Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2023
Đọc Samarkand của Amin Maalouf, Hà Vũ Trọng chuyển ngữ và giới thiệu
![]() |
Nguyên tác Pháp văn: Samarcande. Nxb J. C. Lattès, 1988 Bản Anh văn: Samarkand, dịch giả: Russell Harris, Nxb Little Brown Book Group, 1994 |
Samarkand, một kiệt tác tiểu thuyết lịch sử của Amin Maalouf. Qua cuộc truy tìm số phận của bản thảo tập thơ Rubaiyat, một kiệt tác thơ ca Ba Tư của Omar Khayyam (một học giả, nhà khoa học và triết gia người Ba Tư thời trung cổ), cuộc đời của ông được khắc hoạ lại hết sức sống động. Đồng thời, Khayyam gặp lại hai người bạn tâm giao nổi tiếng: một “Machiavelli” của đế quốc Ba Tư là Tể tướng Nizam ul-Mulk và Hasan Ben Sabbah, người sáng lập tổ chức Sát thủ (Assassin) bí mật; và cuộc đời của cả ba ba nhân vật vĩ đại này đã đánh dấu lịch sử của đế quốc Ba Tư. Qua ngòi bút tuyệt vời của Maloof, sự trỗi dậy và sụp đổ của Đế chế Seljuk, thế giới Hồi giáo huyên náo thời Trung cổ và tình trạng hỗn loạn ở Iran hiện đại đều được tái hiện sinh động.
Cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh ở thành phố Samarkand (nay thuộc Uzebekistan), một đô thị đa văn hoá và từng là thành phố vĩ đại nhất thế giới vào thời điểm Khayyam sống ở đó. Samarkand được chia thành bốn phần, nửa đầu dành tái hiện phần nào chính xác về mặt lịch sử cuộc đời của Khayyam và mối tình của ông với nữ thi sĩ cung đình tên Jahan. Nửa sau, do những bài thơ của Khayyam khơi dậy trí tưởng tượng về phương Tây trong bản dịch tuyệt tác của Edward Fitzgerald, từ đó một học giả người Mĩ bị “phương Đông ám ảnh” biết được sự tồn tại của bản thảo Rubaiyat (từng bị thất lạc vào thế kỉ 11 trong các cuộc xâm lăng của người Mông Cổ), đã nỗ lực tìm ra nó với sự giúp đỡ của một công chúa Iran, và rồi họ cùng mang nó theo trong chuyến đi định mệnh trên con tàu Titanic…
Điểm sách cuốn Samarkand trên tờ The Independent, Ahmed Rashid viết: “Maalouf đã viết một cuốn sách phi thường, mô tả cuộc đời và thời đại của những nhân vật chưa từng xuất hiện trong tiểu thuyết trước đây và khó có khả năng xuất hiện lại. Cuốn sách này không chỉ là cuốn tiểu thuyết lịch sử đơn thuần, mà giống như một tấm thảm phương Đông được thêu tinh xảo, được dệt đi dệt lại qua nhiều thế kỉ, liên kết thơ ca, triết học và niềm đam mê huyền học Sufi trong quá khứ với chủ nghĩa hiện đại.”
