ đối tác của Trung Quốc và Nga không nên xem nhẹ nhưng cũng không phải là không giới hạn. Trung Quốc có những lợi ích khác trên thế giới mà phương Tây có thể xem xét để cùng làm việc cho một nền hoà bình ở Ukraine.)
Ngày 4 tháng 2 năm 2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chào đón người đồng cấp Nga, Vladimir Putin, tại lễ khai mạc Thế vận hội Olympic mùa đông ở Bắc Kinh. Sau những buổi nói chuyện, hai bên đã đưa ra một tuyên bố chung rằng việc hợp tác giữa Trung Quốc và Nga lớn hơn một liên minh truyền thống và tình bạn của họ sẽ “không có giới hạn”. Hai mươi ngày sau, Nga đổ quân vào Ukraine. Bước đi táo bạo này của Putin làm người ta lập tức nhìn kỹ lại Bắc Kinh; nhiều nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh đã ủng hộ cuộc tấn công của Putin hoặc ít nhất, họ đã cố tình tảng lờ nó. Kể từ đó, việc Nga ôm chặt lấy Trung Quốc không có gì đáng ngạc nhiên cả, do nước này rất cần các đối tác trước việc bị thế giới cô lập. Đáng chú ý hơn là việc Bắc Kinh nhất định không tách mình ra khỏi Moscow, mặc cái giá phải trả là cái nhìn tiêu cực của thế giới với Trung Quốc và lợi ích chiến lược của nước này bị thương tổn. Ngay cả khi Nga bị thế giới xa lánh, Bắc Kinh vẫn không ngưng việc trao đổi giữa hai bên, không ngưng tập trận chung hay không giảm bớt những lời hô hào công khai tăng cường phối hợp chiến lược với người bạn phương bắc.
Quyết tâm duy trì mối quan hệ với Moscow của Bắc Kinh một phần là do thực dụng. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn giữ nước láng giềng, cựu đối thủ của họ, trang bị vũ khí hạt nhân ở phe họ khi họ đang hướng tới một cuộc cạnh tranh khốc liệt và lâu dài với Hoa Kỳ. Nhưng việc Trung Quốc liên kết với Nga không chỉ là vấn đề chính trị thực dụng. Bắc Kinh coi Moscow là đối tác quan trọng nhất trong dự án rộng lớn hơn nhằm thay đổi trật tự toàn cầu mà họ cho là nghiêng về phương Tây một cách bất công. Theo Trung Quốc và Nga, trong trật tự này Hoa Kỳ và các đồng minh đặt ra các quy tắc có lợi cho họ, xác định thế nào là một nền dân chủ và tôn trọng nhân quyền trong khi vẫn giữ quyền cô lập và trừng phạt các phe phái không theo các tiêu chuẩn đó. Bắc Kinh và Moscow muốn tìm kiếm một trật tự đa cực “công bằng hơn”, xem xét đến quan điểm và lợi ích của các nước đang phát triển.
Những mong muốn xét lại như vậy chắc chắn sẽ được hưởng ứng ở Nam bán cầu và thậm chí ở một số khu vực của thế giới phát triển. Nhưng việc Tập coi Putin như là đồng minh chính yếu trong việc thúc đẩy thiết lập một thế giới bớt lấy phương Tây làm trung tâm, cuối cùng đã ngăn trở Bắc Kinh đạt được mục tiêu của mình. Sự liên kết của Trung Quốc với một nước Nga theo chủ nghĩa phục hận chỉ làm người ta thêm chú ý đến thái độ hung hăng của chính nước này đối với Đài Loan. Hơn nữa, ý thức về một trục Trung Quốc-Nga cứng rắn đã củng cố thêm mối quan hệ giữa các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ. Và việc Trung Quốc gần gũi với Nga đã làm những tuyên bố của Bắc Kinh rằng họ là nước đấu tranh cho hòa bình và phát triển, bớt còn uy tín nữa.
Nói tóm lại, sự liên kết Trung - Nga tỏ ra là một đe dọa cho trật tự do Hoa Kỳ lãnh đạo về ý tưởng hơn là trong thực hành. Nhưng phải nói là quan hệ đối tác này vẫn có thể gây ra thiệt hại— thí dụ, bằng cách chống lưng cho những nước như Nga và Triều Tiên không bị các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc và tạo điều kiện cho họ tiếp tục gây hấn. Nhưng các ưu tiên của Bắc Kinh và Moscow khác biệt nhau và triển vọng ảm đạm của Moscow đã hạn chế khả năng của hai đối tác này trong thay đổi trật tự toàn cầu hiện nay, để thực sự phối hợp chặt chẽ. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo phương Tây nên chấp nhận rằng những cố gắng thúc đẩy Bắc Kinh cắt đứt quan hệ với Moscow có thể sẽ thất bại. Thay vào đó, trong tương lai gần, Hoa Kỳ và các đồng minh của mình nên tập trung vào việc ngăn chặn quan hệ đối tác Trung Nga này đi theo con đường tàn phá hơn bằng cách lợi dụng lợi ích lớn của Bắc Kinh trong việc duy trì thế ổn định toàn cầu. Nói rộng hơn, Washington và các đồng minh của họ nên nhận ra rằng Trung Quốc và Nga đang nói lên việc bất mãn thực sự ở tại nhiều nơi trên thế giới với trật tự quốc tế hiện có—và nên bắt tay vào việc thu hẹp khoảng cách giữa phương Tây và phần còn lại của thế giới.