Có lẽ cần nói thêm, đối với độc giả quen thuộc tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung, đặc biệt bộ Ỷ thiên đồ long kí, thì bộ ba nhân vật được đề cập trong Samarkand có lẽ không xa lạ (chỉ khác cách phiên âm ra chữ Hán: Omar thành Mặc Nga, Nizam ul-Mulk thành Ni Nhược Mâu, Hassan thành Hoắc Sơn). Cuộc đời li kì của họ đã được nhân vật Tạ Tốn kể lại về nguyên uỷ bài thơ của Khayyam (do Quách Mạch Nhược dịch) mà trong khúc hát của Tiểu Siêu và cuối cùng văng vẳng trên chuyến tàu đem nàng trở về Ba Tư để làm thánh nữ Minh Giáo: Lai như lưu thuỷ hề, thệ như phong. Bất tri hà xứ hề, hà sở trung (Đến như nước chảy xuôi khe, Đi như gió cuốn biết về nơi nao. Cuộc đời như thể chiêm bao, Về đâu rồi sẽ ra sao bây chừ?). Còn Hassan, giáo chủ của giáo phái sát thủ này đã gây kinh hoàng cho thế giới trung cổ, vốn được Marco Polo thuật lại trong du kí với biệt danh ‘Old Man of the Mountains’ mà Kim Dung chuyển dịch là Sơn Trung Lão Nhân, mà toàn bộ võ công của Minh giáo đều được cho là do ông truyền lại (cũng như phái sát thủ Nhất Điểm Hồng trong truyện Cổ Long nhắc tới). Kể từ thế kỉ 13, danh từ assassin hay sát thủ đã đi vào ngôn ngữ châu Âu - gốc từ hashishin là một thứ cần sa mà Hassan dùng để gây nghiện và sai khiến đám tín đồ đi ám sát.
Giới thiệu về tác giả
![]() |
Amin Maalouf. Photo: Claude Truong-Ngoc, 2013 |
Amin Maalouf (1949-) là nhà văn và nhà báo người Arập gốc Liban, đã sống ở Pháp từ năm 1976. Tuy ngôn ngữ mẹ đẻ của ông là tiếng Arabic, nhưng ông chọn viết bằng tiếng Pháp. Xuất thân trong một gia đình theo Kitô giáo. Khi còn thiếu niên, ông được giáo dục tại một trường Dòng Tên ở Beirut. Vào giữa những năm 1970, chứng kiến cảnh quê hương ngày càng lụn bại trong các cuộc xung đột tôn giáo và chính trị, đồng bào tàn sát lẫn nhau, ông buộc phải rời quê hương và di cư sang Pháp cùng vợ con. Malouf đã làm việc cho tờ Daily an-Nahar của Beirut khi còn trẻ và đi du lịch khắp Nam Á và các nước châu Phi. Sau khi chuyển đến Paris, ông vẫn chủ trì ấn bản quốc tế hàng tuần của Daily Beirut, đồng thời là tổng biên tập nguyệt san Jeune Afrique, và xuất bản nhiều chuyên khảo về nội chiến Liban và Trung Đông. Sau khi định cư ở Paris, ông bắt đầu viết tiểu thuyết và sách văn học lịch sử, Những cuộc thập tự chinh qua mắt người Arập là tác phẩm đầu tiên được xuất bản năm 1983 và được viết liên tục kể từ đó. Cuốn Samarkand này là một kiệt tác năm 1988 và đã giành được giải thưởng của Hiệp hội Báo chí và Xuất bản Pháp (Maisons de la presse), Năm 1993, Le Rocher de Tanios (Tảng đá của Tanios) đã nhận được Giải thưởng Văn học Goncourt của Pháp và Giải thưởng Prince of Asturias năm 2010. Maalouf là thành viên của Viện Hàn lâm Pháp. Các tác phẩm của ông đã được dịch ra hơn 40 thứ tiếng. Bản thân Maloof là một chuyên gia nổi tiếng quốc tế về các vấn đề Trung Đông.
Xin giới thiệu chương đầu Samarkand từ bản dịch tiếng Việt cuốn Samarkand dự định sẽ được xuất bản.
*******
MỤC LỤC
Cuốn Một: Thi nhân và tình nhân
Cuốn Hai: Thiên đường của những Sát thủ
Cuốn Ba: Kết thúc thiên niên kỉ
Cuốn Bốn: Nhà thơ trên biển cả
QUYỀN MỘT
Những nhà thơ và những người tình
Xin cho biết, ai chưa từng phạm Luật của Ngài?
Xin cho biết, một cuộc đời không tội lỗi mùi vị nó ra sao?