Cần Bạn Bè
Kể từ khi Tập lên nắm quyền vào năm 2012, Nga đã trở thành một trong những đối tác quan trọng của Trung Quốc với việc tăng cường các mối quan hệ kinh tế, chính trị và quân sự. Moscow và Bắc Kinh có thể đã bắt đầu như là đồng minh trong những ngày đầu của Chiến tranh Lạnh, nhưng nhiều thập niên đối đầu và ngờ vực nhau đã xảy ra khi có những khác biệt về ý thức hệ xuất hiện vào cuối những năm 1950. Bắc Kinh và Moscow lại xích lại gần nhau trong thế kỷ 21 do có chung những bất bình với phương Tây và cảm thấy có những điểm chung trong tình huống mỗi nước, với việc Nga cáo buộc NATO bao vây và Trung Quốc cảm thấy bị các liên minh của Mỹ ở châu Á bao vây. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga cũng đều có chung mối sợ hãi về “các cuộc cách mạng màu”— các cuộc dân chúng nổi dậy lật đổ các chính phủ chuyên chế trên khắp thế giới, kể cả ở các quốc gia thuộc Liên Xô cũ—mà họ cáo buộc là những mưu toan do phương Tây bảo trợ, để thay đổi chế độ.
Lời tuyên bố hùng hồn năm ngoái về một tình hữu nghị “không có giới hạn” diễn ra sau khi Trung Quốc và Nga đã nâng cấp quan hệ trước đó vào năm 2019, khi Trung Quốc và Nga tuyên bố họ đã thiết lập một “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện phối hợp cho một kỷ nguyên mới” trong chuyến thăm của Tập tới Moscow. Chưa bao giờ Trung Quốc dành biệt danh dài có chủ ý này cho các mối quan hệ với bất cứ quốc gia nào khác. Và bằng cách viện dẫn “một kỷ nguyên mới” (cụm từ mà Tập đặt ra để phản ánh nỗ lực canh tân quốc gia của Trung Quốc trong bối cảnh địa chính trị đang thay đổi), tên gọi này cũng nhấn mạnh ý định hợp tác giữa hai quốc gia trong thời kỳ đầy những cơ hội chiến lược.
Trong những thập niên gần đây, Trung Quốc đã rút khỏi các liên minh chính thức vì lý do thực dụng lẫn ý thức hệ, đồng thời chỉ trích mạng lưới liên minh rộng lớn của Hoa Kỳ như là “tàn tích của Chiến tranh Lạnh”. Tuy nhiên, Bắc Kinh ngày càng vặn vẹo chữ nghĩa để nói về sự liên kết của họ với Nga. Các tuyên bố của Trung Quốc thường xuyên nhấn mạnh rằng quan hệ đối tác hai bên này “không phải là một liên minh” và “không nhằm mục tiêu” chống lại bất kỳ phe thứ ba nào, và đồng thời lại đưa ra quan điểm rằng mối quan hệ của Trung Quốc và Nga “vượt qua” các kiểu liên minh truyền thống. Ngay cả trước khi có tuyên bố chung vào tháng 2 năm 2022, Bắc Kinh đã nhấn mạnh rằng không có lĩnh vực hợp tác nào là vượt quá giới hạn và mối quan hệ đối tác này sẽ đứng vững trước mọi chống đối quốc tế.
Mối quan hệ quân sự thực địa đã phát triển cùng với tình hữu nghị được tuyên bố công khai này, kể từ cuộc diễn tập quân sự chung Trung Quốc-Nga đầu tiên được tiến hành năm 2005. Kể từ năm 2012, hai bên đã tham gia các hoạt động huấn luyện chung ngày càng tham vọng hơn và thường xuyên hơn, bao gồm các cuộc tập trận hải quân ở vùng Biển Hoa Đông và Biển Đông và các cam kết chung với các bên thứ ba, chẳng hạn như Iran, Nam Phi và các thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), một nhóm các quốc gia do Trung Quốc lãnh đạo. Vào cuối năm 2021, Trung Quốc và Nga đã gây chú ý khi tổ chức cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên ở tây Thái Bình Dương, trong đó tàu bè của hai nước đi qua các tuyến đường thủy quan trọng xung quanh Nhật Bản.
Quan hệ kinh tế hai nước cũng thắt chặt hơn trong thập niên qua, với việc ký kết hàng chục thỏa thuận nêu ra sự hợp tác về năng lượng, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, tài chính và công nghệ. Thương mại song phương đã tăng trong hai thập niên qua, nhưng nó cũng ngày càng trở nên mất cân bằng, với nền kinh tế Trung Quốc nhanh chóng lấn át kinh tế Nga. Tính đến năm 2021, Trung Quốc chiếm đến 18% tổng thương mại của Nga, trong khi Nga chỉ chiếm 2% của Trung Quốc. Các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Nga sang Trung Quốc là tài nguyên thiên nhiên, như khí đốt, dầu mỏ và than đá. Những mặt hàng này có thể quan trọng hiện nay nhưng sẽ trở nên ít quan trọng hơn khi Bắc Kinh hướng nhiều hơn đến các nguồn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Trung Quốc sang Nga chủ yếu là hàng công nghiệp, như máy móc và linh kiện điện tử. Nga phụ thuộc rất nhiều vào nền kinh tế tiên tiến hơn của Trung Quốc để nhập khẩu công nghệ, từ chất bán dẫn đến thiết bị viễn thông.
Những nhà Cách mạng Tương lai
Mối quan hệ về vật chất này nằm bên cạnh sự liên kết ngày càng mạnh mẽ hơn về ý thức hệ. Trung Quốc và Nga đều tìm cách thách thức những gì họ cho là trật tự toàn cầu do phương Tây thống trị, cho phép Hoa Kỳ và các đồng minh áp đặt lợi ích của họ lên các nước khác. Hai nước thường xuyên phản đối tính ưu việt của “các giá trị phương Tây” trên các diễn đàn quốc tế và tranh luận cổ võ cho cách hiểu có điều kiện về nhân quyền và dân chủ, được định nghĩa là “phù hợp với tình hình cụ thể ở mỗi quốc gia”. Trong tuyên bố chung tháng 2 năm 2022, Trung Quốc và Nga nhấn mạnh rằng họ cũng là các nền dân chủ và lên án “một số quốc gia” đã lấy “cớ bảo vệ dân chủ và nhân quyền” để gieo rắc bất hòa giữa các quốc gia khác và can thiệp vào công việc nội bộ của những nước này.
Bắc Kinh và Moscow cáo buộc Washington sử dụng sức mạnh kinh tế của mình một cách bất công, bao gồm cả việc dùng vị trí đặc quyền của đồng đô la Mỹ trong hệ thống tài chính toàn cầu, để áp đặt các biện pháp trừng phạt lên các đối thủ của mình. Trung Quốc và Nga đều đã chống lại các biện pháp trừng phạt của phương Tây, mặc dù chính họ lại dùng các biện pháp o ép về kinh tế lên các nước khác. Bắc Kinh đã lập luận rằng các biện pháp trừng phạt được áp đặt bên ngoài khuôn khổ bảo trợ của Liên Hợp Quốc là vi phạm “quyền được phát triển” của các quốc gia, một từ bắt nguồn từ những nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc, sau các cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, nhằm đặt ưu tiên “quyền được sinh sống” lên trên các quyền tự do dân sự và tự do chính trị. Mặc dù Trung Quốc không còn phải vật lộn với những âu lo về mức sống cơ bản, Bắc Kinh vẫn chỉ trích các hạn chế xuất khẩu công nghệ cao và các biện pháp cách ly khác được Hoa Kỳ và các đồng minh áp dụng là hạn chế một cách bất công sự phát triển và “quyền canh tân” của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đã sử dụng những ngôn ngữ này để phản đối các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga mặc cho những vi phạm của Nga, tuyên bố rằng các biện pháp trừng phạt này vi phạm quyền phát triển kinh tế của Nga, chưa kể các tác dụng phụ gây thiệt hại đến các nước đang phát triển.