Nếu Ngài trừng phạt điều ác bằng điều ác mà tôi đã làm,
Xin cho biết, giữa Ngài và tôi khác nhau chỗ nào?
- Omar Khayyam
CHƯƠNG I
Đôi khi ở Samarkand,[1] vào lúc sẩm tối của một ngày chậm chạp và buồn tẻ, những người dân thành phố rỗi rãi đi tới con đường cụt của phố Hai Quán Rượu, gần chợ bán hồ tiêu. Họ đến không phải để nếm rượu xạ hương Soghdia mà để theo dõi những người đến và đi, hoặc rình rập một người say rượu nào đó, và rồi anh ta sẽ bị họ xô xuống cát bụi, hứng xối xả những lời sỉ nhục và nguyền rủa phải chịu số phận vào địa ngục cho đến khi kết thúc thời gian, mà ngọn lửa sẽ nhắc nhở anh ta nhớ lại màu đỏ hừng đầy cám dỗ của rượu.
Chính từ một sự cố như vậy mà bản thảo Rubaiyat đã ra đời vào mùa hè năm 1072. Omar Khayyam hai mươi bốn tuổi và mới đến Samarkand. Chiều tối hôm đó anh đã tới thẳng quán rượu, hay cơ hội đi dạo đã đưa anh tới? Niềm vui mới mẻ được tham quan một thành phố lạ mở rộng tầm mắt đón nhận hàng nghìn cảnh tượng trong một ngày tàn. Trên con phố Cánh đồng Đại hoàng, một cậu bé lao vụt qua, đôi chân trần đạp lên những phiến đá lớn lát đường trong khi tay cậu nắm chặt lấy cuống một quả táo mà cậu ăn trộm từ một quầy hàng. Tại khu Chợ Vải, bên trong một quầy hàng được nâng lên cao hơn mặt đường, một nhóm người chơi cờ tào cáo tiếp tục cuộc tranh chấp dưới ánh sáng ngọn đèn dầu. Hai viên xúc xắc tung lên, theo sau là tiếng chửi thề và tràng cười ngặt nghẽo. Trong con đường mái vòm của khu Thợ Dây Thừng, một người lái la dừng lại gần đài phun nước, để cho dòng nước mát chảy vào vốc của hai lòng bàn tay, rồi cúi xuống, chu môi ra như thể muốn hôn lên trán một em bé đang ngủ. Cơn khát đã dịu, ông vuốt hai bàn tay ướt đẫm lên mặt rồi lầm bầm lời tạ ơn Chúa. Sau đó ông nhặt một quả dưa hấu đã khoét rỗng ruột, đổ đầy nước, mang đến cho con vật của mình để tới lượt nó uống.
Tại quảng trường của khu chợ bán đồ ăn nấu chín, Khayyam bị một cô gái khoảng mười lăm tuổi đang mang thai tiếp cận, tấm mạng che mặt được cô vén lên. Không một lời hay một nụ cười trên đôi môi mộc mạc, cô khều khỏi tay Khayyam một ít hạt hạnh nhân nướng mà anh vừa mua, thế nhưng người qua đường không tỏ vẻ ngạc nhiên. Có một niềm tin cổ xưa ở Samarkand: khi một người mẹ tương lai bắt gặp một người đàn ông lạ trên đường phố mà cô vừa ý, cô phải mạo muội ăn phần thức ăn của anh ta để đứa trẻ cũng khôi ngô và có dáng người mảnh khảnh như vậy, cùng nét quý phái và lễ độ.
Omar đang nấn ná nhai những quả hạnh còn lại một cách tự hào trong khi nhìn người phụ nữ lạ mặt rời đi thì một tiếng ồn ào giục giã đi tiếp. Chẳng mấy chốc, anh đã ở giữa một đám đông náo loạn. Một ông già tay chân dài lêu nghêu nằm trên mặt đất, đầu để trần với vài sợi tóc bạc phơ trên hộp sọ rám nắng. Tiếng kêu la giận dữ và sợ hãi của ông già chẳng qua chỉ là tiếng nức nở kéo dài với đôi mắt cầu khẩn người mới đến.
Xung quanh ông già khốn khổ ấy có mươi gã đàn ông râu ria xồm xoàm, đang vung lên những cây gậy đầy thù hận, và cách đó không xa, một nhóm khác thích thú với cảnh tượng này. Một trong số họ, nhận thấy vẻ mặt thất kinh của Khayyam, đã lên tiếng trấn an, ‘Không có gì đâu. Chẳng qua là Jaber Cao Kều thôi!’ Omar giật mình, một cơn rùng mình xấu hổ chạy khắp người và anh lẩm bẩm: ‘Jaber! Bạn đồng hành của Abu Ali!’
Abu Ali là một trong những cái tên phổ biến nhất, nhưng khi một người có học thức ở Bukhara, Cordova, Balkh hay Baghdad, phát âm cái tên ấy với giọng điệu kính trọng quen thuộc, thì không thể nhầm lẫn được họ muốn nói đến ai. Đó là Abu Ali Ibn Sina, nổi tiếng ở phương Tây với cái tên Avicenna.[2] Omar không được gặp ông, vì anh sinh ra mười một năm sau khi ông qua đời, nhưng anh tôn kính ông như một bậc thầy không thể tranh cãi của thế hệ anh, người nắm giữ mọi ngành khoa học, Sứ đồ của Lí trí.
Khayyam lại lẩm bẩm, ‘Jaber, đệ tử yêu thích của Abu Ali!’, bởi vì, dù mới gặp ông lần đầu, nhưng anh đã biết tất cả về số phận khốn khổ và hình phạt cảnh cáo đã định sẵn cho ông.
Avicenna đã sớm coi Jaber là người kế thừa mình trong những lĩnh vực y học và siêu hình học; ngưỡng mộ sức mạnh lập luận của ông ta và chỉ trách vì ông đã trình bày tư tưởng của mình hơi quá kiêu căng và thẳng thừng. Điều này đã khiến Jaber phải ngồi tù nhiều lần và ba lần bị đánh đòn công khai, lần cuối diễn ra tại Quảng trường Lớn ở Samarkand, một trăm năm mươi roi trước sự chứng kiến của tất cả người thân. Ông không bao giờ hồi phục sau sự sỉ nhục đó. Đã từ bao giờ ông ngấp nghé bên bờ vực của sự điên loạn? Chắc tại cái chết của vợ ông. Kể từ đó, người ta thấy ông lang thang trong bộ đồ bộ rách rưới, đi loạng choạng, la hét và chửi bới một cách xúc phạm. Theo sát gót ông, lũ trẻ con cười ầm, vỗ tay và ném những viên đá sắc nhọn khiến ông đau đến chảy nước mắt.
Khi chứng kiến cảnh này, Omar không khỏi nghĩ, ‘Nếu không cẩn thận, một ngày nào đó mình có thể trở thành một kẻ khốn khổ như thế.’ Anh không đến nỗi sợ say vì anh và rượu đã học được cách tôn trọng lẫn nhau, và đằng này sẽ không bao giờ hạ thấp đằng kia. Điều khiến anh sợ nhất là đám đông có thể phá vỡ bức tường tôn trọng trong anh. Anh cảm thấy bị đe doạ trước cảnh tượng con người sa ngã này và muốn tránh xa. Tuy nhiên, anh biết rằng anh không thể bỏ mặc người bạn đồng hành của Avicenna cho đám đông. Anh bước ba bước chậm rãi, trang nghiêm, tạo ra một tư thế vô tư khi nói bằng một giọng chắc nịch kèm theo một cử chỉ đầy vương quyền.
– Hãy để kẻ đáng thương kia được yên!