Ở Nam bán cầu, Trung Quốc tiếp tục đánh bóng hình ảnh mình như quốc gia phi chính trị số một cổ võ cho phát triển, một quan điểm mà Nga ủng hộ. Cả hai đã ca ngợi những ưu điểm của các dự án Trung Quốc, thí dụ như Sáng kiến Nhất Đới Nhất Lộ, một chương trình phát triển cơ sở hạ tầng rộng lớn, và Sáng kiến Phát triển Toàn cầu được công bố gần đây, một kế hoạch cho đến nay vẫn còn mơ hồ, được xem là kế tiếp của BRI mà theo Bắc Kinh sẽ đưa sự phát triển “trở lại” thành trung tâm của nghị trình thế giới. Những sáng kiến như vậy, cùng với thông điệp của Trung Quốc về phát triển, đã được nhiều người ở Nam bán cầu nghe theo, trong bối cảnh nhiều quốc gia có thu nhập thấp muốn phát triển nhanh chóng nhưng vẫn không muốn có sự giám sát quốc tế với việc quản trị trong nước của họ.
Tập và Putin đã gặp mặt nhau tất cả 39 lần kể từ 2012.
Trong những năm qua, Bắc Kinh và Moscow đã theo đuổi nhiều biện pháp khác nhau nhằm làm suy yếu sự kiểm soát của Hoa Kỳ đối với nền kinh tế thế giới. Họ đã hợp tác để tạo ra các thể chế và cơ chế tài chính thay thế, nhằm giảm bớt sự thống trị của đồng đô la và giảm bớt tác động của các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Nỗ lực này càng trở nên khẩn cấp hơn kể từ khi Nga xâm lăng Ukraine và sau đó là việc cắt đứt các ngân hàng lớn của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Kể từ khi Bắc Kinh và Moscow đồng ý năm 2019 việc tăng cường sử dụng tiền tệ quốc gia trong thương mại xuyên biên giới hai nước, ngân hàng trung ương Nga đã giảm đáng kể việc dự trữ đồng đô la và tăng dự trữ vào đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Khoảng một phần tư giao dịch thương mại giữa Trung Quốc và Nga hiện nay được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ và đồng rúp, và tỷ lệ này sẽ tăng lên sau thông báo vào mùa thu năm ngoái rằng Trung Quốc sẽ bắt đầu thanh toán một nửa tiền khí đốt của Nga bằng đồng nhân dân tệ và một nửa bằng đồng rúp. Những cố gắng của Bắc Kinh và Moscow để giảm sự thống trị của đồng đô la đã được chào đón nồng nhiệt trong các nhóm quốc gia thân thiện như SCO và BRICS, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Trọng tâm của sự liên kết ý thức hệ giữa Trung Quốc và Nga là việc cùng một lòng mong muốn làm suy yếu cơ cấu liên minh rộng lớn do Hoa Kỳ lãnh đạo ở châu Âu và châu Á. Hai nước cáo buộc Washington và các đồng minh đã vi phạm nguyên tắc “an ninh không thể chia cắt” bằng cách thúc đẩy lợi ích an ninh của họ gây thiệt hại cho nước khác. Điện Kremlin đã dùng lập luận này để biện minh cho cuộc chiến của mình ở Ukraine và đổ lỗi cho NATO về cuộc xung đột đó. Và lập luận này này đã lọt tai nhiều người ở Nam bán cầu, một phần nhờ vào truyền thông nhà nước Trung Quốc đã khuếch đại các luận điểm của Nga. Ở châu Á, Bắc Kinh đã chỉ ra việc tăng cường mạng lưới liên minh của Hoa Kỳ, bao gồm Đối thoại An ninh Bộ Tứ, một quan hệ đối tác an ninh giữa Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ, và AUKUS, quan hệ đối tác giữa Úc, Anh và Hoa Kỳ — như một bằng chứng về việc Hoa Kỳ ngăn chặn Trung Quốc. Nhưng Bắc Kinh phải đối đầu với một trận chiến khó khăn khi thách thức sự hiện diện của Hoa Kỳ, vì nhiều chính phủ châu Á lo ngại về hành vi hung hăng của Trung Quốc và hoan nghênh vai trò cân bằng của Hoa Kỳ trong khu vực.
Mặc dù đang tìm cách thay đổi một số thành phần của trật tự toàn cầu hiện tại, Bắc Kinh và Moscow cũng không muốn sửa đổi tất cả. Họ tiếp tục nhấn mạnh rằng Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nên đóng vai trò lãnh đạo trên trường quốc tế. Chuyện này không có gì đáng ngạc nhiên cả, do các đặc quyền mà Trung Quốc và Nga được hưởng với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an và khả năng kêu gọi khối các nước đang phát triển tại Liên Hợp Quốc.