Tên thủ lĩnh băng đảng đã cúi người xuống Jaber, hắn đi tới và đứng thẳng trước mặt kẻ đột nhập. Một vết sẹo sâu chạy dọc bộ râu gã, từ tai phải cho đến đỉnh cằm, và chính cái khuôn mặt nhăn nheo đó hất về phía Omar vừa thốt lên câu phán xét:
– Gã này là một bợm rượu, một kẻ vô đạo. Tiếp theo, gã rít lên từ cuối cùng như một lời nguyền rủa: – một triết gia (failasuf)!
– Chúng tôi không muốn có thêm bất kì một triết gia nào ở Samarkand nữa!
Những tiếng xì xào tán thành nổi lên từ đám đông. Đối với họ, thuật ngữ ‘triết gia’ chỉ bất kì ai rất gần gũi với khoa học Hi Lạp trần tục, và nói chung là về mọi thứ không phải là tôn giáo hay văn học. Mặc dù còn trẻ, Omar Khayyam đã là một triết gia lỗi lạc và như vậy là một “vố” lớn hơn so với Jaber tội nghiệp.
Người đàn ông có vết sẹo chắc chắn không nhận ra anh, vì gã đã quay lưng lại với Jaber, người vẫn không nói nên lời. Gã nắm tóc ông, lắc đầu ông ba bốn lần và làm như muốn đập đầu ông vào bức tường gần nhất, nhưng rồi bất ngờ gã buông ông ra. Mặc dù tàn bạo, nhưng là một cử chỉ kiềm chế, như thể tỏ vừa tỏ ra quyết tâm vừa do dự ra tay giết người. Khayyam lại chọn thời điểm này để can thiệp.
– Hãy để ông già kia yên. Ông ta goá vợ, ốm yếu, một người mất trí. Anh không thấy sao, ông ta gần như không thể mấp máy môi nữa kìa.
Tên thủ lĩnh băng nhóm nhảy lên, tiến về phía Khayyam, chọc vào râu của Khayyam.
– Anh bạn có vẻ biết ông ta rõ nhỉ! Anh là ai? Anh không phải dân Samarkand! Không ai thấy anh trong thành phố này!
Omar gạt tay gã sang một bên một cách ngạo mạn nhưng không đột ngột đến mức khiến gã có cớ đánh nhau. Gã lùi lại một bước, nhưng vẫn khăng khăng:
– Tên anh là gì hở người lạ?
Khayyam ngần ngại nêu danh tính, và đang nghĩ kế. Anh ngước lên nhìn bầu trời có áng mây mỏng vừa che khuất vầng trăng khuyết. Vẫn im lặng, và thốt lên tiếng thở dài. Anh khao khát được đắm mình trong sự chiêm nghiệm, muốn nêu tên từng ngôi sao, ở rất xa, an toàn khỏi đám đông!
Cả băng đảng đã bao vây anh, vài bàn tay quẹt qua người anh. Anh đã trở lại với mình.
– Tôi là Omar, con trai của Ibrahim ở Nishapur. Còn anh là ai?
Câu hỏi chỉ là chiếu lệ, vì gã kia không có ý giới thiệu bản thân. Gã đang ở thành phố quê nhà và đang tra hỏi. Sau này Omar sẽ biết tên gã. Gã là một sinh viên có biệt danh Mặt Thẹo. Với cây dùi cui trong tay và câu trích dẫn trên môi, ngày mai gã sẽ khiến cả Samarkand run sợ, nhưng hiện tại ảnh hưởng của gã chỉ nằm trong số những người trẻ tuổi bao quanh, và họ chú ý đến từng lời nói và cử chỉ của gã.
Chợt mắt gã loé sáng. Gã quay sang đám đệ tử, rồi đắc thắng quay về phía đám đông và la lên:
– Ôi Chúa ơi, sao tôi lại không nhận ra Omar cơ chứ, con trai của Ibrahim Khayyam ở Nishapur? Omar, ngôi sao của Khorassan, thiên tài của Ba Tư và Lưỡng Hà, hoàng tử của các triết gia!
Khi làm điệu bộ cúi đầu chào thật thấp, gã vẫy vẫy các ngón tay ở cả hai bên khăn vấn, thu hút được những tràng cười hô hố của người xem:
– Làm sao tôi không nhận ra chứ, kẻ đã sáng tác bài thơ tứ tuyệt rubai mộ đạo đầy thành kính như thế này đây:
Ngài làm vỡ bình rượu của tôi, Chúa ơi.
Ngài ngăn tôi khỏi con đường lạc thú, Chúa ơi.
Ngài làm đổ rượu hồng ngọc của tôi lên mặt đất.
Xin tha thứ cho tôi, Chúa ơi, nhưng có lẽ Ngài say rồi.
Omar tức giận lắng nghe, nhưng lo lắng. Cách khiêu khích này có thể là cái cớ gây án mạng ngay tại chỗ. Không phí một giây nào, anh đáp lại bằng một giọng to, rõ ràng để không ai trong đám đông bị lừa.
– Đây là lần đầu tiên tôi nghe được bài tứ tuyệt ấy từ miệng anh, người lạ à. Nhưng hãy nghe bài rubai này chính tôi thật sự sáng tác:
Họ không biết gì, họ cũng không muốn biết.
Những kẻ vô tri thống trị thế giới!
Nếu bạn không nằm trong số họ, họ gọi bạn là kẻ vô đạo
Mặc kệ họ, Khayyam, cứ đi con đường riêng của ngươi.
Đáng lẽ Omar không nên kèm theo cụm từ ‘những kẻ vô tri’ bằng một cử chỉ khinh miệt với đối thủ. Những bàn tay vươn ra túm lấy rồi giật mạnh chiếc áo choàng của anh, và nó bắt đầu rách. Anh loạng choạng, lưng va vào đầu gối ai đó rồi ngã xuống phiến đá lát đường. Bị đè bẹp dưới một bầy đàn, anh không chịu vùng vẫy để thoát ra mà cam chịu để y phục bị xé toạc, cả thân thể bị giầy xéo, phó mặc cho sự tê liệt của một nạn nhân chịu hiến tế. Anh không cảm thấy gì, không nghe thấy gì. Anh đóng cửa rút vào chính mình, bức tường bao quanh kín mít. Và anh coi mười người đàn ông mang vũ trang đến để làm gián đoạn cuộc hiến tế này là những kẻ xâm nhập. Trên những chiếc mũ phớt của họ có phù hiệu màu lục nhạt của ahdath, lực lượng dân quân của thị trấn Samarkand. Ngay khi nhìn thấy họ, những kẻ tấn công anh đã rời khỏi Khayyam, nhưng để biện minh cho hành vi của mình, họ hét lên, “Nhà luyện đan! Nhà luyện đan!’, để kêu gọi đám đông làm chứng cho họ.
Trong mắt các nhà chức trách, là một triết gia không phải là một tội ác, nhưng thực hành thuật luyện đan có thể bị tội chết.
– Nhà luyện đan! Người lạ này là một nhà luyện đan!
Tuy nhiên, trưởng đội tuần tra không có ý vướng vào cuộc tranh cãi.
– Nếu người này quả là một thuật sĩ luyện đan, – ông quyết định, – thì việc bắt giữ anh ta phải do ngài thẩm phán trưởng (qadi) Abu Taher.
Khi Jaber Cao Kều bị mọi người lãng quên, ông bò về phía quán rượu gần nhất và nhích từng chút một vào bên trong với quyết tâm không bước chân ra ngoài nữa, Omar gắng sức tự đứng dậy mà không cần ai giúp đỡ. Anh đi thẳng tới phía trước, trong câm lặng. Vẻ mặt khinh thị của anh che đi bộ y phục rách nát và khuôn mặt đẫm máu của anh như tấm mạng che mặt khiêm nhường. Trước mặt anh, những người dân quân cầm đuốc mở đường, theo sau là những kẻ tấn công anh, và sau đó nữa là nhóm những người xem hiếu kì.