Đặt Cược Thêm
Tính đến ngày 24 tháng 2 năm 2022, khi quân đội Nga tấn công vũ bão Ukraine, Bắc Kinh không thấy mối quan hệ đang phát triển với Moscow có nhiều bất lợi. Ta vẫn chưa rõ các nhà lãnh đạo Trung Quốc biết trước kế hoạch của Putin được bao nhiêu. Nhưng họ có thể bị bất ngờ khi cuộc tấn công của Nga thất bại và Trung Quốc bị thế giới chú ý kỹ. Mặc dù vậy, Bắc Kinh cuối cùng đã chọn không đứng xa Nga hơn. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn chưa lên án rõ ràng hành động gây hấn đang diễn ra ở Ukraine của Putin và đã lên tiếng bảo vệ “những lo ngại an ninh chính đáng” của Nga. Các phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc cũng khuếch đại việc tuyên truyền và những thông tin sai lệch của Nga về cuộc chiến ở Ukraine
Cùng lúc đó, Trung Quốc khẳng định rằng họ không phải là một phe trong cuộc xung đột và rằng họ ủng hộ các cuộc thương thuyết hòa bình, cũng như chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả mọi quốc gia. Trung Quốc đã lên tiếng lo ngại về "cuộc khủng hoảng kéo dài và mở rộng" ở Ukraine, trong đó có cả những ảnh hưởng lan tỏa tiêu cực của cuộc khủng hoảng này. Trung Quốc cũng bỏ phiếu trắng trong ba nghị quyết của Liên hợp quốc năm ngoái lên án việc Nga xâm lăng và sáp nhập lãnh thổ Ukraine. Trong chỗ riêng tư, các giới chức Trung Quốc nhấn mạnh rằng những phiếu trắng này là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh không tán thành những hành vi của Nga và rằng họ đã cố gắng hết sức để bác bỏ nhiều lần các yêu cầu của Moscow muốn Bắc Kinh phủ quyết các nghị quyết này.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đã nói rõ với những người đồng cấp Nga rằng họ phản đối việc đe dọa hay sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine và nhấn mạnh rằng Trung Quốc mong muốn Moscow sẽ theo đuổi một giải pháp ngoại giao để giải quyết xung đột. Trong những tháng sau cuộc xâm lược, các ngân hàng và doanh nghiệp Trung Quốc tuân theo phần lớn các biện pháp trừng phạt bằng cách hạn chế chuyển vận hàng hóa bị cấm và ngưng một số hoạt động khác tại thị trường Nga, mặc dù năm ngoái, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã cáo buộc năm công ty Trung Quốc vi phạm lệnh cấm vận và Bộ Tài chính Hoa Kỳ mới đây đã trừng phạt một công ty Trung Quốc vì đã cung cấp hình ảnh vệ tinh cho Tập đoàn Wagner, một tổ chức bán quân sự của Nga đang hoạt động tại Ukraine. Cho đến nay, chính phủ Trung Quốc đã không mở rộng sự giúp đỡ vật chất trực tiếp cho các nỗ lực quân sự của Nga, mặc dù tháng 2 vừa qua chính quyền Biden đã báo động rằng Bắc Kinh có thể chuẩn bị cung cấp viện trợ vũ khí sát thương cho Moscow.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã có lý do duy trì quan hệ thương mại bình thường với Moscow, và kết quả là các lĩnh vực thương mại song phương không bị cấm vận đã tăng vọt. Chỉ vài tuần trước cuộc xâm lăng của Nga, hai nước đã ký các thỏa thuận dầu khí trị giá gần 120 tỷ đô la và tuyên bố bỏ các hạn chế của Trung Quốc đối với lúa mì và lúa mạch nhập khẩu từ Nga. Trung Quốc đã thay thế Đức để thành nước nhập khẩu năng lượng lớn nhất của Nga và thương mại Trung Quốc-Nga đạt mức kỷ lục 180 tỷ USD vào năm 2022.
Trung Quốc và Nga cũng đã duy trì việc tăng cường quan hệ ngoại giao. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, các giới chức cao cấp của Trung Quốc và Nga đã gặp nhau 21 lần kể từ tháng 2 năm ngoái. Truyền thông nhà nước của Nga đã đưa tin rằng Tập có thể đến thăm Putin ở Moscow vào mùa xuân này.
Có lẽ điều đáng chú ý nhất là Bắc Kinh và Moscow đã duy trì mức độ của các cuộc diễn tập quân sự chung, ngay cả khi quân đội Nga đang dội bom các thành phố của Ukraine. Tháng 5 năm ngoái, khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden công du đến khu vực này, các máy bay ném bom của Trung Quốc và Nga đã bay qua vùng Biển Nhật Bản, Biển Hoa Đông và vào vùng nhận dạng phòng không của Hàn Quốc. Trung Quốc đã tham gia các cuộc tập trận của Nga ở Viễn Đông thuộc Nga và ở Biển Nhật Bản vào tháng 9, và cả hai đã có một cuộc tập trận hải quân chung lớn ở vùng Biển Hoa Đông vào cuối tháng 12. Cuộc diễn tập quân sự chung đầu tiên của họ vào năm 2023 đã được dự trù vào tháng 2, trùng với lễ kỷ niệm một năm ngày Nga xâm lăng Ukraine và sẽ bao gồm Nam Phi, một đối tác của BRICS.
Phản Ứng Ngược
Quyết định của Trung Quốc đặt cược thêm vào quan hệ với Nga ngay cả sau khi nước này có hành động xăm lăng trắng trợn ở Ukraine đã tạo nên những lo ngại nghiêm trọng từ Hoa Kỳ và các đồng minh. Cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew đã chỉ ra rằng tỷ lệ người Mỹ có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc đã tăng hơn nữa, từ 76% năm 2021, vốn đã ở mức cao lịch sử, lên 82% năm 2022. Ngoài ra, 62% tin rằng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga là một vấn đề “rất nghiêm trọng” đối với Hoa Kỳ. Cái nhìn về Trung Quốc đã trở nên tiêu cực hơn, đặc biệt là ở châu Âu, dập tắt hy vọng của Bắc Kinh rằng Liên minh châu Âu sẽ áp dụng một lập trường ôn hòa hơn Hoa Kỳ. Cuộc thăm dò của Quỹ Marshall của Đức vào tháng 9 năm ngoái cho thấy nhiều người châu Âu muốn có cách tiếp cận “cứng rắn hơn” đối với Trung Quốc, ngay cả khi với những chính sách như vậy, họ phải trả giá về kinh tế. Mặc dù Tokyo xưa nay vẫn luôn cảnh giác với mối đe dọa từ Trung Quốc, việc Nga xâm lăng Ukraine và nỗi sợ rằng một kịch bản tương tự ở châu Á đã tạo ra những thay đổi lịch sử gần đây trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản, bao gồm các bước phát triển khả năng phản công, tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng, và ký kết các hiệp ước an ninh chưa từng có với Úc và Anh.
Hậu quả tai hại nhất của việc Nga xâm lăng Ukraine đối với Trung Quốc là thế giới càng cảm thấy cảnh giác và ý thức tình hình cấp bách của Đài Loan. Ngăn chặn Đài Loan trở thành “Ukraine tiếp theo” đã trở thành một đề tài được đặc biệt quan tâm, không chỉ ở Washington mà còn giữa các đồng minh của Hoa Kỳ ở châu Âu và châu Á, nhiều nước trước kia từng coi số phận của Đài Loan chỉ liên quan một cách mơ hồ, nếu có, đối với an ninh của chính họ, hoặc một vấn đề quá nhạy cảm về mặt chính trị để thảo luận. Một số kỷ lục các nhà lập pháp từ các quốc gia trong đó có Úc, Pháp, Đức, Nhật Bản, Anh và Hoa Kỳ đã đến thăm Đài Bắc vào năm ngoái để bày tỏ sự ủng hộ hòn đảo này. Những lo ngại về chủ nghĩa “xét lại” của Trung Quốc và Nga cũng củng cố thêm mối quan hệ giữa NATO và các đồng minh vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Năm ngoái, Úc, Nhật Bản, Tân Tây Lan và Hàn Quốc tham gia hội nghị thượng đỉnh NATO lần đầu tiên. Các nhà lãnh đạo những nước này đã cùng nhận ra nguy cơ về một xung đột ở eo biển Đài Loan và kêu gọi sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các đối tác châu Âu và châu Á có cùng chí hướng.
Mặc cho cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc đã tăng cao hẳn trong các chế độ dân chủ phát triển, điều đó đã chưa xảy ra ở các nước đang phát triển, đặc biệt là ở các quốc gia thiếu dân chủ. Như một nghiên cứu từ Viện Chính sách Công Bennett được công bố vào mùa thu năm ngoái cho thấy, Trung Quốc và thậm chí cả Nga vẫn tương đối được đánh giá thuận lợi ở nhiều nước ở châu Phi, châu Mỹ La Tinh và Trung Đông.
Giới hạn Của Tình Bạn Không Giới Hạn
Quan hệ đối tác với Nga đã làm hại hình ảnh của Trung Quốc ở phương Tây và đã tạo cơ hội cho một sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Hoa Kỳ và các đối tác của họ nhằm chặn lại các tham vọng của Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc sẽ không từ bỏ Nga ngay đâu. Bắc Kinh phải giữ Moscow gần họ vì họ đang hướng tới nhiều thập niên tương lai cạnh tranh với Washington. Họ không thể bị phân tâm bởi những căng thẳng với một nước láng giềng có chung đường biên giới dài 2.600 dặm với sức mạnh quân sự đáng gờm. Ngoài ra, Tập đã đầu tư rất nhiều vào quan hệ của mình với Putin, hai người đã gặp nhau tất cả 39 lần từ năm 2012. Nhà nước Trung Quốc không thể rút khỏi cam kết cá nhân này mà không tỏ ý rằng Tập, “lãnh đạo trụ cột” của họ, đã sai lầm.