Omar không nhìn thấy hoặc nghe thấy họ. Đối với anh, đường phố vắng vẻ, Địa cầu tĩnh lặng, bầu trời không một gợn mây và Samarkand vẫn là nơi thơ mộng mà anh mới khám phá ra vài ngày trước.
Anh đã đến đó sau một hành trình kéo dài ba tuần, không nghỉ ngơi chút nào, anh đã quyết định làm theo lời khuyên của những nhà du hành xưa. Đi lên, họ đã đề nghị, lên sân thượng của thành cổ Kuhandiz. Hãy nhìn kĩ xung quanh và bạn sẽ thấy chỉ có nước và cây cỏ, những luống hoa, những cây bách được những người làm vườn tinh tế nhất cắt tỉa theo hình dạng như những con bò, voi, lạc đà vạm vỡ hoặc những con báo trông như sắp vồ lấy. Thật vậy, ngay cả bên trong bức tường, từ cổng Tu viện, về phía Tây và cho đến Cổng Trung Quốc, Omar chưa bao giờ nhìn thấy những vườn cây ăn trái rậm rạp và những dòng suối lấp lánh như vậy. Tiếp theo, đây đó, một toà tháp bằng gạch mọc lên với mái vòm được đục chạm khắc bằng bóng tối, màu trắng tinh của bức tường gác chuông, và, ở ven một bờ hồ ấp ủ bên dưới những cây liễu rũ, một người bơi khoả thân xoã tóc nàng theo ngọn gió cháy bỏng.
Phải chăng đây là ảo cảnh về thiên đường mà người họa sĩ ẩn danh muốn gợi lên, người mà rất lâu sau này đảm nhận việc minh hoạ bản thảo của Rubaiyaat? Phải chăng đó là những gì Omar vẫn ghi nhớ khi anh bị dẫn đến khu Asfizar, nơi cư trú của Abu Taher, thẩm phán trưởng của Samarkand? Anh đang lặp đi lặp lại với chính mình, ‘Ta sẽ không ghét thành phố này. Ngay cả nếu cô gái đang tắm kia chỉ là một ảo ảnh. Ngay cả nếu thực tế trở nên lạnh lùng và xấu xí. Ngay cả nếu cái đêm mát rượi này sẽ là đêm cuối cùng của ta.’
________
[1] Thành phố lịch sử Samarkand, nằm như một ốc đảo bên dòng sông Zerafshan và có vị trí hết sức quan trọng trên Con đường Tơ lụa, là nơi giao thoa và giao lộ của các nền văn hoá trên thế giới. Được thành lập vào thế kỉ thứ 7 trước CN giống như Afrasiab cổ đại, Samarkand có những phát triển quan trọng, nhất là vào thời kì Timurid. (Tất cả chú thích trong sách đều của người dịch)
[2] Avicenna là tên Latinh hoá của Ibn Sina (sinh khoảng 980, mất 1037), nhà triết học quan trọng nhất của Islam và được xem là có ảnh hưởng nhất của thời kì tiền hiện đại. Sinh ra ở Afshana gần Bukhara ở Trung Á, ông được biết đến nhiều nhất với tư cách là y sĩ đa khoa, với tác phẩm y khoa Canon (al-Qanun fi'l-Tibb) được dùng làm sách giáo khoa ở Châu Âu và thế giới Hồi giáo suốt cho mãi đến thời kì đầu hiện đại. Tác phẩm triết học summa (tổng luận) của ông là Sách Chữa lành (al-Shifa') có ảnh hưởng quyết định đến chủ nghĩa kinh viện châu Âu và đặc biệt là đối với thánh Thomas Aquinas.