Tuy nhiên, hành động của Bắc Kinh kể từ tháng 2 cho thấy rằng thực ra có một số giới hạn trong quan hệ đối tác với Moscow. Mặc dù Trung Quốc và Nga chia sẻ các mục tiêu “xét lại”, muốn kiếm các vị trí đặc quyền cho nước mình ở đầu hệ thống phân cấp quốc tế, hai nước không phải luôn luôn đồng ý với nhau về cách đạt được các mục tiêu này. Ngay cả khi Trung Quốc vật lộn với nền kinh tế đi chậm lại sau nhiều thập niên tăng trưởng nhanh và phải đối đầu với nhiều thách thức khác nhau trong nước, nước này vẫn là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Nếu có sự bất ổn toàn cầu và sự cô lập về kinh tế, nước này có nhiều thứ để mất hơn, so với Nga. Các nhà lãnh đạo và người dân Trung Quốc đều biết rõ rằng sự hội nhập của đất nước này vào nền kinh tế toàn cầu, cùng với dòng tiền đầu tư và người dân ra vào Trung Quốc, đã thúc đẩy tạo nên phép lạ kinh tế của đất nước họ. Trung Quốc vẫn có khả năng lớn trong việc gây ảnh hưởng đến các quốc gia khác, thông qua các đề xuất kinh tế của mình, thí dụ đầu tư, cho vay, các hiệp định thương mại và cơ sở hạ tầng, tất cả đều cho phép Bắc Kinh thể hiện quyền lực và thúc đẩy nghị trình của mình trên toàn cầu trong những năm gần đây. Mặt khác, Nga là một cường quốc bất thăng bằng, có khả năng quân sự đáng kể nhưng triển vọng kinh tế u ám. Vì ít công cụ gây ảnh hưởng hơn, Moscow đã chuyển sang sử dụng vũ lực thô bạo để đạt được mục tiêu của mình và kết quả là ngày càng trở nên bị cô lập hơn, với viễn ảnh nhiều năm kinh tế suy thoái. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đặt cược tính chính danh của họ vào việc đạt được sự canh tân đất nước, do đó họ sẽ khó mà bắt chước hay tham gia vào chủ nghĩa “xét lại” bằng bạo lực của Điện Kremlin.
Theo các bản tin trên CNN và tờ Der Spiegel của Đức, Trung Quốc đang đàm phán khả năng bán máy bay tấn công không người lái và đạn dược cho Nga. Những thỏa thuận này vẫn chưa được ký kết. Chúng ta vẫn còn phải xem liệu Bắc Kinh có cho phép những thương vụ bán vũ khí này hay các loại vũ khí khác tiến hành khi sự giám sát toàn cầu ngày càng chặt chẽ. Nếu Trung Quốc cung cấp sự hỗ trợ như vậy cho Nga, sẽ có những hậu quả to lớn đối với quan hệ của Trung Quốc với phương Tây. Nhưng hiện tại, có vẻ như Trung Quốc sẽ không giúp đỡ Moscow về mặt quân sự ở mức độ mà Hoa Kỳ và các đối tác của họ đã giúp đỡ Kiev. Sự phối hợp quân sự giữa Trung Quốc và Nga có thể vẫn ở mặt trình diễn hơn là thực sự chiến đấu chung. Thực ra Bắc Kinh có lẽ sẽ từ chối bất kỳ sự trợ giúp quân sự trực tiếp nào của Nga trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Đài Loan, do tình cảm dân tộc chủ nghĩa sâu xa, vốn là nền tảng cho việc xưa nay muốn củng cố quyền cai trị đối với hòn đảo này. Tương tự như vậy, khó mà tưởng tượng Moscow sẽ chào đón Quân đội Giải phóng Nhân dân hoạt động ở sân sau của chính họ. Mặc cho những lời hoa mỹ bên ngoài về tình hữu nghị, Trung Quốc và Nga cuối cùng vẫn thiếu những mối quan hệ gần gũi về văn hóa và con người với con người, vốn có thể làm công dân của họ hy sinh trong chiến tranh cho nhau —một tiêu chí khó đáp ứng được ngay cả đối với những quốc gia có chung mối quan hệ như vậy. Những yếu tố này cho thấy là triển vọng về một chiến dịch quân sự chung giữa hai nước vẫn còn xa vời lúc này.
Quan hệ đối tác của Trung Quốc và Nga là có thật và sẽ tồn tại trong tương lai gần. Nhưng ý nghĩa chiến lược của nó không nên phóng đại hoặc hạ thấp. Sự khác biệt căn bản giữa các quan điểm của họ, cùng với những giới hạn ngày càng tăng của Nga, sẽ làm giảm sức hấp dẫn của liên kết và khả năng thay đổi trật tự toàn cầu như hiện nay. Việc này đòi hỏi phải gây ảnh hưởng giữa các nước đang phát triển cũng như đã phát triển. Mối quan hệ đối tác còn hạn chế giữa hai nước vẫn có thể gây bất ổn, đặc biệt nếu Trung Quốc đóng vai trò là cái phao kinh tế của Nga và hai nước này này tiếp tục hợp tác để bảo vệ các chế độ chuyên chính đồng minh và tạo điều kiện cho những vi phạm của họ ở trong và ngoài nước.
Hoa Kỳ không nên trông đợi liên kết này tan rã cũng như không nên nghĩ mối quan hệ Trung Quốc-Nga sẽ được củng cố thêm. Thay vào đó, giới chức Hoa Kỳ nên nhắc nhở Bắc Kinh về những lợi ích cơ bản của họ nếu tình hình ổn định, nhằm thúc đẩy các nhà lãnh đạo Trung Quốc kiềm chế sự liều lĩnh của Nga. Những nỗ lực gần đây của Biden, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và những người khác nhằm thúc Tập phản đối việc đe dọa hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine là một ví dụ điển hình về cách các cường quốc phương Tây có thể hợp tác với Trung Quốc để gửi tín hiệu đúng đắn tới Moscow. Cách tiếp cận tương tự nên được sử dụng để vận động cho một thoả ước hòa bình mang lại công lý cho người dân Ukraine, một khi lộ trình cho một thoả ước như vậy xuất hiện. Những người hoài nghi có thể đặt câu hỏi liệu có đáng bỏ công sức làm việc với Bắc Kinh như vậy hay không, khi Bắc Kinh khó có thể tán đồng các biện pháp cứng rắn gây tổn hại cho mối quan hệ của họ với Moscow. Trung Quốc cũng sẽ luôn kể công cho sự hợp tác của mình, nhưng nếu có kết quả thì cũng đáng. Trung Quốc sẽ cố gắng liên kết việc sẵn sàng hợp tác với các cường quốc phương Tây về Ukraine với những nhượng bộ trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như nới lỏng các hạn chế xuất khẩu đối với các công ty Trung Quốc hoặc hạn chế ủng hộ Đài Loan về phương diện ngoại giao. Hoa Kỳ và các đối tác của mình sẽ cần xem xét những yêu cầu như vậy, bằng cách đặt ra những kỳ vọng với Bắc Kinh tương ứng. Những lời nói và hành động của Trung Quốc, với tư cách là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, là đồng minh thương mại và đối tác quan trọng nhất của Nga, sẽ ảnh hưởng đến các quyết định của Moscow ở Ukraine và xa hơn nữa. Do đó, bảo đảm sự hợp tác của Trung Quốc trong việc hướng tới hòa bình ở châu Âu sẽ là điều cần thiết.
Hoa Kỳ và các đồng minh cũng nên suy nghĩ cẩn thận về lý do tại sao những cáo buộc của Trung Quốc và Nga là phương Tây đạo đức giả và muốn giữ quyền bá chủ của phương Tây lại gây được tiếng vang ở nhiều nơi trên thế giới và cách họ có thể giải quyết những bất bình này. Họ sẽ phải đối phó với những vấn đề khó khăn, chẳng hạn như những hậu quả gây hạI đến con người ở vùng Nam bán cầu trong việc sử dụng ngày càng nhiều các biện pháp trừng phạt ngoài khuôn khổ Liên Hợp Quốc của phương Tây. Và họ sẽ phải tìm cách để bảo đảm các định chế quốc tế đầy quyền năng, bao gồm Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, G-20 và một loạt các cơ quan định ra những tiêu chuẩn quốc tế, đặt ra quy tắc và tiêu chuẩn về mọi thứ, từ tài chính toàn cầu đến nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo, có thể lưu tâm hơn nữa đến tiếng nói và ưu tiên của các quốc gia đang phát triển. Để ngăn chặn sự chia rẽ thế giới hơn nữa và việc Trung Quốc và Nga khai thác khoảng cách này giữa các nước, Hoa Kỳ và các đối tác của mình nên nuôi dưỡng mối quan hệ lâu dài với các nước đang phát triển và tích cực xem xét những thay đổi cần thiết đối với trật tự quốc tế hiện nay thay vì nhượng sân chơi này cho Bắc Kinh và Moscow.
Mặc Lý
Nguồn: Foreign Affairs - The Limits of the No-Limits Partnership